Một Ngàn Con Đường Quê

Chương 01 – Phần 2



Ấn Độ, hoặc vịnh châu Phi, hoặc eo biển Malacca, luôn giống nhau: những con người trên cát, hoặc chèo thuyền trên những lớp sóng vỗ bờ.

Một số người làm trong lúc những người khác quan sát.

Ngày mai họ sẽ làm việc đó một lần nữa

Một khi ý nghĩ đã đến với ông, nó không rời đi nữa. Ông đến bên cửa sổ và ngắm sương mù. Ngay cả buổi sáng cũng có vẻ chán ngán, dù mới chỉ bắt đầu.

Robert Kincaid mở ngăn kéo tủ bếp. Ba cuốn séc chưa chuyển thành tiền mặt, thù lao cho những buổi chụp ảnh chán ngắt ở các trường học và hội chợ nghệ thuật, tổng cộng là 742 đô la. Không còn những ngày huy hoàng nữa, không còn những chuyến lang thang dài hơi, chụp ảnh cho tạp chí National Geographic, đưa ông đến bất cứ nơi nào có ánh sáng đẹp.

Ông còn tám mươi bảy đô la tiền mặt nữa. Hộp cà phê của ông đầy tiền lẻ, có khi được đến năm chục hoặc hơn. Động cơ mới lắp cho chiếc Harry mới chạy sáu mươi tám ngàn dặm. Nghỉ lại nơi rẻ tiền, hành lý gọn nhẹ tối thiểu, ngủ trong xe nếu cần. Ông có thể làm thế, có thể đến nơi đó một lần nữa, ông và con chó săn Con Đường.

– Này Con Đường, mi nghĩ chúng ta có nên đi không? Chỉ đến đấy, ngắm cầu Roseman, nhớ lại những chuyện cũ thôi? Chẳng làm gì hơn, chỉ đứng ở chỗ của cô ấy lần nữa. Còn tốt hơn là ngồi đây và ngán ngẩm thương thân, ngắm mùa thu với cỏ cây, hoa lá và bướm, khóc vì những thứ chẳng bao giờ trở lại.

Con Đường thở hổn hển và ve vẩy đuôi, đến ngồi cạnh Robert Kincaid.

– Ta không biết bây giờ cô ấy trông như thế nào nữa. Không biết cô ấy có thay đổi nhiều không?

Những cây thông bên ngoài mờ ảo trong màn sương, nhỏ giọt. Tiếng cỏ đuôi chó rơi thịch trên nền rừng thông. Lại tiếng nữa.

Sống lẻ loi gần như suốt sáu mươi tám năm, vì lựa chọn và vì hoàn cảnh, những ý nghĩ của ông cuộn lại với nhau vì chẳng có ai nghe và nếu có nghe thấy cũng chẳng để ý. Tuy vậy, cuối cùng chúng tuôn trào theo kiểu tùy tiện, từ suy nghĩ thành lời nói. Vì công việc trí óc không thể kìm giữ trong yên lặng mãi, lời lẽ phải buột ra ngoài để những suy nghĩ khác có thể thế chỗ.

Với hầu hết mọi người, chỉ một hoặc hai ngày, có thể nhiều giờ liền hoàn toàn một mình và di chuyển trong sự lặng lẽ triền miên là đủ bắt đầu cả một quá trình. Robert Kincaid đã sống suốt đời như thế. Ông nói chuyện một mình trong lúc làm ảnh, hoặc trong lúc nấu ăn, ông lẩm bẩm về tốc độ màn trập hoặc gia vị, về máy ảnh hoặc phó mát. Con chó trở thành kẻ tiếp thu vui vẻ những suy nghĩ bộc lộ, và quan trọng hơn cả, nó hài lòng với âm thanh của lời lẽ đến với nó hoặc lướt qua nó.

– Chắc các con cô ấy đã trưởng thành và ra ở riêng cả rồi. Mà cũng không thể có cơ hội nhìn thấy cô ấy. Ta không biết chắc phải làm gì nếu gặp cô ấy. Cũng không biết cô ấy sẽ làm gì. Trời ạ, biết đâu cô ấy đã quên hết bốn ngày đó. Chỉ là một hồi ức mà có khi cô ấy không thích nghĩ đến nữa.

Robert Kincaid hiểu rõ hơn nhiều. Francesca Johnson và ông đã bị khóa chặt với nhau, miễn là đầu óc họ còn nhớ được. Ông không bao giờ ngờ vực điều đó. Bà có mặt trên mọi con đường ông đi suốt mười sáu năm qua. Ông biết, và ông tin chắc rằng với bà cũng hệt như thế. Nhưng thỉnh thoảng, sẽ nhẹ nhàng hơn nếu ông hình dung bà không còn nghĩ đến ông nữa, khiến ông chịu đựng dễ dàng nỗi đau như ngọn giáo đâm phập vào ngực mỗi khi ông nghĩ đến bà.

Một tình yêu to lớn trong khoảnh khắc bập bềnh, khi ngọn gió quanh quẩn trên lưng ông, vạn vật ngập ngừng trong mọi thứ mà nó lan tới. Một khoảnh khắc xao xuyến, khi người lữ khách già nhìn thấy ánh lửa trong nhà, khi đoàn tàu đến chỗ nghỉ và tiếng còi im bặt. Khi ông đã ngừng lượn quanh ngôi tháp cổ của Rilke (Trích câu thơ của Rainer Maria Rilke (1875-1926), nhà thơ và nhà văn Áo gốc Đức) một thời gian.

Cái tủ lạnh đằng sau ông cằn nhằn như người, Robert Kincaid hút một điếu Camel nữa, ông ho hai lần và ngắm buổi sáng trải ra trước mắt. Ông nhớ lại căn bếp trong nông trại ở Iowa. Như một nhân chứng cuối cùng và gần như không nhầm lẫn, ông làm sống lại tất thảy, con mắt của nhà nhiếp ảnh bẩm sinh và thạo nghề là chiếc máy ảnh đặc biệt, ông lại có thể nhìn thấy nó, căn bếp ấy, với mọi chi tiết. Lớp vải sơn lót nền nứt nẻ và cái bàn formica, cái radio cạnh bồn rửa và những con bướm đêm lượn quanh ngọn đèn.

Francesca ở đó, mặc bộ váy hồng, chân đi xăng đan trắng, đang nhìn anh. Francesca Johnson nắm lấy cơ hội lớn nhất đời và ngã thẳng vào anh, còn anh cũng ngã quỵ trước chị. Nếu có tội, thì đây là tội chung của họ chia đều và công bằng. Tối hôm ấy, anh đứng đó, dựa vào tủ lạnh ngắm chị, ngắm riềm váy trên đôi chân rám nắng, thon thả của chị. Rồi sau đó là sức đẩy mạnh mẽ của những cung cách cổ xưa – chúng ta vừa ca ngợi vừa nguyền rủa nó những cung cách cổ xưa đầy lôi cuốn và bản tango trên phố vang vọng từ xa nhưng mỗi lúc một tiến lại gần hơn.

Những cung cách cổ xưa hòa quyện trong tấm trải giường lộn xộn của một đêm hè nóng nực, trên những giọt mồ hôi ở bụng, mặt và vú Francesca, mồ hôi trên vai và mặt anh, cả trên lưng và bụng anh. Những cung cách cổ xưa với những cây thủy cự thơm ngát, đường cong của chiếc áo choàng giao chiến đỏ thắm và tiếng reo hò của những đám đông ở xa, không thể nhìn thấy cuộc thi đấu nhưng vẫn cổ vũ. Tất cả những năm tháng kìm nén khát khao của chị, cùng tất cả những năm tháng tương tự của anh, làm cả hai đến với nhau hết lan này đến lần khác, trong lúc những cây nến nhỏ giọt, những trận mưa rơi rồi tạnh, và buổi sớm tinh mơ ngập ngừng lan trên miền quê nam Iowa.

Ngay từ tia sáng đầu tiên, anh đã đưa chị ra bãi cỏ và bảo chị dựa vào một cột rào. Ở nơi đó anh đã biến chị thành môt bức ảnh đen-trắng, bức ảnh lúc này ở trong hộp trên bàn, tại một căn bếp khác, trong buổi sáng mờ sương của Seattle.

Sợi dây thừng to lớn lại quay nhanh. Chiếc Harry ướt mèm và đầy mùi khói thuốc lá. Lại những thói quen ấy, cố tình giống hệt mười sáu năm trước. Chiếc vali lèn sát vào cái lốp dự phòng trên thùng xe, buộc bằng sợi dây phơi. Lần này không có chiếc ghita, nhiều năm nay Robert không chơi ghita nữa. Nghĩ đến nó, ông trở lại căn nhà nhỏ và bới cây đàn ra khỏi chỗ, cạnh tủ lạnh. Hộp đàn bẹp rúm và khó mà biết cây đàn trông ra sao, vì thế ông không buồn mở hộp. Ông nhún vai và mang ra thùng xe, buộc vào cạnh vali và kéo tấm vải dầu phủ lên cả cây đàn lẫn cái vali. Cây ghita trong hộp đàn phát ra một âm thanh nhè nhẹ, du dương lúc ông thít mạnh sợi dây cho chặt, dường như nó dỗ dành là vẫn có thể chơi được, nếu lấy nó ra khỏi bóng tối, lên dây và gảy.

Nếu như trước kia, Robert Kincaid đã nhảy phắt từ thùng xe xuống đất, nhưng bây giờ ông ngồi trên cửa hậu và nhẹ nhàng trượt xuống, đặt cái chân lành lên mặt đất rồi đến chân kia, vì nếu không cẩn thận, ông có thể ngã như bỡn.

Chỉ mang một balô đựng một chiếc máy ảnh Nikon F và chỉ một ống kính – loại 105 li ưa thích của ông – và cuộn phim Kodachrome II duy nhất. Một cuộn phim cho chuyến viễn du gọi là Lần Cuối cùng.

Phích nước, máy ảnh, vali, ba tút Camel, một thùng bia Tàu ông thấy bán trong một cửa hàng trên bờ biển. Cái túi ngủ cũ. Nếu thiếu tiền, ông có thể hạ trại ngay trên thùng xe. Một cuốn Những ngọn đồi xanh châu Phi (Tác phẩm của Ernest Hemingvvay, xuất bản năm 1935) tả tơi, cuốn sách ông mang theo năm 1965 và không đọc từ hồi đó. Ông ngắm mình: đôi giày ống Red Wing thay đế đến lần thứ tư, quần jeans bạc màu, sơmi kaki và đeo dây quần màu cam. Chiếc áo leo núi có mũ trùm màu nâu ở đằng sau ghế, một túi áo bị rách và vệt cà phê trên ống tay bên phải. Bộ trang phục không thay dổi, tiện dụng của một người sống lang thang.

Con Đường ngồi trên ghế cạnh ông. Bình nước và cái đĩa thiếc cho nó để trên sàn xe, cạnh bao thức ăn cho chó và hộp cà phê đầy tiền lẻ.

Tuy vậy, phải chọn lộ trình. Ở ngoài trời trong đêm lạnh sẽ dành cho miền quê phía bắc xa xôi, vào thời gian này trong năm. Thực ra, không có lộ trình đặc biệt nào, vì không có địa điểm đặc biệt nào nữa. Bắt đầu là đi về phương nam tới Oregon, sau đó là California rồi rẽ về hướng đông. Ông nghe nói gần đây Iowa không xê dịch tí nào, và từ Bắc California, ông sẽ đi về hướng đông là chính.

Có thể lang thang qua Nam Dakota và thăm Black Hills lần nữa, vì chặng đường cuối cùng là đến quận Madison, Iowa. Năm 1973, ông đã trở lại Hills và chụp ảnh cho bài tường thuật cuộc khai quật khảo cổ, một trong các tác phẩm cuối cùng của ông cho một ấn phẩm quan trọng. Người dẫn đường cho ông là một ông già khó tính, có khi vẫn còn ở quanh đó. Có thể dừng lại và chào hỏi, đến một quán rượu nào đó và lắng nghe tiếng phong cầm nếu người kéo đàn vẫn còn. Robert Kincaid ngồi thẳng lên trên ghế và nhìn chăm chú qua kính chắn gió, để cảm giác về mọi thứ ở ngoài kia và mọi thứ ông chưa từng nhìn thấy tác động đến ông.

– Mi biết không, Con Đường, ta thấy thấm mệt vì mọi thứ ảm đạm và bất hạnh ta đang đắm mình trong đó. Có lẽ mi cũng thế. Nói năng giả dối về những cung cách cũ và những ngày xưa, loanh quanh ở đây, xem các tài liệu, hồ sơ của các thứ quá quen thuộc mà ta đã làm. Nguyền rủa tình trạng dã man của sự già yếu, từ bỏ và biến đời mình thành một mảnh có thật của sự hỗn độn xấu xa. Chẳng giống ta chút nào. Thực tế là một chuyện, nhưng cắt xén dần những ước mơ là cái chết đang đến gần bên cửa.

Ông dừng lại một lát, nhìn xuống con chó.

– Mi đã bao giờ nghe những dòng thơ tuyệt vời này của Cummings (E.E. Cummings (1894-1962): Nhà thơ Mỹ, là một trong những người có nhiều thử nghiệm cấp tiến và sáng tạo nhất trong thế kỷ 20) chưa? Không phải ông bạn Cú Muỗi của chúng ta đâu, mà là ông e.e. cummings, người thích viết tên mình bằng chữ thường. Xem nào… ờ, ta không thể nhớ ra tất cả… một thứ gì đó về bác sĩ và các trường hợp vô vọng, về các vũ trụ tốt đẹp hơn ở nơi nào đó nếu ta đi tìm chúng.

Ông mỉm cười với con chó.

– Ta sẽ trở lại ngay thôi.

Vào nhà, Robert Kincaid cầm cái balô để trên giá phòng kho và túm cái chân máy Gitzo sứt sẹo dựa vào tường hậu, đằng sau bốn cái sơmi treo ở đó. Tìm khắp trên sàn kho, ông tìm được cái áo len dài tay, cổ lọ mầu đen, ông mua ở Ireland nhiều năm trước và quấn cái áo quanh chân máy Gitzo. Chiếc áo làm việc đu đưa trên mắc. Ông lấy xuống và mặc vào.

Ông xếp các máy ảnh và phụ tùng trong tủ bếp vào balô, từng thứ một rất ngăn nắp, đâu vào đấy. Ông vẫn còn bốn mươi ba cuộn phim Tri-X đen-trắng trong ngăn kéo, lăn lóc trên bề mặt tấm bảng của một tạp chí nhiếp ảnh có uy tín:

TẶNG ROBERT L. KINCAID

ĐỂ CÔNG NHẬN SỰ CỐNG HIẾN XUẤT SẮC SUỐT ĐỜI

TRONG NGHỆ THUẬT NHIẾP ẢNH

(Animus non integritatem sed íacinus cupit –

Trái tim sẽ không thuần khiết nếu thiếu phiêu lưu)

Ông bốc các cuộn phim vào một túi mua hàng, nhìn quanh rồi vắt cái chân máy quấn áo len lên một bên vai, balô lên vai kia. Lúc khóa căn nhà, ông cẩn thận không để cánh cửa có khung lưới chắn muỗi sập mạnh lúc đóng.

Rồi trở lại xe.

– Sẵn sàng chưa, cún? – Ông hỏi và khởi động máy. – Để xem dọc đường chúng ta quên gì nhé.

Mặt trời mỏng manh le lói qua màn sương mù giữa buổi sáng lúc Robert Kincaid đi phà vào đất liền, qua eo biển vào vịnh Elliot. Sóng gợn nhè nhẹ trên mặt nước. Ông lái xe qua các phố vắng ra khỏi thành phố, dọc theo cảng, qua công viên, nơi ông và Cú Muỗi thỉnh thoảng ngồi trên ghế dài và kể cho nhau nghe những điều họ tin là thật về đời mình. Ở Olympia, ông đổi séc của trường ra tiền mặt và gửi một bưu thiếp cho Cú Muỗi, cho biết ông ra khỏi thành phố và vài tuần nữa sẽ gặp lại ông ta. Người già hay lo cho nhau, ông bạn Cú Muỗi của ông có thể băn khoăn và lo lắng.

Ông quyết định theo những con đường ven biển xuống phía nam và đến gần Maytown, rẽ về hướng tây vào vùng quê thoáng đãng gần như quê ông, có những con đường tách biệt và nhiều thị trấn nhỏ. Con Đường thò đầu ra cửa và vểnh tai lên trong gió.

Thế là, tháng Mười một năm 1981, lấy các dụng cụ xuống lần cuối cùng và một lần nữa, mắc kẹt trong những vòng xoắn của sợi dây, Robert Kincaid quay nhanh sợi thừng to lần nữa và nhằm thẳng tới Iowa, đến những cây cầu ở quận Madison.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.