Narcisse Và Goldmund

CHƯƠNG 3



Tình bạn bè thiết lập giữa Narcisse và Goldmund là một tình bằng hữu kỳ lạ. Không hề có những ai mà ở họ tình bạn ấy đem lại sự hài lòng, và đôi khi người ta có thể có cảm giác nó khiến cho bản thân họ không vui.
Chính Narcisse, trước hết là nhà tư tưởng có điều để khổ sở. Đối với thầy, tất cả đều là tư duy, tình yêu cũng vậy. Thầy không có được niềm hạnh phúc để có thể buông mình không suy nghĩ gì về một quan hệ luyến ái. Trong tình bạn bè ấy, thầy là người dắt dẫn cuộc chơi, và đã làm chỉ một mình thầy có ý thức đầy đủ về số phận của mình, tầm quan trọng và ý nghĩa của nó. Đã từ lâu, ở trung tâm tình yêu của mình, thầy vẫn cô độc, biết rằng người bạn của mình chỉ thực sự là của mình khi bản thân cậu ta phát hiện thấy điều đó. Trong khi cùng vui vầy, không hề đi sâu, Goldmund buông mình cho những quan hệ thân thiết, cho nhiệt tâm trong cuộc sống mới của mình. Narcisse tiếp nhận với xúc cảm về một trách nhiệm đầy đủ trước sự ưu ái lớn lao ấy của số phận.
Đối với Goldmund, trước hết đó là một sự giải toả và chữa lành bệnh. Cái nhìn và nụ hôn của một cô gái xinh đẹp đã đánh thức dậy đồng thời dồn nén niềm hy vọng và nhu cầu trìu mến của cậu vốn đang độ tuổi trẻ. Cậu cảm nhận trong sâu thẳm người mình cuộc sống mà cậu đã mơ ước cho đến nay, tất cả những gì cậu tin tưởng, tất cả những gì cậu xét đoán mình được mời gọi và dâng hiến, nay đều sụp đổ đến tận gốc rễ của chúng bởi nụ hôn đón nhận qua khung cửa sổ ấy, bởi cái nhìn của đôi mắt u buồn ấy. Vì thân phụ mà cậu gởi gắm mình vào cuộc sống tu hành, vì ý chí của ông mà cậu đi theo sự mời gọi ấy, được định hướng với tất cả lòng nhiệt thành tư đầu theo một lý tưởng mộ đạo khổ hạnh và anh hùng, cậu cảm thấy hiển nhiên qua lần đầu gặp gỡ chùng lén với phụ nữ, qua tiếng gọi đầu tiên của sự sống theo các giác quan của mình, qua lời chào đầu tiên gởi trao bởi giới tính nữ bất diệt, chính ở đó đã ẩn náu tên quỷ dữ, kẻ thù của cậu, người phụ nữ, hiểm hoạ của cậu. Và rằng đây số mệnh đã trao cho cậu một tấm ván của sự cứu rỗi; rằng đây hiện ra trước mặt cậu, trong cơn nguy biến tồi tệ, mối tình bè bạn ấy, vốn theo ý muốn của cậu, nó mở ra một vườn hoa, đáp ứng nhu cầu của cậu về một bàn thờ mới để tôn thờ. Nơi đây, cậu được phép yêu thương mà không phạm tội lỗi, tự hiến dâng mình, trao gởi trái tim mình cho một người bạn lớn tuổi hơn, minh tuệ hơn, mà cậu mến mộ, để thay thế ngọn lửa của một hy sinh cao quí cho sự rực sáng nguy hiểm của các giác quan, để làm cho tình cảm trìu mến của cậu trở nên cao quí.
Tuy vậy, từ buổi đầu xuân của mối tình bạn ấy, trong khi vô cùng ngạc nhiên thâm nhập vào những vùng giá lạnh, cậu vấp phải những trở ngại kỳ lạ trước những đòi hỏi bí ẩn và dễ sợ. Bởi lẽ cậu không nghĩ đến để hình dung người bạn thân như là con người trái ngược, là cực đối lập với mình. Cậu nghĩ rằng chỉ cần đến tình thương yêu, sự gởi trao chân thật của bản thân mình, để làm cho hai trái tim chỉ là một trái tim, để xoá đi các khác biệt và hoà hợp các điều trái ngược nhau. Nhưng thầy Narcisse ấy khắc khổ và tự tin vững chắc, trong sáng và không gì lay chuyển được. một trái tim hàm ẩn buông thả vô tội trong một cuộc dạo chơi ở làng quê đối với thầy không hề có sức lôi cuốn, dường như không dính dáng gì với tình bè bạn. Người ta cho rằng thầy không biết các con đường chẳng đưa đến đâu, thầy không hề chịu chấp nhận đi lang thang trong cõi mộng. Khi Goldmund ốm, hẳn thầy tỏ ra lo lắng đối với cậu, hẳn thầy khuyên bảo và giúp đỡ cậu một cách thuỷ chung về tất cả những gì có quan hệ đến sự học hành và khoa học, giảng giải cho cậu các đoạn văn khó, mở rộng tầm mắt cho cậu về các lĩnh vực văn phạm, lôgíc học, thần học; nhưng thầy không tỏ ra đồng tình với cậu, thậm chí nhiều khi người ta bảo thầy chế giễu, không coi trọng cậu. Goldmund cảm thấy rõ đó không phải chỉ là thái độ của thầy giáo, không phải là cung cách của người anh lớn và người mạnh thế hơn để tỏ ra ta đây là quan trọng. Cậu thấy rõ đằng sau đó có điều gì khác, một cái gì đó sâu kín, quan trọng hơn. Nhưng cậu không sao nhận biết được đó là gì, và cứ thế, tình bạn của cậu đối với Narcisse thường khiến cậu buồn và bối rối.
Thật ra Narcisse không phải không biết những gì bạn của mình cống hiến cho mình, thầy không nhắm mắt trước vẻ thanh tú của bạn mình đang nở hoa, sức sống của bạn định hướng về phía tự nhiên, sự phong phú của các năng lực thiên bẩm của bạn đang nở rộ. Thầy chỉ là một ông giáo chăm lo nhồi nhét vốn tiếng Hy Lạp cho một tâm hồn nồng nhiệt, tỏ rõ tình cảm thân yêu chất phát của mình là hợp lý. Trái lại, cảm tình của thầy đối với cậu con trai tóc hoe vàng quá nồng nhiệt, đối với thầy đó là điều nguy hiểm, bởi vì yêu thương đối với thầy không phải là một chức năng tự nhiên, mà là một điều thần kỳ. Thầy không được phép say mê Goldmund, tự hạn chế mình với thú vui ngắm nhìn đôi mắt xinh đẹp và mái tóc hoe vàng toả sáng. Thầy không được phép để cho tình thương yêu của mình dù chỉ trong chốc lát nén lại trong niềm lạc thú. Bởi lẽ Narcisse vốn xác định cống hiến cả đời mình cho cuộc sống khổ hạnh của một tu sĩ, để nỗ lực hướng về tính thánh thiện, thực sự hứa hẹn với một cuộc đời như thế. Chỉ có một dạng tình yêu cho phép đối với thầy: cao cả nhất. Nhưng Narcisse không tin rằng Goldmund được mời gọi đến với cuộc sống khổ hạnh. Thầy am hiểu hơn ai hết để đọc trong lương tâm người khác và ở nơi nào thầy yêu thương, các sự việc xuất hiện trước thầy bừng sáng hơn. Thầy nhận định bản chất đích thực của Goldmund và thầy hiểu cặn kẽ bởi vì bản chất ấy là một nửa đã mất đi thực thể của chính nó. Thầy hiểu thấu nó, cho dù nó bọc trong lớp áo giáp với cái vỏ ngoài chắc chắn về các ảo tưởng, kết quả của một nền giáo dục trái với lẽ phải và những lời giáo huấn của ông thân sinh. Từ lâu thầy ngờ vực điều bí mật giản đơn của cuộc sống trẻ tuổi ấy. Đối với thầy, bổn phận của thầy đã bộc lộ rõ: Vén bức màn bí mật ấy đối với người mang nó, cởi bỏ cho bạn chiếc vỏ bọc, trả lại cho bạn bản chất thực của cậu ta. Điều đau xót và gay gắt hơn cả là qua đó thầy có thể mất tình bạn của mình.
Thầy đi đến gần mục đích một cách vô cùng chậm chạp. Bao nhiêu tháng đã trôi qua trước khi có một cuộc tấn công, một cuộc chuyện trò đi sâu vào tận góc các sự việc trong phạm vi có thể được. Chừng nào họ cách xa nhau giữa người này và người kia, cho dù họ có cả tình bạn ấy, chừng nào giữa họ cây cung đã căng dây. Họ đi bên nhau, người này trông thấy, người kia khiếm thị. Người mù không biết tật khiếm thị của mình, đối với hắn đó là một niềm an ủi.
Bằng cách lần đầu mối cho rõ câu chuyện xảy ra trước đây từng khiến cho cậu học sinh cả tiếng đồng hồ bị rơi vào trạng thái yếu đuối và xao xuyến, Narcisse đã mở ra đột phá khẩu đầu tiên. Việc thầy đi sâu tìm hiểu ít khó khăn hơn thầy đã nghĩ. Từ lâu Goldmund cảm thấy cần phải xưng tội về cái sự việc trong buổi tối không thể nào quên ấy, nhưng ngoài tu viện trưởng ra, không có ai để cậu cảm thấy khá tin cậy, và tu viện trưởng không phải là linh mục nghe cậu xưng tội. Qua một tiếng đồng hồ trong không khí thuận lợi cho việc trao đổi, khi Narcisse nhắc nhở lại với cậu bạn các kỷ niệm buổi đầu họ kết thân với nhau và nhẹ nhàng tiếp cận điều bí ẩn, Goldmund không úp mở, đáp lại:
– Tiếc là thầy chưa nhận các dòng và chưa thể nghe em xưng tội, em muốn rũ bỏ cái gánh nặng ấy, em muốn chuộc tội bằng một hình phạt. Nhưng em không thể nói ra điều đó với cha xưng tội của em.
Thận trọng và khéo léo, Narcisse tiếp cận thêm:
– Em nhớ không, sáng hôm ấy em có vẻ ốm, em chưa quên đâu, bởi vì đó là ngày chúng ta thành bạn bè với nhau. Thầy thường nghĩ đến điều đó. Có lẽ em không nhận ra, nhưng lúc đó thầy rất bối rối.
– Thầy! Thầy mà bối rối? – Cậu thốt – Ôi, không đâu! Chính em bối rối, đứng chết trân, cuống họng thít chặt không nói được tiếng nào, rồi cuối cùng em khóc như một đứa trẻ con. Ôi chao! Cho đến nay em lấy làm xấu hổ về điều đó; em cứ nghĩ em không thể nào chường mặt với thầy. Chắc là thầy thấy em yếu đuối đến thảm hại!
Narcisse dấn tới:
– Thầy biết em cảm thấy khó chịu. Một chàng trai quả quyết và dũng cảm như em mà lại khóc trước một người lạ, thêm nữa trước mặt một thầy giáo, quả thật đó không phải là tính cách của em. Nhưng khi người ta bị sốc thì bản thân một Aristote cũng có thể ứng xử một cách ky cục. Thầy cứ tưởng em ốm! Nhưng thật ra hôm ấy em không ốm. Không phải em sốt chứ gì? Chính vì vậy mà em xấu hổ. Sự thực không ai xấu hổ vì sốt. Em xấu hổ vì em bị tác động bởi một chuyện nào khác; thầy không biết điều gì đã ảnh hưởng đến em. Chắc hẳn đã xảy ra một sự việc kỳ quặc.
Goldmund hơi ngập ngừng rồi nói chậm rãi:
– Vâng, đã xảy ra một chuyện kỳ khôi. Xin để em coi thầy là linh mục nghe em xưng tội, dù sao cũng phải có ngày cần nói ra.
Cúi gằm mặt, cậu kể lại với bạn mình câu chuyện đêm hôm ấy.
Narcisse vừa mỉm cười vừa nói lại:
– Chao ôi! Đúng “đi vào làng” quả là việc cấm kỵ. Nhưng cũng có những việc cấm mà người ta có thể làm, rồi cười vui, thế thôi hoặc người ta có thể xưng tội, thế là xong, và việc ấy không can hệ gì đến họ nữa. Sao em không cho phép mình cũng như hầu hết mọi học sinh có đôi việc điên rồ nho nhỏ? Như vậy đâu có nghiêm trọng lắm?
Goldmund không cầm lại được nữa, liền nổi giận:
– Sự thực anh nói như một ông giáo. Anh biết chính xác chuyện ấy gây xáo trộn ra sao. Đương nhiên việc đôi khi vi phạm qui tắc một chút và tham gia vào một trò đùa của học trò, em không coi là quá nghiêm trọng tuy rõ ràng không phải đó là một bước chuẩn bị cho cuộc sống tu hành.
– Em dừng lại! – Narcisse trở nên sôi nổi – Bạn của tôi, chú không biết đối với nhiều vị tu sĩ sùng đạo, đó từng là một cuộc luyện tập ban đầu cần thiết sao? Chú không biết rằng một trong các con đường ngắn nhất dẫn đến tính thánh thiện đó là cuộc sống đồi truỵ sao?
– Ôi, anh im đi! Goldmund cắt ngang. Em không muốn nói là tí chút không tuân thủ ấy đã đè nặng lên lương tâm em. Đây là chuyện khác. Cô bé gái. Đây la một cảm tưởng em không sao dứt ra được. Điều cảm nhận là nếu em buông thả cho sự cám dỗ ấy, nếu em chỉ chìa tay đụng vào người con gái, em sẽ không bao giờ còn có thể quay lại được nữa: Tội lỗi bấy giờ vò xé em như thể cái mỏm của địa ngục và nó sẽ không bao giờ buông em ra. Thế là hết mọi ước mơ tốt đẹp, chẳng còn gì đức hạnh, cả lòng yêu Chúa và tính hiếu thiện.
Narcisse trầm ngâm trong các suy tư của mình, khẽ gật đầu. Thầy nói chầm chậm trong khi tìm lời diễn đạt:
– Tình yêu Chúa không phải bao giờ cũng là tính hiếu thiện. Ôi! Giá mà cuộc sống cũng đơn giản như thế! Điều gì tốt, như chúng ta biết, đã có trong các điều răn. Các điều răn tạo thành một phần nhỏ trong sự bao la của cái thiện. Em có thể đúng qui tắc với các điều răn mà vẫn cách xa Chúa.
– Nhưng vậy là anh không hiểu? Goldmund rên rỉ.
– Hiển nhiên anh hiểu chứ em. Em cảm nhận trong người phụ nữ, trong giới tính cái tinh tuý của những gì em gọi là “thế tục”, “tội lỗi”. Mọi tội lỗi khác, đối với em dường như hoặc em không thể phạm phải, hoặc nếu em có phạm thì chúng vẫn không chà đạp em. Em có thể xưng tội và sửa chữa. Nhưng riêng về lỗi lầm ấy thì không.
– Hiển nhiên, đó là cảm nhận của em.
– Chú thấy rõ là anh hiểu chú. – Không phải chú có khuyết điểm lớn đến thế. Câu chuyện Eva và con rắn, không phải là một bài ngụ ngôn vô bổ, hẳn vậy. Tuy nhiên, chú em thân yêu, chú không đúng đâu. Chú sẽ có lý nếu chú là tu viện trưởng Daniel hoặc chú là Chrysostome, thánh bổn mạng của chú, nếu chú là một giám mục hoặc một linh mục, hoặc chỉ là một tu sĩ trẻ tuổi; nhưng chú không phải như thế. Chú đang là một học sinh, và nếu chú thích ở lại nhà tu kín mãi mãi hoặc ông thân sinh chú có ý muốn ấy cho chú, chú đâu đã làm lễ thí nguyện, chú chưa nhận các dòng. Nếu hôm nay hoặc ngày mai chú bị một cô gái xinh đẹp quyến rũ và không cưỡng lại nổi sự thèm muốn, chú không phá bỏ lời thề, không vi phạm nguyện ước của mình.
– Không phải là một lời thề thành văn. – Goldmund thốt, rất xúc động. – Nhưng là một lời hứa không thành văn, điều mà em mang trong mình thiêng liêng hơn cả. Anh không thấy những gì có giá trị đối với những người khác không có giá trị đối với em sao? Bản thân anh chưa nhận các dòng, chưa tuyên đọc các lời nguyện, và anh không bao giờ tự cho phép mình đụng vào một phụ nữ. Hay là em nhầm? Anh không như vậy sao? Anh chẳng phai là người mà em tha thiết?
Từ lâu rồi, anh cũng vậy, anh không nói lên trong tim mình lời thề mà anh chưa tuyên đọc trước các vị bề trên của anh, và anh tự xét thấy không hề bị cam kết? Anh chẳng giống em sao?
– Goldmund, không. Anh không giống em, không như em tưởng. Chắc hẳn anh cũng vậy, anh bám giữ một lời thề mà anh chưa tuyên đọc, về điều ấy em có lý. Nhưng anh không hề giống với em. Hôm nay anh sẽ nói với em một lời rồi có ngày em sẽ suy nghĩ. Anh nói với em: “Tình bạn của chúng ta không có mục đích, không có ý nghĩa nào khác hơn để chỉ ra với em rằng em hoàn toàn khác anh”.
Goldmund sững sờ, Narcisse diễn đạt với một giọng nói không chap nhận cãi lại. Cậu làm thinh. Nhưng tại sao anh bạn nói như vậy. Tại sao lời thề chưa diễn đạt của Narcisse lại thiêng liêng hơn lời cũng thế của bản thân cậu? Phải chăng anh nhìn ở cậu là một đứa bé? Anh không hề coi trọng cậu. Các điều rắc rối và các chuyện buồn phiền từ mối tình bạn kỳ lạ ấy lại tái diễn.
Narcisse đã xác định bản chất điều bí ẩn của Goldmund. Đó là Eva, người mẹ đầu tiên của chúng ta ẩn giấu ở bên dưới. Nhưng làm sao ở một chàng trai thanh tú, lành mạnh, phơi phới như thế mà các nhu cầu tình dục từ khi đánh thức dậy đã vấp phải ngay một trạng thái chống đối gay gắt đến thế? Hẳn có một con quỷ đã nhập cuộc, một kẻ thù bí mật đã thành công trong việc chia cắt, chống lại bản thân cậu, một con người tuyệt vời và đưa cậu đến chỗ nổi dậy chống lại các bản năng chủ yếu của mình? Được, cần phải tìm cho ra con quỷ ấy, bắt nó xuất đầu lộ diện, trừ khử nó đi, bấy giờ mới có thể thắng nó.
Trong thời gian ấy, các bạn của Goldmund ngày càng tránh né – cho cậu ra rìa, hoặc đúng hơn, cảm thấy – cậu bỏ rơi, và theo một ý nghĩa nào đó cậu phản bội họ. Quan hệ của cậu với Narcisse, không một ai bằng lòng. Những kẻ có ác ý thì bất bình, cho điều đó trái ngược với tự nhiên – đặc biệt là những kẻ thầm yêu một trong hai chàng trai ấy. Nhưng ngay những người biết rõ hơn ai hết không có chuyện bậy bạ trong mối liên hệ ấy cung bắt đầu. Chẳng ai vui thú gì với sự ăn ý giữa hai con người trẻ tuổi ấy. Bằng cách gần nhau người này với người kia, với kiểu cách kiêu ngạo của bọn quí phái, dường như thế, họ co cụm với nhau trong một chiến hào, tách rời với mọi người khác trong cộng đồng nhà trường mà chắc hẳn họ coi chẳng ra gì. Như vậy không phải là tình bằng hữu tốt đẹp, là dị thường trong một tu viện, như vậy là phi Kitô giáo.
Các lời tai tiếng, tố cáo, vu khống đến tu viện trưởng Daniel. Ông đã chứng kiến những quan hệ bạn bè như thế giữa những người trẻ tuổi hơn bốn mươi năm qua trong tu viện. Điều đó nằm trong cuộc sống tu viện, đôi khi tô điểm cho có duyên hoặc gây nên tai hoạ. Ông định không dính vào, lưu ý để mắt trông chừng mà không can thiệp. Một tình bạn mặn mà và đặc biệt như vậy thật hiếm không hẳn không nguy hại. Nhưng không chút nghi ngờ tính trong sáng của nó, ông cứ để cho hai người vẫn tiếp tục bè bạn với nhau. Giá như Narcisse không thuộc một trường hợp đặc biệt giữa các học trò và thầy giáo thì tu viện trưởng đã không ngần ngại tách họ ra bằng cách bắt phạt giữ họ lại trong trường. Đối với Goldmund, không nên tách rời với các bạn cùng học và không nên chỉ có một bạn thân lớn tuổi hơn, một thầy giáo. Nhưng Narcisse, một con người ưu tú, giàu trí thông minh, được tất cả các thầy giáo của y coi là đồng trang đồng lứa và thậm chí còn cho là có trình độ cao hơn, thì làm sao có thể cản trở con đường y đã lựa chọn và bãi bỏ các chức trách dạy học của y được? Nếu y không giữ cho ngang tầm nhiệm vụ, nếu mối tình bạn ấy đưa y đến chỗ thiên vị hoặc chểnh mảng thì lập tức y sẽ bị huyền chức. Nhưng không hề có điều gì phản bác y, chỉ có những lời đồn đại, chỉ có chuyện nghi ngờ ganh ghét của những kẻ khác.
Ngoài ra, tu viện trưởng không phải không biết các khả năng thiên phú có một không hai của Narcisse, sự hiểu thấu kỳ lạ của y thâm nhập vào tâm tư người khác, trong đó có lẽ có phần suy luận. Ông không đánh giá thấp các khả năng như vậy, có những người khác cũng thích thú nhận ra các ưu điểm ấy ở Narcisse. Nhưng ông không nghi ngờ là thầy đã phát hiện ở cậu học sinh Goldmund một nhân cách độc đáo. Ở Goldmund, đối với ông là tu viện trưởng, không có gì đáng lưu ý ngoài chuyện không cưỡng được thuộc bản tính của cậu ta, ngay hiện nay đang còn là học sinh trên là lưu trú ở tu viện, dường như cậu đã tự cho mình gắn với tu viện và gần như là một trong các thầy dòng về mặt đạo, với nhiệt tình sớm sủa, thậm chí hơi già. Ông không nghĩ đến sợ rằng Narcisse ưu ái và hơn thế, còn khích lệ lòng nhiệt tình dễ gây xúc cảm nhưng còn thiếu chín chắn ấy. Điều đáng ngại đối với Goldmund, chính là anh bạn của cậu chẳng truyền cho cậu một tham vọng nào đó về trì tuệ và tính kiêu căng của nhà thông thái. Nhưng về người học sinh ấy, công bằng mà nói, theo ông dường như điều nguy hiểm không lớn. Và ông không muốn để mình cuốn theo lòng nghi kỵ, ông không muốn tỏ ra vô ơn đối với Chúa đã phó thác cho ông hai con người ưu tú.
Narcisse suy nghĩ nhiều về trường hợp chú bạn của mình. Từ lâu khả năng đặc biệt của thầy trong việc hiểu thấu và cảm nhận tính khí cũng như khuynh hướng của những người khác đã cho thầy biết về Goldmund. Sức sống toả sáng từ chàng trẻ tuổi ấy cho thầy thấy rõ ràng: Cậu mang mọi dấu hiệu của một cá nhân thông tuệ phong phú trong các giác quan và trong tâm hồn của cậu, có lẽ một nhà nghệ sĩ, dù sao cũng là của một con người có sức mạnh lớn về tình yêu thương mà số phận và niềm hạnh phúc là đốt cháy bùng lên và dâng hiến bản thân mình. Vậy thì tại sao con người đa cảm ấy, với những giác quan tinh tế và phong phú có the cảm nhận hết tận cùng sức quyến rũ của một đoá hoa, một buổi bình minh, một con ngựa, một đường chim bay, một bản nhạc và yêu chúng, tại sao lại cứ bám lấy ý muốn làm một trí thức và một nhà tu hành khổ hạnh? Narcisse trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu về điều đó. Thầy biết rằng bố của Goldmund khuyến khích khuynh hướng ấy của con mình. Nhưng ông ấy có thể đã khêu gợi chăng? Bằng công thức ma lực nào ông ấy đã quyến rũ con trai mình để cậu ta tưởng chừng thấy đó là sự mời gọi và bổn phận dành cho mình? Ông bố ấy, liệu ông ấy, có thể là người thế nào?. Mặc dù đã nhiều lần thầy dắt dẫn câu chuyện về ông bố, Goldmund vẫn không nói đến. Tuy Narcisse không hình dung được ông ấy thầy cũng không gặp ông ta. Thế có kỳ lạ và đáng ngờ không? Khi Goldmund nói chuyện về con cá hồi sông cậu bắt được khi còn bé, khi cậu tả một con bướm, bắt chước tiếng kêu một con chim, kể một điều gì đó về một người bạn, một con chó, một người ăn xin, bấy giờ các hình ảnh hiện lên, người ta trông thấy rõ mồn một. Khi cậu nói về bố mình, người ta chẳng thấy gì hết. Không, nếu ông bố đó thực sự có trong cuộc sống của Goldmund như một bộ mặt quan trọng mạnh mẽ, có sức chi phối thì hẳn cậu đã mô tả một cách khác, gợi lên các hình ảnh khác của ông ta. Narcisse không coi trọng nhiều ông bố ấy, không thích thú ông ta, thậm chí đôi khi cậu tự hỏi không biết ông ấy có quả là thân sinh của Goldmund không. Đó là một hình tượng không thực. Vậy ở đâu ông ta lấy ra được sức mạnh của mình? Làm sao ông ta có thể chứa đầy trong tâm hồn cậu con trai mình bao nhiêu ước mộng kỳ lạ so với bản chất của cậu ta?
Goldmund cũng lung bung suy nghĩ mãi. Dẫu tin chắc vào tình thương của anh bạn, cậu không khỏi vì thế mà luôn có cảm tưởng vật vã là anh không khá coi trọng mình, thường đối đãi với mình ít nhiều như với một đứa trẻ. Liệu Narcisse muốn nói gì trong khi cứ luôn luôn cho cậu hiểu là cậu không giống với anh?
Tuy vậy, các điều suy tư ấy không choáng hết thì giờ hằng ngày của Goldmund. Cậu không có khả năng trầm ngâm kéo dài. Sáng chiều cậu còn có những việc khác phải làm. Thường thường cậu chui vào chỗ ở của thầy dòng gác cổng, với anh này cậu thông cảm tuyệt vời, cậu có thể xin hoặc tạo ra cớ để có dịp chỉ con Bless một hai tiếng đồng hồ; và cậu cũng thấy rất thú vị với vài người làm công trong tu viện, đặc biệt với người thợ vận hành cối xay. Nhiều hôm cậu cùng với người đầy tớ của anh ta ngồi rình các con rái cá, hoặc cùng nhau lấy loại bột mì tốt dành riêng cho các giáo phẩm mà cậu nhắm mắt ngửi mùi cũng nhận ra ngay để làm bánh rán ăn chơi. Cũng thường nữa với Narcisse cậu có nhiều giờ vẫn còn rảnh rang để cùng ngồi vui chơi theo thói quen của mình. Các buổi kinh lễ đối với cậu cũng thường là một nguồn vui. Cậu thích hát trong dàn đồng ca của học sinh, đọc một bài kinh và lần tràng hạt trước một bàn thờ theo cậu chọn, nghe đọc kinh bằng tiếng La tinh trang nghiêm, ngắm nhìn qua làn khói hương sắc vàng óng ánh của các đồ thờ và các vật trang trí thiêng liêng, cũng như các bộ mặt bình yên và tôn kính của các thánh đường trên các hàng cột, các nhà truyền đạo với các con thú tượng trưng, thánh Jacques với chiếc túi khắc thực và chiếc mũ khách hành hương.
Cậu cảm thấy thu hút bởi các bộ mặt bằng da và bằng gỗ ấy. Cậu thích thú tưởng tượng các mối tương quan bí ẩn giữa bản thân mình và các pho tượng; cậu thấy ở đó như những vị đỡ đầu, hộ mệnh và hướng dẫn cuộc sống của mình, bất diệt và luôn luôn có mặt ở mọi nơi. Và cũng vậy, cậu cảm nhận có một sự thân cận bí ẩn và quyến rũ giữa tâm hồn dịu dàng của mình với các hàng cột, các nóc nhà, các cửa sổ và các cổng chính, các trang trí trên các bàn thờ, các cây gậy biểu tượng quyền uy của các giáo phẩm và các chỏm đầu hình tròn cạo sạch tóc, với những bộ mặt nhìn nghiêng ân cần, các tán lá và những cành hoa phát triển mạnh mẽ toát ra từ chất liệu đá các hàng cột và khép mình lại một cách bao khêu gợi và xúc động. Sự sinh tồn ấy bên thế giới thực vật và động vật của một bản tính thứ hai. Cái bản tính câm lặng ấy do con người tạo nên, sự hiện diện của những nhân vật ấy, những thú vật và cây cỏ ấy bằng đá và bằng gỗ, điều đó đối với cậu dường như là một điều bí ẩn quí báu và sâu đậm. Thường thường cậu dành một trong những giờ rảnh rỗi của mình để tái hiện các bộ mặt ấy, các đầu thú vật, các bó hoa ấy, và đôi khi cậu thử vẽ các đoá hoa thực, những con ngựa thực và những bộ mặt người đích thực.
Cậu rất thích các bài hát nhà thờ, đặc biệt các bài thánh ca đối với Đức Mẹ Đồng Trinh. Cậu thú vị nhận ra tiến trình không thay đổi và chắc chắn của các khúc hát ấy, và không ngớt nhắc lại các lời cầu xin cùng ca ngợi. Cậu có thể theo dõi ý nghĩa trong mỗi khúc hát với trạng thái tĩnh tâm sùng tín cũng nhưng quên đi ý nghĩa ấy để chỉ thưởng thức nhịp điệu trang nghiêm của các câu thơ và tiếp nhận chúng, để cho các âm hưởng sâu lắng và kéo dài, mật độ và tiếng vang của các nguyên âm, các lời hiếu đạo ấy thấm vào lòng mình. Từ thâm tâm, cậu không cảm thấy hấp dẫn với khoa học cũng như ngữ pháp, hoặc môn lôgic học, mặc dù đối với cậu, các lĩnh vực ấy vẫn có những cái đẹp của chúng, nhưng cậu ưa thích hơn thế giới hình tượng và âm vang của nghi lễ tụng kinh.
Và luôn luôn cậu có những chốc lát phá tan sự lẻ loi hằng bao trùm cậu giữa các bạn cùng học. Cùng thời gian, đối với cậu thật khó nhọc và buồn tẻ việc phải sống với không khí lạnh nhạt và co mình xa lánh. Cậu luôn luôn tìm cách để gây cười với một anh bạn cùng bàn học có tính quàu quạu, hoặc lôi cuốn anh bạn bên cạnh thường lặng lẽ cùng trò chuyện. Hằng giờ cậu cố gắng, và có khi bỏ trần ra đài đẵng để tỏ tình cảm và lôi kéo về mình trong chốc lát các con mắt, bộ mặt, tấm lòng gần gũi ấy, cậu bất đắc dĩ mời một người bạn “đi vào làng”. Bấy giờ cậu cảm thấy sợ, và rùng mình sớm lánh xa. Không, cậu không “đi vào làng” nữa. Cậu đã quên đi cô con gái có tóc tết, không hề, hoặc ít ra, hầu như không mấy khi nghĩ đến cô ta nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.