Một mình ở châu Âu

Chương 09



Buổi cầu kinh trong nhà tu Thánh Gervais thuộc cộng đoàn Jerusalem, đối diện khách sạn tôi ở

Paris có quá nhiều màu sắc, quá nhiều mảng miếng, nhiều góc khuất, nhiều tiếng nói khác nhau. Paris là một biển ấn tượng không ngừng thay đổi. Paris bắt người ta phải chăm chú ngắm nhìn. Và càng nhìn càng bị mê hoặc. Giờ thì tôi hiểu tại sao Paris là thành phố của nghệ thuật; nhất là vì sao hội họa Ấn tượng đã ra đời và phát triển ở nơi đây. Cả thành phố như một palette màu vô biên cho người nghệ sĩ.

Những ngày này, ở Paris, tôi thực sự không thể quan tâm được tới nơi nào khác. Tôi đã hầu như cắt đứt giao tiếp với thế giới bên ngoài, với thế giới cũ. Vào các buổi sáng trước khi ra ngoài, hoặc vào đêm, trước khi đi ngủ, tôi vẫn xuống nhà, bỏ 2 euro vào cái máy tính của khách sạn để kiểm tra email trong mười phút. Thỉnh thoảng có email của Sơn; “ở nhà vẫn bình thường” – anh viết. Có cả một đống thư từ Nhà xuất bản – họ đang làm bìa và biên tập nội dung lần cuối cho tập truyện ngắn sắp xuất bản của tôi. Nhưng tôi thậm chí cũng không quan tâm được tới cuốn sách của chính mình. Cuộc sống cũ có vẻ như ở rất xa, thâm chí không có thật.

Mai là Chủ nhật. Tôi không có kế hoạch gì cả. Tôi dành cho mình niềm vui kiên nhẫn chờ xem sáng mai, khi tỉnh dậy, Paris gợi ý với tôi điều gì.

Paris, ngày Chủ nhật…

10:42 sáng: Đứng viết trên cầu Royal Port – cầu bắc qua sông Seine từ vườn Tuileries sang bảo tàng Orsay. Tôi vẫn không thể nào get enough of the Seine [45]. Mỗi lần qua sông, tôi lại đứng lại nhìn và lại choáng voáng. Vào lúc này, từ chỗ tôi đứng, bên trái là bảo tàng Orsay, bên phải là vườn Tuileries, phía trước mặt là vòm kính màu xanh lá mạ nhạt của Gare du Nord đang ánh lên trong ánh nắng (hay là Gare Saint-Lazare? Không chắc lắm). Tôi quay người và thấy hai ngọn tháp kiêu hãnh của Nhà thờ Đức Bà, vòm tròn của Pantheon, những cây cầu bắc ngang sông Seine, những ngôi nhà dọc sông, hàng dương liễu dưới sông và dĩ nhiên là màu nước sông Seine. Vẫn là cảnh đã nhìn nhiều lần, vậy mà lần nào cũng mới và vẫn không đủ.

[45] Cảm thấy đã nhìn đủ sông Seine.

Mưa rơi cả đêm qua nhưng đến sáng nay thì ngừng và bây giờ mặt trời đang sắp sửa ló ra. Trời nhiều mây, nhưng xuyên qua những đám mây thấp là một vài khoảng xanh nhạt. Ở đường chân trời, phía Gare du Nord, nắng chiếu chéo lên các nóc nhà, thắp sáng cả khoảng thành phố bên đó. Dưới sông, các thuyền du lịch chạy đều đặn; khách đứng đầy ở ngoài boong, nhìn lên vẫy vẫy tay, tôi cũng vẫy tay đáp lại. Tuy thế, trừ những con thuyền dưới sông, thành phố vắng vẻ lạ thường, Paris còn chưa dậy. Từ sáng tới giờ, những người Paris duy nhất mà tôi nhìn thấy là những người chạy bộ trong vườn Tuileries và dưới con đường bê tông dọc sông Seine (họ gần như mặc đồng phục Abercrombie và Fitch). Không có những dòng xe ô tô. Không có khách du lịch nườm nượp trên phố. Các quầy bán sách dọc sông không mở. Đây là một Paris khác – yên tĩnh, hơi ảm đạm, hơi ngái ngủ… – nhưng vì thế mà càng quyến rũ.

Người ta bảo “ngày nào ở Paris cũng là Chủ nhật”. Tôi không đồng ý. Tôi nghĩ phải sửa lại: “Ngày nào ở Paris cũng là thử Bảy; còn ngày Chủ nhật ở Paris là ngày Chủ nhật ở Paris”. Bần thần, ít nhất là vào những giờ sớm của buổi sáng, thành phố rửa sạch son phấn trang điểm và lộ khuôn mặt mộc của nó. Một vẻ hoài niệm cổ điển bao trùm, khiến cho người ta đột nhiên cũng trở nên trầm mặc và muốn xích lại gần nhau. Trên metro không người buổi sớm, tôi ngồi đối diện một chàng trai có vẻ là sinh viên Sorbonne. Anh ta liếc tôi, khi tôi nhận ra và liếc lại thì anh ta lại quay đi. Buồn cười. Thật dễ dàng để bắt đầu một romance ở Paris. Thành phố này giống như một bãi mìn, à không, nói thế thì dễ nghĩ đến phân chó khắp nơi; thành phố này giống như là một bãi cỏ khô được đánh tơi, chỉ cần một cái liếc mắt cũng có thể bốc thành một ngọn lửa. Bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

3:02 chiều: Viết từ Café A Bonaparte, 42 Rue Bonaparte, 75006, Paris.

Đã gọi một thứ đồ uống có tên café crème, chocolate maison và một món có tên Mixte Ourf et Omelettes. Họ vừa mang ra một cái chén sứ trắng đựng chocolate dạng xi rô và một cái bình sứ đựng cái gì đó có bọt trắng ở trên, bốc hơi nữa. Tôi đoán là sữa nhưng không chắc. Cách phục vụ đồ ăn ở Paris khác với ở Mỹ nên nhiều khi cũng không biết chắc là mình gọi được món gì.

Quán café này nằm trong quảng trường Thánh Germain des Pres, góc cắt giữa Rue de Rennes và Rue Bonarparte. Tôi ngồi ở một cái bàn phía bên ngoài vỉa hè. Từ chỗ này, nhìn thẳng ra nhà thờ Thánh Germain (thực ra không biết tên chính xác, tôi gọi tạm như vậy) và cách hai mươi mét phía trước mặt là quán café Les Deux Magots, chỗ mà Hemingway, Fitzgerald và nhiều người viết thuộc Thê Hệ Mất Mát thường ngồi vào thập kỷ 20 của thế kỷ trước. Bên cạnh café Magots là Café de Flore, nơi Jean Paul Satre viết The Road To Freedom (Đường tới tự do) và Simon de Beauvoir [46] hay ngồi chờ Satre. Ngay trên vỉa hè phía bên ngoài hai quán cà phê này có một cái cột sắt nhỏ, trên có tấm biển viết đại khái như vậy.

[46] Nhà triết học, nhà văn nữ quyền và hiện sinh của Pháp, đồng nghiệp và người tình của Satre.

Tấm biển bên ngoài hai quán Café Deux Magots và Café de Flore

Tôi đã định vào bên trong café Deux Magots nhưng quán quá đông nên tôi đi sang bên café Bonaparte. Tôi sẽ ngồi đây, have fun [47] vào một buổi chiều Chủ nhật lười biếng bằng cách viết phác vài thứ thế này.

[47] Vui chơi

3:24 chiều: Vừa ăn xong món omelette.

Người ta bảo quảng trường Thánh Germain des Pres là một trong những nơi tuyệt vời nhất ở Paris để ngắm người qua lại. Chắc ngày thường thì chỗ này đông lắm. Nhưng hôm nay là Chủ nhật, đường phố vắng vẻ hơn nhiều. Trời lại có vẻ sắp mưa nữa. Tuy thế, quanh chỗ tôi ngồi, không ai có vẻ lo lắng đến chuyện trời nắng hay mưa. Họ cứ đủng đỉnh ngồi ăn bữa trưa muộn (giờ là 3:33 chiều rồi), uống cà phê, hút thuốc, đọc báo và dĩ nhiên cứ hôi hổi tuôn ra những tràng tiếng Pháp du dương. Bên phải tôi, một người phụ nữ châu Á đứng tuổi (có lẽ là người Philippines) đang uống espresso trong một cái tách trắng bé xíu; bà ta mặc cocktail dress màu đen, đánh phấn rất đậm, mang kính to che gần nửa khuôn mặt và đeo một cái vòng bạc lớn ở cổ tay. Bà ta có cái vẻ của một thương nhân thành đạt mà bạn thấy bước vào các cửa hàng với vẻ mặt lạnh lùng và các cô phục vụ phải xô ra đón tiếp. Bà ta ngồi một mình – thực tế là tôi và bà ta là hai người duy nhất ngồi một mình.

Bên tay trái tôi là một người đàn ông Pháp ngồi với một người phụ nữ – cả hai uống bia Corona. Trông họ như là người tình đã nhiều năm rồi, biểu hiện vừa có cái yêu chiều lại vừa thân mật, tin tưởng, tức là vừa là người yêu vừa là bạn đường. Trước mặt tôi là hai đôi vợ chồng trẻ – ngồi quay lưng lại nên tôi không thể quan sát kỹ được. Chênh chếch là ba học sinh trung học vừa hút thuốc vừa uống cà phê đen và giải ô đố chữ trên báo Chủ nhật. Lại tự hỏi: đàn ông Pháp bắt đầu học các phép tắc phòng trà từ năm lên mấy?

Hôm nay, nhiều cửa hàng trên phố đóng cửa. Trên đường đến đây, tôi lần đầu tiên nhìn thấy những người vô gia cư và ăn xin của Paris. Nói chính xác thì hôm qua, hôm kia tôi cũng đã nhìn thấy họ ở Montmartre, ở khu Clignancourt, ở dưới bến tàu điện… nhưng những người này bị nuốt chửng trong biển người nườm nượp trên các đường phố Paris. Còn hôm nay, Chủ nhật, khi các đường phố hoàn toàn vắng vẻ, đột nhiên những người vô gia cư và ăn xin này nổi lên trên nền chính như những dân cư chính thức của thành phố thay vì chỉ là người tạm trú hoặc phần tử bên lề. Trông họ như những ông hoàng và bà chúa trên những con đường mang tên các vị thánh: Thánh Dominique, Thánh Germain, Thánh Này và Thánh Nọ.

Người vô gia cư và ăn xin thì chỗ nào trông cũng giống hệt nhau, dù là Paris hay Chicago hay Boton. Họ luôn cuộn một tấm chăn lớn quanh người, quây những hộp các tông rỗng thành pháo đài xung quanh mình, chất đầy quần áo cũ và đồ đạc trong một cái xe chở hàng lấy được ở một siêu thị nào đó. Họ chiếm đóng một cái cửa kính ăn sâu vào tường của một cửa hàng trên phố, để tránh gió mà vẫn không quá xa đám đông đi lại trên phố. Và họ có thể ngủ bất cứ lúc nào, trong bất cứ tư thế nào.

5:44 chiều: Viết từ trong vườn Lugxembourg. Đang ngồi ở thảm cỏ giữa những hàng cây được tỉa thẳng tắp, cạnh cổng ra đường Thánh Michel – chính là cái chỗ Pierpene mà tôi mất bao công mới tìm ra. Ngồi xung qunh tôi chủ yếu là sinh viên Sorbonne và học sinh từ Lycée Saint Louis [48]. Từng nhóm đứng, ngồi, nằm trên cỏ, ăn, uống, nói chuyện, đánh bài, ném đĩa, đọc sách và dĩ nhiên hút thuốc. Từ đêm qua, cổ họng tôi đã bắt đầu rát, chắc là vì hít quá nhiều khói thuốc lá ngoài đường phố. Nhưng ở Paris, không thể tránh khỏi khói thuốc lá.

[48] Một trường học nổi tiếng, chuyên đào tạo sinh viên để chuẩn bị vào hệ thống đại học lớn (Grandes Ecoles) của Pháp.

6:13 chiều: Nói thật, tôi đã ngừng đọc sách từ mười lăm phút trước mặc dù vẫn nhìn vào trang sách. Nguyên nhân một đôi tình nhân vừa đến ngồi cạnh tôi. Chàng trai ngồi hướng mặt về phía tôi – có một khuôn mặt rất cute; mặc jean với một cái áo phông màu hồng nhạt (trông không hề gay); còn cô gái ngồi quay lưng lại tôi nên tôi chỉ biết là cô gái có tóc dài màu hạt dẻ, người mảnh mai. Trong mười lăm phút vừa rồi, họ chỉ làm một việc là hôn nhau. Tôi dĩ nhiên không nhìn… thì tôi đang đọc sách mà, nhưng tôi vẫn có thể theo dõi sự việc.

Tôi ngồi trên một cái ghế sắt cạnh bồn nước lớn trong vườn Luxembourg đọc Những người khốn khổ của Victor Hugo. Một ngày mùa thu nắng nhạt

Sự việc diễn ra như thế này:

Đầu tiên, chàng trai áp hai tay vào khuôn mặt cô gái rồi nói gì đó có vẻ rất chậm và ngọt ngào (trời ơi), rồi sau đó hôn vào tóc cô gái ở phía bên ngoài tai phải, sau đó thì hôn đến vành tai, sau đó thì cụng trán vào trán cô gái và giữ như vậy khoảng mấy phút. Sau đó thì đến màn hôn môi. Không biết là bên trong thì thế nào còn từ bên ngoài thì có thứ tự như thế này:

Đầu tiên có rất nhiều những sự mút nhẹ vào môi dưới, sau đó là đến môi trên, sau đó là đến khóe miệng, rồi sau đó là cả miệng, rồi sau đó thì có vẻ là hai cái lưỡi quấn vào nhau… sau đó thì hai bên nghiêng đầu để đổi tư thế sang bên kia… và rồi lặp lại quy trình từ chỗ mút nhẹ vào môi dưới… cứ thế… cứ thế… và cứ thế… suốt 15 phút vừa rồi.

Trong lúc này, một nhóm hai mươi sinh viên đi ngang qua và không một ai thèm nhìn. Xung quanh tôi, cũng không ai nhìn. Thì tôi cũng đâu có nhìn; tôi đang đọc sách mà.

Ngay sau khi kết thúc tràng hôn đầu tiên thì đôi tình nhân này lại bắt đầu tràng hôn thứ hai. Có vẻ như là màn Frech cancan này còn tiếp diễn lâu nên tôi sẽ tiếp tục đọc sách vậy.

6:40 chiều: Đôi bạn đã đi rồi. Màn French cancan miễn phí của tôi đã hết.

6:51 chiều: Một cô gái trẻ vừa đi ngang qua tôi, vừa đi vừa nói chuyện trên điện thoại di động và khoa tay trong lúc nói. Mảnh dẻ, da trắng nhưng có tàn nhang, tóc buộc lỏng lẻo trên đỉnh đầu, để xòa xuống mặt. Mặc một cái áo len mỏng không tay màu xanh lá cây, váy ngắn màu trắng, bốt ngắn bằng da đen loại mềm. Chắc chắn là cô gái này không quá mười tám tuổi. Nhưng nhìn cái dáng đi và cử chỉ mà xem. Cô gái này đã có tất cả sự duyên dáng và quyến rũ của một người đàn bà thuần thục. Đôi môi hơi bĩu ra và cong lên trong lúc nói chuyện – đôi môi hoàn toàn sẵn sàng để hôn cũng như để cãi nhau với bạn trai. Eo nhỏ như của một vũ nữ ballet, đồng thời lại vẫn thoáng cái xương xẩu, gầy gò của một đứa bé gái chưa lớn hết. Mũi cao và kiêu hãnh. Không biết những người con gái Paris học sự quyến rũ chết người của họ từ đâu?

7:25 tối: Mặt trời đang lặn dần phía sau cây thông cao đúng chính giữa bãi cỏ. Thảm cỏ này xanh lạ lùng, là thứ cỏ ngắn màu xanh non giống cỏ sân golf chứ không phải cỏ mật… khiến cho cái vòng tròn này giống như một ốc đảo mà ngay bên ngoài hàng rào sắt là đường phố Paris lúc này chật người ngồi trong các quán cà phê vỉa hè. Nhưng cái ấn tượng nhất là cách tất cả mọi người đều kéo ghế ngồi thành vòng cung quanh bãi cỏ, mặt hướng về mặt trời và để bóng họ đổ dài ra phía sau. Người thì đọc sách, người thì nói chuyện, người thì vẽ, nhiều người chỉ ngồi im.

11:30 tối: Hôm nay, tôi tìm ra con đường tối ưu để đi từ vườn Luxembourg về khách sạn: thoát ra bằng cổng trên đường Thánh Michel, sau đó đi thẳng Rue Soufflor hướng về Pantheon, đến phố Thánh Jacques thì rẽ trái và cứ đi thẳng cho đến lúc gặp sông Seine và Nhà thờ Đức Bà. Phố Thánh Jacques là một con đường dốc, như đi xuống đồi. Khi đi dọc phố, có thể nhìn thấy mặt trời lăn trên nóc Nhà thờ Đức Bà.

Tất cả mọi người đều kéo ghế ngồi thành vòng cung quanh bãi cỏ, mặt hướng về mặt trời

Tôi cũng phát hiện ra trong vườn Luxembourg có tượng Stendhal và George Sand.

Ghi ở lề: Nhận thấy là khi đi bộ dọc phố Thánh Jacques, có hơi đánh hông. Cái này là tại đôi giày hay tại Paris? Có lẽ là Paris. Có cái gì đó của Paris khiến người ta muốn đi chậm lại và đánh hông một chút trong lúc bước.

Ngày nào cũng đi ngang Nhà thờ Đức Bà trên đường về khách sạn, vậy mà vẫn không chán.

Đã sụt hơn một cân.

Nhân nói đến giày, hông, và sụt một cân, tôi phải thừa nhận một điều: không thể ở Paris mà không lây cái tinh thần duy mỹ của Paris. Tôi không phải người thích làm đẹp, cũng không biết cách làm đẹp, và cái đời sống học thuật trong những năm qua ở Mỹ càng làm cho việc làm đẹp tụt hạng trong thứ tự ưu tiên của tôi. Thế mà từ hôm đến Paris, tôi cũng để ý đến ăn mặc hơn. Hôm trước, tôi còn mặc một cái áo hở bụng khi đi ăn tối với Kai – điều mà tôi không bao giờ làm ở Mỹ hay Việt Nam.

Đấy là lỗi của Paris. Ở Paris, tất cả những người đàn ông, đàn bà, những con đường, sông Seine, những hàng cây, những hiệu sách, thậm chí cả những thùng rác cũng nói với bạn: phải đẹp. Phải đẹp như một cách để thể hiện tình yêu với người khách, với trời đất, với cuộc sống, và với chính mình. Đẹp như một trách nhiệm. Đẹp như một cứu cánh và một quyền tự nhiên nhất.

Thôi thì tôi cũng sẽ cố gắng làm đẹp, để ít nhất không làm xấu Paris. Tôi sẽ làm đẹp để cho tương xứng với hạnh phúc mà tôi cảm thấy trong những tháng ngày một mình ở thành phố này.

Paris, ngày…

Cách đây vài phút, tôi đã đặt một bông cúc trên mộ của Chopin trong nghĩa trang Pere Lachaise bên quận 20. Tôi đến đây hơi muộn bởi vì đêm qua giấc ngủ của tôi liên tục bị gián đoạn. Nguyên nhân là vì Amy và người phụ nữ Canada ở giường số 3.

Trời đang nắng. Phía tay trái tôi, cách một đoạn không xa là mộ của Chopin; bên tay phải là mộ George Bizet; sau lưng tôi về bên tay phải là Balzac và Proust, phía trái là La Fontaine và Molière. Nếu tôi đi thẳng từ đây về phía Bắc, tôi sẽ gặp Oscar Wilde, và rẽ phải từ Oscar Wilde sẽ thấy Gertrude Stein và Pau Esluard. Đấy mới chỉ là các nhà văn, nhà thơ; hầu hết những người đến thăm nghĩa trang Pere Lachaise vì những cái tên khác – các nhà triết học, chính trị gia, nhạc sĩ, hoặc Van Morrison, người đứng một đẳng cấp riêng trong nghĩa trang (tôi cũng không hiểu tại sao có sự phi lý này).

Nhưng tôi đang nói dở chuyện đêm qua. Có điều tôi cần phải nói một chút về Amy. Amy là một cô gái rất tốt bụng và đồng thời là một cô gái sẽ không ngủ được nếu có ai đó trong phòng còn thức. Cô ấy cũng là kiểu người không chịu được toilet công cộng và đã đi tàu từ đại lộ Champs-Elysees về lại khách sạn chỉ để đi tiểu, rồi lại tiếp tục ra phố. Thậm chí, Amy còn không thể đi dạo trên phố nếu vừa đi toilet trong một nhà hàng nhưng vì lý do nào đó không rửa được tay bằng xà phòng – trong trường hợp đó, Amy sẽ phải đi về khách sạn, vừa đi vừa giơ hai tay ra đằng trước và tránh chạm vào bất cứ cái gì.

Đêm qua, chuyện là thế này:

Amy, Tristan và tôi ngủ cùng giờ và đã thiếp đi được một lúc thì người phụ nữ Canada trở về. Chị ấy lục sục một lúc trong nhà vệ sinh rồi lên giường và chỉ một phút sau thì bắt đầu ngáy vang như sấm. Tôi xin thề: đúng là ngáy vang như sấm. Amy đã cố gắng tảng lờ nhưng không thành. Vậy là cô ấy ngồi dậy, nút lỗ tai bằng hai miếng mút nhưng cả điều đó cũng vô ích. Sau một hồi trở mình và thở dài sườn sượt, Amy bắt đầu thử đủ trò để đánh thức người phụ nữ kia dậy: cô giả vờ ho, rồi ngồi dậy lục sục va li, rồi kéo túi xoành xoạch, rồi lăn trở huỳnh huỵch trên giường. Điều buồn cười là Amy không nhận ra rằng tất cả những tiếng ồn mà cô ấy gây ra làm tôi không ngủ được và tôi quan sát trận chiến của Amy từ trên giường tầng mà không nhịn được cười: Amy không sao tảng lờ được tiếng ngáy mà cũng không sao đánh thức được người phụ nữ kia.

Đấy là một phụ nữ ngoài bốn mươi, rất béo, lúc nào cũng hối hả và như có bí mật gì đó rất vui, thường ra khỏi nhà muộn, về nhà khuya, ăn mặc lụng thụng, ngủ sấp mặt trên giường, và ngáy váng nhà.

Sau khoáng nửa tiếng không xoay chuyển được tình hình, Amy không chịu được nữa. Cô ấy ngồi hẳn dậy trên giường và gọi Tristan – lúc này đang nằm ở giường số 4, phía trên người phụ nữ Canada. Vì họ biết người phụ nữ kia không nói được tiếng Anh nên hai cô gái thoải mái bàn với nhau kế hoạch này:

“Tristan”, Amy thì thầm. “Cậu thử đánh thức con mụ ấy dậy xem. Mụ ấy ngáy khiếp quá, tớ phát điên lên mất. Lạy Chúa lòng lành, mụ này nên được phong là Chúa ngáy.”

“Ừ, tớ cũng đang phát điên lên. Tớ thề chứ giường tớ đang rung lên bần bật đây này. Để tớ thử.”

Tristan ngồi dậy trên giường, giả bộ ho khù khụ, rồi lại lấy chai nước ra uống ừng ực và đập đập cái gối nó bẹt xuống. Người phụ nữ bên dưới không hề động đậy, vẫn đều đều ngáy. Trong lúc này, tôi nằm yên trên giường, không hề trở mình và Tristan với Amy chắc tưởng tôi ngủ trong khi thực tế là tôi phải cố gắng lắm mới không cười phá lên.

Tristan lại hỏi và lần này thậm chí chẳng buồn thì thầm nữa:

“Cậu có muốn tớ gõ vào thành giường không?”

“Ừ, thử xem. Cảm ơn cậu. Đêm qua tớ làm thế là được.”

“Vậy là có đêm qua nữa mà mình không được chứng kiến,” tôi nghĩ thầm.

Tristan bắt đầu vặn vẹo người khiến cái giường kêu lên ken két, rồi ra sức nhún, tưởng như có thể làm nó sập xuống đến nơi. Vẫn không kết quả. Tristan bèn đứng hẳn lên giường mà nhún không thương tiếc. Lần này tiếng ngáy dừng lại. Tristan nằm xuống và Amy trùm lại chăn. Tôi cũng cố gắng ngủ lại. Nhưng ba phút sau, khi cả ba chúng tôi đều chưa kịp chìm vào giấc ngủ thì tiếng ngáy lại nổi lên, lần này còn dõng dạc hơn, kèm những tiếng khọt khẹt trầm bổng. Trời ơi, tôi phải đút chăn vào miệng để không phá lên cười khi nghe Amy thở hắt ra một hơi dài – có cảm giác như Amy chuẩn bị nhảy đè lên và đánh đấm cho người phụ nữ kia tơi tả. Mà cũng có thể Amy sắp sửa gào lên và đánh thức cả Paris.

Nhưng, là một cô gái ngoan, Amy chỉ thở dài rồi kéo chăn trùm kín đầu. Tôi định bảo Amy xuống dưới quầy lễ tân xin ngủ nhờ cái giường trống nào đó đêm nay rồi mai tính, nhưng rồi tôi lại nghĩ, cứ để cô ấy đương đầu với cuộc chiến nhỏ này. Tôi cũng nên cố ngủ lại.

Tôi không rõ mình thiếp đi lúc nào và bao lâu nhưng sau đó tôi đã tỉnh lại bởi vì Tristan và Amy rõ ràng đã không thể chịu đựng được thêm nên cả hai trở dậy, ra khỏi phòng rồi cố tình sập cửa đánh rầm một cái. Tôi không biết họ đi đâu nhưng khi tôi thiếp đi thì cả hai vẫn chưa trở lại phòng còn người phụ nữ Canada thì vẫn thản nhiên ngáy như kéo bễ.

Tuy thế, tất cả sự thức giấc lúc nửa đêm làm cho tôi không mở được mắt cho tới tận 8 giờ. Khi tôi mở được mắt, đầu tôi váng vất cảm giác sắp ốm, vậy là tôi nằm trên giường đọc cuốn Paris 2008 của Fordor. Càng đọc, tôi càng thấy tội lỗi bởi vì có quá nhiều thứ ở Paris tôi chưa kịp đến: nhà ngục Bastille, phố Tàu, kênh St. Martin, khu shopping có mái che, khu Montpartnasse, thư viện FranÇois Mitterrand, nghĩa trang Pere Lachaisse, và, phải, tôi vẫn còn chưa lên tháp Eiffel.

Vậy là tôi trở dậy và giờ thì tôi đang ở nghĩa trang Pere Lachaise.

Ngồi ở đây, một lần nữa, như rất thường xuyên trong những ngày này, một sự bình an lại trùm lấy tôi. Không phải vì tôi đang ở giữa thế giới người chết. Thực tế là từ lúc vào đây, ý nghĩ của tôi không hề hướng tới cái chết hay sự hữu hạn của cuộc sống con người. Trái lại, đứng trước ngôi mộ đầy hoa của Chopin, tôi thấy được an ủi lạ lùng. Con người sẽ trường tồn. Con người sẽ bất tử nếu họ muốn. Nếu họ dám lựa chọn cuộc sống như Chopin đã sống. Ông đã không bao giờ có một gia đình đúng nghĩa; đã chật vật chiến đấu với những căn bệnh quái ác; đã làm cha và làm người tình của George Sand theo cái nghĩa tìm một tri kỷ và một tình yêu hơn là tìm cách xây dựng một “tổ ấm”. Ngồi đây, không xa mộ Chopin, và nghe đi nghe lại bản valse số 2, Op, 64 trên ipod, tôi có thể tưởng ra những cơn sóng lòng của Chopin, chúng lớn đến nỗi ông không còn có thể bận lòng về chúng; cứ để chúng đến và nhấn chìm mình từng đợt, từng đợt, nhưng không thể hủy diệt mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.