Một mình ở châu Âu

Chương 17



Florence, ngày…

12:30 đêm. Ở quảng trường Pitti của Florence, bên ngoài bảo tàng Pitti.

Tôi đang nghĩ cần phải treo cổ người đầu tiên phát minh ra ý tưởng đi thăm các bảo tàng nghệ thuật khi tới thăm một thành phố. Và sau đó, cần treo cổ cả kẻ đã phát tán ý tưởng này – tức các công ty du lịch và các học giả. Mà không, tốt nhất là không treo cổ họ. Hình phạt tốt nhất là bắt họ chỉ được đi thăm bảo tàng, lăng mộ, đền đài, thành quách, tức là tất cả những thứ đã chết và cổ vật ở mọi thành phố mà họ đến… chỉ thế mà không hơn gì.

Bảo tàng nghệ thuật hoàn toàn có thể là một cuộc tra tấn cho những người không quan tâm tới Michelangelo và muốn dành thời gian đi shopping hơn là đi ngắm tượng David, ngay cả khi chuyến đi Florence này là chuyến đi Florence duy nhất trong đời họ. Mà chính vì nó là chuyến đi duy nhất của đời họ tới Florence cho nên họ lại càng không nên đi ngắm tượng David nếu họ muốn đi shopping. Không ai nên phí thời gian làm vậy chỉ để có thể khoe với bạn bè bức ảnh mình đang đứng cạnh tượng David.

Tôi nói vậy là bởi vì khi tới Florence, tôi đã quyết định rằng, sau Paris, tôi sẽ không tới bất kỳ bảo tàng nghệ thuật nào nữa trong chuyến đi này. Vậy mà rút cục tôi vẫn đang có mặt trước bảo tàng Pitti. Tất cả là do thói bon chen.

Đêm qua, tôi đã đi ngủ với một ý nghĩ rất rõ ràng: “Điểm du lịch hấp dẫn nhất của Florence với mình lúc này chính là một giấc ngủ ngon. Mình sẽ ngủ cho đến lúc nào muốn dậy thì dậy. Florence là nơi nghỉ ngơi trong chuyến đi châu Âu này. Mình sẽ không bao giờ đi bảo tàng hay bất cứ điểm du lịch nào cả. Mình sẽ chỉ đi cắt tóc, đi mát xa, đi làm móng tay, móng chân, sẽ đi dạo loanh quanh và nghỉ ngơi sau bốn tuần đi lại.” Đây là một ý nghĩ rành mạch, đơn giản, tự nhiên và chắc chắn.

Sáng nay, tôi mở mắt lúc gần 7 giờ sáng. Nhưng vì đã quyết tâm nghỉ ngơi nên tôi nằm đọc sách đến 9 giờ 30 mới ra khỏi giường, ăn một bữa sáng rất thong thả trong nhà trọ rồi, cũng thong thả như thế, ra đường. Ở sảnh, tôi dừng lại chỗ anh chàng lễ tân vui tính Fredo:

“Fredo, tôi có một câu hỏi hơi kỳ cục cho anh.”

“Tôi có phải là trai bao không hả?” Fredo cười toe toét.

“Không, không phải câu đó,” tôi nói. “Ờ nhưng mà anh có phải trai bao không đấy?”

“Không, giá như mà được như vậy!” Fredo phá lên cười. “Chị định hỏi gì?”

“Anh có biết hiệu cắt tóc nào tốt không? Hiệu cắt tóc sinh viên ấy. Cắt được mà không quá đắt.”

“Hừm… câu hỏi không kỳ cục nhưng mà khó nhỉ… để tôi nghĩ xem…”

Fredo nghĩ mấy giây rồi quay sang nói tiếng Ý với người bảo vệ khách sạn.

“Rồi, tôi biết rồi, có một tiệm ở gần bảo tàng Pitti. Chị biết bảo tàng Pitti chứ?”

Tôi nói tôi biết; làm sao có thể đến Florence mà lại không nghe về bảo tàng Pitti, nhưng tôi không biết đường đến đó. Fredo chỉ cho tôi cách đi trên bản đồ. Tôi cảm ơn Fredo, vừa đi ra cửa vừa nghĩ thẫm “Tốt quá! Để đi đến cái hiệu cắt tóc đó mình sẽ phải đi qua Doumo, bảo tàng Uffizi, cầu Vecchio và bảo tàng Pitti. Nhưng mình sẽ không dừng ở bất cứ chỗ nào. Mình sẽ đi thẳng một mạch đến hiệu cắt tóc.”

Bên ngoài, trời nắng ấm và, sau Venice, Florence làm tôi hiểu thế nào là một thành phố sống. Ở đây có ô tô và xe máy chảy như những dòng sông nhỏ trên những đường phố lát đá, giữa những khối nhà kiến trúc Phục Hưng những quảng trường và lâu đài có khi còn cổ hơn Venice. Tôi bỗng nhiên nhận ra thêm là tôi không hề nhìn thấy bất cứ đứa trẻ nào ở Venice. Venice chỉ toàn người lớn, nhất là người già. Không biết trẻ con được sinh ra và người chết được chôn cất thế nào ở Venice. Nhưng thôi, hãy tạm gác các ý nghĩ u ám này lại cho những ý nghĩ sáng sủa hơn. Ví dụ như về sự hoành tráng của Doumo dưới ánh sáng ban ngày. Và hoành tráng hơn là dòng người dài dằng dặc đang xếp hàng chờ vào trong.

Nhìn hàng người dằng dặc ấy, tôi không băn khoăn gì khi đi thẳng qua Doumo. Nhưng đến quảng trường Piazza della Signoria (lúc này rất đông người) và nghe lỏm một hướng dẫn viên du lịch thuyết trình bằng micro với đoàn du lịch của anh ta về bức tượng David thì sự bon chen đã lại tóm được tôi.

“Hãy nhìn vẻ mặt David,” anh ta nói. “Hãy nhìn đôi lông mày cau lại và vẻ tư lự của David, đấy là dáng vẻ của một người đàn ông thời Phục Hưng. Nếu các bạn để ý đến tỷ lệ, thì các bạn sẽ thấy đầu và tay David to bất thường so với thân người; đây là một đặc điểm điêu khắc của Michelanelo; nhưng điều đặc biệt nhất là, khác với tất cả các nhà điêu khắc khác, Michelangelo đã khắc họa David một mình, trước khi chiến đấu với quái vật khổng lồ Goliath chứ không phải sau khi đã chiến thắng; ở đây, ta thấy cái tư lự củ David là một cái tư lự của con người thế tục sắp dấn thân vào một thử thách, chứ không giống một phiên bản thần thánh bất khả chiến bại. Nói cách khác, David là bức tượng đầu tiên khắc họa con người như một người phàm, bằng xương thịt và với những tư lự cá nhân, chứ không phải như một bản sao hay một mô hình của thế giới thần thánh như trong nghệ thuật trước đó.”

“Trời ơi!” tôi nghĩ. “Có thể mình sẽ không bao giờ trở lại Florence nữa. Mình phải đi xem David tư lự thế nào mới được.” Và với ý nghĩ đó, cơn sốt bảo tàng của tôi đã bắt đầu.

May sao, hàng người dài dặc xếp hàng chờ mua vé trước bảo tàng Uffizi đã đẩy lùi được cơn sốt của tôi. Tôi cũng an toàn vượt qua cầu Vecchio. Sông Arno vào mùa này cạn nước nên cây cầu trông trơ trọi. Và lại nó thương mại quá; khắp cầu là những người da đen bán túi Louis Vuitton, Fendi, và kính Guicci giả. Quá nhiều cửa hàng bán đồ trang sức vàng bạc; khiến tôi cứ nghĩ đến cụm từ “Trung tâm vàng bạc đá quý Hà Nội”. Nhưng ngay cả như vậy, đứng trên cầu Vecchio mà nhìn Florence dọc sông Arno quả là một bữa tiệc cho con mắt. Nhưng ngôi nhà sơn vàng mái ngói đỏ theo kiến trúc Phục hưng chạy ôm theo bờ sông lững lờ, và những ngọn đồi Tuscany xanh mờ xa xa… Chúa ơi, thành phố này là một miếng thiên đường được nhấc ra mà đặt xuống mặt đất.

Từ cầu Vecchio, tôi đi tới quảng trường Pitti. Không may cho tôi, ở đây chẳng có người bán hàng nào mà bảo tàng này lại trưng bày rất nhiều tác phẩm của Rafael và Botticelli; vậy là sự bon chen thắng thế và lôi được tôi đến quầy bán vé. May sao, bảo tàng chỉ nhận trả tiền mặt chứ không nhận thẻ tín dụng, còn tôi thì vừa hết sạch tiền mặt. Chậc, quả là cái điềm rằng tôi nên quên hẳn các bảo tàng đi. Vậy là tôi đi ra quảng trường rộng phía trước bảo tàng và nằm lăn ra đó dưới nắng. Xung quanh hầu như không có ai. Tôi sẽ nằm đây sưởi cho đến khi nào chán thì sẽ đi cắt tóc.

Nhưng như tôi đã nói, cần phải treo cổ cái người đã nhồi cho chúng ta ý tưởng phải đi thăm các bảo tàng nghệ thuật khi tới một thành phố. Chẳng có bảo tàng nào so được với việc nằm dưới ánh nắng mật ong vẩn vơ nhìn thấy mây với người Florence trôi qua.

Đối diện hằng ngày với một cái đẹp như thế này nên tâm hồn con người vươn lên được đến ngưỡng thánh thần. Trên một mảnh đất hẹp, người Ý nói chung và người Florence nói riêng đã sản sinh ra hội họa Ý, kiến trúc Ý, điêu khắc Ý, thời trang Ý, ẩm thực Ý, triết học Ý, văn minh Ý, và bóng đá Ý.

“Florence được hình thành khoảng năm 80 trước Công nguyên ở thung lũng Arno màu mỡ, án ngữ đường đi giữa Rome và miền Bắc nước Ý. Nó được hình thành như một khu đồn trú quân đội với nhiều đường phố nhỏ, thành lũy và pháo đài nhưng do vị trí địa lý thuận lợi nên Florence nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm buôn bán sầm uất. Cùng với sự sầm uất của thương mại, nghệ thuật cũng phát triển dưới sự bảo trợ của những nhà quý tộc và chính trị đứng đầu Florence. Thế kỷ XI sau Công nguyên được coi là thời kỳ vàng son của trường phái nghệ thuật Florence và trong thế kỷ XIII, Florence là trung tâm sản xuất các đồ da và dệt của châu Âu. Đến thế kỷ XV, Florence là một trong những thành phố lớn nhất, giàu nhất châu Âu. Mặc dù về danh nghĩa, Florence có một thể chế dân chủ nhưng thực tế, việc cai trị thành phố nằm trong tay gia đình Medici. Đời thứ ba của gia đình Medici, đứng đầu là Lorenzo Medici, là những người bảo trợ chính cho nghệ thuật ở Florence. Lorenzo là người đã nuôi Michelangelo, Leonardo da Vinci, Botticelli để hoàn thành nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc; cũng như các nhà soạn nhạc Alexander Agricola, Johannes Ghiselin, Heinrich Isaac. Đây chính là thời kỳ nghệ thuật Phục hưng hình thành và nở rộ, với cái nôi là Florence.

Sau thời hoàng kim này, Florence và gia đình Medici có một khoảng thời gian khủng hoảng. Tùy nhiên, Machiavelli, nhà chính trị lỗi lạc (tác giả của tác phẩm Quân vương) đã tiên đoán rằng Florence sẽ phục hồi mạnh mẽ. Quả nhiên, cuối thế kỷ XVI, gia đình Medici quay lại cai trị Florence trong hai thế kỷ tiếp theo trước khi bị lật đổ vào thế kỷ XVIII.

Trong thế kỷ XIX, Florence từng là thuộc địa của Áo. Sau đó, nước Pháp dưới sự cai trị của Napoleon đã từng chiếm Florence, biến nó thành một quận thuộc địa của nước Pháp từ năm 1808 đến năm 1814, khi Napoleon thất thế. Năm 1861, Florence và vùng Tuscany trở thành kinh đô của Ý thay cho Turin. Trong kế hoạch hiện đại hóa kinh đô, các khu chợ cũ, các lâu đài Trung cổ bị phá hủy thay vào đó là những đường phố và các dãy nhà mới. Các quảng trường được mở rộng. Tuy nhiên, sáu năm đó, khi quân Pháp rời khỏi Ý thì kế hoạch hiện đại hóa Florence bị ngưng lại vì Rome trở thành thủ đô.

Trong thế kỷ XX, Florence phát triển mạnh do mở rộng các ngành du lịch, thương mại, tài chính, và công nghiệp. Ngày nay, Florence có dân số khoảng gần bốn trăm ngàn người sống trong thành phố, và hơn một triệu người nếu tính cả các vùng ngoại ô. Florence tiếp tục là một trong những điểm du lịch lớn là trung tâm nghệ thuật và thời trang của Ý và thế giới. Các hãng thời trang lớn của Ý như Salvatore Ferragamo, Gucci, Cavalli, Pucci đều đóng trụ sở chính ở đây trong khi nhiều hãng khác như Prada hay Chanel đều có văn phòng chi nhánh lớn trong thành phố… ”

Tôi đọc những điều này về Florence từ cuốn sách mang theo, trong lúc ngồi trên bờ tường của quảng trường Pitti và ăn bữa trưa ngon nhất trong suốt chuyến đi này. Tôi đã mua bữa trưa này từ một tiệm ăn bé xíu ngay bên cạnh bảo tàng.

Tiệm ăn có một quầy hàng ám khói quay gà tơ ở bên trên; và mỡ gà rớt xuống dưới thì dùng để chiên khoai tây củ. Đứng quay gà và chiên khoai là một người đàn ông Ý to béo, mồ hôi nhễ nhại, vừa đảo khoai bằng một cái xẻng nhỏ vừa vung tay nói chuyện với những khách vào quán – chủ yếu là dân văn phòng ở quanh đây. Họ ăn mặc đẹp, diện toàn com lê, cà vạt, hoặc váy; họ mua đồ ăn cho vào hộp rồi mang về. Tôi mua nửa con gà quay, một ít khoai tây cắt làm bốn, chiên tỏi, và một ít rau dền xào tỏi. Cả bữa ăn chỉ có 7 euro nhưng là bữa ăn ngon nhất của tôi trong suốt chuyến đi châu Âu tới giờ.

Ăn trưa xong, tôi tới tiệm cắt tóc. Đây là tiệm cắt tóc cho sinh viên nên trông không có gì hào nhoáng. Người cắt tóc cho tôi là một cô gái trẻ, mặc xuềnh xoàng một chiếc áo thể thao thụng, không son phấn trang điểm, thậm chí tóc cô ấy cũng bù xù. Trong lúc đó, ở cái ghế bên cạnh, một anh chàng người Ý rất điển trai và chải chuốt đang cắt cho một phụ nữ trung niên. Tôi muốn anh ta cắt cho tôi nhưng cô gái kia đã tiến tới, cười rất hiền và hỏi xem tôi muốn cắt không thôi hay là cả cắt cả gội – cắt không chỉ 12 euro, còn cả cắt và gội thì 15 euro. Tôi nói cắt và gội. Cô ấy bảo tôi đi tới bồn gội đầu. Tôi cứ tưởng là nếu tính riêng tiền gội đầu như thế thì tôi sẽ được gội đầu ba mươi phút như ở Việt Nam, hóa ra cô ấy chỉ lấy nước phun vào đầu tôi, gãi qua loa rồi xả nước, giống như ở Mỹ. Ở Mỹ thì việc gội này nằm trong việc cắt tóc rồi, không ai tính thêm tiền.

Gội xong, cô bảo tôi ra ghế ngồi.

“#%%#**@)^#%%*^#%*#,” cô nói một tràng tiếng Ý làm tôi ngẩn ra.

“Vâng” tôi trả lời đại, “vẫn kiểu này, chỉ cắt ngắn đi thôi.”

“#^)$*%&#%*$%*%#*%#,” cô chìa hai ngón tay ra và ra hiệu hai đốt ngón tay.

“Vâng, cắt đi khoảng chừng đó.”

“#^^*$^*#%*%$*$%*$%*%$.”

“Vâng, tôi rẽ mái ở chỗ này. Tôi sẽ giữ mái bằng. Như thế này…”

“&%&^$&$&*$&*?”

“Vâng, ngắn chừng đó. Tôi muốn một cái đầu khoai tây đẹp. Potato, potato [66]…”

[66] Khoai tây, khoai tây.

“Hử? Patata, patata?”

Ý tôi muốn nói tới cái đầu tỉa tròn kiểu như đầu của nhóm Beatles thời những năm 1960. Cái đầu đó trông đơn giản nhưng thực ra rất khó cắt cho tóc người châu Á. Lúc ở Chicago, tôi đã thử rất nhiều nơi, và cuối cùng chỉ có mỗi Steve, anh chàng đồng tính ở tiệm cắt tóc trên phố 57 có thể cắt được cái đầu đó. Steve bảo “đơn giản mới là khó, chứ mấy cái đầu phức tạp thực ra dễ làm, vì đầu đơn giản thì nếu cắt hỏng là lộ ngay”.

Tôi không biết làm thế nào để giải thích được cho cô gái cắt tóc về cái “đầu khoai tây” theo ý tôi. Cuối cùng tôi nói:

“Beatles. Paul McCartney. 1963.”

“Ah ah,” cô ấy cười. “Giờ thì cô ấy hiểu ra kiểu đầu tôi muốn rồi.”

Sau khi chúng tôi đồng ý về kiểu đầu, tôi ngồi yên xem cô ấy làm việc. Thực sự, tôi chưa thấy ai cầm kéo khéo léo như thế và cắt chăm chú nhưng uyển chuyển đến thế – còn hơn anh chàng điển trai toanh toách bên kia. Có vẻ như cô ấy mới là thợ chính, còn anh kia chỉ là thợ phụ – chuyên phục vụ các bà già thích được các chàng trẻ tuổi, bóng bẩy chăm sóc. Thực tế là anh kia vừa cắt tóc vừa tán chuyên gì đó – chắc để thời trang và làm đẹp – nên bà khách cứ liến thoắng nói và xoay bên nọ, xoay bên kia để soi gương từ các hướng. Còn cô gái của tôi, cô ấy không nói một lời trong khi cắt. Hai mắt cô ấy nhìn thẳng vào tóc tôi, hai tay xoay cái đầu tôi như đang xoay một quả cam. Rõ ràng tôi không hề tồn tại với cô ấy, chỉ có mái tóc của tôi tồn tại.

Tôi dĩ nhiên cũng chỉ cần có thế. Sau khoảng bốn lăm phút, tôi ra khỏi cửa hàng với một cái đầu khoai tây mà tôi rất thích. Đến nỗi, tôi nhờ cô ấy chụp một tấm ảnh cái đầu mới cho tôi và xin chụp chung một cái ảnh. Lúc này, cô mới cười, hỏi bập bõm:

“ Where are you from?”

“Tôi là người Việt Nam nhưng đang sống ở Mỹ.”

Hơi dài dòng nhưng cũng không có câu nào khác phản ánh đúng tình trạng và cảm giác của tôi. Sau tám năm ở Mỹ, tôi thấy mình rõ ràng không phải người Mỹ nhưng cũng không còn thuộc về Việt Nam nữa. Tôi ở đâu đó ở giữa. Và càng đi nhiều, tôi càng thấy thế giới quả thật ngày càng trở nên toàn cầu, danh tính của mỗi người và khái niệm “nhà”, “quê hương” ngày càng nhòe. Nhưng người bạn tôi gặp trên đường đến từ đủ mọi nơi, làm đủ mọi nghề, thường không sống ở nơi mà họ sinh ra. “Công dân thế giới” – đây là cái mà các thế hệ trẻ bây giờ đã trở thành. Không còn là một từ xa xỉ nữa, nó thực sự là một hiện hữu.

Như ở Florence, tôi đã có người cắt tóc, đã có quán ăn yêu thích. Theo những kết nối giản đơn đó, Florence hoàn toàn có thể trở thành nhà của tôi. Tôi chỉ cần thêm một căn phòng nhỏ và một cái xe đạp hoặc xe máy để đi lại – vậy là đủ dể bắt đầu một cuộc sống mới.

5:30 chiều: Viết từ trên tháp cao nhất của nhà thờ Doumo. Tôi đang ở trên đỉnh cao nhất của Florence, nhìn xuống thành phố và những quả đồi của bình nguyên Tuscany bao quanh thành phố. Từ chỗ này, khung cảnh thật choáng ngợp. Hàng hàng những ngôi nhà Phục hưng màu đỏ, vàng, và da cam tỏa ra như những cánh cung từ quảng trường trung tâm thành phố, chạy tới những chân núi xanh xa. Mặt trời đang lặn, rải những ánh nắng ấm dịu xuống một vài nóc nhà ở phía bên kia thành phố, trong khi lại chói sáng ở phía khác. Đây đó trên những quả đồi, mây trắng bảng lảng trong một thứ ánh sáng mơ hồ như phủ khói. Bầu trời có màu gần xanh nhưng ở về phía Tây có những đụn mây hồng và tím dày, qua đó, những luồng sáng trắng xuyên xuống thành vệt. Thật là một cảnh thành thần; người ta có thể cứ chép nguyên khung cảnh này và gọi nó là thiên đường. Tôi có thể đứng đây ngắm cái cảnh này mãi mãi nhưng Doumo sẽ đóng cửa lúc 6 giờ 20 phút nên tôi phải ghi nhanh một chút rồi ra khỏi đây.

Tôi đã vào đây sau khi loanh quanh shopping trong thành phố. Shopping, phải rồi; dù không hề có ý định, nhưng tôi đã không cưỡng được. Tôi không hề phóng đại.

Chiều nay, sau khi cắt tóc, tôi đi loanh quanh, hờ hững ngắm nghía các cửa hàng bán đồ da ở con đường chạy dọc sông Arno với ý nghĩ “Cứ nhìn thôi thì có chết ai?”

Florence, nhìn từ nóc thánh đường Doumo

Hóa ra là chết nhiều người, trong đó có tôi. Ở một cửa hàng tôi thấy một cái túi da đỏ rất đẹp bày trong tủ kính… Tôi đứng ngắm nó một lúc rồi lơ đãng hỏi người chủ cửa hàng xem tôi có thể nhìn nó kỹ hơn và nếu có thể thì thử khoác nó… Chị ấy nói dĩ nhiên rồi, và sau đó thì tôi mắc câu như một con cá tội nghiệp. Tôi đeo nó lên người, ngắm nghía trong gương và không thể nào bước đi nổi. Trời ơi, cái túi này thuộc về tôi, nó chắc hẳn được làm ra cho tôi, người thợ nào làm ra nó hẳn đã biết trước có ngày tôi đến; mà cái túi cũng đã chọn tôi là chủ, nếu tôi không mua nó thì tôi sẽ phản bội nó, nó sẽ không hạnh phúc với người chủ khác, trời ơi… Ồ nhưng mà không, tôi không muốn mua thêm cái túi nữa, tôi có nhiều túi rồi, mà tôi có bao giờ cần túi đâu, lúc nào cũng vẫn chỉ dùng một cái túi cũ duy nhất… Vậy là tôi đặt cái túi xuống… rồi lại cầm nó lên… rồi lại đặt nó xuống… rồi lại cầm nó lên… thật là đau khổ… tôi chưa từng biết đến nỗi khổ shopping cho tới lúc này… trời ơi… nhưng mà không được…

Trong lúc này, người phụ nữ bán hàng cứ thản nhiên nhìn tôi nhắc lên, đặt xuống. Khi tôi cầm nó lên lần thứ ba, chị ấy nói:

“Cái túi này thật hợp với cô. Tôi không hiểu tại sao nhưng nó hợp với cô lắm, như là được làm riêng cho cô ấy.”

Trời ơi, giết tôi đi. Giết chết tôi đi. Tại sao chị ấy lại phải nói thế chứ?

Tôi cố thoi thóp:

“Tôi thích lắm, nhưng tôi không thể mua được. Tôi nhiều túi lắm rồi, mà thực sự lúc này tôi cũng không thể mua một cái túi chừng đó tiền.”

“Có thể cô sẽ mua được những cái túi này chăng.” Chị ấy nói với vẻ thông cảm và chỉ cho tôi cái giá bên cạnh mà tôi đã không nhìn đến vì mải dán mắt vào cái túi đó.

“Những cái này thì bao nhiêu tiền?” Tôi hỏi. “Xin chị nói giá cho tôi trước khi tôi thử đeo chúng nếu không thì tôi sẽ chết.”

“Ôi trời ơi!” Chị ấy phá lên cười. “Cô vui tính quá (chị ấy nghĩ tôi nói đùa, nhưng mà tôi hoàn toàn không đùa). Nhưng cái này khoảng 75 euro.”

“Chị nói thật đấy chứ? Chị không đùa đấy chứ? Chúng đẹp thế cơ mà.”

Tôi không thể tin là những cái túi này chỉ có 75 euro, tức là khoảng 130 đô la, bởi vì trông chúng cũng đẹp y như cái túi đó. Làm sao lại có thể chỉ có 75 euro.

“Chị nói 75 euro đúng không?” Tôi hỏi lại và chỉ vào một cái túi. “75 euro, không phải 750 chứ?”

“Phải rồi, 75 euro, không phải 750,” chị ấy lại cười ngặt nghẽo. “Cô vui tính quá.”

Tại sao người ta rất hay cười và bảo tôi vui tính vào những lúc tôi nói những điều nghiêm túc và chân thành nhất nhỉ? Hình như bi kịch cuộc đời tôi hoàn toàn liên quan đến những khoảnh khắc vui tính chết người như thế này.

“Nhưng mà nó đẹp quá,” tôi nói. “Nó có khác gì với cái kia đâu?”

Chị bán hàng hẳn là thấy tôi rất đáng thương, vả lại tôi là người khách duy nhất lúc đó nên chị ấy nói với vẻ rất thật.

“Những cái túi này rẻ hơn bởi vì nó là những cái túi cuối cùng của bộ sưu tập. Cô thấy đây, mỗi cái chỉ có một màu, không có màu nào khác cả, và cũng không có cái thứ hai. Nó không hợp với bộ sưu tập tôi đang có cho mùa này. Cũng có cái như cái này này, chỉ là đồ tôi làm mẫu để bán thử, rồi không sản xuất. Chúng là túi đơn. Không còn cái thứ hai nên chúng rẻ. Cô hiểu không?”

Không, tôi không thể hiểu cái logic đó. Cái đẹp là cái đẹp, mọi nơi, mọi lúc, mọi mùa… cần gì đi với bộ sưu tập cho mùa nào…

“Nhưng mà chúng đẹp quá,” tôi nhắc lại lần thứ ba, với một sự ngớ ngẩn hiển nhiên. “ Xin chị đừng giận, thực sự là tôi không hiểu ; tôi thấy chúng còn đẹp hơn những cái túi trong bộ sưu tập mùa này của chị, mấy cái túi đắt tiền kia kìa.”

“Cô nói đúng rồi,” chị ấy nói. “Tôi nói thật nhé, những cái túi này còn đắt hơn mấy cái túi kia nếu như chúng không phải là những cái cuối cùng tôi có hoặc không phải túi mẫu. Ví dụ, cái này, tôi chỉ có một cái duy nhất làm mẫu, tôi làm cái mẫu này, còn đắt hơn cả túi kia, loại da này đắt hơn nhiều và phải làm rất kỳ công. Nhưng tôi chỉ làm mẫu mà không sản xuất cho nên tôi định bán nó với giá rẻ, thu lại được bao nhiều thì thu.”

“Tôi hiểu rồi,” tôi nói và không đừng được mà thêm. “Tôi chẳng hiểu là người Ý các chị bị làm sao nữa. Sao người Ý lại có thể có con mắt nghệ thuật tuyệt vời thế nhỉ?”

Chị ấy lại cười.

“Tôi không phải người Ý. Tôi sinh ở Anh nhưng chuyển sang đây lúc tôi còn nhỏ. Nhưng tôi đồng ý với cô, người Ý có con mắt nghệ thuật đặc biệt; họ rất riêng không dân nước nào tính kịp họ về khoản này đâu.”

Rồi đột nhiên chị ấy nói:

“Nếu cô trả tiền mặt tôi sẽ bán cái túi này cho cô với giá 65 euro.”

Tôi đã sẵn sàng trả 75 euro rồi, nhưng các cụ quả không sai khi nói “Thấy bở đào mãi” vì sau khi nghe chị ấy nói thế thì tôi mỉm cười, nói với chị ấy:

“60 euro nhé.”

Và thêm:

“Tôi xin chị đấy, tôi thích nó lắm.”

Chị ấy nhăn nhó, vặn vẹo một lúc, rồi nói:

“Thôi được, tôi lỗ rất nhiều tiền cho cái túi này nhưng mà tôi thích cô,” tôi nói thật đấy. “Tôi sẽ để nó cho cô.”

Tôi không biết chị ấy có thích tôi thật không và tôi cũng không biết thực sự chị ấy mất bao nhiêu để làm cái túi. Nếu tôi kể chuyện này với mẹ tôi, chắc chắn mẹ tôi bảo tôi bị lừa; với mẹ tôi thì tôi là đứa dễ bị lừa nhất trên đời, người ta nói sao tôi trả vậy và luôn tin bất cứ sự phỉnh phờ nào. Nhưng kệ, tôi có một cái túi đẹp mà tôi thích. Với tôi, chuyện chỉ có thế. Ai lừa tôi là việc của người đó, tội của người đó.

Chị bán hàng cẩn thận bọc cái túi cho tôi trong một cái túi giấy vàng nhạt, rồi bỏ vào trong một cái túi xách khác bằng vải. Rồi chị còn nói chuyện với tôi về các loại da, về việc làm túi, về việc thiết kế túi và sản xuất túi ở Florence. Chị ấy chỉ cho tôi thấy cần phân biệt các loại da như thế nào để biết đâu là túi thật…

Sau khi ở cửa hàng túi ra, tôi còn mua thêm một đôi giày da và một đống sổ bọc da tuyệt đẹp để làm sổ ghi chép trong vài năm tới. Sau đó, tôi về lại nhà trọ, cất chúng đi rồi tới Doumo.

Nhưng giờ, tôi phải xuống đã. Họ sắp đóng cửa Doumo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.