Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

CHƯƠNG 7: CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ THƯƠNG MẠI



Trước nay, dân đảo vẫn lấy nước uống từ những dòng suối trên núi. Họ mang nước từ suối về lều bằng bất kỳ cách gì có được.

Vì thế, đa số người dân sống và làm việc không xa lắm so với nguồn nước. Việc không có nguồn nước tưới cũng gây khó khăn cho trồng trọt. Tất cả những thực tế này hạn chế năng suất nói chung của hòn đảo.

Một năm kia, xảy ra một đợt hạn hán khủng khiếp, làm cạn khô nhiều dòng suối. Nỗi khổ vì thiếu nước ảnh hưởng lên tất cả mọi người!

Cư dân đảo phải nỗ lực tìm ra một giải pháp để ngăn ngừa một thảm họa tương tự trong tương lai.

Trí óc lanh lẹ của Able Fisher V (cháu năm đời của chàng Able trong phần đầu câu chuyện của chúng ta) đã giải quyết được vấn đề này. Anh ta nhận thấy nước mưa sau khi hết mưa sẽ đọng lại trong mấy cái ao. Bắt chước tự nhiên, anh ta chế ra một hệ thống thoát nước mưa và bể chứa, để tích trữ nước mưa dùng sau này. Nhưng đây là một dự án lớn, cung cấp nguồn nước cho toàn bộ hòn đảo.

Theo những gì mà Able V tính toán, thì dự án Nước Mưa này sẽ đòi hỏi vốn lưu động khoảng 182.500 con cá, tức là đủ để hỗ trợ cho 250 nhân công tham gia lao động trong dự án suốt thời gian hai năm. Anh ta tìm đến Manny Fund để vay. Manny thích ý tưởng này, song ông ta không có đủ cá. Able V bèn tìm đến ngân hàng.

Tại đây, trước sự ngạc nhiên của anh ta, cô Maxine Goodbank (hậu duệ của Ngài Max Goodbank thuở nào) tỏ ra là người biết lắng nghe! Dù chi phí có cao nhưng so với lợi nhuận tiềm năng thì rủi ro là có thể chấp nhận được. Nếu thành công, dự án sẽ tự trang trải chi phí và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn bộ mọi người trên đảo.

Nhưng dù bà chủ ngân hàng có thích dự án này đến đâu đi nữa, ngân hàng Goodbank có lẽ vẫn không thể tài trợ dự án nếu như không huy động được đủ khoản cá tiết kiệm. Đơn giản là không có đủ số cá dư để nuôi sống 250 nhân công tham gia dự án, tức là không thể bắt cá, trong suốt hai năm ròng rã.

Cuối cùng, dự án Nước Mưa hoàn thành tốt đẹp như đã được quảng cáo, cho phép những người đi vay trả đủ số tiền đã vay, cả gốc và lãi.

Cư dân trên đảo đều vui vẻ và sẵn lòng trả một khoản phí thường niên cho nguồn nước này. Từ những khoản thu nhập đó, dự án Nước Mưa tuyển hơn 100 công nhân làm việc quanh năm để vận hành hệ thống ống nước bằng tre khá phức tạp này.

Thành công ngoạn mục của dự án đã thay đổi diện mạo nền kinh tế của đảo. Nước được truyền qua các đường ống, với mức phí phải chăng, tới những khu vực xa xôi trên đảo, tạo điều kiện canh tác ở ngay cả những vùng đất cằn cỗi trước kia.

Ngoài ra, dòng nước ổn định như vậy có thể sử dụng để chạy một số máy móc, từ đó sản sinh ra những ngành công nghiệp mới.

Giờ đây không phải khổ sở múc nước bằng tay nữa, dân đảo có nhiều thời gian hơn cho việc sản xuất hàng tiêu dùng và cung cấp các dịch vụ cho việc phát triển các dự án cung cấp tư liệu sản xuất khác. Năng suất tăng cao khiến toàn xã hội (ở đây là hòn đảo!) bắt được nhiều cá hơn, từ đó mức sống cũng tăng theo.

Thương mại

Khi nền kinh tế trên đảo mở rộng, năng lực xuất khẩu sản phẩm ra bên ngoài cũng tăng theo. Chẳng bao lâu sau, những chiếc xuồng chở hàng khổng lồ bắt đầu vượt biển, chất đầy cá, xe đẩy, ván trượt nước, gươm giáo, những chiếc xuồng nhỏ. Những sản phẩm này nổi tiếng khắp đại dương vì phẩm chất và giá cả phải chăng, được mang đi trao đổi để đem về đầy ắp cá tươi và những hàng hóa khác chưa từng được biết đến trên đảo trước đây.

Khi những nhà buôn trên đảo liên lạc được với những hòn đảo khác, thương mại phát triển mạnh, thúc đẩy tăng trưởng nhiều hơn nữa. Khi được tự do phát triển không kiềm chế, thương mại tự do làm lợi cho tất cả mọi người.

Một số hòn đảo (hay thành phố, quốc gia, thậm chí dân tộc) thường có dồi dào một nguồn lực nào đó mà những nơi khác không có. Mỗi cá nhân, quốc gia hay hòn đảo, một cách rất tự nhiên, sẽ sử dụng những lợi thế riêng để thu lợi nhiều nhất từ những gì mình có.

Ví dụ, hòn đảo Bongobia gần đó, đúng như tên của nó, sản xuất được rất nhiều bongo – một loại trống nhỏ gõ bằng tay. Cư dân đảo này rất giỏi làm bongo, ngoài ra trên đảo có rất nhiều cây thích hợp để làm loại trống này. Kết quả là có rất nhiều trống bongo được làm ra trên đảo, khiến giá trị của mỗi chiếc trống là không cao lắm. Nếu mua bán trong nội bộ đảo Bongobia, một cặp trống bongo chẳng đáng giá là bao.

Cách xa Bongobia chừng trăm dặm, dân đảo Dervishia lại rất mê chơi trống bongo.

Không may là trên hòn đảo này lại không có loại cây thích hợp để làm trống. Do đó, tại đảo Dervishia, trống bongo là một hàng hóa hiếm và có giá trị. Trong khi đó, đảo này lại có rất nhiều dầu dừa dưỡng da (giúp có được làn da rám nắng), nhưng dân đảo này vốn có làn da nâu và chẳng cần phòng chống tia cực tím làm gì, do đó loại dầu dừa này hầu như vô giá trị với họ.

Cứ như là có duyên, tình cờ thế nào mà dân đảo Bongobia, vốn trắng trẻo hơn, lại luôn luôn gặp phiền phức từ việc da của họ bị cháy nắng kinh niên vì những đợt nắng nóng kéo dài do khí hậu đặc trưng của hòn đảo này.

Khi hai đảo liên hệ với nhau, ngay lập tức họ phát triển mạnh mẽ thương mại về trồng bongo và dầu dừa. Mỗi đảo sử dụng lợi thế so sánh của mình để bán cho bên kia những sản phẩm có giá trị hơn tại nơi mua hàng so với tại nơi sản xuất ra chúng. Trong sự cộng sinh kiểu này, cả hai bên đều có lợi. Mức sống gia tăng và cư dân cả hai nơi đều hài lòng.

Thương mại ở tầm quốc gia không khác gì so với chuyên môn hóa lao động ở tầm cá nhân. Mỗi cá nhân hay quốc gia bán những thứ mà họ có nhiều, hay những thứ mà họ làm ra giỏi nhất, để đổi lại những gì mà họ không có hay không làm ra một cách dễ dàng.

KIỂM TRA THỰC TẾ: KINH TẾ HỌC LỚN VÀ KINH TẾ HỌC NHỎ

Giờ đây, khi cộng đồng trên hòn đảo của chúng ta đã lớn hơn nhiều, so với thuở ban đầu chỉ có ba chàng trai dùng tay bắt cá kiếm ăn hàng ngày, một số người có thể nghĩ rằng kinh tế học trên hòn đảo này đã thay đổi. Phải chăng đúng là như vậy?

Cũng như các nguyên tắc trong toán học chẳng thay đổi theo quy mô của bài toán, các nguyên tác kinh tế cơ bản không thay đổi theo quy mô của nền kinh tế. Chỉ có điều là chúng ta khó nhận ra những nguyên tắc đó do có quá nhiều tầng nhiều lớp xuất hiện giữa bên vay và bên cho vay mà thôi. Tuy nhiên, mối liên hệ trực tiếp giữa sự tự hy sinh tiêu dùng trước mắt, tiết kiệm, tín dụng, đẩu tư, động cơ kinh tế, cũng như các tiến bộ xã hội và kinh tế, thì vẫn hoàn toàn giống nhau.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng có thể có ảnh hưởng rất to lớn đến nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng chỉ có ích nếu lợi ích tạo ra lớn hơn chi phí. Ngược lại, các dự án kiểu này sẽ làm lãng phí các nguồn lực và ngăn cản đà tăng trưởng.

Ngày nay, nhiều nhà chính trị và kinh tế đã sai lầm khi xem đầu tư vào cơ sở hạ tầng không phải là một chi phí ngắn hạn để thu lợi trong dài hạn, mà là một biện pháp tức thời để tạo ra việc làm và thúc đẩy nền kinh tế. Quan điểm này có thể dẫn đến việc phân bổ các nguồn lực sai lầm và lãng phí, cũng như vô tình làm mất đi các công việc ở các khu vực khác.

Suốt hơn nửa thế kỷ gần đây, Hoa Kỳ ít đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Chi phí của việc lãng quên xu thế này sẽ trở thành một gánh nặng cho nền kinh tế. Hơn nữa, lợi ích (của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng – ND) chỉ xuất hiện trong tương lai, khi các dự án thành công.

Trong câu chuyện của chúng ta, số cá lên tới 182.500 con được vay để xây dựng dự án Nước Mưa sẽ không thể được dùng tài trợ cho những dự án đầu tư tạo ra công ăn việc làm khác trên đảo. Rõ ràng đây là một cơ hội lớn. Nếu số cá này dùng để đầu tư vào một dự án cơ sở hạ tầng thất bại nào đó, chẳng hạn như dự án “Cây cầu không tới đâu” 6 nổi tiếng ở Alaska dạo trước, nguồn cung tiết kiệm của hòn đảo sẽ bị lãng phí, đồng thời 250 công nhân cũng mất toi hai năm lao động công cốc!

Trong giai đoạn đầu của lịch sử Hoa Kỳ, các dự án như dự án Nước Mưa thường là sáng kiến của khu vực tư nhân. Do tính chất rủi ro cao của những dự án kiểu này, ngày nay trong thời kỳ Chính phủ kiểm soát toàn bộ, rất khó hình dung cơ sở hạ tầng có thể được tài trợ, xây dựng và vận hành một cách hiệu quả bởi các công ty tư nhân chạy theo lợi nhuận. Tuy nhiên, đúng là ngày xưa mọi chuyện đã có lúc như vậy.

Ví dụ, hệ thống xe điện ngầm ở New York chủ yếu do các công ty tư nhân làm, và từng được vận hành bên ngoài sự kiểm soát của chính quyền thành phố này trong gần 4 thập kỷ. Bất chấp chi phí xây dựng rất cao, hệ thống này vẫn kiếm ra lợi nhuận cho những nhà đầu tư. Hơn nữa, một điều rất ấn tượng là tiền vé xe điện ngầm không hề tăng trong suốt 40 năm!
Giờ đây, thật dễ dàng để thuyết phục cử tri rằng những tiện ích công cộng – chẳng hạn như cống thoát nước, đường cao tốc, kênh đào, cầu v.v…- cần được Chính phủ quản lý. Các chính trị gia đã lập luận thành công rằng các công ty tư nhân, vốn chỉ theo đuổi lợi nhuận thuần túy, sẽ bóc lột công chúng ngay khi có cơ hội sớm nhất.

Bằng chứng hỗ trợ cho những lập luận trên đa phần là cảm tính. Điều chắc chắn hơn là việc Chính phủ kiểm soát độc quyền các dự án và dịch vụ công cộng hầu như luôn dẫn tới sự kém hiệu quả, tham nhũng và hối lộ, cũng như chất lượng đi xuống.

Ngoài ra, khi một dự án do Chính phủ quản lý bị vượt dự toán hay yếu kém về phục vụ, các nguyên tắc của kỷ luật thị trường tự do không được vận dụng để giải cứu nó. Thay vào đó, Chính phủ chỉ cần tăng thuế, việc này sẽ làm lãng phí các nguồn lực xã hội và giảm mức sống của người dân.

Thương mại cũng bị ảnh hưởng xấu từ những quan niệm sai lầm như vậy. Trong nỗ lực bảo vệ công ăn việc làm cho dân Mỹ trước sự cạnh tranh của lao động nước ngoài, những người phản đối tự do thương mại đã phớt lờ lợi ích của nhập khẩu, cùng với những chi phí khó thấy được với người tiêu dùng một khi họ có ít sự lựa chọn khi mua hàng hóa dịch vụ.

Ví dụ, nếu một nhà sản xuất nước ngoài có thể bán áo thun tại Mỹ với giá rẻ hơn giá áo thun sản xuất tại Mỹ, thì người Mỹ sẽ tốn ít tiền mua áo thun hơn. Số tiền tiết kiệm được từ việc này sẽ được dùng để mua những hàng hóa khác, chẳng hạn như ván trượt nước. Điều này có thể làm lợi cho các công ty sản xuất ván trượt hoạt động tại Mỹ, hiện đang cung cấp những loại ván trượt tốt nhất.

Thế còn điều gì sẽ xảy ra với những công nhân may áo thun ở Mỹ, nay bị mất việc làm? Nếu những ông chủ của họ không thể cạnh tranh trong ngành may áo thun, thì đúng là công nhân sẽ phải tìm việc khác. Nhưng mục tiêu của nền kinh tế nói chung không chỉ đơn thuần là tạo ra việc làm, mà là tạo ra những việc làm có thể tối đa hóa năng suất lao động.

Về mắt tổng thể, một xã hội không thể có lợi với việc liên tục sử dụng lao động và tư liệu sản xuất một cách kém hiệu quả. Nếu Hoa Kỳ không có lợi thế cạnh tranh trong mặt hàng áo thun, họ cần tìm một sản phẩm khác mà họ có lợi thế để sản xuất.

Nếu dựng lên những rào cản thương mại để bảo vệ công ăn việc làm trong nước, chi phí của áo thun sẽ tiếp tục cao. Khi đó, người tiêu dùng sẽ có ít tiền hơn để mua những hàng hóa khác, ví dụ ván trượt nước, và những nhà sản xuất hàng hóa khác này sẽ bị thiệt thòi. Nhìn ra một công ăn việc làm được giữ lại thì rất dễ, cái khó hơn là nhìn ra được công việc không được tạo ra!

Rõ ràng là vô lý khi lãng phí lao động của chúng ta vào việc sản xuất ra những thứ có thể được sản xuất hiệu quả hơn ở nước ngoài. Nếu tập trung vào những hàng hóa dịch vụ mà chúng ta có thể làm ra một cách hiệu quả nhất, chúng ta có thể đem chúng đi đổi lấy những thứ mà nước ngoài làm tốt hơn. Và cuối cùng, chúng ta sẽ có nhiều của cải vật chất hơn.

Tất nhiên, vấn đề nằm ở chỗ đồng dollar Mỹ được định giá cao quá mức một cách giả tạo, thuế má cao, các luật lệ giới hạn về lương bổng và lao động, do đó chúng ta không có tính cạnh tranh cao trong nhiều hạng mục hàng hóa dịch vụ. Điều này rõ ràng là cần phải thay đổi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.