Narcisse Và Goldmund

CHƯƠNG 12



Sáng hôm sau, Goldmund không dứt khoát đi đến xưởng. Cậu lang thang trong thành phố như bao nhiêu lần khác trong những ngày tâm trạng rầu rĩ. Dừng chân bên bờ nước gần chợ cá, cậu nhìn các phụ nữ và đám đầy tớ gái đi chợ, dán mắt vào những lão bán cá và các bà vợ của họ đang tiêu thụ hàng khó khăn, không ngớt miệng mời mọc và phô diễn các của ngon, đưa ra các chậu gỗ đựng đầy cá tươi óng ánh bạc. Há mồm choang hoác một cách đau khổ, trơ những cặp mắt vàng u sầu, các con cá cam chịu chết hoặc giẫy giụa một cách điên cuồng và tuyệt vọng. Đã nhiều lần cậu thấy thương hại, các con vật ấy và đâm ra gớm ghiếc con người. Vì sao họ không chút xúc cảm và tàn nhẫn đến thế. Tại sao họ không thấy gì hết, cả bọn đám người bán cá, và các khách hàng đi mua ăn, vì sao họ không thấy các cái mõm ấy, cái con mắt ưu tư trước cái chết, những chiếc đuôi quẫy điên cuồng, cuộc đấu tranh ấy thật tuyệt vọng, đáng sợ và vô ích, cuộc biến đổi ấy không thể chấp nhận được của các con vật bí ẩn, đẹp tuyệt vời, những run rẩy cuối cùng lướt qua làn da hấp hối của chúng trước khi chúng nằm thườn ra, bị cắt ra thành từng lát để rồi dọn lại bàn cho người ta ăn một cách thú vị, vui vẻ? Những con người ấy, họ chẳng thấy gì cả, họ không biết gì cả và chẳng nhận thấy gì cả, không hề có chi nói lên với họ điều gì.Chẳng mấy hệ trọng việc một con vật khốn khổ chết tươi dưới con mắt họ, họ không thấy gì hết, không có chi khiến họ động lòng. Tất cả, họ đều vui vẻ, hoặc bận bịu công việc, làm ra vẻ quan trọng, họ gấp gáp, la hét, cười đùa, hoặc tỏ ra cực nhọc. Những người này trước mặt những người kia, gây ra mất trật tự, giễu cợt đánh nhau vì vài đồng tiền. Và tất cả cho rằng mọi việc đều chạy đều, trật tự được bảo đảm đâu ra đó; và tất cả đều cảm thấy tự bằng lòng và bằng lòng đối với thiên hạ.
Ôi! Bản thân cậu chắc hẳn cũng có mặt trong số họ cảm thấy vui giữa đám người ấy, chạy theo các cô con gái, vừa ăn vừa cười và không thấy cấn cái trước những con cá rán. Và luôn luôn, bỗng nhiên và như thể bởi ma thuật, cậu mất đi tính cách vui vẻ và bình tĩnh ấy; luôn luôn cậu thoát ra khỏi những sai lạc với cả cái thứ mỡ sánh ấy, với thái độ tự bằng lòng bản thân mình. Cậu thôi ra vẻ quan trọng, từ bỏ trạng thái bình tâm lười biếng, chính điều đó ném cậu vào cảnh cô đơn, trong các cơn mộng trống rỗng, trong cuộc sống lang thang, trong việc suy ngẫm các vấn đề mà không thể dò thấu về sự đau khổ, về cái chết, về tính kiêu căng trong mọi hành động của chúng ta, đưa cậu đến nhìn chằm chằm xuống vực thẳm. Đôi khi, trong lúc cậu say sưa chiêm ngưỡng trong nỗi tuyệt vọng cái thế giới điên rồ và hoảng sợ ấy, một niềm vui bỗng nhiên nở hoa: một đam mê mãnh liệt về tình yêu, thích thú hát lên một ca khúc đẹp hoặc vẽ, hoặc nữa trong khi hít hà một đoá hoa, chơi đùa với một con mèo, sự hài hoà ấu thơ với cuộc sống lại được tái lập. Bây giờ đây nữa, và ngày mai, sự hoà hợp ấy trở lại, thế giới lại sẽ tốt đẹp, tuyệt vời. Cho đến giờ khắc xuất hiện nỗi buồn, sự trầm ngâm vô bổ, niềm yêu dấu xót xa, tuyệt vọng, đối với những con cá đang hấp hối và những đoá hoa đang tàn, cảm giác gớm ghiếc cuộc sống thờ ơ, gớm ghiếc tính dửng dưng, sự nhớp nhúa tệ hại của những con người cứ giương to đôi mắt mà chẳng thấy gì cả. Vào những lúc như vậy, cậu không sao ngăn được mình với một tính tò mò xót xa và tim thắt lại, nghĩ đến Victor, anh bạn đi hoang mà trước đây cậu đã cắm con dao vào các kẽ xương sườn và bỏ mặc gã túa máu trên các cành cây lãnh đạm. Và cậu buộc phải ngẫm nghĩ, tự hỏi mình xem anh bạn Victor đồng hành ấy có thể sẽ ra sao, nếu như bị lũ thú rừng hoàn toàn xé nát, liệu từ hình hài anh ta có còn lại chút gì? Ừ, các đốt xương chắc hẳn còn đó với mấy mớ tóc. Những đốt xương nào? Sẽ xảy ra chuyện gì? Cần phải trải qua bao nhiêu thời gian, cần phải đến hàng chục năm hoặc chỉ vài năm thôi chúng sẽ mất đi cả hình dạng và trở lại thành bụi bặm?
Giờ đây trong khi con tim tràn ngập nỗi âu lo và niềm căm ghét chua chát đối với thiên hạ và bản thân mình, cậu trắc ẩn nhìn những con cá và gớm ghiếc trông theo những con người đang ở chợ, cậu buộc phải nghĩ đến Victor. Có thể người ta đã tìm thấy anh ta và đã chôn cất? Và giá mà được như vậy, liệu da thịt nay đã rời xương chưa? Tất cả đều đã thối rữa? Lũ giun đã ăn hết chăng? Và từ cuộc đời của Victor với những chuyện phiêu lưu và chơi ngông cùng những lời giễu cợt và các trò hề kỳ cục, liệu còn lại gì? ngoài một số kỷ niệm lờ mờ mà kẻ đã giết hại y còn nhớ về y, liệu có còn sót lại bất cứ những gì từ số phận con người dù sao vốn không thuộc số những kẻ tầm thường nhất? Có còn chăng một Victor trong mộng của những phụ nữ mà trước đây y đã yêu? Than ôi! Chắc hẳn tất cả đều đã hết, đã qua rồi. Và đó là số phận của mọi người và mọi sự vật: một đóa hoa nở trong một chốc rồi tàn và liền biến mất; sau đó tuyết vùi tất cả. Vào mùa xuân nào khi bản thân cậu, cách đây mấy năm đã đến thành phố này tràn đầy khát vọng cháy bỏng đối với nghệ thuật và niềm tôn kính sâu sắc và phập phồng đối với thầy Niklaus? Của thầy có còn lại gì chăng? Chẳng có gì, không hơn gì hình hài của kẻ vô lại và khốn khổ Victor ấy. Giá có ai bấy giờ nói với cậu là đến một ngày nào đó Niklaus sẽ thừa nhận cậu như ngang hàng với mình và yêu cầu phường hội cấp cho cậu chiếc giấy chứng chỉ bậc thầy, cậu sẽ tưởng nắm trong tay cả niềm hạnh phúc của thiên hạ. Mà đó chẳng qua chỉ như một đóa hoa đã héo tàn.
Trong khi ngẫm nghĩ như vậy, Goldmund bỗng thấy thoáng qua ảo ảnh: Nó chỉ kéo dài chốc lát như một ánh chớp rồi tan biến: Cậu nhìn thấy khuôn mặt của Mẹ, nghiêng mình trên vực thẳm cuộc sống với nụ cười mỉm xa xôi xinh đẹp vừa gớm ghiếc; cậu thấy Mẹ mỉm cười với các cuộc sanh đẻ với những đám người chết, với hoa, với cá mùa thu bay tản mác trong một tiếng thì thầm, mỉm cười với nghệ thuật, mỉm cười với sự thối rữa.
Đối với Bà, Người Mẹ của mọi sự vật, tất cả đều có cùng một giá trị; nụ cười mỉm của Mẹ khiến người ta rùng mình vút lên tất cả, như thể mặt trăng. Với Goldmund, trong sự suy ngẫm buồn bã của mình, bà mất đi sự âu yếm cũng như của các con cá chép đang hấp hối trên hè chợ. Lisbeth, cô trinh nữ tự cao và lạnh lùng đối với cậu cũng thân thiết như những đốt xương phân tán trong rừng của Victor, kẻ đã nhăm nhe đánh cắp đồng tiền vàng của cậu.
Ánh sáng chớp lóe đã tắt, khuôn mặt bí ẩn của Mẹ đã tan biến, nhưng ở cõi sâu thẳm trong tâm hồn Goldmund, ánh phản chiếu xanh lợt của nó vẫn tiếp tục phát quang, một làn sóng sự sống, đau khổ, ham muốn tha thiết nhói qua tim cậu làm cho cậu đảo lộn. Không, không đâu, cậu không thích thứ hạnh phúc ấy làm vừa lòng những kẻ khác, những người mua hàng ở chợ, các thị dân, những người của cuộc sống thực tế.
Quỷ bắt chúng đi! Ôi! Bộ mặt tái xám run rẩy, cái miệng đam mê nhục cam, những làn môi làm say đắm mà trên đó vừa thoáng qua như một làn gió, như một ánh trăng nụ cười mỉm khó tả của sự chết chóc.
Goldmund trở lại nhà thầy. Đã gần trưa. Cậu chờ cho đến khi thấy Niklaus ở trong nhà thôi làm việc và đi rửa tay. Bấy giờ cậu bước vào:
– Thưa thay, để cho con được nói mấy lời, có thể trong lúc thầy rửa tay và thay áo. Con khát khao nói ra sự thật và con muốn thưa với thầy điều mà có lẽ bây giờ còn có thể nói ra nhưng khi khác có thể con không nói được. Con đang ở trạng thái phải nói chuyện với một người và thầy là người duy nhất, có lẽ thế và có thể hiểu con được. Con không thưa chuyện với người sở hữu một xưởng điêu khắc nổi tiếng và nhan từ các thành phố, các tu viện mọi đơn đặt hàng rất vinh dự, và có hai thợ bạn cùng với ngôi nhà đẹp đẽ và giàu có. Con thưa với thầy, người đã làm ra pho tượng Đức Mẹ Đồng Trinh của tu viện ở nơi kia, pho tượng đẹp nhất và con được biết. Người ấy con đã yêu thương và quí trọng đúng như người ấy đối với con dường như là mục đích đẹp đẽ nhất mà con có thể đặt ra cho mình trên đời này. Vậy đó, con đa làm ra pho tượng Thánh Jean: Con không thể làm cũng đẹp như pho tượng của thầy về Đức Mẹ Đồng Trinh nhưng đúng nó là thế. Con không còn pho tượng nào khác để làm – bây giờ đây không có gì buộc con nỗ lực và buộc con sáng tạo. Nói cho đúng hơn, sẽ có một pho tượng, một hình ảnh thánh thiện xa xôi mà một ngày kia con cần phải cho ra đời, nhưng hiện nay thì con chưa thể sáng tạo được. để có thể làm được việc ấy, con cần phải có thêm những kinh nghiệm khác và từng trải qua cuộc sống của con. Có lẽ trong vòng ba bốn năm, hoặc mươi năm, hoặc chậm hơn con có thể nặn pho tượng ấy, hoặc chẳng bao giờ cả. Từ đây đến đó, thưa thầy, con không muốn làm nghề, cho ra các họa tiết trang trí, khắc chạm các giảng đài và đưa đến xưởng cuộc sống của một thợ thủ công, làm ra tiền và trở thành như bao nhiêu người thợ khác. Thưa không, con không muốn như thế, mà con biết con cần phải sống và đi lang thang, cảm nhận mùa hè, mùa đông trôi qua, nhìn thấy thế giới và vẻ đẹp của nó. Con muốn trải qua đau khổ và đói khát, và con muốn quên đi tất cả những gì con đã sống và đã học ở nhà thầy, con muốn giải tỏa các điều ấy. Con rất muốn có ngày sẽ làm được một cái gì đó cũng đẹp như pho tượng của thầy về Đức Mẹ Đồng Trinh và con đến thẳng với con tim như Đức Mẹ – nhưng trở thành như thầy và sống như thầy sống, con không muốn. Niklaus đã rửa và lau tay xong, quay lại nhìn Goldmund. Nét mặt ông nghiêm khắc nhưng không giận.
– Em đã nói, và ta đã nghe. Ông bảo – Bây giờ chúng ta để đó đã. Ta không trông cậy vào con cho công việc của ta, mặc dù không thiếu việc. Ta không coi con như một thợ bạn; con cần có tự do. Goldmund thân mến ta muốn tranh luận với con về điều này điều khác, nhưng không phải hôm nay, chờ mấy hôm nữa. Trong khi chờ đợi, con có thể tùy ý giết thì giờ con thấy đó, ta già hơn con và ta có kinh nghiệm. Ta không đồng tình với con nhưng ta hiểu con, và ta cảm nhận được những gì con muốn nói. Mấy hôm nữa, ta sẽ cho gọi con, chúng ta sẽ bàn về tương lai của con: Ta có một dự định trong khi chờ đợi, hãy kiên nhẫn! Ta biết cái cảm giác khi người ta vừa làm xong một công trình vốn canh cánh bên lòng; ta biết sự trống vắng ấy. Hãy tin ta, điều đó rồi sẽ qua đi.
Goldmund rời chân, trong lòng không thỏa mãn. Thầy giáo muốn điều tốt đẹp cho cậu nhưng liệu ông có thể làm được gì với cậu?
Cậu biết bên bờ sông có một chỗ nước không sâu và chảy trên một nền đầy các loại rác rưởi, từ các nhà ngoại ô, dân chài vứt xuống đó đủ các thứ chất thải. Cậu đến nơi ấy, ngồi trên hàng lan can nhìn dòng nước. Qua những làn nước chảy như những sợi pha lê, khi nhìn dưới đáy mờ mờ và không thể phân biệt rõ ràng, người ta trông thấy đây đó những vật lóe lên một ánh vàng tàn tạ với những ánh phản chiếu hấp dẫn. Có những vật trông không rõ, có lẽ là một mảnh đĩa vỡ, hoặc một lưỡi hái cong queo người ta vứt ở đó, hoặc một hòn đá trơn láng và phát quang, một viên ngói quang dầu – đôi khi cũng có thể là một con cá, một con cá tuyết sông to béo hoặc một con cá gác – đông. Không bao giờ người ta có thể biết đúng đó là cái gì, nhưng luôn luôn nó có một vẻ đẹp huyền ảo và quyến rũ, một tia lóe sáng, một ánh sáng lọc qua các làn nước chốc lát phản ảnh bởi sắc vàng dưới đay sông tăm tối. Dường như đối với cậu, mọi bí ẩn thực, mọi hình ảnh thực và xác thực của tâm hồn đều như thể điều bí ẩn nho nhỏ ấy dưới cái làn nước, không có đường nét rõ ràng, không hình thù, người ta chỉ nhìn thấy như những khả năng đẹp mà xa xôi, đằng sau một lớp màn che, có một ý nghĩa – Tất cả ở đáy, dưới tầng sâu xanh mờ mờ của dòng sông có một cái gì đó rực sáng, một ánh vàng khó tả, một ánh bạc chói lọi trong khoảnh khắc một tia chớp: Nó chẳng là gì cả, tuy vậy mang những hứa hẹn thú vị; cũng như bộ mặt nhìn nghiêng luôn thay đổi của một con người vừa mới nhìn thấy từ đằng sau đôi khi bộc lộ một sắc đẹp không cùng, một nỗi buồn lạ lùng; hoặc nữa, tất cả như thể một chiếc đèn lồng treo trong đêm tối dưới chiếc xe súc vật kéo phản chiếu lên một bức tường những hình bóng khổng lồ từ các tia sáng ở các bánh xe đang chuyển động, sự phối hợp các bóng ấy trong khoảnh khắc có thể chứa đầy các ảo ảnh, các sự kiện và câu chuyện như tất cả của nhà thơ Virgile. Cũng với cái chat liệu phi thực và huyền diệu ấy đã dệt nên các giấc mộng ban đêm của chúng ta: Một điều chẳng là gì cả ẩn trong đó tất cả các hình ảnh trong thiên hạ, một làn sóng trong chất pha lê mang mọi hình thù những con người, con thú thiên thần và ma quỷ dưới vẻ ngoài có thể nhưng không bao giờ ngủ.
Cậu lại rơi xuống vực sâu trong trò chơi của mình và đi lạc trong giấc mộng đăm đăm nhìn dòng sông trôi xuôi, ngắm các ánh phản chiếu chập chờn dưới đáy nước, tưởng tượng ra cái vương miện, những bờ vai rực rỡ của phụ nữ. Trước đây Mariabronn, cậu nhớ lại các điều đó, phát hiện ra trong các con chữ Latinh và Hy Lạp những hình bóng kiểu ấy, có thể cũng là những điều ẩn dụ thần tiên ấy. Bấy giờ có hôm nào cậu nói chuyện với Narcisse không? A! Có nói vậy thì lúc nào? Đã trải qua bao thế kỷ xa xôi? A? Narcisse! Sẽ gặp lại anh, để nói chuyện với bạn một tiếng đồng hồ, cầm tay bạn nghe tiếng nói trầm tĩnh và thông tuệ của bạn, cậu sẵn sàng vui lòng trả giá bằng hai đồng tiền vàng của mình.
Vậy tại làm sao chúng đẹp thế, các sự vật ấy, các ánh vàng ấy phản chiếu tự dưới đáy nước, các bóng và các ảo ảnh ấy lờ mờ, phi thực và thần tiên vậy tại sao chúng đẹp khó tả và diệu kỳ đến thế trong khi chúng biểu hiện chính xác điều tra ngược lại với vẻ đẹp do một nghệ sĩ sáng tạo nên? Vẻ đẹp của các ảo ảnh không thể nào nắm bắt được vì nó không có hình thù và là điều bí ẩn, và hoàn toàn đúng là dương bản trong các tác phẩm nghệ thuật; bản thân các tác phẩm ấy có một ngôn ngữ hoàn toàn rõ ràng. Không gì rõ và chính xác hơn đường nét một cái đầu hoặc một khuôn miệng vẽ hoặc khắc họa trong chất liệu gỗ. Cậu hoàn toàn có khả năng tái hiện chính xác làn môi hoặc các làn mi ở pho tượng của Niklaus Đức Mẹ Đồng Trinh, trong đó không có gì là không rõ ràng, hão huyền, khó nắm bắt.
Goldmund đăm chiêu suy nghĩ. Cậu không hiểu được làm sao sự chính xác lớn nhất có thể tưởng tượng được về các hình thù lại có thể tác động đến tâm hồn đúng theo cùng cung cách với những gì khó nắm bắt và không rõ ràng nhat. Tuy vậy, đối với cậu có một điều đã xuất hiện rõ ràng trong quá trình suy tư ấy: Cậu hiểu vì sao có nhiều tác phẩm nghệ thuật không thể chê được và trọn vẹn mà vẫn hoàn toàn không nói lên gì cả với cậu, vì sao mặc dù có một vẻ đẹp nào đó chúng vẫn khiến cậu thấy tẻ nhạt, thậm chí hầu như khó chịu. Các xưởng điêu khắc, các nhà thờ, cung điện đầy rẫy những công trình nghệ thuật tẻ nhạt ấy và bản thân cậu cũng đã hợp tác làm ra một số trong các pho tượng như vậy. Chúng làm ta thất vọng bao nhiêu bởi vì chúng khơi gợi lòng ham chuộng các giá trị cao nhất song lại không thỏa mãn được điều đó, bởi vì ở chúng thiếu mất yếu tố chủ yếu: sự bí ẩn.
Goldmund lại tiếp tục suy ngẫm: “Cái mình yêu là sự bí ẩn, mình lần theo vết của nó, nhiều bận mình thấy nó lóe lên với tư cách nghệ sĩ, một ngày nào đó mình sẽ có khả năng, mình sẽ biểu hiện nó và đưa nó đến chỗ trẻ bộc lộ. Đó là khuôn mặt của Bà mẹ các sự vật trong công việc vĩ đại. Bà sanh con, điều bí ẩn của Bà không nhằm vào chi tiết này hoặc chi tiết nọ, vẻ đầy đặn hoặc gầy gò của các hình thù, tính thô kệch hay lịch sự, sức mạnh hay sự duyên dáng! Nó nhằm vào điều mà các mâu thuẫn tột cùng của thế gian vốn không có cách nào khác hòa hợp được, đã đóng dấu ấn bình an trên khuôn mặt ấy và chúng sống ở đấy: sự ra đời và cái chết, lòng tốt và tính độc ác, sự sinh sôi nảy nở và sự hủy hoại. Nếu mình chỉ tưởng tượng khuôn mặt ấy, nếu nó chỉ là một trò đùa của trí óc mình hoặc một nguyện vọng khát khao của người nghệ sĩ, sẽ không có gì tồi tệ lắm khi nó không được thực hiện; mình sẽ biết cái khuyết tật của nó và mình sẽ quên đi. Nhưng Bà Mẹ các sự vật không phải là một điều tưởng tượng; mình đâu có tưởng tượng ra Bà, mình đã nhìn thấy Bà. Bà sống trong bản thân mình, Bà luôn có mặt trên con đường của mình. Lần đầu tiên mình đã ngờ vực sự tồn tại của Bà khi mình cầm cây đèn con chiếu sáng trên đầu giường một phụ nữ nông thôn đang trở dạ. Chính bấy giờ khuôn mặt ấy bắt đầu sống ở mình: Nó thường ở xa xôi và mình mất tăm nó đã lâu nhưng bỗng nhiên ánh long lanh của nó hôm nay lại lướt qua.
Gương mặt của mẹ mình, cái mà trước đây mình có được và là thân thiết nhất đã hoàn toàn biến đổi thành một hình ảnh mới, nó tồn tại trong đó như thể nhân một quả anh đào”.
Nay cậu ý thức được tình thế hiện tại của mình và nỗi lo cần phải có một quyết định. Cũng như trước đây vào lúc cậu chia tay Narcisse và rời tu viện lao vào con đường có tính quyết định: Con đường dẫn đến với Mẹ. Có lẽ một ngày kia Bà sẽ trở thành đối với mọi người một ảo ảnh có hình thù một tác phẩm của các bàn tay Bà. Có lẽ mục đích, ý nghĩa ẩn giấu trong cuộc sống của Bà nằm ở đó. Có lẽ thế, cậu không biết. Nhưng có một điều cậu biết: Đi theo Mẹ, đi đến với Mẹ, để Mẹ lôi cuốn theo và mời gọi, thế là tốt, đó là cuộc sống. Có thể cậu sẽ không bao giờ tạo được cho hình ảnh của Mẹ những đường nét rõ ràng, có thể nó vẫn luôn tồn tại trong mộng trong trực giác, trong lời mời gọi, là ánh vàng của một điều bí ẩn thiêng liêng. Dù sao bổn phận của cậu là theo Mẹ, trao gởi số phận của mình cho Mẹ; Mẹ là ngôi sao của cậu.
Nay thì sự quyết định đã ở đó, trước mắt cậu, rất gần: Tất cả đã trở nên rõ ràng. Nghệ thuật là tốt đẹp, không phải là một thiên tình, một mục đích, chí ít đối với cậu. Không phải cậu nghe theo nghệ thuật mà nghe theo lời mời gọi của Mẹ. Cần gì phải có thêm tài khéo léo của các ngón tay? Ở người thầy Niklaus, có thể thấy điều đó dẫn đến đâu. Điều đó tạo cho thầy một cái tôi, tiền bạc, điều đó đưa thầy đến vinh quang, cuộc sống thị dân, và cũng dẫn đến việc mất đi cái ý nghĩa sâu kín cứ úa tàn, héo khô, trong khi chỉ có nó mới mở đường vào sự bí ẩn. Điều đó đưa đến làm ra được những đồ mỹ nghệ xinh xinh và quí giá, những chiếc bàn thờ giàu có và các giảng đài đủ kiểu, các tượng Thánh Sebastien, những cái đầu thiên thần có tóc xoăn cứ mỗi chiếc được bốn đồng tale. Ôi! Anh vàng trong con mắt một chú cá chép, chiếc lông tơ mềm mại tuyệt vời, màu bạc bên một cánh bướm con vô cùng đẹp hơn, sống động hơn, quí báu hơn bất cứ một gian phòng nào đầy những tác phẩm nghệ thuật giống như thế.
Một đứa trẻ đi xuống theo con đường dọc bờ sông, vừa đi vừa hát. Đôi khi khúc ca của nó dừng lại; nó gặm một khúc bánh mì trắng cầm trên tay. Goldmund nhìn thấy thằng bé và yêu cầu nó cho mình một mẩu rồi vê từng viên nhỏ trên hai ngón tay. Tựa bên lan can, cậu lần lượt ném chầm chậm mỗi lần một viên xuống dòng nước mờ tối, nhìn và theo dõi các viên bánh mì trắng chìm xuống nước giữa những chiếc đầu của đàn cá chợt kéo tới, cho đến khi các viên bánh ấy biến mất vào mồm lũ cá. Nhìn các mẩu bánh ấy biến mất vào mồm lũ cá. Nhìn các mẩu bánh mì trôi xa và lần lượt biến mất, cậu thấy rất vui. Sau đó cậu cảm thấy đói, liền tìm đến một bạn gái, một cô đầy tớ trong cửa hàng thịt được cậu tặng cho cái danh hiệu “nữ hoàng các món xúc xích và giăm bông”. Cất giọng huýt sáo như đã qui ước, cậu gọi nàng đến bên cửa sổ, muốn nàng cho một ít thực phẩm để mang về ăn ở bên kia sông, trong một vườn nho có nền đất màu mỡ đỏ nhạt ánh lên dưới các tán lá sum suê của các gốc nho và ở đó các bông hoa huệ, dạ hương bé nhỏ của mùa xuân đang nở rộ, tỏa nhẹ một hương vị dịu dàng.
Nhưng dường như đây là một ngày của những quyết định một ngày mà lương tâm cậu rất trong sáng. Khi Cathérine xuất hiện ở cửa sổ với gương mặt khỏe mạnh hơi thô, nhoẻn miệng mỉm cười, cậu liền đưa bàn tay lên ra dấu hiệu qui ước với cô bạn, bỗng cậu nhớ ra đã nhiều bận mình đến đây chờ đợi; đồng thời cậu thấy trước một cách rõ rằng cả loạt các cử chỉ chán ngấy sẽ kế tiếp, sớm xuống nhà ở phía cửa sau, cầm trên tay một thứ thịt lợn ướp; cậu vừa nhận lấy vừa vuốt ve nàng và áp chặt người nàng vào ngực mình như nàng mong đợi – bỗng nhiên cậu cảm thấy ngốc và gớm ghiếc quá thể cả cái kiểu cách thường làm các cử chỉ ấy, qua đó đạt đến kết quả: nhận lấy mớ xúc xích, cảm nhận hai bầu vú chắc của nàng ép vào mình và siết chặt chúng một chốc để đổi lấy món quà. Đột nhiên cậu có cảm tưởng mình phát hiện ra trong vẻ thô thiển trên khuôn mặt nàng cái thói quen biểu hiện không có lấy một suy tư nào, trong nụ cười lấy lòng của nàng, có cái gì đó thật nhàm thật máy móc, không còn giữ kín một chút bí ẩn nào, một cái gì đó không xứng đáng với mình. Bàn tay cậu dừng lại, không làm nốt các cử chỉ quen thuộc, trên môi tắt ngấm nụ cười. Cậu còn yêu nàng không? Có còn thật sự ưa thích nàng không? Không, đã quá nhiều bận cậu ở đây, cậu nhìn thấy nụ cười ấy quá nhiều, cũng vẫn nụ cười ấy, và cậu đáp lại mà con tim cậu đâu có tham gia. Điều mà mới hôm qua đây cậu có thể làm không chút đắn đo, đối với cậu bỗng nhiên trở nên không thể được nữa. Cô đầy tớ gái vẫn đứng đó nhìn theo trong khi cậu quay lưng đi mất dạng trong ngõ hẻm, quyết không bao giờ quay trở lại nữa. Rồi sẽ có kẻ khác vuốt ve các bầu vú ấy, có kẻ khác ăn món xúc xích ngon lành ấy! Vả lại, ngày này qua ngày khác người ta chẳng ăn ngấu nghiến thứ gì đó trong cái thành phố giàu có và vui vẻ này, chẳng lãng phí bao nhiêu! Cho bọn thị dân to bụng lười biếng, hư hỏng, khó tính ấy, người ta vật bao nhiêu là lợn, bò tơ, và bắt từ dưới sông lên bao nhiêu những con cá khốn khổ! Còn cậu thì sao? Mặc dù cậu trở nên vất vả, thối rữa cậu giống bọn chúng đến gớm ghiếc! Trên các nẻo đường và các vùng đồng ruộng phủ tuyết, một quả mận khô, một khoanh bánh mì cũng vẫn ngon lành hơn ở đây trong tình trạng dư thừa, trong cảnh tiệc tùng của phường hội. Ôi cuộc sống lang thang sự tự do, vùng đất sáng trăng, con đường mòn, một hoang thú với con mắt e dè vào buổi sáng bị đuổi chạy qua bãi cỏ xám và ẩm ướt! Nơi dây, ở thành phố, ở nhà những con người sống tĩnh tại, tất cả đều dễ dàng và chẳng đắt giá mấy, thậm chí tình yêu cũng vậy. Bỗng nhiên cậu chán ngấy những thứ đó, cậu nhổ toẹt lên đó. Cuộc sống ở đây đã mất ý nghĩa của nó, một khúc xương không còn tủy. Điều ấy đẹp, điều ấy có một lý do tồn tại chừng nào thầy Niklaus còn là tấm gương cho cậu, Lisbeth là một công chúa; điều đó còn có thể chịu nổi chừng nào cậu còn làm việc với pho tượng của mình về Thánh Jean. Bây giờ thì hết, mùi hương đã bay tản, đóa hoa nhỏ tàn tạ. Niềm xúc cảm về tình trạng bất ổn của các sự vật vốn thường dày vò cậu và có thể làm cho cậu say đắm sâu sắc nay mang cậu đi trong làn sóng mạnh mẽ của nó. Tất cả đều úa tàn, bất cứ niềm vui nào cũng cạn kiệt, chỉ còn lại những đốt xương và bụi bặm. Tuy nhiên vẫn tồn tại một sự vật: Bà mẹ Vĩnh cửu, già như thế gian và mãi mãi trẻ trung, với nụ cười tình của Bà, u buồn và độc ác. Trong đôi khoảnh khắc cậu lại trông thấy Bà khổng lồ, các tinh tú cài lên mái tóc, ngồi mơ màng bên bờ nhân thế; với một cử chỉ lơ đễnh, Bà đưa tay hái hết đóa hoa này đến đóa hoa khác, hết cuộc sống này đến cuộc sống khác, để cho chúng từ từ rơi xuống không gian vô tận.
Những ngày ấy, Goldmund nhìn lại một đoạn đời tàn úa của mình trở nên tái xám ở phía sau, cậu lang thang qua vùng đất quen thuộc trong tâm trạng vĩnh biệt với niềm say sưa u ẩn, trong khi đó thầy Niklaus bỏ nhiều công sức để bảo đảm tương lai của cậu, nhằm giữ chân, mãi ổn định lại cuộc sống của con người ấy không tìm được sự yên tĩnh. Ông thuyết phục phường hội trao cho cậu giấy chứng chỉ chức giáo viên và trù tính cột cậu lâu dài với mình không phải như một người thợ mà như một thành viên liên kết, bàn với cậu và cùng thực hiện mọi đơn đặt hàng lớn, và chia phần cho cậu những gì các tác phẩm ấy đem lại. Có lẽ như vậy là phiêu lưu và cũng dễ mang lại rủi ro cho Lisbeth, bởi vì đương nhiên không lâu mấy chàng trai ấy sẽ trở thành con rể ông. Nhưng một pho tượng như của Thánh Jean thì người thợ bạn giỏi nhất Niklaus có được cũng sẽ không bao giờ làm nổi còn bản thân ông thì đã già, nghèo đi các ý tưởng cũng như sức sáng tạo, và ông không muốn thấy xưởng điêu khắc nổi tiếng của mình sa sút thành một nơi tầm thường chuyên sản xuất các pho tượng. Ông chật vật với anh chàng Goldmund này, nhưng ông thấy cần phải mạo hiểm. Lo lắng, vị thầy tính toán nhiều mặt. Ông sẽ hoàn thành và mở rộng gian xưởng ở phía sau cho Goldmund và trao cho cậu căn phòng trên gác. Để tiếp nhận cậu vào phường hội, ông sẽ tặng cậu những bộ trang phục đẹp và mới. Thận trọng, ông cũng lấy ý kiến của Lisbeth, từ hôm ăn trưa, cô chờ đợi một điều gì đó như thế. Và Lisbeth không hề tỏ ra phản đối. Nếu chàng trai cắm chân lại ở đâu đó và có được chức giáo viên, cậu ta hợp ý nàng. Ngay trong chuyện này, ông không gặp khó khăn. Và nếu thầy Niklaus và nếu nghề nghiệp không hoàn toàn thành công trong việc thuần hóa con người Tzigan ấy thì Lisbeth rồi sẽ thực hiện nó trọn vẹn.
Như vậy tất cả đã được chuẩn bị chu đáo miếng mồi cho con chim đã đặt ở bẫy. Ông cho người đi tìm Goldmund nhưng cậu không trở về. Thầy lại mời cậu ăn tối. Một lần nữa cậu đến, mặc bộ cánh sạch sẽ, đầu tóc chải hẳn hoi, lại ngồi trong căn phòng đẹp đẽ, long trọng, lời cụng ly với thầy và cô con gái của thầy đợi cho đến hết Lisbeth rời bàn ăn, Niklaus mới đưa ra cac ý đồ lớn và các lời dạm của mình.
– Con hiểu rõ thầy, ta không cần nói với con, chắc hẳn chưa bao giờ có một người trẻ tuổi nào không trải qua học nghề theo chế độ qui định mà lại được nâng lên hàng bậc thầy và tìm ra một tổ ấm như vậy. Goldmund! Con đường công danh, sự nghiệp của con mở ra rồi đó!
Goldmund ngạc nhiên, con tim thắt lại, nhìn thầy trong khi đẩy cốc rượu còn một nửa về phía trước mặt mình. Quả thật cậu chờ đợi Niklaus mắng cho mấy lời về những ngày đã hoài phí và đề nghị cậu ở lại làm thợ bạn với ông. Vậy mà câu chuyện đã diễn ra thế đó. Cậu cảm thấy buồn và khó chịu bị buộc phải đối mặt với con người này mà chưa thể tìm ra được ngay lời đáp lại.
Hơi phật ý vì lời đề xuất đầy thiện chí của mình không được chấp nhận ngay một cách vui vẻ và khiêm nhường, Niklaus đứng lên, vẻ mặt có phần căng thẳng và thất vọng. Ông nói tiếp:
– Tốt lời đề xuất của ta làm cho con ngạc nhiên, trước hết con hãy suy nghĩ đi. Ta có hơi phật ý, tưởng rang con rất vui khi nghe ta ngỏ lời. Nhưng không có gì trở ngại đâu, con có thì giờ để suy nghĩ.
– Thưa thầy – Goldmund đáp, lúng túng tìm từng từ để diễn đạt – Xin đừng ghét con. Con hết lòng cảm ơn thầy đã thương yêu, hơn nữa con đội ơn thầy đã kiên nhẫn trong việc ứng xử với kẻ học trò này của thầy. Con không bao giờ quên món nợ con đã mắc với thầy. Nhưng con không cần thì giờ để suy nghĩ; con đã quyết định từ lâu rồi.
– Quyết định thế nào?
– Đây là việc đã dứt khoát trước khi con được hay lời mời của thầy và con có một ý tứ nhỏ về các đề xuất đáng tôn trọng của thầy. Con sẽ không ở lại đây lâu nữa, và lại sống lang thang.
Niklaus tái mặt nhìn cậu với đôi mắt buồn bã.
– Thưa thầy – Goldmund nói khẩn thiết – xin thầy hãy tin con, con không muốn làm mếch lòng thầy! Con vừa thưa với thầy điều con đã quyết. Con cần phải ra đi, cần phải du lãng, cần phải trở lại với sự tự do. Xin cho con được bày tỏ đội ơn thầy lần nữa và chúng ta xa nhau trong tình bằng hữu.
Nước mắt lưng tròng, cậu đưa bàn tay cho thầy, Niklaus không nắm bàn tay cậu, mặt mày tái mét, sải bước trong phòng mỗi lúc thêm nhanh, tiếng chân đi dộc vang bởi cơn tức giận. Goldmund chưa bao giờ thấy ông như thế.
Rồi thầy bỗng dừng chân, hết sức cố gắng tự chủ, và nói khít giữa hai hàm răng, mắt không nhìn mặt Goldmund:
– Được rồi, vậy thì hãy đi đi, nhưng đi ngay lập tức! Để ta đừng thấy mặt bao giờ nữa. Để ta đừng làm, đừng nói gì rồi sau đó ta có thể hối tiếc. Đi đi!
Môt lần nữa Goldmund lại chìa bàn tay với thầy, Niklaus ra vẻ muốn nhổ vào đó. Bấy giờ Goldmund cũng tái mặt, quay lưng lại, bước ra khỏi phòng không một tiếng động, ra ngoài mới đội mũ lên đầu, đi nhanh xuống cầu thang tựa bàn tay dọc theo tay vịn có các cột chạm trổ, bước vào gian xưởng nhỏ ở phía trông ra sân, dừng một chốc để chia tay với pho tượng của mình về Thánh Jean, rồi rời khỏi ngôi nhà trong lòng vật vã, nặng ne hơn trước đây khi từ giã lâu đài của vị hiệp sĩ và nàng Lydia đáng thương.
Ra đi càng nhanh càng hay, không nói câu nào, nói làm chi những lời vô ích! Đó là niềm an ủi duy nhất của cậu trong khi cậu vượt qua ngưỡng cửa, nhận ra con đường, nhận ra thành phố với vẻ ngoài xa lạ, các sự vật thân quen đã đổi khác một khi lòng mình buộc phải chia tay tất cả. Cậu ngoái lại, đưa mắt nhìn khung cửa ra vào; từ nay các cánh cửa của ngôi nhà xa lạ ấy đã đóng lại với cậu.
Về đến phòng mình, Goldmund chuẩn bị hành lý để ra đi.
Thực ra không có gì lắm để chuẩn bị, chỉ có việc chia tay. Trên tường treo một bức họa do chính cậu vẽ, một Đức Mẹ Đồng Trinh dịu hiền, và ở đó đây, những đồ vật của cậu, một chiếc mũ, diện để đi chơi, một đôi giày khiêu vũ, một cuốn các bức vẽ, một cây đàn luých can và một số tượng nhỏ bằng thạch cao do cậu nặn, đôi thứ quà tặng của các cô người yêu, một bó hoa giả, một cốc uống rượu màu đỏ như thể hồng ngọc, một ổ bánh mì hình trái tim đã khô khốc và một ít các đồ lặt vặt khác kiểu ấy mà mọi thứ đều có lịch sử và ý nghĩa của nó, đối với cậu vốn thân thiết mà giờ đây chỉ còn là những đồ vật cũ cồng kềnh, bởi lẽ cậu không thể mang theo bất cứ cái gì. Tuy vậy, cậu đổi chiếc cốc màu hồng ngọc cho người chủ nhà để lấy một con dao đi săn loại chắc chắn và đem ra sân mài cho bén; cậu bóp vụn ổ bánh mì cho đan gà của người láng giềng ăn, đem biếu bức họa hình Đức Mẹ Đồng Trinh cho bà chủ nhà và nhận lại của bà ta một món quà có ích: một chiếc túi đi đường đã cũ bằng da và nhiều thức ăn dự trữ. Trong túi, cậu nhét mấy chiếc sơ mi và mấy bức họa nhỏ cuộn quanh một đoạn cán chổi, thêm nữa số thực phẩm. Những gì còn lại, đành phải bỏ.
Trong thành phố, có hơn một phụ nữ cậu thấy nên đến tạm biệt. Mới hôm qua đây cậu còn nằm ngủ bên một cô trong số đó, không hề chia xẻ với cô ta các dự định của mình. Khi người ta muốn đi lang thang thì hẳn phải như thế. Không thể quá lưu tâm và vướng bận. Cậu không chào từ biệt ai ngoài những người chủ nhà. Vào chiều tối, cậu đã gặp họ để hôm sau có thể lên đường sớm.
Tuy vậy, vừa sáng cậu muốn rời ngôi nhà trọ không gây ra một tiếng động nào thì có một người đứng chờ sẵn, mời cậu ăn cháo sữa ở gian bếp. Đó là con bé gái trong nhà mới mười lăm tuổi, một đứa trẻ dịu dàng và hay đau ốm, có đôi mắt đẹp nhưng chân có tật nên đi khập khễnh. Con bé tên là Marie. Với bộ mặt mất ngủ và xanh xao, nhưng áo quần và đầu tóc tươm tất, nó mời cậu uống sữa nóng và ăn bánh mì, và dường như nó rất buồn về việc cậu ra đi. Goldmund cảm ơn cô bé. Khi rời chân và đặt lên đôi môi cô bé một nụ hôn trắc ẩn. Marie nhận nụ hôn một cách sùng kính, mắt nhắm nghiền.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.