Một mình ở châu Âu

Chương 11



Paris, ngày…

Đêm qua, sau một giờ đêm tôi mới về đến khách sạn. Lý do là sau khi rời khỏi nhà hát opera, tôi nảy ra ý định đi bộ ra đại lộ Champs Elysees để nhìn đèn trên đại lộ này lúc gần nửa đêm. Đại lộ Champs sáng đèn lúc nửa đêm và vắng người nhưng không lộng lẫy được như trong các postcard. Tôi ngồi ở đó một lúc rồi tìm bến metro để về lại khách sạn. Nhưng tìm mãi không thấy bến metro nào, mà vườn Tuleries đã đóng cửa, tức là tôi không thể đi xuyên qua đó; tôi định sẽ bám theo sông Seine mà về tới khách sạn.

Nhưng loanh quanh thế nào đó, tôi đi một lúc mà vẫn không thấy sông Seine. Có vẻ là tôi đã lần thứ hai lạc đường trong ngày hôm nay. Paris bắt đầu vào đêm sâu nên bóng tối quánh lại và se lạnh. Một số ô tô vẫn còn chạy trên đường nhưng hầu như không có người đi bộ quanh chỗ tôi – mà lúc đó tôi cũng không còn chắc là mình đang ở đâu. Vậy là trí tưởng tượng của tôi bắt đầu vẽ ra đủ viễn cảnh rùng rợn. Trời ơi, nếu những tên cướp bắt đầu mò ra sau nửa đêm và thấy tôi đi lạc một mình ở đây… Nếu một kẻ vô gia cư quá đói nào đó nhìn thấy tôi mà sinh lòng tham… tôi sẽ chẳng trách được nếu anh ta đâm cho tôi một nhát dao với hy vọng trong túi tôi có một ít tiền. Tôi thì chỉ có một mình và đã mệt, tôi sẽ chẳng có sức đâu mà kêu cứu hay chống cự.

Tôi bắt đầu rảo bước nhanh hơn; vừa đi vừa ngoái nhìn xem có ai theo không. Có một đoạn đi qua một khoảng đường hầm hoàn toàn không một bóng người và đầy mùi khai, tôi đã chạy, với hy vọng qua nhanh khỏi đường hầm tối và để tiếng chân tôi trong đường hầm làm cho tôi vững dạ. Tôi vừa chạy vừa cảm thấy mồ hôi lạnh đầm đìa lưng và cổ áo; hai bàn tay cứ bở ra, hầu như không còn có thể nắm lại.

Lần mò một lúc, tôi cũng tới được bờ sông Seine mặc dù nhìn bản đồ thì tôi đã đi lạc theo hướng ngược lại nên còn xa mới về đến khách sạn. Nhưng đến được sông Seine thì tôi không thể lạc được nữa; tôi cứ men theo bờ sông mà về. Lúc này đã quá nửa đêm, dưới sông còn rất ít đèn sáng và những hàng cây rậm lá làm cho không gian càng tối hơn. Tôi cứ rảo bước; vừa đi vừa chăm chú quan sát và nghe ngóng xem có tiếng chân ai phía sau, hoặc có bóng người nào ở các gốc cây, các góc khuất, hoặc ai đó đột ngột băng sang từ bên kia đường.

Đến một lúc nào đó, những hàng cây có vẻ thưa hơn, bóng tối dãn ra một chút. Tôi ngẩng lên nhìn sang bên kia sông. Ở đó, vượt trên các nóc nhà chỉ còn là những nét thẳng và ngang vạch trên nền trời đêm, hai tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà hiện ra. Lúc này, chúng còn xa, gần như lẫn giữa những nóc nhà đã bị bóng đêm kết dính vào nhau thành những khối vuông… Nhưng một khi nhìn thấy hai tháp chuông mọi sợ hãi của tôi tan biến. Trời đất đột nhiên sáng ra như có một ngàn bóng đèn mới được thắp phía trên Paris. Tôi thấy mình được bảo vệ. Như thể hai tháp chuông là hai con mắt của một ai đó đang theo tôi và canh chừng cho tôi – một người mà tôi chắc chắn có thể tin tưởng. Người đó tuy ở xa bên kia sông nhưng chắc chắn sẽ không để bất kỳ điều gì xấu xảy ra cho tôi. Tôi thở ra một hơi dài và bước chậm lại.

Giờ thì tôi mới nhận ra Paris vẫn còn thức và tôi không hề một mình. Từ Pont Neuf, có nhiều đèn sáng dọc sông và khách du lịch còn tản bộ lúc nửa đêm. Thậm chí còn có cả một ban kèn đồng của mấy sinh viên đang chơi nhạc ở con đường bê tông chạy sát dưới sông mặc dù chỉ có vài người dừng lại nghe. Tôi cũng dừng lại ở dưới một tán cây xà cừ nghe họ chơi nhạc. Rồi sau đó lại ghé vào xem một triển lãm ảnh ở trên cây cầu gỗ Pont des Arts về dịch tả ở Ấn Độ. Những bức ảnh được phóng to, treo trên thành cầu, dưới ánh sáng nhập nhoạng của trời đêm. Dưới sông, thỉnh thoảng một chiếc thuyền đi qua, thắp sáng mặt nước bằng những khoảng xanh và trắng. Nền trời trong; mặt trăng tròn một nửa và gió thì thổi nhẹ. Tôi vui quá nên ngồi xuống trên cầu, tựa lưng vào lan can, rồi tôi nằm lăn ra, áp lưng xuống để nghe những nhịp rung nhè nhẹ của cây cầu dưới những bước chân người và những chuyển động của đường phố thưa vắng trong lúc mặt trăng rải một ánh sáng nhẹ lên khắp Paris. Tôi vui kinh khủng khiếp; mặc dù là hơi đói và người đẫm mồ hôi.

Sau một giờ đêm, Carrie vẫn thức và kinh ngạc khi tôi kể là tôi đã đi bộ từ đại lộ Champs về nhà. Carrie nhờ tôi đánh thức vào 8 giờ sáng mai để đi xem căn hộ định thuê. Trong phòng lại có thêm người mới: một cô sinh viên người Đức.

Đêm qua, tôi đi ngủ trong tình trạng hâm hấp sốt và tỉnh dậy vào đúng 4 giờ sáng. Chuyện này đã xảy ra từ mấy đêm nay và tôi tự hỏi cái gì đánh thức tôi dậy đúng vào giờ đó. Tôi không đói, không khát, cũng không cần đi tiểu (mặc dù thường thì sau khi tỉnh, và tự hỏi xem có phải mình tỉnh vì cần đi tiểu thì tôi nhất đinh PHẢI đi tiểu). Cái gì đã gọi tôi dậy vào giờ đó? Cái gì trong miên man mộng mị đã hiện ra đánh thức tôi? Cơ thể tôi dường như đã tự tỉnh dậy để đáp lại điều gì đó, theo trí khôn riêng của nó. Mà cũng có thể là từ một nơi rất sâu bên trong tôi, cái gì đó đã thức dậy. Bình thường, ở nhà, tôi ngủ đến 9 giờ, và thường thức dậy trong tình trạng mệt mỏi, như thể tôi chưa từng ngủ suốt đêm.

Nhưng ở Paris mấy hôm nay, tôi luôn mở mắt chính xác vào 4 giờ sáng, hoàn toàn tỉnh táo. Tôi phải ép mình ngủ trở lại. Đêm qua, sau khi ngủ trở lại, tôi rơi vào một giấc ngủ sâu và đến 8 giờ sáng mới mở mắt. Carrie vẫn còn đang ngủ mê mệt. Tôi gọi Carrie dậy; cô ấy vội vã nhào xuống giường đánh răng rửa mặt rồi biến mất. Cả cô gái người Đức cũng tỉnh dậy vào biến mất. Tôi thì nằm trên giường đến gần 10 giờ để đọc sách. Khi nhận ra mình có thể sẽ lỡ bữa sáng lần thứ ba liên tiếp, và sẽ lại phải thấy nụ cười thỏa mãn của bà già phục vụ bữa sáng khi bà ấy chỉ tay vào đồng hồ trên tường với ý “10 giờ rồi, hết giờ ăn sáng rồi nhé”, tôi vùng dậy, nhảy phóc từ trên giường tầng xuống rồi cứ thế chạy xuống khu vực ăn sáng. A ha! Vừa kịp lúc. Chỉ còn có hai phần ăn sáng còn lại. Tôi cười, bonjour và merci bà ấy, và đắc thắng mang bữa sáng ra một góc ngồi ăn trong tình trạng tóc tai bơ phờ, mặt mũi còn chưa rửa, miệng đắng ngắt, vừa ăn vừa nghĩ xem ngày hôm nay tôi muốn làm gì. Tôi nửa muốn đi ra khỏi Paris, tới cung điện Versailles, nửa muốn chỉ dành cả ngày ở quanh Latin – có lẽ là lại vào vường Luxembourg nằm đọc sách. Tôi cũng muốn tìm cho được phố Rue Moueffetard mà Hemingway gọi là “The cesspool [52]” – cái phố tôi đã cố tìm nhưng bằng cách nào đó nó luôn trốn thoát khỏi tôi dù tôi đã qua lại khu Latin đến ngàn lần. Cứ như thể cái phố này cố tình chơi trò trốn tìm với tôi. Sau cùng, không thể nào chọn lấy một thứ, tôi quyết định tôi sẽ đi bộ ra bến tàu St. Michel/Notre Dame để bắt tàu RER tới Versailles; và nếu trên đường đi tới bến tàu mà tôi đổi ý thì tôi sẽ ở lại. Tối nay, tôi sẽ ăn tối chia tay với Kai lúc 8 giờ nên kiểu gì tôi cũng phải trở lại khách sạn khoảng 6 giờ rưỡi để còn tắm gội, chuẩn bị trước.

[52] Cái hố phân.

Ra khỏi khách sạn, tôi không thể không nhận thấy rằng Paris lại đang đón tiếp một dòng khách du lịch mới. Cũng không có gì ngạc nhiên. Các sách du lịch đều khuyên tháng Chín là tháng tốt nhất để tới. Hôm tôi mới tới, khách sạn này hầu như không có người, phòng để hành lý chỉ có một cái va li lớn và các đường phố hầu như không có du khách, còn hôm nay, phòng hành lý chật ních các loại ba lô và va li, quầy máy tính lúc nào cũng có ít nhất hai người đang đứng chờ vào Internet, phòng ăn sáng chật người và trên các đường phố của khu Latin, khu Marais, khu Les Halles, thì du khách nhiều hơn người Paris.

Tôi đang đi dọc phố Thánh Michel về phía bến tàu thì thấy một đoàn người rất đông, đa số da đen, đi ngược lại từ đầu kia. Những người đi đầu cầm loa và họ đang gào lên những câu có chữ “papier”. Tôi biết chữ này nghĩa là giấy tờ, chứng từ gì đó nhưng không biết chính xác cái có vẻ là một cuộc biểu tình này có nội dung gì. Vậy là tôi từ bỏ kế hoạch đi Versailles để ở lại ngắm khuôn mặt mới này của Paris.

Đoàn biểu tình ở Paris

Thực ra, ngày hôm trước, trên đường từ đồi Montmartre trở về, tôi đã thoáng thấy bóng dáng này của Paris.

Hôm đó, rời đồi Montmartre trong tình trạng mỏi nhừ vì những bậc thang lên đồi và xuống đồi, tôi lên tàu điện ngầm ở Rue de Clichy; rồi xuống bến Charles de Gaulles để chuyển tàu. Lúc đó là giờ tan tầm, tàu đông nghẹt người, tôi chỉ có thể đứng yên mà không nhích nổi chân. Khi tôi đã vào trong tàu ở bến Charles de Gaulles, và tàu đã đóng cửa nhưng mấy phút sau vẫn không chuyển bánh. Thế rồi, loa phóng thanh trên tàu nghèn nghẹt thông báo gì đó và tất cả mọi người trên tàu kêu lên thất vọng rồi rời tàu. Tôi hỏi một cô gái có vẻ là sinh viên xem chuyện gì xảy ra và cô ấy giải thích gì đó bằng tiếng Pháp mà tôi không hiểu. Một số người sau khi rời khỏi tàu thì đi lên khỏi bến luôn nhưng một số lớn vẫn đứng lại tiếp tục chờ. Tôi quá mệt nên quyết định cũng chờ mặc dù không hiểu chuyện gì xảy ra và cũng không dám hỏi ai nữa vì tất cả những người đứng chờ tàu lúc đó đều mang một vẻ mặt im lìm và thiểu não. Tôi chưa bao giờ thấy có nhiều người mặc áo đen đứng im lìm chờ tàu như thế, kể cả là ở Chicago, Boston hay New York.

Chờ thêm mấy phút thì một chiếc tàu khác tới. Tôi vội chen chân lên tàu và kiếm được một chỗ ngồi gần cửa. Nhưng từ lúc đó cho đến lúc xuống tàu ở bến Hôtel de Ville, tôi ngồi trong tư thế mặt đối mông. Quả thực là tàu đông đến nỗi mũi tôi ở cách một cặp mông Pháp chỉ vài xăng ti mét. Nhưng tôi quá mệt và cũng không có chỗ mà xoay trở nên đành chấp nhận tình trạng này. Một số người chậm chân không cả lên được tàu; họ vung tay thất vọng. Mùi người nồng nặc trong khoang tàu nhỏ khiến tôi tưởng mình có thể ngất. Nhưng cuối cùng tôi cũng lên khỏi tàu. Lên đến phố Rivoli và tỉnh táo lại khi hít thở không khí của mặt đất, tôi hỏi một người cảnh sát đứng gần bến tàu; anh ta nói những người lái tàu đang đình công nên có một số tàu chạy, một số thì không.

Đoàn biểu tình lúc này đã đi hết phố Thánh Michel và dừng lại ở quảng trường gần đài phun nước. Họ giương cao một biểu ngữ lớn có dòng chữ “Sans Papiers den danger”. Một thanh niên đứng quay mặt lại đám đông diễn thuyết điều gì đó, và đám đông vỗ tay ủng hộ sau mỗi câu anh ta nói. Sau đó, họ bắt đầu một kiểu hát đối đáp của các bộ lạc châu Phi trong đó người thanh niên cầm loa hát một câu và những người trong đoàn biểu tình hát một câu đáp lại. Họ hát và vỗ tay theo nhịp, nghe rất hay. Họ nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần cụm từ “pa pi ê mi i ghê” mà tôi đoán là “immigrations papers” tức là giấy tờ nhập cư. Tôi hỏi một bà già da trắng đang vừa chờ xe buýt vừa xem biểu tình.

“Bà ơi, bà có nói tiếng Anh không?”

“Một chút thôi.”

“Ồ, may quá. Bà có biết họ biểu tình về việc gì không?”

“Về giấy tờ. Họ không có giấy tờ. Mấy người này làm việc… lau dọn… phục vụ… nhưng không giấy tờ.”

“Giấy tờ gì vậy? Có phải là giấy nhập cư? Visa nhập cư?”

“Oui oui… visa. Nhập cư lậu đấy.”

“Bà có biết họ ở đâu đến không?”

“Châu Phi. Senegal. Congo. Bờ Biển Ngà.”

“Chính phủ có làm gì không hay cứ kệ họ?”

Bà già nghe chữ “chính phủ” thì nhún vai với vẻ “ôi giời, chính phủ này thì làm được cái gì chứ” rồi bắt đầu hào hứng nói một tràng dài bằng tiếng Pháp liên quan tới chính phủ. Tôi không hiểu bà ấy nói gì nhưng bà ấy rõ ràng thất vọng nặng nề về chính phủ lắm; bà nhắc đến tên tổng thống Pháp Sarkozy rất nhiều lần với vẻ rất bất bình và ngán ngẩm. Rồi bà túm hẳn lấy tay tôi mà kể lể; hình như bà đang kể lại toàn bộ những bất công mà đời bà từng chịu đựng với chính phủ và “cái xã hội Pháp”, từ lúc còn là thanh niên. Bà hẳn còn tiếp tục nói nữa nếu như xe buýt của bà không đến.

Trong lúc đó, đoàn biểu tình tiếp tục đối đáp, hô khẩu hiệu. Xung quanh, chỉ có khách du lịch đứng lại nhìn còn người Paris và cả cảnh sát cũng chẳng có thái độ gì – hẳn họ đã thấy cảnh này quá thường xuyên. Những người cảnh sát đứng ngồi ngả ngốn trên những chiếc mô tô mà tán chuyện vui vẻ với nhau. Tôi băng qua đường, đi thẳng vào giữa đoàn biểu tình. Mấy người đàn ông nhìn tôi với vẻ nghi ngại, nhưng tôi chỉ mỉm cười, liên tục gật gật đầu “bonjour, bonjour” trong lúc vừa len lỏi trong đám đông vừa tìm xem có người phụ nữ nào có vẻ thân thiện để nói chuyện.

Đoàn biểu tình chẳng có mấy phụ nữ. Tôi đi quanh một lúc mới thấy mấy người phụ nữ ăn mặc theo kiểu châu Phi – tức là những cái váy hoa sặc sỡ và đầu quấn khăn. Có một nhóm năm người ngồi cạnh nhau nói chuyện; một trong số họ ngồi dưới đất, trông có vẻ buồn bã. Tôi ngồi xuống bên cạnh chị ấy.

“Chào chị. Xin lỗi, chị có nói tiếng Anh không?”

Chị lắc đầu rồi nhìn quanh và chỉ về phía một phụ nữ đang ngồi trên bờ gần bồn nước. Chị ấy vẫy vẫy tay rồi gọi to tên người phụ nữ đó; khi người đó quay ra nhìn, chỉ ấy chỉ vào tôi và nói gì đó bằng tiếng Pháp. Tôi cảm ơn chị ấy rồi đi tới ngồi xuống cạnh người phụ nữ mới.

“Chào chị, xin lỗi làm phiền chị. Chị có nói tiếng Anh không?”

“Có.”

“May quá, em muốn hỏi chị mấy câu nếu chị không phiền.”

“Cô hỏi làm gì?” Chị ấy có vẻ nghi ngại.

“À, em chỉ…” Tôi định nói là “tò mò” nhưng nghe vậy không được hay lắm nên tôi, “Em là sinh viên, em muốn tìm hiểu thôi.”

“À, sinh viên,” chị ấy thở phào. “Được.”

“Mọi người biểu tình chuyện gì thế?”

“Chuyện giấy tờ. Bọn tôi ở đây mười năm, năm năm, lâu hơn thế, không giấy tờ gì cả. Như thế là không tốt.”

“Chị ở đây bao lâu rồi?”

“Mười năm rồi.”

“Lâu quá nhỉ. Chị vẫn không có giấy tờ?”

“Không giấy tờ.”

“Thế chị làm gì để kiếm sống?”

“Không làm gì cả. Không có việc. Vì không có giấy tờ,”

“À, thế là chị không được phép làm việc. Thế thì làm thế nào chị có tiền để sống?”

“Bạn tôi và gia đình cho tôi tiền.”

“Chị ở đâu tới?”

“Tubu.”

“Thế họ thì sao?” Tôi chỉ vào nhóm người. “Họ từ đâu tới?”

“Khắp nơi. Senegal, Congo…”

Chị ấy đột nhiên nhìn vào ngón tay tôi rồi cười:

“Cô lấy chồng rồi hả?” (Tôi đã lại đeo nhẫn cưới trở lại vì tôi không biết để nó ở đâu mà không có khả năng bị mất, và tôi thì không thể để mất cái nhẫn này.)

“Vâng,” tôi cười. “Em lấy chồng rồi.”

“Cô từ đâu tới?”

“Em là người Việt Nam nhưng đang sống ở Mỹ.”

“Thế à? Mỹ à? Tôi sống ở Mỹ năm năm trước khi sang đây.”

“Chỗ nào ở Mỹ ạ?”

“California.”

“Thế ạ? Em sống ở Chicago. Đại loại vậy.”

“Cô có con chưa?” Giờ thì chị ấy nắm lấy tay tôi hào hứng.

“Em chưa,” tôi cười.

“Đừng lo!” Chị ấy phá lên cười. “Cô còn trẻ mà.”

“Thế chị thì sao? Chị có con chưa?”

“Hai đứa rồi. Vẫn ở châu Phi.”

Chị ấy hỏi chồng tôi có phải người Mỹ không, tôi nói không, người Việt Nam. Chị ấy hỏi tôi có thẻ xanh chưa, tôi nói chưa, em chỉ có visa sinh viên thôi.

“Thế là cũng không có giấy tờ để làm việc, chị ấy nói.

“Đúng rồi, không giấy tờ, giống như chị.”

Tôi nói tôi hy vọng khi nào học xong thì sẽ xin được việc. Chị ấy chúc tôi may mắn. Tôi hỏi bây giờ đoàn biểu tình sẽ làm gì; chị ấy nói họ sẽ diễu hành tới quảng trường Cộng hòa; rồi sau đó thì không biết sẽ làm gì tiếp. Có thể là lại về nhà thôi. Tôi hỏi chính phủ có làm gì không, chị ấy nói không biết; những người như chị ấy thì cứ biểu tình đã, cũng vô vọng lắm nhưng còn biết làm gì. Chị ấy bảo giờ chính phủ trơ rồi, mọi người cũng trơ ra rồi, chả ai muốn bảo vệ, ủng hộ, đấu tranh cho ai nữa; mà người nhập cư giờ cũng đông, đủ loại, nhiều người cũng không tử tế gì, cứ trộm cắp, nghiện ngập, cho nên xã hội càng kỳ thị. Giờ dân nhập cư di chuyển tán loạn ở châu Âu, không ở được nước này thì sang nước khác theo kiểu nhập cư lậu, sans-papiers, nên chính phủ càng thắt chặt luật lệ nhập cư. Nước Pháp bây giờ có chế độ nhập cư hà khắc nhất châu Âu. Nói chung là nan giải lắm, biểu tình thì cứ biểu tình, còn chả biết thế nào.

Tôi chào chị ấy rồi đi. Thôi, hôm nay không đi Versailles cũng được. Cuộc biểu tình này tuy nhỏ nhưng nó được phép diễn ra một cách tự nhiên, thoải mái như thể là một điều lớn. Một xã hội coi việc thực hành quyền dân chủ như một điều tự nhiên là một xã hội đã tiến rất xa. Nhìn những người biểu tình, tôi không khỏi nghĩ đến những bức vẽ mà người ta bán ở các hiệu sách dọc sông Siene; những tấm hình Al Pacino trong phim Scarface với dòng chữ “In money we trust”, rồi Jim Morrison, và John Lennon – những người nổi loạn, những “working class hero [53]”. Paris thật hợp với những từ như “cách mạng”, “lật đổ”, “chiến lũy”, “biểu tình”… vậy mà Paris vẫn là thành phố lãng mạn nhất và đẹp nhất tôi từng biết. Có lẽ tất cả những người mơ mộng đều là người nhiều lý tưởng; mà để thực hiện lý tưởng đôi khi cần phải lật đổ, đập tan cái cũ. Cách mạng chỉ là một vẻ mặt khác của sự lãng mạn. Cách mạng là sự lãng mạn đang cau mày.

[53] Anh hùng của giai cấp lao động.

Giờ thì tôi nghĩ, có lẽ vật có tinh thần Paris nhiều nhất chính là những cái cột điện dọc đại lộ Thánh Michel của khu Latin. Trên những cái cột sắt cao mảnh dẻ ấy, có thể gặp một mẩu quảng cáo hòa nhạc Bach và Vivaldi miễn phí trong nhà thờ thánh Chapelle cạnh quảng cáo về một lớp nhập môn triết học cho trẻ em, cạnh một mẫu quảng cáo về dịch vụ hỗ trợ người vô gia cư, cạnh một tờ khuyến cáo người dân bầu cử, cạnh quảng cáo lớp học ballet, cạnh một mẩu tìm mèo lạc. Tự do, bình đẳng, bác ái, nghệ thuật, dân chủ và cái đẹp chen chân nhau trên những cây cột thắp sáng Paris [54].

[54] Paris được gọi là “kinh đô ánh sáng” vì Paris là một trong những thành phố đầu tiên sử dụng đèn điện để thắp sáng đường phố. Cuối thế kỷ XVII, trung tướng cảnh sát đầu tiên của Paris là Gabriel Nicolas de La Reynie ra lệnh thắp sáng những khu vực công cộng nhiều tệ nạn của thành phố. Nhưng cụm từ “kinh đô ánh sáng” cũng ám chỉ việc Paris là một trong những trung tâm văn hóa, tri thức lớn nhất của thế giới.

Quảng cáo hòa nhạc Bach, lớp học triết cho trẻ em, và tìm việc cạnh nhau, Paris.

Đêm qua, tôi ăn bữa tối chia tay với Kai và Sarah. Chúng tôi đi bộ qua sông Seine ở đoạn Quai aux Fleurs, rồi vào một nhà hàng Địa Trung Hải chuyện phục vụ các loại crepe khác nhau. Kai gọi món crepe với thịt xông khói, trứng và rau; Sarah ăn bánh crepe với rau spinach; còn tôi ăn crepe với măng tây. Loại bánh crepe này có da màu nâu chứ không phải màu vàng vì chúng được làm bằng lúa mỳ còn nguyên thay vì bột mì. Kai gọi nước quả lên men, chỉ có 5% cồn. Chúng tôi ăn xong thì đi uống cà phê ở một quán ngay gần quảng trường Thánh Michel – lúc này đông nghẹt người ngồi ăn tối, uống cà phê và rượu. Khi chúng tôi đứng dậy đã là 11 giờ 33 phút và Kai phải bắt chuyến tàu muộn về lại nhà. Chúng tôi ôm hôn nhau và hẹn sẽ còn gặp lại.

Trở về khách sạn lúc gần nửa đêm sau khi chia tay Kai và Sarah, tôi có cảm giác như đã chia tay Paris đến nơi và một nỗi buồn len lén dâng lên. Tôi đi bộ trở lại bờ sông Seine, đứng đó nhìn xuống dòng nước một lúc rồi mới về phòng.

Trong phòng, Carrie đang ngồi trên giường chăm chú nghiên cứu bản đồ Paris:

“Em đã tìm được nhà thuê chưa?” Tôi hỏi.

“Chậc,” Carrie tặc lưỡi rồi phá lên cười. “Kế hoạch của em có một thay đổi nhỏ, Fuck, em đã khóc suốt cả ngày hôm nay…”

“Sao thế?”

Hóa ra, Carrie đã đi tới xem và thích căn hộ đó. Nhưng vì Carrie chưa có việc làm và chỉ có visa du lịch nên người cho thuê nhà yêu cầu Carrie phải trả trước ba tháng tiền mặt, tức là khoảng 4000 đô la. Khi Carrie ra ngân hàng rút tiền, cô phát hoảng vì bốn nghìn là một nửa số tiền mà Carrie đã tiết kiệm được trong suốt mấy năm vừa học vừa làm bồi bàn.

“Thế là em bắt đầu khóc và nghĩ, fuck, không biết em đến Paris làm quái gì nhỉ. Chẳng hiểu thế quái nào em lại nảy ra cái ý định quỷ quái là chuyển đến Paris sống một năm chứ. Em không thể làm thế được, em không thể. Em khóc, em gọi điện cho mẹ em, em bảo mẹ ơi, con không làm được. Mẹ em bảo con có thể làm bất cứ thứ gì con muốn, nếu con muốn chuyển đến Paris sống thì dũng cảm lên, con có thể làm được, còn nếu con chỉ muốn đi du lịch khắp châu Âu thì cũng được, tùy con. Em bảo là thôi con không chuyển đến Paris sống nữa, con chỉ đi du lịch quanh châu Âu khoảng ba tháng rồi sẽ về lại Mỹ. Đấy, giờ kế hoạch mới của em là thế… Nhưng vấn đề là bây giờ em không biết làm gì với cả cái đống shit này của em. Fuck! Em mang theo nhiều đồ quá, em cứ nghĩ là em sẽ chuyển đến đây, nhưng giờ chỉ đi du lịch thôi thì em không biết làm quái gì với đống shit này.”

Tôi nói với Carrie là sợ hãi là chuyện bình thường, ai cũng sẽ có một chút sợ hãi khi một mình chuyển đến một thành phố xa lạ ở một nước khác, không người thân thích.

“Nhưng em cần cho Paris một cơ hội và cho em một cơ hội với Paris,” tôi nói. “Rồi em sẽ thấy mừng là em đã chuyển đến đây.”

“Ồ, không, không không,” Carrie lắc đầu quầy quậy. “Không đâu, em biết là em không muốn chuyển đến đây sống. Em chẳng biết là em lấy đâu ra cái ý nghĩ điên rồ đấy. Lúc em email cho cái bà chủ nhà và bảo bà ấy là xin lỗi bà, cháu không thuê nữa đâu, xin lỗi làm mất thời gian của bà, em thấy nhẹ hết cả người. Phù. Chúa ơi, không không, em không muốn đến đây sống đâu, em chỉ muốn đi du lịch ba lô quanh châu Âu một thời gian rồi về nhà tìm việc đi làm thôi. Lại đi làm kiếm tiền như mọi người.”

Và đây là lý do mà Carrie đang nghiên cứu cái bản đồ Paris bởi vì từ hôm đến đây, cô ấy quá lo lắng chuyện tìm nhà nên chẳng có tâm trí đâu mà ngắm Paris. Tôi chỉ cho Carrie cách gửi đồ thừa ngoài nhà ga, cách xem bản đồ, cách đi tàu điện và cách định hướng. Tôi trả lời các câu hỏi về Paris… và Carrie ngẩn ra, đập mạnh vào vai tôi:

“Ê bồ, làm thế quái nào mà bồ biết quá nhiều về Paris thế? Chị đến Paris được bao lâu rồi?”

“Mười hôm.”

“Mười hôm? Nghe cứ như chị đã sống ở đây cả năm, cái quái gì chị cũng biết là thế nào hử?”

Nghĩ cho kỹ thì Carrie cũng không sai nếu như tôi tính cả những năm tháng tôi đã đọc về Paris. Thực sự là, mới ở đây mười ngày nhưng tôi cảm giác như tôi đã biết rất rõ Paris, tôi có thể lên tàu đi bất cứ đâu, tìm đường về khách sạn từ bất cứ địa chỉ nào… tôi có thể chuyển đến đây sống mà sẽ không bỡ ngỡ. Thực sự, tôi đã không còn là một khách du lịch ở Paris nữa rồi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.