Một mình ở châu Âu

Chương 18



8:27 tối: Viết từ quảng trường Vecchio. Tôi ngồi ở một bậc thềm đá, nghe một người đàn ông và một cô gái vừa chơi guitar vừa hát các bài hát tiếng Anh. Họ đã hát “All I have to do is dream [67] ”, rồi đến “Hey Jude” và bây giờ là “You’re got a friend [68]” của James Taylor. Họ phối bè với nhau rất hay; cô gái không phải người nói tiếng Anh nên hát tiếng Anh với một chút accent, còn người đàn ông là người Mỹ, có một giọng trầm ấm rất dày. Quanh tôi, rất nhiều người cũng ngồi trên các bậc thềm, quanh những bức tượng cẩm thạch lớn của quảng trường mà nghe nhạc. Tôi thấy mình thật may mắn và hạnh phúc bởi vì tôi đã phát hiện ra cặp nghệ sĩ này trước nhất; tôi là người đầu tiên ngồi xuống nghe họ, và rồi những người khác mới tới… nhưng vì tôi là người đầu tiên nên đã chọn được chỗ ngồi tốt nhất.

[67] Tôi chỉ cần mơ.

[68] Bạn có một người bạn.

Tôi nói “may mắn” bởi vì tôi đã định về nhà bằng lối khác; nhưng linh tính hay cái gì đó mách tôi nên đi cái lối mới này. Dường như các thiên thần của Rafael, Michelangelo hay linh hồn của Florence đã đưa tôi đến đây bởi vì họ muốn tôi có một quãng thời gian tuyệt vời ở đây.

Lúc ở Doumo ra, tôi ngồi xuống các bậc thềm lớn bên ngoài cửa nhà thờ để nghỉ, với ý định sau đó sẽ đi về khách sạn. Lúc đó, mặt trời bắt đầu lặn và màu nắng cuối ngày hợp tuyệt vời với màu sơn vàng của những ngôi nhà Florence. Trông như thể cả thành phố đang được quét bằng mật ong, tắm trong mật ong. Thế là tôi quyết phải đi bộ trở lại cầu Vecchio để nhìn ánh hoàng hôn trên sông Arno và trên các ngôi nhà dọc sông.

Tôi đã không lầm. Từ cầu Vecchio nhìn ra, hoàng hôn buông xuống Florence như một phép màu. Như thể Chúa hay các thiên thần trên cao đang lấy một bình vàng lỏng đổ xuống thành phố. Giờ thì tôi hiểu tại sao cái thành phố bé tí xíu này lại sản sinh ra nhiều nghệ sĩ vĩ đại thế, hằng giờ, không thể nào không hướng tới cái đẹp và coi cái đẹp như một phần máu thịt. Không thể nào không nghĩ đến thiên đường và thần thách.

Tôi đứng đó ngắm mặt trời lặn rồi đi bộ trở lại cái quán nhỏ mà tôi đã mua bữa trưa. Tôi mua một ít cà tím nướng, một ít rau dền xào tỏi, một ít khoai tây, và một miếng sườn to. Rồi tôi đi bộ về phía nhà trọ. Tôi đã định sẽ trở lại nhà trọ, ăn bữa tối này rồi sẽ đi ngủ. Nhưng trên đường về, tôi đã rẽ ngả này và gặp hai người nghệ sĩ đường phố.

Họ vừa mới hát “The Boxer” của Paul Simon và Art Garfunkel. Tôi vui quá. Nhưng trời bắt đầu trở lạnh và tôi đã thấy đói. Tôi sẽ nghe thêm hai bài nữa rồi về khách sạn ăn bữa tối chắc chắn sẽ rất ngon này. Chỉ thế thôi là đủ cho một ngày tốt lành nữa. Tôi không cần phải tiêu nốt phần còn lại của buổi tối vào việc gì cả.

Cho đến lúc này, Florence đã rất hào phóng với tôi. Như thể Florence cố gắng bù đắp cho tôi những gì Venice làm hỏng.

Cảm ơn Florence!

Florence, ngày…

11:15 đêm: Viết trên giường. Tôi mệt rã rời. Hai chân tôi và lưng tôi đã hóa đá, cứng đờ, không sao nhấc lên được. Người tôi thì sực mùi dầu con hổ. Nhưng ngoài sự mệt mỏi thể xác này thì tôi thoải mái hoàn toàn. Tôi vừa trở về sau chuyến đạp xe qua những quả đồi Tuscany, mà chính xác là vùng Chianti.

Chuyện đạp xe trên đồng quê Tuscany không hề nằm trong kế hoạch của tôi ở Florence. Tới tận chiều qua tôi cũng không hề có kế hoạch đi. Nhưng đêm qua, tôi đã đi uống bia với mấy người bạn trong cùng nhà trọ; sau nửa đêm, trở về nhà từ club cùng với họ, rồi nhìn Florence yên tĩnh trải ra dưới ánh trăng đầy tháng và nhất là nhìn cái bóng thẫm của bức tượng David trên quảng trường Signoria vắng người, tôi muốn ra khỏi thành phố. Lúc ấy đã sau nửa đêm nhưng những tờ quảng cáo tour du lịch đều nói rằng họ trực điện thoại 24/24 nên tôi cứ gọi. Tôi có ba tờ quảng cáo khác nhau; tôi gọi cho cả ba và cả ba đều nói rằng họ đã kín chỗ cho tour ngày mai. Thực tế là họ đã kín chỗ cho cả tuần tới vì tháng Chín là tháng du lịch cao điểm ở Ý.

Khi biết mình không có cơ hội để đạp xe, tôi bắt đầu tưởng tượng: đồng quê Tuscany như trong những bức tranh… những vườn nho và ô liu trải dài, những ngọn đồi thấp “như những đàn voi quỳ”, những rặng thông và tùng, xen lẫn những lâu đài cổ… những màu vàng, màu xanh da trời, xanh lá cây, nâu đất, màu mật ong, màu cỏ úa, màu bụi và nắng, màu của cái nóng và những bóng râm trên mặt đất, mùi nho, mùi thông, mùi đất… trời ơi, làm sao tôi có thể bỏ qua. Vậy là tôi quyết định sáng mai tôi sẽ dậy sớm đi tới điểm tập kết của những đoàn tour trong quảng cáo, có thể sẽ có ai đó bỏ chỗ của họ vào phút cuối. Mà kể cả nếu không có ai bỏ chỗ thì tôi cũng sẽ cầu xin, năn nỉ. Tôi dứt khoát phải thuyết phục họ cho tôi đi, kể cả phải quỳ xuống lạy lục, tôi nhất định phải được nhìn thấy Tuscany trước khi rời Florence.

Vậy là tôi yên chí đi ngủ. Tôi giữ được quyết tâm đó đến sáng và 7 rưỡi sáng thì tôi trở dậy; ăn sáng rồi rời khách sạn. Tôi xem bản đồ các điểm tập kết và đi tới điểm gần nhất ở gần cầu Vecchio.

Ngày hôm nay nắng đẹp. Vẫn còn sớm mà bên ngoài bảo tàng Uffizi đã có một hàng người dài tới mấy chục mét đang chờ đến giờ mở cửa. Nhìn thấy hàng người dài ấy, tôi càng thấy phải ra khỏi thành phố. Vậy là tôi hùng dũng đi tới điểm hẹn. Tôi đến đó lúc 9 giờ 25 phút sáng và chỉ có một người đàn ông và một người đàn bà đang ngồi trên bờ tường bê tông thấp cạnh bờ sông. Cả hai đều mặc quần soóc, áo phông đi giày thể thao và mang nước nên tôi đoán có thể họ là người của đoàn đạp xe. Vì trông họ cũng ngơ ngác như tôi nên tôi tiến tới hỏi:

“Xin chào, anh chị đi đạp xe có phải không?”

“Ôi ơn Chúa là em hỏi,” người đàn ông nói. “Chúng tôi đang băn khoăn không biết là mấy giờ phải tập trung ở đây, 9 hay 10 giờ. Chúng tôi đến đây từ lúc 9 giờ nhưng chờ mãi chẳng thấy ai. Chúng tôi đang tưởng chúng tôi đến nhầm chỗ.”

“Họ nói 10 giờ,” tôi nói. “Họ nói gặp ở chỗ này.”

“Cảm ơn em, may quá; bọn tôi lo lắng từ nãy đến giờ.”

Hóa ra hai người này – Amy và Greg là người bang Ohio – đang đi nghỉ tuần trăng mật. Học đã đăng ký tour đạp xe này cách đây một năm, lúc lên kế hoạch cho đám cưới và tuần trăng mật; và họ đã cho thông tin về tour này vào trong cuốn sổ kế hoạch của họ. Nhưng vì cả hai đều là dân marketing bận rộn nên đã không hề xem lại cho tới tận lúc đến Florence và tới đêm qua thì họ nhận ra là không có thông tin gì ngoài tấm bản đồ Mapquest chỉ điểm hẹn. Họ không biết thời gian hẹn chính xác và cũng không có địa chỉ chính xác. Họ đăng ký tour này vì hai vợ chồng ông già người hàng xóm đã nói rằng tour đi xe này là kỷ niệm tuyệt vời nhất của họ trong chuyến đi Ý.

Nghe Greg nói thế, tôi lại càng quyết tâm phải đi bằng được. Tôi nói với Greg:

“Em không đăng ký trước tour này. Đêm qua em gọi thì họ nói là tour đã đầy rồi. Nhưng em vẫn cứ đến xem có ai bỏ chỗ hay không.”

“Phải có tinh thần thế chứ,” Greg nói. “Được rồi Ruby, chúng tôi nhất định sẽ giúp em vào. Dĩ nhiên là bọn tôi chẳng có quyền gì nhưng bọn tôi sẽ cố gắng xin giúp.”

9 giờ 45 phút, bắt đầu có thêm người xuất hiện ở chỗ tập kết và tôi thì như ngồi trên đống lửa. Càng có nhiều người đến, tôi càng bồn chồn. Các tờ quảng cáo nói rằng mỗi tuần thường chỉ nhận mười tám người để đảm bảo an toàn, nhưng đã có tới hai tư người đứng chờ và vẫn chưa thấy hướng dẫn đâu. Tôi bắt đầu cầu nguyện một cách tuyệt vọng trong đầu: “Please, please, tôi xin tất cả các thánh thần trị vì Florence, tất cả linh hồn và thiện ý của những người đang sống hay đã chết ở vùng Tuscany đẹp đẽ này, xin giúp tôi được đi đạp xe… làm ơn cho tôi được nhìn thấy vùng Tuscany đẹp đẽ này!”

Đúng 10 giờ, một anh chàng da trắng khoảng hai lăm tuổi mặc áo phông màu xanh đen với hàng chữ “Michigan” ở trước ngực xuất hiện và tự giới thiệu mình là Keith, “hướng dẫn viên du lịch”. Anh ta có một giọng nói vui vẻ, và nói một thứ tiếng Anh rất lạ. Khi anh ta đến chỗ Greg và Amy, Greg lập tức nói:

“Tôi và vợ tôi đã đặt chỗ trước. Nhưng tôi cần thêm chỗ cho một người bạn nữa trong nhóm của tôi.”

“Tôi sẽ phải xem rồi mới trả lời anh được,” Keith nói. “Hôm nay, không hiểu sao chúng tôi có quá nhiều người đăng ký đi.”

Rồi Keith tiến tới chỗ tôi:

“Chào, tôi là Keith. Em có đặt chỗ trước không?” (chắc đoán tôi trẻ hơn anh ta)

“Không, em đến xem có thể ghép vào đoàn không.”

“Tôi sẽ phải kiểm tra tổng số rồi sẽ báo với em sau. Tôi sẽ quay lại trong hai phút.”

Keith tiếp tục kiểm đếm quân số cả đoàn rồi băng qua đường và biến mất tromg một tòa nhà. Khoảng năm phút sau, Keith trở lại, lần này đi cùng một anh chàng da trắng gầy nhom, mặc áo thun và đội mũ bảo hiểm như những tay đua ở giải đua vòng quanh nước Pháp. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch chờ họ đi tới chỗ mình. Nhưng Keith và anh kia đi tới một nhóm bốn người ở phía xa nhất và nói gì đó với họ. Bằng vào điệu bộ và nét mặt mấy người kia, tôi đoán họ cũng là những khách hàng nhảy dù như tôi và vừa mới bị từ chối. Khi tôi thấy cả bốn người bỏ đi, tôi hiểu là cơ hội của tôi vô cũng mong manh. Và chẳng mấy chốc thì Keih và thanh niên cao gầy kia tới chỗ tôi.

“Xin lỗi em,” Keith nói, “bọn anh không cho em đi được rồi. Hôm nay đông người quá. Xin lỗi nhé.”

“Ôi khônggggggggggg,” tôi nói. “Pleaseeeeee, cho em đi với.”

Hẳn là tiếng kêu của tôi thảm thiết lắm bởi vì tôi vừa dứt lời thì tất cả những người đang đứng ở quanh đó đều quay đầu lại và đồng thanh nói:

“Ôi khônggggggggggg…”

Chắc họ đoán tôi chỉ là một đứa bé nên rất tội nghiệp cho tôi – và điều đó cũng không sai lắm bởi vì tất cả những người đứng đó đều già hơn và to lớn hơn tôi rất nhiều. Tôi là người châu Á duy nhất, là người duy nhất đi một mình, và trông chắc chắn không cao hơn một thiếu niên mười tuổi ở phương Tây.

“Xin lỗi,” Keith lại nói, “vấn đề là bọn anh không có đủ xe cho mọi người. Đoàn hôm nay là đoàn đông nhất mà bọn anh từng tổ chức, bọn anh hết sạch cả xe đạp rồi.”

“Thế có thể cho cô ấy ngồi trong ô tô cùng đoàn được không?” Greg nói, rồi lập tức thêm. “Ồ nhưng mà thế thì chẳng có gì vui vì em sẽ chẳng được đạp xe.”

“Dĩ nhiên là ngồi ô tô thì cũng được,” Keith nói. “nhưng mà như anh nói đấy, sẽ chẳng có gì vui cả.”

“Không sao, thế cũng được,” tôi cố chộp lấy cơ hội cuối cũng để được thấy đồng quê Tuscany. “Cho em đi trong ô tô cũng được. Cứ để cho em ngồi trong ô tô. Em muốn được thấy Tuscany.”

Mọi người lúc này đều háo hức theo dõi kết cục câu chuyện và họ chăm chú nhìn Keith chờ nghe quyết định. Mắt tôi cũng dán vào Keith. Keith thì nhăn nhó không biết quyết định ra sao. Đột nhiên, anh chàng mặc dồ đua xe nói bằng một thổ âm rất lạ mà tôi không biết là ở đâu.

“Em trèo xuống được không?”

Lúc ấy tôi đang ngồi trên bờ tường thấp chạy dọc bờ sông. Tôi không hiểu câu hỏi của anh ta nhưng cũng lập tức nhảy xuống, vừa nhảy vừa hỏi:

“Ý anh là gì ?”

Tôi nhảy xuống và lập tức bỏ cả áo khoác ngoài để làm cho tôi trông nhỏ còn nhỏ hơn – tôi không hiểu tại sao trông nhỏ hơn thì lại có lợi cho tôi nhưng lúc đó dường như có tiếng nói mách bảo tôi rằng tôi nên cởi áo. Keith và anh chàng mặc đồ đua xe nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi lại từ dưới lên trên. Tất cả những người đứng quanh đó cũng vây lại. Bất thần anh chàng mặc đồ đua quay sang nói với Keith:

“Mình có thể dùng cái xe đạp cho trẻ con vẫn treo trên gác. Cậu nghĩ thế nào?”

Keith nhíu mày đăm chiêu trong lúc tôi nín thở chờ. Keith lại nhìn tôi từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên, rồi nhăn nhó thêm trước khi tặc lưỡi.

“Thôi được, em có thể đạp cái xe đạp trẻ con.”

“Yeahhhhhhhhhhhhh!”, tôi reo. “Người lùn là bá chủ thế giới.”

Tất cả mọi người ở đó đều phá lên cười.

“Thế nào, em vui chứ?” Greg nói.

“Cảm ơn anh chị,” tôi nói. “Không có anh chị nhắc họ không cho em đi.”

Giờ thì tôi hết sức cao hứng, nhất là sau khi tôi thấy Keith đuổi thêm hai người da trắng to lớn nữa đi. Chẳng mấy chốc, đoàn chúng tôi băng qua đường, leo lên ba chiếc xe minivan. Tôi đi cùng xe với Amy và Greg, một cặp vợ chồng đứng tuổi người Texas đang đi kỷ niệm hai mốt năm ngày cưới. Lái xe cho chúng tôi chính là anh chàng mặc đồ đua xe mà lúc này tôi đã biết tên là Andy. Andy người Scotland, vì thế mà nói tiếng Anh kiểu người Scotland, cứ lên bổng xuống trầm vô tội vạ.

Sau ba mươi phút, chúng tôi rời khỏi dòng xe cộ đông đúc của Florence và những quả đồi Tuscany bắt đầu trải ra. Càng xa khỏi Florence, xe cộ và nhà cửa càng vắng. Chẳng mấy chốc, hai bên đường chỉ còn những vườn cây ô liu và nho và con đường thì lên xuống qua đồi. Andy chắc chắn đã qua cung đường này hàng ngàn lần nên lái xe rất nhanh như thể đang đi trên đường bằng; còn chúng tôi trong xe thì bắt đầu thấy lao đao. May mà Andy rất vui tính và liên tục kể những câu chuyện cười kỳ cục bằng cái giọng trầm bổng của anh ấy.

“Khỉ thật, tôi mê cái giọng của cậu này quá đi mất,” Greg nói khi chúng tôi dừng lại để Andy ra ngoài mua nước. “Tôi đoán là cậu ta chắc cũng mê giọng Mỹ của tụi mình.”

Một tiếng sau, chúng tôi tới điểm tập kết để ăn lót dạ và lấy xe đạp. Đó là lâu đài từ thế kỷ XI của dòng họ Guicciadini, một dòng họ làm rượu và dầu ô liu, giống như đa số các gia đình khác ở đây. Keith, Andy, và một cô gái đưa chúng tôi đi một vòng quanh lâu đài, qua các hầm rượu và hầm đựng dầu ô liu, giới thiệu cho chúng tôi về quy trình làm cả hai thứ này, rồi lên tòa tháp cao nhất của lâu đài để nhìn ra cả quang cảnh đồng quê xung quanh. Sau đó chúng tôi đi xuống một phòng để thứ rượu vang, bánh mỳ và dầu ô liu.

Đấy là món bánh mỳ với dầu ô liu ngon nhất mà tôi từng ăn trong đời. Dầu rất đậm, thoáng một chút vị chát ở cuối lưỡi, sánh, mà không ngấy. Bánh mỳ mới nướng; vỏ dày cỡ cả phân, không cứng mà cũng không mềm. Nó giòn vừa phải, đủ để khi nhúng vào dầu ô liu thì miếng bánh mỹ giữ dầu lại chứ không để dầu chảy xuống tong tỏng, cũng không sũng. Họ làm rất đơn giản: bánh mỳ được xắt sẵn thành lát, và dầu ô liu cứ vậy mà tưới lên. Có thế thôi. Tôi ăn sáu lát và nếu không nghĩ đến những người khác thì tôi sẽ ăn hết cả cái bàn bánh mỳ này. Tôi có thể suốt đời sống chỉ bằng bánh mỳ và dầu ô liu thế này.

Đây là món bánh mì với dầu ô liu ngon nhất mà tôi từng ăn trong đời

Họ cũng đã rót rượu được sản xuất trong lâu đài này ra các ly thủy tinh cho mọi người thử. Có cả vang trắng, vang đỏ và các loại rượu mạnh. Tôi không uống nhưng những người khác đều uống ít nhất một ly và đều trầm trồ rằng rượu ngon. Chắc là ngon thật vì sau đấy ai cũng mua rất nhiều rượu và dầu ô liu để mang về làm quá. Vả lại rượu cũng rẻ, chỉ 5 euro một chai vang làm quà cho gia đình giáo sư Menken ở Berlin khi tôi trở lại.

Sau bữa ăn nhẹ, Keith và Andy dẫn chúng tôi xuống nhà xe để nhận những chiếc xe đạp 24 tốc độ. Ở chỗ này, tôi cần phải mở ngoặc nói thêm rằng Andy từng là tay đua xe đạp chuyên nghiệp trong nhiều năm. Rồi Andy gặp Keith – một sinh viên Anh đi du lịch tới Florence và cũng thích đạp xe. Hai người bắt đầu đạp xe quanh vùng này như một cách tập luyện; rồi dần dần, họ nảy ra ý định sẽ tổ chức các tour đạp xe. Đến nay, công việc của họ tiến triển rất tốt và cả hai đã bỏ việc đua xe chuyên nghiệp. Andy nói “Đua xe cũng tốt, nhưng chẳng kiếm ra tiền mà sống”. Còn mỗi chuyến dẫn tour như thế này, tôi nhẩm tính, có 25 người, mỗi người đóng 65 euro, nếu trừ tiền họ cho hai bữa ăn, tiền nước, tiền các chi phí xe cộ, thì chắc cả hai cũng được 500 euro/ngày, mỗi tháng họ đi 10 đến 15 chuyến, tức là khoảng 5000 euro cho hai người mỗi tháng. Với mức này, ít nhất họ cũng đủ sống ở đây.

Sau khi nhận xe và được hướng dẫn cách điều khiển xe, chúng tôi được phân thành ba nhóm, mỗi nhóm mười người, và lập tức lên đường. Mỗi người cũng được phát một cái mũ bảo hiểm và một chai nước. Nhóm đầu tiên đi theo Andy, nhóm thứ hai đi theo Keith, và nhóm thứ ba đi theo cô gái mà chúng tôi mới gặp ở trên lâu đài. Nghe phân công như thế, tôi đoán ngay nhóm thứ nhất chắc là toàn những người to khỏe và hăng máu; mà tôi thì không có cả hai đặc điểm này. Thực tế là khi nghe Andy vừa nói “Nhóm 1 đi cùng tôi” thì một người đàn ông ngoài năm mươi nói với vợ:

“Chúng mình sẽ không đi nhóm này. Mình không phải là ‘cool people.’”

Xe của tôi đúng là một cái xe đạp trẻ con, bánh xe nhỏ hơn tất cả các xe còn lại. Và tôi dĩ nhiên cũng không muốn đi cùng nhóm này bởi vì tôi rõ ràng là không thể nào theo kịp họ về thể lực. Nhưng nhóm này có Andy, rồi cả Greg, Amy, và vợ chồng Texas trong xe chúng tôi; vậy là tôi có cảm giác như tôi phải đi theo “gia đình” của mình. Vậy là tôi miễn cưỡng nhảy lên xe, bám theo Andy, Greg, và Amy – lúc này đã phóng vút từ trên sân lâu đài xuống con dốc dẫn vào.

Tôi lao xe xuống và lập tức có cảm giác như bay lên cùng với tốc độ và hai hàng thông vun vút trôi lại phía sau. Nhưng chỉ năm phút sau, tôi gặp ngọn đồi đầu tiên bên ngoài lâu đài và mắc một lỗi khủng khiếp mà rõ ràng là có một phần tại Andy. Thực ra, đây cũng không hoàn toàn phải là lỗi của Andy mà của cả nền giáo dục. Nó là thế này.

Cái xe đạp có hai cái lẫy để điều chỉnh tốc độ (có 6 tốc độ) – mà về cơ bản nghĩa là điều chỉnh xem bạn sẽ dùng nhông lớn hay nhỏ. Khi bạn lên đồi, bạn muốn chuyển sang nhông nhỏ để đỡ mất sức vào mỗi lần đạp; còn khi xuống đồi hoặc chạy trên đường bằng, bạn nên dùng nhông lớn để đi nhanh hơn. Giống như chạy xe máy; lúc lên dốc hoặc mới khởi động bạn đi số 1, 2, lúc chạy đường bằng và nhanh, bạn lên số cao nhất. Nhưng Andy lúc hướng dẫn chúng tôi lại nói:

“Nếu bạn muốn đạp nhẹ nhàng thì kéo lẫy về phía bạn; nếu bạn muốn đạp nặng hơn thì đẩy lẫy ra xa khỏi bạn. Nhớ nhé, nhẹ hơn thì kéo, nặng hơn thì đẩy.”

Lúc đấy tôi đã nghĩ “Thế là thế quái nào nhỉ? Ai điên mà lại muốn đạp nặng hơn?” Lẽ ra Andy nên nói thế này:

“Khi lên dốc, chuyển sang các số nhỏ như 1, 2, 3; khi xuống dốc hoặc trên đường bằng, chuyển sang các số lớn như 4, 5, 6.”

Chà, nhưng giải thích mọi thứ một cách đơn giản và dễ hiểu là một kỹ năng mà không phải ai cũng có.

Lúc khởi hành tôi đang đi ở số 4 hoặc 5 gì đó. Khi chúng tôi bắt đầu leo dốc, những người khác đều còn khỏe nên họ leo dốc băng băng, không vấn đề. Còn tôi, thấy mọi người phóng qua vùn vụt một cách dễ dàng, tôi cố gắng nhấn bàn đạp nhưng trời ơi, tôi không sao ấn được bàn đạp xuống vì dốc thì cao mà xe đạp thì đang để ở số quá lớn. Nhưng tôi dĩ nhiên không biết, tôi chỉ tiếp tục lấy hết sức mà ấn xuống, tôi đứng cả lên để dùng sức nặng cơ thể và sức cơ bắp để ấn bàn đạp nhưng xe không nhúc nhích. Người tôi đã đầm đìa mồ hôi trong khi hai chân đã gần như hóa đá vì co rút trong những cử động đột ngột. Thế mà chúng tôi chỉ mới khởi hành và đây chỉ là con dốc đầu tiên và cũng không quá cao. “Damn, mình không thể đạp được. Chỉ vừa mới khởi hành mà mình đã kiệt sức rồi. Mình không thể nào đạp hết cả chuyến này được, những hơn hai mươi cây số.” Tôi nghĩ thế, nhưng một ý nghĩ khác lại lặp tức chen vào “Gớm, chưa chi đã định bỏ cuộc rồi à?”; vậy là tôi tiếp tục vặn vẹo trên xe, cố nhích từng bước một.

Tôi đã cố thử điều chỉnh tốc độ xe bằng cách gạt qua gạt lại cái lẫy; nhưng vừa mới bắt đầu hành trình và trong lúc tá hỏa vì những người khác cứ phóng qua tôi ầm ầm, tất cả những lời hướng dẫn của Andy biến thành mớ bòng bong. Tôi gạt qua gạt lại cái lẫy để thử nhưng không làm sao quyết định được là cần phải làm gì vì số to hay nhỏ thì hình như tôi vẫn không làm sao khiến cái xe di chuyển được. Hai chân thực sự đã cứng lại, lưng lại đau và tôi cứ thở hổn hển, mồ hôi đầm đìa. Được một lúc, tôi không sao cử động được nữa, cả người tôi hóa đá trong lúc đứng lên để ấn bàn đạp; vậy là tôi từ từ đổ vật sang một bên, may mà kịp nhảy khỏi xe. Sự bất lực làm tôi vừa muốn đá cái xe, vừa muốn đá bản thân. Nhưng rút cục, tôi chỉ nuốt giận và quyết định là sẽ dắt xe lên dốc. Tôi dựng xe lên, hít một hơi và bắt đầu dắt xe bằng đôi chân bê tông. Nhưng dắt được mấy bước, sự bực mình và nôn nóng tóm được tôi, và tôi lại nhảy lên yên xe với quyết tâm sẽ đạp bằng được lên dốc… nhưng nhanh chóng hiểu rằng việc này chỉ khiến chân và lưng tôi thêm co rút mà không được tích sự gì. Tôi khổ sở và bực mình làm sao. Cơ thể tôi thì kêu gào “Dừng lại, dừng lại ngay… mình muốn tự sát à? Không đạp được đâu, mình không đủ sức, nhảy vào trong ô tô đi”; nhưng đầu óc ương bướng của tôi thì phản kháng “Gớm nhỉ? Mới thế này mà đã đầu hàng à? Hồi sáng thì cố gắng cầu xin người ta cho đi bằng được, giờ vừa mới đi được mấy phút thì đã bỏ cuộc. Đẹp mắt chưa?”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.