Một quan điểm về sống đẹp

Chương 01



1. MỘT QUAN NIỆM VỀ NHÂN SINH

Trong những quan niệm sau đây, tôi sẽ trình bày quan điểm của người Trung Hoa về nhân sinh quan và sự vật quan, quan điểm mà các triết gia ưu tú Trung Hoa đã phổ biến trong văn chương của họ. Tôi hoàn toàn nhận định rằng triết lí đó chỉ là một thứ triết lí nhàn tản, nhưng tôi tin rằng quan điểm đó rất đúng và nó làm cảm động được lòng người một xứ này thì cũng làm cảm động được lòng người ở mọi xứ khác, vì trừ màu da ra thì con người, ai cũng như ai. Vậy các thi nhân, học giả Trung Hoa nhờ lương tri, óc thực tế và thi cảm có một quan niệm về nhân sinh ra sao thì tôi sẽ trình bày đúng như vậy. Tôi sẽ rán biểu lộ một phần cái mĩ lệ, cái bi hài, cái lo sợ mà nhân dân Trung Hoa – một dân tộc biết rằng đời người có hạn nhưng cũng biết rằng đời sống là tôn nghiêm – đã cảm thấy trong đời sống sinh hoạt.

Triết gia Trung Hoa lim dim mơ mộng, ngó vạn vật chung quanh một cách âu yếm.
Với một chút mỉa mai nhẹ nhàng, nửa khinh mạn nửa khoan dung, thỉnh thoảng bừng tỉnh dậy rồi thiêm thiếp lại. Mắt nhắm, mắt mở, họ thấy vạn vật và cả chính họ nữa đều là phù phiếm cả; nhưng họ còn có đủ óc thực tế để thích ứng với đời. Họ không có ảo tưởng nên ít khi vỡ mộng, không có cao vọng nên rất ít khi thất vọng. Về phương diện đó, tinh thần họ được giải thoát.

Sau nhiều năm nghiên cứu văn học và triết học Trung Hoa, tôi thấy lí tưởng cao nhất của họ là con người đạt quan, sáng suốt tỉnh ngộ, nhờ vậy tư cách của họ mới được phần cao thượng, mà họ mới có thể tiến trên đường đời với một tinh thần phúng thích ôn hòa, mới có thể tránh được những dụ dỗ của danh lợi mà biết lạc thiên tri mệnh. Cũng nhờ tinh thần đạt quan đó, họ có một ý thức về tự do, biết yêu sự phóng lãng, sự nhàn tản, có cái ngạo cốt và một thái độ lãnh đạm. Phải có cái ý thức về tự do với cái lãnh đạm đó thì chúng ta mới hưởng thú ở đời một cách nhiệt liệt được.

Triết lí của tôi được người phương Tây cho là có giá trị hay không, điều đó tôi không quan tâm tới. Muốn hiểu được đời sống phương Tây, thì phải có cặp mắt, bộ thần kinh, tính tình và thái độ vật chất của người phương Tây. Tôi tin rằng bộ thần kinh của người Mĩ chấp nhận được nhiều cái mà người Trung Hoa không chịu nổi, ngược lại cũng đúng nữa. Trời sinh ra mỗi dân tộc một khác. Nhưng cái gì cũng là tương đối cả. Tôi chắc chắn rằng người Mĩ sống vội vàng, náo động như vậy, nhiều khi cũng ước ao cái thú tuyệt trần được nằm dài trên cỏ mà mơ mộng. Không thế thì sao có kẻ lại la lên như vầy: “Tỉnh dậy đi mà sống chứ” (Wake up and live). Xét cho cùng, họ không đến nỗi xấu lắm đâu. Có lẽ, trong một xã hội mà ai nấy cũng phải làm lụng, thì cái danh từ “thơ thẩn” làm cho họ ngượng đấy thôi; nhưng tôi tin rằng họ thỉnh thoảng cũng muốn dãn bắp thịt ra, lăn trên cát, chân nọ gác chân kia một cách khoan khoái và gối đầu lên cánh tay mà nhìn trời. Vậy thì họ cũng không khác Nhan Hồi là mấy, Nhan Hồi mà chính Khổng Tử khen là có đức hạnh. Thế thì người Mỹ cứ thành thực đi, họ thích cái gì thì tuyên bố thẳng với thế giới rằng thích cái đó, rằng không phải trong khi họ làm việc ở phòng giấy mà chính là trong khi họ nằm dài trên cát, thì tâm hồn họ mới reo lên: “Chà! Đời sống thú vị thật”. Văn hóa một dân tộc là sản phẩm tinh thần của dân tộc đó, lẽ ấy đương nhiên; vì vậy mỗi dân tộc đối với vấn đề nhân sinh có những lối giải quyết khác nhau, hơn nữa có những lối nghiên cứu, có những lối đặt vấn đề khác nhau. Xét về dĩ vãng, chúng ta thấy tinh thần dân tộc Trung Hoa có ưu điểm và khuyết điểm. Dân tộc đó có một nghệ thuật vẻ vang nhưng một khoa học thấp kém, lương tri thì chói lọi mà luận lí thì ấu trĩ, nhàn đàm về nhân sinh thì thú vị mà lại thiếu cái phong độ học giả về triết lí. Người ta thường nhận rằng tinh thần Trung Hoa rất thực tế, thực lợi ; vài người ưa nghệ thuật khen rằng dân tộc Trung Hoa có tinh thần triết lí hơn hoạt động; không vậy thì làm sao chịu đựng được một cuộc sống gay go trong bốn ngàn năm mà không bị chứng huyết áp tiêu diệt, và tồn tại được tới ngày nay. Không dân tộc nào chịu đựng nhiều như vậy. Do đó, có hậu quả này: ở phương Tây, hạng người cuồng nhiều đến nỗi phải nhốt vào các dưỡng trí viện, còn ở Trung Hoa, hạng đó lại quá hiếm và được người ta tôn trọng. Vâng, đúng là dân tộc Trung Hoa có một triết lí nhẹ nhàng, gần như vui vẻ, điều đó chứng thực các khí chất triết quan của họ.

2. MỘT CÔNG THỨC BÁN KHOA HỌC

Triết lí về nhân sinh đó do bốn phần tử dưới đây tạo thành: tinh thần thực tế rất cao, tinh thần lí tưởng hơi thấp, tinh thần hài hước rất phát triển, và thi cảm thì mẫn nhuệ.

Hình như thực tế và lí tưởng là hai động lực mạnh nhất của sự tấn bộ. Hai động lực đó chống đối nhau trong mọi hoạt động của con người, chỉ khi nào chúng hòa hợp nhau một cách thích đáng thì mới thực có sự tấn bộ. Tại những dân tộc kiện toàn nhất, như dân tộc Anh, ta thấy sự hòa hợp đó.

Một lí tưởng mơ hồ mà không suy xét kĩ thì luôn luôn nực cười; tinh thần lí tưởng mà quá mạnh thì có thể nguy hại cho nhân loại, nhân loại sẽ phí sức đeo đuổi những mục đích ảo tưởng. Một dân tộc mà có nhiều kẻ hoài bão ảo tưởng thì cách mạng nổi lên liền liền, y như một cặp vợ chồng tính tình bất định, cứ ba tháng lại thay đổi chỗ ở một lần, vì ở đâu cũng không vừa ý. Cũng may loài người được phú bẩm thêm tính hài hước, mà công dụng theo ý tôi là kiểu chính mộng tưởng, bắt nó phải tiếp xúc với thực tế. Con người cần phải mơ mộng, nhưng cũng cần biết cười những cái mộng của mình. Về phương diện đó, Người Trung Hoa được trời phú cho một trình độ cao.

Tôi cho rằng tính hài hước liên quan mật thiết với tinh thần thực tế. Hài hước có khi là độc ác vì làm cho người ta vỡ mộng, nhưng chính nhờ vậy mà ta khỏi đâm đầu vào bức tường đá của thực tế. Hài hước cũng làm giảm cái nhiệt tâm của người ta, nhưng nhờ vậy mà người ta mới thọ.

Chỉ biết thực tế mà không biết hài hước, tức là loài vật.

Biết mộng tưởng mà không biết hài hước thì là cuồng nhiệt.

Biết thực tế và biết mộng tưởng là có lí tưởng.

Biết thực tế và biết hài hước là có óc bảo thủ.

Biết mộng tưởng lại thêm óc hài hước thì là mộng.

Biết thực tế, biết mộng tưởng, lại biết hài hước là biết mình.

Vậy người khôn ngoan, sáng suốt, biết dùng tinh thần hài hước và thực tế mà điều hòa mơ mộng hoặc lí tưởng của mình. Dưới đây, tôi sẽ dùng những công thức bán khoa học để rán phân tích tính tình của vài dân tộc. Những công thức đó hoàn toàn là của tôi, không thể chứng thực, kiểm soát được. Độc giả muốn phê bình nó, hay thay đổi nó, tùy ý. Tôi chỉ xin chư vị đừng dùng những thống kê hay những đồ biểu để chứng thực những ý kiến của chư vị thôi. Chúng ta gọi tinh thần thực tế là T, tinh thần mơ tưởng là L (lí tưởng), tinh thần hài hước là H, và chúng ta thêm một yếu tố quan trọng nữa: C tức cảm tính. Rồi chúng ta định với nhau rằng số 4 trỏ một mức quá cao, số 3 trỏ một mức cao, số 2 trỏ một mức trung bình, số 1 trỏ một mức thấp và chúng ta sẽ có những công thức bán khoa học dưới đây. Thái độ của con người và dân tộc khác nhau tùy theo thành phần của các yếu tố kể trên, cũng như các chất hóa học Sulfate hay sulfite . Không thể dùng những tiếp vị ngữ ate hay ite để phân biệt những tính tình của các dân tộc được vì không lẽ lại gọi là “tính ate”, “tính ite”, chúng ta đành phải gọi như vầy: 3 viên thực tế, cộng với 2 viên mơ tưởng, 2 viên hài hước, 1 viên cảm tính, thành người Anh. Và ta viết:

—— T3 L2 H2 C1 = người Anh

—— T2 L3 H3 C3 = người Pháp

—— T3 L3 H2 C2 = người Mĩ

—— T3 L4 H1 C2 = người Đức

—— T2 L4 H1 C1 = người Nga

—— T2 L3 H1 C1 = người Nhật

—— T4 L1 H3 C3 = người Trung Hoa

Tôi không biết rõ người Ý, người Ý-Pha-Nho, người Ấn… để đặt một công thức cho họ, và tôi nhận rằng những công thức trên cũng đủ gây những cuộc chỉ trích như bão tố rồi. Tôi tự hứa sẽ tự sửa đổi nó lần lần để tôi dùng, khi nào tôi được biết thêm những sự kiện mới hơn. Hiện nay, những công thức đó là một tài liệu về sự tấn bộ của tôi trong ngành khoa học và về những thiếu sót trong cái ngu của tôi.

Theo tôi, dân tộc Anh xét chung có tinh thần lành mạnh nhất: cái phần T3 L2 của họ ngược hẳn với phần T2 L3 của dân tộc Pháp, nhờ vậy họ có tính cách ổn định. Nhưng tôi cho rằng T3 L2 H3 C2 mới là công thức lí tưởng, vì nhiều mơ tưởng, nhiều cảm tính quá thì không phải là điều tốt. Tôi cho cảm tính của người Anh một con số thấp quá chăng: C1 , nhưng như vậy lỗi tại ai, nếu không phải là tại họ? Làm sao mà biết được họ có bao giờ cảm xúc hay không – chẳng hạn vui vẻ, sung sướng, giận dữ, thỏa mãn – vì lúc nào họ cũng lãnh đạm.

Chúng ta có thể áp dụng công thức trên vài văn nhân, thi sĩ, chẳng hạn các nhà danh tiếng dưới đây:

— — Shakerpeare = T4 L4 H3 C4

—— Heine = T3 L3 H4 C3

—— Shelley = T1 L4 H1 C4

—— Poe = T3 L4 H1 C4

—— Lý Bạch = T1 L3 H2 C4

—— Đỗ Phủ = T3 L2 H2 C4

—— Tô Đông Pha = T3 L2 H4 C3

Tất nhiên nhà nào cảm tính cũng cao hết, nếu không, họ đã không phải là thi sĩ.

Vậy công thức của tôi về tinh thần dân tộc Trung Hoa là:

—– T4 L1 H3 C3

Trước hết chúng ta xét yếu tố C3 , nó trỏ rằng người Trung Hoa mẫn cảm, và đối với nhân sinh có một thái độ nghệ sĩ. Triết gia Trung Hoa nhìn đời y như thi nhân, triết lí của họ giống thơ hơn là giống khoa học, trái hẳn với phương Tây. Nhờ họ cảm mạnh được nỗi vui buồn, sự thăng trầm của đời sống nên ho mới có được một triết lí vui vẻ. Thấy ngày xuân thấm thoát mà người ta cảm được cái bi kịch của nhân sinh; nhìn hoa nở rồi tàn mà người ta động mối thương tâm. Mới đầu người ta buồn rầu, chán ngán rồi sau giác ngộ và mỉm cười tinh ranh như một triết gia lão thành.

Yếu tố T4 trở thành óc thực tế rất cao, có thái độ của một người không bỏ mồi bắt bóng. Người lí tưởng nói “Đời người chỉ là giấc mộng”; người thực tế đáp lại: “Đúng, nhưng xin để cho chúng trong giấc mộng đó tận hưởng lạc thú đi”. Tinh thần đó là tinh thần thực tế của một thi sĩ chứ không phải của một nhà doanh nghiệp, nó không phải là sự lạc quan của một thanh niên ca hát tiến tới sự thành công mà sự lạc quan của một ông già vừa vuốt chòm râu bạc phơ vừa chuyện trò nhỏ nhẹ.

Nhưng tác dụng quan trọng nhất của tinh thần thực tế đó là trừ bỏ tất cả những cái gì không cần thiết cho sự duy trì đời sống. Vì người khôn là người chỉ giữ lại vài ba vấn đề như hưởng lạc thú trong gia đình, hưởng lạc thú ở đời, thưởng thức thiên nhiên và văn hóa, còn bao nhiêu cái phù phiếm khác thì gạt bỏ cả đi.

Ba tôn giáo của Trung Hoa: Khổng, Lão, Phật đều là những hệ thống triết học hoằng đại, nhưng cả ba đều bị lương tri pha loãng đi, và rút cục đều chỉ nhắm giải quyết mỗi vấn đề này là tìm hạnh phúc cho nhân sinh. Một người Trung Hoa mà đã tới tuổi già thì không tin hẳn một ý tưởng nào, một tín ngưỡng nào, một phái triết học nào, không chịu suy nghĩ quá về một vấn đề nào cả. Quí Văn Tử nói rằng mình bao giờ cũng suy nghĩ ba lần rồi mới làm; Khổng Tử nghe vậy bảo một cách hóm hỉnh: “ Hai lần cũng đủ rồi ” (Tái, tư khả hỉ). Một môn đồ bất quá chỉ là một học sinh về triết học, còn một người mới thật sự là một học sinh về nghệ thuật sống, có khi là một vị tôn sư về nghệ thuật sống nữa.

Vậy triết học Trung Hoa có những đặc điểm này: Có tài nhìn đời sống bằng một nhãn quan nghệ thuật, có ý thức trở về một đời sống bình dị, có một lí tưởng vừa phải, cận tình hợp lí. Kết quả là triết lí đó tôn trọng thi sĩ, nông dân và những người phóng lãng, điều đó thật lạ lùng.

3. MỘT LÍ TƯỞNG

Tôi, một đứa con tinh thần của phương Đông và phương Tây, tôi cho rằng loài người quí hơn loài vật ở những điểm này: biết tò mò một cách không vị lợi, có xu hướng tự nhiên tìm hiểu tri thức, có khả năng mộng tưởng, hoài bão một lí tưởng cao, mà cũng có khả năng (rất quan trọng) dùng tinh thần hài hước và tinh thần thực tế mạnh mẽ để kiểm chứng mộng tưởng mà hãm bớt lí tưởng lại. Sau cùng, có khả năng không phản ứng với hoàn cảnh như một cái máy mà biết tính toán, quyết định những phản ứng của mình, cải biến hoàn cảnh theo ý mình. Nói cách khác, con người là một sinh vật tò mò, mơ mộng, hài hước và ngông.

Tôi thấy thế giới ngày nay nghiêm trang quá, cho nên cần có một triết lí sáng suốt và vui vẻ. Nghệ thuật sống của người Trung Hoa đáng được gọi là một “triết lí vui vẻ” , như Nietzsche đã nói. Chỉ một triết lí vui vẻ mới thật là sâu sắc, mà những tư tưởng gia nghiêm trang của phương Tây chưa bắt đầu hiểu được thế nào là đời sống . Theo tôi, nhiệm vụ của họ phải là dạy cho chúng ta nhìn đời một cách phù phiếm hơn, vui vẻ hơn phần đông những nhà kinh doanh, vì nhà kinh doanh nào, tới tuổi năm mươi, có thể nghỉ ngơi được mà không nghỉ ngơi thì tôi cho là không có tinh thần một triết nhân. Đó là một quan điểm căn bản chứ không phải là một lời nói phiếm ngược đời đâu. Chỉ khi nào nhân loại có cái tinh thần vui vẻ nhẹ nhàng đó thì thế giới mới hòa bình, hợp lí được. Người thời nay coi đời là nghiêm trang quá, cho nên thế giới mới xáo động như vậy. Vậy tìm nguồn gốc thái độ triết lí đó nó làm cho ta hưởng được lạc thú ở đời, phát triển được một tính tình yêu hòa bình hơn, hợp lí hơn, bớt cuồng nhiệt đi, không phải là một việc tốn công vô ích.

Tôi cho triết lí đó là triết lí Trung Hoa, chứ không phải triết lí của một phái nào, vì nó vĩ đại hơn cả Khổng giáo, Lão giáo, nó vượt lên trên cả hai phái đó và tất cả các triết gia thời cổ, nó mượn tư tưởng của những nhà đó rồi dung hòa cả lại thành một đại thể, và từ những tư tưởng minh triết trừu tượng của họ, nó tạo nên một nghệ thuật sống mà bất kì ai trong hạng thường nhân cũng có thể hiểu được. Nghiên cứu văn học, nghệ thuật và triết học Trung Hoa rồi tổng hợp lại, tôi càng nhận thấy rõ rằng những môn đó đều khuyên ta nên tỉnh ngộ, đừng mơ mộng hão huyền, cứ hưởng thú ở đời đi, mà lời khuyên đó là đề tài bất biến, đặc biệt nhất, kiên trì nhất trong bất kì môn nào .


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.