Nền Kinh Tế Tăng Trưởng Và Sụp Đổ Như Thế Nào

DẪN NHẬP



Suốt một thế kỷ qua, giới học thuật đã đem lại cho con người những tiến bộ trong hầu hết mọi ngành, mọi lĩnh vực, chỉ trừ một bộ môn – kinh tế học.

Được trang bị bởi các thành tựu của toán học và vật lý, các nhà khoa học đã phóng một con tàu không gian vượt hàng trăm triệu dặm để thám hiểm bề mặt của một trong những vệ tinh của Sao Thổ, nhưng đáng buồn thay, các chuyên gia của bộ môn khoa học buồn chán là kinh tế học lại chẳng đạt được thành tựu nào tương tự!

Nếu các kỹ sư của NASA có kỹ năng dự báo tương tự như các nhà kinh tế, thì sứ mệnh Cassini phóng tàu không gian lên thám hiểm các vệ tinh của Sao Thổ đã có kết cục hoàn toàn khác: không chỉ không thể bay vào quỹ đạo của Sao Thổ, mà có rất nhiều khả năng là tàu này sẽ quay đầu ngược trở lại trái đất, đâm thẳng vào lớp đá magma nóng chảy dưới lòng đất và nổ tung dưới đó!

Năm 2007, khi thế giới sắp rơi vào thảm họa kinh tế lớn nhất trong ba thế hệ, hầu như không có nhà kinh tế nào nhận ra tiềm năng khủng hoảng đang lấp ló nơi chân trời cả. Ba năm chìm trong khủng hoảng sau đó, các nhà kinh tế lại đưa ra những giải pháp khiến ai cũng ngạc nhiên – đơn giản là những giải pháp ấy quả là cực kỳ vớ vẩn. Chúng ta được khuyên rằng cần phải dấn sâu hơn nữa vào nợ nần để giải quyết vấn đề nợ, và phải chi tiêu nhiều hơn nữa để kinh tế thịnh vượng. Lý do cho cả tầm nhìn nghèo nàn trước đó cũng như những giải pháp nhảm nhí hiện nay của những chuyên gia này nằm ở chỗ rất ít nhà kinh tế hiểu được thực chất môn khoa học của họ vận hành như thế nào.

Lỗ hổng kiến thức đó là kết quả của việc chấp nhận trên toàn cầu đối với lý thuyết của John Maynard Keynes – một học giả Anh cực kỳ thông minh hồi đầu thế kỷ XX, người đã phát triển một vài ý tưởng cực kỳ ngu xuẩn về việc cái gì làm cho kinh tế tăng trưởng, về căn bản mà nói, Keynes đã thực hiện một trò bịp bợm khó tưởng tượng nhất một cách khéo léo: ông ta đã biến một điều đơn giản thành một mớ hỗn độn phức tạp đến mức không sao hiểu được.

Vào thời của Keynes, các nhà vật lý lần đầu biết đến khái niệm về vật lý lượng tử, theo đó hành tinh của chúng ta chịu sự tác động của hai nhóm quy tắc vật lý: một nhóm quy tắc áp dụng cho các phần tử vô cùng nhỏ như các proton và electron, và nhóm thứ hai áp dụng cho các vật chất còn lại. Có lẽ cảm thấy rằng môn kinh tế học buồn chán cần có một liều thuốc mạnh mẽ hơn, Keynes đi đến ý tưởng tương tự cho bộ môn này: một bộ quy luật kinh tế áp dụng ở tầm vĩ mô (cá nhân và hộ gia đình), một bộ quy luật khác áp dụng cho vĩ mô (các quốc gia và các Chính phủ).

Công trình của Keynes ra đời vào thời điểm sau cuối của một giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ nhất trong lịch sử. Nói theo ngôn ngữ kinh tế, thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX chứng kiến một giai đoạn chưa từng có trong việc tăng trưởng sản lượng và mức sống tại các nước phương Tây. Trung tâm của giai đoạn huy hoàng này là chủ nghĩa tư bản thị trường tự do tại Mỹ, đất nước cực kỳ coi trọng tự do cá nhân và hạn chế vai trò sự can thiệp của Nhà nước.

Tuy nhiên, những yếu tố phi tập trung hóa, hay tản quyền, vốn là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, đã đe dọa cấu trúc tập quyền vững chắc và thâm căn cố đế tại nhiều nơi trên thế giới. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế tư bản chủ nghĩa thường đi kèm với sự phân biệt hai cực giàu nghèo khá lớn, khiến một số nhà khoa học xã hội và những người cấp tiến tìm kiếm một giải pháp thay thế cho chủ nghĩa tư bản theo kiểu thị trường tự do. Trong nỗ lực tìm kiếm những hướng dẫn của khoa học hiện đại cho thị trường dường như chưa công bằng, vô tình Keynes biện hộ cho những nhà cầm quyền và những nhà xã hội không tưởng, tin rằng hoạt động kinh tế phải được lập kế hoạch từ trên xuống!

Trọng tâm trong quan điểm của ông ta là Chính phủ phải xóa bỏ tính chất không ổn định của thị trường tự do bằng cách gia tăng cung tiền hay chấp nhận thâm hụt ngân sách vào những thời kỳ kinh tế khó khăn.

Khi lập luận này ra đời vào thập niên 1920, 1930, những môn đệ của Keynes (những người Keynesian) vấp phải xung đột với những người theo “trường phái Áo”, ủng hộ lập luận của các nhà kinh tế như Ludwig Von Mises. Trường phái Áo cho rằng suy thoái là cần thiết, để bù lại cho những quyết định thiếu khôn ngoan trong giai đoạn bùng nổ kinh tế trước đó, và kinh tế luôn bùng nổ trước khi suy thoái. Họ tin rằng tăng trưởng trong giai đoạn đầu là do những tín hiệu sai lầm phát ra cho các doanh nghiệp, khi Chính phủ kích thích kinh tế bằng cách hạ thấp lãi suất.

Như thế, trong khi những người theo Keynes tìm cách giảm tác hại của suy thoái, thì những người theo trường phái kinh tế Áo lại lo ngăn ngừa những đợt tăng trưởng giả tạo.

Trong thời kỳ suy thoái kinh tế sau đó, những người Keynesian có một lợi thế nổi bật.

Do giải pháp của họ đưa ra là “không đau đớn”, họ được các chính trị gia ủng hộ. Hứa hẹn giải quyết thất nghiệp và đảm bảo tăng trưởng mà không cần phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công, những chính sách mà Keynes ủng hộ cũng tương tự như những phương pháp giảm cân thần kỳ, không yêu cầu người áp dụng phải ăn kiêng hay tập thể thao! Tuy rất phi lý, nhưng những hy vọng này mang tính an ủi cao, và hết sức ấn tượng trong những chiến dịch tranh cử.

Tư tưởng kinh tế kiểu Keynes cho phép các Chính phủ giả vờ tin rằng có thể nâng cao mức sống của người dân qua việc bấm nút chạy máy in tiền!

Do khuynh hướng thân Chính phủ, ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế, so với các nhà kinh tế thuộc trường phái Áo thì các nhà kinh tế Keynesian dễ được Chính phủ bổ nhiệm hơn vào các cơ quan quản lý kinh tế. Các trường đại học đào tạo ra những Bộ trưởng Tài chính hay Thống đốc Ngân hàng Trung ương dĩ nhiên có được uy tín cao hơn những trường khác. Và tất nhiên các khoa kinh tế học sẽ ưa thích các giáo sư ủng hộ Keynes hơn. Những người theo trường phái kinh tế Áo dần dần bị đẩy ra ngoài lề.

Tương tự, các định chế tài chính, nơi tuyển dụng chính của các nhà kinh tế, cũng ưa thích lý thuyết của Keynes hơn. Các ngân hàng lớn, các hãng đầu tư sẽ dễ thu lợi nhuận hơn trong môi trường kinh tế Keynesian, nơi mà tín dụng lỏng lẻo, đầu tư dễ dàng. Niềm tin rằng chính sách của Chính phủ phải hỗ trợ đầu tư giúp các ngân hàng đầu tư mở tung hầu bao của những nhà đầu tư thận trọng nhất. Kết quả là các định chế tài chính cũng thường tuyển dụng các nhà kinh tế ủng hộ quan điểm này.

Với lợi thế to lớn trong học thuật trước các đối thủ, sự ngưỡng mộ của xã hội đã tạo ra một loạt kinh tế gia ngay từ ban đầu đã trung thành tuyệt đối với quan điểm của Keynes.

Các nhà phân tích đó coi điều này là hiển nhiên: chính sách kinh tế kiểu Keynes đã giúp chặn đứng cuộc Đại Suy thoái 1929-1933. Rất nhiều người lập luận rằng nếu không có gói kích thích của Chính phủ (bao gồm cả những khoản chi tiêu cần thiết trong Thế chiến II), nền kinh tế đã rơi vào vực thẳm. Các phân tích bỏ qua một sự kiện: cuộc suy thoái đó có quy mô lớn nhất trong lịch sử, và cũng là đợt suy thoái đầu tiên mà người ta dùng các chính sách kiểu Keynes để giải quyết. Việc những can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế là nguyên nhân gây ra khủng hoảng hay là liệu pháp chữa trị khủng hoảng lại chưa bao giờ được các nhà kinh tế xem là đáng bàn ở đây cả!!!

Với những người Keynesian tràn ngập các khoa kinh tế, các bộ tài chính và các ngân hàng đầu tư, tình hình như thể chúng ta phó thác cho các chiêm tinh gia, thay vì các nhà thiên văn, việc tính toán tốc độ quay của các vật thể trong thiên hà. (Ồ, vệ tinh đã đụng phải một tiểu hành tinh, nhưng điều này là ngoài dự tính, không chừng có thể có những chuyện hay ho thì sao! – các chiêm tinh gia sẽ nói đại loại như vậy).

Khía cạnh dở khóc dở cười của tình hình là ở chỗ dẫu bao nhiêu lần những nhà kinh tế không hoàn thành nhiệm vụ, bao nhiêu lần những hỏa tiễn nổ tung ngay khi rời khỏi đường băng, thì cũng không ai trong số những kẻ gánh chịu hậu quả đặt ra bất kỳ nghi vấn nào cho những hình mẫu của họ cả!

Đa số những người bình thường trong chúng ta đều dần dần hiểu ra rằng những nhà kinh tế thực ra chẳng hiểu gì về những thứ họ đang nói cả. Nhưng mọi người cũng cho rằng điều đó là không có bằng chứng, vì lĩnh vực này quá rộng lớn và mù mịt, phi logic, do đó ngay cả những đầu óc thông minh nhất cũng không thể dự đoán chính xác được.

Nhưng nếu tôi nói với các bạn rằng tính chất lưỡng diện 2 của kinh tế mà những người theo Keynes đề xuất là hoàn toàn không tồn tại, thì sao? Nếu kinh tế học đơn giản hơn rất nhiều thì sao? Nếu cái gì là tốt cho con ngan ắt hẳn cũng tốt cho con ngỗng thì sao nào? Nếu một gia đình cũng như một quốc gia đều không thể chỉ chi tiêu mà thịnh vượng, giàu có được, thì sao???

Nhiều người quen thuộc với việc tôi dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng năm 2008 cho rằng trí tuệ thông thái của tôi là nguồn gốc của tầm nhìn sáng suốt đó. Tôi cam đoan với các bạn rằng tôi chẳng mấy thông minh hơn hầu hết các nhà kinh tế, những người không thể nhận ra một bong bong tài sản ngay khi bong bóng ấy ngồi chễm chệ trong phòng khách nhà họ cả tháng trời! Cái mà tôi có, ấy là sự hiểu biết căn bản và sâu sắc về những nguyên lý cơ bản của kinh tế học mà thôi.

Tôi có lợi thế đó, vì khi tôi còn nhỏ, cha tôi đã cho tôi một bộ công cụ để có thể chui qua mớ bùng nhùng mang tên kinh tế học. Bộ công cụ đó được trao cho tôi dưới dạng những chuyện kể, những ẩn dụ hay ngụ ngôn, và những bài tập thử nghiệm tư duy. Một trong những câu chuyện đó sẽ là cơ sở cho cuốn sách này.

Cha tôi, Irwin Schiff, được biết tới nhiều nhất như là một thành viên của phong trào phản đối chính sách thuế thu nhập Liên bang. Suốt 35 năm, ông đã đấu tranh chống lại những phương pháp của Sở Thuế vụ Liên bang (Internal Revenue Service, hay IRS – ND), đồng thời khẳng định rằng việc đánh thuế thu nhập là vi phạm ba điều khoản về thuế quy định trong Tu chính án số 16 của Hiến pháp Mỹ, cũng như vi phạm luật thu nhập, ông đã viết nhiều sách về đề tài này và từng công khai kiện Chính phủ Liên bang ra tòa. Vì những hoạt động này mà ông phải trả giá khá đắt: 82 tuổi vẫn phải vào thụ án ở nhà tù Liên bang!

Nhưng trước khi quan tâm đến vấn đề thuế má, cha tôi từng tạo dựng tên tuổi cho bản thân như một nhà kinh tế.

Ông sinh ra năm 1928 tại New Haven, Connecticut, là con thứ tám trong một gia đình nhập cư nghèo khó. Cha ông tham gia Công đoàn và cả gia đình lớn của ông đều hết sức ủng hộ chính sách kinh tế New Deal của Tổng thống Franklin D.Roosevelt. Khi học kinh tế học tại Đại học Connecticut, không có gì thuộc về tính cách hay truyền thống gia đình ông khiến người ta có thể tin rằng một ngày kia ông sẽ chống lại đường lối chính thống trong kinh tế học, và ủng hộ một trường phái đã hết thời – trường phái kinh tế Áo.

Irwin có tư duy độc lập và thái độ hơi quá tự tin vào bản thân, điều này khiến ông cảm nhận rằng những bài học kinh tế ở trường là không phù hợp với thực tế. Nghiên cứu hàng loạt lý thuyết kinh tế, ông bắt gặp những tác phẩm của những người theo chủ nghĩa tự do như Henry Hazlitt hay Henry Grady Weaver. Tuy sự cải đạo này là từ từ (kéo dài suốt thập niên 1950), nhưng cuối cùng ông đã trở thành người nhiệt thành ủng hộ chính sách tiền tệ lành mạnh, thuế má thấp, Chính phủ ít can thiệp vào nền kinh tế, và trách nhiệm cá nhân. Năm 1964, ông ủng hộ nhiệt tình Barry Goldwater ứng cử Tổng thống.

Tại hội nghị tiền tệ Bretton Woods năm 1944, Mỹ thuyết phục các quốc gia khác dùng đồng dollar Mỹ thay vì vàng để đảm bảo cho đồng nội tệ của từng nước. Vì nước Mỹ cam kết quy đổi 1 ounce vàng cho mỗi 35 USD, mặt khác Mỹ nắm giữ 80% lượng vàng của thế giới, nên đề xuất của họ mau chóng được chấp nhận.

Tuy nhiên, 40 năm lạm phát tiền tệ sau đó do những chuyên gia theo Keynes tại Fed gây ra đã khiến vàng bị định giá quá thấp khi neo với USD. Sự bất cân xứng đó gây ra cuộc “chảy máu vàng”, khi các Chính phủ các nước khác, dẫn đầu là Pháp vào năm 1965, đổ xô đi đổi giấy bạc của Hệ thống Dự trữ Liên bang (USD) lấy vàng đem về. Nhận ra khả năng có thể mua vàng với mức giá của năm 1932, các nước khác mau chóng làm việc đó và khiến dự trữ vàng của Mỹ có nguy cơ cạn kiệt.

Năm 1968, các cố vấn kinh tế của Tổng thống Johnson lập luận rằng cuộc chảy máu vàng nói trên không bắt nguồn từ tỷ giá quy đổi vàng-USD quá hấp dẫn, mà từ nỗi lo ngại rằng dự trữ vàng của Mỹ không đủ để quy đổi cho toàn bộ lượng giấy bạc của Hệ thống Dự trừ Liên bang được nắm giữ ở cả bên trong và bên ngoài nước Mỹ. Để giải tỏa nỗi lo này, họ khuyên Tổng thống Mỹ bãi bỏ khoản đảm bảo 25% vàng cho đồng USD nội địa, từ đó có thể dùng lượng dự trữ này đảm bảo cho những người nắm giữ USD ở các nước khác. Có thể cách làm này sẽ làm yên lòng các Chính phủ ngoại quốc và ngăn chặn đợt “xuất huyết” vàng vừa nêu. Irwin Schiff, khi đó là một chủ doanh nghiệp ở Connecticut, cho rằng ý tưởng đó thật là kỳ quặc.

Irwin gửi một lá thư cho Thượng Nghị sỹ Texas là ông John Tower, người tham gia ủy ban giải quyết vấn đề vàng lúc đó, nêu rõ Mỹ chỉ có 2 lựa chọn: giảm cơ cấu giá cả chung xuống cho phù hợp với giá vàng của năm 1932, hoặc tăng giá vàng để phù hợp với mức giá của năm 1908. Nói cách khác, để trả giá cho 40 năm lạm phát theo kiểu Keynes, lúc này nước Mỹ hoặc là phải làm sao để giảm giá hàng hóa nói chung, hoặc phá giá đồng USD.

Tuy Irwin lập luận rằng giảm phát là cách làm có trách nhiệm hơn, vì nó giúp khôi phục sức mua của đồng tiền, song ông cũng hiểu rằng các nhà kinh tế (một cách sai lầm) luôn coi giá cả giảm là thảm họa, và rằng Chính phủ luôn ưa thích lạm phát hơn (vấn đề này sẽ được trình bày kỹ trong cuốn sách này). Hiểu xu hướng đó, ông đề xuất rằng ít ra Chính phủ phải thừa nhận sự giảm giá trị của USD và phá giá USD so với vàng. Trong bối cảnh này, ông tính toán giá vàng sẽ vào khoảng 105 USD / ounce.

Ông cũng lo ngại khả năng xảy ra một lựa chọn thứ ba: Chính phủ không làm gì cả (thực tế mọi chuyên đã xảy ra đúng như vậy). Cũng như ngày hôm nay, lựa chọn đặt ra là đối diện với vấn đề hay để chúng lại cho các thế hệ tương lai. Họ đã chọn cách “để lại cho con cháu”, và chúng ta chính là thế hệ con cháu đó!

Tower rất ấn tượng với lập luận cơ bản của Irwin và đã mời ông trình bày trước toàn thể ủy ban. Tại buổi họp này, tất cả những chuyên gia cao cấp về tiền tệ của Hệ thống Dự trữ Liên bang, Bộ Tài chính và Quốc hội đề thống nhất rằng việc loại bỏ bản vị vàng sẽ khiến đồng USD mạnh hơn, giá vàng giảm xuống, và mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng mới.

Còn trong phần trình bày của mình, Irwin khẳng định việc dỡ bỏ bản vị vàng sẽ khiến đồng USD yếu đi, giá vàng tăng vọt. Quan trọng hơn, ông nhấn mạnh rằng việc để đồng tiền không có bất kỳ giá trị nội tại nào sẽ dẫn tới những đợt lạm phát nặng nề, cũng như những khoản nợ lớn của Chính phủ. Ý kiến của ông thuộc thiểu số, bị phớt lờ hoàn toàn, và bản vị vàng được gỡ bỏ 3!

Ngược với mọi dự đoán của các nhà kinh tế, lượng dự trữ vàng (phục vụ cho việc quy đổi USD ra vàng) gia tăng không sao chặn đứng được việc đổi USD lấy vàng đem ra khỏi nước Mỹ. Cuối cùng, năm 1971 Tổng thống Nixon đóng cửa sổ quy đổi này, cắt đứt luôn mối liên hệ cuối cùng giữa USD và vàng. Từ lúc đó, hệ thống kinh tế toàn cầu hoàn toàn dựa vào những đồng tiền vô giá trị. Thập kỷ tiếp theo, nước Mỹ chứng kiến những đợt lạm phát tồi tệ nhất, giá vàng leo lên mức 800 USD/ounce.

Năm 1972, Irwin bắt đầu cuộc tấn công đầu tiên nhắm vào những người Keynesian, những người mà theo ông đã đưa kinh tế Mỹ đi sai đường. Tác phẩm The biggest con: how the Government is fleecing you nhận được nhiều lời khen của giới học thuật, bán khá chạy. Trong nhiều giai thoại sử dụng trong cuốn sách, có câu chuyện về ba người đàn ông bắt cá bằng tay trên một hòn đảo…

Câu chuyện này có nguồn gốc là cách giết thời gian trong những chuyến đi xe hơi của gia đình chúng tôi. Khi kẹt xe, cha tôi Irwin thường “giải khuây” cho hai cậu con trai bằng những bài học kinh tế cơ bản, thể hiện dưới dạng những câu chuyện vui vui. Câu chuyện vừa nêu có tên là “Câu chuyện Cá”.

Câu chuyện ngụ ngôn đó là trọng tâm của một chương trong cuốn The biggest con: how the Government is fleecing you. Tám năm sau, sau khi nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả nói rằng họ rất thích thú với câu chuyện, cha tôi quyết định phát triển nó thành một tác phẩm có minh họa hoàn chỉnh. Đó là tác phẩm How an economy grows and why it doesn’t, xuất bản lần đầu năm 1979, và nhận được sự mến mộ gần như là tôn sùng từ những người theo trường phái kinh tế Áo.

Ba mươi năm sau, khi quan sát nền kinh tế Mỹ bên bờ vực thẳm, mà Chính phủ vẫn lặp lại ở mức độ trầm trọng hơn những lỗi lầm của quá khứ, anh em chúng tôi quyết định rằng đây là lúc thích hợp để cập nhật lại và kể lại “Câu chuyện Cá” cho thế hệ hôm nay.

Rõ ràng, chưa bao giờ chúng ta lại cần sự thấu hiểu rõ ràng về kinh tế như giai đoạn hiện nay. Câu chuyện Cá mà chúng tôi sẽ kể, theo chúng tôi, là công cụ tốt nhất để giúp mọi người hiểu rõ hơn nền kinh tế vận hành như thế nào.

Ấn bản này mang tham vọng lớn hơn nhiều so với cuốn sách ba mươi năm trước của cha chúng tôi. Phạm vi mà chúng tôi đề cập rộng hơn, những nỗ lực gắn kết các sự kiện lịch sử vào câu chuyện cũng sâu hơn. Có thể nói đây là một biến tấu của câu chuyện ban đầu!

Chúng tôi nghĩ rằng cuốn sách sẽ hấp dẫn với những ai vẫn thường đứng ngây như phỗng khi nghe các nhà kinh tế bàn đến những khái niệm chẳng liên quan gì đến thực tế. Chúng tôi muốn chỉ ra rằng những mô hình kinh tế Keynesian, theo đó Chính phủ có thể thoải mái chỉ tiêu bất chấp hậu quả với niềm tin rằng những đồng tiền vô giá trị là một loại “chất bôi trơn” hiệu quả trong kinh tế, chẳng những là sai lầm mà còn nguy hiểm nữa.

Tin xấu là khi gỡ bỏ cặp mắt kính màu hồng mà các nhà kinh tế không nhớ mình vẫn đang đeo, thì bạn sẽ thấy rõ đất nước của chúng ta đang đối diện với những vấn đề nghiêm trọng, hơn nữa chúng ta đang làm cho mọi việc xấu đi chứ không hề tốt đẹp hơn. Tin tốt là nếu chúng ta chịu nhìn ra mọi việc, ít ra chúng ta cũng còn có khả năng giải quyết vấn đề.

Và tuy chủ đề cuốn sách là hoàn toàn nghiêm túc, chúng tôi tiếp cận nó với óc hài hước, một điều khá quan trọng trong giai đoạn đầy căng thẳng hiện nay. Đó cũng chính là điều mà Irwin từng mong ước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.