Một mình ở châu Âu

Chương 07



Paris, ngày…

Tôi đã quyết định rằng từ chủ đạo cho ngày hôm nay là “trèo”. Sáng nay, trở lại Nhà thờ Đức Bà (lần thứ mấy nhỉ?). Tôi đã trèo hơn 300 bậc đá để lên tháp chuông. Chiều tối nay, ở bảo tàng Pompidou ra, tôi thấy từ này càng chính xác.

Để vào bảo tàng Mỹ thuật bên trong Popidou Center, phải trèo một cái cầu thang rất dài bên ngoài để tới tầng bốn. Bước vào trong, cái đầu tiên đập vào mắt tôi là một tấm canvas trắng mỗi chiều vài mét, trên đó hình như ai đã sơ ý đánh rơi một xô lớn đựng sơn xanh da trời, khiến cho sơn xanh tung tóe trên bề mặt. Bên cạch tôi, một cô gái, lúc này đang đứng nhìn bức tranh, thì thầm với người bạn trai”

“Thế này mà gọi là nghệ thuật á? Em nhắm mắt cũng làm được như thế.”

Phải rồi, tôi cũng vừa thoáng nghĩ như vậy mặc dù ngay sau đó, cái ý thức mới hình thành của người viết bảo tôi rằng tôi lại sa vào cái bẫy phán xét theo quán tính của một người ngoài. Với tư cách là một người ngoài, tôi có thể nói tôi thích hoặc không thích một tác phẩm nghệ thuật, tôi thậm chí hoàn toàn có quyền nhận xét nó hay hay dở; nhưng nói “dễ” thì có lẽ phải bắt tay vào làm mới biết. Mà kể cả khi bắt tay vào rồi, tôi chỉ thực sự biết nếu tôi muốn vượt qua bản thân, muốn trèo tới đỉnh. Giống như hôm nay, phải thực sự trèo hơn 300 bậc thang Nhà thờ Đức Bà sau cả một ngày đi bộ lang thang khắp Paris, tôi mới phát hiện ra mình có thể mắc chứng claustrophobia khi phải đi vòng vòng liên tục trong một cầu thang xoáy trôn ốc với những bậc đá chỉ vừa đủ đặt một bàn chân. Và khi lên tới nơi rồi, nhìn Paris trải ra bên dưới, và bất lực trong việc dùng máy ảnh để bắt lại cái nhìn thấy bằng mắt, tôi hiểu là nhiếp ảnh, cũng như tất cả mọi thứ khác trên đời, đều khó khi người ta muốn thực sự lên đến đỉnh.

Quay trở lại với Pompidou. Thực sự, tôi không hiểu gì về hội họa; tôi chỉ biết thích hoặc không thích mà thôi; và nếu phải xếp thứ tự các bảo tàng nghệ thuật cho đến nay, thì tôi sẽ xếp Pompidou trước Orsay, rồi mới đến Louvre. Ngay lúc này, tôi có thể khẳng định rằng tôi thích Pompidou hơn Louvre. Tranh ở Louvre và Orsay vẫn là dạng tranh “minh họa” cảm giác “bội thực” và “ngột ngạt”. Còn ở Pompidou không có sự “minh họa” nào cả. Nó là cảm giác và ý nghĩ thông qua khâu trung gian, không cần phiên dịch hay diễn dịch, không có phóng chiếu và ước lệ. Chúng là máu thịt của ý tưởng sống động, tươi nguyên, mạnh mẽ, cá nhân, điên rồ, chuếnh choáng, không che đậy, không thanh minh, không bao biện. Chúng cứ thế tràn ra. Quá nhiều cá tính. Quá nhiều đời sống. Quá nhiều tự do.

Ở bên phải của bảo tàng Pompidou có một phim tài liệu ngắn về Jackson Pollock. Tất cả những gì ông làm, nhìn từ bên ngoài chỉ là nhẩn nha đi đi lại lại (miệng ngậm thuốc), vẩy vẩy màu hoặc nhỏ màu (dripping) lên canvas. Nhưng Pollock nói rằng ông hoàn toàn làm chủ cái việc vẩy màu đó không có cái gì là “accident” bởi vì “mỗi bức tranh có một đời sống riêng của nó, tôi chỉ cố gắng để nó lộ ra”. Hôm trước, Rodin cũng nói tương tự như vậy trong phim tài liệu. Nghĩ mà xem, Rodin làm việc trên đá, chỉ bằng một cái búa và một cái đục. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn chưa hết kinh ngạc mỗi lần nghĩ đến cái sự thật ngớ ngẩn này. Điêu khắc – dĩ nhiên rồi, phải làm việc trên đá, trên đất. Nhưng phải nhìn Rodin cầm búa đẽo từng miếng đá cứng, nhìn bụi đá bay ra… và rồi nhìn sự nhẵn nhụi, hoàn hảo – hơn hết là cảm giác sensual sống động của những bức tượng như The Eternal Idol, The Kiss, hay Despair… thì mới biết “điêu khắc” không hề dễ mặc dù Rodin nói rất đơn giản: “trong mỗi khối đá đều có săn một bức tượng, điêu khắc chỉ là công việc loại bỏ đi những phần thừa để bức tượng lộ ra”.

Biết cái gì là thừa để loại bỏ đi là một việc không hề dễ dàng. Mà không, tôi sẽ không nói một câu đãi bôi như thế. Tôi sẽ nói: biết cái gì thừa để mà loại bỏ là một việc khó. Có thể là theo những con đường khác nhau, bằng những cái thang khác nhau, tất cả loài người nói chung và người làm nghệ thuật nói riêng đều chỉ đang trèo lên cùng một đỉnh núi. Chính cái ý nghĩ này làm cho tôi thấy mình thoải mái khi ở trong Pompidou chứ không thấy xa lạ như ở Louvre. Đứng giữa một bên là Joan Mitchell cố gắng diễn tả những giấc mơ thời thơ ấu và một bên là Sam Fracis vẽ lại những bông waterlilies nổi tiếng của Monet theo phong cách hiện đại, tôi có thể cảm thấy rõ phía sau những bức tranh là những con người thật, là những ý nghĩ và tình cảm thật. Hơn thế, dường như có một dạng tình bằng hữu ngầm giữa tất cả những người đứng phía sau các tác phẩm nghệ thuật. Đấy là tình bằng hữu của những người cùng muốn theo đuổi sự thật.

Cuộc sống của những người này có bao giờ dễ dàng!

Ở Pompidou ra lúc 9 giờ tối, đói run tay, tôi ghé vào một quầy bán dạo ở ngay bên ngoài bảo tàng để mua một cái bánh mỳ kẹp. Đang đứng chờ người bán hàng nướng lại bánh mỳ, tôi nghe phía sau lưng:

“Ní hảo.”

Quay đầu lại: một người đàn ông đang ngồi trên một chiếc ghế nhỏ, mỉm cười với tôi. Một người vẽ ký họa chân dung ở trước bảo tàng cho khách qua lại. Ông ta khoảng ngoài bốn mươi, khuôn mặt giống người Ý hơn là người Pháp: da ngăm đen, mắt đen, tóc đen, “nam tính” toát ra mạnh mẽ. Nghĩ đến chuyện người bán sách hôm qua và lại đang đói, muốn về nhà, nên tôi lắc đầu “No ní hảo” rồi quay người đi. Nhưng tôi chỉ quay được nửa người vì ông ta đã nói bằng giọng nói như thể một bàn tay nắm vào khuỷu tay tôi mà giữ lại:

“No ní hảo?”

Tôi lại phải quay lại, lắc đầu một lần nữa:

“No ní hảo! Tôi không phải người Trung Quốc.”

Đáp lại khuôn mặt và cái lắc đầu của tôi là một câu tiếng Anh rất chuẩn:

“Mademoiselle, em có đôi môi thật đẹp. Với tư cách là một họa sĩ, tôi phải nói rằng em có đôi môi thật đẹp.”

Từ hôm qua đến giờ, tôi vẫn thỉnh thoảng nghĩ lại câu chuyện về người bán sách và câu chuyện Sarah kể về người đàn ông trong công viên. Và càng nghĩ, tôi càng cảm thấy vừa buồn vừa giận. Tưởng tượng xem, dường như có một đội quân những người đàn ông đứng tuổi hứng tình, đang âm thầm tỏa đi khắp Paris với sứ mệnh là lừa phỉnh các cô gái đi du lịch một mình nhằm biến những kỷ niệm về Paris của họ thành một tập hợp những câu chuyện rẻ tiền và lãng nhách. Thật là một sự lăng mạ lớn cho Paris và cho những người phụ nữ.

Và bây giờ thì một chiến binh trong cái đội thánh chiến đó đang ngồi trước mặt tôi, vừa mỉm cười mơn trớn vừa tuyên bố rằng tôi có “đôi môi đẹp”. Tôi rất muốn bảo ông ta “Monsieur, xin ông cút đi với quỷ và để Paris với tôi được yên”. Nhưng tôi lại chỉ nói:

“Cám ơn sự tán dương của ông nhưng tôi phải đi đây. Au revoir.”

Y như người bán sách hôm qua, monsieur này không hề quan tâm tới việc tôi phải đi cũng như khuôn mặt không hề thân thiện của tôi. Monsieur nói:

“Không không, đây không phải là sự tán dương, tôi chỉ đang nói sự thật bởi vì đó là sự thật và bởi vì tôi là một họa sĩ. Với tư cách một họa sĩ, tôi phải nói rằng em có đôi môi thật đẹp.”

Monsieur này nói tiếng Anh khá chuẩn, mặc dù vẫn có accent – nhưng không hoàn toàn là accent của người Pháp. Trong lúc tôi còn đang tần ngần cố nghĩ ra một cách gì đó thật bạo lực để chấm dứt cái màn tán tỉnh lỗ mãng này, tôi nghe monsieur nói với một vẻ hết sức thành khẩn:

“Em có thể làm mẫu cho tôi vẽ không? Tôi muốn vẽ em.”

Tôi cười:

“Và sau khi làm mẫu cho ông, chắc là tôi sẽ phải đưa ông mấy đồng; tôi nói có đúng không?”

Monsieur không hề có vẻ mếch lòng. Thay vì thế, monsieur hỏi tôi:

“Em có phải là một nhà khoa học không?”

“Không, có thể một ngày nào đó tôi sẽ, nếu tôi may mắn.”

“Tôi là một nhà khoa học,” monsieur tuyên bố trịnh trọng.

“Vậy sao?” tôi nói. “Chúc mừng ông.”

Monsieur quan sát nét mặt của tôi một lúc, rồi không nói không rằng lục túi lấy ra một tấm danh thiếp.

“Đọc đi!” Monsieur nói mát mẻ.

Đấy là một cái danh thiếp được làm sơ sài bằng bìa mềm. Nền màu xanh da trời, hình như loáng thoáng có vài ngôi sao màu trắng. Không có trang trí gì khác, không có biểu tượng tổ chức, cơ quan, hiệp hội nghệ sĩ gì. Ở góc trái phía trên của các-vi-zít chỉ có tên Paul gì đó… in rất to. Và bên dưới là dòng chữ tiếng Anh:

“Owner of the 5th dimension of the universe expansion theory”

(Chủ nhân của học thuyết về sự giãn nở chiều thứ năm của vũ trụ [39])

[39] Hoặc là “Chủ nhân chiều thứ năm trong học thuyết giãn nở vũ trụ” – thực sự tôi cũng không chắc người đàn ông này làm chủ cái nào.

“Damn! Thật là thiên tài” tôi nghĩ; và phải cố gắng lắm mới không buột miệng cười. Tôi sợ rằng chỉ cần tôi buột miệng cười, tôi sẽ không bao giờ dừng lại được. Tôi hỏi monsieur liệu tôi có thể hân hạnh giữ một tấm danh thiếp của monsieur để còn google về lý thuyết giãn nở vũ trụ của monsieur trên mạng. Nghe đề nghị này, monsieur lập tức rút tấm danh thiếp từ tay tôi và đút ngay vào trong ví. Monsieur nói đầy hờn dỗi:

“Không, tôi không thể đưa cho em vì em không tin tôi.”

“Xin lỗi,” tôi nói. “Tôi có thể sai, nhưng tôi có quyền nghi ngờ, đúng không?”

Monsieur ném vào tôi một cái nhìn sắc lạnh:

“Em có tin tôi là nhà khoa học không? Em có tin không? Hử!”

Lúc này, bánh của tôi cũng đã nướng xong rồi, và thấy không nên mất thời gian ở đây, tôi nói rằng tôi phải đi. Nhưng monsieur đã cầm tay tôi bằng cả hai tay:

“Tôi là một nhà khoa học,” monsieur nói. “Em có tin tôi là nhà khoa học không? Hử? Có tin không?”

“Vâng, tôi tin. Ông là nhà khoa học,” tôi rút tay ra. “Au revoir”

“Au revoir.”

Tôi thừa nhận rất có thể mình vừa mới có một hành vi rất khiếm nhã vì monsieur có thể là nhà khoa học kiêm nghệ sĩ thật sự. Nhưng tôi không thể cáng đáng nổi sự cả tin của mình trong trường hợp này.

Sau 9 giờ, nắng đã tắt và bóng tối bắt đầu xuống nhanh nhưng trên Rue des Archives, buổi tối dường như mới chỉ bắt đầu. Lần đầu tiên tôi nhận ra khu Marais của Paris thực sự là khu vực của người Do Thái và đồng tính luyến ái. Các đôi tình nhân nam nắm tay nhau đi lại trên phố rất tự nhiên; mỗi khi gặp người quen lại đứng lại bisous thân mật. Họ ăn mặc rất có style, không cố tình lòe loẹt hoặc ồn ào kiểu các drama queen để khẳng định giới tính của mình như dân đồng tính Mỹ, thường là desiger jean với jacket mỏng gam lạnh, mang khăn.

Lúc rời Pompidou, tôi đã mệt, định về nhà; nhưng rồi chỉ đi bộ đến Rue des Archives và Rue de Sainte-Croix-De-La-Bretonnerie, tôi lại có cảm giác như được sống lại. Đây là cái khác biệt của Paris, hoặc ít nhất là của khu trung tâm. Thành phố này có cách để nâng bạn lên và đỡ bạn đi khi bạn mệt, theo một cách rất ân cần. Vậy là tôi đứng lại ở một góc phố quan sát người qua lại cho đến lúc trời đổ mưa.

Chiều hôm qua, trên đường về từ vườn Luxembourg, tôi đi qua mấy phố ngách phía sau điện Pantheon và phát hiện ra mấy thứ nho nhỏ:

– Có một tiệm phở Việt Nam mang tên Tây Đô trên phố Rue de L’Ecoles.

– Có một cái vườn nhỏ rất đẹp ở góc phố Rue Monge… Trong vườn có những bức tượng và những ghế băng tuyệt đẹp, cộng với rất nhiều bóng râm và cây leo trên tường. Một nơi lý tưởng để nghỉ chân và đọc.

– Có một cửa hàng nhạc jazz trên cái phố nhỏ cạnh nhà thờ Thánh Gienevieve – nữ thánh bảo hộ của Paris. Cửa hàng có rất nhiều đĩa CD và một cái poster lớn đề dòng chữ “Jazz không chết ở Paris”. Không biết jazz chết ở Paris bao giờ! Thực tế là Paris khiến tôi nghĩ đến nhạc jazz rất nhiều, cũng như Paris làm tôi nghĩ đến những bức tranh của trường phái Ấn tượng. Nhịp điệu của Paris và tinh thần của thành phố này rất hợp jazz, nhất là khu Latin và Marais.

– Trên phố Rue des Bernardin lại có một nhà thờ cổ tuyệt vời nữa theo kiến trúc Gothic.

– Ở phía sau Nhà thờ Đức Bà có một quảng trường gọi là Thánh Jean XXIII. Một lần nữa: tuyệt đẹp.

Đẹp, đẹp, tuyệt đẹp. Tôi bắt đầu hết từ để tả Paris rồi.

Ngày mai là thứ Sáu. Trời ơi, tôi nói như thể tôi quan tâm ngày mai là thứ mấy vậy.

Paris, ngày…

Cách đây năm phút, tôi gần như đã ghét Paris khi cô gái gác cổng Đại học Sorbonne trên phố Thánh Jacques đã trả lời đề nghị được vào thăm trường của tôi bằng một từ “Non!” và vẻ mặt khinh khỉnh.

Nhưng tôi không bỏ cuộc; tôi đi vòng sang cổng khác và ở đây, người gác cổng da đen đã cho tôi vào sau khi hỏi tôi vào làm gì và tôi nói tôi là sinh viên ở Chicago, tôi muốn vào thăm trường, và anh ta nói “Tôi ghét đội Chicago Bulls [40], tôi thích Michael Jordan nhưng giờ anh ấy ngủ rồi”, và tôi đã trả lời “Nhưng Chicago còn có nhiều thứ khác, nhất định anh phải thích một cái gì đó chứ… đội White Sox [41] chẳng hạn?”; và anh ta phá lên cười “OK, vào đi”. Và giờ thì tôi đang ngồi trên một cái ghế đá trong khoảng sân hình chữ nhật lát đầy đá cổ, đối diện với hai pho tượng: Louis Pasteur và Victor Hugo. Ở Paris, đi đến đâu cũng có bóng dáng Hugo và vì thế mà tôi càng cảm thấy mình thuộc về Paris. Thành phố này có một chỗ cho tôi – nếu không phải giữa những người Paris thì là giữa Paris đầy Hugo; đấy là một mối tình không cần nói thành lời.

[40] Đội bóng rổ Chicago nổi tiếng, có Michael Jordan.

[41] Đội bóng chày ở phía Nam thành phố Chicago, niềm tự hào của người da đen ở Chicago.

Nhưng quả thực, tôi đã suýt ghét Paris khi cô bảo vệ trường Sorbonne từ chối cho tôi vào trong. Nghĩ cho kỹ, cũng không thể trách cô ấy được. Cái mầm mống cơn chán ghét của tôi thực ra có bóng dáng một sự thất tình/ghen tuông và nó đã bắt đầu từ đêm qua, và lỗi là do tôi cả.

Đêm qua, lúc tôi trở về khách sạn, Francesca không ở đó, chỉ có Julia đang ở trong phòng cùng với một người bạn gái Nhật Bản mới quen. Chúng tôi hỏi thăm nhau xem đã làm gì trong ngày. Julia nói chị đã tới nghĩa trang Pere Lachaise với mục đích tìm một chỗ yên tĩnh mà suy nghĩ, nhưng những khách du lịch đi thăm nghĩa trang cứ liên tục quấy rầy bằng những câu hỏi “Mộ này của ai đấy? Ông ấy có nổi tiếng không?” Chị cứ ngồi xuống bất cứ ngôi mộ nào là có người hỏi mộ của ai và người chết có nổi tiếng không.

“Nổi tiếng, nổi tiếng, nổi tiếng,” Julia nói. “Tất cả những gì họ quan tâm chỉ là người chết này có nổi tiếng không, họ thậm chỉ chẳng buồn đọc bia mộ và chẳng có tí ý niệm gì về người đã chết.”

Julia thở hắt ra. Lần đầu tiên tôi thấy chị ấy nổi giận.

“Tôi đã tới Paris để tìm lại bản thân mình… nhưng mà trời ơi, Paris ồn ào không thể tưởng tượng được, quá nhiều khách du lịch, quá nhiều, quá nhiều… mà đàn ông Pháp thì trơ trẽn và lộ liễu quá mức. Không thể nào tìm thấy bản thân mình ở đây.”

“Tìm lại bản thân mình” – cụm từ này nén quá nhiều thứ. Tôi hỏi Julia muốn tìm lại bản thân như thế nào, chị tìm gì, và nếu tìm được thì cái “bản thân” ấy trông như thế nào. Vậy là Julia kể cho tôi về cuộc sống của chị ở Hàn Quốc.

Julia là giáo viên dạy tiếng Anh ở tiểu học. Chị năm nay đã ba lăm và bố mẹ chị vô cùng sốt ruột vì chị vẫn chưa lấy chồng, Julia từng có một mối tình gần mười năm với một người đàn ông Hàn Quốc, nhưng đã không đi đến đám cưới; và sau đó một thời gian dài thì chị không còn yêu lại ai. “Tôi chán đàn ông Hàn Quốc rồi,” Julia nói. “Họ vừa gia trưởng lại vừa yếu đuối.” Gần đây chị thích một anh chàng người Anh – người này là giáo viên tiếng Anh của Julia ở Seoul; và chị có cảm giác anh chàng ấy cũng thích chị; họ hay gặp nhau nói chuyện, nhưng họ cũng chưa chính thức hẹn hò vì Julia cố gắng giấu giếm tình cảm của mình, còn anh kia thì mới đến Hàn Quốc nên thấy các cô gái Hàn Quốc quá bí ẩn. Mùa hè này, anh chàng người Anh về lại London thăm nhà và sẽ cùng mấy người bạn đi du lịch ở châu Âu, bao gồm cả Paris. Vậy là Julia lên kế hoạch đi châu Âu, với mục đích ngấm ngầm là để gặp anh chàng người Anh ở Paris; nhưng để làm thế, chị đã lên cả một lịch trình châu Âu dài dòng, với nhiều thành phố khách nhau, chỉ để trông có vẻ như chị không đi Paris để gặp anh chàng người Anh mà chỉ “tình cờ” có mặt ở đó đúng lúc anh ấy cũng có mặt (trời ơi, phụ nữ châu Á hình như giống hệt nhau về sự lòng vòng này).

“Dĩ nhiên là chị đến Paris không chỉ vì anh ấy,” Julia nói, “chị muốn đến Paris vì chị chưa bao giờ đến Paris; ai cũng bảo Paris là thành phố lãng mạn nhất thế giới. Chị muốn đến đây để nghĩ, để lãng mạn trở lại một chút; chị quá mệt mỏi với cuộc sống ở Hàn Quốc, ai cũng giục lấy chồng đi, đẻ con đi, thế này đi, thế kia đi, chị ngột ngạt quá rồi.”

Julia đã viết thư cho anh chàng người Anh để thông báo rằng chị sẽ ở châu Âu; nếu anh ấy cũng ở Paris vào cùng ngày thì hãy gặp nhau. Anh chàng kia trả lời rằng anh ấy sẽ đi Paris nhưng không biết chính xác ngày nào vì còn tùy các bạn anh ấy sắp xếp. Vậy là Julia tiếp tục chờ… và ngày này qua ngày khác, tiếp tục cố tìm sự lãng mạn của Paris, “cố tìm lại bản thân” trong lúc chờ đợi. Nhưng ngày nào cũng thế, khi Julia đi ra ngoài với phấn son, áo váy, giày cao gót, và mái tóc đen dài được chăm sóc cận thận hằng đêm để buông xõa vào ban ngày – thì những người đàn ông Pháp xa lạ trên đường cứ lăn xả vào chị mà tán tỉnh theo những lời mà Julia cho là” rẻ tiền”.

Có một người đàn ông trung niên dường như ngày nào cũng ngồi uống cà phê ở cái quán gần cầu Pont Notre Dame với một mục đích là chờ chị đi tới để tán tỉnh. Ông ta nói ông ta “phát điên” vì chị; ông ta đã hai lần cầm tay chị hôn và hôm nay thì đòi hôn môi chị.

“Tôi chán ngấy Paris và đàn ông Paris rồi” Julis nói với tôi và cô gái Nhật.” Mai tôi sẽ xuống Nice tắm biển, ở đó yên tĩnh hơn, may ra thì có thể nghỉ ngơi. Sau đó thì tôi sẽ đi Tây Ban Nha.”

Cô gái Nhật cũng nói rằng cô đến Paris để nghỉ ngơi và “enjoy the city” nhưng cô viêm họng suốt những ngày ở đây vì Paris ngập khói thuốc lá ở khắp nơi và quá nhiều khách du lịch. Càng nghe chuyện tôi càng nhận ra rằng có rất nhiều cô gái châu Á một mình tới Paris – đều với những ảo tưởng và fantasy khác nhau; và thường thì họ thất vọng. Tôi nữa, tôi cùng là một cô gái châu Á, cũng đang ở Paris một mình, thất vọng thì không, ít nhất là chưa, nhưng sau cuộc nói chuyện với Julia và cô gái Nhật, tôi tự hỏi bao giờ đến lượt mình. Và càng nghĩ, tôi càng bực. Tự bao giờ sự lãng mạn Pháp nói riêng và sự lãng mạn nói chung của con người trở nên rẻ tiền như vậy? Từ bao giờ tình yêu trở nên cái gì đó khó bắt, đỏng đảnh, đầy những trò mèo đến vậy? Từ bao giờ cuộc sống con người trở nên một lối mòn trúc trắc gần như chỉ dẫn vào một ngõ cụt? Và từ bao giờ, Paris cho phép những người đàn ông trung niên nứng tình phá hỏng những chuyến đi của người khác?

Nhưng buồn nhất là ý nghĩ ở ngoài kia có nhiều phụ nữ cô đơn và lạc lõng. Nhất là ở các nước châu Á. Họ đều là những người giằng xé giữa ý thức đạo đức truyền thống với mong muốn cá nhân; họ khao khát được yêu một cách chân thành, mãnh liệt – một tình yêu lớn – nhưng rồi luôn luôn phải chấp nhận một cái gì đó thứ cấp, vừa phải. Họ đã tới Paris để “tìm lại mình”, “để tìm lại sự lãng mạn” như cách nói của Julia – bởi vì cái thứ tình yêu thứ cấp đó không bao giờ có thể làm người ta nguôi ngoai khao khát về tình yêu kia.

Tôi cũng biết rất nhiều người con gái không bao giờ có cùng câu hỏi và nhu cầu với Julia. Họ không bao giờ cần “tìm lại bản thân mình”. Cuộc sống với họ luôn luôn rõ ràng; họ chọn người đàn ông tối ưu, và lấy chồng và sinh con, và cuộc sống của họ cứ thế tiếp diễn. Ở một khía cạnh nào đó, họ thật đáng ngưỡng mộ và ghen tị. Cuộc đời sẽ dễ dàng hơn bao nhiêu nếu như bạn không có những ý nghĩ kiểu như bạn cần tìm lại bản thân mình. Cuộc đời sẽ dễ dàng hơn bao nhiêu nếu như bạn chỉ cần có chồng con, chứ không cần thêm một thứ xa xỉ là được chồng hiểu.

Nhưng than ôi, cả điều ấy nữa, người ta cũng đâu có cưỡng được. Tôi tin là Julia đã cố dẹp những tiếng thì thầm trong lòng mình, nhưng không thể.

Đêm qua, tôi nói với Julia:

“Chị đừng buồn. Mình không thể kiểm soát được người khác được đâu. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là kiểm soát bản thân mình. Đừng để mấy người đàn ôn Pháp phá hỏng Paris của chị. Chị hãy tìm Paris của riêng chị và tìm chỗ của chị ở Paris.”

Nhưng Julia đã chịu đựng Paris đủ rồi. Tôi đồ rằng chị ấy đang “thất tình” với Paris – và cả với anh chàng người Anh có lẽ sẽ không bao giờ đủ dứt khoát mà đến Paris gặp chị. Chị đã quyết tâm ngày mai sẽ đi Nice – để thử cơ hội với Nice. Tôi e rằng chị lại cũng sẽ thất vọng với Nice thôi; nhưng ít nhất chị cũng đang cố gắng đi tìm và tôi chúc chị mọi tốt lành.

Sáng nay, khi tỉnh dậy, những tàn dư của cuộc nói chuyện đêm qua vẫn còn vương lại trong đầu tôi. Và rồi, để thêm vào đó, Paris lại mưa, xám, và lạnh… còn tôi thì đã đánh mất cái ô của mình ngày hôm qua. Một câu hỏi lặng lẽ hiện lên trong đầu tôi. “Mình đang làm gì ở đây? Thực sự thì mình đang làm gì ở Paris và ở châu Âu một mình? Mình tìm gì? Cần gì? Muốn gì?

Nhưng dù tôi có biết mình tìm gì, muốn gì ở Paris hay không thì sự thật là tôi đang ở Paris và tôi không muốn trời mưa hay sự tuyệt vọng của Julia trở thành sự tuyệt vọng của tôi; vậy là tôi thay quần áo và ra ngoài. Trời không thực sự lạnh nhưng ướt và xám. Ai cũng bước đi vội vã trong mưa, tay nắm chặt ô. Điều lạ là khi tôi vượt qua sông Seine dưới trời mưa, đầu để trần và nhìn những ngươi Paris cắm cúi bước trong mưa dưới những chiếc ô đen, rồi nhìn sông Seine và cả thành phổ ủ dột dưới màn nước màu xám, đột nhiên tôi bình tĩnh lại. Một cảm giác thanh thản, thậm chí hạnh phúc, lại len lén đến gần ôm lấy tôi. Bất kể thế nào, tôi vẫn có thể có một mối tình riêng, một chuyến đi riêng với Paris mà không ai có thể lấy mất của tôi điều đó.

Khi tôi đi dọc bờ sông, người đàn ông đã đọc thơ Verlaine cho tôi hôm trước lại từ hiệu sách bước ra “”Bonjour petite mademoiselle”. Tôi nói “Bonjour” rồi cứ thế đi thẳng. Ông ta kêu lên “Troi oi” nhưng tôi cứ bước đi mà không hề ngoái đầu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.