Narcisse Và Goldmund

CHƯƠNG 17



Ơn Chúa Jésus-Christ, cha nói trong khi đặt cây đèn trên bàn. Goldmund lâm râm đọc bài hát lễ, mắt nhìn xuống đất.
Vị linh mục giữ yên lặng. Cha chờ đợi, không lên tiếng. Lo lắng, Goldmund hướng về người ngồi trước mặt mình một cái nhìn dò hỏi.
Cậu nhận biết, trong lòng rất ngượng ngùng; người ấy không chỉ mặc trang phục các cha ở Mariabronn mà còn mang huy hiệu tu viện trưởng.
Bấy giờ cậu nhìn mặt vị tu viện trưởng, một gương mặt gầy gò, với những nét rõ và sáng sủa, đôi môi rất mỏng. Một gương mặt cậu đã quen biết. Như dưới tác dụng một bùa mê, Goldmund nhìn diện mạo ấy trong một cốt cách thuần của trí tuệ và ý chí. Với một bàn tay lưỡng lự, cậu cầm cây đèn nâng lên cao và đưa lại gần mặt vị khách để có thể phân biệt rõ trong đôi mắt. Cậu nhìn thấy, và cây đèn run rẩy trong bàn tay khi cậu đặt nó xuống mặt bàn.
“Narcisse!” Cậu thầm thì, giọng nói như gió thoảng. Tất cả quay tròn quanh cậu.
– Goldmund, đúng, tôi trước đây là Narcisse. Nhưng đã rất lâu, tôi không mang tên ấy nữa. Chắc hẳn bạn đã quên. Từ khi là tu sĩ, tôi mang tên Jean.
Goldmund cảm động tận đáy lòng, cả trần gian bỗng biến đổi, và sự sụp đổ bất ngờ sau cơn căng thẳng suýt làm cậu nghẹt thở, cậu run rẩy, cảm giác chóng mặt ụp xuống đầu cậu vốn đã trở nên như một chiếc bong bóng trống rỗng, bụng cậu co thắt từng hồi. Cậu cảm thấy nóng bỏng, ở mắt tưởng như một cơn khóc nấc sắp bùng ra. Thổn thức, đổ sập trong nước mắt giàn giụa và ngất xỉu, đó là ước vọng của cả người cậu trong lúc này.
Nhưng từ sâu thẳm các ký ức tuổi trẻ do sự có mặt của Narcisse, đã dâng trào lên trong tâm tư cậu một niềm khích lệ: Còn là trẻ con có lần cậu đã khóc, đã đổ sụp trước gương mặt trang nhã và nghiêm khắc ấy, trước con mắt rầu rĩ ấy vốn khong có gì thoát khỏi được. Điều đó hẳn không nên tái diễn. Này đây vào lúc kỳ lạ nhất trong cuộc sống của cậu, Narcisse, anh bạn ấy lại xuất hiện như một bóng ma, chắc chắn để cứu mạng cậu. Và lại một lần nữa, cậu sẽ khóc nấc trước anh, và ngất xỉu! Không, không, và không. Cậu chế ngự. Cậu chỉnh trị trái tim mình. Cậu làm chủ cơ thể mình, đuổi cơn choáng váng ra khỏi đầu óc. Cậu không có quyền vào lúc này bộc lộ bất cứ chút yếu đuối nào.
Với một giọng đạt đến tự chủ, cậu nói:
– Bạn cần phải cho phép tôi được tiếp tục gọi bạn là Narcisse.
– Bạn thân mến xin cứ gọi tôi như thế… Bạn không muốn bắt tay tôi sao?
Goldmund lại tự kiềm chế.
Với giọng nói yêng hùng thời thơ ấu và hơi giễu cợt như đôi khi hồi còn đi học, pha chút lạnh lùng và chán chường, cậu đáp:
– Narcisse, thứ lỗi cho tôi. Bạn đã trở thành tu viện trưởng, tôi thấy đó. Nhưng tôi, tôi vẫn là một kẻ lang thang. Cuộc nói chuyện này của chúng ta, tôi thiết tha mong muốn, tiếc thay không thể kéo dài. Bởi vì Narcisse ạ, như bạn đã biết tôi bị xử giảo; trong vòng một tiếng đồng hồ nữa hoặc không đến, chắc hẳn tôi sẽ bị treo cổ. Tôi nói với bạn điều đó chỉ để bạn biết tình hình.
Narcisse vẫn không động đậy. Chút ít tính trẻ con và huênh hoang biểu hiện trong thái độ của cậu bạn khiến anh thấy buồn cười và cũng làm anh xúc động. Nhưng tính tự trọng đang ẩn náu ngăn cản Goldmund ôm chầm bạn và khóc trong lòng bạn, anh hiểu và tán thành từ thâm tâm mình. Hiển nhiên bản thân anh đã tưởng trông thấy lại bạn một cách khác nhưng trong thâm tâm, anh đồng tình đóng vở hài kịch nhỏ ấy.
Không gì có thể làm cho Goldmund tìm thấy lại nhanh hơn vị trí của mình trong tim anh.
– Quả thật, – anh vẫn ra vẻ lạnh lùng – vả chăng về chuyện giá treo cổ, tôi có thể nói để bạn yên tâm. Người ta tha thứ cho bạn. Tôi có nhiệm vụ báo tin cho bạn và đưa bạn đi. Bởi lẽ không được phép để bạn ở lại đây trong thành phố. Vậy là chúng ta sẽ có thì giờ để người này kể cho người kia nghe nhiều chuyện. Nhưng bạn nghĩ sao? Bây giờ bạn có muốn bắt tay tôi không?
Họ bắt tay nhau, họ giữ lâu tay người này trong tay người kia, cùng siết chặt, hai bên đều cảm động, nhưng trong giọng nói của họ, vở hài kịch vẫn còn tiếp tục ít lâu nữa.
– Narcisse, được rồi. Vậy tôi sẽ rời khỏi nơi trú chân này vốn chẳng lấy gì làm vinh dự cho lắm, và tôi sẽ theo chân anh. Có phải anh trở về Mariabronn? Đúng phải không? Rất tốt. Và đi thế nào đây? Đi ngựa chăng? Hay lắm! Vậy thì cũng cần tìm cho tôi một con ngựa.
– Bạn thân mến, chúng ta sẽ tìm được ngựa. Vài giờ nữa, không chậm hơn, chúng ta sẽ ra về. Ôi! Nhưng hai tay bạn làm sao thế? Chúa tôi! Trầy trụa khắp và sưng húp! Máu me đầy! Ôi! Goldmund, người ta đối xử với bạn thế ư?
– Narcisse, đừng nói chuyện ấy nữa. Chính tôi đã làm cho hai bàn tay tôi ra thế đó. Tôi bị trói. Phải tìm cách tẩu thoát. Không chút dễ dàng, tôi có thể nói với bạn như vậy. Vả chăng về phía bạn, đã đến đay với tôi mà không có người tháp tùng thì thật là dũng cảm.
– Sao lại dũng cảm? Chẳng có tí gì nguy hiểm cả.
– Ôi chao! Chỉ thiếu điều bị tôi phang cho. Quả thực tôi định ra tay, mong giải quyết được việc. Chẳng là người ta báo với tôi: Một vị linh mục sẽ đến. Lẽ tôi đã giết chết y và lấy áo quần để cải trang rồi trốn thoát. Kế hoạch đã dự tính trong tồi.
– Té ra bạn không muốn chết, bạn muốn tự vệ?
– Hẳn rồi, tôi muốn thế. Mà vị linh mục ấy đúng là anh thì dù sao, tôi không thể nào giả định được.
– Đương nhiên, – Narcisse nói, hơi do dư, – đó là một kế hoạch kinh khủng. Có thực là bạn có thể giết hại một linh mục đến với bạn để nhận xưng tội sao?
– Narcisse, không phải với bạn. Với bạn thì dĩ nhiên không. Và có lẽ tôi không đập chết một trong các linh mục của bạn nếu ông ấy mặc trang phục của Mariabronn. Nhưng không phải thế thì chắc chắn, có chuyện xảy ra.
Bỗng nhiên giọng nói của cậu trở nên ủ rũ và buồn bã.
“Và đó không phải là người đầu tiên tôi đã giết hại!”
Họ lặng thinh. Cả hai đều cảm thấy tim mình thắt lại.
– Chúng ta sẽ nói chuyện ấy sau. – Narcisse bảo, không để lộ trong giọng mình sự xúc động. – Bạn có thể sẽ xưng tội với tôi khi nào bạn muốn. Hoặc bạn có thể chỉ cho tôi nghe về cuộc sống của bạn, thế thôi. Về phần mình, tôi cũng có những chuyện để kể với bạn. Tôi lấy làm vui về việc ấy. Chúng ta đi chứ?
– Narcisse, hãy hượm. Tôi sực nhớ ra có một lần, tôi đã đặt tên Jean cho anh.
– Tôi không hiểu.
– Đương nhiên. Anh chưa biết đâu. Nhiều năm trước đây, một lần tôi đã tặng anh tên của tông đồ Jean, và cái tên ấy còn mãi với anh. Sự thực, trước đây, tôi đã là người tạc tượng, và nhà điêu khắc, và tôi nghĩ sẽ lại làm công việc ấy. Bấy giờ pho tượng đẹp nhất tôi đã làm, một chàng trai bằng gỗ, to bằng thật, đó là chân dung anh, chỉ có điều nó không mang tên Narcisse mà Jean. Một tông đồ Jean dưới cây thánh giá.
Cậu đứng lên, đi ra phía cửa.
– Như vậy, bạn còn nghĩ đến tôi. – Narcisse nói nhỏ giọng.
Cũng nhỏ giọng, Goldmund đáp lại:
– Ôi! Vâng, Narcisse ạ, tôi đã nghĩ đến anh, luôn luôn, mãi mãi.
Cố mạnh tay, cậu đẩy cánh cửa nặng; ánh sáng nhạt buổi sáng tràn vào. Họ không nói gì nữa. Narcisse đón cậu đến phòng khách tạm trú. Một tu sĩ trẻ cùng đi với Narcisse lo chuẩn bị hành lý. Người ta đem cho cậu ăn, rửa và băng hai bàn tay cho cậu. Không lâu mấy, ngựa được dắt đến.
Lên ngựa, Goldmund ngõ ý:
– Tôi còn có việc này muốn nói. Chúng ta đi đường ngang qua chợ cá. Tôi có việc cần làm ở đó.
Họ lên đường; Goldmund đưa mắt nhìn về phía các cửa sổ tòa lâu đài xem Agnès có đứng ở một trong các nơi ấy không. Các con ngựa của họ đi qua chợ. Marie rất lo cho cậu. Goldmund từ biệt Marie và bố mẹ em, cảm ơn họ nhiều và hứa sẽ có dịp đến thăm, rồi lại lên đường. Marie đứng ở cửa trông theo cho đến lúc các kỵ sĩ đi khuất hẳn. Từ từ, em bước khập khễnh vào nhà.
Cả bốn người đều đi ngựa: Narcisse, Goldmund, tu sĩ trẻ tuổi và người giám mã có vũ trang.
– Anh còn nhớ con ngựa Bless của tôi ở trong chuồng tu viện chúng ta? – Goldmund hỏi.
– Nhất định rồi. Bạn sẽ không gặp lại nữa đâu, và chắc hẳn bạn cũng không chờ gặp lại nó. Cách đây bảy hay tám năm, chúng tôi buộc phải hạ nó.
– Thế mà anh vẫn nhớ chuyện đó!
– Ôi, vâng, tôi vẫn nhớ.
Goldmund không buồn về cái chết của chú ngựa bé bỏng Bless; cậu vui lòng về điều Narcisse biết rất rõ những gì có quan hệ đến Bless, chứ bản thân anh ít quan tâm đến các súc vật vì chắc chắn không biết tên một con ngựa nào khác ở tu viện.
– Anh sẽ cười tôi, – cậu nói tiếp, – bởi vì hỏi thăm về tu viện của bạn mà đầu tiên tôi muốn biết về chú ngựa đáng thương. Về phần tôi, thế là không phải. Lẽ ra tôi phải nêu các câu hỏi khác, trước hết đối với tu viện trưởng Daniel của chúng ta. Nhưng tôi có thể nghĩ là cụ đã qua đời: có phải bạn là người kế tục? Thực ra tôi muốn tránh bắt đầu hỏi ngay về cái chết. Lúc này tôi không muốn nghe đến chết chóc, bởi lẽ tôi vừa trải qua đêm rồi và cũng vì nạn dịch hạch với bao chuyện khủng khiếp hằng ngày. Nay thì chúng ta đã đến đây và cần phải về tới nơi. Bạn hãy cho tôi được biết tu viện trưởng Daniel chết bao giờ và thế nào. Tôi kính trọng cụ. Và cũng cho tôi hay cha Anselme và cha Martin có còn sống trên đời? Tôi cứ chờ đợi toàn những tin xấu. Nhưng bởi vì, ít ra vơi bạn, nạn dịch hạch đã chừa bạn, tôi rất vui. Không bao giờ tôi nghĩ là bạn có thể chết, tôi luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ gặp lại; nhưng cảm giác có thể đánh lừa người ta. Thầy dạy tôi, nhà điêu khắc chân dung Niklaus, tôi không thể hình dung là ông đã chết; tôi hoàn toàn trông mong gặp lại thầy và lại làm việc tại nhà ông, vậy mà tôi về lại thì thầy đã ra đi.
– Không có gì nhiều lắm để kể. – Narcisse nói.- Tu viện trưởng Daniel đã về với Chúa cách đây tám năm, không đau ốm, không đau đớn. Tôi không phải là người kế tục ngay ông cụ, tôi mới làm tu viện trưởng một năm nay. Chính cha Martin, người từng trông nom việc học hành của chúng ta, đã thay thế ông cụ. Năm ngoái, cha Martin cũng ra đi, gần bảy mươi tuổi. Và cha Anselme cũng không còn, ông rất thương bạn, thường nhắc tới bạn. Vừa rồi, ông không đi lại được nữa, cứ phải nằm đối với ông là một nhục hình; ông mất vì bệnh phù thũng.
Còn nạn dịch hạch cũng đã xảy ra ở chỗ chúng tôi, chắc chắn đã mang đi nhiều người. Chúng ta đừng nói đến chuyện ấy. Bạn còn có điều chi hỏi tôi nữa không?
– Hẳn là còn nhiều chuyện. Trước hết, trước hết làm sao mà bạn đến đây, ở thành phố tòa giám mục và nhà viên khâm sai?
– Đây là câu chuyện dài, nó sẽ làm cho bạn chán: Chuyện về chính trị – Bá tước là một sủng thần của hoàng đế, toàn quyền trong nhiều vấn đề. Thế mà lúc này giữa hoàng đế và dòng của chúng ta có nhiều khó khăn cần được san bằng. Nhà dòng cử tôi tham gia một đoàn đại biểu để thương lượng với ông ấy. Sự thành công mong manh lắm.
Narcisse ngừng nói, Goldmund cũng không hỏi nữa. Cậu không muốn biết, chứ cả đêm thương lượng, Narcisse đã phải có vài điều nhân nhượng, trả giá với lão bá tước để xin ân xá cho cậu, lão găng lắm.
Trên mình ngựa, cậu chóng thấy mệt mỏi, khó ngồi kéo dài.
Hồi lâu, Narcisse hỏi:
– Vậy có đúng là bạn bị bắt vì tội lấy trộm không?
Goldmund cười:
– Tôi có vẻ thế thật. Nhưng đấy là một cuộc hẹn hò với người tình của lão bá tước. Không nghi ngờ gì, bản thân y biết chuyện ấy. Tôi rất ngạc nhiên là dù sao lão đã để cho tôi đi…
– Úi chà! Y không phải quá cố chấp đâu.
Họ không đi hết được chặng đường đã dự tính; Goldmund kiệt sức, hai bàn tay không cầm nổi dây cương. Họ dừng lại ở một ngôi làng, người ta đưa cậu vào giường, hơi bị sốt, hôm sau, cậu còn nghỉ lại ở đó rồi mới lại lên đường. Khi hai bàn tay đã đỡ, cậu rất thích ngồi trên mình ngựa trong cuộc đi ấy. Đã lâu lắm, cậu không có dịp đi ngựa. Trở lại với cuộc sống cậu lấy lại sức trẻ và tính hoạt bát. Đôi lúc, trên một đoạn đuờng, cậu đua với chú giám mã; những lúc tâm tình ứ tràn, thiếu kiên nhẫn cậu dồn dập hỏi Narcisse hàng nghìn những chuyện này chuyện khác. Anh bạn đáp bình tĩnh, vui vẻ, trở lại hoàn toàn cuốn hút theo; anh thích các câu hỏi của bạn, thẳng thắn, tin tưởng vô hạn vào trí tuệ và khả năng minh triết của người cùng đàm đạo.
– Narcisse, nói cho tôi rõ đi; anh nữa, có bao giờ anh thiêu đốt những người Do Thái không?
– Thiêu đốt người Do Thái? Sao chúng ta lại làm thế? Vả chăng ở đây không có người Do Thái.
– Quả thế. Nhưng cho tôi biết ý kiến, anh có thể thiêu đốt người Do Thai không? Anh có tưởng tượng được sao lại có thể như vậy?
– Không. Mắc mớ gì tôi làm điều đó? Bạn cho tôi là một kẻ cuồng tín sao?
– Narcisse, hiểu cho đúng điều tôi muốn nói. Liệu trong một trường hợp nào đó, anh có thể tưởng tượng là anh ra lệnh giết hại những người Do Thái, hoặc chí ít anh tán thành việc đó? Có bao nhiêu là công tước, thị trưởng, giám mục và người cầm quyền khác đã ra những lệnh như vậy.
– Tôi không bao giờ ra lệnh kiểu ấy.
Trái lại, người ta có thể tưởng tượng đến trường hợp tôi buộc phải tham dự những vụ tàn bạo như vậy và phải đành chịu đựng.
– Bấy giờ anh chịu đựng?
Hẳn rồi, nếu như tôi không có được quyền năng để ngăn cản. Goldmund hẳn đã có lần bạn trông thấy đốt thiêu những người Do Thái?
– Ôi! Vâng.
– Vậy thì, bạn có ngăn cản không? Không hả? Bạn thấy đó.
Goldmund sôi nổi, say sưa kể lại cả câu chuyện về Rébecca. Tức tối, cậu kết luận:
– Chao ôi! Bạn nghĩ thế nào về cái thế gian chúng ta phải sống này? Là một địa ngục, phải không? Có bỉ ổi và đáng nổi dậy chống lại không?
– Quả vậy. Thế gian này thế đó.
– Thế đó! – Goldmund giận dữ thét to. – Và trước đây đã nhiều lần anh quả quyết rằng thế gian là thiêng liêng, rằng nó là sự hòa hợp bao la của những hình cầu mà ở trung tâm, tạo hóa ngồi ngự, rằng tất cả những gì tồn tại đều tốt lành. Anh cho rằng ý ấy trích trong sách của Aristote hoặc thánh Homas. Hiếu kỳ tôi muốn nghe anh giải thích điều mâu thuẫn ấy!
Narcisse mỉm cười:
– Trí nhớ của bạn thật tuyệt vời, tuy vậy nó có hơi đánh lừa bạn. Tôi luôn tôn kính nói lên sự hoàn thiện của tạo hóa, nhưng tôi không bao giờ ca ngợi tính hoàn thiện của sự sáng tạo. Tôi không hề phủ nhận mặt xấu trong thế gian. Bạn thân yêu, chưa bao giờ một nhà tư tưởng đích thực lại cho rằng cuộc sống trên mặt đất diễn ra trong hòa hợp và công bằng, cũng như con người là chí thiện. Trái lại, trong Kinh thánh đã viết rõ ràng: Trong các mộng ước và khát vọng, trái tim con người xấu xa, và hằng ngày chúng ta có chứng cớ về điều đó.
– Rất đúng. Rốt cuộc tôi hiểu anh đã quan niệm vấn đề ấy thế nào. Thế đó con người độc ác và cuộc sống trên mặt đất này bỉ ổi, là những gì nhớp nhúa, tệ hại như anh đã đồng tình. Nhưng đằng sau tất cả những chuyện ấy, trong các chuyên luận của anh ở đâu đó vẫn có một nền công bằng, một sự hoàn hảo. Có tồn tại cái điều thiện, người ta có thể chứng minh sự thật ấy, chỉ có điều người ta không hề thấy chúng đi vào thực tế.
– Đối với các nhà thần học chúng tôi, bạn thân mến, bạn luôn giữ một nỗi hiềm thù dai dẳng! Nhưng bạn vẫn không trở thành một nhà tư tưởng, bạn lẫn lộn tất cả. Còn những điều nho nhỏ để ban học. Tại sao bạn lại bảo rằng chúng tôi chẳng hề sử dụng ý tưởng về công lý? Có ngày nào, giờ nào chúng tôi không đem thực hành ý tưởng ấy? Thí dụ, bản thân tôi là tu viện trưởng, tôi điều khiển một tu viện; và trong tu viện ấy cuộc sống cũng ít hoàn hảo và không phải không có tội lỗi như ở thế giới bên ngoài. Vì thế, chúng tôi luôn luôn và không ngừng rèn luyện tư tưởng về Công lý chống lại toi lỗi nguyên lai; theo thước đo ấy, chúng tôi tìm tòi phê phán cuộc sống chưa được hoàn hảo của chúng tôi, sửa chữa điều sai trái và thiết lập cuộc sống của chúng tôi một mối liên hệ thường trực với Chúa.
– Đương nhiên rồi, Narcisse ạ. Không phải tôi buộc tội anh, và tôi không muốn nói anh không phải là một tu viện trưởng tốt. Nhưng tôi nghĩ đến Rébecca, đến những người Do Thái mà người ta thiêu đốt ở các hố chung, đến tất ca những người ấy đã chết hàng đống, đến các đường phố và các ngôi nhà đầy rẫy và hôi thối những xác người chết vì dịch tả, đến các cảnh tượng thê lương và cùng khắp ấy, đến các trẻ em bị bỏ rơi một mình nằm đó, đến những con chó chết hàng loạt. Và khi tôi nghĩ đến tất cả điều ấy, gợi lên một hình ảnh ấy, lòng tôi thấy xốn sang, và đối với tôi dường như mẹ chúng ta đã sinh ra chúng ta trong một thế giới tàn ác và quỉ quái đến tuyệt vọng, và lẽ ra tốt hơn các bà mẹ đừng cho chúng ta ra đời, tốt hơn Chúa đừng tạo lập cái thế gian hãi hùng này, Chúa cứu thế đừng để đóng đinh vì Người trên thánh giá.
Khoan dung, Narcisse đồng tình với bạn; anh nói, giọng nhiệt thành:
– Bạn hoàn toàn đúng. Hãy nói cho hết ý của bạn; đừng có giữ lại điều gì. Không nói với tôi. Nhưng có một điểm bạn rất nhầm: Những gì bạn diễn đạt, bạn cho đó là các tư duy, là những tình cảm! Đó là những tình cảm của một con người day dứt trước các cảnh ghê rợn trong cuộc sống. Có điều đừng quên là cùng với các tình cảm buồn bã và thất vọng ấy, có những tình cảm khác đối lập lại. Khi bạn thấy thoải mái trên mình ngựa và khi bạn cưỡi ngựa đi qua một quang cảnh đẹp, hoặc khi – với sự nhẹ dạ không thể chối cãi được- bạn lẻn vào tòa lâu đài để ve vãn người tình của ngài bá tước, bấy giờ thế gian xuất hiện với bạn dưới một vẻ hoàn toàn khác, và mọi người Do Thái, mọi dàn hỏa thiêu trên thế gian đều không thể cản trở bạn tìm thú vui. Có phải thế không?
– Hẳn rồi, thế đó. Bởi vì ở đâu cũng đầy rẫy sự chết chóc và khủng khiếp nên tôi không ngớt tìm để được an ủi và để hái những bông hoa đẹp vốn mọc lên giữa địa ngục. Tôi hưởng thú vui và tôi quên đi nỗi ghê tởm trong một vài giờ đồng hồ.
– Bạn đã tìm ra được ở đó một công thức tuyệt vời. Như vậy bạn cảm thấy bị vây hãm bởi các nỗi ghê tởm trong thực tại, và bạn ẩn náu trong thú vui. Nhưng thú vui qua đi nhanh, sau đó bỏ mặc bạn trong buồn đau.
– Vâng, đúng thế.
– Đó là chuyện xảy ra với nhiều người. Tuy nhiên, không mấy người cảm nhận điều đó với sức mạnh và cường độ giống như bạn, và cũng ít người cảm thấy cần phải ý thức về chuyện ấy. Nhưng bạn hãy nói với tôi, ngoài trò chơi bập bênh ấy giữa thú vui sống và xúc cảm về sự chết chóc bạn có còn thử tìm ra con đường nào khác không?
– Có chứ, đương nhiên. Tôi đã làm một thí nghiệm với nghệ thuật. Tôi có nói với anh việc này rồi. Giữa chuyện này chuyện khác, tôi đã trở thành nghệ sĩ. Một hôm, có lẽ ba năm sau khi tôi xa anh để đi đó đây trong thiên hạ, gần ba năm tròn trên các neo đường, tại ngôi nhà thờ của một tu viện, tôi gặp một pho tượng gỗ về Đức mẹ Đồng Trinh. Pho tượng rất đẹp, cảm động bao nhiêu trước vẻ ngoài ấy, tôi đã hỏi tên nhà điêu khắc và đi tìm gặp. Tôi đã gặp, ông là một thầy giáo nổi tiếng; tôi trở thành học trò của ông, và đã làm việc mấy năm bên ông.
– Bạn sẽ kể lại chuyện này chi tiết hơn. Nhưng nghệ thuật đã đem lại gì cho bạn, có ý nghĩa gì đối với bạn?
– Sự chiến thắng đối với cuộc sống trôi mau; tôi nhận ra rằng từ trò hề cuộc khiêu vũ chết chóc của đời sống con người, có ở đó một sự vật còn tồn tại, còn sống mãi; Công trình nghệ thuật. Một ngày nào đó, công trình nghệ thuật rồi cũng sẽ tiêu vong, bị đốt cháy, hư hỏng, vỡ nát. Nhưng dù sao, nó vẫn còn sống dài lâu hơn các cuộc sống con người; và vượt xa thời điểm đang diễn ra nó tạo nên một lĩnh vực yên bình của những hình ảnh và các đồ vật thiêng liêng. – Đối với tôi, dường như nghệ thuật là tốt lành, công việc ấy đem lại nguồn an ủi, bởi vì hầu như nó đem đối chiếu các sự vật thoáng qua với sự vĩnh hằng.
– Goldmund, tôi rất sung sướng về hướng đi ấy của bạn, và hy vọng bạn còn làm thêm nhiều pho tượng đẹp. Tôi tin tưởng trọn vẹn vào tài năng của bạn và hy vọng bạn sẽ là khách lâu dài của tôi ở Mariabronn. Và bạn sẽ cho phép tôi thiết lập một nhà xưởng; đã lâu lắm tu viện chúng ta không có nhà nghệ sĩ nào. Nhưng tôi tin rằng sự xác định của bạn không làm cạn kiệt những gì kỳ diệu trong nghệ thuật. Tôi tin rằng vai trò của nghệ thuật không chỉ bứt các sinh vật thực ra khỏi cái chết bằng các chất liệu đá, gỗ hoặc các sắc màu và đem cho chúng một thời gian lâu dài hơn. Tôi đã xem nhiều tác phẩm nghệ thuật: Tượng các thánh, Đức Mẹ Đồng Trinh, đối với tôi vốn dường như không phải chỉ là những phiên bản giản đơn của một cá nhân nào đó đã có ngày từng sống, và trên các hình thù của các tác phẩm ấy, các màu sắc đã được nhà nghệ sĩ ban phép hồi sinh.
– Anh nói đúng! – Goldmund thốt, hưng phấn và sôi nổi. – Tôi không nghĩ là bạn hiểu biết nghệ thuật thông thạo đến thế. Cái nhìn đầu tiên thành hình trong một tác phẩm nghệ thuật đẹp không phải là một người thực tại, sống động, người ấy chỉ có thể làm đề tài cho tác phẩm. Cái nhìn đầu tiên không phải là thịt và máu, nó là tinh thần, nó nằm trong tâm hồn nghệ sĩ. Narcisse, tôi cũng vậy, tôi mang trong tâm hồn tôi những cái nhìn thế, tôi hy vọng biểu hiện chúng và có ngày giới thiệu để bạn xem.
– Thực là huy hoàng! Bạn than mến, bây giờ thì đó, không hay biết bạn đã tự đặt mình vào môi trường triết học, và bạn đã biểu đạt một trong các điều bí ẩn của nó.
– Anh chế giễu tôi!
– Không đâu. Bạn đã nói về những cái nhìn đầu tiên, vậy các hình ảnh ấy chỉ tồn tại ở đâu đó trong tinh thần sáng tạo, nhưng có thể được thực hiện trong vật chất và làm cho có thể trông thấy được. Một thời gian lâu trước khi một hình ảnh nghệ thuật có thể được nhìn thấy và mang một thực tại, nó tồn tại trong tâm hồn của nghệ sĩ. Hình ảnh đầu tiên ấy gọi là một “ý tưởng”.
– Narcisse, tôi không hề nghi ngờ điều đó.
– Và bằng cach thừa nhận các ý tưởng và các cái nhìn đầu tiên, này đây bạn ở trong thế giới tinh thần, trong thế giới của chúng tôi, các nhà triết học và thần học, và bạn nhận sự có mặt của tinh thần sáng tạo giữa trường chiến đấu của cuộc sống, hằng gây bối rối và đau đớn giữa cuộc khiêu vũ chết chóc ấy vốn không có mục tiêu, không có ý nghĩa của cuộc sống thực tế. Vậy bạn hãy nhìn xem, chính tinh thần ấy đang có ở bạn, và tôi luôn kêu gọi tinh thần ấy từ khi còn là trẻ con, bạn đến với tôi. Ở bạn, tinh thần ấy không phải là của một nhà tư tưởng mà của một nghệ sĩ. Nhưng nó là tinh thần và nó chỉ ra cho bạn con đường đưa bạn ra khỏi trạng tình trạng lẫn lộn buồn tẻ của thế giới các giác quan, ra ngoài sự kế tiếp nhau không ngớt của thú vui và niềm thất vọng. Ôi! Tôi sung sướng bao nhiêu được nghe bạn noi ra lời thú nhận ấy! Tôi chờ đợi điều ấy từ những ngày xa xôi bạn rời thầy giáo Narcisse của bạn và tìm ra lòng dũng cảm để là bản thân mình. Bây giờ chúng ta có thể lại là những người bạn thân.
Lúc ấy, đối với Goldmund dường như cuộc sống của cậu mang một ý nghĩa, như thể nhìn từ trên cao, cậu phân biệt rõ ràng nó chia làm ba giai đoạn lớn: Phục tùng Narcisse và tìm sự giải phóng – thời kỳ tự do và đi lang thang – trở về chỗ trú, trở lại với bản thân mình, cho đến tận cái cõi sâu thẳm của tâm hồn, bắt đầu trạng thái chín muồi và thời kỳ gặt hái.
Cái nhìn ấy tan biến, nhưng nay cậu tìm được cung điện phù hợp với các quan hệ của mình với Narcisse, nay các quan hệ ấy được thiết lập trong tự do, có qua có lại, không còn trong sự thấp kém nữa. Từ nay, cậu có thể tiếp nhận không hạ mình sự đối đãi ân cần của con người tài trí bậc cao ấy, bởi vì anh bạn đã thừa nhận cậu là người ngang hàng của mình, một nhà sáng tạo. Trong cuộc đi ấy, cậu vui mừng và càng nóng lòng muốn bộc lộ với anh bạn muốn bày tỏ với bạn bằng các hình ảnh cái thế giới đang sống ở bạn. Nhưng đôi khi cậu có những mặc cảm, và cậu nói để anh bạn đề phòng.
– Narcisse, tôi sợ là anh chưa hiểu đúng con người mà anh đưa vào tu viện của anh. Tôi không phải là một tu sĩ và tôi không muốn trở thành tu sĩ. Tôi biết ba điều ước muốn lớn của anh: Về cái nghèo thì tôi hoàn toàn đồng ý, nhưng tôi không thích sự trong trắng cũng như vâng lời. Đó là những phẩm hạnh theo tôi không có tính cách đàn ông. Ở tôi không còn dấu vết của lòng mộ đạo; đã qua nhiều năm tôi không xưng tội, tôi không cầu nguyện, cũng không chịu lễ ban thánh thể.
Lời nói ấy không gây ấn tượng gì đối với Narcisse.
– Bạn có thể trở thành một người ngoại đạo. Nhưng điều đó không làm cho chúng tôi sợ. Bạn hoàn toàn không nên tư hào với các tội lỗi của mình. Bạn đã sống trên đời như mọi người khác. Như là đứa con thần đồng, bạn đã chăn lợn; bạn không biết nữa qui tắc và trật tự là gì. Chắc chắn bạn sẽ làm một tu sĩ rất tồi… Nhưng tôi không hề mời bạn gia nhập dòng tu chúng tôi; tôi chỉ mời bạn làm khách của tôi và để tôi lập cho bạn một xưởng điêu khắc trong khuôn viên chúng ta. Còn điều này nữa: Bạn đừng quên là trong những năm tuổi trẻ của chúng ta, chính tôi đã đánh thức bạn và hướng bạn ra đi sống cuộc sống với thiên hạ. Chính tôi, đồng thời cả bản thân bạn nữa, chịu trách nhiệm về những gì bạn đã trưởng thành về mặt tốt cũng như mặt xấu. Tôi muốn biết những gì đã xảy ra. Ở bạn; bạn sẽ giới thiệu cho tôi hay qua các lời nói, trong cuộc sống, trong các tác phẩm của bạn. Khi bạn đã nói ra, nếu tôi thấy bạn không có chỗ đứng của bạn trong nhà chúng tôi, tôi sẽ là người đầu tiên mời bạn đi khỏi nhà.
Goldmund luôn đầy lòng mến mộ khi anh bạn nói thế, khi anh giữ vai trò tu viện trưởng với một thái độ tự tin trầm tĩnh với một thoáng xem nhẹ những người thế tục và cuộc sống thế tục, bởi lẽ bây giờ cậu biết Narcisse đã trở nên ra sao: Một nhân vật, một nhà tư tưởng và một nhà tôn giáo với hai bàn tay trìu mến, với bộ mặt nhà thông thái, một người tự tin và dũng cảm, một thủ lĩnh đầy trách nhiệm. Con người ấy không phải là anh chàng đang lớn lên trước đây, không còn nữa là vị tông đồ Jean hiền từ nhất chỉ hướng vào cuoc sống nội tâm. Anh bạn Narcisse mới ấy, vị hiệp sĩ ấy, rất đàn ông, cậu muốn nặn tượng anh, Narcisse, nặn tượng tu viện trưởng Daniel, cha Anselme, thầy Niklaus, cô Rébecca xinh đẹp, người đẹp Agnès và bao nhiêu người khác nữa, bạn bè hoặc kình địch, còn sống hoặc đã chết! Không đâu, cậu không muốn gia nhập dòng tu, cậu cũng không mong ước làm một tu sĩ mộ đạo cũng như làm một tu sĩ bác học. Cậu muốn thực hiện nhiệm vụ sáng tạo của mình và vui mừng gặp lại ngôi nhà xưa thời tuổi trẻ cũng là nơi cậu sẽ cho ra đời tác phẩm của mình.
Họ dong ngựa trong bầu không khí mát dịu tiết thu muộn; và một hôm vào sáng sớm, cây cối choàng một lớp áo tuyết trắng, họ tìm thấy lại một vùng đất rộng tít tắp đến tận chân trời, mấp mô lượn sóng xen với các khu vực đầm lầy hoang hóa màu đỏ nhạt, và những dãy chỏm đồi quen thuộc từ lâu làm gợi nhớ lại nhiều kỷ niệm.
Một cánh rừng tần bì cao vun vút, một con suối, một nhà kho cũ kỹ hiện ra; Goldmund nhìn thấy lại, trong lòng xốn xang, có cả mừng vui và sốt ruột. Cậu nhận ra các ngọn đồi ngày trước cậu đã cùng Lydia, con gái vị hiệp sĩ, sóng đôi lững thững trên mình ngựa, và xót xa nhận ra vùng đồng đất xưa kia cậu đã băng qua khi bị trục xuất giữa những nụ tuyết rải rác. Đây lại nổi lên các khóm cây tống quán sủi, chiếc cối xay gió và tòa lâu đài; lòng se lại với chút niềm vui, cậu phát hiện ra các khung cửa sổ của phòng làm việc, nơi trước đây trong thời tuổi trẻ huyền thoại của mình, cậu đã phải ngồi nghe kể về các chuyến hành hương của vị hiệp sĩ và giúp hiệu đính bản văn tiếng Latinh của ông ta. Đoàn ngựa của họ bước vào sân: Đây là một đoạn đường đã dự tính trước. Goldmund yêu cầu tu viện trưởng đừng gọi tên mình, và để cho cậu dùng bữa với chú giám mã cùng các gia nhân. Cách sắp xếp ấy liền được đồng ý. Không còn nữa vị hiệp sĩ và nàng Lydia, nhưng vẫn còn một số thợ săn, mấy gia nhân; và trong nhà, Julie, bà chủ xinh đẹp, tự hào và kiêu sa vẫn hằng sinh sống và ngự trị bên cạnh đức ông chồng… Nàng luôn đẹp tuyệt vời, với nét sắc sảo vốn có, nàng cũng như đám đầy tớ đều không nhận ra Goldmund. Sau bữa ăn, lúc chập choạng tối, cậu lẻn ra vườn, liếc nhìn qua hàng rào, các bồn hoa đã cảm nhận sắc đông, đến cửa chuồng liền nhìn xem đàn ngựa. Cậu nằm ngủ trên ổ rơm với chú giám mã. Lòng trĩu nặng các kỷ niệm, cậu thức giấc nhiều lần. Cuộc sống phân tán và cằn cỗi mở ra sau lưng cậu, đầy những hình ảnh rạng rỡ nhưng vỡ vụn làm nhiều mảnh với giá trị bé nhỏ và nghèo nàn về tình yêu! Sáng ra, lúc lại ra đi, cậu đưa mắt nhìn lên các cửa sổ, lo lắng tự hỏi liệu mình có còn trông thấy Julie một lần nữa không. Cũng như cậu đã tìm trong sân tòa giám mục xem Agnès có xuất hiện một lần nữa không. Nàng đã không đến, Julie cũng không ra. Về phần cậu, cả đời dường như vẫn vậy:Những lần chia tay vĩnh biệt, trốn chạy, quên lãng, và cậu vẫn hai bàn tay trắng, con tim giá lạnh. Cả ngày, bị ám ảnh, chẳng nói lời nào, vẻ mat u buồn buông lơi trên mình ngựa, Narcisse để cậu yên trong tâm trạng ấy.
Nhưng nay họ đang gần tới đích: Qua mấy ngày, họ về đến nhà. Ít lâu trước khi hiện ra ngọn tháp và các mái nhà, họ rong ruổi qua khu đất bỏ hoang đầy đá, sỏi – Ôi! Ở đó đã lâu rồi, cha Anselme bảo Goldmund đến hái cỏ ban; và ở đó cô gái Tzigan Lise đã biến cậu thành đàn ông. Nay thì họ vượt qua cổng tu viện Mariabronn và xuống ngựa bên cây dẻ. Goldmund đưa bàn tay ây yếm sờ vào thân cây và cúi xuống trên một trong các mảnh vỡ có gai bung ra nằm rải rác trên mặt đất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.