Mùa hè khắc nghiệt

Chương 03



Buổi sáng, Thạch lên văn phòng. Ông giám đốc giới thiệu anh với các nhân viên:

– Đây là cậu Thạch, thư ký mới của tôi. Đây là anh Đông lo khâu kỹ thuật. Đây là cô Loan, kế toán. Đây là chị Yến, thủ quỷ. Sáng nay, anh Đông hãy dẫn cậu Thạch đi thăm các phân xưởng để cậu ấy hiểu quy trình sản xuất nước mắm.

Đông chở Thạch bằng xe Honda đến bến cá. Các ghe sơn màu xanh, đỏ đậu san sát ở bến sông. Đông giải thích:

– Các ghe đánh cá ở biển về đậu nơi đây. Họ lựa loại cá lớn đem bán riêng, còn loại cá cơm, cá nục họ đem bán cho các nhà lều làm nước mắm. Nhà lều thì anh biết rồi, bây giờ tôi chở anh đi xem các phân xưởng pha chế nước mắm rồi vào chai.

Qua sự chỉ dẫn của Đông, Thạch mới hiểu: nước mắm nguyên chất từ nhà lều chở đến các phân xưởng được pha chế với công thức riêng, cho hợp với khẩu vị của người dân ở miền Bắc, miền Trung, miền Nam. Nước mắm được vào chai một lít hay vào các can nhựa từ năm đến mười lít. Sau đó, xe tải sẽ chuyên chở nước mắm đi giao cho các đại lý ở các tỉnh.

Buổi chiều. Thạch ở nhà lều, phụ với chú Sáu nhận cá. Những người gánh cá từ bến vào bán. Họ đổ cá vào chiếc sọt lớn để trên cân bàn. Thạch ghi số lượng cá, viết hóa đơn cho họ lên tính tiền ở văn phòng. Sau đó những sọt cá được người vận chuyển đổ vào các thùng làm nước mắm theo chú Sáu hướng dẫn.

– Chào ông!

Thạch ngạc nhiên nhận ra cô gái anh đã gặp hôm mới đến đây.

– Ủa, em đến nhà lều làm gì?

– Em đi giao cá. Ghe anh Hai em mới đánh cá về, em thuê người gánh cá đến đây bán. Ông nhớ cân nới tay nghe!

Chú Sáu từ trong đi ra hỏi:

– Chị Hai đâu mà con đi giao cá vậy?.

Cô gái nói:

– Chị Hai bận ở nhà làm đám giỗ má. Chiều nay mời ba về.

– Chà, lu bu quá, ba cũng quên ngày giỗ của bả.

Thạch trố mắt nhìn hai người. Chú Sáu giới thiệu:

– Đây là Trân, con gái tôi. Còn đây là cậu Thạch…

Trân xua tay:

– Ba khỏi phải giới thiệu. Con biết ông ấy từ khi mới đặt chân đến xứ này.

– Con gọi cậu Thạch bằng anh được rồi. Cậu ấy cùng tuổi với anh Hai con.

– Nhưng ông ấy là người xa lạ, đâu có thân thiết mà con gọi bằng anh.

Thạch cười:

– Được rồi chú Sáu. Cô ấy muốn gọi cháu là gì cũng được.

Rồi anh quay qua nói với Trân:

– Cần phải có thời gian người ta mới thân thiết với nhau. Và cũng cần phải có thời gian người ta mới ”trẻ hóa” từ ông xuống anh, phải không?

Chú Sáu lắc đầu:

– Chẳng hiểu tụi trẻ ngày nay xưng hô với nhau như thế nào nữa?

Trân lấy tay bịt miệng cười khục khục. Thạch nhìn lên bàn cân cá: “38 kg 900”. Anh nới tay ghi tròn 39 kg vì nụ cười ”khục khục” của cô gái nặng 100 gram.

Xóm chài ở sát biển. Những ngôi nhà lợp tôn đã bị xỉn màu vì hơi muối. Chung quanh nhà là những cây dương tàng lá luôn luôn xanh và cho bóng mát. Một vài chiếc ghe đánh cá neo ngoài biển và người ta đi ghe thúng vào bờ.

Ngồi trong nhà chú Sáu, Thạch vẫn nghe được tiếng sóng biển ầm ì. Chú Sáu đang đứng trước tấm ảnh vợ. Tấm ảnh thờ đen trắng, hình một người đàn bà búi tóc, có đôi mắt giống hệt Trân.

Mâm cơm giỗ được bày ra bàn. Có chú Sáu, Hải – con trai của chú Sáu và Thạch.

Hải rót rượu vào ba chiếc ly nhỏ. Thạch nói:

– Anh mời chị và bé Trân lên ăn cơm luôn.

Hải mặc chiếc áo thun đỏ làm nổi bật nước da đen sạm. Anh nói:

– Bà xã tui bận coi một con nhỏ đang nằm nôi và một thằng nhỏ ba tuổi, nó “quậy” lắm. Còn con Trân nó ”quậy” còn hơn thằng nhỏ nữa.

Chú Sáu cười:

– Vợ con bận thì thôi. Con gọi con Trân lên ăn cho vui.

Hải đứng dậy đi xuống nhà dưới, lúc sau anh cùng Trân đi lên. Trân liếc nhìn Thạch nói:

– Nhà có khách, em ngại lắm!

Hải kéo Trân ngồi xuống ghế:

– Mày không ngại chắc mâm cơm này sẽ mất giá trị trong năm phút.

– Anh nói em tham ăn lắm hả?

– Mày không tham ăn, mày chỉ chọn đồ ăn ngon thôi. Vậy chỉ cần năm phút mày làm mất giá trị mâm cơm rồi.

Trân quay qua nhéo Hải:

– May cho anh là nhà có khách.

Chú Sáu cười, cầm ly rượu lên.

– Mời cậu Thạch một ly.

Thạch cụng ly với chú Sáu và cụng ly với Hải. Ba người uống cạn ly. Hải gắp một miếng thịt gà ăn rồi hỏi Thạch:

– Anh thứ mấy để dễ gọi?

– Tôi cũng là con đầu như anh.

– Cha! Vậy cũng là anh Hai nữa. Anh sinh ngày mấy, tháng mấy, năm mấy để dễ tính?

– Tôi sanh ngày 10, tháng 5, năm 1975.

– Cha! Tôi sanh cùng năm, cùng tháng với anh, còn ngày thì là 12. Vậy tôi thua anh đúng hai ngày.

Trân gắp miếng gan gà, chấm muối tiêu chanh, bỏ vào miệng rồi nói với chú Sáu:

– Sanh trước một giờ cũng đủ làm anh rồi phải không ba?

Chú Sáu gật đầu:

– Ừa!

Hải cú đầu Trân:

– Chưa chi mày đã ”đá phản” vô lưới nhà.

Trân vừa xoa đầu vừa hỏi chú Sáu:

– Vậy con gọi ông đây (chỉ Thạch) là anh Hai, còn anh Hai (chỉ Hải) là anh Ba, phải không ba?

Chú Sáu cười:

– Ừa!

Trân cầm ly cụng ly rượu của Thạch:

– Em út xin ra mắt anh Hai.

Hai người uống cạn ly. Hải trợn mắt nhìn Trân:

– Trời! Ly trà đá mà nó dám uống cạn hết trăm phần trăm.

Chú Sáu bật cười rồi hối thúc:

– Thôi, ăn cơm đi. Ba và cậu Thạch còn phải về nhà lều nhận đợt giao cá buổi tối.

Thạch và chú Sáu đi dọc bờ biển về phía nhà lều. Đêm trăng mờ mờ. Biển đen thẫm lấp lánh những ngọn sóng bạc. Những chú còng bỏ chạy tán loạn khi bước chân của hai người đến gần chúng. Gió thổi mạnh khiến tóc của Thạch thổi ngược về phía sau. Anh đi gần chú Sáu, hỏi:

– Thím mất lâu chưa chú?

Chú Sáu quăng điếu thuốc xuống cát, gió thổi tàn lửa bay lả tả rồi tắt ngóm.

– Mười tám năm rồi, bả mất khi vừa sanh con Trân. Bác sĩ phải mổ bà mới cứu được con bé. Bả bị bệnh tim và con Trân cũng bị bệnh đó. Năm rồi nó đang học lớp mười hai, phải vào bệnh viện chữa bệnh tim nửa tháng rồi về nhà nằm dưỡng bệnh hai tháng nên phải bỏ dở năm học. Tôi không muốn nó đi học nữa, suy nghĩ nhiều chỉ làm mệt tim. Nhưng con nhỏ đó tánh “chướng” lắm. Nó nhất quyết đòi đi học lại vào tháng tám tới.

– Trân không thể làm việc nặng nhọc. Vậy em phải học thêm có bằng cấp, mai sau mới tìm được việc làm nhẹ nhàng.

Chú Sáu lắc đầu:

– Tôi nói nó ở nhà giúp vợ thằng Hải bán cá cũng đủ sống. Bán cá đâu có cần học cho cao. Nó nói: Vậy ba thấy không cần cái đầu thì con để cái đầu làm chi cho nặng cổ. Rồi nó đập đầu vào tường, máu chảy tùm lum. Tôi phải chở nó vô bệnh viện khâu mấy mũi trên đầu… Con nhỏ tánh “chướng” ghê lắm! Nó không chịu thua bạn bè. Nghỉ học một năm rồi, đi học lại không biết nó có theo kịp người ta?

Thạch khum tay che gió châm một điếu thuốc rồi nói:

– Nếu chú đồng ý, cháu sẽ dạy kèm cho Trân. Cháu sẽ ôn luyện bài vở để em có thể theo kịp các bạn.

Chú Sáu nắm tay Thạch lắc lắc:

– Vậy thì hay quá! Cám ơn cậu nhiều. Nó đã đau buồn vì thiếu mẹ nên tôi muốn làm mọi chuyện cho nó được vui.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.