Một mình ở châu Âu

Chương 12



Những ngày này, đêm nào tôi cũng đọc lại một chương trong Những người khốn khổ trước khi đi ngủ. Tôi sẽ trở về nhà từ đâu đó trong lòng Paris và trên chiếc giường đơn ở tầng hai, tôi bật cái đèn cá nhân ở đầu giường rồi mở Những người khốn khổ ra và lại chìm đắm trong một Paris của Hugo với những cái tên quen thuộc – phố Thánh Denis, phố Thánh Jacques, Rue de Babylone, nhà xép Gác-bô, quán Cô-ranh, vường Luxembuorg, nhóm ABC, nhà tu Picpus, cầu Austerlitz, cánh đồng Sơn-ca, chân trời có rạng chớp, một phòng khách ngày ấy, Ma-ri-uýt nghèo, Ma-ri-uýt túng quẫn, Ma-ri-uýt tuyệt vọng… trong lúc cách đó không xa, sông Seine vẫn tiếp tục chảy trong đêm, Nhà thờ Đức Bà vẫn đứng sừng sững, vườn Luxembourg thiu thiu ngủ, và những tiếng giày lẻ loi của một người Paris nào đó vọng lên từ dưới lòng đường lát đá… – và tôi nghĩ “À phải, mình đã ở đây, mình biết chỗ này” hoặc “À, chỗ này mình chưa đến… mình phải nhớ đi tìm chỗ này…” và cứ thế, tôi chìm vào một giấc ngủ giữa một Paris ở gần tôi hơn, thật hơn, đẹp hơn, đồng thời lại xa lạ, bí ẩn, và quyến rũ hơn bao giờ hết.

Paris, ngày gần cuối.

Hôm nay là ngày trọn vẹn cuối cùng của tôi ở Paris và Paris có nắng. Tôi thì đang ở tiệm giặt đồ trên phố Rue de Jouy. Tôi sẽ giặt đồ, rồi đi ăn trưa, rồi đi quanh một chút để tìm phố Moueffetard, rồi sẽ tới vườn Luxembourg thêm một lần nữa, rồi sẽ ăn bữa tối tạm biệt Paris. Ngày mai tôi sẽ ăn sáng rồi rời Paris. Tôi cũng muốn cắt tóc nữa nhưng cắt tóc ở Paris đắt quá, các cửa hiệu ở xung quanh khách sạn đều có giá ít nhất 40 euro, tương đương 70 đô la… vậy là tôi sẽ phải chờ về lại Mỹ để đi cắt ở cái tiệm quen thuộc có giá 18 đô la một đầu.

Cửa hiệu giặt đồ này rất đơn giản; chỉ có bảy cái máy giặt tất cả, bốn máy lớn và ba máy nhỏ. Máy lớn có thể giặt được 15kg quần áo mỗi lần (với giá 8 euro), máy nhỏ giặt 7kg (giá 3.5 euro). Chủ hiệu là một ông già gần bảy mươi đang đọc báo và mặc áo may ô và quần cộc lúc tôi bước vào. Giờ đã là gần trưa rồi nhưng ngày của tôi mới bắt đầu bởi vì sáng nay, cả tôi và Carrie đều ngủ quên và mở mắt ra lúc 10 giờ rưỡi. Carrie kêu”

“Ôi giời ơi chị ơi, dậy đi, it’s fucking mười rưỡi rồiiiiiiii.”

“Chị với em chắc là những kẻ du lịch lười biếng nhất Paris,” tôi cười.

Thực sự là tôi có thể dậy sớm nếu tôi muốn, nhưng hôm nay là ngày trọn vẹn cuối cùng của tôi ở Paris và tôi không muốn vội.

Tiệm giặt này chỉ cách khách sạn có hai khối nhà. Có một tiệm giặt khác trên phố Rue de Rivoli nhưng hôm trước, khi đi qua đó, tôi thấy một thanh niên đồng tính luyến ái chỉ mặc một chiếc quần sịp bảy sắc cầu vồng với tất trắng ngồi đọc báo trong lúc chờ đồ giặt. Có vẻ như tiệm giặt đó chuyên phục vụ những người đồng tính luyến ái độc thân.

Sáng nay, trên đường đi đến đây với bịch quần áo bẩn, tôi phải dừng lại giữa đường vì đột ngột có cảm giác choáng váng, bồng bềnh như sắp ngất. Có lẽ là tôi bị hạ đường huyết.

Giặt mất bốn mươi phút. Buồn cười nhất là sau khi giặt xong, tôi ra hiệu cho ông chủ tiệm rằng máy đã giặt xong, nhưng ông ta giơ một ngón tay lên với tôi, ra ý “Im nào, tôi đang đọc báo, đừng làm phiền tôi”. Trông ông ấy như thể ông ấy có tất cả thời gian trên đời để đọc hết cái bài báo đó (hình như là báo thể thao). Rồi mấy phút sau, ông ta bỏ tờ báo xuống, từ từ đứng dậy và rồi cũng đủng đỉnh, chậm rãi như thế, nhặt từng món đồ của tôi bỏ vào máy sấy. Trời đất quỷ thần ơi, phải nói là người Paris không hề có một chút ý thức phục vụ khách hàng. Thậm chí họ có vẻ cũng chẳng cần khách hàng. Ở Mỹ thì khác. Tôi không bao giờ cần nói một lời; những người phục vụ lúc nào cũng hau háu chờ xem có thể làm gì thêm để khiến khách hài lòng nhất.

Sấy mất nửa tiếng mới xong. Tôi lại có một loạt quần áo mới để đi Ý.

Trưa, tôi rẽ vào tiệm phở Tây Đô mà tôi nhìn thấy hôm trước trên phố Rue des Ecoles. Khi người chủ tiệm mang phở ra; tôi hỏi:

“Chú là người Việt Nam ạ?”

“Ừ, đây cũng người Việt Nam nữa nè,” chú ấy nói giọng miền Trung và chỉ cho tôi một bác già ngồi ở một bàn gần đó cùng một cô gái trẻ người Pháp.

Tôi cúi đầu chào bác già. Bác ấy nói bằng giọng Huế nhẹ:

“Cháu ở đâu sang? Cháu người vùng nào ở Việt Nam?”

“Cháu ở Hà Nội ạ.”

Bác ấy mặc áo sơ mi trắng, trông có cái vẻ của một học giả điển hình thời những năm 1960. Sau khi bác ấy hỏi tôi làm gì ở Paris, tôi hỏi lại bác làm gì ở Paris. Bác ấy nói bác ấy đã sống ở đây rất nhiều năm rồi, và bác ấy nghiên cứu ngôn ngữ, ngoài những việc khác. Bác ấy bảo bác ấy đang giải thích cho cô sinh viên Pháp này về ngôn ngữ tiếng Việt. Bác ấy đã viết một cuốn từ điển tiếng Việt với khoảng 33 ngàn từ trong khi người Việt Nam cùng lắm chỉ dùng đến 10 ngàn từ. Bác ấy nói xong, tôi tiếc quá: trước chuyến đi này, tôi đã nghĩ là tôi rất muốn gặp một số học giả người Việt sống ở Paris, tôi biết có rất nhiều người thú vị; nhưng rồi tôi lại thôi. Giờ thì đã quá muộn rồi, mai là tôi rời Paris.

Bác ấy và tôi nói chuyện một chút về tiếng Việt; rồi phở của tôi được mang ra. Bác ấy nói khẽ:

“Ăn đi không nguội cháu. Bon appetit! [55].”

[55] Chúc ngon miệng!

Bác ấy có cái vẻ lịch lãm Paris rất dễ nhận. Làm sao có thể sống ở đây mà không nhiễm sự lịch lãm của Paris được.

Bây giờ là 2 giờ chiều và tôi thì đang ở trong cái vườn nhỏ tuyệt đẹp giữa Rue Monge và Rue Bernadins. Hai học sinh trung học vừa mới vào vườn và ngồi xuống một cái ghế dài gần tôi. Một cậu ăn mặc giống với học sinh trung học Mỹ, tức là áo thể thao có mũ trùm đầu, giày Nike, quần bò lụng thụng. Nhưng cậu kia thì trông như một sinh viên Sorbonne những thế kỷ trước. Cậu ấy mặc sơ mi trắng bên trong, com lê da đen ở ngoài, tay cầm một cái túi da dê màu vàng, đầu đội một cái mũ quả dưa như của các quý ông thời trước, và tay cầm một cái ô đen với cán gỗ dài màu vàng. Trông cậu ấy quá giống như một gentlement mặc dù cậu ấy chắc chắn không ngoài mười tám.

Giờ thì tôi dễ dàng nhận ra ai là khách du lịch ở Paris. Họ luôn sợ mất đồ ở khách sạn nên họ thường đi trên phố với một cái ba lô to sau lưng. Trông họ khốn khổ vì gánh nặng khi đi bộ dưới mặt trời.

Có lẽ tôi phải về lại khách sạn thôi. Đầu tôi lại bắt đầu chòng chành rồi. Tôi không thể mạo hiểm được.

10:37 tối: Viết từ trong nhà hàng Les Philosophes, số 28 phố Vieille-du-Temple.

Tôi quyết định đến đây ăn bữa tối tạm biệt Paris bởi vì tôi biết lúc này thì tôi rất cần phải ăn một bữa ngon. Mà chính xác là tôi cần ăn thịt bò bít tết; một miếng bít tết New York thật to, được làm tái, cắt ra vẫn còn huyết đỏ. Tôi cũng muốn một ít khoai tây luộc và bánh mỳ bơ. Tôi không thể ốm vào lúc này, và cách phòng trừ tốt nhất là một bữa ăn ngon và một giấc ngủ dài. Thực ra đây là bữa tối thứ hai của tôi. Tôi quyết tâm không để mình ốm nên tôi ra khỏi khách sạn lúc 10 giờ rưỡi tối mặc dù tôi đã ăn một bữa tối lúc 6 giờ.

Từ chiều, tôi đã về lại khách sạn lúc 2 giờ rưỡi (nghĩa là phố Rue de Mouffetard lại một lần nữa trốn thoát), bò vào giường và ngủ một giấc mê mệt. Khi tỉnh dậy gần 6 giờ tối, tôi thực sự mệt. Người tôi sốt và cả một cảm giác gì đó nữa, giống như một sự mong chờ. Nó làm tôi nghĩ đến những lúc tôi tỉnh dậy vào 4 giờ sáng, hoàn toàn tỉnh táo, cũng với một cảm giác mong chờ không rõ ràng, một sự tìm kiếm và một tiếng thở dài mà tất cả sự lãng mạn hạnh phúc của Paris gộp lại cũng không cứu được.

Tôi ra khỏi giường, đi sang tiệm cơm Tàu ở bên kia phố Rivoli, mua một ít cơm với thịt gà xào chanh và thịt bò xào hành tây. Ăn xong, tôi lại ra siêu thị mua một ít nước cam và một ít nho. Tôi ăn hết tất cả chỗ thực phẩm đó rồi lên giường ngủ tiếp cho đến lúc tôi tỉnh dậy sau 10 giờ và quyết định phải đi ăn bữa tối thứ hai.

Ở bàn bên canh, một thanh niên Pháp vừa tới. Anh ta có khuôn mặt giống hệt Tom Cruise nhưng cao hơn nhiều. Anh ta đi cùng một cô gái nhưng trông hai người có vẻ không phải là người yêu; trông họ như hai anh em thì đúng hơn. Trong quán này, tôi là người duy nhất ăn tối một mình; tất cả những người khác đều có bạn.

Than ôi, ngày gần cuối cùng của tôi ở Paris mà tôi thì ốm yếu như một con sên.

Paris, ngày cuối cùng…

11:33 sáng: Viết từ Café Notre Dame, đối diện với Quai Saint Michel.

Tôi ngồi đối diện với hai tháp chuông Nhà thờ Đức Bà ở cách tôi chừng mấy trăm mét. Tuy nhiên, tầm nhìn của tôi bị chắn bởi một màn hình lớn mà người ta dựng lên từ đêm qua để tường thuật cuộc viếng thăm của Giáo hoàng vào ngày mai. Thực tế là từ hôm qua, họ đã đóng cửa vườn đằng sau; ngày hôm nay chắc họ cũng không cho khách vào thăm Nhà thờ để còn chuẩn bị đón Giáo hoàng. Bây giờ, xung quanh Nhà thờ, ở cả hai bên bờ sông, phía trước và phía sau, người ta đã dựng lên rất nhiều rào chắn, màn hình ti vi ngoài trời và các xe thu phát. Tầm này ngày mai, chỗ này sẽ đông nghẹt người đón Giáo hoàng. Khi nghĩ đến việc Paris đã đông nghẹt khác du lịch từ mấy hôm nay, tôi mừng rằng hôm nay tôi sẽ rời Paris.

Nhưng nói như vậy là nói dối rồi. Tôi không mừng mình sẽ rời Paris hôm nay bởi vì dù đông đến mấy, chật đến mấy, Paris vẫn có một chỗ cho tôi và tôi có một chỗ cho Paris. Nhưng tôi sẽ đi, dù có hơi bịn rịn như phải chia tay một người bạn thơ ấu. Đêm qua, Carrie hỏi tôi “Sao chị có thể thích Paris thế nhỉ?” và nhún vai “Em thì không thích lắm, nhiều khách du lịch quá.” Tôi chỉ cười vì sẽ mất quá nhiều thời gian để giải thích cho Carrie hiểu rằng quan hệ của tôi với Paris đã bắt đầu ở một nơi không có những người khách du lịch này và đang tiếp diễn theo cái cách mà những khách du lịch này không thể làm ảnh hưởng.

Nhưng nói về sự quyến rũ của Paris thì tôi phải nhắc đến một việc mà tôi đã nghĩ từ hôm đầu đến đây: Tôi vừa không thể tưởng tượng nhưng đồng thời lại thấy hoàn toàn có thể hiểu tại sao cái thành phố bé nhỏ này có thể chứa nhiều con người vĩ đại đến vậy. Những đường phố nhỏ này đã thấy dấu chân của rất nhiều nghệ sĩ, nhà tư tưởng, chính khách lớn… họ đã đến, đã sống, và chết ở đây. Làm thế nào mà những bộ óc lớn này có thể ở cùng trong một không gian nhỏ, ảnh hưởng lẫn nhau nhưng không dẫm đạp lên nhau, chia sẻ mà không tan biến vào nhau, kết nối những vẫn độc đáo và riêng biệt, chung mà vẫn một mình, cứ ngang nhiên vĩ đại. Tôi cứ nghĩ đến tất cả những salon văn học ở Paris trong các thế kỷ trước và hiểu tại sao chỉ có ở Paris chuyện này mới xảy ra. Như phòng khách văn học của Hugo, nơi những nhà văn và nghệ sĩ thuộc trường phái Lãng mạn đã tụ tập thường xuyên. Hay phòng khách của Mallarmé mà người Paris gọi là Les Mardistes (Những kẻ Thứ Ba) vì thứ Ba hằng tuần là nơi tụ tập của các trí thức và nghệ sĩ bao gồm Yeats, Rilke, Paul Valéry, Paul Verlaine, v.v… Và dĩ nhiên phải kể đến phòng khách của Gertrude Stein – tụ điểm của những nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ nước ngoài sống ở Paris những năm 1920. Rồi tôi lại nghĩ đến những người như George Sand – một nhà văn, một người phụ nữ đã là người-tình/tri-kỷ của cả Chopin và Flaubert. Tất cả chỉ trong một thành phố rất nhỏ.

Thật khó tưởng tượng mà lại thật dễ hiểu.

Và điều này làm tôi nghĩ đến Hà Nội, làm cho tôi muốn làm cái gì đó tương tự ở Hà Nội bởi vì theo nhiều cách, Hà Nội rất giống Paris. Vấn đề là: kiếm đâu ra những người đủ yêu nghệ thuật và cái đẹp đến mức họ có thể chịu đựng và tha thứ cho những cái tôi to lớn và những lập dị của các nghệ sĩ đồng nghiệp; để thấy rằng cái tài và cái đẹp không thể nào xấu xa được.

Đêm qua trời mưa và tôi có một giấc ngủ đầy những giấc mơ nặng nề do hệ quả của cơn sốt chờn vờn. Tôi lục sục tỉnh dậy đi toilet nhiều lần, rồi có một giấc mơ lạ lùng trong tình trạng chàng màng, ở đó, tôi đã nhớ một người bạn mà tôi cũng không chắc là ai, nhưng nhớ đến mức nỗi nhớ như một con dao đâm chầm chậm xuyên qua người tôi, làm tôi tỉnh dậy. Và lơ mơ tỉnh dậy vào lúc gần sáng, tôi không hiểu đó là một giấc mơ, hay là ở một nơi nào đó, trong một chiều không gian nào đó, nó đã thực sự xảy ra, theo cái cách linh hồn của bạn tôi và tôi đã theo dấu nỗi nhớ không rõ khởi nguồn đó mà tìm gặp nhau.

Nhân nói đến trí nhớ, những ngày này tôi có một nỗi lo. Gần đây, có nhiều khoảnh khắc tôi không làm sao nhớ nổi những điều tôi từng biết chắc chắn. Ví dụ như tôi vẫn không làm sao nhớ được chính xác cách viết chữ “Sacré Coeur”. Đôi lúc, tôi muốn dừng ghi chép vì có vẻ như khi làm vậy, trí nhớ của tôi sẽ biến thành một cái gương chứ không phải một cái kho; một cái gương thì chỉ phản chiếu ảnh của một vật, và khi vật đó biến mất thì ảnh cũng biến mất lun. Cái hành vi ghi chép này có mục đích ghi nhớ mọi việc nhưng thực tế cũng lại là hành vi tẩy xóa chúng khỏi trí nhớ bởi vì khi tôi viết, não của tôi sẽ tự nhủ rằng được rồi, mình đã lưu lại các việc này trên văn bản ở đâu đó và không cần lưu trong bộ nhớ nữa.

Hôm trước, vì lo điều này, tôi thử không ghi chép gì cả ngày xem tôi có nhớ lại được không. Hóa ra tôi vẫn nhớ được. Vấn đề của tôi là trí nhớ cảm xúc của tôi mạnh hơn trí nhớ hình ảnh, vì thế mà khi tôi có ấn tượng mạnh về một cái gì đó, thì cái ấn tượng cảm giác đó luôn xóa nhòa tất cả các chi tiết khác, chỉ để lại các nét phác thảo cơ bản, giống hệt như kiểu của các họa sĩ trường phái Ấn tượng. Như khi tôi thích một ai đó, tôi không bao giờ nhớ được khuôn mặt người đó trông như thế nào, nhưng tôi có thể nhớ chi tiết cảm giác của mình vào từng khoảnh khắc gặp mặt. Như vào giây phút này, tôi đang ngồi đối diện Nhà thờ Đức Bà, tôi không chắc là sau này tôi sẽ nhớ được bao nhiêu chi tiết về các tòa tháp, các tượng thú, các cửa sổ, các kèo cột… nhưng tôi chắc chắn sẽ nhớ tôi đã cảm thấy thế nào mỗi lần tôi vượt qua sông Seine và thấy Nhà thờ Đức Bà kiêu hãnh đứng đó…

Sáng nay, trên cầu Bourbon, tôi đứng lại để nhìn Nhà thờ Đức Bà từ phía sau và lại thấy những bức tượng thánh sơn xanh lá cây xếp một hàng trầm mặc ở hai bên thân nhà thờ như thể các vị thánh đang hành hương lên một đỉnh núi. Trông họ thật bình an, nghiêm nghị, và cao thượng. Và tôi không biết sự bình an ấy hay cái gì khác làm cho nước mắt tôi dâng lên. Đấy là một cảm giác lạ – nhìn Nhà thờ Đức Bà và biết rằng hôm nay tôi sẽ rời Paris và nghe thấy nhà thờ dường như đang chào tạm biệt tôi chỉ bằng cách đứng đó vững chãi, cao lớn, tự tin, quen thuộc. Như thế, Nhà thờ Đức Bà là một vị thánh ngàn tuổi đang trìu mến nói với tôi, “Ồ nào, con của ta, đừng khóc, chúng ta chỉ tạm chia tay thôi, rồi chúng ta sẽ gặp lại.”

Giờ thì tôi ngồi đây, đối diện với hai tòa tháp và tôi lại cảm thấy như chúng chỉ đứng đó cho mình tôi. Mặt trời vừa ló ra thắp sáng thành phố và làm những cửa sổ kính màu long lanh. Người người đi lại tấp nập trên phố, hầu hết là các đôi tình nhân, cả già lẫn trẻ… và, phải rồi, tôi nữa, tôi cũng có một tình nhân, tôi và Paris, chúng tôi là một đôi, chúng tôi đang có một cuộc hẹn hò bí mật và c’est si bon[56].

[56] C’est si bon (Điều đó thật tốt) là một bài hát jazz rất nổi tiếng có xuất xứ từ Pháp.

“C’est si bon, điều đó thật tốt; những đôi tình nhân ở Pháp nói với nhau như thế khi họ tán tỉnh nhau bởi vì, ồ, điều đó thật tốt. Điều đó thật tốt, tôi cũng sẽ nói với em, như người Pháp nói với nhau, ồ, thật tốt, phải rồi, thật tốt, từng lời nói, từng tiếng thở dài, từng nụ hôn, em yêu, thật tốt, chúng đều chỉ đi đến một ý nghĩ này thôi, em yêu, ý nghĩ này, ồ điều đó thật tốt, không gì có thể thay thế vòng tay hờ hững của em… Ồ, em yêu, đừng bao giờ xa tôi, đừng bao giờ, phải rồi, điều đó thật tốt…”

Tôi lại bắt đầu xúc động rồi.

Đêm qua, khi tôi từ quán Les Philosophes trở về, Carrie đang ngồi trên sàn giữa mấy cái va li, quần áo vứt lung tung. Carrie đang cuống cả lên vì không biết sẽ phải ở đâu bây giờ. Tôi đã nói với Carrie từ hôm đầu tiên rằng nếu như cô đổi ý không thuê nhà nữa mà sẽ ở khách sạn này thăm Paris chừng mười ngày rồi đi tiếp thì phải báo với khách sạn ngay để đặt phòng, nếu không thì sẽ không có phòng đâu. Carrie gật gù “vâng, vâng… rồi, rồi… em sẽ làm” nhưng rồi cứ lần lữa mãi và giờ, khi cô ấy muốn ở thêm thì khách sạn không còn phòng nào cả. Carrie giống như rất nhiều cô gái Mỹ trẻ – tự tin rằng mình là người Mỹ, miễn mình cầm đô la trong tay và nói thứ tiếng giao tiếp chính của thế giới thì mình có thể đi bất cứ đâu và làm bất cứ điều gì – theo cách và lịch của mình. Nhưng đây lại là Paris. Với cách của Paris.

Sáng nay, khi tỉnh dậy, tôi lại thấy Carrie ngồi trên sàn tiếp tục cuống lên. Cô không biết nên mang gì theo và bỏ lại gì khi tiếp tục đi du lịch ba lô ở châu Âu trong ba tháng tới.

“Chị nhìn xem,” Carrie gần như sắp khóc. “Em điên quá đi mất. Em để cho mọi người phỉnh phờ em mang theo cả cái đống chết tiệt này, ai cũng bảo, em sẽ cần cái này, sẽ cần cái kia… Giờ thì chị nhìn xem, cả một đống shit to tướng, làm sao mà e tha đi được.”

Tôi nhìn. Carrie mang theo rất nhiều xà phòng bánh, mấy chai dầu gội đầu lớn, rồi dầu tắm, các loại giày thể thao, giày cao gót, xăng đan, rất nhiều sách, số, cả một đống quần áo lót, máy tính, máy ảnh với một lô ống kính, và rất nhiều các đồ không tên. Tôi chỉ cho Carrie cái rõ ràng nhất:

“Carrie, em mang theo quá nhiều đồ trang điểm.”

Tôi bảo Carrie bỏ đồ trang điểm lại, chỉ mang theo những thứ thật căn bản: kem dưỡng ẩm (đừng có mang cả lọ to thế kia, bỏ một lượng đủ dùng sang một cái lọ du lịch nhỏ mua ngoài siêu thị), kem nền, một cái chổi quét, má phấn, chì mắt, một thỏi son, phấn phủ, sữa rửa mặt. Chấm hết. Không nên mang theo gì thêm. Bỏ lại cả những cái váy áo cầu kỳ nữa.

“Thế nhỡ em muốn mặc diện khác với bình thường thì sao? Chả nhẽ cứ áo phông, quần bò thôi à?” Carrie phản đối.

“Không, em sẽ không muốn mặc khác với bình thường đâu,” tôi nói. “Mọi người thường tưởng là khi đi du lịch, họ sẽ là một người khác và sẽ mặc như họ chưa bao giờ mặc nhưng rồi rốt cuộc, họ chẳng bao giờ có thể là người khác. Em sẽ vẫn mặc như lúc em ở Mỹ mà thôi, nhất là vì em sẽ đi du lịch ba lô trong nhiều ngày; đừng có mơ mộng làm gì.”

“Oh, hell [57]! ” Carrie nói rồi vứt cả một chồng váy áo với giày cao gót sang bên để bỏ lại.

[57] Quỷ tha ma bắt!

Tôi bảo Carrie xếp toàn bộ hành lý của cô ấy thành ba đống: một đống là những thứ mà cô ấy bắt buộc phải có, không có không được; một đống là những thứ cô ấy muốn có; và một đống là những thứ “nếu có thì tốt, không có cũng không sao”. Tôi bảo Carrie bỏ các thứ trong đống thứ nhất vào cái va li mà cô ấy định mang theo (và chỉ nên mang một cái va li theo, càng nhỏ càng tốt), nếu còn thừa chỗ trong va li này thì cô ấy có thể bắt đầu bỏ đồ ở đống thứ hai vào, rồi nếu vẫn còn thừa thì mới bỏ đồ đống thứ ba.

Trong lúc Carrie đóng va li, tôi mang hành lý của tôi xuống phòng gửi đồ, rồi check out khỏi khách sạn và giờ thì tôi ngồi đây để có một bữa sáng chia tay với Paris.

Lúc này, mặt trời đang chiếu sáng thành phố nhưng không gay gắt. Có gió nhẹ với một chớm lạnh chờm trên da, chỉ đủ để cho người ta biết mùa thu đã đến. Tôi đã ăn xong bữa sáng gồm cá hồi và một ly sô cô la nóng; và giờ thì gọi thêm món crepe-coco, tức là chỉ có da crepe với một ít sợi dừa rắc bên trên. Tôi sẽ ngồi đây thêm một lúc với Nhà thờ Đức Bà và Paris. Tôi sẽ nhớ những khoảnh khắc này.

4:57 chiều: Viết từ quán Chez Tony trong sân bay Paris/Beauvais. Tôi vừa gọi một bữa ăn nhanh với giá 5 euro – gồm có một cái bánh mỳ kẹp, một chai nước và một cái bánh ngọt. Ba mươi phút nữa, tôi sẽ lên chuyến bay của hãng hàng không giá rẻ Easyjet để đi Venice.

Sáng nay, sau khi rời khỏi café Notre Dame, tôi đi trở lại khách sạn qua mặt trước của Nhà thờ Đức Bà. Rất nhiều người đã tụ tập trước một màn hình lớn để xem tường thuật trực tiếp lễ đón Giáo hoàng ở sân bay. Tôi chụp vài bức ảnh và thoáng nghĩ đến việc mua vài tấm bưu ảnh nhưng rồi lại nghĩ tôi đã có quá nhiều ảnh và ký ức. Chỉ có một việc tôi muốn làm là ném một đồng xu xuống sông Seine như lời hứa sẽ trở lại. Vậy là tôi đi các bậc thang xuống tận bờ sông, chỗ tôi có thể nhìn thấy nóc Nhà thờ Đức Bà, và ném một đồng xu nhỏ xuống.

Tạm biệt!

Lần tới trở lại Paris, tôi sẽ phải làm nhưng điều sau:

– Tìm ra phố Rue Mouffetard.

– Dành thêm thời gian ở khu vực quanh cầu Austerlitz và Montpartnasse.

– Đi thăm cung điện Versaille và rừng Fontainebleau.

– Tới rạp xem một bộ phim Pháp, một vở kịch Pháp hay một buổi nhạc Pháp.

– Đi thuyền trên sông Seine.

– Đến thư viện Francoise Miterrand.

Nhưng trên hết, tôi muốn gặp những người Paris thực sự. Tôi cũng muốn gặp những người Việt Nam sinh sống ở đây, nhất là những người trẻ. Nhất định như thế. Lần này là cuộc hẹn hò đầu tiên của tôi và Paris; không ai lại mang thêm người khác tới cuộc hẹn đầu tiên.

Tôi cũng cần phải ghi lại những điều tôi không thích về Paris.

– Tôi không thích một số người Paris thô lỗ, kênh kiệu, nhất là những người bán hàng.

– Tôi ghét việc phân chó ở khắp nơi, không ai nhặt.

– Tôi ghét những đôi sục cao su mà khách du lịch Mỹ đi khắp nơi ở Paris. Người nào nghĩ ra loại sục này nên phải chịu hình phạt đi sục này mọi nơi, mọi lúc, dù là với áo com lê hay váy.

– Tôi không thích khách du lịch quá nhiều ở Paris, mặc dù tôi cũng là du khách.

– Tôi không thích việc cả vườn Tuileries lớn chỉ có một cái toilet ở tận cuối vườn; và nhìn chung Paris không có nhiều toilet công cộng tử tế.

Và giờ thì tôi không thích bản thân mình vì nghĩ ra cái danh sách này. Tôi không thích mình cũng rơi vào thói quen tóm tắt, tổng kết mọi thứ, và quy mọi thứ về hai thái cực yêu-ghét, đã-làm-được và chưa-làm-được, thành-công và thất-bại. Một khi tôi bắt đầu tóm tắt tổng kết và khái quát Paris bằng những gạch đầu dòng, tôi bắt đầu mất Paris. Thế nên tôi sẽ dừng lại ở đây. Tôi muốn mang đi cùng tôi một Paris với những cảm giác hạnh phúc lớn không sao ôm nổi, và cả trăm ngàn những khoảnh khắc nhỏ, gần gũi, thân thiết. Một Paris bao chứa cả sự vĩ đại và cả những tiểu tiết: đầy sự cao cả và tình yêu. Một Paris mà tôi yêu bằng một tình yêu riêng, không chia sẻ. Một tình yêu không hỏi tại sao. Một tình yêu không có tóm tắt và tổng kết, không thể mang ra gạch đầu dòng.

Tạm biệt Paris! Hẹn gặp lại một ngày gần nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.