Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20

CHƯƠNG 6 – Không đời nào… Nghề kỹ sư là dành cho con gái mà



Có bao nhiêu người đã nói với bạn rằng chìa khóa để thành công là theo đuổi niềm đam mê của mình? Tôi tin rằng rất nhiều. Thật dễ trao lời khuyên cho ai đó đang phải vật lộn để tìm ra con đi cho cuộc sống của mình. Tuy nhiên, lời khuyên đó thực sự quá đơn giản và có khi gây ngộ nhận. Đừng hiểu sai ý tôi, vì tôi cũng rất xem trọng niềm đam mê và tin rằng việc biết được những gì thúc đẩy bạn trong cuộc sống là vô cùng quan trọng. Nhưng điều đó chắc chắn vẫn chưa đủ.

Niềm đam mê chỉ là điểm khởi đầu. Bạn cũng cần biết tài năng của mình là gì và thế giới đánh giá về chúng như thế nào. Nếu bạn đam mê một lĩnh vực nhưng không thực sự giỏi về nó, thì bạn sẽ rất thất vọng khi cố gắng tạo dựng sự nghiệp của mình ở lĩnh vực đó. Ví dụ như bạn yêu bóng rổ nhưng không đủ cao để thi đấu, hoặc bạn bị nhạc jazz làm mê hoặc nhưng lại không thể hát theo một giai điệu nào. Trong cả hai trường hợp bạn vẫn có thể là một fan hâm mộ tuyệt vời, đi chơi bóng rổ và tham dự các buổi hòa nhạc, mà không cần phải là một chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Tiến thêm một bước xa hơn, giả sử bạn đang đam mê và cũng khá tài năng trong một lĩnh vực, nhưng không có thị trường để bạn phát triển những kỹ năng đó. Ví dụ, bạn có thể là một nghệ sĩ khéo tay và yêu thích vẽ tranh, hoặc đam mê lướt sóng và có thể lướt trên bất kỳ ngọn sóng nào. Nhưng chúng ta đều biết rằng thị trường cho những kỹ năng này là nhỏ. Việc cố gắng xây dựng một sự nghiệp quanh những niềm đam mê như vậy thường gây ra sự thất vọng. Thay vào đó bạn hãy nghĩ về chúng như những sở thích tuyệt vời.[31]

Ngược lại, nếu bạn có tài năng trong một lĩnh vực và có một thị trường lớn cho các kỹ năng của bạn, thì đó là một lĩnh vực tuyệt vời để tìm việc làm. Ví dụ bạn là một kế toán thành đạt, vậy sẽ luôn có một vị trí cho người có thể làm một bảng cân đối thu chi. Đối với hầu hết mọi người trên thế giới, đây là cách họ sinh sống. Họ sẽ có một công việc sử dụng những kỹ năng của họ, nhưng họ cũng rất thích về nhà để tập trung vào các sở thích khác. Họ trông đợi từng ngày cho đến cuối tuần, đến kỳ nghỉ phép, hoặc cho đến khi nghỉ hưu.

Trường hợp kịch bản xấu nhất là nhận thấy chính mình đang trong một vị trí mà bạn không có niềm đam mê, không có kỹ năng nào cho lĩnh vực này, và cũng chẳng có thị trường cho những gì bạn đang làm. Hãy lấy câu chuyện vui về việc cố gắng bán tuyết cho người Eskimo làm ví dụ. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn phải làm điều đó trong khi bạn ghét tuyết khủng khiếp, đồng thời bạn còn là một người bán hàng tồi. Đây đúng là tình huống xấu nhất trên tất cả mọi phương diện.

Giao điểm tuyệt vời nhất là khi mà niềm đam mê và các kỹ năng của bạn trùng nhau và trùng với nhu cầu thị trường. Nếu bạn có thể tìm thấy giao điểm đó thì bạn đang làm phong phú thêm cuộc sống của bạn thay vì chỉ cung cấp các nguồn lực tài chính cho phép bạn tận hưởng cuộc sống sau những ngày làm việc. Bạn nên tạo dựng một sự nghiệp mà bạn thậm chí có thể ngạc nhiên vì sao người ta lại phải trả lương cho mình khi làm công việc đó. Một trích dẫn trong triết lý của Lão Tử, nhà triết học Lão giáo Trung Quốc, đã tóm lại điểm này:

Một bậc thầy của nghệ thuật sống thì dường như chẳng bao giờ phải phân biệt giữa công việc và thú vui, giữa lao động và giải trí, giữa tâm hồn và cơ thể, giữa học hành và vui chơi, giữa tình yêu và tôn giáo. Anh ta chỉ việc cố gắng đạt tới sự xuất sắc trong bất cứ điều gì mình làm, mặc kệ những người khác cho rằng anh ta đang làm việc hay đang chơi. Nhưng bản thân anh ta thì luôn biết rằng mình có được cả hai thứ.

Lời uyên thâm này được rút ra từ những quan sát của con người rằng làm việc chăm chỉ đóng một vai trò rất lớn giúp bạn thành công. Và sự thật là với những điều chúng ta đam mê, chúng ta sẽ làm việc chăm chỉ hơn. Điều này rất dễ nhìn thấy từ những đứa trẻ bỏ ra hàng giờ đồng hồ bất tận để làm những điều chúng yêu thích. Một đứa trẻ đam mê xây dựng sẽ bỏ ra hàng giờ thiết kế những thành phố tuyệt vời với bộ đồ chơi lắp ráp Legos. Một đứa trẻ yêu nghệ thuật sẽ ngồi vẽ hàng giờ mà không cần nghỉ ngơi. Và với một đứa trẻ yêu thể thao, ném rổ hoặc đánh bóng chày cả buổi chiều là một quãng thời gian hứng thú, chứ không phải là một buổi luyện tập. Niềm đam mê có khả năng thôi thúc rất lớn. Nó làm cho mỗi người chúng ta muốn làm việc chăm chỉ để hoàn thiện các kỹ năng của mình và trở nên xuất sắc.

Có thể phải mất một thời gian cho quá trình tìm kiếm các mỏ vàng, nơi các kỹ năng lẫn sở thích của bạn và nhu cầu thị trường phù hợp với nhau. Hãy nghe chuyện của Nathan Furr, người bắt đầu sự nghiệp học tập của mình với chuyên ngành tiếng Anh. Nathan đam mê đọc và viết, và ông đã dành những ngày của mình ở đại học để nghiên cứu những kiệt tác văn học của thế kỷ, viết các bài luận phân tích tác phẩm. Tuy nhiên, ông nhanh chóng nhận ra rằng thị trường cho các giáo sư tiếng Anh rất hạn chế. Và ngay cả khi ông có được một công việc trong lĩnh vực này, tiền lương cũng khá thấp. Điều này sẽ gây khó kahwn cho ông vì ông đã lập kế hoạch xây dựng và nuôi dưỡng một gia đình lớn. Nathan dành thời gian suy nghĩ về những cách khác ông có thể sử dụng kỹ năng sẵn có và hướng vào những đam mê của mình. Sau khi tìm hiểu những chân trời mới lạ khác, ông thấy khá rõ rằng mình sẽ thích nghi tốt trong thế giới tư vấn quản lý, lĩnh vực cho phép ông sử dụng các kỹ năng nghiên cứu và viết lách cũng như niềm vui học hỏi của mình. Vấn đề duy nhất ở đây là Nathan chưa đủ hiểu biết về lĩnh vực này để có thể tìm một việc làm đầu tiên trong ngành ngay lúc đó. Vì vậy, ông đã cho một năm để chuẩn bị. Ông gia nhập nhiều tổ chức tại trường đại học của mình để tìm hiểu thêm về tư vấn, và thực hành với các trường hợp đơn giản cụ thể, ví dụ những người hiện diện trong một buổi phỏng vấn xin việc điển hình. Trước khi hết thời hạn một năm, Nathan đã sẵn sàng và nhận được công việc tư vấn quản lý cho một công ty hàng đầu. Công việc rất phù hợp với ông trên nhiều phương diện; Nathan có thể khai thác các kỹ năng của mình và làm việc với niềm đam mê, đồng thời công việc cũng cung cấp cho ông nguồn tài chính bảo đảm mà ông cần.

Nathan đã chọn được một con đường sự nghiệp sau khi ông tìm hiểu và tiếp cận với nhiều khả năng khác nhau. Nhưng hầu hết chúng ta đều được khuyến khích lên kế hoạch từ rất rất sớm cho tương lai của mình. Người ta thích hỏi trẻ em rằng: “Con muốn làm gì khi con lớn lên?” Điều này buộc các em phải đặt ra các mục tiêu cho mình, ít nhất là trong suy nghĩ, rất lâu trước khi các em thực sự được tiếp xúc với vô số các cơ hội trong cuộc sống. Chúng ta cũng thường hình dung mình đang làm những điều chúng ta thấy người khác làm ở những môi trường trước mắt mình. Nó thực ra là một tầm nhìn cực kỳ hạn chế trong việc xem xét thế giới của những cơ hội. Tôi đoán là bạn cũng như tôi, đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi những người xung quanh, những người thích nói với bạn những gì họ nghĩ rằng bạn cần phải làm. Tôi nhớ rõ một trong những giáo viên của tôi đã nói rằng “Em rất giỏi về khoa học. Em nên nghĩ đến việc trở thành một y tá.” Đó là một gợi ý tốt, nhưng nó chỉ là một trong số gần như vô hạn những điều mà một người có thể làm khi họ giỏi về khoa học.

Trong khóa học sáng tạo của tôi, mỗi nhóm sinh viên chọn một tổ chức mà họ nghĩ là sáng tạo. Mỗi nhóm có nhiệm vụ đi đến một công ty, phỏng vấn các nhân viên, quan sát họ làm việc thực sự, và rút ra kết luận riêng của mình về những gì làm cho tổ chức đó sáng tạo. Sau đó họ sẽ trình bày thông tin này trong lớp một cách sáng tạo. Một nhóm chọn Viện bảo tàng Khám phá của các trẻ em ở San Jose (San Jose Children’s Discovery Museum). Họ đi theo các nhân viên và khách tham quan trong nhiều ngày để tìm hiểu những gì thực sự làm cho nó được như vậy. Tại một khu vực, các trẻ em đang xây dựng một chiếc tàu lượn siêu tốc thu nhỏ, thay đổi các biến số khác nhau để xem xét kết quả, và một bé gái tám tuổi đang thử nghiệm với thiết bị. Em thay đổi chiều dài, chiều cao và các góc độ của những bộ phận các nhau và thử các mô phỏng khác nhau để xem kết quả. Một nhân viên bảo tàng theo dõi thử nghiệm của em bé trong một thời gian và đơn giản nhận xét với cô bé: “Em đang làm những điều mà các kỹ sư thường làm.” Cuối ngày hôm đó các sinh viên của tôi hỏi cô bé về những gì em đã học được ở viện bảo tàng. Em nghĩ trong vài phút rồi nói rất tự tin: “Em học được rằng em có thể trở thành một kỹ sư.”

Cũng giống như cô bé trong bảo tàng, tất cả chúng ta đều nhận được những thông điệp ngầm hiểu hay rõ ràng về những vai trò người ta mong đợi chúng ta làm. Một vài năm trước đây, đồng nghiệp của tôi là một giáo sư cơ khí kể cho tôi nghe một câu chuyện đáng lưu tâm. Cô có một số bạn bè nữ ở đại học. Họ là kỹ sư trong các lĩnh vực khác nhau, thường đến chơi nhà cô, ăn tối và trò chuyện. Con trai nhỏ của cô thường ở quanh đó, quan sát và lắng nghe các cuộc nói chuyện của họ. Khi nó lớn lên và bộc lộ tài năng về toán và khoa học, có người đã nói với nó; “Chà, cháu nên học làm kỹ sư đi.” Nó nhăn mặt và nó: “Không đời nào, nghề kỹ sư là dành cho con gái mà.” Còn những bác sĩ nữ bạn của tôi cũng kể với tôi những câu chuyện tương tự. Các cậu con trai nhỏ của họ thường gọi các cuộc thảo luận về y học là “chuyện con gái.”

Hãy xem xét câu đố sau đây: Một cậu bé và cha của em gặp tai nạn và được đưa vào bệnh viện. Bác sĩ phẫu thuật nói: “Tôi không thể phẫu thuật cho cậu bé này được, vì nó là con trai của tôi.” Có chuyện gì xảy ra ở đây vậy? Khi tôi kể cho các bác sĩ nữ bạn tôi câu đố này, ngay cả họ cũng không thể đoán ra được rằng bác sĩ phẫu thuật trong câu đố chính là mẹ của cậu bé. Họ đã cố gắng tìm những câu trả lời phức tạp cho câu đố này, tất cả đều liên quan đến một bác sĩ nam. Sau khi nghe được lời giải đố thì họ cảm thấy rất ngượng ngùng vì chính họ cũng rơi vào cái bẫy cũ rích này.

Khi suy nghĩ lại về các thông điệp tôi đã nhận được, tôi thấy rõ rằng có nhiều cá nhân cụ thể có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mình – một số thì động viên còn số khác thì không. Khi tôi khoảng mười bốn tuổi, gia đình tôi có một người bạn là một nhà giải phẫu thần kinh người. Tôi rất thích bộ não và cuối cùng đã tập trung mọi can đảm để hỏi ông về công việc của mình. Ông nghĩ rằng câu hỏi của tôi thật “con nít” và đùa với tôi. Tôi thất vọng và đã không hỏi ông lần nào nữa.

Mãi đến khi học đại học tôi mới tìm thấy một người chuyên nghiệp trong lĩnh vực này khuyến khích tôi theo đuổi niềm đam mê về nghiên cứu não bộ. Tôi đã được vào học lớp khoa học thần kinh đầu tiên trong năm thứ hai của tôi ở đại học và vị giáo sư đã cho chúng tôi một bài tập khác thường. Ông yêu cầu chúng tôi thiết kế một loạt các thí nghiệm để tìm ra nhiệm vụ của một phần cụ thể của bộ não. Ông nói với chúng tôi rằng không ai biết về vai trò của nó và công việc của chúng tôi là thảo ra một chiến lược để tìm hiểu nó. Khi nhận lại bài làm của mình sau một tuần thì tôi thấy một ghi chú trên cùng một trang giấy: “Tina, em suy nghĩ như một nhà khoa học.” Tại thời điểm đó tôi đã trở thành một nhà khoa học. Tôi đã chỉ chờ đợi một ai đó để xác nhận sự nhiệt tình của tôi, và để cho tôi được phép theo đuổi những mối quan tâm của mình. Chúng ta đều bị ảnh hưởng rất mạnh mẽ bởi các thông điệp xung quanh mình. Một trong số chúng là trực tiếp, như khi một giáo viên nói rằng: “Em nên là y tá,” hoặc “Em có suy nghĩ như một nhà khoa học.” Còn những thông điệp khác thì ẩn bên trong môi trường của chúng ta, như là những năm tháng chỉ nhìn thấy các nữ kỹ sư hay các bác sĩ phẫu thuật nam.

Khi bước vào những năm đầu của tuổi hai mươi, tôi nhận thấy muốn tách rời những gì mình muốn cho bản thân và những gì người khác muốn cho mình hóa ra lại khó hơn tôi tưởng nhiều. Tôi cũng biết điều này là đúng đối với nhiều sinh viên của tôi. Họ cho tôi biết họ đang nhận được rất nhiều “hướng dẫn” từ người khác đến nỗi họ phải trải qua một thời gian rất khó khăn để tìm ra những gì họ muốn làm. Tôi nhớ rõ ràng rằng đôi khi tôi cảm thấy một sự thôi thúc phải từ bỏ hoặc tránh những điều mà người khác nhiệt thành khuyến khích tôi làm; chỉ như thế tôi mới có không gian để tìm ra những gì mình muốn, không phụ thuộc vào ý kiến bên ngoài. Ví dụ, tôi bắt đầu đi học cao học tại Đại học Virginia ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Rochester. Cha mẹ tôi cảm thấy rất sung sướng. Họ rất tự hào về tôi và cảm thấy an tâm rằng con đường của tôi trong vài năm tới đã được thiết lập ổn thỏa. Nhưng chỉ sau một học kỳ của trường đại học, tôi quyết định nghỉ ngơi và đi đến California. Phần khó nhất của toàn bộ quá trình đó là nói cho cha mẹ biết tôi chuẩn bị nghỉ học một thời gian. Quyết định của tôi là cực kỳ khó chấp nhận với cha mẹ. Tôi rất trân trọng sự hỗ trợ và khuyến khích của họ, nhưng điều đó là tôi thực sự khó khăn khi muốn biết liệu việc ở lại trường có phải là quyết định đúng cho tôi hay không. Tôi lái xe dọc đất nước để đến Santa Cruz mà không có ý tưởng gì về những gì mình sẽ làm tiếp theo.

Khi nhìn lại, tôi thấy rằng việc nghỉ học một thời gian hóa ra là một sự lựa chọn tuyệt vời. Thời gian tôi ở Santa Cruz hoàn toàn không có kế hoạch gì hết. Tôi cảm thấy giống như một chiếc lá trong gió, sẵn sàng cho bất kỳ điều gì có thể xảy ra. Nó thật thú vị và cũng đáng sợ nữa. Đây là lần đầu tiên tôi đã không có một bài tập cụ thể, một mục tiêu tập trung, hay một kế hoạch rõ ràng nào. Mặc dù nó vẫn thường gây căng thẳng cho tôi, nhưng đó là cách hoàn hảo để tìm ra những gì tôi thực sự muốn. Tôi làm những công việc lặt vặt để nuôi mình và đã dành rất nhiều thời gian suy nghĩ tại bãi biển. Sau một thời gian tôi bắt đầu đến thư viện sinh học của trường Đại học California tại Santa Cruz để cập nhật những tác phẩm về khoa học thần kinh. Lúc đầu, tôi đến đó hàng tháng, sau đó là hàng tuần, và sau đó nữa là hàng ngày.

Sau khoảng chín tháng ở Santa Cruz, tôi đã sẵn sàng để quay lại với phòng thí nghiệm, nhưng chưa sẵn sàng để đi học cao học trở lại. Với mục tiêu đó, tôi đã theo dõi một danh sách các giảng viên khoa học thần kinh tại trường đại học Stanford, cách đó không xa, và tôi đã viết cho mỗi người một lá thư. Tôi cho họ biết về lai lịch của mình và hỏi liệu họ có một công việc nghiên cứu nào cho tôi không. Sau vài tuần, tôi nhận hồi âm từ tất cả những người tôi đã gửi,nhưng không ai có một vị trí trống cho tôi. Tuy nhiên, một trong những giảng viên đã chuyển lá thư của tôi cho một người khác, và tôi nhận được một cuộc gọi từ một giáo sư thuộc khoa gây mê. Ông hỏi tôi có muốn làm việc trong phòng điều hành thử nghiệm thiết bị y tế mới trên những bệnh nhân có nguy cơ cao hay không. Công việc này có vẻ thú vị, vì vậy tôi đã chớp lấy cơ hội.

Trong những ngày ở trường Stanford, tôi đã thức dậy vào lúc bình minh, mặc đồ vô trùng, và theo dõi bệnh nhân phẫu thuật. Trải nghiệm này thật hấp dẫn đến không ngờ. Khi dự án kết thúc, tôi đã thương lượng được một công việc là trợ lý nghiên cứu tại một phòng thí nghiệm khoa học thần kinh, và cuối cùng nộp đơn vào học cao học tại Stanford. Tôi đã đi một con đường vòng mà có thể đối với những người khác nó dường như là sự lãng phí thời gian. Nhưng điều này chẳng hề quan trọng. Những khúc quanh trên con đường của tôi không chỉ cho tôi một cách nhìn mới về các mục tiêu của mình, mà còn cho tôi thời gian để thử nghiệm các lựa chọn giúp tôi xác định được những gì mình muốn làm. Ngoài ra, lần này tôi đã đi học cao học cho bản thân tôi, chứ không phải cho ai khác.

Những người thân với bạn thường mong đợi bạn có những quyết định về con đường nghề nghiệp của mình và gắn bó với chúng. Họ muốn bạn phải như một chiếc tên lửa “chiến đấu quên mình”, tập trung hoàn toàn vào một mục tiêu và không ngừng theo đuổi nó. Nhưng đó thực sự không phải là cách mọi việc diễn ra. Hầu hết mọi người đều thay đổi con đường của mình nhiều lần trước khi tìm ra công việc phù hợp nhất với các kỹ năng và lòng đam mê của họ. Điều này cũng tương tự như quá trình phát triển một sản phẩm hay thiết kế một phần mềm mới – việc liên tục thử nghiệm nhiều thứ cho đến khi bạn tìm ra cái gì có hiệu quả là rất quan trọng. Nếu bạn cố định với con đường của mình quá sớm thì rất có thể nó sẽ dẫn bạn đi sai hướng.

Tôi đã gặp nhiều sinh viên đưa tôi xem bản đồ chi tiết về những gì họ đặt kế hoạch để làm trong năm mươi năm tiếp theo. Điều này không chỉ phi thực tế mà còn thể hiện sự hạn chế một cách đáng buồn. Có rất nhiều trải nghiệm bất ngờ phía trước cho bạn, nên cách tốt nhất là luôn mở to mắt tìm kiếm các cơ hội khác nhau thay vì cứ mù quáng gắn mình vào những lựa chọn tự hiện ra cho bạn một cách may mắn. Lập kế hoạch một nghề nghiệp nên được xem như là đi du lịch ở nước ngoài. Ngay cả khi bạn chuẩn bị cẩn thận, có một hành trình cụ thể và một nơi để ở lại vào ban đêm, nhưng những trải nghiệm thú vị nhất lại thường không nằm trong kế hoạch. Biết đâu bạn có thể gặp một người thú vị nào đó chỉ cho bạn thấy những nơi không có trong sách hướng dẫn, hoặc bạn có thể lỡ chuyến xe lửa và cuối cùng trải qua những ngày khám phá một thị trấn nhỏ bạn không có kế hoạch đến thăm. Tôi đảm bảo rằng những điều bạn nhớ sau chuyến du lịch sẽ không phải là những điều trong lịch trình ban đầu của bạn. Chúng sẽ là những điều bất ngờ xuất hiện trong chuyến đi, và làm bạn ngạc nhiên trên suốt chặng đường.

Điều này đúng với tất cả các dạng hoạt động. Ví dụ như hầu hết những khám phá lớn trong khoa học đều xuất phát từ việc lưu ý đến những kết quả khác thường và việc giải thích những điều bất ngờ tìm thấy. Các nhà khoa học thành công đã nhanh chóng học được rằng họ không nên e ngại những dữ liệu đưa họ vào những nơi chưa từng biết đến. Thay vì vứt di đữ liệu không phù hợp với các kết quả mong đợi hay ghi chép chúng lại như những kết quả sai lạc, các nhà khoaa học giỏi nhất bám theo những điều lạ thường và biết rằng đây là nơi mà những đột phá được thực hiện. Trong thực tế, bằng cách luôn thức tỉnh trước các mâu thuẫn, các nhà khoa học thường mở ra những lĩnh vực nghiên cứu hoàn toàn mới và thực hiện những khám phá đáng ghi nhận. Chẳng hạn, từ những ngày đầu của kính hiển vi, vào giữa những năm 1800, các nhà khoa học thấy rằng có hai lớp tế bào lớn trong não, mà họ gọi là một tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm. Họ giả định rằng tất cả các hành động thực tế đều xảy ra trong các tế bào thần kinh và rằng tế bào thần kinh đệm, theo nghĩa đen trong tiếng Hy Lạp là “keo”, chỉ đóng vai trò như một loại “giàn giáo”, hỗ trợ cấu trúc cho tế bào thần kinh. Ý tưởng này được giữ trong suốt hơn 150 năm, và các nhà khoa học đã dành hầu hết nỗ lực của họ đề nghiên cứu tế bào thần kinh.

Tuy nhiên, trong hai mươi năm vừa qua, tế bào thần kinh đệm, với số lượng nhiều hơn đến gấp mười lần so với tế bào thần kinh trong não, đã được phát hiện đóng góp rất nhiều vai trò quan trọng trong hệ thống thần kinh. Bruce Ransom, biên tập viên sáng lập tập san khoa học Glia, là người tiên phong trong lĩnh vực này. Ông và các nhà khoa học khác trên thế giới đã chứng minh rằng các tế bào thần kinh đệm đang tham gia tích cực vào các hoạt động trong hầu như tất cả chức năng của não bộ. Thậm chí sự chuyển tiếp tế bào – sự tương tác được nghiên cứu nhiều nhất giữa các tế bào thần kinh – cũng liên quan đến các tế bào thần kinh đệm. Bruce, cũng là một nhà thần kinh học, tin rằng các tế bào thần kinh đệm chưa cho chúng ta thấy tất cả các bí mật của chúng, và các tế bào này liên quan một cách mật thiết đến nhiều bệnh thần kinh.

Đây là một trường hợp nhắc nhở quan trọng rằng các ý tưởng có thể hấp dẫn đến nỗi chúng thực sự cản trở tiến bộ. Con người bám vào chúng và không thấy được các lựa chọn thay thế hữu hiệu khác. Trong vô thức, họ “điều chỉnh” các kết quả gây mâu thuẫn để khiến chúng phù hợp với các lý thuyết hiện hành. Khi nhìn lại, có vẻ rõ ràng rằng tế bào thần kinh đệm đóng một vai trò quan trọng trong não. Mặc dù vậy những người bắt đầu làm nghiên cứu trong lĩnh vực này hai thập kỷ trước xem như đã phải chấp nhận một rủi ro, bằng cách bước ra khỏi một con đường đã được định sẵn để khám phá vùng đất mới trong khoa học.

Hầu hết các sự kiện và những phát hiện đều rất đáng chú ý khi nhìn lại. Randy Komisar tuyên bố rằng sự nghiệp của mình có ý nghĩa nhiều hơn khi nhìn qua tấm gương chiếu hậu so với nhìn qua kính chắn gió. Tuyên bố này đúng đối với hầu hết chúng ta. Khi bạn nhìn lại con đường sự nghiệp của mình thì câu chuyện này hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, con đường phía trước lại luôn mờ nhạt và có hàng loạt những điều bấp bênh chẳng biết kéo dài đến tận đâu, vì vậy chúng ta thật dễ nản lòng do thiếu tầm nhìn về tương lai. Nhưng bạn vẫn có thể làm những việc khiến cơ hội lớn đến với bạn nhiều hơn.

Randy đã dành nhiều thời gian suy nghĩ làm thế nào để hình thành một sự nghiệp, và những hiểu biết của ông rất sâu sắc. Ông cho rằng nên xây dựng một sự nghiệp mà trong đó bạn tối ưu hóa chất lượng của những người làm việc cùng bạn, điều đó cuối cùng sẽ giúp gia tăng chất lượng của những cơ hội trên con đường của bạn. Những người tuyệt vời hỗ trợ lẫn nhau, xây dựng những mạng lưới có giá trị, và tạo ra một dòng chảy ổn định của các cơ hội mới. Về cơ bản, hệ sinh thái mà trong đó bạn sống và làm việc là một yếu tố rất lớn trong việc dự đoán các loại cơ hội sẽ xuất hiện.

Nhiều chuyên gia dày dạn cũng lặp lại ý tưởng này. Họ tin rằng sẽ là một sai lầm nếu bạn cố gắng quản lý sự nghiệp quá khít khao; thay vào đó bạn nên làm việc trong các tổ chức tạo điều kiện cho bạn tiếp cận với một dòng chảy những cơ hội thú vị. Teresa Briggs, đồng quản lý của Văn phòng Silicon Valley ở Deloitte, một công ty dịch vụ chuyên nghiệp quốc tế lớn, đã từ bỏ quan điểm cho rằng cô có thể lập kế hoạch cho tất cả mọi thứ nhằm tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa. Teresa đã bắt đầu sự nghiệp của mình bằng nghề kiểm toán ở Deloitte, và sau mười tám năm cô hoàn toàn có cơ sở để dự tính rằng cô sẽ làm ở đó mãi mãi. Tuy nhiên, một ngày nọ cô nhận thấy mình lâm vào một tình cảnh hoàn toàn bất ngờ. Luật mới yêu cầu kiểm toán viên luân phiên hoán chuyển để thực hiện các nhiệm vụ với từng cá nhân khách hàng, mục đích là để một bộ phận kiểm toán viên mới có thể đảm bảo công việc được tiến hành hợp pháp. Teresa vẫn đang làm việc với một khách hàng rất lớn, và khi cô chuyển khỏi đội thì lúc đó chẳng còn cơ hội nào khác có thể so sánh được. Nhưng cô biết rằng một nhóm Deloitte mới đang được hình thành, tập trung vào mảng sáp nhập và mua lại. Mặc dù sáp nhập và mua lại không thuộc chuyên môn của cô, nhưng cô được trao một cơ hội để có một vị trí quan trọng. Cô nhận ra rằng kỹ năng của mình đã biến chuyển một cách trôi chảy. Dù Teresa không hề lập kế hoạch về con đường này, cô đã nhận ra rằng khả năng xuất hiện các mối quan hệ với khách hàng và những nhóm lãnh đạo đã tạo điều kiện cho cô hoàn thành xuất sắc vai trò mới.

Sau một thời gian ngắn, Teresa đã được chuyển tới văn phòng quốc gia Deloitte tại New York, nơi kỹ năng lãnh đạo và quản lý của cô một lần nữa cho phép cô tỏa sáng. Sau dó Teresa được yêu cầu đến Thung lũng Silicon làm việc cho công ty. Tại đây cô đã phải học các chiến lược mới và vốn từ vựng hoàn toàn mới, lần này là về công nghệ cao. Không có bước đi nào của Teresa được dự đoán trước, nhưng nhờ thể hiện xuất sắc trong một tổ chức biết trao một dòng chảy liên tục các cơ hội mới, nhiều vai trò và thách thức thú vị đã trở thành hiện thực với cô.

*

* *

Điều quan trọng là nên đánh giá lại cuộc đời và sự nghiệp của bạn tương đối thường xuyên. Quá trình tự đánh giá này buộc bạn chấp nhận thực tế là đôi khi phải đến lúc bạn chuyển sang một môi trường mới để trở nên xuất sắc hơn. Hầu hết mọi người không đánh giá vai trò của họ đủ thường xuyên và vì vậy họ ở lại các công việc của mình lâu hơn mức cần thiết. Không có một con số kỳ diệu nào cho bạn biết bạn nên ở lại bao lâu tại một vị trí trước khi đánh giá nó là đúng hay không. Nhưng việc thường xuyên làm điều đó lại hợp lý. Một số người điều chỉnh cuộc sống của họ hàng ngày hoặc hàng tuần và liên tục tối ưu hóa nó. Những người khác chờ đợi nhiều năm mới nhận thấy rằng họ đã đi chệch hướng rất xa nơi họ từng hy vọng tới. Bạn càng thường xuyên đánh giá tình hình của mình và tìm cách sửa chữa vấn đề, thì bạn càng có nhiều cơ hội nhận thấy chính mình ở một vị trí mà mọi thứ đang tiến triển tốt. Hãy nên giải quyết các vấn đề nhỏ đang nhú lên trong cuộc sống của bạn càng sớm và càng thường xuyên càng tốt, thay vì chờ đợi cho các vấn đề trở nên quá lớn đến mức khó lòng sửa chữa được. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi bạn chú ý và nhận ra được những gì thực sự cần phải thay đổi.

Một số tình huống buộc bạn phải đánh giá lại cuộc sống của mình. Ví dụ, một khi bạn quyết định lập gia đình, trò chơi thay đổi hoàn toàn. Bỗng nhiên bạn sẽ đối mặt với sự cần thiết phải tìm ra cách để cân bằng sự nghiệp và việc nuôi dạy con cái. Như mọi người đều biết, chăm sóc cho trẻ nhỏ cần một lượng lớn thời gian và năng lượng tập trung. Nó yêu cầu rất cao cả về thể chất lẫn tinh thần, và cực kỳ tốn thời gian. Nhu cầu của một đứa trẻ thay đổi cực kỳ nhanh chóng khi chúng lớn dần. Mỗi năm mang lại cho bạn một mớ trách nhiệm và và những thử thách hoàn toàn mới. Vì thế, việc làm cha mẹ cung cấp cho chúng ta một cơ hội luôn thay đổi để trở nên sáng tạo và giúp xây dựng các kỹ năng có giá trị rất cao trong bất cứ bối cảnh nào. Nó tập cho bạn khả năng làm nhiều việc cùng một lúc và ra quyết định dưới áp lực, và chắc chắn nó sẽ giúp bạn nắm vững nghệ thuật đàm phán.

Phụ nữ đặc biệt phải đối mặt với câu đố thực sự khó khăn về việc tìm ra cách phù hợp để cân bằng giữa sự nghiệp và các nghĩa vụ gia đình. Theo kinh nghiệm của tôi, thách thức này thật ra là một cơ hôi lớn. Thay vì nghĩ rằng những nghĩa vụ truyền thống này rất kém linh hoạt,tôi lại cho rằng làm bố mẹ buộc bạn phải sáng tạo. Ngoài ra, khi nhu cầu của con bạn thay đổi, bạn có thể thử nghiệm với công việc và các trách nhiệm khác nhau. Mặc dù rất khó để chúng ta nhận ra một cách sâu sắc, nhưng thực tế là sự nghiệp thì dài, còn con bạn chỉ nhỏ trong một vài năm; điều đó cho phép bạn đẩy mạnh sự nghiệp khi con cái lớn lên. Trích đoạn sau đây được rút ra từ một ấn bản năm 1997 của Tạp chí Stanford giới thiệu một cái nhìn sắc bén về quan điểm này:

Một sinh viên [Stanford] tốt nghiệp ngành luật vào năm 1952, và mất năm năm không đi làm kiếm tiền sau khi sinh con trai thứ hai. Cô vẫn luôn bận rộn và luôn xuất hiện trong các hoạt động tình nguyện của Phoenix Junior League và Salvation Army. Sau này, khi đứa con út đã đi học, cô mới trở lại làm việc bán thời gian tại văn phòng luật sư của tiểu bang.

Việc ở nhà với con trong những năm đó đã không cản trở sự nghiệp của cô… Cô cho biết thêm là ngày nay những sinh viên tốt nghiệp trẻ tuổi thậm chí còn làm được tốt hơn cô nữa. “Một điều đáng mừng là ngày nay phụ nữ sống lâu hơn,” cô nói. “Chúng tôi có nhiều năm hơn để làm việc và thực sự có thời gian cho một vài công việc khác nhau. Vì vậy, nếu lấy đi một vài năm thì không phải là mất tất cả.”

Người phụ nữ này hiện nay là Thẩm phán Tòa án tối cao Sandra Day O’Connor.

Theo kinh nghiệm của tôi, điều này hoàn toàn đúng. Gợi ý duy nhất của tôi là nếu bạn có ý định ngừng làm việc khi con bạn còn nhỏ, hãy tìm cách vận dụng chuyên môn của bạn dù ở mức độ thấp. Nếu bạn chưa tách khỏi công việc quá lâu thì sẽ dễ dàng hơn nhiều để quay trở lại. Bạn có thể thực hiện được điều này theo vô số cách, từ làm việc bán thời gian với các công việc truyền thống đến hoạt động tình nguyện. Nó không chỉ giữ cho kỹ năng của bạn sắc bén, mà còn cho bạn sự tự tin rằng bạn có thể tiếp tục làm việc trở lại khi đã sẵn sàng.

Hãy xem trường hợp của Karen Matthys, người có bốn con nhỏ và tham gia vào một nhóm tư vấn tiếp thị bán thời gian. Khi nào sắp xếp được thì Karen đều tham gia làm các dự án, và bàn giao chúng cho các đồng sự khi cô quá bận rộn. Hoặc như Lisa Benatar, người có ba con gái nhỏ, đã chuyển sự quan tâm của cô vào trường học của con. Lisa là một chuyên gia về năng lượng thay thế, nên cô đã tiến hành một chương trình giáo dục tại trường học tập trung vào việc dạy trẻ em về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Giải quyết câu đố cân bằng giữa công việc và nuôi dạy con cái cuối cùng đã mang đến cho tôi một quyết định về sự nghiệp tốt nhất mà tôi từng có. Tôi muốn kích thích được trí tuệ của mình mà không ảnh hưởng đến thời gian tôi dành cho con trai. Thế nên mỗi năm tôi đều đánh giá mình cần dành ra bao nhiêu thời gian cho mỗi bên để tìm cách làm những dự án cho phép tôi được linh hoạt nhất. Tôi đã bắt tay vào làm những công việc tôi có lẽ sẽ không quan tâm đế nếu tôi không có con. Tôi bắt đầu viết sách cho trẻ em, mở một trang web cho giáo viên dạy khoa học, và thậm chí dạy khoa học ở một trường tiểu học tư nhân. Về lâu dài, những kinh nghiệm này đã chứng tỏ sự hữu ích một cách đáng ngạc nhiên khi tôi trở lại làm việc toàn thời gian. Tôi đã được tín nhiệm như một nhà văn, học được cách thiết kế trang web, và có những kinh nghiệm giảng dạy rất có giá trị. Và tất cả các kỹ năng đó tôi đều sử dụng hằng ngày trong vai trò hiện tại của mình.

Khi nhìn lại, tôi ước gì mình đã biết nhiều thứ hơn về việc xây dựng một nghề nghiệp khác với những lời khuyên truyền thống mọi người đã trao cho tôi. Và quan trọng nhất là gì? Đó là sự cần thiết phải tìm ra một vai trò trên thế giới mà bạn không cảm thấy như đang làm việc. Điều này chỉ xảy ra khi bạn xác định được giao điểm giữa các kỹ năng, niềm đam mê, và thị trường. Đây không chỉ là một vị trí đáp ứng lòng mong muốn của bạn, mà bằng việc khai thác niềm đam mê của mình theo một cách mang tính xây dựng, công việc sẽ làm phong phú thêm chứ không phải lấy đi thời gian và cuộc sống. Việc tìm kiếm vai trò đúng với bạn yêu cầu thử nghiệm rất nhiều trên con đường bạn đi, kiểm tra nhiều lựa chọn thay thế khác nhau, đánh giá các thông điệp (có thể là thông điệp ngầm hoặc rõ ràng) bạn nhận được từ thế giới, và bỏ qua những thông điệp bạn thấy không phù hợp.

Trên những bước đường nghề nghiệp của mình, bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đángb khi thường xuyên đánh giá lại vị trí bạn đang đứng và nơi bạn đi. Làm như vậy cho phép bạn điều chỉnh trên từng chặng đường một theo kế hoạch hay những cơ hội tuyệt vời mới mẻ phát sinh. Đừng lo lắng vì con đường phía trước vượt ra khỏi tầm nhìn của bạn – nheo mắt nhìn sẽ không làm cho nó rõ hơn lên chút nào đâu. Điều này đúng với tất cả mọi người. Đừng đặt mình vào tình thế vội vàng phải tiến đến đích cuối cùng – những chuyến hành trình bên lề và những con đường vòng bất ngờ sẽ thường xuyên dẫn bạn đến những con người, địa điểm, và cơ hội thú vị nhất. Cuối cùng, hãy thận trọng với tất cả các tư vấn nghề nghiệp, bao gồm của tôi nữa, khi bạn đang tìm hiểu xem những gì sẽ phù hợp với bạn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.