Một mình ở châu Âu

Chương 14



Trở lại với Kate. Chị ấy ba mươi tám tuổi nhưng trông chỉ như hai mươi lăm. Người chị ấy vẫn gầy và gọn, ăn mặc đẹp – có lẽ là do những năm tháng ở Paris. Và chị lúc nào cũng mỉm cười.

Mười ba tuổi ở Anh, Kate gặp một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng và thần tượng anh ta. Người này, lúc đó ngoài ba mươi, cũng quý mến chị nhưng chỉ như một người cha hay người anh. Cô bé Kate lúc đó theo anh ta tới mọi concert trong bốn năm liền, như một dạng super-fan. Năm mười bảy tuổi, chị nghĩ rằng mình đã là người lớn và chấm dứt tình trạng theo đuổi yêu đương mơ mộng kiểu trẻ con, vả lại chị sắp chuyển đi New York sống nên quyết định đến gặp ngôi sao nhạc rock lần cuối để nói chuyện. Nhưng chị đã không gặp được anh kia. Hơn năm năm sau, từ New York, chị ấy đã quay lại Anh đúng vào lúc ngôi sao kia chuyển đến Mỹ để bắt đầu sự nghiệp quốc tế. Nhiều năm lại trôi qua; chị cưới một người đàn ông vốn là một người bạn từ nhỏ. Rồi một thời gian trôi qua; ngôi sao nhạc rock trở lại Anh. Lúc này Kate đã lấy chồng được khoảng sáu năm và cuộc sống hôn nhân êm ả. Một ngày nọ, chị tình cờ gặp lại ngôi sao nhạc rock và họ lập tức quấn lấy nhau. Anh ta, lúc đó gần năm mươi, muốn chị ấy, lúc đó gần ba mươi, đến sống cùng. Vậy là chị về nhà, kể hết chuyện với chồng; họ ly dị và chị chuyển đến sống với ngôi sao nhạc rock. Họ sống được hai năm thì chị bỏ đi. Giờ thị Kate đã sống độc thân được vài năm.

“Lúc chị nói muốn ly dị, chồng chị có buồn không?”

“Buồn chứ cưng; nhưng anh ấy biết chuyện mà. Chị đã kể cho anh ấy nghe chuyện này từ lúc bọn chị mới gặp nhau. Anh ấy biết hết. Anh ấy bảo là anh ấy tôn trọng chị vì dù sao chị cũng đã trung thực với anh ấy.”

“Thế chị sống với anh nhạc rock kia có vui không? Nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn… họ sống trong đầu họ nhiều quá, mà họ lại cũng không cưỡng được.”

“Bọn chị sống cũng vui. Nói chung cũng lên lên xuống xuống, thăng trầm như bất cứ cặp nào, cưng biết đấy.”

“Thế rồi bọn chị cứ thế chia tay hay có chuyện gì lớn xảy ra?”

“Kể ra thì cũng nhiều nguyên nhân, nhưng chẳng cái nào là biến cố lớn cả; cơ bản là đến cuối năm thứ hai, chị muốn anh ấy phải quyết định dứt khoát xem có kết hôn không, rồi còn chuyện con cái nữa. Nhưng anh ấy không quyết định được. Thế là chị bảo chị phải ra đi để xây dựng cuộc sống của chị.”

“Thế anh ấy có buồn không? Có giữ chị lại không?”

“Buồn chứ. Bọn chị khóc suốt. Anh ấy muốn chị ở lại, nhưng anh ấy cũng không thể quyết định được việc kết hôn. Anh ấy không muốn kết hôn, anh ấy chỉ muốn sống với nhau như thế, anh ấy bảo sao không thể cứ sống với nhau như thế này, chị thì không thể mãi được, chị không thể cứ như thế đến hết đời, đơn giản là chị không thể.”

“Chị có thấy tiếc gì sau toàn bộ chuyện này không? Nghe chuyện em cứ có cảm giác mất mát thế nào đó.”

“Không, chị không tiếc.”

“Thế chị có tiếc khoảng thời gian mà chị đã theo đuổi và ám ảnh về cái anh nhạc rock này không? Chị có bao giờ tiếc là chị đã phí thời gian cho nó vì kết cục của nó đã không như chị mong muốn?”

“Không, nó là một tình cảm thật em ạ, lúc đó tình cảm của mình rất trong sáng và chân thành, tuy đúng là trẻ con nhưng nó là cái trong sáng và chân thành của trẻ con. Cho nên chị không tiếc. Nó ngớ ngẩn, đúng rồi, nhưng mà lúc đấy nó thế, nó rất chân thành.”

“Thế chị có tiếc đã ly dị chồng không? Chị nói anh ấy là người tốt, và chị đã hạnh phúc; chị có bao giờ tiếc là nếu chị không ly dị thì cuộc sống của chị vẫn cứ êm đềm đến giờ?”

“Không, chị không tiếc. Anh ấy tốt nhưng cuộc sống bọn chị vẫn thiếu cái gì đó, chị không thể giả vờ được. Nếu chị không chia tay thì chị vẫn không thể nào thôi ám ảnh về người kia, thực sự là như thế. Với cả, tiếc làm gì cho phí phạm, mỗi một lúc mình chỉ có thể quyết định điều tốt nhất vào lúc đó thôi cưng, mình làm sao biết được quyết định đó là tốt nhất hay không, đời thì dài, chết có khi cũng còn chưa là kết thúc thì làm sao tính được?”

“Thế chị có định sẽ lập gia đình lại không?”

“Chị không biết, chị không cần lấy chồng nhưng chị muốn có con, mà chị cũng chẳng còn nhiều thời gian nữa cho nên chị phải nhanh lên. Nhưng chị cũng không thể lấy đại một ai đấy chỉ để có con. Cưng biết đấy, khi đến từng này tuổi thì rất thực tế, không thể lãng mạn như thời còn hai mươi tuổi được nữa. Bây giờ, chị không thể nào hẹn hò với người nào không có công ăn việc làm tử tế, không đủ tự nuôi sống bản thân. Ý chị là, chị sẵn sàng làm việc nhưng mà người đó cũng phải làm việc nữa. Không thể nào có kiểu tình yêu ‘tình yêu là tất cả, tình yêu sẽ chinh phục tất cả’. Chị không thể kham nổi cách sống đó nữa.”

“Em xin lỗi nhưng mà nghe như vậy thấy buồn quá.”

“Ừ, buồn, chị biết, nhưng mà đời nó vậy đấy.”

“Làm sao mà đời người ta lại cứ xuống dốc như vậy nhỉ? Em cứ nghĩ, hàng triệu, hàng tỷ người… tất cả đều cứ đi xuống dần, lụi dần, chẳng mấy người hạnh phúc; ai cũng có rất nhiều ước mơ và dự định, và hăm hở lúc hai mươi tuổi, nghĩ rằng mình có thời gian để làm tất cả, nhưng chớp mắt một cái, cuộc sống dường như đã sang dốc bên kia rồi, chỉ có đi xuống và mọi thứ chỉ là xoay xở thực dụng để có thể sống được.”

“Chờ đến lúc cưng ba mươi tám tuổi như chị; nó sẽ còn buồn hơn nhiều so với những gì em tưởng tượng bây giờ.”

Tôi nhìn Kate. Lúc trẻ hơn, chắc chắn chị là một cô gái xinh đẹp và năng động; chị chắc chắn đã có lúc nghĩ mình có tất cả, và có thể có tất cả… thế mà bằng cách nào đó, cuộc sống của chị đã đến chỗ như bây giờ: một người viết báo nghiệp dư, cố gắng làm việc đủ sống và nuôi hy vọng sẽ có một gia đình trong khi hy vọng cứ mỏng dần, mỏng dần. Chị đã rẽ sai ở chỗ nào? Đã lạc lối ở chỗ nào? Cuộc sống có cách riêng để chơi khăm hay tất cả là lỗi của chị?

Tôi không biết nữa.

Ở sâu trong tim, người ta nghĩ gì? Muốn gì? Cần gì?

Nếu tôi chia tay Sơn, cuộc đời tôi rồi có kết cục giống như Kate không?

Venice, ngày…

Bây giờ là 10 rưỡi sáng và tôi đang ở trong nhà thờ Thánh Mary. Tôi chạy vào đây để tránh mưa sau khi đã mua vé tàu ở ga Santa Lucia. 3 giờ chiều mai tôi đi Florence rồi mà Venice thì cứ mưa ròng rã như thể cái thành phố nổi này quyết làm cho toàn bộ ký ức của tôi về Venice là một tập hợp hỗn độn của mưa, lạnh, ướt, và dĩ nhiên là nước – nước ở bên dưới, nước ở bên trên, nước đầy trong không khí, nước dọc, nước ngang, nước ở khắp nơi.

Tôi đã quên hôm nay là Chủ nhật, cho tới lúc chạy vào đây tránh mưa và chứng kiến lễ cầu kinh sáng Chủ nhật. Buổi lễ sớm lúc 7 giờ đã xong và bây giờ là buổi lễ thứ hai trong ngày; và nó được mở đầu bằng một giai điệu organ quen thuộc mà tôi đã nghe rất nhiều lần vào những sáng Chủ nhật ở nhà thờ Ngõ Trạm cùng với Quang Anh. Nó là bài thánh ca khai lễ với câu kết thúc “Chúa cha và Con, Thánh linh muôn đời”. Ngay cả khi được hát bằng tiếng Ý, tôi cũng vẫn nhận ra giai điệu. Tôi ngồi ở phía cuối nhà thờ; cách tôi hai bước chân là một buồng xưng tội nhỏ. Từ lúc tôi vào ngồi đây, hai phụ nữ và một người đàn ông đã lần lượt vào xưng tội. Tôi không biết họ xưng gì với đức cha ngồi trong đó nhưng, nếu có thể, tôi cũng muốn được xưng.

“Trình cha, con là kẻ có tội. Đêm qua, con đã có rất nhiều ý nghĩ xấu xa…”

Quả thật, đêm qua tôi có rất nhiều ý nghĩ xấu xa. Nhưng mà buổi lễ đã bắt đầu.

Đầu tiên cũng là những màn cầu nguyện chung và dàn hợp ca nhà thờ hát vài bài Kinh Thánh quen thuộc (giờ tôi mới nghĩ ra, có lẽ nghi thức các buổi lễ nhà thờ ở đâu cũng thế, vị họ cần có sự thống nhất này để tập hợp các con chiên khắp thế giới). Sau đó thì một đức cha to béo và hói bắt đầu giảng đạo. Đức cha này là tạng đức cha bốc đồng (trái với kiểu các đức cha trầm mặc, sâu lắng) – tức là ông nói to, nói nhiều, cao hứng, liên tục lên bổng xuống trầm, đi đi lại lại trong lúc giảng. Tôi hoàn toàn không hiểu đức cha giảng gì nhưng nghe có vẻ rất thú vị, những bà già ngồi bên dưới liên tục “Amen” làm dấu thánh, và giữa một màn giảng bài cao hứng, đức cha giơ hai tay lên trời hét to “paradiso, paradiso” rồi thêm một vài từ khác và lại “paradiso”.

Vậy là đức cha đang giảng về thiên đường. Tôi không muốn báng bổ, nhất là vì tôi đang ở trong nhà thờ, nhưng quả thực mỗi lần nghe tiếng Ý, tôi không thể nghĩ đến thiên đường hay bất cứ cái gì khác ngoài phim Bố Già. Thực tế là từ khi tới Ý, tôi đã nghĩ rất nhiều tới Bố Già và mafia. Đến mức, hôm qua, trên đường về lại nhà trọ, tôi dừng ở một cửa hàng bánh ngọt để mua một cái bánh cuộn kem canolla Sicily chỉ vì trong Bố Già phần III, Connie đã đầu độc cha đỡ đầu của mình bằng một cái bánh trứ danh này.

Vì tôi đang nói đến Bố Già và đầu độc, và vì đức cha trên kia sẽ còn giảng lâu và trời thì đang mưa bên ngoài, tôi sẽ viết lại những ý nghĩ tồi tệ của tôi đêm qua.

Đêm qua, tôi đã lên giường với quyết tâm phải ngủ một giấc dài mà tôi rất cần để có thể lấy lại sức. Nhưng khoảng gần nửa đêm, tôi tỉnh dậy vì một cô nàng người Úc liên tục gây ồn trong phòng. Cô nàng này đã uống rất nhiều rượu trong bữa tối và chắc say xỉn cho nên cứ đi lại rầm rập và sập cửa rầm rầm mỗi lần đi ra đi vào. Cô ta không ở trong phòng tôi; cô ta ở phòng bên cạnh nhưng liên tục đi qua phòng tôi để sang phòng của mấy cậu con trai; và họ cười đùa, uống rượu, đi ra đi vào liên tục, mỗi lần lại sập cửa ầm ầm và bước chân thì huỳnh huỵch như đóng gạch.

Bằng vào những tiếng động trong phòng, tôi biết tất cả những người trong phòng tôi đều đã tỉnh dậy – cả Kate, cả mấy cô bé sinh viên người Úc, và những người còn lại. Nhưng chúng tôi có lẽ đều hiền lành như nhau nên chẳng ai nói gì. Và vì không có ai nói gì, cho nên tôi lại nghĩ “Có khi chỉ mỗi mình là bực vì mình thiếu ngủ cả tuần nay.” Và thế là, để tự xoa dịu bản thân, tôi bắt đầu cố nghĩ những ý thiền định kiểu như “Nào, mình biết là mình không thể nào khống chế được bên ngoài. Mình chỉ có thể kiểm soát bản thân mình mà thôi. Nào, tất cả là do tâm mà ra, hít vào, thở ra, hít vào, thở ra… ngủ đi, ngủ đi…”

Tôi cố hít thở đều, hít vào, thở ra, hít vào, thở ra… tôi tập trung theo dõi hơi thở của mình, nào bắt đầu đi vào từ mũi, qua trước ngực, xuống đan điền, một… hai… ba… đi lại lên ngực, qua mũi…

aaaaaa

ummmm

aaaaaa

ummmmm

hít vào

thở ra

hít vào

thở ra

aaaaaaaa

ummmmmmmmm…

nhưng mà giời ơiiiiiiiiiiiiiiiii, tổ sư bố nó chứ, con lợn cái người Úc cứ tiếp tục đi ra đi vào sập cửa ầm ầm như đóng ván quan tài bố nó. Tôi không sao thở được. Tổ sư bố mày, đồ con lợn, đồ lợn sề lắm lông, đồ óc bã đậu, đồ shithead, đồ asshole, you bitch [62], đồ trời chu đất diệt kia. Giời đất ơiiiiiiiii, tôi phát điên lên mất. Đầu tôi như sắp vỡ ra; máu dồn lên mặt nóng ran và thái dương thì giật như sắp đứt mạch máu. Giời ơi là giờiiiiiiii, tổ sư bố mày, cả lò nhà mày, họ hàng, hang hốc cụ kỵ nhà mày…

[62] Đồ óc đất, đồ lỗ đít, đồ chó cái.

Trời ơi, tôi đã tức đến nỗi một việc kỳ lạ đã xảy ra. Tôi nhớ hồi tôi mười tám tuổi và bắt đầu tập thiền, thầy của tôi thường nói về khái niệm “tín tâm” và về “quán chiếu”. Khi bạn tin sâu sắc vào một điều gì đó và bạn dùng toàn bộ định lực tập trung quán chiếu thì bạn có thể nhăm mắt mà nhìn thấy “linh hồn Bổn Tôn” tức là thấy Phật hiện ra ngay trước mặt trong sắc vàng rực rỡ. Và nếu công lực tụ tập của bạn mạnh mẽ, thì bạn sẽ giữ được linh ảnh này liên tục 24/24. Lớp thiền có nhiều bậc khác nhau, tôi vào học bậc căn bản nên các bài tập của tôi lúc đó vẫn chỉ là thiền động, điều khí và dẫn khí là chính; nhưng khi xá thiền, chúng tôi được hướng dẫn quán chiếu ánh sáng trắng và xanh; tức là tưởng tượng có một vầng hào quang màu trắng, rồi đến màu xanh nhạt bao quanh người. Suốt hai năm tập, tôi chưa bao giờ làm được điều này, nghĩa là tôi có thể cố gắng tưởng tượng ra nhưng chưa bao giờ thực sự “nhìn” thấy ánh sáng đó. Và thường thì cả sự tưởng tượng cũng chập chờn bởi vì đầu óc tôi quá hiếu động. Nhưng tối hôm qua, sự tức giận của tôi đậm đặc và tập trung đến mức nếu ai có thần nhãn hẳn sẽ thấy người tôi là một khối lửa đỏ bừng bừng. Trong đầu tôi đột nhiên hiện lên rõ mồn một một cảnh phim, như thể có một màn hình ti vi hiện ra trước mặt tôi và tôi đang xem một đoạn phim cao bồi sau:

Trong một căn phòng khách sạn yên tĩnh ở Venice, cả phòng đang ngủ say. Rồi cửa mở, một cô nàng người Úc bước vào, vừa đi vừa nện chân rầm rầm xuống sàn. Đột nhiên, một tiếng “Kiaaaaaaa!” vang lên và một cô gái nhỏ bé bay như Lý Tiểu Long từ trên giường xuống, song phi một cú trời giáng vào giữa bộ ngực phì nộn của cô nàng người Úc. Cô ả lập tức ngã lăn ra và kêu la ầm ĩ như bị chọc tiết. Trước khi cái bộ óc đà điểu của cô ta kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra thì bóng người nhỏ bé đã ngồi đè lên cô ta, hai tay đấm túi bụi.

Cô gái nhỏ bé sẽ nện cái đồ bị thịt óc bã đậu cho đến lúc nó phải giấu cái đầu đà điểu bé như hạt cải vào giữa hai cái chân que tăm và van lạy như tế sao:

“Vâng, em lạy chị, chị tha cho em, em là con lợn, em chỉ là con lợn.”

Tôi thực sự đã nhìn thấy rõ mồn một như đang xem phim. Và lạ lùng là một khi tôi nhìn thấy như thế thì tất cả những sự giận dữ của tôi tan biến như bong bóng. Một lúc sau thì tôi thiếp đi.

Mưa có vẻ đã ngớt. Mặt trời vừa mới làm sáng những tấm kính cửa sổ của nhà thờ nên tôi sẽ rời khỏi đây để nhìn Venice lúc nắng ráo trước khi trời lại mưa.

Amen! Chúa Cha và Con, Thánh linh muôn đời! Tại sao cứ sang đến Ý là tôi phải cãi cọ, đánh đấm một ai đó nhỉ? Cả ở Rome và Venice? Tại sao nước Ý làm cho ngay cả những người hiền lành nhất cũng trở nên bạo lực?

Amen!

4:14 giờ chiều: Viết từ quảng trường Thánh Marco – lần thứ hai. Trời đang nắng, vòm trời được nâng lên cao, xanh ngắt. Tôi ngồi tựa vào một trong rất nhiều cột của quảng trường. Bên trái tôi là hai cột đá cao, trên đỉnh có tượng Sư tử của San Marco và tượng Thánh Theodore; cả hai đều được xây từ năm 1172. Bên phải tôi là basilica; từ chỗ này, có thể nhìn thấy rất nhiều người đứng ở hành lang bao quanh nóc basilica nhìn xuống quảng trường. Khuôn mặt họ mang các vẻ kinh ngạc, ấn tượng, háo hức, sung sướng, hạnh phúc, hoặc trầm mặc khi được nhìn bao quát quảng trường lớn này và cả Lagoon bên ngoài, cộng với những con đường của Venice. Còn tôi, tôi đang nhìn những con bồ câu – con thì thong thả bước, con thì chạy, con thì bay, con thì lượn, con thì đứng một chân ngủ… nhưng tất cả đều sẽ đổ xô đến bất cứ chỗ nào có người chìa tay rắc vụn bánh mỳ. Nhìn chúng mà buồn. Tất cả đều xơ xác, lông cánh tả tơi vì ngày này qua ngày khác đánh đấm, chen lấn, leo trèo lên đầu lên cổ lên người nhau mà giành thức ăn… Toàn là thức ăn từ những người cho ăn với hy vọng chụp được một bức ảnh bồ câu bao quanh mình. Chúa ơi, chúng mày là bồ câu Venice, ít nhất cũng nên có một chút tự trọng, một chút tư cách chứ! Nhưng đòi hỏi như thế hẳn là quá nhiều với những con bồ câu.

Những con bồ câu trên quảng trường San Marco của Venice

Lúc này, các quán cà phê trên quảng trường đã mang rất nhiều ghế ra sân cho khách ngồi. Những người khách ngồi đó, mang kính râm, vừa uống cà phê vừa ngửa mặt hứng nắng. Gió thổi tóc họ bay. Những tiếng cười. Dàn nhạc của quán Gran bắt đầu chơi trên cái sân khâu nhỏ ngoài cửa quán. Họ có một piano, một viola, một violon, và một accordion. Họ vừa chơi “Everybody loves somebody sometimes [63]” theo lối jazz, phập phồng, bập bùng. Họ chơi rất hay. Một vài đôi tình nhân trên quảng trường khiêu vũ nhẹ theo tiếng nhạc. Trên quảng trường nắng đẹp lúc này, với mặt hồ xanh ngăn ngắt ngoài kia, và những người trên quảng trường hầu như ai cũng có ai đó làm bạn, thì cái bài hát “Ai cũng có lúc yêu ai đó” càng trở nên tuyệt vời. Như một giấc mơ hay cảnh bộ phim Hollywood được dàn dựng hoàn hảo.

[63] Ai cũng có lúc yêu ai đó.

Nhưng có lẽ đó chính là vấn đề của quảng trường San Marco, của Venice, và là lý do tại sao đến đây lần thứ hai nhưng tôi vẫn không ấn tượng với quảng trường này. Có cái gì đó rất Hollywood ở đây và ở khắp Venice. Những người ngồi sưởi nắng ở đây, và dàn nhạc này không giống với những người sưởi nắng trong vườn Luxembourg. Bởi vì họ không sống ở đây. Họ đến rồi đi… Trong tất cả cái đẹp và sự tinh xảo của Venice, tôi không sao thoát khỏi cảm giác rằng thành phố này đang chết. Nó đang chìm dần. Venice là ngôi mộ của quá khứ. Chỉ còn khách du lịch đến đây, và thành phố này chỉ còn đủ người để phục vụ du khách chứ nó không có những người Venice, như Paris có người Paris, Hà Nội có người Hà Nội.

Sáng nay, sau khi rời khỏi nhà thờ Mary of Narazeth, tôi mua một vé xe buýt nước theo tuyến số 2 để đi từ đó tới quảng trường San Marco; tức là gần như đi từ đầu này tới đầu kia của Venice; có điều thay vì lấy vé tuyến số 1 chạy theo Kênh Lớn thì tôi lấy tuyến xe buýt chạy bên ngoài Lagoon. Với những người không quan tâm tới hành trình mà chỉ quan tâm tới cái đích cuối cùng thì tuyến số 1 hay số 2 đều thế cả, chúng đều kết thúc ở quảng trường San Marco; chính vì thế mà một bà già đã nói khi thấy tôi phân vân ngoài bến:

“Lên đi con, cái nào thì cũng đến quảng trường San Marco thôi.”

Thuyền chạy từ bến nước ra ngoài Lagoon. Từ đây, tôi có thể nhìn vào Venice và những công trình kiến trúc của nó – Byzantine, Gothic, Phục hưng… Tất cả đều tuyệt vời nhưng rất nhiều trong chúng chỉ còn là những xác nhà đóng kín và đang được UNESCO bảo quản như di sản văn hóa thế giới. “Di sản” – đấy là một từ chính xác nữa để mô tả Venice. Một thời carnival, các lễ hội hóa trang, những bữa tiệc và hòa nhạc không ngừng giờ chỉ còn lưu dấu ở những chiếc mặt nạ bày bán quanh quảng trường và dọc các con đường của Venice; các ngôi nhà, phòng hòa nhạc từng ngập các ông chúa bà hoàng giờ chỉ còn là những hành lang mục nát, tường gạch nham nhở, nước lên ngập tầng một vào mỗi trận lụt, khiến cho rêu rong nấm mốc loang lổ.

Venice đẹp, Venice lạ, nhưng không thể ở đây mà không ý thức về sự lụi tàn. Phải, tiệc vui mấy cũng có lúc tàn và bữa tiệc Venice có lẽ đã tàn từ thế kỷ XIX. Tôi cũng như mười hai triệu khách du lịch đến đây mỗi năm chỉ như những khán giả đến nhìn những gì còn vương vãi từ bữa tiệc đó và cố hình dung về bữa tiệc.

Dù thế, không thể không ngả mũ kính phục người Ý. Họ muốn xây một thành phố nổi trên mặt nước, vậy là họ xây một thành phố nổi trên mặt nước. Họ muốn một thành phố như một đại tiệc không dứt, và họ đã có một thành phố là một đại tiệc không dứt. Cái đến sau là việc của cái đến sau. Sự lụi tàn trong tương lai không thể là điều ngăn trở sự sản sinh trong hiện tại.

Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.