Marisa thả Andrew xuống khách sạn tầm cuối buổi sáng.
– Em đem trả ô tô cho Alberto, hẹn gặp anh sau.
– Có thật đây là xe của Alberto?
– Điều gì khiến anh hỏi như vậy?
– Nếu có camera giám sát đặt trước khu cấp cứu thì anh khuyên ông ấy nên tống khứ cái xe này đi và đi khai báo mất trộm xe ngay lập tức.
– Anh đừng quá lo, các bệnh viện tỉnh ở nước em đâu có đủ giàu để trang bị máy quay giám sát. Nhưng em sẽ chuyển lời nhắn của anh tới Alberto.
Andrew bước ra khỏi xe rồi cúi xuống nói qua cửa xe:
– Marisa, anh biết là em sẽ không nghe theo lời khuyên của anh đâu, nhưng tạm thời đừng nói với chú của em là anh đã có cách khóa khẩu Ortiz nhé.
– Anh sợ điều gì chứ? Marisa hỏi.
– Chỉ có chúng ta bị lộ diện, Alberto vẫn ẩn mình trong quán bar, tin anh đi, chỉ lần này thôi.
– Không tin anh mà khi đó em lại xuống ghế sau chiếc break hả, đồ ngốc?
Marisa bất thần nổ máy lao nhanh, Andrew đứng nhìn chiếc xe Peugeot khuất dần.
°
Andrew tới quầy lễ tân lấy lại chìa khóa phòng, Giám đốc khách sạn lại chỗ anh bày tỏ lời xin lỗi và đảm bảo rằng sẽ không còn một sự cố tương tự nào tái diễn trong khách sạn này nữa. Khách sạn sẽ áp dụng nhiều biện pháp an ninh để chuyện này không lặp lại. Để được thứ lỗi, ông ta thông báo với Andrew là đã cho người chuyển hành lý của anh lên phòng “hạng sang” nằm ở tầng trên cùng của tòa nhà.
Phòng hạng sang của khách sạn không phải là một căn phòng kiểu lâu đài tráng lệ nhưng nó cũng có một phòng khách nhỏ với góc nhìn xuống phố đẹp hơn. Vòi nước trong phòng tắm không còn rò rỉ và giường ngủ êm hơn nhiều.
Andrew liếc qua chiếc va li của mình để kiểm tra xem có bị thiếu đồ gì không. Trong lúc bới va li, anh nhận thấy một ngăn va li phồng to hẳn lên.
Anh mở khóa thì thấy một chiếc đầu máy hơi nước bằng kim loại, loại đầu máy thu nhỏ mà anh từng ao ước muốn mua tại một cửa hàng đồ cổ ở Brookn. Một mẩu giấy quấn quanh ống khói của đầu máy.
Em nhớ anh, em yêu anh, Valérie.
Andrew nằm dài xuống giường, anh đặt chiếc đầu máy xuống chiếc gối bên cạnh và vừa ngắm nhìn nó vừa chìm vào giấc ngủ.
°
Andrew tỉnh giấc vào tầm đầu giờ chiều khi có tiếng gõ cửa phòng; Alberto đang đợi anh mời vào phòng.
– Tôi cứ tưởng ông không bao giờ rời khỏi quán bar chứ? Andrew hỏi.
– Chỉ vào những dịp quan trọng thôi, Alberto đáp lời. Anh mặc áo khoác vào, tôi đưa anh đi ăn trưa.
Lúc xuống phố, Andrew nhoẻn miệng cười khi nhìn thấy xe ô tô của Alberto, một chiếc xe nhãn hiệu Nhật Bản chứ không còn là chiếc Peugeot break.
– Tôi nghe theo lời khuyên của anh, dù gì thì chiếc Peugeot đó cũng chạy hơn hai trăm nghìn ki lô mét rồi, đã đến lúc phải thay nó.
– Tôi không nghĩ ông đến tận đây chỉ để khoe xe mới với tôi chứ?
– Ồ, xe này là xe đi mượn ấy mà… tôi đến là để xin lỗi anh.
– Thật là một ngày…
– Tôi thành thật lấy làm tiếc về cái cách mà mọi việc đã diễn ra, tôi không bao giờ mong muốn điều đó và càng không bao giờ mong ai đó mất mạng.
– Tôi cũng đã cảnh báo ông trước đó rồi đấy thôi.
– Tôi biết, và chính vì thế mà giờ tôi càng cảm thấy tội lỗi. Anh nên rời Argentina trước khi cảnh sát sờ tới anh. Tôi đã bảo Marisa về quê nghỉ trong lúc mọi việc đang rắc rối dần lên.
– Thế cô ấy chấp nhận à?
– Không, con bé không muốn mất việc. Khi nào thực sự cần thiết, tôi sẽ viết thư cho dì con bé bảo bà ấy ra tay can thiệp. Marisa rất nghe lời bà ấy. Với anh thì lại khác, anh là người ngoại quốc, nếu anh phải trốn chạy khỏi đất nước này, chuyện sẽ còn phức tạp hơn. Để tránh rủi ro, tôi đã để anh chạy tới chạy lui như vậy đó.
Alberto dừng xe trước một cửa hiệu sách.
– Tôi tưởng chúng ta đi ăn chứ?
– Đúng vậy, có một quán ăn nhỏ trong hiệu sách này, đây là quán của một người bạn tôi, chúng ta có thể yên tâm nói chuyện thoải mái.
Hiệu sách rất ấn tượng, một hành lang đầy giá sách dẫn tới một khoảng sân trong có kê vài chiếc bàn xếp ngay ngắn. Trong không gian được hàng trăm cuốn sách bao quanh, ông chủ hiệu sách đang phục vụ đồ ăn cho vài người khách quen của chốn này. Sau khi chào hỏi bạn mình, Alberto mời Andrew ngồi đối diện với ông.
– Louisa và tôi chia tay nhau chỉ vì tôi là một kẻ hèn nhát, anh Stilman ạ. Đó là lỗi của tôi nếu con trai tôi có bị… mất tích. Tôi từng là một nhà hoạt động tích cực thời chế độ độc tài. Ờ thì, tôi cũng chẳng làm gì anh hùng cả, tôi tham gia xuất bản một tờ báo của phe đối lập, một tờ báo bí mật. Thời đó, chúng tôi có rất ít phương tiện, chỉ có lòng quyết tâm cùng một chiếc máy in ronéo, anh thấy đấy, chẳng có gì to tát cả nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác đã phản kháng theo cách riêng của mình. Rốt cuộc, phe quân sự cũng tóm được một số người bên bọn tôi. Họ bắt giữ, tra tấn và rồi khiến những người đó mất tích. Những người rơi vào tay họ đều không hề khai báo gì.
– Trong số những người đó, ông có nhớ gì về một người tên là Rafaël không? Andrew hỏi.
Alberto nhìn Andrew không chớp mắt hồi lâu trước khi trả lời câu hỏi của anh.
– Cũng có thể, tôi cũng chẳng biết nữa, đã bốn mươi năm trôi qua rồi, chúng tôi đâu có quen nhau hết đâu?
– Thế còn vợ ông ta, Isabel?
– Tôi đã nói rồi, tôi không còn nhớ nổi nữa. Alberto nhún vai đồng thời dằn giọng nhấn mạnh. Tôi đã làm mọi thứ có thể để quên đi tất cả. Con trai Manuel của tôi bị bắt cóc không lâu sau những cuộc vây hãm tàn sát đồng đội của chúng tôi. Thằng bé chẳng liên quan gì tới tất cả những chuyện này. Manuel chỉ là một sinh viên ngành cơ khí không có hằn thù xích mích với ai bao giờ. Febres muốn tóm tôi thông qua con trai tôi. Dù sao thì đó cũng là điều Louisa vẫn nghĩ. Febres hẳn đã cho rằng tôi sẽ nộp mạng để đổi lấy Manuel. Tôi đã không làm điều đó.
– Ngay cả khi để cứu con trai ông?
– Không, tôi làm vậy để cứu những đồng đội khác. Tôi biết là mình không thể chịu nổi bị tra tấn thêm một lần nữa. Và rồi Febres đã không bao giờ trả tự do cho Manuel. Chúng cũng không thả bất cứ ai. Louisa không bao giờ tha thứ cho tôi.
– Thế bà ấy biết ông làm báo chứ?
– Biết chứ, phần lớn các bài báo là bà ấy viết mà.
Alberto im lặng giây lát. Ông mở ví, rút ra tấm hình đã ố vàng chụp một thanh niên rồi đưa cho Andrew coi.
– Louisa là người mẹ có cậu con trai bị đánh cắp. Trong mắt của bà ấy, cả thế giới này là thủ phạm. Cậu nhìn coi, Manuel là cậu bé xinh xắn làm sao. Nó gan dạ, cao thượng và rất hài hước. Thằng bé yêu mẹ hơn tất cả. Tôi biết thằng bé đã không khai gì… để bảo vệ mẹ. Nó biết quan điểm của mẹ mình. Tiếc là anh không được nhìn thấy cảnh hai mẹ con bên nhau… Giữa tôi và thằng bé thì quan hệ cha con lại xa cách hơn, nhưng tôi yêu thằng bé hơn mọi thứ trên thế giới này, dẫu rằng tôi chưa bao giờ biết cách biểu lộ tình cảm với nó. Tôi ao ước được gặp lại thằng bé, dù chỉ một lần thôi. Tôi sẽ nói với nó là tôi tự hào về nó, nó đã khiến tôi hạnh phúc biết bao khi được làm cha và từ khi nó ra đi sự vắng mặt của nó nặng nề với tôi biết bao. Cuộc đời tôi đã chấm dứt vào cái ngày chúng bắt cóc nó. Louisa đã khóc hết nước mắt, tôi thì vẫn không ngừng ứa lệ mỗi khi bắt gặp một đứa tầm tuổi nó trên phố. Tôi đã từng đi theo sau những đứa hao hao giống Manuel với hy vọng nó quay lại gọi bố ơi. Nỗi đau có thể làm con người ta phát điên, anh Stilman ạ, bây giờ tôi mới hiểu ra cái điều mà ngày xưa tôi không hiểu. Manuel sẽ không bao giờ trở về nữa. Trong sân nhà tôi, tôi đã đào một cái hố, tôi chôn dưới đó đồ đạc, vở học, bút chì, sách và cả tấm chăn mà thằng bé đã đắp trong đêm cuối cùng ở nhà. Chủ nhật nào cũng vậy, tôi lại tới tưởng niệm dưới gốc cây phượng tím. Tôi biết Louisa vẫn nấp sau tấm rèm cửa sổ nhìn tôi, tôi biết bà ấy cũng đang cầu nguyện cho thằng bé. Có lẽ việc chúng tôi không được nhìn thấy xác của thằng bé lại tốt hơn.
Andrew đặt tay lên tay Alberto. Ông ngẩng đầu và mỉm cười buồn bã với anh.
– Không biết còn sống được đến sang năm không nhưng được thì khi ấy tôi sẽ tròn tám mươi tuổi và tôi vẫn mong chờ cái chết sẽ giúp tôi tìm lại được con trai. Tôi vẫn nghĩ rằng mình sống lâu như vậy cũng có lẽ là một hình phạt.
– Tôi rất tiếc, Alberto.
– Tôi cũng vậy. Do lỗi của tôi mà Ortiz sẽ dễ dàng thoát nạn. Khi nào hồi phục, hắn sẽ quay lại với cuộc sống của hắn như chưa có gì từng xảy ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã gần đạt được mục đích.
– Ông có thể cho tôi mượn xe của ông tới tối mai được không?
– Đây là xe của một người bạn nhưng tôi có thể cho anh mượn, thế anh muốn đi đâu?
– Chúng ta sẽ nói lại điều đó sau.
– Anh chở tôi về quán bar rồi tôi để xe cho anh đi.
– Giờ này tôi có thể tìm Marisa ở đâu?
– Ở nhà con bé, tôi đoán vậy. Con bé ngủ ngày cày đêm, cuộc đời mới hay ho làm sao!
Andrew chìa quyển sổ cùng cây bút cho Alberto.
– Ông viết cho tôi địa chỉ của cô ấy nhưng đừng báo trước là tôi đến gặp cô ấy.
Alberto nhìn Andrew, vẻ sững sờ.
– Giờ thì đến lượt anh phải tin tưởng tôi.
°
Andrew để Alberto xuống xe rồi đi theo chỉ dẫn của ông để tới nhà Marisa.
Anh trèo lên ba tầng gác của tòa nhà chung cư nhỏ nằm trên đường Malabia trong khu phố Palermo Viejo. Marisa giật thót mình khi mở cửa trong tư thế bán khỏa thân với chiếc khăn tắm quấn quanh ngực.
– Trời đất, anh làm cái gì ở đây thế, em đang chờ một cô bạn.
– Gọi cho cô ấy để hủy hẹn rồi mặc quần áo vào hoặc ngược lại nếu em thích vậy.
– Không phải vì chúng ta đã ngủ với nhau một lần mà anh được ra lệnh cho em như vậy đâu nhé.
– Hai điều này chẳng liên quan gì với nhau cả, Andrew nói.
– Em hủy hẹn với bạn và chúng ta có thể ở lại đây nếu anh muốn, Marisa vừa nói vừa cởi chiếc khăn tắm.
Marisa quả là gợi cảm hơn nhiều so với hình ảnh mà Andrew còn lưu giữ trong tâm trí. Anh khuỵu gối xuống nhặt chiếc khăn lên rồi quấn nó quanh hông Marisa.
– Đôi khi lần thứ hai lại dở hơn lần đầu, em mặc quần áo vào đi, chúng ta có nhiều việc quan trọng khác phải làm.
Marisa quay lưng bước đi rồi đóng sầm cửa nhà tắm.
Andrew xem xét căn hộ của Marisa. Phòng khách vừa là phòng sinh hoạt vừa là phòng ngủ. Chiếc giường đã cũ nhưng độ trắng và sự mới mẻ của chăn mền như mời gọi người ta tới chui vào đó. Sát tường, hàng chồng sách tựa vào nhau. Những chiếc đệm ngồi đủ màu sắc xếp quanh chiếc bàn thấp đặt giữa phòng. Trên tường, giữa hai cánh cửa sổ để lọt qua thứ ánh sáng tuyệt đẹp, những giá sách oằn mình dưới sức nặng của một đống sách nữa. Mọi thứ nằm ngổn ngang mà lại cuốn hút, căn hộ có vẻ giống với cô chủ của nó.
Marisa bước ra khỏi phòng tắm, cô mặc một chiếc quần jean rách đầu gối và một chiếc áo tee-shirt không che bầu ngực được bao nhiêu.
– Em có thể biết chúng ta sẽ đi đâu không? Cô vừa hỏi vừa tìm chìa khóa.
– Đi thăm dì em.
Marisa đứng khựng lại.
– Sao anh không nói sớm hơn! Marisa vừa rên rỉ vừa quay ngược trở lại. Cô lôi từ chồng quần áo chất đống dưới sàn nhà ra một chiếc quần dài vải nhung kẻ đen kèm một chiếc áo hai dây, cô cởi quần bò và chiếc áo tee-shirt rồi thay đồ trước mặt Andrew.
°
Andrew cầm lái, Marisa châm thuốc rồi mở cửa sổ xe ô tô.
– Anh muốn gì từ Louisa?
– Anh muốn đặt vài câu hỏi với bà ấy để kết thúc cuộc điều tra của mình và cũng để yêu cầu bà ấy đừng coi anh là kẻ đần nữa.
– Sao anh lại nói vậy?
– Bởi vì Alberto và bà ấy vẫn thường xuyên gặp nhau, hoàn toàn ngược lại những điều họ nói.
– Em rất là ngạc nhiên đấy, mà trước tiên, chuyện đó thì ảnh hưởng gì tới anh?
– Sau này em sẽ hiểu.
°
Louisa không có vẻ bất ngờ khi mở cửa cho Andrew và Marisa. Bà mời cả hai vào phòng khách.
– Ta có thể giúp gì cho hai đứa đây? Louisa hỏi.
– Nói cho tôi biết những điều bà thật sự biết về thiếu tá Ortiz.
– Tôi không biết gì nhiều về hắn, tôi đã nói với anh rồi đó thôi. Cho tới khi tôi gặp anh, Ortiz chỉ là một bức hình giữa bao bức hình khác trong cuốn album của tôi.
– Bà cho phép tôi xem lại cuốn album của bà chứ? Không phải là cuốn giữ ảnh những kẻ tra tấn mà là ảnh những người bị tra tấn.
– Tất nhiên rồi, Louisa đáp lời rồi đứng dậy.
Bà mở ngăn kéo tủ rồi đặt cuốn album trước mặt Andrew, anh lật giở từng trang cho tới trang cuối cùng. Khi đóng cuốn album lại, Andrew nhìn Louisa chằm chằm.
– Isabel và Rafaël Cruz, bà không có tấm hình nào của hai người này sao?
– Tôi rất tiếc, nhưng những cái tên này không gợi lên điều gì với tôi cả. Tôi không có đủ hình của tất cả ba mươi nghìn người mất tích, tôi chỉ có hình của năm trăm người có con cái bị bắt cóc mà thôi.
– Con gái họ tên là María Luz, cô bé mới lên hai khi người mẹ bị sát hại, bà không biết câu chuyện của cô bé này sao?
– Tông giọng của anh không gây ấn tượng với tôi lắm, còn thái độ láo lếu của anh lại càng không, anh Stilman ạ. Anh biết quá ít về công việc mà chúng tôi đã làm. Từ khi chúng tôi đấu tranh để sự thật được sáng tỏ, chúng tôi mới chỉ tìm lại được danh tính thực sự của mười phần trăm số trẻ bị bắt cóc. Chúng tôi còn cả một con đường dài cần phải đi và xét tuổi tác của tôi hiện nay thì chắc chắn tôi sẽ không đi hết được con đường này. Thế số phận của cô bé này thì có liên quan gì tới anh vậy?
– Thiếu tá Ortiz đã nhận nuôi cô bé, bà không thấy đây là sự trùng hợp kỳ lạ sao?
– Anh đang nói về sự trùng hợp nào vậy?
– Trong tập hồ sơ đã giúp chúng tôi theo dấu Ortiz có bức hình của María Luz nhưng lại không có một chú thích nào về mối liên hệ giữa hai người này.
– Dường như người thông tin cho anh đã mong muốn chỉ đường cho anh.
– Người đó là đàn ông hay đàn bà?
– Dì mệt rồi Marisa, đã đến lúc cháu tiễn bạn cháu về, đến giờ ngủ trưa của dì rồi.
Marisa ra hiệu cho Andrew đứng dậy. Khi hôn tạm biệt người dì, Marisa thầm thì vào tai bà để xin lỗi đã làm phiền bà và Louisa cũng thầm thì với cô cháu:
– Không cần phải thế, kể ra anh ta cũng đẹp mã, cuộc đời ngắn lắm cháu ạ.
Marisa bước xuống cầu thang, Andrew bảo cô đợi anh ở ngoài sân một lát, anh để quên chiếc bút trên bàn ăn.
Louisa cau mày khi thấy Andrew quay lại.
– Anh đã quên cái gì phải không anh Stilman?
– Bà cứ gọi tôi là Andrew, như thế sẽ làm tôi cảm thấy thoải mái hơn. Điều cuối cùng mà tôi muốn nói trước khi để bà nghỉ ngơi là tôi thấy mừng khi Alberto và bà đã hàn gắn lại.
– Anh đang nói cái gì vậy?
– Lúc nãy, chính bà đã nói về tuổi tác, tôi tự nhủ rằng bà đã hết cái tuổi lén lút gặp gỡ chồng cũ của mình rồi chứ, bà không thấy vậy sao?
Louisa nín thinh.
– Chiếc áo khoác treo trên giá chỗ cửa ra vào, đó là cái áo mà Alberto vẫn mặc khi tôi gặp ông ấy trong quán bar. Chúc bà ngủ ngon, Louisa… Bà cho phép tôi gọi bà là Louisa chứ?
°
– Anh có ý đồ gì thế? Marisa hỏi khi Andrew trở ra ngoài sân gặp cô.
– Anh đã nói với em trước khi đi đó thôi nhưng em không để tâm tới điều anh nói. Tối nay em có đi làm không?
– Có.
– Báo với ông chủ của em là em không đến được, em chỉ cần nói là em ốm, không cần phải nói dối xa gần gì cả.
– Thế sao em lại không đi làm chứ?
– Hôm qua anh đã hứa với em là chúng ta sẽ cùng nhau hoàn tất cái mà chúng ta đã bắt đầu, và đó chính xác là điều chúng ta sắp làm. Em có thể chỉ cho anh biết trạm xăng ở đâu, anh cần đổ đầy bình xăng.
– Anh đưa em đi đâu?
– Tới San Andrés de Giles.
°
Họ tới đầu ngôi làng sau hai giờ đi đường. Andrew dừng xe sát vỉa hè để hỏi một người qua đường xem đồn cảnh sát ở đâu.
Người đó chỉ đường cho anh và chiếc xe lại khởi động.
– Chúng ta sẽ làm gì ở đồn cảnh sát?
– Em không phải làm gì cả, em ở lại trong xe và đợi anh thôi.
Andrew đi vào đồn cảnh sát và yêu cầu được nói chuyện với sĩ quan trực. Viên sĩ quan duy nhất, tay lính chạy giấy tờ trả lời, giờ đã về nhà. Andrew vớ lấy tập ghi chú trên bàn rồi nguệch ngoạc số di động cũng như địa chỉ khách sạn của anh.
– Tôi đã đi qua hiện trường một vụ tai nạn khiến một người chết tối qua ở gần Gahan. Tôi đã đưa hai người bị thương tới bệnh viện. Tôi không có gì nhiều để kể nhưng nếu các anh cần một bản khai đúng chuẩn thì đây là địa chỉ để các anh đến tìm tôi.
– Tôi đã nghe về vụ tai nạn này, anh cảnh sát vừa rời khỏi ghế vừa trả lời. Chúng tôi đã nói chuyện với bác sĩ và ông ấy nói rằng anh đi mà không để lại thông tin liên lạc nào.
– Tôi đã đợi khá lâu trong bãi đậu xe, tôi có một cuộc hẹn quan trọng ở Buenos Aires, tôi tự nhủ là sẽ quay lại ngay khi có thể và anh thấy đó, đó là điều tôi đã làm.
Anh cảnh sát đề nghị ghi lại những gì Andrew đã chứng kiến. Anh ta ngồi xuống trước chiếc máy đánh chữ và gõ lại bản tường trình của Andrew. Chín dòng, không hơn một từ nào. Andrew ký vào bản tường trình và khiêm tốn đón nhận những lời khen ngợi của anh cảnh sát về nghĩa cử công dân của anh đã cứu sống hai mạng người rồi trở ra xe ô tô.
– Em có thể biết là anh đã làm gì trong suốt từng đó thời gian tại đồn cảnh sát được không? Marisa hỏi.
– Anh đã loại được một quân trên bàn cờ với Ortiz, anh sẽ giải thích cho em hiểu khi nào có thể, còn bây giờ chúng ta tới bệnh viện.
°
– Những người bị thương sao rồi? Andrew hỏi, chúng tôi đến hỏi thăm tình hình họ thế nào trước khi trở lại Buenos Aires.
– Anh đã quay lại rồi à? Cậu bác sĩ nội trú thốt lên khi nhận ra Andrew trong sảnh. Chúng tôi tìm anh suốt tối qua, tôi đã nghĩ rằng anh có điều gì đó phải tự trách bản thân và anh đã vội lẩn đi.
– Tôi không chờ được mà anh thì không cho tôi bất cứ thông tin nào về giờ giấc anh ra khỏi phòng phẫu thuật.
– Làm sao mà tôi có thể biết điều đó được cơ chứ?
– Đó đúng là điều tôi đã tự nhủ, biết thế tôi đã không qua đêm trong bãi đậu xe. Tôi vừa từ đồn cảnh sát về.
– Thế anh đã nói chuyện với ai?
– Với trung sĩ Guartez nào đó, một người có vẻ cởi mở với giọng nói trầm trầm cùng cặp kính rất to.
Bác sĩ gật gù, miêu tả của Andrew tương đối giống với dung mạo của một trong ba cảnh sát tại ngôi làng đó.
– Họ quả là gặp may, quá là may vì anh đã đi ngang qua lúc đó. Người bị thương nặng nhất đã được chuyển lên thủ đô sáng sớm nay. Đây chỉ là một bệnh viện nhỏ, chúng tôi không được trang bị đầy đủ để có thể tiếp nhận những ca nghiêm trọng như vậy. Còn ông Ortega thì chỉ bị một vết thương rất sâu ở đùi và bị rách cơ. Chúng tôi đã phẫu thuật cho ông ta, giờ ông ta đang nằm dưỡng bệnh trong một góc tạm thời, hiện tại không còn phòng bệnh nào trống, ngày mai thì có thể, nếu không tôi sẽ chuyển ông ấy sang một bệnh viện khác. Anh có muốn tới thăm ông ấy không?
– Tôi không muốn làm ông ấy mệt mỏi vô ích, Andrew đáp lời.
– Chắc chắn là ông ấy sẽ rất vui nếu có thể nói lời cảm ơn người đã cứu mình. Tôi phải đi thăm các bệnh nhân khác, tôi để anh tự đi tới phòng ông Ortega nhé, nó nằm ngay đầu hành lang này thôi. Nhưng nhớ đừng ở lại quá lâu vì ông ấy cần lấy lại sức.
Cậu bác sĩ chào tạm biệt Andrew rồi đi khỏi, cậu ta đã bảo y tá trực ban rằng anh được phép vào thăm bệnh nhân.
Andrew kéo tấm rèm che giường Ortega nằm với giường bên cạnh để trống.
Ortega đang ngủ. Marisa lay lay vai hắn.
– Thế lại là cô à? Ortiz nói khi mở mắt.
– Ông cảm thấy trong người thế nào? Andrew hỏi.
– Tốt hơn từ lúc người ta cho tôi thuốc giảm đau. Thế anh còn muốn gì ở tôi nữa?
– Cho ông cơ may thứ hai.
– Anh đang nói tới cơ may nào vậy?
– Nếu tôi không lầm thì ông đã được chính quyền xác nhận mang họ Ortega, đúng không?
– Đó là họ in trên giấy tờ tùy thân của tôi, viên cựu thiếu tá cụp mắt xuống trả lời.
– Ông có thể rời khỏi đây với cái tên này và trở về nhà.
– Cho đến khi bài báo của anh được đăng?
– Tôi có chuyện cần thương lượng với ông.
– Tôi nghe anh nói đây.
– Ông hãy trả lời các câu hỏi của tôi, một cách thành thực, tôi nguyện sẽ kể câu chuyện của thiếu tá Ortiz mà không bao giờ đả động tới danh tính mới của ông.
– Điều gì đảm bảo cho tôi rằng anh sẽ giữ lời hứa?
– Tôi chỉ có thể hứa danh dự vậy thôi.
Ortiz quan sát Andrew hồi lâu.
– Thế cô ta, cô ta có biết giữ miệng không?
– Cũng hệt như cô ấy biết cầm súng chĩa vào thái dương ông tối qua vậy. Tôi không nghĩ là cô ấy mong muốn tôi phản bội ông, chẳng phải tương lai của cô ấy phụ thuộc vào việc đó hay sao?
Ortiz im lặng, khuôn mặt cau lại. Mắt nhìn chằm chằm túi dịch truyền đang chảy vào các mạch máu.
– Thôi được, anh hỏi đi, Ortiz thở dài.
– Ông đã nhận nuôi María Luz trong hoàn cảnh nào?
Câu hỏi này đã trúng hồng tâm. Ortiz quay sang phía Andrew và nhìn anh chằm chằm không rời.
– Vào thời điểm tôi giải ngũ, Febres muốn chắc chắn là tôi sẽ giữ im lặng. Hắn đã đưa tôi tới một trại trẻ mồ côi bất hợp pháp. Hầu hết trẻ em ở đó toàn là trẻ vài tuần tuổi. Hắn đã ra lệnh cho tôi phải chọn một đứa trong số đó, giải thích với tôi rằng đó là cách tốt nhất để tôi tìm lại ý nghĩa của thực tại. Hắn nói với tôi rằng chính tôi cũng đã góp phần cứu vớt linh hồn vô tội này khi tôi lái chiếc máy bay mà từ đó bố mẹ đứa bé đã bị ném xuống biển.
– Có thật vậy không?
– Tôi không biết, cũng chẳng biết gì hơn Febres, tôi không phải phi công duy nhất thực hiện những chuyến bay kiểu này, anh nghi ngờ chuyện đó ư. Nhưng, hoàn toàn có thể đấy. Hồi ấy, tôi vừa mới cưới vợ, María Luz là đứa lớn tuổi nhất trong số trẻ em tại trại. Tôi tự nhủ là nếu tôi chọn một bé hai tuổi thì việc nuôi dưỡng sẽ bớt khó khăn.
– Nhưng đó là một đứa trẻ bị đánh cắp, Marisa phản ứng, thế vợ ông cũng chấp nhận tham gia vào việc làm kinh khủng này à?
– Vợ tôi chẳng hề hay biết gì cả. Cho tới tận lúc chết, bà ấy vẫn còn tin vào những điều tôi kể, rằng bố mẹ con bé là những binh sĩ bị quân du kích Montonero sát hại và rằng chúng tôi phải có nghĩa vụ cứu giúp con bé. Febres đã đưa cho chúng tôi giấy khai sinh của con bé được lập theo họ chúng tôi. Tôi đã giải thích với vợ tôi là sẽ dễ dàng hơn cho María Luz khi được sống thanh thản trọn vẹn nếu nó không biết gì về thảm cảnh mà con bé là nạn nhân. Chúng tôi đã yêu thương con bé như chính con ruột của mình. María Luz được mười hai tuổi thì vợ tôi qua đời và con bé đã khóc thương cô ấy như khóc thương mẹ đẻ. Tôi đã một mình nuôi dạy con bé, tôi đã làm việc như điên để trả tiền học văn, học ngoại ngữ, học đại học của con bé. Tất cả những gì con bé muốn, tôi đều đáp ứng hết.
– Tôi không thể nghe tiếp được nữa, Marisa đứng dậy phản đối.
Andrew nhìn Marisa với ánh mắt tức tối. Marisa chịu ngồi lại nhưng giạng chân hai bên ghế và quay lưng lại với Ortiz.
– María Luz vẫn sống ở Dumesnil chứ? Andrew hỏi.
– Không, con bé đã bỏ đi từ lâu rồi. Các Bà mẹ trên quảng trường tháng Năm đã tìm ra con bé khi nó hai mươi tuổi. María Luz thường nghỉ cuối tuần ở Buenos Aires, con bé học khoa chính trị. Nó không bao giờ bỏ lỡ một cơ hội được đi biểu tình, con bé nung nấu hoạt động vì cái mà nó gọi là tiến bộ xã hội. Chính những thành viên thuộc các đoàn đội mà nó gặp trên ghế đại học đã gieo vào đầu nó những ý nghĩ đó. Điều này hoàn toàn ngược lại với những gì chúng tôi vẫn giáo dục nó.
– Nhưng bắt nhịp với những lý tưởng của bố mẹ đẻ cô ấy, Marisa cắt ngang. Máu của ông không chảy trong mạch máu của cô ấy, táo không rụng xa cây bao giờ.
– Thế cô nghĩ rằng tư tưởng tả khuynh là cha truyền con nối? Cũng có thể, có nhiều tật khác cũng được di truyền lại như thế, Ortiz chế nhạo.
– Tôi không rõ cái tư tưởng tả khuynh mà ông nói với vẻ khinh bỉ như thế là sao, nhưng lòng nhân đạo thì có thể lắm chứ.
Ortiz quay sang nhìn Andrew.
– Nếu cô ta còn chen ngang lần nữa thì tôi không còn lời nào để kể với anh nữa đâu.
Lần này Marisa vừa đi xa khỏi giường hắn vừa dứ ngón tay thối về phía thiếu tá Ortiz.
– Các Bà mẹ trên quảng trường tháng Năm đã phát hiện ra con bé giữa một trong số nhiều cuộc biểu tình mà María Luz tham gia. Các bà ấy cũng phải mất nhiều tháng quan sát trước khi tiếp cận con bé. Khi biết được sự tình, con gái tôi đã đòi đổi họ. Nó đã đi khỏi nhà ngay ngày hôm đó, không một lời từ biệt, không lần nhìn lại.
– Ông có biết cô ấy đi đâu không?
– Tôi hoàn toàn không biết một chút gì.
– Thế ông không tìm cách tìm lại cô ấy sao?
– Cứ khi nào có biểu tình là tôi lại đi Buenos Aires. Tôi đi theo đoàn người biểu tình với hy vọng nhận ra con bé. Rồi tôi cũng gặp được con bé một lần. Tôi đã tiếp cận con bé, van xin nó cho tôi vài phút để nói chuyện cùng nhau. Con bé đã từ chối. Trong ánh mắt của nó, tôi chỉ thấy sự hận thù. Tôi sợ con bé sẽ tố cáo tôi nhưng nó đã không làm vậy. Sau khi tốt nghiệp, con bé ra nước ngoài, tôi không còn biết tin gì về nó nữa. Anh có thể viết bài báo của anh được rồi đó, anh Stilman, tôi hy vọng anh sẽ giữ lời hứa. Tôi yêu cầu anh làm như vậy không phải là cho tôi mà cho đứa con gái thứ hai của tôi. Con bé chỉ biết một điều rằng chị gái nó là con nuôi.
Andrew cất bút và cuốn sổ tay đi. Anh đứng dậy đi ra mà không chào từ biệt Ortiz.
Marisa đợi anh sau tấm rèm, nhìn gương mặt cô là đủ biết cô đang rất bực mình.
°
– Đừng nói với em là tên đểu cáng ấy sẽ thoát khỏi chuyện này như vậy nhé! Marisa hét lên khi vào xe ô tô.
– Anh chỉ nói một lời thôi.
– Anh thì cũng chẳng tốt đẹp hơn hắn đâu!
Andrew nhìn cô, khẽ nhếch mép cười. Anh khởi động xe và chiếc xe lao đi.
– Em rất quyến rũ khi nổi giận, vừa nói Andrew vừa đặt tay lên đầu gối cô.
– Đừng chạm vào tôi, Marisa vừa đáp vừa đẩy tay Andrew ra.
– Anh đã cam kết là không nêu danh tính hắn trong bài báo, anh chẳng hứa gì khác nữa, có vậy thôi.
– Anh đang kể lể gì thế?
– Chẳng có điều gì ngăn cản anh đăng tải một tấm hình để minh họa cho bài báo cả. Nếu làm vậy, ai đó sẽ nhận ra Ortega đằng sau khuôn mặt Ortiz, anh chẳng làm gì quá đáng… Chỉ cho anh làm sao có thể đến nhà người thợ ảnh mà em đã đưa cuộn phim chụp và hy vọng là cuốn phim không bị lộ sáng, anh thật sự muốn tránh phải quay lại nơi này vào ngày mai.
Marisa nhìn Andrew và rút lại bàn tay đang đặt trên đùi Andrew.
°
Thời tiết ngày hôm đó đẹp, vài đám mây bảng lảng trên bầu trời Buenos Aires. Andrew tận dụng khoảng thời gian cuối cùng mình còn lưu lại Argentina để tham quan thành phố. Marisa dẫn anh đi thăm nghĩa trang Recoleta và anh rất ngạc nhiên khi thấy các lăng mộ có quan tài được đặt trên tầng cao ngang tầm mắt nhìn của mỗi người thay vì chôn dưới đất.
– Ở đây là như vậy, Marisa nói. Người ta tiêu tốn cả gia tài để xây ngôi nhà cuối cùng của đời mình. Một mái nhà, bốn bức tường, cửa ra vào bằng sắt để ánh sáng len vào mộ và một ngày nào đó, cả gia tộc cùng quy tụ an nghỉ mãi mãi ở nơi này. Anh nhớ nhé, Marisa nói thêm, sau này chết đi, em muốn tiếp tục được nhìn thấy mặt trời mọc hơn là mục rữa nơi đáy mồ. Và hơn nữa, em thấy như thế này khá là vui khi mọi người tới thăm mộ.
– Em nói không sai, Andrew nói, bỗng dưng anh chìm vào dòng suy nghĩ ủ rũ mà anh đã gần như quên đi được từ khi tới Argentina.
– Chúng ta còn thời gian, chúng ta còn trẻ.
– Ừ… Em còn thời gian mà, Andrew thở dài. Chúng ta có thể đi được rồi chứ? Chỉ cho anh chỗ nào náo động hơn chút coi.
– Em đưa anh về khu phố nhà em, Marisa nói, nơi đó tràn đầy sức sống, màu sắc, người ta chơi nhạc ở mỗi góc phố, em không thể sống ở nơi nào khác ngoài nơi này.
– Thế thì anh tin rằng cuối cùng mình cũng đã tìm được một điểm chung giữa hai chúng ta.
Marisa mời Andrew ăn tối tại một nhà hàng nhỏ ở Palermo. Ông chủ quán có vẻ biết rất rõ Marisa và, trong khi có rất nhiều khách chờ bàn trống, họ đã được xếp chỗ ngồi đầu tiên.
Buổi tối của họ tiếp tục trong một quán bar nhạc jazz. Marisa đưa đẩy hông trên sàn. Cô đã thử lôi kéo Andrew vài lần nhưng anh thì chỉ thích ngồi yên vị trên ghế, chống khuỷu tay lên quầy bar mà nhìn Marisa nhảy nhót.
Vào khoảng một giờ sáng, họ đi dạo trên các con ngõ nhỏ còn rất náo nhiệt.
– Khi nào anh sẽ đăng bài?
– Vài tuần nữa.
– Khi nào bài đăng, Alberto sẽ nhận ra Ortega sau tấm ảnh chụp Ortiz. Chú ấy sẽ đi kiện cho coi. Chú ấy đã quyết định làm thế, em nghĩ là chú ấy đã hy vọng điều đó từ rất lâu rồi.
– Cần có nhiều nhân chứng khác nữa để khiến hắn bẽ mặt.
– Anh đừng lo, Louisa và mạng lưới của dì em sẽ làm những gì cần thiết, Ortiz sẽ phải ra hầu tòa vì những tội ác mà hắn đã tham gia.
– Dì em quả là một phụ nữ kỳ lạ.
– Anh biết không, anh đã đúng về chuyện dì ấy và Alberto. Mỗi tuần một lần, họ lại gặp nhau trên một băng ghế tại quảng trường tháng Năm. Họ ngồi cạnh nhau trong vòng một giờ đồng hồ, thường là trao đổi với nhau một vài từ rồi đường ai nấy đi.
– Sạo họ lại làm vậy?
– Vì họ cần gặp lại nhau, cần tiếp tục được làm cha mẹ của cậu con trai mà họ muốn khắc ghi mãi mãi trong tâm trí. Họ không có nấm mồ nào để đến thăm viếng.
– Em có nghĩ là một ngày nào đó họ sẽ về với nhau không?
– Không, những gì họ đã trải qua quá là nặng nề.
Marisa im lặng giây lát trước khi nói tiếp:
– Louisa rất quý anh, anh biết không.
– Anh không hề nhận thấy điều đó đấy.
– Em thì có đấy. Dì ấy thấy anh quyến rũ, mà dì ấy lại là một phụ nữ rất có gu.
– Anh coi đó là một lời khen, Andrew mỉm cười đáp lời.
– Em đã để một món quà nhỏ trong hành lý của anh.
– Đó là cái gì vậy?
– Anh hãy mở nó khi nào tới New York. Đừng mở nó trước, hứa với em đi, đó là một điều bất ngờ.
– Anh hứa.
– Em sống cách đây có hai bước thôi, Marisa nói. Nào, hãy theo em.
Andrew đưa Marisa về tận cửa tòa nhà cô ở, anh dừng chân bên thềm cửa.
– Anh không muốn lên sao?
– Không, anh không muốn lên.
– Anh không còn thích em nữa chứ gì?
– Vẫn chứ, đúng ra là còn hơi quá thích. Lúc trong xe lại khác, chúng ta đã không suy tính gì. Khi đó chúng ta đang đối diện với hiểm nguy, anh đã tự nhủ là cuộc sống quá ngắn ngủi và rằng cần phải tranh thủ từng thời khắc hiện tại. Không, thực ra anh đã chẳng tự nhủ tất cả những điều ấy, anh đã quá muốn em và…
– Thế bây giờ anh thấy cuộc sống quá dài và anh cảm thấy tội lỗi khi đã phản bội vợ chưa cưới của anh?
– Anh không biết cuộc sống có dài không, Marisa à, nhưng đúng là anh cảm thấy có lỗi.
– Anh là típ đàn ông khá hơn những gì em vẫn nghĩ đấy, Andrew Stilman ạ. Hãy đi tìm lại cô ấy, còn về những chuyện đã xảy ra ở trong xe thì chẳng đáng gì hết. Em không yêu anh, anh không yêu em, đó đơn thuần chỉ là tình dục, đáng nhớ, nhưng chỉ thế thôi.
Andrew cúi xuống rồi hôn lên má cô.
– Làm những điều như vậy chỉ khiến anh già đi mà thôi, Marisa nói. Thôi, anh đi đi, trước khi em cưỡng hiếp anh ngay trên vỉa hè bây giờ. Em có thể hỏi anh một câu cuối cùng không? Khi em đến lấy mấy cuốn sổ tay của anh ở khách sạn, trên bìa của một quyển có ghi “Nếu như được làm lại”, điều đó có nghĩa là gì?
– Đó là một câu chuyện dài… tạm biệt em, Marisa.
– Vĩnh biệt, Andrew Stilman, em không nghĩ là chúng ta còn gặp lại nhau. Chúc anh có cuộc sống tươi đẹp, em sẽ giữ mãi kỷ niệm đẹp về anh.
Andrew đi khỏi mà không ngoái đầu nhìn lại. Tới ngã tư, anh lên một chiếc taxi.
Marisa chạy lên cầu thang. Lúc bước vào phòng, cô để mặc nước mắt tuôn rơi, những giọt nước mắt mà cô đã kìm giữ vào những phút cuối bên Andrew.
Arial,z�%vtpR UO -serif; font-size: 12px; font-style: normal; font-variant: normal; font-weight: normal; letter-spacing: normal; line-height: normal; orphans: auto; text-align: start; text-indent: 0px; text-transform: none; white-space: normal; widows: auto; word-spacing: 0px; -webkit-text-stroke-width: 0px;”>- Ừm, tớ sẽ cố tin là thế. Trong khi cậu nghỉ ngơi giải trí thì tớ đang ở Chicago đấy.
– Khỉ thật, tớ quên béng mất.
– Còn tớ thì không. Cậu có muốn nghe điều tớ sắp kể cho cậu không?
Andrew bị một cơn ho dữ dội khiến anh không thể thở nổi. Nhìn vào gan bàn tay, anh lo lắng khi trông thấy vết máu. Anh xin lỗi Simon, hứa sẽ gọi lại cho bạn rồi chạy vào phòng tắm.
Chiếc gương treo phản chiếu một hình ảnh kinh hoàng. Da anh nhợt nhạt như xác chết. Khuôn mặt hốc hác, cặp mắt sâu hoắm trong hốc mắt làm gò má nhô cao. Trông như anh đã già đi ba chục tuổi chỉ trong có một đêm. Một cơn ho thắt ruột mới làm bắn cả máu lên gương. Andrew cảm thấy đầu óc quay cuồng, đôi chân nhũn như con chi chi. Anh bám chặt vào mép bồn rửa rồi khuỵu gối trước khi ngã sụp xuống đất.
Má tiếp xúc với sàn gạch lát lạnh lẽo khiến anh hồi tỉnh đôi chút. Anh lật ngửa người lại rồi nhìn chăm chăm vào chiếc đèn trần chiếu thứ ánh sáng chập chờn.
Tiếng bước chân ngoài hành lang khiến anh hy vọng là người dọn phòng đến. Không thể kêu cứu, anh cố với lấy sợi dây điện của máy sấy tóc đang treo cách mình vài xăng ti mét. Dùng hết sức bình sinh chìa tay ra, rốt cuộc anh cũng nắm được nó, nhưng sợi dây trượt khỏi ngón tay anh rồi uể oải đung đưa trước mắt anh.
Có ai đó đang tra chìa vào ổ khóa cửa phòng anh. Andrew sợ rằng người dọn phòng đoán là phòng đang có người thì sẽ không bước vào nữa. Anh gắng bấu vào mép bồn tắm, nhưng chợt bất động khi nghe thấy tiếng hai người đàn ông đang thì thào với nhau ở phía bên kia cánh cửa phòng tắm.
Chúng lục lọi căn phòng, anh nghe thấy tiếng tủ tường kêu kẽo kẹt khi bị chúng mở ra. Anh lại giơ tay lần nữa để với lấy chiếc máy sấy đáng ghét như thể đó là một thứ vũ khí.
Anh kéo sợi dây, chiếc máy sấy rơi xuống sàn nhà lát gạch. Hai giọng nói liền im bặt. Andrew đã ngồi lại được và dựa lưng vào cửa rồi dồn hết sức xuống đôi chân để ngăn chúng mở cửa.
Anh bị văng mạnh về phía trước, một cú đá cực mạnh khiến ổ khóa tung ra và đẩy cánh cửa vào phía bên trong phòng tắm.
Một gã đàn ông túm lấy vai anh hòng ấn anh xuống đất, Andrew chống cự lại, nỗi sợ đã đẩy lùi cơn chóng mặt của anh. Anh tung được một cú đấm vào mặt kẻ tấn công mình. Gã đàn ông, vốn không hề trông đợi điều này, đổ sụp xuống sàn bồn tắm. Andrew đứng dậy để đẩy kẻ thứ hai đang nhảy bổ vào anh. Anh vớ lấy chai xà phòng nước nằm trong tầm với rồi ném về phía hắn. Gã đàn ông tránh cú ném, cái lọ vỡ tan trên sàn nhà. Hai cú đấm móc vào mặt khiến Andrew bắn đập vào gương, cung lông mày của anh rách toác. Máu bắt đầu chảy ra, che mờ tầm nhìn của Andrew. Cuộc chiến trở nên không cân sức, Andrew không còn chút cơ may nào cả. Gã khỏe hơn trong hai kẻ tấn công ấn chặt anh xuống đất, tên còn lại rút dao từ trong túi ra rồi đâm thẳng lưỡi dao vào phần cuối sống lưng anh. Andrew thét lên đau đớn. Trong nỗ lực cuối cùng, anh vớ lấy mảnh vỡ chai xà phòng rồi cứa vào tay kẻ đang cố siết cổ anh.
Đến lượt gã đàn ông thét lên đau đớn. trong khi lùi lại, hắn trượt ngã trên lớp nước xà phòng lênh láng trên mặt sàn và khuỷu tay va phải nút bấm báo cháy.
Tiếng còi inh tai bắt đầu vang lên; hai gã đàn ông vội chuồn ngay.
Andrew buông mình trượt dọc bờ tường. Ngồi bệt xuống sàn, anh đưa tay ra sau lưng, gan bàn tay anh đầy máu. Ánh sáng từ chiếc đèn trần cứ chập chờn vào lúc anh bất tỉnh nhân sự.