Một, Hai, Ba Những Cái Chết Bí Ẩn

Chương Hai (4)



VII

Japp treo ống nghe lên và ngoảnh cái mặt ngao ngán về phía Poirot.

– Ông Amberiotis, không biết gì lắm – ông nói – ông ấy không muốn tiếp ai chiều nay cả.

Rồi ông nói thêm:

– Này! Ông ấy sẽ vẫn phải gặp tôi… ông ấy có sai lầm là tưởng rằng ông ấy có thể phớt lờ tôi. Tôi có một người ở Savoy, sẽ theo dõi ông ấy, nếu ông ấy muốn dở trò với chúng ta.

– Ông tin rằng ông ấy đã giết Morley?

– Tôi chưa tin gì cả. Nhưng ông ấy là người cuối cùng đã thấy ông kia còn sống và ông ấy trước đây chưa bao giờ tới nhà ông kia cả. Theo lời ông ấy, ông ấy đã từ giã Morley vào lúc mười hai giờ hai mười lăm. Morley còn sống, ông nói, và hẳn là khỏe mạnh. Có thể đấy là có thực và điều ngược lại cũng có thể có. Nếu, vào lúc đó, Morley khỏe mạnh, thì chúng ta cần phải chứng minh điều đã xảy ra sau đó. Còn có năm phút để chạy đua trước cuộc hẹn tiếp theo. Trong năm phút ấy, người nào đó đã đến thăm ông ấy? Carter hoặc Reilly, chẳng hạn? Cần phải xem xét thật sát. Vì câu trả lời sẽ cho hoặc không cho phép chúng ta khẳng định rằng vào mười hai giờ rưỡi hoặc chậm nhất là vào một giờ kém hai mươi lăm, Morley đã chết. Điều mà tôi tin. Nếu không, ông ấy sẽ báo cho Alfred bằng cái điện báo, hoặc để cho cô Kirby lên hoặc sẽ báo cho cô biết rằng ông không thể tiếp nhận cô. Không, hoặc là người ta đã giết ông ấy, hoặc ai đó dã nói cái gì đó, bắt ông phải quyết định tự sát …

Ông liếc nhìn đồng hồ và nói tiếp:

– Tôi sẽ đi gặp tất cả những người mà Morley đã hẹn sáng nay. Có thể ông ấy đã nói với một trong những người đó một câu, câu đó sẽ cho chúng ta phương hướng tốt. Alistair Blunt đã cho tôi biết rằng ông ta có thể dành cho tôi vài phút vào bốn giờ mười lăm. Chúng ta sẽ bắt đầu bằng ông này. Tiếp theo, chúng ta sẽ có thể gặp cái cô Sainsbury Seale ấy, rồi đến Amberiotis, mà tôi chỉ muốn thuyết phục, khi tôi đã tập hợp được vài điều chỉ dẫn. Chúng ta sẽ kết thúc bằng ông người Mỹ ấy, người mà theo ông nói, có bộ mặt của một kẻ giết người.

Poirot mỉm cười và sửa lại.

– Sau khi suy nghĩ kỹ, ông ấy có chủ yếu là cái bộ mặt của một người đau răng.

– Kẻ giết người hoặc người tử vì đạo – Japp đáp lại – Ông Raikes gây hứng thú cho tôi. Cách ăn ở của ông ấy là kỳ cục, ít ra cũng có thể nói như thế… Vả chăng, tôi cũng muốn tìm hiểu tình hình qua bức điện mà cô Nevill nhận được; qua người chồng chưa cưới của cô… Nói tóm lại qua tất cả mọi người.

VIII

Alistair Blunt là người mà đại chúng ít biết đến. Ít là vì ông sống một cuộc sống yên lặng và ẩn dật, nhưng nhất là vì, trong nhiều năm, ông ấy đã là một ông quận công hơn là một ông vua.

Rebecca Sanserato thuộc giống họ Arnholt, lúc bé đến London, là một người đàn bà đã bốn mươi lăm tuổi, mà cuộc sống đã làm cho bà thất vọng hết sức. Bà thuộc dòng quý tộc Tiền bạc. Mẹ bà là một người thuộc dòng họ Rotherstein, cha bà điều khiển ngân hàng mang tên ông, là một ngân hàng lớn nhất ở Hoa Kỳ. Hai anh bà và một người anh họ đã chết trong một tai nạn máy bay. Rebecca đã thừa kế một gia sản rất lớn. Ít lâu sau ở châu Âu, Hoàng tử Felipe di Sanseverato, một tên đểu cáng có chức tước, mà phẩm hạnh xấu là người đã làm cho bà rất khổ sở. Việc ly hôn đã xảy ra từ năm thứ ba sau khi cưới.

Rebecca tự phải trông coi người con gái nhỏ sinh ra từ cuộc hôn nhân của họ. Đứa bé chết. Lúc đó người thiếu phụ quyết định chuyên tâm vào công việc làm ăn. Bà có nghề làm tài chính ở trong máu. Bà liên kết với bố mình và khi ông chết, thực tế bà thừa kế, đứng đầu mạng lưới các “cổ phần” mà ông trị vì khi còn sống. Bà đến ở London, và tại Claridge nơi bà ở, bà đã nhận một trong những người cộng tác trẻ của ngân hàng London, người phải đưa cho bà nhiều tài liệu khác nhau. Sáu tháng sau, mọi người được biết một cách sửng sốt rằng Rebecca Sanseverato lấy Alistair Blunt, một người kém bà những hai mươi tuổi.

Người ta đoán là có những lời diễu cợt. Các bạn gái của bà đã tuyên bố rằng Rebecca đã lú lẫn khi bà yêu. Bà đã chứng tỏ điều đó lần đầu tiên với Sanswerato, sau đó bà lại bắt đầu với anh chàng Blunt trẻ tuổi. Tất nhiên, anh này chỉ vì tiền của bà thôi, và bà sẽ đi tới một thảm họa mới.

Không có gì xảy ra cả. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, bà Rebecca sống hạnh phúc với người chồng thứ hai. Người nào nói rằng Blunt đã phung phí của cải của vợ ông thì họ đã nhầm. Ông yêu Rebecca và trung thành với bà. Mười năm sau khi vợ chết, ông vẫn không lấy vợ khác. Tài làm ăn của ông ta không kém tài làm ăn của bà vợ đã mất. Ông đã không bao giờ nhầm lẫn trong những sự phán đoán cũng như những dự kiến. Sự liêm khiết của ông ta là điển hình và với một sự khéo léo khác thường ông đã quản lý được những khoản lợi tức kếch sù mà các tập đoàn Arnholt và Rothnstein đại diện.

Blunt ít đi ra ngoài và sống giản dị, hầu như chỉ rời khỏi ngôi nhà ở London, một ngôi nhà tuyệt đẹp ở khu vực Chelsea Emhankmout, để đi chơi vài ngày với vài người bạn trong một ngôi nhà ở nông thôn, lúc thì ở Kent, lúc thì ở Norfolk. Ông thích chơi đánh gôn, nhưng chơi kém, và quan tâm đến nghệ thuật làm vườn.

Thanh tra trưởng Japp và Hercule Poirot được đưa vào trong một phòng khách lộng lẫy và tiện nghi, nơi mà Alistair Blunt đến gặp họ ngay sau đó.

Japp giới thiệu bạn mình.

– Tôi biết thanh danh ông, ông Poirot – Blunt nói – nhưng hình như tôi đã gặp ông ở đâu đó, cách đây không lâu lắm.

– Đừng tìm kiếm – Poirot trả lời – Chính là sáng nay ở trong phòng chờ của ông Morley đáng thương.

– Quả thế! – Blunt kêu lên – Tôi biết rằng tôi đã gặp ông.

Ông ấy ngoảnh về phía Japp.

– Tôi có thể giúp ích gì cho ông? – Ông ta hỏi – Tôi lấy làm ngao ngán khi nghe tin Morley chết.

– Và ngạc nhiên?

– Rất ngạc nhiên! Hẳn là, tôi ít biết ông ấy, nhưng theo tôi, ông ấy tỏ ra không phải là con người để tự sát.

– Sáng nay, ông vẫn thấy ông ấy khỏe mạnh và vui vẻ phải không?

– Trời ơi, đúng thế.

Nở một nụ cười, Alistair Blunt nói thêm:

– Nếu cần nói với ông tất cả sự thật, thì tôi thú nhận với ông rằng tôi sợ kinh khủng nha sĩ và cái khoan răng ghê tởm mà ông ấy đưa đi đưa lại ở chỗ trong cùng của răng. Cho nên, khi tôi vào trong phòng của ông ấy, tôi không chú ý gì mấy. Nhưng khi xong rồi, khi tôi sắp rút lui được, thì lại khác. Không, tôi nhắc lại với ông, sáng nay, Morley luôn luôn giống như trước đây. Dễ chịu và khẩn trương…

– Trước đây, ông có thường gặp ông ấy không?

– Đây là lần thứ ba hoặc thứ tư. Cho đến năm ngoái, tôi chưa có những điều phiền toái với những cái răng của tôi.

– Ai đã giới thiệu ông Morley với ông? – Poirot hỏi.

Blunt chau mày, cố gắng nhớ lại.

– À, khi tôi có một chiếc răng làm tôi lo lắng, thì một người nào đó đã nói với tôi rằng, ông Morley ở đường Hoàng hậu Charlotte là một nha sĩ lỗi lạc. Nhưng có điều là tôi không thể nói rằng ai… Tôi lấy làm tiếc.

– Nếu ông nhớ ra tên của người đó – Poirot nói – thì mong ông vui lòng cho tôi biết được không?

Alistair Blunt nhìn Poirot với vẻ ngạc nhiên.

– Tôi sẽ không quên – ông trả lời – chi tiết này có lợi ích gì?

– Có thể – Poirot nói – Tôi nghĩ rằng nó có thể rất quan trọng.

Japp và Poirot rời khỏi nhà của nhà tài chính, đi xuống thềm, đứng lúc một xe ôtô dừng lại bên vỉa hè. Đấy là một chiếc xe thể thao do một người thiếu phụ lái, cô này đã phải làm một cuộc thể dục cần cù và đáng khen để ra khỏi xe một cách khó khăn. Hai người đã đi xa. Khi cuối cùng cô buộc phải lên tiếng nhờ vả. Cô gọi họ bằng một tiếng “Này” inh ỏi.

Họ cứ tiếp tục di, không tưởng tượng được rằng đấy là tiếng cô gọi họ. Cô lại gọi.

Lần này, họ dừng lại và quay lại nhìn. Cô gái đi tới trước họ. Cao lớn, mảnh khảnh, tóc màu nâu, da rám nắng, cô có một khuôn mặt không đẹp, nhưng thông minh và có nghị lực.

– Tôi biết ông – cô nói với Poirot – Ông là Hercule Poirot, nhà thám tử.

Giọng nói của cô nghiêm trang và ấm, với chút ít giọng Mỹ.

Poirot nghiêng mình một cách lịch sự và trả lời câu hỏi của cô gái, ông giới thiệu thanh tra.

Cô mở to mắt, mà ở đấy Poirot tin là nhận thấy được sự sợ sệt và cô hỏi bằng một giọng tức thở:

– Các ông đến làm gì ở đây?… Tôi hi vọng… rằng không có gì xẩy đến cho chú Alistair?

– Tại sao cô lại nghĩ rằng có thể xẩy đến cho ông ấy việc gì đó? – Poirot nói mạnh mẽ.

– Không có gì đã xảy ra cho chú ấy? Tất cả đều tốt?

Japp đặt lại câu hỏi của Poirot theo ý ông:

– Tại sao, cô?…

Cô nói, gần như một cái máy:

– Olivera, Jane Olivera.

– Tại sao, cô Olivera, cô nghĩ rằng có thể đã xảy ra điều gì đó cho ông Blunt ?

Cô cười một nụ cười có vẻ giả dối và trả lời:

– Khi người ta gặp những người cảnh sát trên ngưỡng cửa cửa một ngôi nhà, mặc dù không muốn, người ta tự nói rằng có những quả bom ở trong kho thóc… Chính chú tôi đã bảo gọi các ông?

Câu hỏi là để hỏi Poirot, nhưng Japp đã trả lời.

– Không phải. Chính chúng tôi đã muốn gặp ông ấy. Về vấn đê một vụ tự tử đã xảy ra sáng nay.

– Một vụ tự tử?

– Vâng. Vụ tự tử của ông Morley, nha sĩ, ở 58 đường Hoàng hậu Charlotte.

Mặt cô đã tái xanh. Cô đứng im một vài giây, nhìn thẳng trước mặt cô, lo lắng, rồi cô nói, một cách bất ngờ.

– Nhưng thật là ngớ ngẩn!

Rồi, quay gót đột ngột, cô bỏ đi không câu nệ, leo lên thềm, vừa leo vừa chạy và vào trong nhà mà cô có chìa khóa.

Japp rất ngạc nhiên, nhìn sự rút lui ấy giống như một sự chạy trốn.

– Một phản ứng lạ lùng – cuối cùng ông nói.

– Lạ lùng – Poirot nói – nhưng cũng lý thú.

Japp thở phì phì, nhìn đồng hồ và gọi một chiếc taxi đi qua.

IX

Cô Sainsbury Seale ngồi uống chè trong phòng lớn được thắp sáng dịu của khách sạn Glengowrie Court.

Sự xuất hiện một sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục khuấy động cô chút ít, nhưng không làm cô bực mình. Poirot nhận thấy một cách buồn phiền rằng cái vòng ở một chiếc giầy của cô ta luôn luôn thiếu.

– Thực ra, thưa ông sĩ quan – cô nói với giọng êm dịu vừa đưa mắt nhìn quanh cô – tôi không biết chúng ta sẽ ngồi ở đâu cho yên lặng. Đấy là giờ uống chè rồi, phải không? Sự thực, tôi muốn mời ông và… bạn ông một chén chè được không?

– Không, xin cảm ơn cô – Japp nói – Tôi xin giới thiệu với cô ông Hercule Poirot.

– Thực là ông không muốn vui lòng nhận một chén chè? Thế thì, chúng ta sẽ có thể đến phòng khách, mặc dù vào giờ này, ở đấy thường lắm khách… Này, trong góc nhỏ ở phía kia. Người ta đang đi ra…

Nơi ấy, một ô nhỏ hình bốn cạnh lùi vào hình như tương đối yên tĩnh. Đi qua trước mặt họ, cô chỉ đường cho hai người. Trên đường đi, Poirot nhặt lấy một cái đai và một cái khăn mùi xoa mà cô đánh rơi và ông đưa lại cho cô khi cô ngồi xuống.

– Xin cảm ơn, và mong ông thứ lỗi cho – cô nói – Tôi mất trật tự lắm. Và bây giờ, ông thanh tra – hoặc đúng hơn, ông thanh tra trưởng, phải thế không? Tôi đề nghị ông đặt cho tôi những câu hỏi mà ông muốn. Cái vụ này thảm hại lắm. Cái ông Morley đáng thương ấy. Tôi giả thiết rằng có cái gì đó đã làm cho ông ta bứt rứt. Chúng ta đang sống trong những giờ phút khó khăn quá.

– Cô Sainsbury Seale, sáng nay, cô thấy ông ấy có vẻ lo lắng phải không?

Cô nghĩ một lúc.

– Trời ơi – cuối cùng cô nói – tôi không khẳng định như thế nào về điều đó. Tôi không thể nhận xét bất kỳ một cái gì cả. Tôi chưa bao giờ nổi bật khi vào trong phòng của một nha sĩ.

Cô cười rúc rích, và làm duyên, cô lấy bàn tay vỗ vỗ vào những món tóc xoăn của mình mà Poirot vừa nhận thấy rằng chúng giống như những tổ quạ.

– Cô có thể nói cho biết – Japp yêu cầu – những người nào đã có mặt cùng cô ở trong phòng đợi?

– Này… Khi tôi đến, đã có một người thanh niên ở đấy. Anh ấy phải đau kinh khủng, vì tôi không biết anh ấy nói rì rầm gì ở trong miệng. Anh ấy có vẻ dằn lòng một cách vất vả và bằng một ngón tay bồn chồn anh lật các trang của một cuốn tạp chí mà hình như anh ta không có thể đọc. Đột nhiên, anh ta đứng phắt dậy và đi ra.. Vâng, anh ta phải đau thực sự.

– Cô có biết anh ta đi đâu không? Anh ta có rời ngôi nhà không?

– Tôi không có một ý niệm nào cả. Tôi nghĩ rằng anh ta tự bảo rằng anh ta không thể chờ lâu hơn nữa và anh ta phải gặp nha sĩ ngay tức khắc. Nhưng không phải anh ta đi tìm ông Morley vì chỉ vài phút sau khi anh ta đã đi ra, người phục vụ tới tìm tôi để đưa tôi vào buồng của ông Morley.

– Cô có trở lại phòng đợi trước khi về không?

– Không. Tôi đã sửa lại tóc và đội lại mũ ngay ở trong phòng của ông Morley. Tôi biết rằng có những bà bỏ mũ lại trong phòng đợi, nhưng tôi chưa bao giờ làm điều đó. Một trong những bà bạn của tôi, có thói quen đáng tiếc ấy, nên có hôm, đã tìm thấy lại mũ của mình trong một tình trạng thảm hại. Ai đó, chắc chắn là một đứa bé, đã ngồi lên trên đó. Và đấy là một chiếc mũ mới.

– Một thảm họa thực sự – Poirot nói lịch sự.

– Chính bà mẹ mới là đáng trách – cô Sainsbury nói tiếp – Cần phải giám sát con. Chúng không có ý xấu. Chỉ có điều là người ta không chú ý đến điều mà chúng làm…

Japp đưa câu chuyện đến chủ đề mà mình quan tâm.

– Người thanh niên đau ấy – ông hỏi – là người bệnh duy nhất mà cô đã chú ý trong quá trình đi khám bệnh?

– Vâng. Trừ cái ông đi xuống các bậc thềm đúng vào lúc tôi đến. Ông ta bỏ đi. Đấy là một ông có dáng đi kỳ cục, có vẻ là một người nước ngoài.

Japp húng hắng ho.

– Đấy là tôi – Poirot nói với giọng rất đường hoàng.

– Trời ơi! – Cô Sainsbury Seale kêu lên, vừa nhìn chòng chọc vào con người nhỏ bé – Xin ông thứ lỗi cho tôi. Tôi bị cận thị nhiều và trong tầng trệt này rất tối. Tôi có một trí nhớ về diện mạo rất tốt, nhưng phải thú nhận rằng ở đây tôi không thấy gì hết. Xin ông đừng có giận tôi.

Sau khi Poirot trấn an cô Sainsbury Seale, Japp hỏi một câu hỏi mới.

– Thưa cô, cô có chắc rằng trước mặt cô, ông Morley đã không nói bóng gió đến một cuộc nói chuyện chán ngắt mà ông phải có trong buổi sáng ấy.

– Tuyệt đối chắc.

– Ông ấy đã không nói với cô về một người bệnh tên là Amberiotis?

– Không. Ông ấy chỉ nói những từ mà các nha sĩ bắt buộc phải nói khi họ săn sóc người bệnh.

Những câu nói ngắn ấy, Poirot đã nghe: “Đề nghị ông vào súc miệng. Há miệng rộng thêm một chút. Tôi không làm ông đau”.

Nhưng Japp đã thông báo cho cô Sainsbury Seale biết chắc chắn là cô phải làm bản khai cho một cuộc điều tra. Cô đã tỏ ra quen với ý nghĩ này, ý nghĩ trước hết đã làm cho cô lo sợ. Một câu hỏi của Japp sau đó đã đưa cô đến chỗ kể ra lịch sử của đời mình.

Từ Ấn Độ trở về sớm hơn sáu tháng, sau khi đã ở trong nhiều khách sạn khác nhau và thử nhiều quán trọ, cô đã ở hẳn tại khách sạn Glengowrie Court mà không khí gia đình ở đây làm cho cô thích. Ở Ấn Độ, chủ yếu cô đã sống ở Cancutta, làm việc cho nhiều công cuộc truyền giảng và cũng cho những bài đọc.

– Nói tiếng Anh rất thuần, không pha trộn và phát âm một cách không chê vào đâu được, đấy, theo tôi, là một việc chính – cô giải thích, vẻ vênh váo – Tôi phải nói rằng, khi còn trẻ, tôi làm ở rạp hát. Tôi chỉ đóng những vai nhỏ trên sân khấu tỉnh lẻ, nhưng tôi có những tham vọng lớn. Tôi thích diễn những vở cổ điển. Cuối cùng tôi thực hiện một chuyến vòng quanh thế giới: Shakespeare, Bernard Show…

Sau một tiếng thở dài cố ý, cô tiếp tục:

– Với chúng tôi, những người phụ nữ đáng thương, cái tai họa chính là quá tin. Chúng tôi phó mặc cho nó. Tôi đã lấy chồng, không suy nghĩ, chúng tôi ly hôn hầu như ngay sau đó. Tôi đã thất vọng hết sức. Tôi dã lấy lại tên hồi con gái cửa mình, và chính khi đó, nhờ vào số vốn mà một người bạn đã giúp cho, tôi đã mở một lớp dạy cách đọc. Tôi đã góp phần mạnh mẽ vào việc tạo ra một đoàn tuyệt vời gồm những diễn viên hài kịch tài tử. Tôi cần phải đưa cho ông xem những bản chỉ dẫn…

Japp biết có nguy hiểm. Ông tuyên bố từ giã.

Khi ông từ biệt, cô Sainsbury Seale lưu ý ông về một điểm cuối cùng:

– Nếu chẳng may, tên tôi phải xuất hiện trên các báo hàng ngày, như là một ngừời làm chứng, chẳng hạn, yêu cầu ông bảo đảm viết thật đúng chính tả. Mebelle Sainsbury Seale, Mabelle, hai L, E và Seale, S,E, A, L, E. Tất nhiên, nếu điều đó đụng tới việc phải nhắc lại là tôi đã xuất hiện trong vở “Cứ việc làm”, trên sân khấu cửa rạp hát Oxford Repertory…

Japp phải tìm một chỗ ẩn nấp trong cuộc chạy trốn.

Trong xe taxi, ông thở dài nhẹ nhõm và chấm mồ hôi trán.

– Nếu cần thiết – ông nói – chúng ta sẽ không có khó khăn gì trong việc kiểm tra lại lời nói của cô ấy. Nếu cô không kể cho chúng ta những câu chuyện từ đầu đến cuối, điều mà tôi không tin…

– Những người nói dối – Poirot nói thêm – không cho nhiều chi tiết như thế, và những câu chuyện của họ đứng vững hơn.

– Tôi e rằng cô ấy từ chối cuộc điều tra – Japp nói tiếp – Nói chung, những bà cô rất sợ những chuyện thuộc loại này. Nhưng sự kiện mà cô đã đóng hài kịch trước đây đã thuyết phục cô chấp nhận hầu như không chút do dự. Là một ngôi sao ở đâu đó, đấy là một sự cám dỗ mà cô sẽ không cưỡng lại.

– Thực sự ông cho là cần cô ấy ở cuộc điều tra?

– Tôi chưa biết. Điều đó sẽ tùy. Dù thế nào đi nữa, hơn bao giờ hết, tôi tin chắc vào điều đó. Poirot, không phải là một vụ tự tử.

– Và động cơ?

– Chưa có một ý niệm gì trong lúc này. Ai biết được rằng trước đây Morley đã không bị con gái của Amberiotis quyến rũ?

Poirot thử hình dung Morley đóng vai những công tử phong lưu bên cạnh một cô gái Hy Lạp xinh đẹp có đôi mắt to mở rộng… Bức tranh thiếu cái có thể thực và Poirot nhắc lại với Japp rằng Reilly đã nói với họ rằng người cộng tác với ông không biết lợi dụng những niềm vui của cuộc sống.

– Tôi biết – Japp nói – Nhưng, trong khi đi tuần tra, tất cả đều có thể xảy ra. Vả chăng, chúng ta sẽ biết rõ hơn khi chúng ta ba hoa với công dân Amberiotis.

* * *

Ở Savoy, anh nhân viên làm việc tiếp nhận đã nhìn chòng chọc vào Japp một cách khá đặc biệt khi người cảnh sát yêu cầu anh báo tin cho ông Amberiotis.

– Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông – anh ta nói – nhưng tôi e rằng ông không thể gặp ông Amberiotis.

– Anh đã lầm to! – Japp đáp lại bằng giọng cụt ngủn.

Đồng thời, hé mở cái ví của mình, ông đã để người nhân viên thoáng thấy giấy chứng nhận tư cách của ông.

– Thưa ông, ông đã không hiểu tôi – anh nhân viên nói tiếp – Ông Amberiotis đã chết cách đây nửa giờ.

Đối với Hercule Poirot đấy như là một cái của đã đóng lại.

Nhẹ nhàng, nhưng quyết định.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.