Narcisse Và Goldmund

CHƯƠNG 18



Những ngày đầu, Goldmund ở ngay tại tu viện, trong một phòng riêng dành cho khách. Rồi theo yêu cầu của cậu, người ta bố trí để cậu ở phía trước lò rèn, ở một trong những gian nhà phụ bao quanh ngôi sân lớn không khác một bãi chợ.
Lần trở về này đối với cậu có một sức lôi cuốn rất mạnh, đôi lúc bản thân cậu cũng ngạc nhiên về điều đó. Ở đây không ai biết cậu ngoài tu viện trưởng, không người nào biết cậu là ai. Ở đây các thầy dòng cũng như những người ngoài giáo hội, mọi người đều sống có qui củ, ai cũng lo công việc của mình, họ để cậu sống yên bề. Nhưng các cây cối ở sân, các cánh cổng chính và các cửa sổ, cối xay gió và bánh xe của nó, các tấm đan ở các hành lang, các bụi hồng tàn tạ trên đường đi dạo, các tổ cò trên mái nhà kho lúa mì và nhà ăn thảy đều biết cậu. Ở mọi ngả đường vòng, hương vị của quá khứ và thời tuổi trẻ hiện ra với cậu bao dịu dàng và xúc động. Lòng đầy âu yếm, cậu muốn thăm lại tất cả, lắng tai nghe mọi âm thanh, các tiếng chuông chiều cũng như chuông hòa âm Chúa nhật, tiếng lách tách của chiếc cối xay gió ảm đạm giữa mấy bức tường hẹp rêu phong, tiếng các bước chân đi trên các tấm đan bằng đá, tiếng chùm chìa khóa va chạm leng keng, buổi tối khi thầy dòng gác cổng đi khóa cửa. Gần các đường mương bằng đá dẫn nước mưa từ mái nhà ăn đổ xuống, cũng những ngọn cỏ bé nhỏ, loại cây mỏ hạc vẫn sinh sôi nẩy nở; và cây táo già trong vườn lò rèn luôn vươn xa các cành quăn queo. Nhưng điều làm cho cậu xao xuyến hơn cả, đó là mỗi lần nghe chiếc chuông nhỏ của nhà trường báo giờ ra chơi, khi tất cả học sinh của tu viện kéo nhau đi xuống các bậc cấp để ra sân. Những gương mặt thơ trẻ, ngờ nghệch mới đáng yêu làm sao! Có thể như vậy không, trước đây cậu cũng trẻ dại, vụng về, dễ thương như thế?
Nhưng bên cạnh tu viện thân quen, cậu còn tìm thấy một tu viện khác hầu như cậu chưa biết. Ngay những ngày đầu tiên, nó đã bắt mắt cậu, mỗi lúc càng có ý nghĩa quan trọng và dần dần mới hòa trộn hai nơi.
Cậu phát hiện, cậu cảm nhận các quan hệ cân đối giữa các khối nhà, các mái vòm nhà thờ, các bức họa xưa cũ, các gương mặt bằng đá và bằng gỗ trên các bàn thờ, trong các hốc tường, mà mặc dù không thấy gì khác ngoài những cái đã có ở các vị trí này từ trước, nay cậu mới thu nhận vẻ đẹp và tinh thần đã sáng tạo ra chúng. Pho tượng xưa về Đức Mẹ Đồng Trinh bằng đá trong ngôi nhà thờ riêng cao vọi, hồi còn là học sinh cậu đã yêu thích và đã vẽ lại, nhưng chỉ nay đôi mắt cậu mới thấy bừng lên vẻ đẹp của nó và cậu nhận biết là công trình mỹ mãn và thành công nhất của cậu cũng không thể nào vượt qua được một kỳ công như thế. Và tại đây có nhiều những kỳ công ấy. Không một cái nào là kết quả ngẫu nhiên, tất cả đều biểu hiện cùng một tâm hồn giống nhau và đều có mặt giữa các bức tường cũ kỹ, các chiếc cột và các mái vòm như thể tại các ngôi nhà bình thường của chúng. Những gì mà trải qua nhiều thế kỷ, người ta đã xây dựng lên ở đây, gọt đẽo, vẽ, sống, suy tưởng, dạy dỗ với một không khí gia đình, tạo nên theo cùng một tinh thần và hòa hợp với nhau như thể các nhánh cùng một cây.
Giữa sự thống nhất mạnh mẽ và lặng lẽ của thế giới ấy, Goldmund cảm thấy mình rất nhỏ bé, và chưa bao giờ cậu thấy mình nhỏ bé như lúc cậu gặp tu viện trưởng Jean, anh bạn Narcisse của cậu, đang thừa hành trách vụ lãnh đạo ở cái thế giới trật tự ấy, nơi đó biểu hiện bao nhiêu là sức mạnh đồng thời cũng biểu hiện bao nhiêu vẻ duyên dáng tĩnh lặng. Cho dù có sự khác biệt lớn giữa con người của tu viện trưởng Jean thông thái và con người của tu viện trưởng Daniel rất nhân từ, giản dị với tính thẳng thắn của ông, mỗi người trong hai vị ấy đều phụng sự cho cùng một tập thể, cùng một tư duy, cùng một dòng thánh, tiếp nhận ở tập thể ấy phẩm giá của mỗi người, hy sinh bản thân mình cho họ. Cũng như bộ trang phục tu sĩ, đó là những gì làm cho người này và người kia rất giống nhau.
Ở đây, giữa tu viện này của anh, Narcisse dưới con mắt cậu trở nên vô cùng lớn lao; nhưng với anh, cậu ứng xử không thể khác mà vẫn với tính cách bạn bè và như một tân khách khoan dung. Rất nhanh, cậu hầu như không gọi anh là Narcisse nữa và xưng hô thân mật hơn.
– Tu viện trưởng Jean, anh nghe mình nói, – một hôm cậu bảo, – dần dần mình cần phải quen với tên mới của anh. Cần phải nói với anh là mình rất thích ở với anh. Gần như mình muốn làm một cuộc tổng xưng tội với anh, và một khi đã chịu hình phạt, mình xin được nhận làm một thầy dòng cần vụ. Nhưng anh xem, thế là chấm dứt tình bè bạn của chúng ta, anh là tu viện trưởng, còn mình là thầy dòng cần vụ. Tuy vậy, cứ sống thế này bên anh và thấy anh làm việc mà bản thân mình chẳng làm gì, không sản xuất được gì, về lâu dài mình không chịu được. Mình cũng vậy, mình muốn làm việc và chứng tỏ với anh mình là thế nào và những gì mình biết làm, để anh có thể nhận thấy có đáng nhọc sức kéo mình ra khỏi chiếc giá treo cổ hay không.
Mình rất sung sướng về việc ấy. – Narcisse đáp trong khi tạo cho lời nói của mình một giọng đúng và định hình hơn so với bình thường. – Lúc nào bạn cũng có thể lắp đặt xưởng của bạn, mình giao ngay cho bạn sử dụng bác thợ rèn và bác thợ mộc. Cho việc của bạn, có sẵn vật liệu tại chỗ. Lập một danh mục các thứ cần dùng và nhờ những người đánh xe của tu viện mua ở ngoài. Bây giờ bạn nghe đây nhưng gì mình nghĩ về bạn và các ý đồ của bạn. Cần cho mình một ít thời gian để mình diễn đạt: Là một trí thức, mình muốn giải trình với bạn theo cách của mình, mình không có ngôn ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ ấy. Cứ thế, bạn hiểu mình cũng với thái độ kiên nhẫn như bạn thường có ngày trước.
– Mình, thử hiểu anh. Anh nói đi.
– Bạn có nhờ từ thời chúng ta còn ở trường học, mình có nói với bạn đôi lần: mình coi bạn là một nghệ sĩ. Hồi đó, mình thấy dường như bạn có thể trở thành một nhà thơ. Trong những gì bạn đọc và viết, bạn tỏ ra ghê tởm những điều trừu tượng; trong ngôn ngữ bạn đặc biệt ưu thích các từ và các âm thanh có tính nhạy cảm, có tính thơ, các từ tạo nên hình ảnh.
Goldmund cắt lời:
– Mình xin lỗi, nhưng các quan niệm và các điều trừu tượng mà về phần anh, anh thích, chẳng phải chúng là những biểu tượng; những hình ảnh sao? Hay là các từ anh dùng trong khi nói không giúp gì thực sự cho sự tưởng tượng? Người ta có thể suy nghĩ mà không đồng thời biểu thị một điều gì đó sao?
– Bạn nêu câu hỏi đúng. Nhưng đương nhiên người ta có thể suy nghĩ mà không biểu thị gì cả. Sự tư duy hoàn toàn không dính dáng gì với các biểu tượng. Nó không thực hiện bằng các hình ảnh mà bằng các khái niệm và các công thức. Chính ở đâu các hình ảnh chấm dứt thì ở đó triết học bắt đầu. Hồi còn trẻ, chúng ta thường thảo luận với nhau về điều đó. Theo bạn thì thế giới gồm các hình ảnh, với mình thì gồm các khái niệm. Mình thường nói với bạn là bạn làm một nhà tư tưởng thì không ra gì đâu. Và mình nói thêm đó không phải là một dị tật, bởi lẽ trái lại, bạn chúa tể trong lĩnh vực các hình ảnh. Hãy chú ý! Mình sẽ giải thích điều ấy với bạn. Thay vì đi dong chơi trong thiên hạ như bây giờ bạn đã làm, nếu bạn trở thành một nhà tri thức thì hẳn bạn có thể gây ra tổn hại.Về thực tế bạn là một người có khuynh hướng thần bí. Diễn đạt một cách vắn tắt và hơi thô thiển, những người theo khuynh hướng thần bí là những nhà tư tưởng không thể tự giải phóng mình ra khỏi các biểu tượng, tóm lại không phải là những nhà tư tưởng. Đó là những nghệ sĩ bất thành: nhà thơ không có thơ, họa sĩ không có cây cọ, nhạc sĩ không có âm thanh. Trong số họ có những người rất thông minh, những tinh thần cao thượng, nhưng không trừ một ai, họ đều là những con người bất hạnh. Với bạn cũng có thể như vậy. Thay vì thế đó, ơn Chúa! Bạn đã trở thành một nghệ sĩ, và bạn đã chịu hàng phục một thế giới các hình ảnh trong đó bạn có thể là một nhà sáng tạo và mot người thầy, thay vì làm một nhà tư tưởng lúng túng, tầm thường.
– Mình sợ không bao giờ đạt đến tạo cho mình một ý tưởng về cái thế giới tư duy của bạn, mà ở đó người ta suy nghĩ không có hình ảnh:
– Ôi! Được lắm chứ, ngay lập tức bạn sẽ đạt được như vậy. Bạn nghe đây:
Người trí thức thử tìm hiểu và biểu hiện bản chất của thế giới bằng phương tiện lôgic học. Người ấy biết trí tuệ của chúng ta và phương tiện của anh ta, lôgic học, là những công cụ không hoàn hảo – cũng như bất cứ nghệ sĩ thực thụ nào cũng khong phải không biết rằng cây cọ hoặc chiếc đục của họ không có thể diễn đạt hoàn hảo vẻ rực rỡ của một thiên thần hoặc một vị thánh. Tuy vậy nhà tư tưởng cũng như nghệ sĩ, cả hai đều thử, mỗi người theo cung cách của riêng mình. Họ không thể làm khác, họ không có quyền làm khác. Bởi lẽ mỗi người trong khi tìm cách phát huy các tư chất nhận được của tự nhiên đều phải làm tròn nhiệm vụ của mình phải đạt kết quả cao nhất, một cách bình thường nhất. Vì thế trước đây mình thường nói với bạn: Đừng tìm cách bắt chước nhà tư tưởng hoặc nhà tu hành khổ hạnh, tốt hơn hãy là bản thân bạn, tìm cách tự hiện thực hóa bàn thân bạn. – Mình mới hiểu một nửa thôi, vậy chứ tự hiện thực hóa nghĩa là gì?
– Đó là một công thức của các nhà triết học, mình không biết diễn đạt điều ấy một cách khác. Đối với các đồ đệ của Aristote và Thánh Thomas chúng tôi, ý tưởng cao nhất là tồn tại hoàn hảo. Tồn tại hoàn hảo, đó là Chúa. Tất cả các sự vật khác chỉ được một nửa, hoặc một phần đang tiến triển, pha trộn, chỉ là những khả năng. Nhưng Chúa thì không pha trộn, là duy nhất. Ở Chúa không phải là những khả năng, Chúa là toàn vẹn hiện thực. Còn chúng ta, chúng ta thay đổi, tiến triển, chúng ta là một tap hợp các khả năng, đối với chúng ta không có sự hoàn thiện, không có con người tuyệt đối. Nhưng ở đâu chúng ta chuyển từ tiềm năng sang hành động, khả năng thành hiện thực chúng ta có phần là con người đích thực, chúng ta tiến một bước tới thánh thiện và hoàn hảo. Tự hiện thực hóa là thế. Bạn cần biết quá trình ấy bằng sự từng trải của bản thân. Là nghệ sĩ, bạn đã làm nhiều tượng. Khi bạn thực sự thành công với một pho tượng, khi bạn nêu bật được chân dung một người từ những điều ngẫu nhiên và đem lại hình thái thuần của người ấy, bấy giờ với tư cách nghệ sĩ, bạn đã hiện thực hóa gương mặt con người ấy.
– Mình hiểu.
– Bạn Goldmund, bạn thấy mình ở một nơi và trong một chức năng mà tại đó bản chất của mình tương đối ít gặp các khó khăn để mình tự hiện thực hóa. Bạn thấy mình sống trong một môi trường và một truyền thống vốn phù hợp với mình và hỗ trợ mình. Một tu viện không phải là một cõi thiên đường, nó có đầy những điều không hoàn hảo; tuy vậy đối với những người kiểu mình, cuộc sống trong tu viện được tiến hành đúng đắn thì nó vô vàn phù hợp hơn cuộc sống thế tục. Mình không nói về phương diện đạo đức, mà chỉ trong lĩnh vực thực hành, về tư duy thuần mà mình có chức phận nuôi trồng và giảng dạy, đòi hỏi phải có một sự bảo vệ nào đó đối với thế tục. Cho nên tại đây, trong ngôi nhà của chúng ta, mình có thể tự hiện thực hóa dễ dàng hơn rất nhiều so với bạn. Không vì vậy mà bạn ít đạt đến tìm ra con đường của bạn, là một nghệ sĩ, mình xét thấy điều đó rất đáng được ngưỡng mộ. Bởi lẽ bạn ở trong những điều kiện khó hơn nhiều.
Goldmund đỏ mặt vì xấu hổ với lời khen ấy và cũng vì được vui. Để đưa câu chuyện qua một hướng khác, cậu cắt lời anh bạn:
– Mình hiểu ra phần lớn những gì bạn muốn nói với mình. Tuy vậy có một điều vẫn không chịu vào trong đầu mình: Điều mà bạn gọi là tư duy thuần, phải chăng là cái tư duy bạn cho là không có hình ảnh và nó hoạt động bằng những ngôn từ mà qua đó người ta không thể hình dung gì cả?
– Vậy thì thí dụ này sẽ chỉ rõ với bạn. Hãy nghĩ về toán học. Các con số gợi lên sự biểu hiện nào? Hoặc các dấu cộng và trừ? Trong một phương trình có những hình ảnh nào chăng? Không có một hình ảnh nào cả! Khi bạn giải một bài toán số học hoặc đại số, không có một sự biểu hiện nào hỗ trợ bạn, nhưng nhờ vào các công thức đã học, bạn có thể làm một bài toán.
– Narcisse, đúng vậy. Nếu bạn đưa ra cho mình một loạt các con số và các dấu, mình có thể xoay xở với chúng dù chúng chẳng gợi lên cho mình một chút hình ảnh nào, mình chỉ có việc để dẫn dắt theo với các dấu cộng và các dấu trừ, các bình phương và các ngoặc đơn v.v…, và mình có thể giải được bài toán. Hoặc nói cho đúng hơn, trước đây mình có thể giải bài toán, còn bây giờ và đã lâu rồi, mình không làm được nũa. Nhưng đối với mình, không thể thừa nhận việc giải các bài toán ấy có được lợi ích nào khác ngoài lợi ích về một sự luyện tập trí óc cho các học sinh. Mình thấy thật là trẻ con và ngốc nghếch kẻ nào đó bỏ cả đời vào các con tính và cứ mãi mãi lấp đầy các hàng chữ số trên mặt giấy.
– Goldmund, bạn nhầm; bạn giả định một người làm toán như một kẻ không ngừng giải các bài tập ở nhà trường do một ông thầy đặt ra. Nhưng người ấy có thể tự đặt ra cả vấn đề cho bản thân; các vấn đề ấy cũng có thể đặt ra cho họ với một sức mạnh không thể cưỡng lại được. Cần phải tính toán và lượng định đúng đắn các không gian thực tại trước khi với tư cách là nhà tư tưởng, lao vào tìm cách giải quyết vấn đề không gian.
– Hẳn thế. Nhưng vấn đề không gian chỉ như là sự luyện tập trí tuệ, theo mình không đáng làm một đề tài cho một người phải hoài phí các nỗ lực và tháng năm của mình và không xứng đáng để có một ý nghĩ chừng nào mình không tưởng tượng bằng cách hiểu đó là một không gian thực tại: Thí dụ trời đầy sao, theo mình đó là một không gian không phải vô bổ để ngắm nhìn và lượng định.
Mỉm cười, Narcisse cắt lời cậu:
– Bạn muốn nói chính xác là bạn không chút coi trọng sự suy nghĩ, nhưng trái lại bạn không coi trọng các ứng dụng của tư duy trong thế giới thực tại và có thể trông thấy được. Mình có thể trả lời với bạn: Các cơ hội và ý muốn ứng dụng sự suy nghĩ của chúng ta không hề thiếu đâu. Thí dụ, nhà tư tưởng Narcisse hang trăm lần đã ứng dụng câu kết quả suy nghĩ của mình với bạn Goldmund và với mỗi tu sĩ trong tu viện, và ông ta làm bất cứ vào lúc nào. Nhưng làm sao có thể “ứng dụng” một cái gì đó mà mình chưa học và trước đó chưa thực hành? Cũng vậy, nhà nghệ sĩ không ngừng luyện con mắt và trí tưởng tượng của mình, và chúng ta đánh giá cao sự tập tành ấy cho dù anh ta chỉ biểu hiện được trong môt số tác phẩm đích thực. Điều mâu thuẫn là rõ ràng. Vậy bạn hãy để cho mình “suy nghĩ” và xem xét ý nghĩ của mình theo các hiệu quả của nó, cũng như bạn xem xét phẩm chất nghệ sĩ của mình theo các tác phẩm của bạn. Lúc này bạn lo lắng bởi vì giữa bạn và việc làm ra sản phẩm của bạn đang có những trở lực. Hãy gạt chúng đi, tìm hoặc tạo lấy một nhà xưởng và bắt tay vào việc. Bấy giờ nhiều vấn đề tự chúng sẽ được giải quyết.
Goldmund không mong gì hơn. Cậu phát hiện bên cổng vào sẵn có một căn phòng hiện đang bỏ không và thích hợp để làm nhà xưởng. Cậu đặt bác thợ mộc một chiếc bàn để vẽ và một số đồ dùng khác đúng theo mẫu. Cậu lập một danh mục khá dài các thứ giao cho những người đánh xe của tu viện mua đưa về dần từ cac thành phố lân cận. Ở chỗ bác thợ mộc và trong rừng, cậu xem xét tất cả số gỗ chặt hạ đã được trữ lại, chọn trong đó một số khá nhiều và cho đưa về trảng cỏ phía sau xưởng tự tay cậu dựng lên một mái lều che để hong gỗ cho tốt. Với bác thợ rèn, cậu có nhiều việc cần làm, bác ấy có một con trai, một thanh niên có trí tưởng tượng mạnh mẽ, rất quyến luyến và hoàn toàn kính phục cậu. Với chú ta, cậu ở hằng nửa ngày tại lò rèn, bên chiếc đe và máng nước để tra những miếng thép đỏ rực và mài ở một viên đá, cùng chế tác các loại đục thẳng và cong, dao khắc, mũi khoan, dao nạo cậu cần dùng để chạm gỗ. Erich con trai bác thợ rèn, trở thành bạn thân của Goldmund, giúp cậu mọi việc với thái độ quan tâm tha thiết và hiếu kỳ say sưa, Goldmund hứa dạy chú ta chơi đàn luých và cho phép chú thử chạm khắc khiến chú vô cùng ham thích. Có những lúc cảm thấy không ích gì và mệt mỏi trong tu viện hoặc gần gũi với Narcisse, Goldmund tự rèn lại mình bên cạnh Erich, trong một tình thương dè dặt, và kính trọng vô hạn của chàng trai ấy. Chú thường yêu cầu Goldmund nói về thầy Niklaus và về thành phố có tòa giám muc; đôi lần cậu nói chuyện một cách thú vị, và bấy giờ cậu lấy làm lạ tại sao mình cứ ở đây mà lại kể về các chuyến đi, các cuộc phiêu lưu đã qua của mình như thể một lão già, trong khi thực ra cuộc sống của cậu chỉ mới bắt đầu.
Không ai nhận ra sự thay đổi sâu sắc xảy ra ở cậu thời gian gần đây, làm cho cậu già hơn nhiều trước tuổi, bởi vì không có ai từng biết cậu trước đây. Các nỗi khốn khổ trong cuộc sống lang thang và vô định chắc hẳn đã làm cho cậu suy mòn, đặc biệt là nạn dịch hạch với sức tàn phá của nó, sau cùng là vụ bị bắt ở nhà lão bá tước và cái đêm hãi hùng trong căn hầm tòa lâu đài đã làm cho cậu bị chấn động đến tận xương tủy. Từ bấy đã để lại ở cậu nhiều dấu vết: Những sợi bạc trắng nơi hàm râu, các vết nhăn kín đáo trên mặt, những đêm mất ngủ, và đôi khi tâm tư mệt mỏi, nhịp sống hăng say và tính tò mò bị chùng, trạng thái âu sầu, thờ ơ, nhàm chán. Qua sự chuẩn bị cho công việc của mình, trong các quan hệ gần gũi với Erich, trao đổi công việc với bác thợ rèn và bác thợ mộc, cậu cảm thấy ấm áp hơn, lấy lại tính sôi nổi và tuổi trẻ; mọi người đều mến yêu và ngưỡng mộ cậu, nhưng giữa những khoảng thời gian ấy, vẫn có những khoảnh khắc, hàng tiếng đồng hồ cậu chìm đắm trong mộng, mỉm cười và khắc khoải, như không có xúc cảm và thờ ơ.
Một vấn đề rất trọng yếu đặt ra cho cậu. Bắt đầu công việc từ đâu? Công trình cậu làm ở đây và cậu muốn đền đáp lại lòng hiếu khách của tu viện không thể là một trong những sản phẩm nào đó trao cho bất kỳ ai có tính hiếu kỳ; nó phải nằm trong các tác phẩm của tu viện, như các cổ vật, tham gia mật thiết, hòa nhập vào cuộc sống ở đây. Cậu thích được đặt tác phẩm của mình tại một bàn thờ hoặc một giảng đài, nhưng ở các nơi ấy không còn chỗ và không có nhu cầu. Cậu tìm vị trí khác. Trong nhà ăn của các cha có một hốc tường cao, tại đó bữa ăn nào cũng có một thầy dòng trẻ đứng đọc truyện về cuộc đời các thánh. Diễn đàn còn để trống. Goldmund tính đặt ngay trên chiếc bàn đã để sẵn nơi ấy một vật trang trí giống như một giảng đài, một phù điêu gồm một số bộ mặt và nổi lên mấy diện mạo khác. Được hỏi ý kiến về dự án ấy, tu viện trưởng liền đồng tình và vui vẻ tiếp nhận.
Trời đã đổ tuyết và đã qua lễ Noel. Khi công việc có thể khởi đầu, cuộc sống của Goldmund mang một vẻ mới. Đối với mọi người trong tu viện, cậu như thể biến mất, không một ai thấy cậu nữa, cậu không đón chờ các tốp học sinh lúc tan học nữa, không đi đó đây trong rừng, không đi bách bộ ngoài vườn. Đến bữa, cậu ăn ở nhà người thợ xay bột – nay không phải là người cậu đã từng lui tới quen biết trước đây khi còn đi học ở trường của tu viện. Cậu không để ai vào xưởng của mình, chỉ trư Erich là người phụ việc; Có những ngày, chàng trai ấy không hề nghe cậu nói một lời nào.
Sau khi để thì giờ suy nghĩ chu đáo, cậu trù liệu công trình với mấy nét chính. Sẽ gồm hai phần: Một phần thể hiện cuộc sống thế tục; phần kia thể hiện tiếng nói thiêng liêng. Bên dưới, ôm lấy bậc cấp bước lên sàn, sẽ đặt các thân cây sồi lớn chạm nổi phản ánh sự sáng tạo, các cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống bình thường của các vị trưởng lão. Bên trên, là gương mặt bốn vị truyền giáo: Một hình ảnh gợi nhớ tu viện trưởng Daniel đã quá cố, rồi cha Martin, rồi người đang kế tục, và trong pho tượng thánh Luc, cậu muốn ghi bóng dáng thầy Niklaus.
Cậu gặp phải những khó khăn lớn, lớn hơn cậu tưởng. Chúng gây cho cậu một số điều lo lắng, nhưng là những mối lo êm ả. Hân hoan và thất vọng, cậu dâng hiến cho công việc như trong cuộc chinh phục một phụ nữ kháng lại với tình yêu, cậu đấu tranh với thái độ mềm mỏng và bướng bỉnh như một ngư phủ câu được con cá gộc, mỗi một trở lực đối với cậu là một bài học bổ ích làm cho sức xúc cảm của cậu thêm tinh tế. Cậu lãng quên tất cả những gì khác, không biết đến trong tu viện và hình như quên cả Narcisse. Anh bạn có đến thăm một vài lần, cậu chỉ đưa xem các bản phác thảo.
Một hôm, khác hẳn, Goldmund đến gặp Narcisse yêu cầu nghe xưng tội, khiến Narcisse rất đỗi ngạc nhiên.
– Mình đã không thể tự quyết định trong việc này, – cậu thú nhận. – Mình tự xét thấy quá vô nghĩa, mình cảm thấy khá hèn kém trước bạn. Bây giờ thì mình dễ chịu hơn, từ nay mình có công có việc, điều đó nâng mình vượt lên khỏi cảnh hư không. Và vì mình sống trong một tu viện, mình muốn tuân thủ qui tắc.
Nay cậu cảm thấy ngang tầm với một hành động như vậy, và không muốn hoãn lại chậm hơn. Trải qua cuộc sống trầm tư mấy tuần lễ đầu, trải qua vòng xoáy của mọi kỷ niệm từ thời trẻ thơ tìm lại được cũng như qua các câu chuyện theo sự khẩn cầu của Erich, cậu thấy có thể tạo lập một trật tự và một sự sáng sủa nào đó trong quãng đời cậu đang quay lại.
Narcisse nhận nghe cậu xưng tội trong bầu không khí không hề có chút trang nghiêm nào. Trong gần hai tiếng đồng hồ. Tu viện trưởng thản nhiên nghe bạn mình kể lại các cuộc phiêu lưu, các nỗi đau khổ và các tội lỗi, nêu vài câu hỏi nhưng không cắt lời và cũng bình tĩnh nghe bạn thú nhận cậu đã mất lòng tin ở sự từ tâm và công bằng của Chúa. Một số lời bộc bạch của người chịu tội đánh thức dậy ở anh bạn những cảm xúc sâu lắng. Anh bạn thấy cậu đã sống như cậu từng bị lay động, kinh hoàng, và bao lần gần kề tai biến. Và rồi cảm thấy mủi lòng trước tính thơ ngây non trẻ và tính trong trắng vẫn còn lưu lại ở người bạn của mình, anh không ngăn được mình mỉm cười về điều ấy, bởi vì anh nhận thấy bạn đang lo âu và hối lỗi vì đã chống lại lòng sùng đạo.
Goldmund rất ngạc nhiên, thậm chí thất vọng trước thái độ của vị linh mục nghe xưng tội đã không coi cả tội lỗi của cậu quá nghiêm trọng, nhưng lại quở và phạt cậu không chút nễ nang đã coi nhẹ cầu nguyện, xưng tội và lễ ban thánh thể. Linh mục bắt cậu chịu hình phạt sống bốn tuần lễ không uống rượu và trong thanh sạch, hằng ngày nghe kinh lễ buổi sáng, chiều tối thì đọc kinh Cha chúng ta và một bài thánh ca về Marie.
Tiếp đó linh mục bảo:
– Đừng coi thường hình phạt ấy, tôi có lời khuyên và yêu cầu bạn. Tôi không biết bạn có thuộc đúng kinh lễ không. Bạn cần phải theo sát từng từ và thấm nhuần ý nghĩa của chúng. Hôm nay tôi sẽ đọc kinh Cha chúng ta với bạn cùng mấy bài tụng ca và chỉ cho bạn các từ, các ý tưởng bạn cần đặc biệt lưu ý. Bạn không nên đọc và nghe các kinh kệ như thể các lời nói bình thường của người ta. Mỗi khi bạn bắt gặp mình đọc một cách máy móc – nhiều khi như vậy hơn là bạn tưởng, – bạn cần nhớ lại giờ này và các lời dặn dò của tôi, để bắt đầu lại từ đầu, đọc lại và để cho các lời thiêng liêng thấm vào lòng bạn như tôi vừa chỉ rõ với bạn.
Đó là một điều tình cờ may mắn hay là sự từng trải của vị tu viện trưởng vốn biết vỗ về các tâm hồn, đã có được những tác động sâu sắc? Cuộc rửa tội và trừng phạt ấy đối với Goldmund đánh dấu bước khởi đầu một thời kỳ đem lại sự bình an và đâm hoa kết quả khiến cậu cảm thấy hạnh phúc. Giữa công việc đầy căng thẳng, các lo lắng về niềm vui, nhờ các lần rèn luyện tinh thần không hề vất vả ấy và cứ sáng, chiều đều thực hiện một cách có ý thức, cậu cảm thấy nhẹ nhõm với các náo động suốt ngày. Cả người được chuyển lên một cấp cao, giải thoát khỏi tình trạng tách biệt nguy hại của nhà sáng tạo, cậu thấy mình như một đứa trẻ, được thừa nhận vào vương quốc của Chúa. Nếu như không thể tránh khỏi, cậu phải tiến hành trong đơn độc cuộc đấu tranh vì tác phẩm của mình và dâng hiến cả niềm say sưa của các giác quan và tâm hồn mình, đến giờ cầu nguyện cậu được trả về trạng thái tĩnh lặng trong công việc, cậu thường sục sôi thịnh nộ và mất kiên nhẫn hoặc hưng phấn; nhưng các cuộc lễ sùng tín lại như đưa cậu ngụp lặn trong một làn nước mát mẻ, rửa sạch cậu khỏi tính kiêu căng của niềm say mê cũng như của nỗi thất vọng.
Cậu cũng trải qua sự thất bại. Đôi khi về chiều tối, sau những giờ làm việc hăng say, cậu không sao tìm được sự yên tĩnh cũng như những giờ phút trầm tư. Đến nỗi cậu quên mất các lời kinh cầu nguyện, và đã hơn một lần, cậu đang cố suy ngẫm thì bị dừng lại và quấy rầy bởi ý nghĩ rằng lời cầu nguyện xét cho cùng chỉ là một cố gắng hướng về một Đấng Chúa Trời vốn không tồn tại hoặc không thể đến giúp đỡ cậu được. Cậu bèn tâm sự với anh bạn.
– Hãy kiên trì – Narcisse khuyên – bạn đã hứa, bạn phải giữ lời. Bạn đừng có tự hỏi mình là Chúa có nghe lời mời gọi của bạn không, hoặc Chúa mà bạn là người đại diện có thực sự tồn tại hay không. Cũng đừng tự hỏi mình là các lời cầu nguyện của chúng ta có trẻ con hay không. Trong chừng mực với người mà các lời cầu nguyện của chúng ta hướng về thì bất cứ hoạt động nào của chúng ta cũng mang tính con trẻ. Trong các giờ rèn luyện bạn cần cấm mình hoàn toàn với các ý nghĩ ấy của đứa trẻ tinh nghịch. Bạn cần đọc bài kinh Cha chúng con và bài thánh ca dâng lên Marie bằng cách hòa nhập mình vào các lời và vào ý nghĩa ấy, thí dụ như thể khi bạn chơi đàn luých hoặc bạn hát, không để cho đầu óc vơ vẩn với các ý nghĩ lan man mà cứ đều đặn gõ nhịp các ngón tay lần lược theo mỗi nốt một cách thuần và hoàn hảo nhất. Khi người ta hát, người ta đâu có tự hỏi liệu bài hát có ích lợi gì hay không, và người ta cứ hát. Bạn cần cầu nguyện như thế.
Va lần này cậu đạt kết quả. Lần này, cái tôi căng thẳng và hau háu của cậu tắt lịm dưới mái vòm mênh mông của một trật tự phổ cập, các lời khả kính lại xuyên qua va thâm nhập vào cậu như thể những vì tinh tú.
Tu viện trưởng rất bằng lòng nhận thấy thời gian chịu tội đã hết và Goldmund đã nhận các thánh lễ, qua nhiều tuần và nhiều tháng, cậu vẫn tiếp tục giữ đúng nề nếp rèn luyện hằng ngày. Trong khi đó, công trình của cậu ngày càng tiến tới. Thay vào các cây trụ to bè ở bậc cấp trên cùng, là cả một thế giới nhỏ nhiều vẻ: Các loại cây, các loại gia súc, những con người, cha Noê ở giữa, bên các cành cây và tán lá; một quyển sách các hình ảnh, một bài hát ca ngợi sự sáng tạo và vẻ đẹp của sự sáng tạo, trôi xuôi và âm vang trong tự do nhưng theo qui luật của một trật tự, một kỷ luật bí ẩn. Qua nhiều tháng, không ai được xem công việc cậu đang làm, chỉ trừ Erich được phép đỡ tay cho cậu và luôn tâm niệm sẽ trở thành một nghệ sĩ. Có những ngày Erich cũng không có quyền bước vào xưởng. Những lúc khác, Goldmund chăm sóc, dạy bảo chú, cho chú làm các bài tập, sung sướng có bên mình một học trò, một tín đồ. Rồi đây sau khi xong công trình, cậu tính yêu cầu ông bố phó thác cho cậu kèm cặp cháu thành một thợ bạn thường xuyên của mình.
Cậu chạm khắc gương mặt các nhà truyền giáo trong những ngày thuận lợi nhất, trong khi cả người cậu chỉ là sự hòa hợp, không hề bị ám bởi bất cứ một bóng đen nghi ngờ nào. Trong các pho tượng của mình, theo cậu đánh giá, đẹp nhất là pho tượng cậu đã gởi gắm các đường nét của tu viện trưởng Daniel. Cậu đã đặt một tình cảm trìu mến sâu sắc vào pho tượng ấy, tinh thần trong trắng và lòng nhân ái tỏa sáng trên gương mặt. Với gương mặt của thầy Niklaus, cậu không hài lòng bằng, mặc dù Erich thích thú nó hơn cả. Ở đó biểu hiện thiếu hài hòa một vẻ buồn nào đó, như thể nhân vật đồng thời tràn ngập các dự án sáng tạo và ý thức thất vọng về tính kiêu căng trong sự sáng tạo, xót xa vì tính thống nhất và tính trong trắng của mình bị đánh mất.
Khi làm xong pho tượng Daniel, cậu nhờ Erich quét dọn gian xưởng sạch sẽ, lấy vải phủ kín công trình của mình, chỉ giới thiệu dưới ánh sáng pho tượng ấy. Rồi cậu đến tìm Narcisse nhưng anh bạn bận việc, cậu kiên nhẫn chờ đến sáng hôm sau. Gần trưa, cậu cùng đi với anh bạn vào xưởng, đến trước pho tượng.
Narcisse lặng lẽ chiêm ngưỡng. Thời gian trôi qua, kéo dài. Với sự chú ý và tính chính xác của nhà bác học, anh bạn xem xét pho tượng.
Ở sau lưng, không một tiếng động, Goldmund cố chế ngự sự rạo rực trong lòng mình, tự bảo: “Ôi! Nếu một trong hai chúng ta không chịu nổi sự thử thách này, tình hình sẽ xấu đi. Nếu công trình của mình không đủ sức nặng hoặc anh bạn không thể hiểu được, thì cả công việc làm của mình trở nên vô bổ! Mình phải chờ thêm đã…”.
Mấy phút trôi qua, dài như thể cả tiếng đồng hồ; cậu nhớ lại lúc thầy Niklaus cầm trên tay bức họa đầu tiên của cậu, và trong khi chờ đợi, cậu đã ôm bó chặt hai bàn tay mình toát cả mồ hôi.
Narcisse quay người lại với cậu, lập tức mọi sự được giải tỏa. Cậu thấy trên gương mặt mảnh dẻ của anh bạn bừng nở một vẻ rạng rỡ chưa từng có: Một nụ cười, một nụ cười mỉm hầu như rụt rè trên gương mặt đầy trí tuệ và ý chí, một nụ cười âu yếm toát lên tinh thần sẵn sàng dâng hiến tâm hồn mình, một biểu hiện thoáng qua trong đó tính đơn độc và tính tự hào của vẻ mặt ấy dường như trong chốc lát tan biến, để dành chỗ cho một trái tim tràn đầy tình thương.
– Goldmund, – Narcisse nói vừa đủ nghe, sự xúc đong không cản trở anh bạn cân nhắc từng từ – bạn đừng chờ đợi tôi bỗng nhiên trở thành một người thành thạo. Bạn biết đó, tôi không hiểu gì về nghệ thuật. Mình chẳng có thể nói gì để khỏi đâm ra buồn cười đối với bạn. Nhưng để mình diễn đạt với bạn điều này: Qua cái nhìn đầu tiên, mình nhận ra ngay vị tông đồ này là tu viện trưởng Daniel của chúng ta, không chỉ chân dung của ông cụ mà còn tất cả những gì trước đây ông đã để lại ấn tượng đối với chúng ta; phẩm giá, lòng nhân ái, tính giản dị. Như thể cha Daniel quá cố đang đứng trước lòng tôn sùng của chúng ta thời trẻ tuổi, ông cụ lại đứng ở đây trước mình, và cùng với ông cụ là tất cả những gì thiêng liêng đối với chúng ta bây giờ, những kỷ niệm không thể nào quên từ thời kỳ ấy của chúng ta trong cuộc sống. Trao lại cho mình cái nhìn ấy, bạn tặng mình một món quà vô cùng quí báu; bạn không chỉ trao cho mình tu viện trưởng Daniel, chính là bản thân bạn mà lần đầu tiên bạn bộc lộ với mình một cách toàn vẹn. Mình biết bây giờ bạn là ai. Không nói thêm về điều ấy nữa bạn muốn thế sao? Như vậy không phù hợp đâu. Ôi! Goldmund, giờ phút chúng ta đang sống tuyệt diệu làm sao!
Hoàn toàn im ắng trong gian phòng lớn. Goldmund thấy anh bạn của mình xúc động tận đáy lòng. Cậu bàng hoàng đến khó thở?
– Phải – cậu nói – mình rất sung sướng với điều bạn đã diễn đạt. Nhưng đã đến giờ bạn dùng bữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.