Một mình ở châu Âu

Chương 20 (Kết)



Châu Âu, ngày cuối cùng

1:00 chiều, giờ châu Âu: Tôi đang viết những dòng này trong khoang máy bay của chuyến bay Delta 079 và đang trên đường trở lại Mỹ. Sau khi ở Đức, và Ý trong một tháng, chia đều mỗi nơi 10 ngày, tôi rút ra kết luận: nếu được chọn, tôi nhất định sống ở Paris, có thể đi chơi ở Ý, nhưng sẽ làm việc với người Đức, đi du lịch với người Đức, ra trận với người Đức. Và trong trường hợp tôi bị đi đày ra hoang đảo mà chỉ được chọn duy nhất một người bạn giữa người Đức, Pháp, Ý và không biết thông tin gì khác ngoài quốc tịch thì tôi nhất định sẽ chọn người Đức. Vì sao? Bởi vì trong mười ngày ở Đức mang lại cho tôi cảm giác tin cậy mà tôi không có được ở Ý hay ở Pháp cho dù, để đổi lại, sự đáng tin đó đi kèm một chút lạnh lùng.

Chiều qua, khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Schonefeld, cảm giác đầu tiên của tôi là sự nhẹ nhõm vì được trở lại một nơi mà tôi sẽ không phải mắt trước mắt sau lo mất đồ, lừa đảo, hoặc lo bị tán tỉnh. Ở Đức, thực sự tôi cảm thấy yên tâm hơn cả khi ở Mỹ. Kéo hành lý ra ngoài, tôi rất tự tin đi tới chỗ đậu taxi để về nhà vợ chồng giáo sư Menken, một người quen của gia đình chồng tôi.

Lái taxi là một ông già đã ngoài bảy mươi, mặc quần ka ki với áo vest phẳng nếp, tóc hầu như không còn nhưng vẫn được chải ép gọn gàng, tác phong nghiêm trang theo kiểu một đại tá quân đội về hưu. Sau khi lên xe, tôi đưa miếng giấy có địa chỉ nhà giáo sư Menken cho ông. Ông lái xe rất cẩn thận và sau chừng hai mươi phút thì chúng tôi tới một phố có tên hình như là Steppendorfer Weg và ông bắt đầu tìm số nhà. Tôi hoàn toàn không biết gì về Berlin nhưng như tôi còn nhớ thì quang cảnh nhà giáo sư Menken không giống thế này. Đồng hồ trên taxi lúc đó chỉ 21 euro. Sau khi vòng thêm một vòng ngược lại đường mà không tìm được số nhà 33, ông lái taxi bảo tôi đưa lại tờ địa chỉ. Ông nhìn, lẩm bẩm gì đó bằng tiếng Đức rồi với tay tắt đồng hồ tính tiền đi. Sau đó, ông lái xe ngược lại về đường sân bay Schonefeld. Tôi bắt đầu lo rằng có lẽ tôi ghi sai địa chỉ và bây giờ ông già trả tôi lại sân bay.

Nhưng xe chỉ chạy ngang sân bay rồi rẽ sang hướng khác… chạy chừng ba mươi phút sau thì tôi thấy quang cảnh bắt đầu giống với nhà giáo sư Menken. Đi thêm một lúc nữa thì tới nhà. Lúc này, ông già mới bật đồng hồ lên và tôi vẫn chỉ phải trả 21 euro cho dù tôi đã đi gấp ba đoạn đường đó. Cho tới bây giờ, tôi vẫn không rõ là lỗi tại tôi ghi sai địa chỉ hay ông già đi sai đường lần đầu. Nhưng trong cả hai trường hợp, tôi đều khâm phục sự trung thực và tử tế hiếm có của ông. Cả ba lần tôi đi taxi ở Ý, tôi đều bị lừa; còn bốn lần đi taxi ở Đức, lần nào số tiền cũng giống hệt nhau khi tôi đi cùng đoạn đường. Tôi đưa cho ông già lái xe 25 euro và cảm ơn ông – vì sự trung thực nhiều hơn là vì số tiền tôi tiết kiệm được.

Ông bà giáo sư Menken ăn mặc chỉnh tề ra đón tôi. Cả hai lần tới đây, dù là tôi sẽ ở qua đêm, ông bà luôn ăn mặc rất nghiêm chỉnh để đón khách. Trong nhà, ông bỏ áo khoác cho tôi rồi giúp tôi mang hành lý vào tận phòng. Sau đó, ông mang nước cho tôi uống còn bà chuẩn bị khăn tắm cho tôi. Bà nói rằng bữa tối sẽ bắt đầu lúc 7 giờ hoặc sớm hơn nếu tôi đói.

Đúng 7 giờ, bữa tối bắt đầu. Bữa tối có bánh mỳ với mấy loại thịt hun khói, patê, cá sardine xốt cà chua và một ít salad dưa chuột với cà chua bà tự làm. Bà giải thích với tôi rằng bữa trưa là bữa ăn chính của người Đức, còn bữa tối chỉ là ăn bánh mỳ nhẹ thôi. Tôi nói, và tôi hoàn toàn thành thật, rằng đây là bữa ngon nhất trong nhiều ngày vừa qua của tôi. Cả hai ông bà rất hài lòng, nhất là bà, vì tôi ăn nhiều.

Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện. Tôi kể rằng chai rượu đỏ mà tôi mua biếu ông bà là rượu tôi mua ngay tại lâu đài dòng họ Guicciardini, vốn có truyền thống làm rượu vàng và dầu ô liu từ thế kỷ XI. Tôi mua chai rượu này trong chuyến đi xe đạp ở vùng đồng quê Chianti, cách Florence khoảng hơn một tiếng đi ô tô. Tôi nói đi xe đạp có cả người già và người trẻ; người trẻ thì hăng hái đạp lúc đầu nhưng sau rồi mất sức rất nhanh, còn người già đạp chậm nhưng đều đặn và có khi lại đến đích trước. Hai ông bà gật gật đầu, rồi bà nói với tôi rằng “bởi vì người già có…” – đến đây thì bà không nhớ ra từ tiếng Anh mà bà muốn dùng. Tôi đang định gợi ý một số từ thì bà đã “excuse me” rồi đứng dậy đi vào phòng khách. Khi trở lại, bà cầm theo một cuốn từ điển bỏ túi Anh – Đức. Bà nói một từ tiếng Đức gì đó rồi bắt đầu tra.

“À, đúng rồi,” bà cười. “Kinh nghiệm. Experience. Người già có kinh nghiệm hơn người trẻ.”

Từ đó, cuộc nói chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại ngắt quãng để ông bà tra từ điển cho thật chính xác từ định dùng. Giáo sư Menken năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi và đã nghỉ hưu. Bà Menken năm nay cũng ngoài bảy mươi, cũng đã nghỉ hưu sau nhiều năm làm nhân viên hành chính. Ông bà là bạn từ thời phổ thông, cưới nhau từ lúc còn trẻ và sống chung đến bây giờ. Tôi có thể nhìn rõ hạnh phúc và sự hòa hợp của hai người như việc bà quen thuộc đồ uống của ông, nhớ đến loại đường dùng cho người có bệnh tiểu đường của ông, quen với từng thói quen nhỏ và ý nghĩ của ông… Mặc dù ngoài bảy mươi nhưng cả hai đều hồng hào, khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, lưng thẳng, nói chuyện hoàn toàn minh mẫn, với một sự bình thản và hiền lành của những người biết rõ về bản thân mình và không cần so sánh mình với ai. Tôi nghĩ nguyên nhân chính là vì cả hai ông bà đều vẫn sử dụng trí óc – như việc dùng từ điển này là một ví dụ. Bà Menken nói với tôi rằng bà vẫn đều đặn đi học tiếng Anh mặc dù bà chưa bao giờ có khách nói tiếng Anh như tôi. Bà còn đi tập Yoga nhiều năm nay. Hai ông bà hằng ngày đều đọc báo, xem ti vi, đọc sách, sử dụng Internet để biết tin tức và làm việc trên máy tính.

Sau bữa tối, chúng tôi ra phòng khách uống nước và nói chuyện tiếp; bà vẫn mang theo từ điển và mỗi khi không nhớ ra từ, bà lại mở từ điển ra. Tôi đã dạy tiếng Anh luyện thi đại học một thời gian trước khi đi Mỹ, tôi có thể kết luận rằng khả năng hiểu và nói tiếng Anh của bà Menken hơn hẳn nhiều bạn trẻ Việt Nam mà tôi từng dạy mặc dù bà mới học và học khi đã già. Vấn đề không phải ở khả năng trí tuệ mà ở thái độ học tâp. Sự cẩu thả, lớt phớt, không đến nơi đến chốn là đặc điểm mà tôi gặp ở nhiều học sinh cũ của tôi. Sang đến Mỹ, cái lớn nhất và đầu tiên mà tôi học được là việc học hành đến nơi đến chốn; tuy nhiên cái đến nơi đến chốn này ở Mỹ có một nguyên nhân hết sức thực tế: vì sinh viên Mỹ hầu hết phải vay tiền ngân hàng để đi học đại học cho nên họ phải cố học như một cách vắt kiệt tất cả những gì có thể vắt từ khoản đầu tư của mình. Còn bà Menken đi học tiếng Anh khi đã già, hoàn toàn là do sở thích và như một cách giải trí của người già tại câu lạc bộ mà bà sinh hoạt. Tuy thế, bà vẫn học rất nghiêm túc; và sự nghiêm túc này dường như là đặc tính của người Đức – như tôi thấy ở khắp nơi. Như thể họ nghiễm nhiên cho rằng nếu đã làm việc gì, phải làm cho đến nơi đến chốn. Ngay cả sự trung thực, tử tế của họ cũng là một sự trung thực, tử tế đến nơi đến chốn, có tính nghiễm nhiên chứ không phải do lễ giáo.

Sau 9 giờ, tôi xin phép ông bà Menken đi ngủ sớm vì tôi hơi mệt sau cả ngày đi đường. Ông bà cẩn thận dặn tôi rằng lúc 7 giờ sáng, rèm cửa sổ sẽ tự động kéo lên nhưng tôi cứ việc ngủ, đến lúc 7 rưỡi thì hai ông bà sẽ gọi tôi dậy, chúng tôi sẽ ăn sáng lúc 8 giờ và 9 giờ thì taxi sẽ đến đưa tôi ra sân bay. Ông Menken còn đưa cho tôi một cái đèn pin nhỏ, để nếu nửa đêm tôi có dậy đi toilet thì có thể soi đèn. Ông nói tôi cứ yên tâm về chuyện ra sân bay vì ông đã gọi điện cho hãng taxi và còn nói chuyện cả với người lái taxi để yên tâm là tôi sẽ được trông nom tử tế.

Sáng nay, trời Berlin nắng đẹp. Ông bà Menken ôm hôn tôi ở cửa, chúc tôi có một chuyến bay an toàn và cuộc sống hạnh phúc. Tôi cũng chúc hai ông bà sức khỏe và mọi sự tốt lành.

Máy bay cất cánh lúc 11 giờ 25 phút. Bên dưới, cảnh vật Berlin không làm người ta choáng ngợp như khi nhìn thấy những tòa nhà chọc trời của New York và cũng không làm người ta bị mê hoặc như khi thấy sông Seine của Paris. Tôi chợt nhớ ra rằng ngoài một đĩa DVD về lịch sử Đức, tường Berlin, tôi không hề mua một món quà kỷ niệm nào về Berlin. Có lẽ cũng đúng; di tích du lịch lớn nhất của Berlin là một di tích chiến tranh mà, so với những đấu trường Colloseo của Rome, tháp Eiffel của Paris hay quảng trường Thánh Marco ở Venice thì nó thật thô kệch. Tuy thế, Berlin vẫn có cái làm tôi nhớ: đó là con người và sự tử tế. Berlin làm tôi nhớ rằng sự tử tế là một điều cần phải nghiễm nhiên tồn tại, phải là một lối sống tự nhiên như người ta ăn, uống, thở; và nó phải được thực hành ở mọi nơi, với mọi người, trong mọi hoàn cảnh.

New York, ngày…

Vào 2 giờ 20 phút chiều, chuyến bay 079 của Delta hạ cánh xuống sân bay Kennedy ở New York và tôi trở lại Mỹ sau đúng một tháng ở châu Âu. Một tháng trước, khi tôi đi, New York JFK chỉ là một sân bay bận rộn vào hạng nhất thế giới. Một tháng sau tôi quay lại, JFK là hình ảnh một nước Mỹ và một thế giới đang hoảng loạn: tại các quầy báo Hudson News, hầu hết các tờ báo lớn chạy hàng tít choán hết trang một về vụ khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ sau Thế chiến II; quanh các màn hình ti vi lớn ở các cửa ra máy bay, dân business tụ tập, thành kính lắng nghe Wolf Bliter của CNN đưa tin kế hoạch thương lượng giữa tổng thống Bush với Quốc hội Mỹ về một cuộc tổng giải cứu nền kinh tế: “A bailout to end all bailot”. Cũng chỉ trong một tháng John McCain đã đề cử một phụ nữ ít tên tuổi trên chính trường Mỹ (Sarah Palin) làm ứng cử viên phó tổng thống trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sắp tới, hai hay ba cơn bão lớn đã tàn phá vũng biển Caribbean và vịnh Mexico và thời tiết đã kịp chuyển từ mùa hè sang thu…

Trong một tháng tôi đi vắng, thế giới dường như đã lộn ngược. Hình ảnh “bình thường” duy nhất có lẽ là những người phụ nữ mặc chải chuốt vẫn bình thản hơ ấm ngón tay trong cửa hàng 10 Minute Manicure [69] để chuẩn bị làm móng trước khi lên máy bay.

[69] Làm móng tay móng chân 10 phút.

Tôi nghĩ đến cái tài khoản còm cõi của mình ở một ngân hàng nhỏ tại Chicago; không biết tôi có nên rút hết tiền mang về nhà cho chắc chắn và chuyển sang tiêu tiền mặt giống như khi ở Việt Nam và châu Âu thay vì dựa vào cái văn hóa tín dụng Mỹ vừa mới chứng minh tính bấp bênh của nó? Và theo đúng tinh thần của một người sống ở một đất nước đang rơi vào khủng hoảng tài chính, tôi thầm làm một bảng cân đối trong đầu về chuyến đi châu Âu vừa rồi. Ngoài quà cho người thân, tôi đã chi tiêu những gì?

– Vé máy bay khứ hồi.

– Ba cái áo thun cao cổ và hai cái mũ nồi mua ở Paris

– Nhạc trữ tình Pháp mua trong chợ trời ở khu Clignancount.

– Một cơn ho từ hai tuần nay do hít khói thuốc lá từ đường phố Paris và khí ẩm Venice: quy đổi ngang một gói kẹo ngậm ho và thuốc sẽ mua khi về đến nhà.

– Tượng thạch cao mua bên ngoài bảo tàng Vatican.

– Khuyên tai mua ở Venice,

– Mặt nạ Venice.

– Vòng cổ bằng thủy tinh Murano.

– Túi da, giày da, và sổ bìa da ở Florence.

– Đĩa DVD về Bức tường Berlin.

– Một đôi giày đã bị bai và mấy cái áo lót sẽ phải vứt đi vì đã nhão dưới mưa nắng lây rây một tháng trời.

Các chi phí khách sạn, nhà trọ, ăn uống và đi lại trong ba ngày – tôi vẫn giữ hóa đơn một số nơi trong đó làm kỷ niệm.

Chà, tôi nên bắt đầu đau lòng được rồi, nhất là với tỉ giá quy đổi euro và đô la như hiện nay.

Nhưng bên cạnh những thiệt hại tài chính đó, tôi có mười GB ảnh chụp, một ít postcard, một số bản đồ nhàu nát vì bị dùng nhiều, các tờ rơi giới thiệu các bảo tàng và điểm du lịch, một bình nước trong chuyến đạp xe ở đồng quê Tuscany, những tấm vé xe buýt nước ở Venice, hóa đơn McDonald ở Florence, vài vé tàu điện ngầm ở Paris chưa hề dùng, cuống vé máy bay từ Berlin đi Paris, từ Paris đi Venice, từ Florence về lại Berlin, và khứ hồi Boston – Berlin? Và còn một cuốn sổ nhỏ viết kín, gần một trăm trang ghi chép dọc đường, hai bút bi cạn mực, một hộp thuốc Advil cũng đã cạn, một lọ dầu con hổ dùng dở, những tấm các- vi- rít và mẩu giấy nham nhở với nét chữ ghi vội vàng của những người bạn mới quen? Những thứ này trị giá bao nhiêu?

Thôi, tôi sẽ không tính toán nữa.

Tạm biệt châu Âu.

Tạm biệt.

Hẹn gặp lại một ngày gần nhất.

Giờ thì tôi phải về nhà và đối mặt với một hành trình còn khó khăn hơn. Tôi sẽ phải nói với Sơn rằng chúng tôi nên chia tay. Tôi yêu Sơn nhưng cả hai chúng tôi sẽ hạnh phúc hơn nếu không sống với nhau.

Những ngày tháng một mình ở châu Âu làm cho tôi hiểu rằng tôi có thể hạnh phúc trở lại. Quan trọng nhất, tôi có thể hạnh phúc kể cả khi tôi một mình. Bất chấp những năm tháng qua, tôi vẫn còn có khả năng rung động, vẫn còn có thể nghe, nhìn, và cảm thấy cuộc sống xung quanh, tôi còn chưa đóng băng như tôi tưởng. Bên dưới cái bề mặt kết thành bởi những điều không thể chia sẻ, tôi vẫn còn là tôi như tôi biết trước đây – và tôi sẽ không chối bỏ tôi nữa. Sự thật là tôi sẽ không bao giờ có thể chối bỏ bản thân mình, không bao giờ có thể làm một ai khác. Sự thật là không một ai nên hoặc có thể chối bỏ bản thân mình, kể cả khi họ làm điều đó nhân danh tình yêu.

Sẽ khó khăn, nhưng có lẽ nỗi sợ bất hạnh là nỗi sợ hãi phí phạm nhất của đời người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.