Một Thời Để Yêu Và Một Thời Để Chết

CHƯƠNG 26



Du kích!
Steinbrenner thè lưỡi liếm môi và nhìn thấy người Nga. Có hai người đàn ông và hai người đàn bà. Một người đàn bà còn trẻ măng, hai má phinh phình, gò má cao. Họ mới bị bắt sáng nay.
Graber nói:
– Trông không có vẻ quân du kích.
– Họ là quân du kích. Sao anh biết rằng không phải?
– Không có vẻ là du kích. Họ là nông dân thì phải hơn.
Steinbrenner cười:
– Nói như anh thì không bao giờ bắt được đứa giết người.
Graber thấy đại úy Rahe đến nơi, y nghĩ thầm: “Đúng thế. Mày tiêu biểu nhất cho loại người nhắm mắt làm liều”.
Rahe hỏi:
– Bây giờ định làm gì họ?
– Bắt được họ ở đây. Phải giam lại đến khi có lệnh.
– Rắc rối nhiều rồi. Sao không gửi về đồn?
Rahe không đợi trả lời. Đã lâu nay không đóng đồn ở nơi nào nhất định. Giả sử có thể làm được thì bộ tham mưu gửi người đến thẩm vấn và định đoạt.
Steinbrenner vội nói thêm:
– Ở đầu làng có một nhà giàu ngoài xây cái vựa cửa có khóa.
Rahe quay lại. Ông ta đã đoán ra ý của Steinbrenner. Đối với anh này thì người Nga vẫn muốn trốn ra ngoài để rồi rước lấy cái chết.
Rahe bảo Graber:
– Đem tù binh đi. Steinbrenner chỉ cho anh xem cái vựa khóa ở chỗ nào. Xem lại thật có cửa đóng không hay còn lối đi nào khác. Để một người ở đấy canh và trở ra lại cho tôi biết tin. Anh lấy người trong đội của anh. Coi có mình anh trách nhiệm thôi.
Một người tù binh đi khập khiễng. Người đàn bà già bệnh tật, người trẻ tuổi đi chân đất. Ra khỏi làng, Steinbrenner nhát vào lưng một người:
– Thôi đi đi.
Người này kinh ngạc quay lại. Steinbrenner cười ra hiệu thả cho họ đi:
– Tha cho mày, đi đâu thì đi!
Người Nga già nói mấy câu tiếng Nga, người kia không nhúc nhích. Steinbrenner đá y một cái.
– Đi không, con khỉ!
Graber bảo y:
– Thôi kệ họ. Anh không nhớ đại úy bảo gì à?
Steinbrenner thầm thì:
– Mình có thể để bọn chúng chạy, tôi nói mấy thằng đàn ông ấy. Họ chạy độ mươi bước thì ta cho mỗi thằng một phát là yên. Còn đàn bà thì nhốt lại, đêm nay đến kiếm con nhỏ kia.
– Thôi để yên cho họ, anh về đi. Tôi được lệnh chỉ huy.
Steinbrenner đưa mắt thèm muốn nhìn bắp chân người phụ nữ trẻ. Người này mặc váy ngắn hai chân rám nắng và cứng cáp. Y nói:
– Dù sao thì họ cũng bị xử bắn. Mình có thể gỡ tạm con bé kia một đêm. Anh thì anh không cần, anh mới nghỉ phép về.
– Câm miệng đi, hãy nghĩ đến vợ chưa cưới của anh. Đại úy bảo anh chỉ cho xem vựa củi đâu, thế thôi, đừng lắm chuyện.
Họ đi vào lối dẫn đền căn nhà sơn trắng.
– Kia kìa!
Steinbrenner tức giận chỉ cho xem một cái vựa còn nguyên vẹn.
Tường bằng đá, cửa đóng thêm một tấm lưới sắt chắc chắn, đứng ngoài có thể cài lại được.
Y mở cửa dẫn mấy người vào. Hai tân binh tay cầm súng đứng cạnh. Mấy người tù binh bước vào cái vựa chật chội, người nọ đi sau người kia. Graber khóa cửa và thử xem có chắc không. Cửa rất chắc.
Steinbrenner nhạo báng:
– Vào cũi nhé! Coi thật y như đàn khỉ! Ăn chuối không, lũ khỉ kia?
Graber quay lại với mấy người tân binh:
– Các em đứng đây coi. Các em chịu trách nhiệm nếu xảy ra chuyện gì. Rồi sẽ có người đến thay phiên.
Y hỏi mấy người Nga:
– Có ai biết nói tiếng Đức không?
Không ai trả lời.
– Rồi sẽ kiếm cho mấy người ít rơm.
Steinbrenner lại châm biếm:
– Sao không kiếm gối nữa?
– Thôi đi! Còn các em nên cố để ý canh phòng.
 
Graber về nói lại với Rahe và nhận lấy trách nhiệm về nơi giam tù binh.
– Anh trông coi họ với vài người nữa. Trong vài ngày khi nào tình thế sáng sủa, chắc là có người đến lãnh lấy nhiệm vụ ấy cho chúng ta.
– Vâng, đại úy.
– Hai người có đủ không?
– Đủ. Vựa ấy chắc chắn. Tôi có thể đến đây ngủ để canh.
– Đồng ý. Thế càng hay. Tôi đang cần huấn luyện tân binh gấp. Tin tức…
Bỗng Rahe ngừng lại:
– Chắc anh cũng biết rõ như tôi tình hình thế nào rồi. Thôi anh về.
Graber đi kiếm đồ đạc của mình. Y chỉ biết ít người trong đội, Immermann nói:
– Bây giờ anh trở thành người canh tù.
– Tôi thích như thế còn hơn dạy tân binh. Ít ra mình còn ngủ được.
– Tôi có cảm tưởng rằng anh không có thì giờ ngủ đâu. Anh có nghe tin tức không?
– Có. Thối chịu không nổi!
– Quân Nga thấu nhập tứ phía. Chỉ toàn là nói hoẹt, đại tấn công với tiểu tấn công, ở đây là đồng bằng khó mà chống đỡ. Tôi có cảm tưởng rằng chúng mình lại rút lui.
– Anh có cho rằng họ tiến đến biên giới thì thôi?
– Còn anh, anh có nghĩ thế không?
– Không.
– Tôi cũng không. Ai đứng ra mà điều đình.
Hẳn là không phải Tổng tham mưu rồi. Họ không gánh lấy trách nhiệm. Năm 1918, họ đùn việc ấy cho một chính phủ lâm thời cấp tốc thành lập. Mấy anh chính khách tưởng bở đưa đầu ra hứng lấy, ký thỏa ước đình chiến được tám ngày, họ bị lên án phản quốc. Ngày nay thì bại trận cũng toàn diện. Không có đảng chính trị nào để đưa ra điều đình. Graber chua chát:
– Trừ đảng của anh. Anh vẫn thường nói thế. Dù sao thì cũng chỉ là chính phủ độc tài khác, chính sách vẫn y hệt. Thôi tôi ngủ đây. Tôi chỉ cần được để yên cho mình muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Từ ngày tả phái cũng như hữu phái lọt vào tay những người muốn làm tiên tri, thì tội ác tầy trời.
Nói rồi y lại hối hận đã tranh luận vô bổ với Immermann: đối với anh này cũng như đối với Steinbrenner không thể nào có đối thoại được. Y vác bị lên vai và ra xe thực phẩm. Một bát cháo đậu, một miếng bánh mì và một khúc xúc xích. Như vậy khỏi cần trở về làng cho đến sáng hôm sau.
 
Buổi quá trưa yên lặng một cách kỳ dị. Tân binh đã đi khỏi và đã mang rơm đến. Mặt trận vẫn không yên tiếng súng, nhưng suốt ngày không có báo động. Trước vựa củi, cỏ đã mọc tốt um. Tuy có nơi bị dày xéo và hố đạn, nhưng cỏ xanh tốt, từng khóm hoa nở dọc theo lối đi.
Graber khám phá ra phía kia lối đi còn có một tòa nhà có chỗ chưa bị phá, ở đấy có thể canh chừng vựa củi nhốt tù binh. Bước vào xem thì thấy còn vài cuốn sách. Những sách cổ đóng bìa da, gáy thếp vàng, nhưng nắng mưa đã làm hư, chỉ còn một quyển có thể đọc được, Graber không đọc được trang sách viết bằng tiếng Pháp, nhưng có nhiều hình chụp những phong cảnh nên thơ gợi nhớ đến cái buồn êm ái, y như bị thôi miên. Khi gập sách lại y còn thấy lòng nao nao nhớ nhung vô vọng.
Y bước vào lối đi dưới bóng cây và bên bờ hồ, đứng gần tượng một con thú còn đứng trơ trơ với điệu múa yên lặng giữa bụi gai. Con thú đã chỉ gãy mất hai sừng trong hai trận chiến tranh và cuộc cách mạng. Con thú đá cùng một thời với hình ảnh cuốn sách tiếng Pháp, nó đã chứng kiến một thời đại huy hoàng mà Graber chưa từng biết. Y ra đời thời thế chiến thứ nhất, lớn lên trong sự nghèo khổ và đảo lộn kế theo đó; y mới bắt đầu sống thực sự từ lúc có đệ nhị thế chiến. Y đi vòng hồ nước một lượt thì đến gần vựa củi bèn lấy tay thử lại tấm rào sắt. Chắc là trước kia không phải cửa sau vựa, sau này mới xây vào. Có lẽ chủ nhà này đã chết sau hàng rào sắt này.
Người đàn bà nằm ngủ. Người trẻ tuổi ở một góc nhà. Hai người đàn ông đứng nhìn trời. Thấy Graber họ cùng quay lại nhìn. Graber quay đi và ra ngả lưng trên bãi cỏ.
Một đám mây lững thững bay qua bầu trời. Chim ríu rít trong bụi. Một con bướm xanh la cà từ bông hoa này sang bông hoa khác trên hố bom. Một lát sau, con bướm nữa bay lại, hai con đùa giỡn, đuổi theo nhau. Ngoài mặt trận tiếng súng thêm mạnh. Hai con bướm giao nhau cùng bay cao lên trên không ấm áp và sáng lạn. Graber ngủ thiếp đi.
 
Đến tối, một tân binh mang canh lại cho tù binh, vẫn canh buổi trưa còn lại, nhà bếp đổ thêm ít nước. Anh ta đứng đợi ăn xong rồi cầm ga-men đi. Anh ta cũng mang lại cho Graber khẩu phần thuốc. Graber được nhiều hơn thường lệ. Điềm xấu. Khi nào thức ăn ngon và thuốc lá nhiều thì tai nạn lớn chẳng xa gì.
– Trưa nay tụi em phải tập thêm hai giờ. Bò sát đầt – ném lựu đạn – đánh nhau với lưỡi lê.
– Đoàn trưởng biết thế là cần chứ không phải ghét bỏ gì các em mà bắt phải tập tành khó nhọc.
Người tân binh gật đầu. Anh ta còn đứng ngắm nghía mấy người Nga như những con vật kỳ dị. Graber bảo y:
– Họ cũng là người.
– Cũng là người nhưng là người Nga.
– Thì hẳn là người Nga, thế thì sao? Cầm lấy súng, chúng ta đưa từng người đàn bà ra một.
Y quay lại nói qua rào sắt:
– Tất cả sang bên trái. Bà già ra trước, sau đến lượt những người khác.
Người Nga già nói mấy tiếng Nga. Tù binh nghe theo. Anh tân binh đứng cách vài bước, tay cầm súng. Người đàn bà già lại gần. Graber mở cửa cho ra rồi đóng cửa lại. Bà ta khóc chảy nước mắt, vì tưởng rằng bị đem ra bắn. Graber bảo người Nga già:
– Bảo cho bà ta biết rằng không sợ gì cả. Để đi tiểu tiện.
Ông già nói vài tiếng. Bà ta thôi khóc ngay, hai người dẫn bà ta ra một góc tường, đợi trở lại rồi dẫn về. Đến lượt người trẻ. Chị này đi thon thót và dẻo dang. Đến lượt đàn ông thì dễ dàng hơn. Chỉ cần dẫn ra sau nhà và đứng canh. Anh tân binh cẩn thận cầm súng bằng hai tay môi dưới thưỡi ra, mắt đăm đăm nhìn. Rồi anh ta đưa người đàn ông kia vào và đóng cửa.
Trở lại gần Graber, anh tân binh nói:
– Làm công việc này thú vị thật.
– Mỗi người có một cái thích. Thôi em mang đồ về đi.
Nói rồi y đặt súng xuống, đợi người tân binh đi khỏi y lấy thuốc ra đưa cho người Nga già bốn điếu, đánh diêm đưa qua rào sắt cho đốt thuốc, cả bốn người cùng hút. Bốn chấm đỏ trong chỗ mờ tối, thuốc hút vào làm sáng chút mặt người Graber nhìn người đàn bà trẻ, bất thần y nhớ đến vợ lạ lùng.
Người Nga già theo dõi mắt Graber bèn lẩm bẩm:
– Anh… tốt.
Hắn kề mặt gần gióng sắt:
– Đức thua trận. Anh người tốt.
Hắn hạ thấp giọng.
– Im mồm!
– Cho chúng tôi ra… Theo chúng tôi!
Khuôn mặt nhăn nheo quay ra nhìn người đàn bà trẻ và quay lại nhìn Graber.
– Nga đây… Theo Nga… Chúng tôi bảo chỗ trốn… sống với chúng tôi.
Hắn nhắc đi nhắc lại mãi.
Graber lắc đầu và nghĩ thầm: “Như thế không phải là một cách giải quyết. Không được. Nhưng thế nào là một cách giải quyết”.
Người Nga già nhắc lại:
– Sống… đừng chết… đừng làm tù binh… Anh tốt, đừng chết… tốt với chúng tôi… Chúng tôi không có tội…
Graber quay lưng lại. Giản dị quá! Trong ánh sáng mờ ngày tàn này, thật là giản dị! Có lẽ họ vô tội thật. Người họ không có khí giới và họ không có quân du kích. Hai người già thì rõ là vô tội rồi. “Nếu mình thả họ ra mình cũng làm được điều lành, mình đã cứu người vô tội. Nhưng không thể đi theo họ được. Mình không thể đi theo cái gì mình muốn bỏ trốn”. Bây giờ bụi cây đã in hình đen lên trên nền trời. Y trở lại vựa củi. Một điếu thuốc còn cháy ở trong rào sắt. Mặt người Nga già vẫn áp vào gióng sắt và lải nhải:
– Sống, sống với chúng tôi…
Graber lấy mấy điếu thuốc cuối cùng ra đặt vào bàn tay chai cứng người Nga già và cho thêm mấy que diêm.
– Sống… Anh còn trẻ… anh tốt… chúng tôi vô tội… sống, sống… mọi người sống…
Tiếng lải nhải như bài kinh nghe êm ái thâm trầm. Lão ta nói tiếng sống như người lái buôn nói bơ, như cô gái điếm nói tình, nói với giọng khẩn khoản đường mật và quyến rũ bỉ ổi. Bỗng dưng Graber giận sôi ruột.
– Câm ngay miệng. Nếu không, đi tố cáo lão bây giờ!
Y quay lại và rảo cẳng đi. Tiếng súng ở xa mỗi lúc thêm lớn. Sao bắt đầu lấp lánh. Bất thần sự cô đơn đè nặng xuống người, y lại tiếc cảnh màn trời chiếu đất mấy ngày trước. Hình như mình bị bạn bè bỏ mình khi phải quyết định một việc quan trọng.
Y nằm dài ra ổ rơm trong căn nhà nhỏ và cố ngủ một giấc. “Có lẽ họ sẽ tìm cách thoát thân được trước khi mình biết”. Y nghĩ vớ vẩn vậy nhưng biết rằng không có ai giúp thì họ không thể ra được.
Mặt trận có vẻ mỗi giờ mỗi tiến lại gần. Phi cơ bay khuất trên cao rầm rộ đi qua làng. Đã nghe rõ tiếng liên thanh khạc đạn. Rồi đến lượt tiếng ầm ầm bom nổ. Tiếng động dâng lên như nước thủy triều. Y nghĩ hoài: “Nếu có thể trốn được?”. Trở lại vựa củi thì thấy vẫn nguyên như cũ. Mấy người Nga có lẽ ngủ rồi. Nhưng hình như vẫn còn thấy khuôn mặt lão già. Y vội vàng chạy xa.
Đến nửa đêm thì không còn nghi ngờ gì nữa: trận đánh đang ác liệt. Trọng pháo bắn xa lắm, chẳng bao lâu nữa làng sẽ ở trong lằn đạn. Y biết rằng vị trí của mình rất xung yếu. Dù sao y cũng theo dõi sự tiến triển của trận đánh. Chẳng còn bao lâu nữa chiến xa sẽ kéo đến. Bom lửa bây giờ rung chuyển mặt đất, tiếng nổ dội đi dội lại khắp chân trời làm rung động con người thấu xương tủy. Y biết rằng chiến trường dâng lên như thủy triều, chẳng bao lâu sẽ đến chỗ y nằm, tuy nhiên y cũng có cảm tưởng rằng căn nhà trắng mỏng mảnh, bốn người Nga và chính y nữa là trung tâm của chiến trường, vận mệnh tùy thuộc có thế, và chỉ có thế.
Y trở đi trở lại, đến gần vựa củi, sờ mó chiếc chìa khóa trong túi, trở mình qua lại trong ổ rơm, mãi đến sáng mới chợp mắt được chốc lát.
 
Y giật mình tỉnh dậy. Trời u ám, chiến trường vẫn sôi động. Trọng pháo đã rót xuống làng và hậu phương. Y liếc mắt trong vựa củi. Cửa sắt vẫn nguyên vẹn, vẫn nom rõ mấy người Nga. Chợt thấy Steinbrenner hấp tấp chạy lại:
– Rút lui. Quân Nga đã chọc thủng phòng tuyến. Tụ tập tại làng. Mau lên! Tình thế hỗn loạn rồi. Thu xếp đồ mau đi.
Hắn dừng lại gần Graber:
– Còn mấy thằng Nga này phải thanh toán ngay đi.
Graber thấy tim mình đập mạnh.
– Lệnh đâu?
– Lệnh! Trời! Còn đợi lệnh gì nữa! Anh mà biết trong làng bây giờ thế nào thì anh không hỏi đến kỹ lưỡng như thế! Anh có nghe trọng pháo xung kích không?
– Có.
– Thế thì anh biết tình thế rồi. Mau lên! Không lẽ mình còn dắt chúng nó đi theo? Đứng ngoài mà bắn cũng được.
Cặp mắt xanh Steinbrenner sáng quắc. Hàm răng dưới đưa ra nom thật tàn ác. Y đưa súng lên vai.
– Không được. Tôi chịu trách nhiệm. Nếu không có lệnh thì anh cứ việc quay về.
– Được rồi, nếu anh muốn thanh toán lấy thì tôi để phần anh.
– Không.
– Dù sao thì một trong hai ta phải thanh toán. Nếu anh gớm tay thì cứ đi đi, để chúng nó cho tôi.
– Không. Anh không được bắn họ.
– Không được bắn?
Y ngước mắt nhìn Graber:
– Tôi không được bắn chúng nó? Anh có ý thức được lời anh nói không?
– Tôi ý thức được rõ, tôi biết rõ tôi nói gì.
– Tôi, tôi cũng biết anh muốn gì.
Mặt Steinbrenner biến sắc, y lấy súng lục ra. Graber đưa súng lên vai bóp cò. Steinbrenner lảo đảo té xuống với tiếng kêu như con trẻ, khẩu súng lục rời khỏi tay.
Graber nhìn xác Steinbrenner mà thất sắc. Một quả trái pháo rít bay qua làng. Y đến vựa củi lấy chìa khóa mở cửa.
– Đi đi!
Mấy người Nga đứng yên nhìn, không dám động đậy. Graber bỏ khẩu súng xuống đất cho họ yên lòng. Rồi giơ hai bàn tay không ra bảo họ:
– Đi đi!
Người Nga trẻ đặt một chân ra ngoài. Graber đến gần xác Steinbrenner và lẩm bẩm:
– Giết người!
Y cũng khồng hiểu rằng y nói gì. Y nhìn Steinbrenner bằng hai mắt trống rỗng.
Thình lình bao nhiêu ý nghĩ nổi lên. Một hòn đá đã đụng chỗ yếu làm ra trận lở núi.
Y đã có một hành động tối ư hệ trọng không thể gỡ lại được, bây giờ y cảm thấy nhẹ bổng, tự do. Y biết rằng mình phải làm cái gì, nhưng hình như y cũng biết rằng chỉ làm thêm một cử chỉ nhỏ y cũng đủ bay bổng lên không. Ý nghĩ quay lộn trong đầu. Y đi lại vài bước. Phải làm cái gì, cái gì có một tầm quan trọng vô cùng, nhưng y thấy mình chưa đủ sức lực. Y cảm thấy mình yếu quá, mới lạ quá và sáng suốt một cách đau đớn.
Y đưa mắt tìm mấy người Nga. Họ đang khom lưng chạy, đàn bà đi trước. Một người quay lại. Tay hắn có khẩu súng, hắn dừng lại chĩa súng vào Graber. Graber nhìn thấy nòng súng đen thui. Y muốn kêu lên thật lớn, y còn nhiều điều muốn nói…
Y không biết là mình trúng đạn. Bất thần y thấy trước mắt mình hiện ra cỏ xanh, một đóa hoa yêu kiều, cánh hoa thanh tú, nhị ửng hồng, hình ảnh lớn dần, như y đã từng trông thấy một lần không biết từ bao giờ. Cánh hoa nghiêng nghiêng tỏa lớn khắp chân trời, nở ra trong yên lặng, cánh hoa tỏa ra khắp bầu trời cái vũ trụ bình yên tí hon của nó, nó trở thành cả vũ trụ – hai mắt Graber từ từ khép lại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.