Ngầm

Chương 07 – Part 03



Một năm qua đi, tôi cố gác mọi sự lại đằng sau phần nào. Tôi dần dần chấp nhận sự thật là anh không còn ở quanh đây nữa… Chồng tôi hay đi công tác hai ba tháng ở Mỹ cho nên ở một chừng mực nào đấy, việc anh không có ở đây có vẻ cũng bình thường. Ngay cả sau khi anh chết, tôi vẫn cứ nghĩ, “A, anh lại đi công tác xa nhà rồi.” Cả năm như thế, tựa hồ anh sẽ bất ngờ bước qua cửa và nói: “Anh về rồi đây!” Và sáng dậy thì tôi nghĩ: “Anh lại đi rồi.” Nhưng rồi lại trông thấy bức ảnh của anh trên bàn thờ. Đâu đó trong tôi vẫn không chấp nhận chuyện đã xảy ra. Tôi có vẻ sống pha giữa thực tại và hư ảo. Chẳng hạn ngay trong khi viếng mộ anh tôi lại nghĩ: “Anh sẽ về sớm thôi.” Nhưng sau một năm, đầu óc tôi nay đã tỉnh táo hơn. “Ừ, anh đã chết.”
Đó là phần khó khăn nhất. Đi dạo, thấy một người bố công kênh đứa con trên vai là điều khó chịu đựng nhất; hay nghe lỏm câu chuyện của một đôi trẻ tuổi – tôi chỉ muốn là mình không ở đó.
Tôi đã đọc những gì người ta nói về tôi trên báo nhưng họ không bao giờ viết điều thật sự quan trọng. Vì một lý do nào đó, tôi đã một lần xuất hiện trên tivi. Sau đó người ở đài truyền hình bảo tôi là có “nhiều phản ứng, nhiều thư” nhưng họ không gửi cho tôi cái gì sất. Làm gì mà tồi tàn thế chứ! [cười] Tôi không muốn lên tivi nữa. Không bao giờ nữa. Đơn giản bởi vì họ không nói sự thật. Tôi đã mong đợi một chút sự thật nhưng nhà đài đã có lịch của riêng họ về những cái họ phát sóng. Họ không bao giờ chiếu những cái tôi thật tình muốn nói.
Chẳng hạn khi luật sư Sakamoto kia mất tích, nếu cảnh sát Kanagawa cho phép điều tra sâu như lẽ ra phải thế thì sẽ không bao giờ xảy ra vụ đánh hơi độc. Tất cả các nạn nhân sẽ không sao cả 1 . Đó là điều tôi muốn nói, nhưng họ cắt hết. Tôi hỏi tại sao thì được biết nếu phát cái đó, họ sẽ bị sức ép của các nhà tài trợ quảng cáo. Báo và tạp chí cũng vậy.
Khi chúng tôi đem áo quan đi Nagano đã có những kíp làm truyền hình chờ sẵn với camera. Vậy mới biết thế nào là vô cảm!
Khi tôi về nhà ở Yokohama, mọi người đều biết chuyện tôi. Tôi đi xuống phố thì ai cũng chỉ trỏ: “Xem kìa, cô ta đấy. Vợ góa vì sarin đấy.” Lưng tôi rợn lên, tôi cảm thấy như bị ai đâm. Không chịu được nên tôi chuyển đi.
Lần đầu tiên tôi đến Văn phòng Ủy viên Công tố để dự một phiên tòa, họ có các lời khai của người đã đưa chồng tôi ra khỏi nhà ga. Họ cũng có lời chứng của các nhân viên nhà ga. Công tố viên hỏi tôi có muốn biết chồng tôi đã chết như thế nào không. “Dĩ nhiên,” tôi nói và họ đọc các lời chứng cho tôi. “Sao cơ? Ông nói là anh ấy đã bị chết một cách đớn đau đến thế ư?” tôi nghĩ. Tôi muốn những kẻ đã làm chuyện này phải nếm thứ thuốc của chính chúng. Tại sao chúng ta cứ giữ cho bọn chúng sống? Hãy trừng phạt chúng hết mức vào, càng sớm càng tốt, tôi nghĩ như vậy. Sau này tôi vẫn sẽ luôn muốn thế. Các phiên tòa xét xử chỉ làm cho tôi tức giận. Vin vào lý do nào mà giết chồng tôi chứ? Giờ khi tương lai chúng tôi đã bị hủy hoại, tôi nên làm gì với sự trống rỗng này đây?
Tôi muốn tự tay giết Asahara. Nếu được phép, tôi muốn được giết hắn từ từ, đau đớn. Còn Hayashi, tên thủ phạm đánh hơi độc đoàn tàu Hibiya, thì vẫn xổng 2 .
Tôi chỉ muốn biết sự thật. Biết sự thật thì biết sớm phút nào hay phút ấy.
Ngay cả truyền hình và đài phát thanh cũng chả nói chút gì về việc nạn nhân phải chết một cách đau đớn ra sao. Không một lời. Vụ Matsumoto còn nói một chút, nhưng đến vụ sarin thì không. Lạ lùng. Cho nên tôi chắc đa số người ta vẫn hình dung họ chỉ tự nhiên ngất đi rồi chết “bình thường”. Các bài báo cũng như vậy. Chỉ khi công tố viên đọc các lời chứng, tôi mới biết chồng tôi chết đau đớn như thế nào. Tôi muốn nhiều người hơn biết sự thật về mức độ khủng khiếp của những cái chết ấy. Nếu không tất cả sẽ thành ra vấn đề của ai đó khác.
Điều tốt lành duy nhất là Asuka. Khi cháu nói những lời đầu tiên… Một vài cử chỉ nho nhỏ, một vài món ăn cháu thích lại làm tôi nhớ đến anh. Tôi hay bảo Asuka, “Bố thích cái này.” Nếu tôi không bảo, cháu sẽ không bao giờ biết. Khi Asuka hỏi, “Bố đâu?” tôi chỉ vào bức ảnh trên ban thờ nói, “Bố, bố.” Cháu nói, “Chúc ngủ ngon” với bức ảnh trước khi đi ngủ. Điều đó khiến tôi muốn khóc.
Tôi còn giữ một vài băng video về các chuyến đi trượt tuyết, về tuần trăng mật. Có thể nghe thấy tiếng anh ấy, nên tôi định sẽ mở cho cháu khi cháu lớn hơn. Tôi quá mừng vì chúng tôi đã ghi lại các video này. Kể cả tôi cũng đã bắt đầu quên hình dáng của anh. Đầu tiên, tôi vẫn có thể cảm thấy từng chút từng chút một khuôn mặt anh nơi ngón tay mình, nhưng dần dần tất cả rồi sẽ ra đi thôi.
Thứ lỗi cho tôi… Nó là thế đấy, nếu anh không còn hiện hữu thì tất cả bắt đầu phai đi.
Tôi đang nghĩ đến việc dạy Asuka trượt tuyết. Chồng tôi luôn nói sẽ dạy con. Tôi sẽ mặc bộ đồ của chồng tôi và dạy cháu. Chồng tôi và tôi mặc cùng cỡ. Có lẽ mùa sau tôi sẽ bắt đầu. Chắc là anh muốn như vậy.
“Nó là đứa con không đòi hỏi”
Kichiro Wada (64) và Sanae Wada (60)
Bố mẹ của Eiji Wada đã chết
Kichoro và Sanae Wada sống ở Shioda-daira, nông thôn ngoại vi Ueda, không xa Suối nước nóng Bessho. Khi tôi tới nhà Wada, lá thu đang rụng, các quả đồi nhuốm màu đỏ thắm và vàng, những cây táo trong vườn nặng trĩu quả chín đỏ. Đây là một bức tranh thanh bình về quận Nagano vùng núi vào mùa thu hoạch.
Vùng này từng là trung tâm sản xuất lụa với những vạt rộng lớn trồng dâu để lấy lá nuôi tằm. Sau thế chiến II, vùng đất được chuyển sang trồng lúa, khiến ngành dệt lụa địa phương dừng lại đột ngột.
“Cách làm việc của chính phủ không có ý nghĩa gì nhiều cho một làng làm nghề nông bé như làng chúng tôi,” ông Wada nói. Ông là người ít lời – tuy nếu muốn thì ông có thể nói rất nhiều chuyện. Vợ ông, Sanae, trái lại, là kiểu “bà mẹ” hay chuyện, ân cần.
Ông bà Wada có hai mẫu rưỡi trồng lúa, rau và táo. Khi tôi về Tokyo, hai người cho tôi một ôm táo chín cây từ vườn nhà – những quả táo ngon tuyệt!
Vài năm đầu sau khi kết hôn, hai ông bà chủ yếu sống nhờ nghề trồng lúa, nhưng do tình hình ngày càng khó khăn, ông đã phải làm việc ở một nhà máy cho đủ lần hồi, chỉ trông nom đồng ruộng vào những ngày nghỉ. Khối lượng công việc gấp đôi đã làm sức khỏe ông suy sụp. Khi con trai chết trong vụ đánh hơi độc, ông hầu như không vượt qua nổi cú sốc nên đã thôi việc ở nhà máy.
Tôi hỏi ông xưa nay Eiji là người con thế nào. “Tôi chẳng đóng góp mấy vào chuyện nuôi dưỡng thằng nhỏ,” ông bảo tôi, “tốt nhất là hỏi nhà tôi.” Ông quá bận rộn, không có thì giờ trông nom đến các con, tôi cho là vậy, nhưng đồng thời tôi có ấn tượng rõ rệt rằng ông thấy chủ đề về cái chết của con trai quá đau lòng để mà đem ra nói.
“Nó là đứa không đòi hỏi gì.” Những nhận xét về điều này đã được nhắc đi nhắc lại suốt quá trình phỏng vấn. Eiji là một thanh niên mạnh mẽ, độc lập, chưa một lần làm bố mẹ phiền lòng. Chưa bao giờ, cho đến ngày thi thể anh được gửi về nhà không một lời giải thích…

° ° °

MẸ EIJI: Tôi sinh Eiji vào lúc 5 giờ 40 sáng ngày 1 tháng Tư. Tôi chỉ biết là không thể nhịn đến sáng cho nên trời vừa tang tảng tôi đã đến nhà hộ sinh. Lúc đó khoảng 4 giờ. Tôi gần như sinh ngay sau đó.
Tôi sinh không khó. Nó chỉ nặng chưa đầy hai cân rưỡi. Anh nó lúc sinh nặng những bốn cân. Eiji nhỏ con hơn nhiều. Tôi sinh thường, mất một giờ rưỡi, không cần gọi đến bác sĩ. Nhưng với thằng anh nó thì quả là vất vả gay go.
Chúng tôi chả có lựa chọn nào ngoài nuôi dê. Muốn gì thì quanh đây cũng có nhiều cỏ. Cho nên tôi vắt sữa dê và uống sữa dê để có nhiều sữa cho Eiji bú. Tôi đã nuôi Eiji lớn lên khỏe mạnh là nhờ thế. Tuy hơi gầy một chút, và không bao giờ lên cân nhiều. Nhưng chúng tôi cũng không bao giờ phải đưa nó đi bệnh viện.
Nó là một đứa không hay đòi hỏi. Chuyện gì nó cũng luôn tự làm lấy. Khi nó đến Công ty Thuốc lá Nhật Bản phỏng vấn, chúng tôi hỏi nó: “Con có muốn bố mẹ đi cùng không?” nhưng lại chỉ làm nó khó chịu: “Ai sẽ đi cùgn với con ư? Con đi một mình!” [cười] Hay khi nó sống một mình, tôi đã nói, “Hay là mẹ đến dọn dẹp nhà cho con?” thì nó nói: “Con có thể tự dọn dẹp nhà cửa lấy mà!” Mười năm qua duy chỉ ba lần tôi phải lo cho Eiji: khi nó đính hôn, khi nó cưới và khi chúng tôi đem thi thể nó về.
Anh con cả tôi trầm tính, còn Eiji thì lại ham hoạt động, hăm hở tự làm lấy hết mọi thứ. Ngay cả đến cơm nước. Cho nên nuôi nó lớn khôn với chúng tôi chẳng thành vấn đề gì. Nó tự lo được mọi sự cho bản thân.
Lúc nó vào trung học, chúng tôi bảo nó, “Sao không cố học tiếp lên đại học hả con?” Nhưng nó nói, “Con thích đồ điện nên con sẽ vào trường hướng nghiệp chứ không học cao lên nữa.” Anh em nó đã bàn với nhau. Thằng anh nói, “Nếu anh ở lại trông nom ruộng vườn của gia đình thì sẽ dễ hơn,” còn Eiji nói, “Em không trông đợi gì ở đây cho nên em sẽ ra đi tự lập.” Hai đứa nó đã quyết định như vậy với nhau.
Anh của Eiji đã thử thi vào đại học ở Tokyo nhưng nó nói không thể chịu nổi cái nơi hổ lốn điên rồ ấy được nên quay về với trường nông nghiệp đây. Eiji thì không. Nó có thể thích nghi với bất cứ đâu. Nó hòa nhập ngay vào đời sống thành phố. Sau khi tốt nghiệp chương trình điện, nó đến làm việc cho Công ty Thuốc lá Nhật Bản năm 1983. Anh rể tôi làm ở đó. Khi sắp về hưu ông ấy nói, “Sao Eiji không vào Thuốc lá Nhật Bản mà làm nhỉ?” Lúc này là vào khoảng thời gian công ty đang tin học hóa máy móc. Và khi đến phỏng vấn, Eiji đã nói: “Tôi muốn vào làm để có thể học hỏi được các hệ thống máy tính này,” nên có lẽ vì thế họ đã nhận nó vào. Ở lớp huấn luyện tại Nagaoka, nó bảo tôi, ai cũng tốt nghiệp đại học, có mỗi hai trong mười hai người ở đó là vào thẳng từ trung học.
Nó bảo ở Nagaoka tuyết dày cả mét. Cho nên nó nói món thứ hai nó muốn là học trượt tuyết. Nó cần quần áo, thiết bị, vậy tôi có thể gửi tiền cho nó được không? Gửi chứ. Thế là khi đã thật sự quen rồi thì nó trượt miết. Nó gặp Yoshiko chính là trên một dốc trượt tuyết.
Ở Nagaoka, xa nhà, nó bắt đầu cuộc sống mới một thân một mình nhưng có vẻ không thấy cô quạnh. Nó kết bạn với nhiều người, nó kiếm được tiền và được tự do vui vầy với chỗ tiền ấy.
Khi họ bảo tôi Eiji chết, nói thật là đầu óc tôi trống tênh. Đã nghe chuyện người ta bị “đầu óc trắng trơn”, nhưng lần này thì nó đã thực sự xảy đến với tôi. Chẳng biết cái gì ra cái gì nữa.
Không một ai ở nhà lúc đó. Công ty nó và cảnh sát gọi điện, nhưng tất cả đều đang ở ngoài. Trước đó tôi đã ủ tương miso, tháng Tư nào tôi cũng làm một mẻ, nhưng vì sắp phải xuống trông giúp con của Eiji, tôi đã làm sớm hơn một tháng. Tôi bận là vì thế. Vào ngày 20, thời tiết quang đãng cho nên tôi giặt giũ hết đống quần áo đã chất đầy, làm mọi thứ bà dằn. Ông nhà tôi sáng ấy phải đi xén tỉa mấy cây táo trong vườn, còn tôi thì huyết áp có lên tí chút nên tôi đi bệnh viện lấy thuốc, vì thế mà không có ai ở nhà.
Cuối cùng họ gọi được cho bà chị cả tôi, bà ấy nói, “Tôi gọi cả nghìn bận mà chả có ai ở nhà. Dì đã xem tivi chưa?” Ở bệnh viện về, tôi định đi mua ít hoa, đang là ngày Higan mà [Xuân Phân theo đạo Phật ở Nhật], nhưng trước đó tôi đã về một lát. Đúng lúc ấy thì điện thoại réo.
“Thời tiết đẹp thế này, sao có người lại đi xem tivi chứ? Trời mưa thì em xem chứ lúc này thì em đang bận quá.” Đó là lúc chị tôi nói, “Nghe này, đừng hốt hoảng. Hãy cứng rắn lên.” Và tôi ngớ ra. “Hãy cứng rắn lên! Là vì chuyện gì đây?”
Thì là thế này, “Hiện trên tivi người ta đang báo Eiji đã chết.” Chính lúc ấy đầu óc tôi bỗng hóa ra trống không. Ra là thế. Tôi không thể nhớ thêm cái gì nữa. Nó đến dữ như thế đấy. Cơn sốc đã xóa sạch mọi thứ…
Trước khi hai đứa lấy nhau một năm thì Eiji đưa Yoshiko về nhà. Đưa về vào mùa đông. Eiji chỉ về nhà hai lần một năm, dịp Obon [lễ của đạo Phật dành cho người chết vào tháng Tám ở Nhật] và cuối năm, và lần này vào mùa đông. Vì chúng tôi vừa làm xong mọi việc chuẩn bị cho mùa đông. Như tôi nhớ thì lần ấy Yoshiko không ở lại với chúng tôi mà trở về nhà cùng hôm ấy.
Từ đầu đến cuối tôi toàn nói, “Lấy một cô vợ nông thôn có phải là tốt hơn không? Như thế thì sẽ dễ về đây hơn, đây sẽ là quê hương chung của cả hai người.” Và Eiji nói, “Không, lấy gái quê sẽ chỉ phiền phức thôi. Con sẽ tìm vợ cho con, mẹ khỏi lo. Mẹ cứ để con lo lấy.”
BỐ EIJI: Với tôi thì chuyện ấy chẳng sao. Nó thích ai thì để nó chọn, cái chính là đừng có nay cô này mai cô khác. Bố hay mẹ không có quyền can thiệp vào chuyện hôn nhân của con cái. Tôi nói thế này, để chúng làm chuyện ấy cho bản thân chúng.
MẸ EIJI: Đám cưới của hai đứa làm ở nhà nguyện tại Aoyama. Lễ nhỏ thôi. “Sảnh sẽ không đủ chỗ cho hàng chục người đâu,” nó bảo chúng tôi, cho nên chỉ những quan hệ thân thiết mới dự. Nhưng khi tôi nói, “Ta sẽ phải tổ chức một lễ nữa khi con đưa vợ về quê”, thì nó bảo, “Con là con thứ. Anh con là người nối dõi tông đường. Còn con, ai biết cuối cùng liệu có về đây hay không cơ chứ, cho nên không cần làm cái gì đặc biệt cho con đâu.”
Chúng tôi nghe tin Yoshiko có thai khi Năm Mới hai đứa nó về thăm. Tôi đã phần nào cảm thấy điều đó khi chúng lên đây vào tháng Tám. Lúc ấy sắc má Yoshiko nom không tốt lắm, và tôi thầm nghĩ, đúng, có lẽ là thế cũng nên. Cho nên tôi hỏi, thì Yoshiko nói, “Chắc là thế ạ.”
BỐ EIJI: Ngày 20 tháng Ba, như vợ tôi nói lúc nãy, tôi ra ngoài tỉa xén vườn cây táo ngoài đồng. Ở đó từ sáng. Phải làm xong trước khi hết tháng Ba. Chúng tôi có bốn chục cây táo cả thảy.
Con cả của chúng tôi sống với chúng tôi nhưng ở một gian khác. Ăn uống và mọi thứ đều riêng. Nó ở với vợ con nó cho nên điện thoại chúng tôi có réo thì ở bên ấy cũng không nghe thấy được. Với lại đằng nào thì vợ nó cũng đang thai nghén và đang đến bệnh viện sản khoa lấy thuốc.
Nhưng thật là tình cờ khi nó đang nghe đài phát thanh thì cái tên “Eiji Wada” chợt cất lên. Thế là nó chạy như bay đến chỗ chúng tôi. Nó gọi điện thoại trước, gọi mãi nhưng không ai thưa cho nên nó nghĩ chúng tôi đang ở ngoài đồng. Nhưng trước cả nó, vợ tôi đã về nhà và nhận được cú điện thoại của bà chị.
Cảnh sát cũng báo tin. Sở cảnh sát gọi cho đồn cảnh sát sở tại, bảo đi thẳng ra ngoài tìm chúng tôi, chuyện xảy ra là như vậy. Và chính lúc vợ tôi đang nói chuyện điện thoại thì xe cảnh sát đến.
MẸ EIJI: Tôi không muốn bố Eiji biết tin đột ngột rồi ngất ở ngoài đồng nên chúng tôi ra vườn táo bảo ông ấy, “Lại đây một tí.” Bốn chúng tôi đi Tokyo. Bố Eiji, tôi, anh con cả và anh rể tôi, ông là người đã khuyến khích Eiji vào làm ở Thuốc lá Nhật Bản. Chúng tôi bắt chuyến tàu 2 giờ từ Ueda và đến ga Ueno vào khoảng 5 giờ. Bên ngoài trời còn sáng. Một ai đó ở Thuốc lá Nhật Bản đến gặp chúng tôi và đưa chúng tôi đến Trụ sở Cảnh sát Trung ương bằng taxi. Trên đường đi không ai hé một lời. Im lặng chết choc. Chúng tôi cứ im lặng trên xe và khi được bảo thì bước ra ngoài.
Nhưng lúc ấy thi thể không còn ở chỗ cảnh sát nữa. Nó đã được đưa đến Khoa Pháp lý Đại học Tokyo. Thế là cuối cùng chúng tôi vẫn không nhìn thấy được Eiji của chúng tôi hôm ấy. Và người ta đã đưa chúng tôi đến ở nhà khách của Thuốc lá Nhật Bản. Đêm ấy tôi không ngủ được. Sáng hôm sau, 9 giờ, tất cả chúng tôi tới Bệnh viện Đại học Tokyo và cuối cùng thì cũng được nhìn thấy nó. Không nghĩ ngợi, tôi sờ vào Eiji thế là người ta hét lên với tôi.
Nào có ai bảo tôi là không được đụng vào nó cơ chứ. Hình như Yoshiko cũng có chạm vào nó và bị họ quát. Nhưng với một người


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.