Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

CHƯƠNG 11: SỢI DÂY CỨU HỘ TỪ XA



Khi các nghị sĩ họp lại, Greenfin tuyên bố rằng ông ta đã hoàn toàn “bó tay”: ngân hàng chẳng còn con cá nào cả. Một số nghị sĩ đề xuất nói toàn bộ sự thật cho người dân, nhưng ý kiến này không được ủy ban tán thành. Lindy tìm kiếm những câu trả lời tốt hơn.

Ông ta đề nghị nhà kinh tế lỗi lạc của hòn đảo, ông Brent Barnacle, tiếp quản ngân hàng.

Barnacle khẳng khái nói “Không có vấn đề gì đâu, thưa Ngài. Tình hình hiện nay là các công dân của chúng ta đã mất lòng tin. Nhưng nếu chúng ta chi tiêu nhiều hơn bằng những đồng tiền giấy của chúng ta (giấy bạc của Ngân hàng Dự trữ Cá), chúng ta có thể lấy lại niềm tin đã mất đó, và người dân sẽ chi tiêu trở lại. Thậm chí nếu cần thì tôi có thể lấy… lá cọ làm tiền cũng được nữa kìa!”.

Một vài nghị sĩ cảm thấy hơi bối rối. Dù chẳng có ai trong số họ được học hành về kinh tế bài bản như Barnacle, một số mơ hồ cảm thấy rằng mọi vấn đề đều phát sinh từ việc chi tiêu quá nhiều. Buddy Goldfish cố gắng giải thích, song chẳng ai nghe ông ta cả.

Thật may mắn, khi sự lựa chọn đầy khó khăn này được số mệnh ngăn lại kịp lúc. Ngay lúc đó, cánh cửa phòng họp bật tung, một viên đại sứ của hòn đảo này tại một nơi xa xôi bước vào cùng một nhóm người có hình dạng vô cùng kỳ dị.

Viên đại sứ này vừa phát hiện ra một hòn đảo tên là Sinopia ở vùng biển xa xôi về phía Đông, nơi đây dân đảo vẫn hoàn toàn bắt cá bằng tay. Không được hưởng lợi từ nền kinh tế phát triển và tự do, đảo Sinopia đang nằm dưới sự cai trị độc đoán của một vị vua, ông này buộc họ phải trải qua những thử nghiệm kỳ quái về cấu trúc xã hội, hết đợt này đến đợt khác.

Ở Sinopia, mọi người dân đều phải đi bắt cá, song cá lại không thuộc sở hữu của họ, mà phải nộp cho vua. ông vua sẽ quyết định ai sẽ được lĩnh cá mang về nhà.
Nhận thấy ngư dân phần nào chểnh mảng, vị vua bèn ra lệnh khi bắt cá, mọi người phải… đồng thanh hát những bài ca ái quốc. Ai quên lời bài hát, hay hát sai nhạc sẽ bị phạt nhịn đói cho tới khi hát đúng và đều mới thôi.

Tuy cơ chế này không kiếm ra được nhiều cá nếu tính theo trung bình đầu người, song những kẻ nắm quyền lại chiếm được phần lớn trong số cá đánh bắt được. Trong khi nhà vua và quần thần ăn uống xa hoa với toàn hải sản, thì một cư dân trung bình tại Sinopia chỉ có khoảng nửa con cá để ăn trong một ngày mà thôi.

Cũng như Usonia thời kỳ trước khi tư liệu sản xuất phát triển, đảo Sinopia hiện cũng không hề có tiết kiệm, ngân hàng, tín dụng và kinh doanh. Theo góc nhìn từ những người Usonia thì nền kinh tế Sinopia vẫn đang thuộc “đêm trường Trung cổ”.

Tuy nhiên, ông vua xứ Sinopia cũng đủ khôn ngoan để nhận ra rằng cứ thế này thì hòn đảo của ông ta chẳng phát triển gì được cả. Sau khi nghe nói về đảo Usonia, ông vua này rất ấn tượng trước mức sống cao của người dân, cũng như hệ thống ngân hàng, tín dụng và thương mại tiên tiến tại đây. Ông ta quyết tâm mang lại mức độ thịnh vượng tương đương cho thần dân của mình.

Sau khi nghiền ngẫm cách thức vận hành của nền kinh tế trên đại dương, nhà vua ngờ rằng chìa khóa thành công chính là việc sở hữu tiền giấy do Ngân hàng Dự trữ Cá phát hành.

Thực sự mà nói, nhà vua cũng nhận ra rằng tiền giấy của Usonia được sử dụng trên toàn bộ đại dương. Người Bongobia chấp nhận loại tiền này để thanh toán cho sản phẩm trống bongo, còn dân đảo Dervishia thì nhận tiền để đổi lại các sản phẩm dầu dừa của họ.

Nhận ra rằng việc sở hữu tiền giấy Usonia khiến hòn đảo của mình tiếp cận nhiều hơn với nền kinh tế đại dương, viên đại sứ Sinopia tại Usonia đề nghị đem số cá mà cư dân trên hòn đảo của ông ta kiếm được đổi lấy những tờ giấy bạc do Ngân hàng Dự trữ Cá phát hành.

Các ông nghị của chúng ta nhìn chằm chằm vào phái đoàn Sinopia với vẻ hoài nghi, sau đó lại nhìn nhau… Liệu mọi việc có thể quá dễ dàng suôn sẻ như thế này không? Có người sẵn lòng mang cá tươi đến đây để đổi lấy… một mớ giấy lộn hay sao?

Nhưng không chần chừ gì nữa, Lindy B. bước lên trước và chấp nhận lời đề nghị của những người đến từ Sinopia. Usonia sẵn lòng mở cửa thị trường nội địa để nhập khẩu cá từ Sinopia. Tiện đây, ông ta hỏi luôn, bao giờ thì các quý Ngài có bắt đầu giao cá cho chúng tôi?

Tuy nhiên, trước khi ký giao kèo, vị đại sứ Sinopia cũng yêu cầu bên Usonia tái đảm bảo với họ rằng tiền giấy Usonia luôn có giá trị thực.

Lindy B. cam đoan “ Xin các Ngài an tâm. Bất cứ khi nào muốn đổi những tờ giấy bạc này ra cá thật, xin cứ đến ngân hàng của chúng tôi. Hãy nhìn xem, có vẻ gì là chúng tôi thiếu cá không ạ?”.

Thế là hiệp ước giữa hai hòn đảo được ký kết, người Sinopia đem cá đến giao cho Usonia. Để thanh toán, Nghị sĩ Lindy giao cho đối tác hai va li đầy tiền mới in, cáu cạnh! Không thể nhịn được tiếng cười khùng khục trong cổ họng, ông ta dặn với theo: “Cẩn thận giữ gìn số tiền này nhé, thưa quý ông. Không dễ có được chừng này tiền đâu đấy!”.

Quay sang ông giám đốc ngân hàng, ông ta nói “Này ông bạn Barnacle, hãy cho người mang cá về kho ngân hàng đi, để chúng ta còn mở cửa giao dịch”.

Viên giám đốc ngân hàng nay đã hoàn toàn cảm thấy thoải mái: “Không có vấn đề gì đâu, thưa Ngài. Tôi có một đội kỹ thuật viên đang sẵn sàng làm việc. Họ sẽ mau chóng xử lý số cá này, và những người ký gửi cá trước kia hôm nay sẽ nhận được phần cá của họ nếu muốn. Và khác với hôm qua, cá hôm nay tất nhiên sẽ có rất nhiều thịt chứ không chỉ toàn là xương!”.

Thế là một chương mới trong lịch sử kinh tế của Usonia ra đời. Mỗi ngày đảo Sinopia lại chuyên chở tới đây một xuồng đầy cá để ký gửi, và đổi lại, họ nhận được một đống tiền giấy của Ngân hàng Dự trữ Cá.

Vấn đề chính với người Sinopia bây giờ là họ sẽ làm gì với số giấy bạc này. Cách tốt nhất là dùng tiền để mua những hàng hóa do dân Usonia chế tạo ra. Tất nhiên, dân Usonia là những người chế tạo lưới đánh cá giỏi nhất, mà Sinopia thì cần những bộ lưới tốt để cải tạo hiệu suất đánh cá. Hãng sản xuất lưới mang tên Able Net Company luôn nhận được những đơn đặt hàng lớn.

Sau khi mua hàng hóa xong, người Sinopia vẫn còn dư lại một lượng tiền giấy. Do trên đảo của họ chưa có hệ thống ngân hàng, họ quyết định ký gửi phần thặng dư thương mại này tại chính Ngân hàng Dự trữ Cá, bởi để tiền tại đây thì ít ra họ còn được trả tiền lãi.

Những giao dịch kể trên là một cú hích lớn để thúc đẩy kinh tế Usonia. Không chỉ nhu cầu từ bên ngoài thúc đẩy nền kinh tế nội địa, mà việc ký gửi số cá của người Sinopia đã làm tăng khả năng cung tín dụng. Lúc này, bất chấp việc người Usonia đã chi tiêu nhiều hơn những gì họ tiết kiệm được, vẫn còn có rất nhiều cá có thể đem cho vay với lãi suất thấp.

Do đã có thêm nhiều cá thật (từ Sinopia) để đắp thêm thịt vào những con cá chính thức, vấn đề lạm phát cá của Usonia biến mất. Khi những chú cá béo tốt hơn, giá cả ngừng tăng và mức sống tại Usonia một lần nữa lại gia tăng.

Trong khi đó, tình hình ở Sinopia cũng thay đổi.

Nhà vua Sinopia, tuy trễ, nhưng đã nhận ra những khiếm khuyết chết người trong mô hình kinh tế tại đảo quốc này. Nếu phải nộp toàn bộ số cá bắt được thì dân đảo sẽ không chịu đánh bắt cá nữa. Nhận ra điều đó, nhà vua đưa ra một chính sách rất mới khi mua được lưới đánh cá từ Usonia: những ai mua lưới từ hoàng cung sẽ được phép giữ lại số cá dôi dư khi đánh bắt. Chẳng có gì lạ khi sau đó hoạt động đánh bắt cá của người Sinopia sôi nổi hẳn lên.

Người Sinopia khôn ngoan sử dụng khoản tiết kiệm tích lũy của họ để đầu tư vào tư liệu sản xuất, mở rộng sản xuất. Các doanh nhân Sinopia theo chỉ đạo của nhà vua và sản xuất ra những hàng hóa có thể đem bán để thu tiền giấy Usonia. Do người Usonia nắm giữ loại tiền này, nên các nhà máy mới tại Sinopia hoàn toàn tập trung sản xuất những loại hàng mà dân Usonia có nhu cầu.

Do cuối cùng đã có động lực cá nhân, chẳng mấy chốc người Sinopia đã tích lũy tiết kiệm và mở rộng được sản xuất. Kết quả là các doanh nhân Sinopia nay đã có thể mở nhà máy sản xuất những hàng hóa khác như ly tách, chén dĩa v.v…Và tuy đa phần người dân ở Sinopia vẫn chưa có những hàng hóa nói trên, các doanh nghiệp lại tiếp tục bán hàng sang Usonia, để thu về những tờ giấy bạc của Ngân hàng Dự trữ Cá.

ĐIỀU CÒN ĐỌNG LẠI

Bao năm qua các nhà kinh tế đã đánh giá sai mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đa số họ cho rằng đây là mối quan hệ mà hai bên cùng có lợi: Mỹ có được những sản phẩm giá rẻ, những khoản vay giá rẻ, trong khi Trung Quốc có được việc làm trong ngành chế tạo. Nhưng liệu một sự sắp xếp như vậy thực sự có lợi cho cả hai bên?

Người Mỹ hưởng lợi: họ có hàng hóa mà không phải sản xuất, họ vay tiền và không cần tiết kiệm, về phần mình, người Trung Quốc phải làm việc mà không được tiêu xài những gì họ đã sản xuất ra.

Thế thì lợi ích là ở đâu?

Đa số các chuyên gia kinh tế đương đại cũng không nhận ra mức độ của việc lãi suất thấp tại Mỹ là do mức tiết kiệm cao ở nước ngoài. Hãy nhớ một điều căn bản: để có tiền cho vay, phải có ai đó tiết kiệm. May cho nước Mỹ là nền kinh tế toàn cầu tạo điều kiện cho những quan hệ kiểu này phát triển vượt qua phạm vi biên giới quốc gia.

Lá chủ bài của Mỹ cho đến hôm nay chính là địa vị của đồng dollar Mỹ. Là đồng tiền dự trữ chính thức của thế giới, đồng dollar Mỹ được chấp nhận là đồng tiền thanh toán cho mọi giao dịch quốc tế. Điều này có nghĩa là không chỉ Mỹ và các đối tác thương mại của họ, mà tất cả mọi người trên trái đất này đều cần dollar Mỹ để giao dịch thương mại quốc tế. Ngay cả khi chẳng ai mua hàng của Mỹ, thì nhu cầu về đồng dollar Mỹ vẫn tồn tại. Chẳng có quốc gia nào có được “số đỏ” về mặt tiền tệ như thế!

Đa phần dollar Mỹ của người ngoại quốc lại được ký gửi tại các ngân hàng Mỹ, tức là có thể dùng để cho dân Mỹ vay. Cách thức này cho phép người Mỹ chúng ta chi tiêu mà chẳng hề phải tiết kiệm.

Hiện nay, với việc neo chặt đồng nội tệ của họ với dollar Mỹ, nhà chức trách Trung Quốc thực chất đã buộc công dân nước này phải giữ lại một phần trong số tiền tiết kiệm của mình dưới hình thức dollar Mỹ.

Không có những khoản tiết kiệm từ Trung Quốc và các nước khác, tất cả mọi người ở Mỹ (kể cả Chính phủ) sẽ khó khăn khi đi vay nợ, phải trả lãi suất cao hơn nhiều. Lãi suất cao và tín dụng khan hiếm sẽ giáng một đòn chết người vào nền kinh tế tràn ngập nợ vay của chúng ta.

Khi các nhà lãnh đạo Mỹ ngày càng mâu thuẫn với Trung Quốc, chúng ta càng phải thấu hiểu sợi dây cứu hộ này trước khi nó tuột khỏi tầm tay. Tất nhiên, vì mối quan hệ kiểu này không thể là mãi mãi, nên càng kết thúc nó sớm thì càng đỡ đau đớn, nhất là với người Mỹ. Nói cách khác, càng ăn “của chùa” lâu thì càng khó tự kiếm ăn khi “của chùa” đó không còn nữa!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.