Nam Cao Tuyển Tập

TRẦN CỪ



Người đại đội trưởng da ngăm ngăm đen ấy, có đôi mắt sắc và nụ cười rất yêu đời. Anh dễ cười đùa.

Cũng như anh dễ giơ tay xin nhận lấy những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm một cách tự nhiên, giản dị.

Anh thường bảo.

“Khó đến đâu, người cộng sản cũng tin rằng mình làm được. Và làm cha kỳ được.”

Mỗi lần trao nhiệm vụ cho anh, cấp trên rất vững tâm. Anh tin chắc ở đơn vị của anh. Anh tin chắc ở chính anh. Những phương tiện cho anh có thể đến mức nào, anh không đòi hỏi quá. hội nghị phổ biến kế hoạch đánh Đông Khê đi ra, một người bạn vỗ vai anh, khẽ bảo: – Phen này gay lắm đấy! Chắc chắn là phải hy sinh lớn. Tao sợ mày ngoẻo mất.

Cừ cười.

– Ngoẻo thì ngoẻo, cần gì? Chúng mình không sợ chết vì nhiệm vụ. Chỉ sợ không làm tròn nhiệm vụ.

Một chút băn khoăn thoáng qua đôi mắt sắc. Anh lượng biết tất cả những khó khăn của trận này. Công sự địch tăng cường. Lực lượng địch tăng cường. So với trận Đông Khê trước, khó gấp trăm, mà cũng do trận Đông Khê trước, địch phòng bị ngày đêm, không xao nhãng một phút nào. Chúng có giữ đến cùng. Ta nhất định phải diệt cho bằng được, không có quyền được rút…

Nhưng mắt Cừ trong trẻo, bình tĩnh lại ngay. Anh ngẩng mặt, nhìn xa, miệng nở cười…

Tớ có ngoẻo cũng nhất định ngoẻo ở trong đồn, không chịu ngoẻo ở vòng ngoài. Ngoẻo cũng phải làm xong nhiệm vụ rồi mới ngoẻo.

Chiều 15, trước khi từ bàn đạp ra trận địa, Cừ nói trước đội tiêm đao:

… Nếu không xong nhiệm vụ tôi quyết không còn làm đội trưởng đội tiêm đao, mà các anh cũng không xứng đáng là đội viên đội tiêm đao nữa.

Đoàn xung kích đi bố trí, tập công kiên luôn mấy tháng nay rồi. Anh nào cũng mong được đi đánh thật một trận để kiểm tra xem kỹ thuật của mình đã tiến đến mức nào. Lúc thử đã đến đây! Mỗi người thấy náo nức trong lòng nhưng đồng thời cũng thấy một chút gì như hồi hộp nữa. Trận đầu… Trận quy mô lớn đầu tiên từ khi vào bộ đội đến nay… Phải tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch mới thôi… Nếu không giải quyết nhanh được, có thể trận đánh sẽ kéo dài, sẽ thêm nhiều cái khó khăn… Địch có thể tiếp viện rất nhanh, chúng nó sẽ nhảy dù ngay trên lưng mình. Chắc chắn là máy bay của chúng sẽ quần khỏe lắm, bắn và trút bom dữ lắm… Ta đã có những cách đối phó sẵn sàng. Nhưng vẫn có thể có nhiều cái mới không thể lường trước được. Phải đánh rồi mới biết!… Những vừng trán dầu dãi nặng trĩu những dự tính, những lo toan. Những bộ mặt sém nắng lầm lì. Những con người đi vào cuộc chiến đấu suy nghĩ rất nhiều, dùng đến sức óc rất nhiều. Họ không sợ chết, nhưng không coi cuộc chiến đấu như một trò đùa. Một viên đạn còn phải tính, sao lại có thể đi đến cuộc vật lộn gay go với giặc như đi dự một trò chơi ngồ ngộ?…

Chiếm lĩnh trận địa xong, họ lập tức đào công sự. Pháo binh chưa tới kịp. Cứ một lát lại có điện thoại của ban chỉ huy gọi, hỏi. Ông T chạy lên chạy xuống rất băn khoăn. Ông vốn nhiều râu. Lúc ấy, trông như râu tua tủa mọc ra thêm. Chốc chốc ông lại xem giờ. Điện thoại của ban chỉ huy gọi dồn thêm…

– A-lô! A-lô! Pháo binh đã tới chưa!… Đến đâu rồi?… Sao thế?…

Liên lạc này đi rồi liên lạc khác đi. Đường xóc quá, khó đi quá. Có anh giập chân rồi. Anh em bật cả máu vai. Họ vẫn cố đi, cốt tới kịp giờ. Nhưng cố gắng thế nào mỗi giờ cũng chỉ đi được bốn năm trăm thước…

Ông T bực bội:

Tính giờ sát quá! Không căn cứ tỉ mỉ vào tình hình, từng quãng đường, chỗ khó, chỗ bằng, chỗ dốc, chỗ núi đá, chỗ núi đất, chỗ đường to, đường nhỏ thế nào. Chỉ căn cứ vào những con số ở bản đồ. Nguy hại thật!…

Ông vò đầu, vò tai khổ sở. Cũng may mà liên lạc về báo: một toán sắp tới rồi. Ông T nhẹ hẳn người đi. Anh em xung kích đào công sự đã xong. Mấy bát cháo loãng lúc chiều đã hết veo rồi. Người mệt. Bụng đói meo. Nhưng nghe tin pháo binh đã tới, họ mừng. Họ biết anh em pháo binh đi chật vật như vậy, đến nơi thế nào chắc cũng mệt nhoài. Họ bảo nhau, một số đi đào công sự, dọn chỗ sẵn để cho anh em pháo binh đến, chỉ việc đặt súng xong rồi nghỉ cho lại sức. Các cán bộ xung kích cũng đi tìm chỗ đặt súng cho những khẩu đến sau, đỡ cho các cán bộ pháo binh, trong khi các cán bộ pháo binh còn bận chỉ huy toán trước…

Kế hoạch đổi. Mặc dầu ở mạn Bắc, ta đã nổi súng, mạn Nam vẫn chưa thể đánh vào sáng ngày 16. Một ngày chờ đợi, sốt ruột và xót ruột. Hỏa lực địch dồn cả lên mạn Bắc. Chừng hơn một giờ sau, có tiếng động cơ. Tàu bay địch lượn rất lâu, trút liên thanh? Nhảy dù chăng? Có giỏi thì cứ nhảy dù đi. Có những người đang đợi. Nhưng cả ngày hôm ấy không có nhảy dù. Chỉ thấy thả bom và bắn.

Năm giờ chiều, lệnh tiến. Một giờ, tất cả các vị trí trao cho phải chiếm, đều đã chiếm xong tất cả. Điện thoại cho biết phía Bắc đồn to, ta chiếm được rồi. Quân ta đang tung hoành ở trong đồn. Lệnh cho tiến vào nhà thương và đồn to. Nhưng tiến vào, thấy địch ở phía Nam đồn vẫn bắn rất hăng. Tìm địch không ra. Chúng nó chui hết cả vào các lô cốt, các hầm. Chỉ huy xung kích báo cáo tình hình lên. Yêu cầu cho pháo binh bắn vào phía Nam đồn. Xung kích vừa tiến vừa liên lạc bằng dây nói với pháo binh…

A-lô! Hụt rồi. Chỉnh lại hỏa lực đi! Lên mười thước nữa… A-lô! Chệch về bên phải mất năm thước… A-lô!… Xa quá, lùi lại năm thước nhé!…

Nhờ vậy pháo binh bắn rất hay. Nhưng gần sáng địch phản công. Nhờ có công sự kiên cố và ngoắt ngoéo, chúng chưa bị tiêu diệt bao nhiêu. Trời sáng, chúng trông rõ ta hơn. Chúng hy vọng có tiếp viện, có máy bay… Tình thế không có lợi cho ta. Lệnh cho tạm rút ra ngoài, vây chặt đồn…

Đoàn trưởng Huyền bước lại gần một người đang ngồi tì tay lên má:

– Ai đấy?

Trần Cừ ngoảnh mặt lại. Huyền thấy một đôi mắt đỏ hoe, mòng mọng nước. Anh cau mặt:

– Hừ! Trần Cừ đấy à? Anh khóc chắc…

Cừ ngước đôi mắt sắc nhưng lúc ấy rơm rớm nước nhìn Huyền. Huyền cười gằn:

– Cán bộ gì mà xoàng thế?

Từ ngày Cừ vào bộ đội, chưa có ai bảo Cừ là xoàng cả. Anh đã vào sinh ra tử rất nhiều, ngay đêm vừa qua, anh đã xông xáo rất ghê. Đạn như mưa. Những lúc quyết liệt nhất, anh vẫn xông lên trước, dẫn đầu đơn vị… Cừ nghẹn ngào không nói được. Nhưng đôi mắt cương quyết của anh trả lời người Đoàn trưởng. Huyền hơi dịu giọng:

Đánh nhau thì phải có thương vong. Anh đã biết trước trận đánh này có thể phải hy sinh lớn. Chịu hy sinh lớn để làm xong nhiệm vụ. Sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn chiến dịch. Càng không sợ hy sinh, càng làm giảm bớt số hy sinh. Anh hiểu cả đấy. Cán bộ không bình tĩnh, quyết tâm, giữ làm sao được tinh thần đội viên. Ủy mị thì lạ thật!…

Cừ không ủy mị. Anh đang kiểm tra lại trận đánh đêm qua. Xung kích rất gan dạ. Trợ chiến tỉnh táo, đi rất sát, yểm hộ cho xung kích tiến. Có những anh kề súng máy vào tận lỗ châu mai, bắn. Bắn hết đạn, anh chưa kịp rút ra, thì đã bị địch bắn lại, trúng anh. Anh đổ xuống. Anh khác tiến lên ngay, người đến sau kề ngay súng lên xác người vừa tử trận, để lia vào địch. Rồi mìn. Rồi lựu đạn. Địch đến không còn ngóc được đầu lên. Lắm lúc tưởng như địch đã chết hết cả rồi. Nhưng chúng vẫn còn! Thế có uất người không? Chúng rút xuống hầm. Ta chỉ xông xáo ở trên. Không biết sục xuống hầm, không biết chặn chúng lại, chặt chúng ra từng khúc, bao vây chúng, tiêu diệt hẳn từng bộ phận, không cho chúng rút. Lối đánh của ta hỏng, nên có anh dũng mà vẫn chưa làm xong nhiệm vụ… Cừ bực lắm…

Cừ thấy như mình có lỗi. Tại sao không nghĩ ra điều ấy ngay lúc vào vị trí? Muốn giải quyết được chiến trường phải tiêu diệt được sinh lực địch. Tiêu diệt sinh lực địch là điều chính cốt. Có lẽ ngay các đơn vị bạn cũng quên điều ấy! Báo cáo không đầy đủ. Chỉ nói đã chiếm được đồn mà không nói đến số địch chết bao nhiêu, bị bắt bao nhiêu. Vì thế mà ban chỉ huy không nắm rõ được tình hình. Mãi đến sáng, thấy hỏa lực địch còn mạnh, mới có lệnh rút lui. Thiệt hại nhiều chính vào lúc rút.

Cừ thấy thương các bạn chiến đấu của anh. Trông những cái cáng rời mặt trận… Những chị dân công mắt đỏ hoe, vừa gạt nước mắt vừa đi… Nghĩ đến những đồng chí bị thương không kịp cõng còn nằm lại trong đồn… Các đồng chí rút về, mặt hậm hực lầm lì… Làm sao không uất được? Nhưng uất nhất là chưa xong nhiệm vụ. Mà có lẽ có thể xong ngay đêm qua rồi!…

Cừ muốn nói ra cả những điều ấy với Huyền. Nhưng Huyền bảo Cừ hãy theo anh đi, đi gặp các anh kia. Các cán bộ họp, rút kinh nghiệm với nhau, rồi phổ biến kinh nghiệm cho các đội viên.

Một điều khiến họ băn khoăn: đơn vị đã bị tổn thương. Rất có thể ban chỉ huy sẽ cho họ rút về làm hậu bị, điều một đơn vị khác lên thay. Tất cả các cán bộ nhìn Huyền, nhưng Huyền ngẩng mặt lên cương quyết.

Không! Chúng mình sẽ đề nghị với ban chỉ huy đừng thay thế. Đơn vị đánh xung kích đêm qua rất có tinh thần, chỉ vì ta đánh phố lần đầu, chưa có kinh nghiệm, nên chưa làm xong nhiệm vụ. Qua đêm đầu, có kinh nghiệm rồi, lại thuộc địa hình địa vật hơn. Nó đang muốn trả thù. Cứ bổ sung cho nó, rồi cho nó trả thù, làm xong nhiệm vụ của nó chưa làm xong đêm trước. Không nên thay thế.

Mọi người đều phấn khởi. Cừ vui vẻ lại gần đội viên tiêm đao:

Chúng ta sẽ làm xong nhiệm vụ nội đêm nay. Nhiệm vụ chưa xong, nhất định chúng ta không chịu ra khỏi đồn.

Những bộ mặt tươi lên. Những con mắt lóe ánh sáng…

Ba giờ chiều, lệnh của ban chỉ huy cho chuẩn bị, năm giờ rưỡi, từ chỗ nghỉ tiến lên. Có kinh nghiệm đêm trước rồi, nên họ tiến bình tĩnh, chắc chắn, vừa tiến vừa quan sát tình hình. Chín giờ mở đột phá khẩu tiến vào. Sau một giờ kịch chiến, một bộ phận chiếm xong trường học, tiến ra nhà cũ, thấy đơn vị bạn đã ở đó rồi. Nhiệm vụ xong! Nhưng lệnh của ban chỉ huy lại giao thêm, đánh vào phía Tây Nam đồn to, hợp sức với đơn vị bạn đã đánh vào mạn Bắc. Trần Cừ xông lên:

– Các anh em! Báo thù cho các đồng chí của chúng ta!

Một chú liên lạc chạy trước anh, tay chú cầm lựu đạn lăm lăm. Chú rướn mãi người lên, chực “cả cái” vào một lỗ châu mai. Nhưng chú thấp quá, không với tới. Trần Cừ bước lên, bảo:

– Chú đưa anh!

Tiếng lựu đạn nổ vang. Nhưng đồng thời một băng đạn súng máy lia trúng Trần Cừ. Cừ lảo đảo hô:

– Hồ chủ tịch muôn năm!

Anh gục xuống, lấp một lỗ châu mai…

– Anh Cừ!…

Mấy đội viên xồng xộc chạy đến. Liên thanh, lựu đạn, mìn. Khóc bốc mù. Gạch đá lung tung lên. Những bóng người thoăn thoắt xông vào đám khói…

– Đánh sập hầm xuống! Chặn chúng nó lại!…

Đột nhiên Thân, một anh tiểu đội trưởng bị thương nằm ở gần đấy từ đêm qua, bỗng vùng lên:

– Thích quá! Cho tôi đánh với, các anh ơi!…

Và trước một lô cốt khác, Xuân Minh ôm bụng. Anh vừa trúng đạn. Anh đã hơi lảo đảo, nhưng vẫn chỉ huy, đôn đốc anh em. Một tiếng nổ vang trời. Lô cốt bị phá tung. Đội phó Minh thét anh em.

– Đánh vào lô cốt thứ hai đi!

Anh chực ngã. Một đội viên vội đỡ anh…

Để tôi cõng anh ra. Minh đẩy anh đội viên ra.
Tiến lên đi!

Và thấy anh đội viên do dự, anh hơi gắt.

Mặc kệ tôi. Tôi còn đi được! Anh một mình lủi về mặt sau…

Đoàn trưởng Huyền đang cầm ống điện thoại, liên lạc với đoàn phó ở mặt trận.

A lô! Bằng! A lô! Bằng! Bằng đâu?

Trận đánh đang xô xát. Súng đang ầm ầm. Những tia lửa phùn phụt, chi chít, liên hồi. Thỉnh thoảng một tiếng nổ to chớp lòe… Tiếng đoàn trưởng lạc hẳn giọng đi.

– A lô! Bằng! A lô! Bằng!…

Mãi mãi mới có trả lời, Huyền mừng rỡ, nói như reo:

À, Bằng đấy à? Thế nào? Giữ liên lạc với Huyền luôn luôn nhé! A lô! Huyền lắng tai nghe. Anh bỗng sửng sốt.

Cái gì? A lô!… Trần Cừ? Trần Cừ bị rồi à?

Anh nghe thêm một tí nữa rồi phũ phàng buông mạnh ống điện thoại xuống, ngẩn mặt ra. Anh nuốt nghẹn. Chính anh cũng khóc. Nhưng chỉ trong một phút anh lại vồ lấy máy…

A lô! Bằng!… Có thể về thay mình cho mình lên một lúc không?… Không được à? Ừ! Thế nào? Địch bắn rát lắm à?… Không sao cả. Cứ tiến lên! Phải giải quyết trong nội đêm nay, Bằng nghe không? Nội đêm nay. Giải quyết cho xong nội đêm nay. Giải quyết cho bằng được… Đạn à? Có rồi đấy! Anh em văn phòng cũng xung phong đi tải đạn với dân công đấy. Quyết tâm đấy nhé! Giải quyết trong nội đêm nay. Không lùi một bước. Lệnh của ban chỉ huy như vậy… Được rồi, Bằng đi đi! Báo thù cho Trần Cừ!…

đầu dây kia, đoàn phó Bằng trao máy cho người khác chuyển theo anh. Anh xông lên, thét lớn: – Báo thù cho Trần Cừ! Tiến lên!

Hết đêm hôm ấy, địch chúi ở dưới hầm phải ra hàng. Đông Khê giải phóng.

1950

In trong tập Truyện Biên giới


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.