Nam Cao Tuyển Tập

MUA DANH



Nhà Bịch được một sào trầu tốt. Cái tin ấy đồn đi. Dân làng kháo nhau rằng hắn có tiền. Mà có tiền là phải. Chỉ tính ra cũng biết. Trầu làng năm nay chết rất nhiều. Do trận bão vừa qua. Có những cái nát như tương; chẳng khác gì có người giật đổ xuống rồi lấy chân mà dận; người ta dỡ róng trúc, cắt gốc đi, rồi trồng thế vào đấy vài trăm con rau diếp; gỡ được đồng nào hay đồng ấy. Có những cái khác được dựng lên; nhưng dựng lên thì cũng chết, bởi gió đã lay dữ quá, làm đứt rễ. Những cái còn sống sót không có lá: lá cũ bị vò tan; lá mới gặp vụ rét này không ra được; có ra được thì cũng chột. Cái trầu của Bịch không thế. Âu cũng là trời thương riêng hắn. Năm nay, giá hắn không được cái trầu thì chết đói. Vườn chưa được ba sào. Nhà với sân đã chiếm ngót một sào. Chỉ còn hơn một sào trồng trọt. Nhà những sáu miệng ăn: hai vợ chồng với bốn đứa con. Bốn đứa lau nhau, cũng chưa làm gì được cả. Sợi vé không có, khung cửi để ba, bốn gia đình nhện đến chăng tơ.

Vợ đi làm cỏ thuê mỗi ngày được hai hào; mỗi tháng cũng làm được độ mươi ngày. Những ngày không có ai thuê, thị mua buôn đọt lá, mấy cái hoa chuối, hoặc bó mía cẳng gà đem mãi sang chợ Phương Yên bán. Phát tài ra thì phiên được một hào. Thường thường được dăm ba xu, hoặc không đến năm xu. Cũng có ngày lỗ tiền đò.

Chồng làm nghề xúc dậm. Đêm nào hắn cũng đi từ chập tối. Rét đến đâu cũng mặc, hắn chỉ bịt một cái khố rách bươm, cái áo luội thuội cuốn lên gần đến nách, lội bì bõm ở ven sông, đập sùng sũng, cứ lần mò như một con ma, đi từ quãng sông làng lên đến cống Lư, rồi lại quay trở lại, đi từ cống Lư về đến quãng sông làng. Ấy thế là vừa đúng sáng. Đêm nào cũng như đêm nào. Như vậy, hơn bù kém, mỗi đêm hắn kiếm được vài hào chỉ. Kể thì cũng không là ít. Nhưng chết cái gạo năm nay kém quá. Thêm một nỗi: ít lâu nay tôm tép hiếm. Cái lúc trời bắt tội khó làm ăn, hình như chúng cũng ít đi. Đã phải mấy đêm, hắn chẳng xúc được gì. Cả vợ lẫn chồng, mặt lúc nào cũng nhăn nhó như mặt khỉ. Rồi lại bão. Hắn đã chắc là chết đói. Nhưng cái may cũng như cái rủi, nó đến nhà ta như một thằng kẻ trộm; giữa lúc ta không ngờ nhất. Cái lúc hắn tưởng là hắn chết thì lại chính là lúc hắn bắt đầu lên lưng. Do cái trầu.

Cái vườn trầu nhà Bịch, thật là trời cho hắn. Nó tốt đâu mà tốt lạ lùng. Bão cũng có làm dập lá ít nhiều. Nhưng lớp lá ấy hái đi, nó lại nẩy luôn lớp mới, còn tốt hơn lớp cũ. Cành chi chít, cành nọ giằng với cành kia. Lá chồng chất tầng dưới tầng trên, xây lại với nhau thật chặt, tràn cả lên bên trên miệng cặp, đầy lù lù như một mâm xôi. Mà chẳng lột lá nào. Chúng xanh đều, rất mỡ màng, đẹp như một mái tóc được bôi dầu, vuốt sáp. Ấy là một cái trầu dư sức, hái bao nhiêu cũng không sợ cụt. Trầu năm nay lại đắt: mới tháng mười mà những cái xấu rẻo cùn rẻo cụt, đã bán nổi mỗi trăm tám, chín hào hoặc một đồng. Cái của Bịch chẳng lứa nào chịu thế. Vợ hắn vẫn bán mỗi trăm đồng rưỡi, đồng sáu, với hơn thế nữa; có trăm hai đồng. Trầu còn đắt từ giờ đến cuối năm, đắt sang cả giêng, hai. Vậy thì Bịch phất bạc trăm là thường. Người ta bàn tán với nhau như vậy.

Một hôm, ông cựu Túy là họ xa với Bịch, cho tìm Bịch đến…

Nhà anh được một sào trầu tốt lắm phải không?

Bẩm ông, cũng gọi là tốt đấy thôi, chứ so với trầu của người ta thì chẳng nước gì.

Chào! Anh kín của vừa vừa chứ! Chửa nước gì thì anh cũng đã bòn được ba trăm.

Bẩm ông, không được ạ

Không được ạ? Giấu ai chứ giấu tôi sao nổi. Tôi thì bảo thật: bây giờ trong nhà anh ít ra cũng có vài trăm bạc. Không có thế cứ cổ tôi mà chặt.

Bịch chưa biết đáp sao thì ông lại bảo:

Ấy là tôi nói thế…Dẫu anh có bạc nghìn, cũng mặc anh. Tôi chả thèm vay đâu mà phải chối đây đẩy mãi. Anh sợ tôi vay anh, hở?

Bịch vội cãi:

– Bẩm ông, ông dậy thế thật…

Hắn định nói: “…thật oan con quá”. Nhưng hắn chưa kịp nói. Ông nói lấp:

Tôi tưởng anh có tiền, thì tôi thu xếp cho anh ra mà làm hương trưởng.

Thôi! Thôi! Thôi! Con lạy ông! Nhà con không có đất.

Hắn lắc đầu hăng hái quá đến nỗi ông sinh ngượng. Ông nói gắt:

Thì cứ để bạc mà đem chôn! Mẹ kiếp! Có tiền có của, làm người đàn anh không muốn, cứ muốn đứa khác nó cưỡi lên đầu, lên cổ. Ngu như bò!

Ông đứng hẳn lên, làm như muốn chạy ra ngoài, không thèm nói nữa. Ấy là ông giận quá. Mặt ông phình ra và đỏ bừng như bao nhiêu máu đã lộn lên hết. Bịch vừa sợ, vừa thẹn, cắm mặt nhìn xuống đất. Ông cựu thoáng nhìn thấy, nghĩ thầm: thằng này dễ bảo; cứ liệu nói vài câu nữa là phải được. Và ông giở cái trò nhân nghĩa…

Tôi tưởng anh là cái chỗ con cháu trong nhà, nên muốn dắt díu anh một tí; còn tôi đây, thế nào cũng còn dễ hơn là phải nhờ người khác. Nhưng cái dễ anh không muốn, anh lại muốn đi tìm cái khó, thì tùy ý. Sau này tôi chết đi, anh muốn ra góp mặt với người ta một chút, phải nhờ đến người khác rồi mới biết. Anh đừng tưởng có tiền thì lúc nào làm cũng được. Tôi cho lại không van ông lạy bà chán! Bấy giờ mới tiếc…

Cái ấy thì cũng có. Bịch thấy người ta lo được chút danh vị thật là chật vật. Nào tiền chồng quỹ. Nào chè lá đi nói với các ông kỳ cựu trong làng: từ hàng phó lý cựu trở lên, chẳng ông nào là có thể bỏ qua; ông một vài đồng, ông dăm ba đồng; cũng có ông phải đưa chục bạc; riêng cụ chỉ phải hai chục là ít nhất. Rồi lại còn phải một bữa rượu khao: gạo lợn năm nay, không có năm trăm bạc đừng nói chuyện. Năm trăm bạc, nguyên bữa rượu. Vậy tất cả chẳng đến ngót một nghìn đấy ư? Ngót một nghìn đồng bạc, eo mẹ ơi!… Hắn lại thấy hắn có đủ can đảm để mà từ chối. Hắn xun xoe bảo:

Bẩm ông, ông có bụng thương, thật phúc cho nhà chúng con lắm. Giá con lo được, để ông che đỡ cho thì còn gì bằng nữa.

Phải, các anh cũng là con, là cháu.

Bẩm vâng, nhưng thật cảnh con còn bấn quá. Ông lại gắt:

Ai chả biết! Nhưng bấn thì phải cố chứ! Cứ đợi thừa tiền rồi mới làm thì một đời anh cũng không làm nên công trạng gì.

Nhưng bẩm ông, cái cảnh nhà chúng con thì cố cũng không được. Chỉ không bới đâu ra tiền.

Không bới đâu ra tiền! Hừ!… Thôi được! Cứ để tiền mà chôn. Mẹ kiếp! Lại có thứ người ngu như vậy. Bảo bỏ tiền ra làm hương trưởng thì kêu không có đấy, thế mà mai kia nó có đến bắt phu, thì lại có tiền xì ran gay. Muốn ăn gio thì cứ để cho mà ăn gio!

Ông cụ quát chán, bước phắt ra ngoài hè. Bịch nghe tiếng giày ông lệt sệt rất mau ra đầu chái. Một lúc sau, ông lại lệt sệt đi trở về. Nhưng ông không vào nhà nữa. Ông làm như quên hẳn Bịch. Ông bước xuống sân. Ông gọi con để hỏi xem cái ruộng đã cày chưa. Ông mắng đứa ở để mía um tùm thế mà chưa buồn bóc. Ông ngồi xuống, uốn nắn mấy cây cảnh trồng trước cửa… Bịch đứng bần thần một lúc, rồi rón rén bước ra. Hắn lại đứng bần thần ở sau lưng ông một lúc nữa. Ông vẫn loay hoay với những cây sung, cây si. Hắn chào ông rất khẽ. Ông không quay lại, đáp hai tiếng “không dám” thật to và kéo dài ra. Hắn lủi thủi ra về, lòng vừa buồn vừa lo…

Mấy hôm sau, làng lại nhốn nháo lên về việc bắt phu. Người ta đồn rằng: lớp này bắt những tám mươi người đàn ông với bốn chục đàn bà. Bịch tự hỏi: không biết họ bắt làm gì lắm thế?… Thật ra thì chỉ là một khóe làm tiền của bọn hương lý. Họ thấy bở nên đào mãi. Cũng có người đoán thế. Nhưng chết một nỗi; có giấy quan sức hay không, họ chỉ biết mà thôi. Dân làng không ai biết chắc là có hay không có. Thành thử người ta đành chịu ức. Những người chẳng may bị tóm, bỏ tiền ra đút lót. Những người khác trốn như chạch cả.

Bịch lấy làm khó nghĩ. Trốn cũng rầy rà, không trốn cũng rầy. Trốn thì đêm hôm, nhà cửa để cho ai? Khổ một nỗi ai cũng tưởng hắn nhiều tiền lắm. Mà không trốn thì chắc là bị bắt; lại vài chục bạc chuộc. Đằng nào cũng chết. Mà đã chắc gì vài chục bạc mà xong? Này, chúng nó đang thù, chúng nó lại biết mình non, mà lại cứ nhất định rằng mình được trầu được cau, nhà bây giờ bạc trăm lúc nào cũng có. Ngộ chúng nó cứ khăng khăng đòi giải, không bằng lòng cho chuộc thì sao?

Mẹ kiếp! Lại chực bắt bí nhau…Chúng nó làm già thì mình cũng làm già! Mình chẳng thí cho một đồng xu dính dỉ, mình cứ đi phu, xem sao nào!

Bịch bàn như vậy. Nhưng vợ hắn lắc đầu quày quạy:

– Thôi! Thôi! Thôi! Thôi!…. Đừng đâm ba chày củ ra!…

Không thể liều. Hắn liều được, nhưng thị không liều được. Thị bây giờ những bốn đứa con thơ. Hắn đi rồi, thị không làm gì nuôi chúng được. Ở làng này, khó lắm. Không có người đàn ông ở nhà, làm được một miếng, chúng nó cũng chẳng để cho mà ăn đâu…Thế làm sao bây giờ?

– Muốn làm sao thì làm. Nhưng bố nó mà đi thì mẹ con tôi cũng phải bỏ làng mà đi nốt.

Bịch cũng chẳng còn biết nghĩ ra sao nữa. Hắn ngồi bó củi, cằm ghếch lên đầu gối. Mặt hắn thườn ra, vừa tức tối vừa chán nản. Một chút nước mắt chảy vòng quanh. Hắn thấy tất cả nỗi khổ cực của một người lép vế trong thôn xã. Đầu hắn gần như là buốt nhức. Có cái gì ở bên trong rậm rựt, ngùn ngụt như muốn nổ tung ra ngoài. Nhưng cái ấy không nổ được. Nó theo nước mắt mà rỉ ra dần dần. Bịch chép miệng bảo:

Biết vậy thì hôm nọ nghe ông cựu, làm hương trưởng đi cho rồi.

Ấy thế!

Khốn nỗi sáu, bảy trăm đồng bạc một lúc, chưa bán ông Hà bá cho ai được.

Làm quái gì hết sáu, bảy trăm?

Chứ lại không sáu, bảy trăm à? Này nhé!

Hắn ngồi tính rành mạch từng khoản một. Vợ hắn lắc đầu mà bảo:

Không làm gì có thế? Hôm nọ ông cựu cũng có bảo tôi. Ông ấy bảo: bây giờ dân đang cần tiền vào đám, ai muốn làm chỉ phải chồng quỹ rồi nộp thêm cho đám bảy chục, chiết can bữa rượu; như vậy chẳng còn phải khao khiếc gì.

Dở lắm! Không khao thì ai biết mình làm hương trưởng?

Sao người ta chả biết? Mình không khao, mà đã phải nộp tiền thì cũng như khao. Việc dân ở trong tay các ông ấy, chứ còn ở tay ai. Các ông ấy biết cho mình, là cả làng phải biết. Đứa nào dám nói không biết, người ta vả vào mặt ấy.

Bịch ngẫm nghĩ. Hắn thở dài ba, bốn cái. Rồi hắn hỏi vợ:

Hay là ta lại vào nhà ông cựu hỏi xem sao. Liệu có nhè nhẹ thì ta cố lo một chút.

Ừ, thì bố nó thử vào hỏi xem.

Có như vậy thật. Ông cựu bảo: từ cổ chí kim, chưa có bao giờ chức hương trưởng làng này lại rẻ như thế ấy; ai không làm cũng dại…Và ông bằng lòng nhận khoán Bịch một trăm tất cả. Ba mươi đồng quỹ, với bảy mươi đồng chiết can bữa rượu. Còn việc tạ chỗ này, chỗ khác, ông nói miệng với người ta là đủ. Ông đã nhận đứng ra giúp Bịch, chẳng cụ nào nỡ đòi ăn chè của ông…Sự thể là thế đấy. Cứ có một trăm đồng bạc là xong tất. Bịch chỉ việc ngồi nhà, chẳng cần phải đi nói với ông nào nửa tiếng. Đã có ông đi nói hộ. Cái chỗ quan viên với nhau, người ta nói với nhau nó dễ. Vậy thì Bịch muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Liệu có thể thu xếp mà lo được thì nên lo…

Cố nhiên là Bịch lo. Bây giờ tuy chưa đủ cả, nhưng cũng chẳng còn thiếu mấy. Thiếu tí chút, thì vay tạm vậy. Nhờ có cái trầu, bây giờ chẳng thiếu gì người dám bỏ tiền cho hắn vay.

Ông cựu nhận lấy một trăm đồng bạc. Bịch chỉ việc ngồi nhà thật. Mọi sự đã có ông cáng đáng. Ông cáng đáng như thế này: Ông bỏ ra mười đồng sung vào quỹ của làng. Lệ ấy có ghi trong hương ước. Nhưng hương ước chỉ là một quyển thần chú để mấy ông kỳ mục hô tiền. Nó được giấu kín trong tủ nhà hội đồng. Bịch làm gì biết được. Thấy ông cựu bảo phải chồng quỹ ba chục bạc thì hắn cũng tưởng ba chục bạc….Xong món tiền sung quỹ rồi, ông đưa thêm năm chục đồng để các cụ chia nhau. Trong số bảy chục tiền làm rượu, ông dắt mối được xơi hai chục. Các cụ đã giao ước nhau như vậy. Thế là ông cựu được tất cả vừa bốn chục. Bịch đâu biết đến cái chỗ ngoắt ngoéo ấy. Hắn thấy công việc xong xuôi thì mừng rỡ lắm. Vẻ mừng rỡ hiện ra tận mắt, ngày vào đám, hắn được cầm cái roi đứng trước cửa nhà thâu dẹp trẻ. Trông ra phết ông hương mới lắm! Nhưng bỗng hắn nghe thấy mẩu chuyện sau này trong đám người đứng xem chèo:

Ái chà! Đứa nào cầm roi đứng trên kia?

Hương Bịch đấy.

Bịch đi xúc dậm ấy à? Ai khiến nó…

Đừng nói láo! Ông hương đấy!

Hương cái con khỉ! Chưa làm rượu đã vác mặt ra đình! Bộ thằng tớ có chào nó là ông Hương.

Mặt Bịch đột nhiên đỏ gay lên. Hai tai hắn trông như hai cục tiết. Hắn không dám giơ nhăm nhăm cây roi nữa. Hắn đứng ngây người, mặt nhăn nhó nhìn chân trời qua bên trên đầu những người đứng xem. Trẻ con lợi dụng lúc ấy lấn bừa vào….Cụ tiên chỉ sang sảng quát:

Hương mới đâu? Chèo cho các cụ xem hay trẻ con xem thế này? Anh dẹp đám thế à? Muốn cách không? Ái chà!….

Tiểu thuyết thứ Bảy.

Số 464, ngày 5-6-1943


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.