Mưa

CHƯƠNG 2



Họ theo đám đông chạy lại một cái xưởng lợp bằng tôn uốn, và mưa đổ xuống như trút nước. Được một lúc ông Đavítxơn lại. Khi ở dưới tàu, mặc dù đối đãi với ông bà Mácphâylơ một cách rất lễ độ, ông ít giao du hơn với bà vợ, chỉ đọc sách. Ông ít nói, gần như lầm lỳ, vì đạo bác ái mà gắng sức tỏ ra vui tính, chứ bản tính ông kín đáo, gắt gỏng là khác nữa. Bộ dạng kỳ dị: rất cao mà gầy, chân lêu nghêu, má hóp, gò má nhô, môi dày, có vẻ da đục, trái hẳn với nước da nhợt nhạt của ông. Tóc để rất dài. Mắt đen, sâu hoắm, trông thấy mà ghê; bàn tay tuyệt đẹp mà có vẻ mạnh mẽ lạ. Đặc biệt nhất là nhìn ông, ta có cảm giác rằng ông cố nén một ngọn lửa bừng bừng trong nội tâm. Cảm giác đó làm cho ta khó chịu. Không thể nào thân mật với con người như vậy được
Ông lại báo tin không may bệnh sởi, một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường làm cho dân Kamaka chết, đương phát ở đảo, và một thủy thủ trên chiếc tàu chạy Apia mà họ sẽ đáp, đã mắc bệnh đó. Người ta đã chở bệnh nhân lên bờ, đợi hết thời gian kiểm dịch; nhưng ở Apia người ta đều đánh điện tới cấm tàu vào bến cho tới khi biết chắc là bệnh không phát ra ở tàu nữa mới thôi.
– Thế là chúng ta phải ở lại đây ít nhất là mười ngày.
Bác sĩ Mácphâylơ bảo:
– Ở Apia người ta cần tôi gấp mà.
– Gấp cũng phải chịu. Nếu dưới tàu không còn người nào mắc bệnh nữa thì tàu mới được phép chở những hành khách da trắng đi, còn những người bản xứ thì phải đợi ba tháng nữa.
Bà Mácphâylơ hỏi:
– Ở đây có khách sạn không?
Ông Đavítxơn mỉm cười:
– Tuyệt nhiên không.
– Thế thì làm sao bây giờ?
– Tôi mới nói với ông thống đốc. Trên bãi biển, một nhà buôn có phòng cho mướn: tôi đề nghị hễ ngớt mưa một chút, chúng ta lại đó xem thử. Đừng hòng có tiện nghi đâu đấy. Miễn có được một cái giường để nằm và một cái mái để che là quý rồi.
Nhưng mưa vẫn chưa muốn ngớt và họ đành khoác áo mưa, che dù, đi đại. Thực ra không phải là một thành phố, chỉ có một dãy công sở, vài cửa hàng, rồi phía sau là ít nhà lá của thổ dân lụp xụp trong đám dừa và chuối. Đi độ năm phút là tới căn nhà họ kiếm. Nhà bằng cây, có hai từng, từng nào cũng có hiên rộng, mái lợp tôn uốn. Chủ nhà là một người lai tên Hơn,vợ là người bản xứ, chung quanh là một bầy con còn nhỏ da ngăm ngăm; họ mở một cửa tiệm ở từng dưới bán đồ hộp và vải. Phòng cho mướn không có đồ đạc gì cả. Phòng của ông bà Mácphâylơ chỉ có mỗi một cái giường tồi tàn, với một cái mùng rách, một cái ghế khập khiễng và một cái bồn rửa mặt. Họ ngó quanh mà ngán ngẫm. Mưa vẫn không ngớt.
Bà Mácphâylơ bảo:
– Em chỉ lấy ra những đồ cần thiết thôi nhé?
Bà đương mở vali thì bà Đavítxơn nhanh nhẹn bước vô, không có vẻ gì buồn bực về cảnh tồi tàn của phòng. Bà ta khuyên:
– Trước hết, bà lấy kim chỉ vá ngay cái mùng lại đi bà ạ; không thì đêm không thể nào nhắm mắt được đâu.
Bác sĩ Mácphâylơ hỏi:
– Muỗi dữ vậy kia à?
– Mùa này là mùa muỗi mà. Tới Apia, trong những buổi tiếp tân của ông thống đốc, ông sẽ nhận thấy rằng người ta đưa cho mỗi bà một cái áo gối để bao chân cho khỏi bị muỗi đốt.
Bà Mácphâylơ thở dài:
– Nếu ngớt mưa cho mình được một lúc nhỉ? Trời có nắng lên, tôi mới vui dọn dẹp lại cái phòng này được chứ.
Đợi cho hết mưa thì còn lâu, Pagô-Pagô là nơi mưa nhiều nhất trên Thái Bình Dương. Cái vịnh này, những đồi kia, đều giữ mưa lại. Đương giữa mày mà.
Bà hết nhìn ông Mácphâylơ tới bà Mácphâylơ, cả hai đều đứng trơ trơ mỗi người một nỗi như kẻ mất hồn, rồi cắn môi suy nghĩ. Cái cặp nhu nhược này thấy họ mà bực mình. Bẩm tính hoạt động, bà Đavítxơn thấy tay ngứa ngáy, phải lăng xăng dọn dẹp lại căn phòng giúp họ.
– Đâu, đưa cho tôi kim chỉ đi. Tôi vá mùng lại cho trong khi bà mở vali lấy đồ. Bữa cơm trưa vào lúc một giờ đấy nhé. Còn bác sĩ thì xuống bến xem người ta có đặt những đồ đạc cồng kềnh của ông vào một chỗ khô ráo không. Ông còn lạ gì dân bản xứ nữa, chúng có thể xếp đại nó ở giữa trời lắm.
Ông Mácphâylơ lại khoác áo mưa xuống thang. Ở cửa, Hơn đang nói chuyện với một người thủy thủ trưởng và một cô hành khách đi hạng nhì mà bác sĩ đã gặp nhiều lần ở dưới tàu. Thủy thủ trưởng nhỏ bé, nhăn nheo, ngả đầu chào ông khi ông đi qua, và nói:
– Cái bệnh sởi thật là tai hại. Bác sĩ đã mướn được phòng rồi?
Mácphâylơ thấy giọng đó hơi sỗ sàng, nhưng vốn rụt rè nên ông không tỏ vẻ bực mình.
– Phải, chúng tôi đã mướn được phòng ở trên lầu.
– Cô Thômsơn cũng phải tới Apia với ông. Nên tôi dắt cô ấy lại đây.
Vừa nói vừa lấy ngón tay chỉ một ả đứng bên cạnh. Khoảng hai mươi bảy tuổi, mập, thô, ả bận áo dài trắng và đội một chiếc nón lớn cũng trắng. Bắp chân mập mạp của ả đeo vớ sợi, lòi ra khỏi đôi giày cổ cao bằng da dê sơn trắng bóng. Ả cười tình với bác sĩ, rồi nói, giọng khàn khàn.
– Thằng tướng này đòi cứa cổ em đấy, cái phòng khốn nạn đó mà đòi đồng rưỡi một ngày.
Người thủy thủ trưởng nói:
– Tôi bảo chú rằng cô ấy là bạn thân của tôi. Cô ấy không thể trả trên một đồng, thôi thì nhận cái giá đó đi.
Chủ tiệm mập mạp, bình tĩnh mỉm cười, ngọt như mía:
– Ông Xoan à, nếu vậy thì tôi ráng làm vui lòng ông. Để tôi bàn với nhà tôi xem, có thể được thì hạ giá một chút.
Cô ả Thômxơn nói:
– Thôi đi, đừng giở trò khỉ ra nữa. Quyết định phắt đi. Tôi trả chú một đồng một ngày đấy, không thêm một trinh.
Mácphâylơ mỉm cười, thấy cô ả trả giá tách bạch như vậy, ông ta phục quá. Ông thuộc vào hạng người không ưa trả giá, thà chịu hớ chứ không muốn cò kè thêm bớt. Chủ tiệm thờ dài.
– Nể lời ông Xoan quá. Vâng, thì tôi nhận.
Cô ả đáp:
– Ừ, biết điều đấy. Thôi vô! Tôi đãi các người một chầu rượu. Có thứ Wisky chính hiệu trong cái xắc này đây. Anh Xoan, đem giùm vô. Bác sĩ nữa, vô cho vui.
– Thôi, cảm ơn. Tôi còn phải đi xem hành lý của tôi ra sao.
Nói xong, Mácphâylơ đi ra đường; mưa ở ngoài biển hất vào, bờ bên kia mù mịt.
Ông ta gặp hai ba người bản xứ bận lava-lava, che cây dù lớn. Họ uyển chuyển, cử động khoan thai, đi đứng ngay ngắn. Khi họ ngang qua ông, họ mỉm cười chào bằng ngôn ngữ của họ.
Tới bữa, ông về tiệm. Bàn ăn đã dọn trong phòng khách, một phòng để trưng chứ không phải ở, buồn tẻ, hôi hám. Chung quanh tường bày những hàng ghế bành ngay ngắn, rất có thứ tự, giữa trần thòng xuống một cây đèn treo mạ vàng, bao giấy lụa vàng để che ruồi. Ông Đavítxơn vắng mặt. Bà Đavítxơn giải thích:
– Nhà tôi lại thăm ông thống đốc, chắc ăn cơm trong dinh.
Một thiếu nữ bản xứ bưng ra một đĩa thịt bò. Ít phút sau, chủ nhân vô phòng soát lại xem còn thiếu cái gì không.
Bác sĩ Mácphâylơ bảo:
– Ông Hơn, ông mời thêm một khách trọ phải không?
– Cô ta chỉ mướn phòng thôi ạ, cơm nước tự lo lấy.
Hơn liếc nhìn hai bà khách vẻ khúm núm:
– Tôi để cô ấy ở tầng dưới, như vậy khỏi sợ phiền đến hai bà.
Bà Mácphâylơ hỏi:
– Có phải cô ta cũng ở tàu lên không?
– Thưa bà vâng, đi hạng nhì ạ. Cô ấy tới Apia để làm chân thu tiền nào đó.
– Vậy à?
Khi chủ nhà ra, Mácphâylơ nói:
– Ăn một mình trong buồng thì chắc buồn lắm.
Bà Đavítxơn hỏi:
– Nếu là một hành khách hạng nhì thì như vậy cũng là chuyện thường. Ai đấy nhỉ?
– Lúc tôi ở dưới nhà, người thủy thủ trưởng dắt cô ta lại. Tên cô ta là Thômxơn.
Bà Đavítxơn hỏi:
– Phải cô ả tối hôm qua khiêu vũ với hắn không?
– Có lẽ. Tôi cũng không biết rõ. Coi bộ cũng hơi đúng.
Bà Đavítxơn nói:
– Đồ hư thân mất nết.
Rồi họ nói qua chuyện khác. Ăn xong, mệt mỏi vì sáng hôm đó dậy sớm, họ chia tay nhau, về phòng riêng nghỉ ngơi.
 
**********
 
Sáng hôm sau, trời vẫn xám, mây vẫn thấp, nhưng không mưa, họ dạo chơi trên con đường lớn mà người Mỹ xây dọc bờ vịnh.
Khi về tới nhà thì ông Đavítxơn cũng vừa mới về, ông bảo:
– Có lẽ chúng ta phải ở lại đây đến nửa tháng. Tôi đã trình bày với ông thống đốc, ông ấy bảo không có cách nào khác.
Bà Đavítxơn ngó chồng, vẻ ái ngại nói:
– Nhà tôi nóng về khu vực để làm việc lắm
Đavítxơn đi đi lại lại trong hiên nói tiếp:
– Chúng tôi vắng mặt một năm rồi; tôi ngại rằng dưới sự chỉ huy của các mục sư bản xứ, giáo hội không còn giữ được kỷ luật nữa. Phải nhận rằng họ tốt, sùng đạo, sợ Chúa, đức tin thành thật của họ có thể làm cho nhiều người tự cho là ngoan đạo ở xứ mình phải thẹn. Nhưng họ thiếu nghị lực một cách thảm hại. Họ chống cự được một lần, hai lần thôi, không thể nào kiên nhẫn hơn được. Dù họ là người đáng tin tới mấy, mà giao cho họ thay mình thì rồi thế nào cũng có chỗ hỏng.
Ông ta nói xong, đứng lại. Thân hình gầy mà cao, cặp mắt sáng ngời trong một gương mặt xanh xao, có vẻ suy nghĩ lắm. Tấm lòng thành thực hiện rõ trong cử chỉ hăng hái, giọng nói trầm trầm, sang sảng.
– Tôi tin rằng bổn phận tôi vạch rõ. Phải hoạt động, hoạt động gấp. Nếu cây mà đã mục rồi thì phải cưa liệng vô lửa.
Tối hôm ấy, họ không ăn cơm mà uống trà và ăn bánh ngọt. Trong phòng khách nghiêm trang, các bà ngồi đan, bác sĩ hút thuốc; còn nhà truyền giáo thì kể cho họ nghe hoạt động của mình trên các đảo.
– Hồi chúng tôi mới tới, thổ dân không có quan niệm về tội lỗi, phạm tất cả những giới luật của thiên chúa mà họ không ngờ. Nhiệm vụ khó khăn nhất của tôi là dạy cho họ hiểu thế nào là điều ác.
Ông bà Mácphâylơ biết rằng ông Đavítxơn đã truyền giáo năm năm ở quần đảo Salamôn trước khi gặp bà ấy. Hồi đó bà truyền giáo ở Trung Hoa. Họ về xứ sở nghỉ phép và gặp nhau ở Boston, trong một cuộc hội nghị các nhà truyền giáo. Họ cưới nhau rồi được phái tới miền này luôn cho tới ngày nay.
Trong khi chuyện trò với ông Đavítxơn, ông bà Mácphâylơ có cảm giác là con người đó bất khuất, can đảm lạ lùng. Vừa truyền giáo, vừa làm y sĩ, ông phải đi tới đảo này, đảo khác bất kỳ lúc nào. Mùa mưa, trong những cơn giông tố, ngồi trong một chiếc thuyền đánh cá voi còn nguy thay, mà người ta thường lái chiếc ca nô lại đón ông đi. Hễ có một người bị tai nạn hay ốm đau, thì không khi nào ông do dự. Trên mười hai lần rồi, ông phải chống cự với sóng gió, ở giữa biển, ban đêm và nhiều lần bà vợ tưởng mình đã thành quả phụ.
Bà ta kể:
– Thỉnh thoảng tôi năn nỉ ông ấy đừng đi hoặc đợi cho bớt sóng gió rồi hãy đi, nhưng vô ích! Nghị lực sắt đá, hễ quyết định thì không có gì ngăn cản được.
Đavítxơn lớn tiếng:
– Làm sao mà tôi có thể bảo thổ dân họ tin Chúa được nếu chính tôi, tôi không làm gương cho họ? Trong cơn nguy mà họ cho gọi tôi thì họ biết rằng thế nào tôi cũng tới, trừ phi là một việc ngoài sức của con người. Thử nghĩ coi, Chúa có thể nào bỏ tôi trong khi tôi làm việc cho Ngài? Ngài mà ra lệnh thì gió sẽ dậy, sóng sẽ gầm.
Mácphâylơ vốn nhút nhát. Không thể nào ông ta quen được tiếng đạn vèo vèo trên miệng hầm; và khi ở tiền tuyến, có lần ông gắng tự chủ cho tay khỏi run; đến nỗi mồ hôi chảy ròng ròng trên trán, làm mờ cả cặp kiếng. Cho nên nhìn nhà truyền giáo, ông hơi rùng mình, bảo:
– Tôi ước sao có thể nói rằng không hề biết sợ một cái gì.
Đavítxơn bẻ ngay:
– Tôi ước sao ông có thể nói rằng ông tin Chúa.
Tới đó, ông ta nhớ lại những buổi đầu tiên hai vợ chồng sống ở quần đảo.
– Đôi khi vợ chồng tôi ngó nhau mà nước mắt ròng ròng trên má! Là việc không ngừng suốt ngày đêm mà cơ hồ không có kết quả. Không có nhà tôi không biết tôi đã ra sao. Khi tôi mềm lòng, chán nản, nhà tôi làm cho tôi can đảm lại, tin tưởng lại.
Bà Đavítxơn e lệ cúi mặt xuống, cặp má hốc hác bỗng ửng lên một chút. Tay bà run run. Không nói năng gì cả.
– Không có ai giúp chúng tôi cả. Cô độc trong cảnh tối tăm, cách cả ngàn cây số mới có người đồng hương. Mỗi lần thấy tôi tuyệt vọng, thì nhà tôi ngưng may vá, mở Thánh Kinh ra đọc cho tới khi nào sự bình tĩnh trở lại tâm hồn của tôi như giấc ngủ trở lại cặp mi em bé thì mới thôi, lúc đó gấp kinh lại, nhà tôi bảo: “Dù họ không muốn thì ta cũng cứ cứu họ”. Và mạnh mẽ tin trở lại ở Chúa, tôi đáp: “Phải nhờ Chúa Phò hộ, anh phải cứu họ, anh phải cứu họ”.
Ông ta lại đứng bên cạnh bàn như đứng trước một cái thánh giá đặt kính.
– Bản chất của họ bết quá rồi, đến nỗi không thể nào giảng cho họ thấy cái xấu của họ được. Những hành động mà họ cho là tự nhiên thì chúng tôi phải biến đổi thành tội lỗi; chẳng những sự gian dâm, nói dối, ăn cắp, mà ngay như sự lõa lồ, thói khiêu vũ, không lại nhà thờ, cũng là tội lỗi. Tôi đặt ra cái luật rằng đàn bà mà để hở ngực, đàn ông mà không mặc quần là có tội.
Bác sĩ Mácphâylơ ngạc nhiên hỏi:
– Làm cách nào vậy?
– Dùng cách phạt tiền. Tất nhiên chỉ mỗi một cách làm cho người ta hiểu rằng một hành động nào đó là có tội lỗi là phạt nếu họ làm hành động đó. Vậy tôi phạt tiền nếu họ không tới nhà thờ, nếu họ khiêu vũ hoặc ăn bận không đứng đắn. Tôi đặt ra một tà-ríp; tội nào cũng phải chuộc bằng tiền hay bằng công. Rốt cuộc họ hiểu.
– Có khi nào họ không chịu nộp phạt không?
– Làm sao có thể như vậy được?
Bà Đavítxơn mắm đuôi môi, tiếp lời chồng:
– Dám chống cự ông Đavítxơn thì phải là gan cóc tía.
Bác sĩ ngó ông bạn, vẻ suy nghĩ. Tuy thấy chướng tai mà còn do dự chưa dám chỉ trích.
– Ông đừng quên là tới nước cùng, tôi có thể đuổi họ ra khỏi giáo đường nhé!
– Họ sợ hình phạt đó à?
Ông Đavítxơn xoa tay nhè nhẹ, mỉm cười:
– Vô phương bán dừa, và đi chài về hết chia phần. Gần chắc chắn là chết đói. Họ sợ lắm chứ!
Bà Đavítxơn góp ý:
– Sao mình không kể chuyện Phrết Ôtxơn cho ông bà nghe?
Nhà truyền giáo nhìn bác sĩ bằng cặp mắt nẩy lửa:
– Phrết Ôtxơn là một con buôn Đan Mạch lập nghiệp ở đảo từ lâu. Nhờ buôn bán, hắn khá giàu và thấy chúng tôi tới, hắn không vui. Hắn quen làm mưa làm gió, mua dừa của thổ dân muốn trả sao thì trả, có khi trả bằng hàng hóa, có khi trả bằng rượu Wisky. Vợ hắn là người bản xứ, mà hắn công nhiên lừa vợ. Lại thêm cái tật say sưa. Tôi cho hắn cơ hội sửa tính, nhưng hắn không nghe lại còn cười nhạo tôi nữa.
Khi nói những lời cuối cùng đó, giọng Đavítxơn trầm hẳn xuống, rồi ông ta ngừng một hai phút. Người ta đoán có cái gì kinh khủng sắp xảy ra.
– Trong hai năm, hoàn toàn phá sản, công lao cắp nhặt trong một phần tư thế kỷ tiêu tan hết. Bị áp đảo, sau cùng hắn phải lại tôi, thảm hại như một tên hành khất, năn nỉ tôi cho hắn giấy tàu về xứ ở Xítnây.
Bà Đavítxơn nói:
– Phải thấy cái bộ mặt của hắn lúc đó! Xưa kia khỏe mạnh đẹp đẽ, bệ vệ, dõng dạc, bây giờ nhận không ra nữa, tay chân run lẩy bẩy. Hắn đã hóa thành một ông già mau quá!
Đavítxơn chăm chú ngó trong bóng tối. Mưa lại đổ. Bỗng có tiếng ở nhà dưới đưa lên, ông ta quay lại nhìn vợ, như cố ý hỏi: “Cái gì vậy?”. Một chiếc máy hát phát ra một điệu ồn ào, như nghẹt mũi, chướng tai.
Ông ta hỏi:
– Cái gì vậy?
Bà vợ sửa lại cặp kính kẹp mũi.
– Có một cô hành khách hạng nhì mướn phòng ở dưới nhà. Có lẽ tiếng hát ở phòng đó phát ra.
Họ yên lặng. Rồi tiếng người khiêu vũ. Rồi âm nhạc ngưng bặt, tiếng nút chai nổ lốp bốp, trong khi tiếng cười nói vang lên.
Bác sĩ Mácphâylơ bảo:
– Chắc cô ta đãi tiệc từ biệt bạn bè dưới tàu. Tàu nửa đêm nhổ neo thì phải?
Ông Đavítxơn làm thinh. Rồi ngó đồng hồ hỏi vợ:
– Mình về phòng chứ?
Bà ta đứng dậy, gấp đồ đan lại, đáp:
– Vâng, về.
Bác sĩ hỏi:
– Giờ này mà đi ngủ, e sớm chăng?
Bà Đavítxơn đáp:
– Chúng tôi còn phải đọc kinh. Bất kỳ ở đâu, chúng tôi cũng phải đọc một chương Thánh Kinh trước khi đi nằm, đọc hết những lời chú giải nữa ông ạ, rồi lại bình luận với nhau cho thấu nghĩa. Một cách luyện tinh thần rất kiến hiệu.
Hai cặp vợ chồng đó chia tay nhau. Ở lại trong phòng, vợ chồng bác sĩ ngồi im một lát, rồi chồng bảo vợ:
– Anh muốn đi kiếm cỗ bài đánh chơi một ván.
Bà vợ chăm chú ngó chồng, do dự. Câu chuyện của gia đình nhà truyền giáo làm cho bà không được yên lòng; bà không dám thú với chồng rằng bà ngại họ trở lại lắm, thấy mình đánh bài sẽ coi mình ra sao. Ông chồng trở về với cỗ bài, bà nhìn ông chơi một mình mà nơm nớp sợ. Ở nhà dưới, cuộc chè chén say sưa vẫn tiếp tục.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.