Nếu Như Được Làm Lại

CHƯƠNG 16



Cả đêm hôm đó là một chuỗi những cơn ác mộng liên tiếp với hình ảnh cô bé có khuôn mặt lờ mờ không rõ ràng xuất hiện trong đó. Mỗi khi tỉnh giấc, người run lập cập đồng thời nhễ nhại mồ hôi, anh lại đi tìm cô bé.
Trong một cơn ác mộng kinh khủng hơn tất thảy, cô bé dừng lại đối diện với anh, và bằng một cái khoát tay, cô bé bảo anh im lặng.
Một chiếc ô tô đen dừng lại giữa hai người, bốn gã đàn ông xuống xe mà không hề để ý đến họ. Chúng lao vào một tòa nhà nhỏ. Từ con phố vắng vẻ nơi Andrew đang đứng, anh nghe thấy tiếng kêu thét, tiếng phụ nữ gào, tiếng trẻ con khóc.
Cô bé đứng bên vỉa hè đối diện, cánh tay đung đưa, miệng hát một câu hát ru vẻ vô tư lự. Andrew muốn bảo vệ cô bé, nhưng khi anh tiến bước về phía cô bé thì bắt gặp ánh mắt cô bé, ánh mắt tươi vui nhưng đồng thời cũng đầy đe dọa.
– María Luz à? Anh thì thầm.
– Không, cô bé đáp với giọng chững chạc, María Luz không còn tồn tại nữa.
Và ngay tức thì lại có một giọng nói trẻ con cất lên từ chính cơ thể đó:
– Hãy tìm ra cháu, nếu không có chú, cháu sẽ biến mất mãi mãi. Chú đã đi sai đường, chú Andrew à, chú không tìm ở nơi cần tìm, chú đã nhầm lẫn và tất cả đã đánh lừa chú, chú sẽ phải trả giá đắt nếu lầm đường. Đến cứu cháu với, cháu cần chú cũng như chú cần cháu. Kể từ nay chúng ta gắn kết với nhau. Nhanh lên chú Andrew, nhanh lên, chú không có quyền mắc sai lầm.
Lần thứ ba Andrew tỉnh giấc trong tiếng hét váng nhà. Valérie vẫn chưa về. Anh bật đèn đầu giường rồi tìm cách trấn tĩnh lại, nhưng anh vẫn thổn thức mà không tài nào dừng lại được.
Trong cơn ác mộng vừa rồi, ánh mắt của María Luz dường như rất thoáng qua. Anh tin chắc mình đã từng thấy cặp mắt đen này nhìn mình chằm chằm, lạc lõng trong một quá khứ không phải của mình.
Andrew rời khỏi giường rồi đi ra phòng khách. Anh đến ngồi trước máy tính với mong muốn dành cả phần đêm còn lại để làm việc, nhưng các ý nghĩ ngăn anh tập trung và anh không thể viết nổi dù chỉ một dòng. Anh nhìn đồng hồ, lưỡng lự, đi về phía điện thoại rồi gọi cho Simon.
– Tớ có làm phiền cậu không?
– Dĩ nhiên là không, tớ đang đọc lại Khi tôi nằm chết[1] trong lúc đợi cậu đánh thức tớ vào lúc hai giờ sáng đây.
[1] Tiểu thuyết Tandis que j’agonise (As I lay dying) của nhà văn Mỹ William Faulkner xuất bản năm 1930.
– Thế mà chuẩn đấy.
– Tớ hiểu rồi, tớ đi mặc quần áo đây, mười lăm phút nữa tớ sẽ có mặt ở nhà cậu.
Simon đến nhanh hơn dự kiến, anh đã khoác chiếc áo gió Burberry ra ngoài bộ pyjama và xỏ một đôi giày basket.
– Tớ biết, vừa bước vào căn hộ của Andrew anh vừa nói, cậu sắp nói vài câu khó nghe về phục trang của tớ, nhưng tớ vừa gặp hai gã hàng xóm của cậu dắt chó đi dạo mà mặc áo khoác đấy… dĩ nhiên là gã hàng xóm mặc áo choàng chứ không phải con chó.
– Tớ rất tiếc vì đã làm phiền cậu vào đêm hôm khu khoắt thế này.
– Không, cậu làm gì có tiếc, nếu không thì cậu chẳng gọi cho tớ. Cậu có thôi rào trước đón sau và nói cho tớ biết sao mình lại ở đây không?
– Tớ thấy sợ, Simon à, từ trước đến giờ tớ chưa bao giờ sợ như vậy cả. Đêm đến thật khủng khiếp, và mỗi sáng tớ đều thức giấc mà lòng quặn thắt, khi nhận ra rằng mình lại mất đi một ngày để sống.
– Không phải là muốn phũ phàng nhẹ nhàng hóa tình trạng của cậu lúc này đâu, nhưng có tám tỷ người đang cùng chung tình cảnh đó mà.
– Ngoại trừ tớ, tớ chỉ còn năm mươi ba ngày nữa thôi!
– Andrew à, câu chuyện kỳ quặc đó trở nên ám ảnh rồi đấy. Tớ là bạn cậu và tớ không muốn bị hiểm họa nào rình rập hết, nhưng cậu có bao nhiêu nguy cơ sẽ chết bẹp dưới gầm xe buýt vào ngày mùng 9 tháng Bảy ấy thì tớ cũng có bấy nhiêu nguy cơ tương tự khi rời khỏi nơi đây. Dù với bộ pyjama kẻ ca rô màu đỏ này, tay tài xế thật sự vẫn khó mà nhìn ra tớ trước đèn pha. Tớ đã mua bộ này ở Luân Đôn, bằng vải bông, quả là quá nóng đối với mùa này, nhưng tớ ưng cái này nhất. Cậu không có pyjama à?
– Có, nhưng tớ không mặc bao giờ, tớ thấy mặc vậy già lắm.
– Tớ có vẻ già ư? Simon dang hai tay hỏi. Cậu khoác áo choàng ngủ vào đi rồi ta đi dạo một vòng. Cậu lôi tớ ra khỏi giường để tớ khiến cậu đổi ý, phải không nào?
Khi cả hai đi qua sở cảnh sát trên phố Charles, Simon chào tay lính gác rồi hỏi xem liệu anh ta có thấy một con chó teckel lông ngắn không. Tay cảnh sát lấy làm tiếc là chẳng thấy con chó nào cả. Và Simon, sau khi đã cảm ơn anh ta, vừa đi vừa không ngừng gọi “Freddy”.
– Tớ muốn tránh đi dạo dọc bờ sông thì hơn, Andrew nói khi đến góc giao nhau với xa lộ West End.
– Cậu có tin gì từ ông thanh tra của cậu chưa?
– Cho đến giờ thì chẳng có gì cả.
– Nếu là tay đồng nghiệp kia muốn giết cậu thì chúng ta sẽ sớm vô hiệu hóa được hắn thôi, còn nếu không phải hắn và từ giờ cho đến đầu tháng Bảy, chúng ta vẫn chẳng nắm được gì cụ thể thì tớ sẽ đưa cậu đi du lịch thật xa New York trước ngày mùng 9.
– Tớ cũng muốn mọi chuyện đơn giản như vậy. Và giả dụ chúng ta có đi thì tớ cũng chẳng thể bỏ nghề và trốn chui trốn lủi được suốt đời.
– Khi nào cậu đi Argentina?
– Chỉ vài ngày nữa thôi, và tớ cũng không giấu cậu là ý nghĩ lánh xa đến đâu đó ít lâu không hẳn khiến tớ phật lòng.
– Valérie sẽ thích nghe câu này. Dù sao cũng phải thật cẩn thận khi ở đó. Chúng ta tới nơi rồi, cậu cảm thấy mình đủ sức về nhà một mình trong bộ dạng này chứ?
– Tớ không hề một mình, vì tớ đi dạo cùng Freddy, Andrew vừa đáp vừa chào Simon.
Rồi anh đi tiếp, ra vẻ như mình đang dắt một con chó đi dạo.
 
°
 
Andrew bị tiếng chuông điện thoại đánh thức khỏi giấc ngủ ngắn ngủi. Anh hoảng hốt nhấc máy, và nhận ra giọng của viên thanh tra thông báo là đang đợi anh ở quán cà phê góc phố.
Khi Andrew bước vào quán Starbucks, Pilguez đang ngồi ở chỗ Simon ngồi ngày hôm qua.
– Ông có tin xấu muốn báo cho tôi à? Vừa ngồi vào bàn anh vừa hỏi.
– Tôi đã tìm thấy vợ Capetta rồi, thanh tra trả lời.
– Ông đã làm như thế nào vậy?
– Tôi không nghĩ chuyện này thay đổi được gì cái điều đang khiến chúng ta hết sức bận lòng và tôi chỉ có một tiếng đồng hồ dành cho anh nếu như không muốn lỡ chuyến bay.
– Ông lại đi ư?
– Tôi không thể ở lì New York mãi được, và chính anh cũng lại sắp đi cơ mà. San Francisco không pha tạp nhiều như Aires nhưng đó là thành phố quê tôi. Vợ tôi đang đợi tôi, bà ấy nhớ những điều lải nhải lẩm cẩm của tôi.
– Ông đã biết được gì ở Chicago?
– Vợ Capetta là một phụ nữ rất đẹp, đôi mắt đen láy, một ánh mắt khiến anh phải rung động. Anh chàng Capetta hẳn chẳng mất nhiều công sức để tìm ra vợ đâu, chị ta thậm chí chẳng hề thay đổi nhân thân. Chị ta sống ở đó một mình cùng con trai, cách nơi bức thư hay ho được gửi đến cho anh có hai con phố.
– Ông đã nói chuyện với chị ta ư?
– Không, à mà cũng có, nhưng không phải về vụ của chúng ta.
– Tôi không hiểu.
– Tôi đã đóng vai người đàn ông đáng mến đi hít thở không khí trong lành trên một băng ghế công viên và tôi đã kể với chị ta rằng cháu trai của tôi cũng tầm tuổi con chị ấy.
– Ông được làm ông rồi cơ à?
– Chưa, Natalia và tôi gặp nhau quá muộn để có thể có con. Nhưng chúng tôi có một đứa cháu yêu. Đó là con trai của người bạn làm ở khoa phẫu thuật thần kinh mà tôi đã từng nói với anh cùng người chồng kiến trúc sư. Chúng tôi rất thân nhau. Cu cậu lên năm và hai vợ chồng tôi cưng nó lắm. Giờ đừng bắt tôi kể chuyện đời mình cho anh nữa nếu không tôi sẽ nhỡ chuyến bay thật đó.
– Sao lại phải dàn cảnh như thế, nếu ông không thẩm vấn chị ta?
– Bởi vì có nhiều cách để thẩm vấn một ai đó. Cậu muốn tôi nói gì với chị ta đây? Chị thân mến, trong lúc cậu con trai của chị đang chơi trong chậu cát, liệu chị có thể nói cho tôi biết chị đang có ý định dùng dao đâm chết một phóng viên của tờ The New York Times vào tháng tới phải không? Tôi thích chiếm trọn niềm tin của chị ta bằng cách dành ra hai buổi chiều tới công viên đó để đàm luận về thứ này hay thứ khác. Liệu chị ta có khả năng phạm một tội ác như vậy không? Thẳng thắn mà nói, tôi hoàn toàn không biết. Bởi đó chắc chắn là một phụ nữ có cá tính, trong ánh mắt chị ta có gì đó có thể khiến máu anh đông cứng lại và tôi thấy chị ta thông minh đến đáng sợ. Nhưng tôi khó mà tin rằng chị ta dám đánh liều với nguy cơ bị tách khỏi cậu con trai nhỏ của mình. Thậm chí, khi ta tin chắc rằng mình đã dựng nên một tội ác hoàn hảo thì ta cũng không bao giờ có thể loại trừ được khả năng bị tóm. Điều khiến tôi thấy bối rối nhất chính là vẻ tin chắc khi chị ta nói dối lúc tôi hỏi chị ta kết hôn chưa. Chị ta đã trả lời không chút đắn đo là chồng và con gái đã chết trong một chuyến du lịch nước ngoài. Nếu tôi chưa từng gặp anh Capetta thì tôi cũng sẽ tin lời chị ta không chút đắn đo. Trở về San Francisco, tôi sẽ tận dụng các mối quan hệ ở New York để tiếp tục điều tra về những người có mặt trong danh sách của tôi. Trong đó có cả vợ anh và có tổng biên tập, ngay cả khi điều này khiến anh thấy khó chịu. Tôi sẽ gọi cho anh ngay khi tôi biết thêm gì khác và nếu cần thiết, tôi sẽ quay lại đây khi anh trở về từ Buenos Aires, nhưng lần này thì tôi để anh thanh toán hóa đơn.
Pilguez chìa một mẩu giấy cho Andrew rồi đứng dậy.
– Đây là địa chỉ của vợ Capetta, anh là người quyết định có nên báo cho chồng chị ta biết hay không. Nhưng hãy cẩn trọng, Stilman, chuyện của anh là một trong những chuyện điên rồ nhất mà tôi từng được nghe trong suốt sự nghiệp của mình, và tôi cảm thấy sắp sửa có chuyện chẳng lành, tôi thấy lo.
 
°
 
Về đến tòa soạn, Andrew ngồi vào trước máy tính. Tín hiệu đèn đỏ trên điện thoại thông báo có một tin nhắn ở hộp thư thoại. Marisa, cô phục vụ ở quầy bar khách sạn mà anh từng lưu lại ở Buenos Aires có tin muốn báo cho anh và muốn anh gọi lại cho cô càng sớm càng tốt. Andrew nghĩ là anh nhớ được cuộc nói chuyện này, thời gian và các sự kiện dần lẫn lộn với nhau. Nhớ lại các sự việc trong ngày khi ta lặp lại cùng những thứ đó hai lần trong đời quả thật chẳng hề dễ dàng. Để tìm những ghi chép của mình, Andrew cúi xuống ngăn kéo bàn. Lần trước khi khóa lại, anh đã vui vẻ quay đến ba chữ số bắt đầu ngày sinh của mình. Nhưng giờ thì không còn như vậy nữa, có ai đó đã tìm cách lục lọi đồ đạc của anh. Andrew ngó đầu qua tấm vách ngăn, bàn của Olson không có ai ngồi. Anh lật giở cuốn sổ ghi chép cá nhân đến trang anh đã ghi chép lại cuộc trò chuyện với Marisa rồi thở dài khi thấy chẳng có gì được ghi lại hết. Ngay lập tức anh bấm số máy mà cô đã để lại.
Một bà bạn của dì cô khẳng định chắc chắn là đã nhận ra một cựu phi công không quân, người có đặc điểm nhận dạng giống hệt như kẻ mang tên Ortiz thời chế độ độc tài. Hắn đã trở thành chủ một xưởng thuộc da, một hãng kinh doanh nho nhỏ cung cấp da thuộc cho nhiều cơ sở chế tạo túi xách, giày dép, yên cương và thắt lưng trên toàn quốc.
Bà bạn của dì cô đã nhận ra hắn khi hắn đi giao hàng cho một khách hàng tại ngoại ô Buenos Aires. Người phụ nữ đó cũng là một trong những Bà mẹ trên quảng trường tháng Năm và trong phòng khách nhà bà dán một tấm áp phích có ảnh của tất cả những quân nhân đã bị xét xử vì những tội ác phạm phải thời chế độ độc tài nhưng sau đó lại được ân xá. Những bức ảnh đó sống với bà từ sáng đến tối, kể từ khi con trai cùng cháu trai của bà mất tích vào tháng Sáu năm 1977. Khi đó cả hai mới chỉ mười bảy tuổi, người mẹ ấy không bao giờ chấp nhận ký vào giấy tờ xác nhận cái chết của con trai mình và vẫn không chịu làm thế chừng nào còn chưa nhìn di hài của con, dẫu biết rằng điều này chẳng bao giờ có thể xảy ra, với bà cũng như bố mẹ của ba mươi nghìn người “mất tích”. Và suốt nhiều năm ròng, bà đã đi khắp quảng trường tháng Năm cùng nhiều phụ nữ khác, cũng giống như bà, giương cao những panô có ảnh con cái họ, thách thức chính quyền. Khi bà chạm mặt gã đàn ông này lúc hắn bước vào cửa hàng bán yên cương trên phố 12-tháng Mười, máu bà đông cứng lại. Bà đã siết chặt cái bị, dồn hết sức bình sinh túm chặt lấy nó để không bộc lộ cảm xúc đang xâm chiếm bà, rồi bà ngồi xuống thành tường để chờ hắn ra. Bà đã đi theo hắn dọc phố 12-tháng Mười. Ai lại dè chừng một bà lão mang bị cơ chứ? Khi hắn lên ô tô, bà đã kịp nhớ màu xe và biển số. Hết cuộc gọi này đến cuộc gọi khác, mạng lưới các Bà mẹ trên quảng trường tháng Năm rốt cuộc đã tìm ra địa chỉ của kẻ mà bà tin chắc trước kia là Ortiz và giờ tên là Ortega. Hắn sống gần xưởng thuộc da của mình, ở Dumesnil, một làng nhỏ nằm ở ngoại ô Córdoba. Chiếc xe được phát hiện ở Buenos Aires trên phố 12-tháng Mười là xe thuê mà hắn đã trả lại ở sân bay trước khi bắt chuyến bay.
Andrew đề nghị sẽ chuyển tiền cho Marisa để cô đáp máy bay đến Córdoba, mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số rồi theo dõi kẻ mang tên Ortega đó. Andrew cần phải hoàn toàn chắc chắn Ortega và Ortiz là cùng một người.
Nhiệm vụ thế này đòi hỏi Marisa phải vắng mặt ít nhất là ba ngày và chủ của cô sẽ từ chối ngay. Andrew năn nỉ cô tìm một ai đó đáng tin có thể tới đó thay cô, anh sẽ hậu tạ cô, có lẽ anh sẽ phải bỏ tiền túi. Marisa chỉ hứa một điều duy nhất, sẽ gọi lại cho anh nếu cô tìm thấy một giải pháp.
 
°
 
Olson đến tòa soạn vào giữa trưa, hắn đi qua Andrew mà không thèm chào rồi ngồi vào bàn của mình.
Điện thoại của Andrew đổ chuông. Simon bảo Andrew xuống gặp anh tại góc giao giữa đại lộ 8 và phố 40, càng kín đáo càng tốt.
– Có chuyện gì thế? Vừa gặp Andrew đã lên tiếng hỏi.
– Đừng đứng ở đây, nhỡ đâu đấy, vừa đáp Simon vừa kéo bạn vào một hàng cắt tóc.
– Cậu bảo tớ bỏ việc xuống đây để dẫn tớ đi cắt tóc ư?
– Cậu thích làm gì thì làm, nhưng tớ cần một quả đầu ngon và cũng cần nói chuyện với cậu ở một nơi yên tĩnh.
Cả hai vào trong rồi ngồi cạnh nhau ở hai chiếc ghế phô tơi giả da màu đỏ đối diện với tấm gương lớn.
Hai thợ cạo người Nga, hẳn phải là hai anh em vì họ giống nhau như lột, ngay lập tức đon đả chào khách.
Và Simon, trong lúc họ gội đầu, kể rằng anh đã theo dõi Olson từ lúc hắn rời nhà.
– Sao cậu lại có địa chỉ nhà hắn, đến tớ thậm chí cũng chẳng biết.
– Là tay thần đồng tin học xấu xa của tớ! Tớ đã có số thẻ An sinh xã hội của tay đồng nghiệp của cậu, số điện thoại di động, số thẻ câu lạc bộ thể dục, số thẻ tín dụng và số thẻ tất cả những chương trình khách hàng thân thiết mà hắn đã đăng ký.
– Cậu có ý thức được rằng truy cập những dữ liệu này là hành vi vi phạm những quyền cơ bản nhất của con người và thuộc khung tội hình sự không?
– Hoặc là chúng ta sẽ bỏ qua chuyện này ngay lập tức hoặc là tớ sẽ kể cho cậu điều tớ vừa khám phá ra sáng nay?
Tay thợ cắt tóc xoa bọt cạo râu khắp mặt Andrew, ngăn anh trả lời câu hỏi của Simon.
– Trước tiên tớ biết được rằng tay đồng nghiệp của cậu nghiện lòi kèn ra. Hắn đã đổi một xấp đô la lấy một gói nhỏ bọc nhựa ở khu phố Tàu vào sáng nay, thậm chí còn trước cả khi dùng bữa sáng. Tớ đã chụp hai, ba tấm ảnh về vụ giao dịch này, để nhỡ đâu đấy.
– Cậu điên mất rồi, Simon.
– Đợi tiếp phần sau đi, cậu sẽ đổi ý đó. Hắn đến sở cảnh sát trung tâm vào quãng 10 giờ. Túi quần hắn hơi phồng lên vì cái gói trong đó; vẻ tự tin càng khiến hắn được tôn trọng hoặc là khi đó hắn hoàn toàn vô thức. Tớ không rõ hắn đến đó làm gì, nhưng hắn ở đó khoảng tầm nửa tiếng. Rồi hắn vào một cửa hàng bán vũ khí. Tớ đã thấy hắn trao đổi với người bán hàng đang giới thiệu cho hắn cả đống dao săn, chính xác thì không phải là những loại dao thông thường. Tuy đã đứng lùi vào nhưng tớ tin chắc là đã trông thấy mấy món đồ rất kỳ cục. Nếu là cậu, tớ sẽ không khoa chân múa may như vậy đâu, rốt cuộc cậu sẽ bị dao cạo cứa cho lìa họng đấy.
Tay thợ cạo xác nhận lời khuyên của Simon là đúng đắn.
– Tớ không thể nói với cậu là hắn có mua gì không, tớ muốn chuồn đi trước khi hắn nhận ra tớ. Hắn rời đi ngay sau đó một lát, vẻ hoan hỉ hơn bao giờ hết. Mà này, có lẽ hắn đã ghé qua toa lét để hút hít. Tay đồng nghiệp của cậu sau đó còn đi mua một chiếc bánh sừng bò, vừa ăn hắn vừa đi bộ ngược lên đại lộ 8. Rồi hắn vào một tiệm bán đồng hồ trang sức nói chuyện với ông chủ tiệm một lúc lâu trước khi đi tiếp. Ngay khi hắn đặt chân đến tòa soạn là tớ liền gọi cho cậu đấy. Tớ không muốn tỏ ra lạc quan thái quá, nhưng mọi thứ đều quay quanh tay Olson này.
Người thợ cắt tóc hỏi Andrew xem anh có muốn cắt tỉa móng chân móng tay hay không.
Simon trả lời thay bạn và bảo người thợ cắt ngắn mỗi bên tầm một xăng ti mét.
– Có thể tớ sẽ đề nghị cậu đi cùng tớ đến Buenos Aires, Andrew vừa cười vừa nói.
– Đừng có đùa với chuyện đó, tớ mê gái Argentina lắm đấy và tớ có thể đi sắp xếp hành lý ngay tức thì.
– Chúng ta vẫn còn chưa đến bước đó, Andrew chỉnh lại. Trong khi chờ đợi, giờ có lẽ đúng là lúc tớ hỏi Olson rồi.
– Cho tớ thêm vài ngày. Cứ với nhịp độ như thế này thì đến cuối tuần tớ sẽ biết về hắn còn nhiều hơn cả mẹ đẻ của hắn.
– Tớ không còn nhiều thời gian, Simon.
– Tùy cậu muốn làm gì thì làm, tớ chỉ là kẻ nô bộc khiêm nhường của cậu mà thôi. Và cậu cứ suy nghĩ đến chuyện Buenos Aires nhé, hai chúng ta ở đó sẽ thật tuyệt.
– Thế còn xưởng xe của cậu?
– Buôn bán xe cộ ấy à! Tớ tưởng là mình chẳng bán được chiếc nào trước đầu tháng Bảy?
– Cậu sẽ còn chẳng bán nổi cái nào vào tháng Bảy nếu không làm việc ấy chứ.
– Vừa rồi tớ có nhắc đến mẹ của Olson, chứ không phải mẹ tớ nhé! Tớ sẽ để cậu trả tiền, Simon vừa soi gương vừa nói thêm. Tóc ngắn hợp với tớ phết, cậu không thấy thế à?
– Chúng ta đi ăn trưa nhé? Andrew hỏi.
– Trước tiên phải đến tiệm bán vũ khí kia đã. Cậu muốn xét hỏi ai đó thì cứ chìa tấm thẻ nhà báo đẹp đẽ ra là sẽ biết được Olson đã làm gì ở đó.
– Đôi khi tớ tự hỏi cậu bao nhiêu tuổi rồi…
– Cậu có dám cá là tay chủ tiệm sẽ mắc lừa không?
– Cá gì nào?
– Bữa trưa mà cậu vừa nhắc đến.
Andrew bước vào cửa hàng vũ khí trước tiên, Simon vào ngay sau rồi đứng sau anh vài mét. Trong lúc Andrew nói, tay chủ tiệm quan sát anh qua khóe mắt, không phải là không có chút lo lắng.
– Vào cuối buổi sáng hôm nay, Andrew nói, một nhà báo của tờ The New York Times đã đến đây, liệu ông có thể nói cho chúng tôi biết anh ta đã mua gì không?
– Thế chuyện này thì liên quan gì đến anh? Tay chủ tiệm vặn lại.
Trong lúc Andrew lục túi tìm thẻ phóng viên, Simon sáp lại gần quầy, vẻ đe dọa:
– Chuyện này có liên quan đến chúng tôi vì tay đó là một kẻ lừa đảo chuyên sử dụng thẻ nhà báo giả, chúng tôi đang lần tìm tung tích hắn. Ông cũng hiểu việc cần thiết phải ngăn chặn hắn làm điều gì đó ngu ngốc, nhất là bằng một vũ khí có nguồn gốc từ cửa hàng của ông, đúng không?
Tay chủ tiệm liếc nhìn đánh giá Simon, do dự trong giây lát rồi thở dài:
– Hắn quan tâm đến những dụng cụ rất đặc biệt mà chỉ những tay thợ săn thực thụ mới tìm kiếm, mà ở New York những tay như thế không hề nhiều.
– Những dụng cụ kiểu nào? Andrew hỏi.
– Các loại dao chặt, dùi, móc và lóc cốt mạc.
– Lóc cốt mạc ư? Andrew hỏi lại.
– Tôi sẽ chỉ cho các anh xem, chủ tiệm vừa đáp vừa đi ra phía sau quầy.
Anh ta quay trở lại, tay cầm cán gỗ của một dụng cụ có lưỡi mảnh dẹt dài ngoằng.
– Đây vốn là một dụng cụ phẫu thuật đã được các thợ đánh bẫy ở Bắc Mỹ cải tiến cách sử dụng. Họ dùng nó lột da thú để ít bị dính thịt. Anh chàng kia muốn biết liệu những người mua loại dụng cụ này có bị ghi danh như người mua súng hay dao săn không. Tôi đã nói sự thật với anh ta, rằng mua lóc cốt mạc không cần phải có giấy phép, ta có thể tìm thấy đầy thứ còn nguy hiểm hơn nhiều ở bất cứ cửa hàng kim khí nào. Anh ta hỏi tôi gần đây có bán cái nào không, tôi bảo tôi không bán, nhưng tôi có hứa với anh ta là sẽ hỏi nhân viên của mình, hôm nay nhân viên của tôi nghỉ.
– Thế hắn có mua của ông cái nào không?
– Mua mỗi cỡ một cái, tất thảy là sáu cái. Giờ thì nếu các anh cho phép, tôi sẽ quay lại làm việc, tôi còn phải tính toán sổ sách.
Andrew cảm ơn ông chủ cửa hàng bán vũ khí, Simon thì chỉ khẽ gật đầu chào.
– Thế ai đã thua cuộc đây? Vừa xuôi xuống phố Simon vừa hỏi.
– Tay chủ cửa hàng đã coi cậu như một kẻ thần kinh không bình thường và tớ chẳng thấy gã sai chỗ nào. Gã đã trả lời chúng ta để tống khứ chúng ta đi càng nhanh càng tốt.
– Cậu thật ác ý.
– Được thôi, tớ mời cậu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.