Ngầm

Chương 08 – Part 02



Cách kể chuyện mà Aum, mà phe “bọn chúng” đưa ra là như thế đó. Ngu xuẩn, bạn có thể nói như vậy. Và chắc chắn là như thế. Phần lớn chúng ta cười giễu cái kịch bản kỳ quặc, ngớ ngẩn mà Asahara cung cấp. Chúng ta cười hắn vì hắn đã pha chế nên “cái thứ hoàn toàn nhảm nhí”, chúng ta chế nhạo những tín đồ đã có thể để “cái trò điên rồ” kia lôi cuốn. Chê cười để lại một dư vị chua chát trong miệng chúng ta, nhưng dẫu sao chúng ta vẫn cứ cười giòn. Điều này cũng dễ hiểu thôi mà.
Nhưng chúng ta có thể đưa cho “bọn chúng” một cách kể chuyện khả dĩ hơn được không? Chúng ta có một cách kể chuyện đủ sức xua đuổi “cái thứ hoàn toàn nhảm nhí” của Asahara đi không?
Đó là một nhiệm vụ lớn. Tôi là một nhà tiểu thuyết và như tất cả chúng ta biết, nhà tiểu thuyết là người làm việc với “cách kể chuyện”, là người thêu dệt nên “những câu chuyện”. Với tôi điều đó cũng có nghĩa rằng nhiệm vụ sắp tới giống như có một thanh kiếm khổng lồ lơ lửng trên đầu. Nó là một việc tôi sẽ phải xử lý nghiêm túc hơn gấp bội từ nay trở đi. Tôi biết tôi sẽ phải xây dựng một “thiết bị truyền thông vũ trụ” của riêng tôi. Để làm được nó chắc tôi sẽ phải gá ghép lại từng miếng đồ bỏ đi, từng nhược điểm, từng thiếu sót trong tôi. (Tôi đã làm như thế ở đây và đã nói ra – nhưng điều ngạc nhiên thật sự là, chính đó là việc mà với tư cách nhà văn, suốt bấy lâu nay tôi vẫn cố làm!)
Vậy còn bạn thì sao đây? (Tôi dùng ngôi thứ hai nhưng dĩ nhiên gồm có cả tôi.)
Chẳng lẽ bạn lại chưa từng dâng hiến một phần của Bản thân cho một ai đó (hoặc một cái gì đó) để đổi lại một “cách kể chuyện”? Chẳng lẽ chúng ta lại chưa từng trao phó phần nào con người chúng ta cho một Hệ thống hoặc Trật tự to lớn hơn nào sao? Và nếu thế thì ở một giai đoạn nào đó, chẳng lẽ cái Hệ thống ấy lại chưa từng đòi hỏi ở chúng ta một vài kiểu “loạn trí”? Cái cách kể chuyện mà hiện bạn sở hữu có thật sự và đúng là của chính bạn không? Các giấc mơ của bạn có thật sự là giấc mơ của chính bạn không? Phải chăng nó chỉ là cái nhìn của một ai đó và rồi sớm muộn sẽ hóa thành ác mộng?
4 Ký ức
>Sau vụ hơi độc chín tháng, tôi bắt đầu nghiên cứu tư liệu cho cuốn sách này và viết nó trong một năm tiếp theo.
Một “khoảng thời gian làm nguội” nhất định đã trôi qua khi tôi bắt đầu thu thập các lời kể. Nhưng vụ việc đã có ảnh hưởng lớn đến nỗi ký ức về nó vẫn cứ tươi mới. Trước đó nhiều người được phỏng vấn đã nói đi nói lại với những người xung quanh về những gì họ đã trải qua. Nhiều người khác không bao giờ công nhận với ai một số chi tiết về vụ tấn công ấy, cho dù thế đi nữa thì chắc chắn họ cũng đã nhắc đi nhắc lại trong đầu mình từng diễn biến một và nhờ thế hiện hữu hóa chúng. Trong phần lớn trường hợp, các miêu tả cực kỳ chân thực và rất giàu hình tượng.
Nhưng nói cho ngặt, dẫu sao tất cả chúng cũng chỉ là ký ức.
Như một nhà phân tâm học đã định nghĩa: “Ký ức của con người không là cái gì khác ngoài sự diễn giải của cá nhân về các sự việc.” Đưa một trải nghiệm qua bộ máy trí nhớ đôi khi có thể tái tạo nó thành một thứ dễ hiểu hơn: những phần không thể chấp nhận đã được loại bỏ, “trước” và “sau” đảo chỗ, những chi tiết không rõ ràng được tinh lọc; ký ức của một người được trộn lẫn với ký ức của người khác, thường xuyên thay thế lẫn nhau khi cần thiết. Tất cả những việc này diễn ra hoàn toàn tự nhiên, vô thức.
Nói đơn giản thì các ký ức về những trải nghiệm của chúng ta đã được biểu hiện ra thành cái gì đó giống như hình thức kể chuyện. Ở mức độ nào đó, đây là cách vận hành tự nhiên của trí nhớ – một quá trình mà các nhà tiểu thuyết sử dụng có ý thức như một nghề nghiệp. Sự thật trong “bất cứ cái gì được nói ra” sẽ khác, dù chỉ chút ít, với điều từng thật sự xảy ra. Tuy thế, điều này cũng không làm cho nó hóa thành dối trá, nó vẫn là sự thật mười mươi, chỉ có điều dưới một hình thức khác.
Trong tiến trình phỏng vấn, tôi gắng giữ lập trường cơ bản là câu chuyện của mỗi người đều đúng ở trong bối cảnh của nó, và tôi vẫn còn tin như thế. Kết quả là các câu chuyện mà những người cùng có mặt trong một khung cảnh kể lại có khác nhau ở các chi tiết nhỏ, nhưng trong quyển sách này chúng vẫn được ghi lại nguyên vẹn, cũng có các điểm mâu thuẫn ấy. Vì với tôi, có lẽ bản thân các điểm trái ngược và không thống nhất này cũng nói lên được một điều gì đó. Đôi khi trong cái thế giới đa diện này của chúng ta, sự thiếu nhất quán lại thuyết phục hơn sự nhất quán trước sau như một.
5 Tôi làm được gì?
Nói tóm lại, tôi quyết định viết quyển sách này vì tôi luôn muốn hiểu Nhật Bản sâu sắc hơn. Tôi hiện đang sống ở nước ngoài, xa đất nước một thời gian dài – bảy tám năm – hết châu Âu lại Mỹ. Tôi rời Nhật từ khi viết xong Hard-boiled Wonderland and the End of the Word [Tạm dịch: Xứ Thần tiên Vô tình và Nơi tận cùng thế giới] 4 , và ngoài các bận thăm viếng ngắn ngủi, tôi không trở lại cho đến khi hoàn thành Biên niên ký chim vặn dây cót. Tôi coi đó là một thời kỳ tự lưu đày.
Tôi ngạc nhiên thấy phải đến hai năm cuối “lưu đày”, tôi mới phát hiện ra những gì mình khẩn thiết muốn biết về “cái đất nước có tên là Nhật Bản!” Quãng thời gian ở nước ngoài lang thang đây đó, cố chấp nhận mình, nó đang đi đến hồi kết – hoặc tôi dần nhận thấy thế. Tôi có thể cảm thấy ở trong mình có thay đổi, đang diễn ra một sự “đánh giá lại” các giá trị của bản thân. Tôi không còn trẻ nữa, nhìn cũng thấy nói như vậy đã là nói giảm nói tránh rồi. Vì vậy, tôi chợt nhận ra mình đang đi vào hàng ngũ của cái thế hệ mang một “nghĩa vụ bất dịch” với xã hội Nhật Bản.
“Đã đến lúc mình phải quay đầu về Nhật,” tôi nghĩ. Trở về và làm một công việc vững chắc, một cái gì đó không phải là tiểu thuyết, để dò tìm sâu vào ruột gan đất nước vốn từ lâu đã thành xa lạ với tôi. Nhờ thế tôi có thể sáng chế lại cho bản thân một thái đội mới, một điểm nhìn mới.
Vậy bây giờ làm thế nào để hiểu nước Nhật hơn đây?
Tôi đã có một ý khá hay về điều mình đang kiếm tìm. Mấu chốt là sau khi dọn dẹp sạch sẽ các tài khoản cảm xúc của mình, tôi cần phải biết nhiều hơn nữa về nước Nhật với tư cách một xã hội. Tôi phải tìm hiểu nhiều hơn nữa về nước Nhật với tư cách một “hình thái ý thức.” Chúng ta là ai với tư cách một dân tộc? Chúng ta đang đi đâu?
Nhưng tôi cần cụ thể làm gì? Tôi không rõ. Năm cuối cùng sống ở nước ngoài, tôi đang mơ mơ hồ hồ thì hai tai họa lớn giáng xuống đầu nước Nhật: trận động đất ở Kobe và vụ đánh hơi độc ở Tokyo.
Cuối cùng, nghiên cứu mở rộng của tôi hướng vào vụ hơi độc Tokyo trên thực tế đã biến thành một bài tập có tính quyết định trong việc “tìm hiểu Nhật Bản sâu hơn.” Tôi đã gặp rất nhiều người Nhật, nghe các câu chuyện của họ, và kết quả là tôi đã có thể trông thấy người Nhật là thế nào khi phải đương đầu với một cú sốc nhằm vào cả hệ thống xã hội như vụ đánh hơi độc. Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận là đã có tiêm vào nó một mức độ cái tôi tác giả. Ở một nghĩa nào đó, tôi đã dùng bài tập này làm “cỗ xe thuận lợi” cho các mục đích của bản thân. Sẽ là đạo đức giả nếu không thừa nhận điều này.
Tuy vậy, trong quá trình phỏng vấn, một vài phương diện của cái tôi cá nhân của tôi đã bị tế nhị chối từ. Mặt đối mặt với các nạn nhân, nghe quá nhiều các lời kể trực tiếp, nguyên thô, tôi đã phải tĩnh trí lại. Đây không phải là một đề tài cho bạn đùa. Các điều toát ra ở đây còn sâu sắc hơn, chứa nhiều ý nghĩa hơn bất cứ thứ gì tôi có thể tưởng tượng. Biết mình đã hoàn toàn vô tâm như thế nào trước vụ đánh hơi độc thật là đáng xấu hổ.
Với tôi, ở tư cách một nhà tiểu thuyết, nghe tất cả các “cách kể chuyện” của những người này – kể từ phía “chúng ta”, lẽ dĩ nhiên – có một sức mạnh hàn gắn nào đó.
Cuối cùng, tôi ngừng mọi phán xét. “Đúng” hay “sai,” “tỉnh táo” hay “bệnh hoạn”, “có trách nhiệm” hay “vô trách nhiệm”, những câu hỏi này không quan trọng nữa. Ít ra thì phán xét cuối cùng cũng không đến phần tôi định đoạt, nghĩ thế làm mọi sự được dễ dàng hơn. Tôi có thể thoải mái mà đơn giản là thu thập nguyên văn lời kể của mọi người. Tôi trở thành không phải “con ruồi trên tường” mà là con nhện hút lấy khối lượng chữ nghĩa này, để sau đấy đập nát chúng ra trong mình rồi thêu dệt chúng thành một “cách kể chuyện” khác.
Đặc biệt sau khi phỏng vấn gia đình anh Eiji Wada – người đã chết ở ga Kodemmacho – và cô “Shizuko Akashi” – người bị mất cả trí nhớ lẫn khả năng nói và hiện vẫn đang điều trị ở bệnh viện – tôi đã nghiêm túc suy xét lại giá trị cách viết của chính mình. Như việc tôi phải chọn chữ nghĩa ra sao để có thể truyền đạt cho người đọc một cách sống động các cảm xúc đa dạng (sợ hãi, thất vọng, cô đơn, giận dữ, ù lì, lạc lõng, hoang mang, hy vọng…) mà những nạn nhân đã trải qua.
Tôi cũng khá chắc rằng mình đã vô hình làm tổn thương một vài người trong các lần phỏng vấn, hoặc do thiếu tế nhị hoặc vô tâm hoặc đơn thuần chỉ do một vài thói tật trong cá tính tôi. Tôi chưa bao giờ là người giỏi nói chuyện và đôi khi tôi còn trình bày ý mình không rõ ràng. Tôi muốn mượn dịp này để chân thành xin lỗi tất cả những ai mà tôi đã chẳng may làm tổn thương.
Tôi, một kẻ có thể đi bất cứ khi nào mình muốn, từ “khu vực an toàn” đến với họ. Nếu họ bảo tôi, “Ông không tài nào biết được thật đúng điều mà chúng tôi cảm nhận thấy đâu” thì tôi cũng phải chịu thôi. Kết thúc câu chuyện.
6 Bạo lực Tràn ngập
Trận động đất ở Kobe và vụ đánh hơi độc ở Tokyo tháng Giêng và tháng Ba năm 1995 là hai thảm kịch trầm trọng nhất trong lịch sử hậu chiến Nhật Bản. Không hề cường điệu nếu nói “trước” và “sau” hai sự kiện này trong ý thức Nhật đã có một thay đổi trông thấy rõ. Cặp tai họa song sinh này sẽ còn nằm lưu cữu ở trong tâm linh chúng ta như hai tấm bia mộ trong đời sống của chúng ta với tư cách là một dân tộc.
Hai sự kiện có tính thảm họa nối tiếp nhau nhanh đến thế là điều tình cờ và cũng là điều đáng kinh ngạc. Nhưng đến vào lúc “Bong bóng kinh tế” Nhật vỡ, đánh dấu sự kết thúc của những năm tháng thừa thãi ê hề, chúng báo hiệu đã bắt đầu một thời kỳ truy vấn có tính phê phán vào tận gốc rễ nhà nước Nhật. Tựa hồ các sự kiện này đã mai phục để chờ đánh úp chúng ta vậy.
Chỗ giống nhau của cả hai vụ là yếu tố bạo lực tràn ngập: một đằng là thiên tai không thể tránh khỏi, một đằng là nhân tai có thể tránh. Có thể là một so sánh khập khiễng, nhưng với những người bị tác động nhất ở cả hai vụ thì sự đau đớn đã giống nhau đến phát sợ. Nguồn gốc và bản chất của bạo lực có thể khác nhau, nhưng cú sốc mà cả hai vụ gây ra đều tàn phá như nhau. Đó là ấn tượng tôi thu được qua chuyện trò với những người sống sót sau vụ đánh hơi độc.
Nhiều người trong số họ nhấn mạnh “căm thù bọn lưu manh Aum kia” ghê gớm như thế nào nhưng họ nhận thấy mình bị tước đoạt bất kỳ cửa xả nào cho “mối căm thù ghê gớm ấy”. Họ có thể đi đâu? Quẹo rẽ ở đâu? Sự bối rối của họ càng thêm tồi tệ bởi không ai có thể chỉ ra cho họ nguồn gốc của bạo lực. Ở nghĩa này – không có chỗ để hướng sự giận dữ và căm thù của họ vào – thì vụ đánh hơi độc và trận động đất đã có một sự tương đồng đáng kinh ngạc về hình thức.
Ở một vài khía cạnh, hai vụ này có thể ví với đằng trước và đằng sau của một vụ khổng lồ. Cả hai đều là vụ nổ kinh hoàng như ác mộng ở dưới chân chúng ta – từ dưới ngầm – khiến cho các mâu thuẫn, điểm yếu bị khuất lấp của xã hội chúng ta hiện lên rõ ràng như những hình phóng chạm nổi đáng sợ. Xã hội Nhật quả thật đã vô phương tự vệ trước những cuộc tấn công dữ dội này. Chúng ta bất lực, không thấy trước được chúng sẽ đến và không kịp chuẩn bị. Ứng phó với chúng, chúng ta không hiện hữu nốt. Rất rõ ràng là phe “chúng ta” đã thua.
Tức là cách kể chuyện mà phần lớn người Nhật có (hay tưởng tượng mình là một phần của nó) đã tan tành: không có cái gì trong “giá trị chung” tỏ ra hữu hiệu, dù chỉ chút ít, trong việc canh giữ và đẩy ra xa cái sức mạnh bạo lực ma quỷ không cho nó phát nổ dưới chân chúng ta.
Cứ cho là tình trạng khẩn cấp bất chợt xảy ra ở quy mô như thế nhất định sẽ sinh ra một mức độ hoang mang và sơ suất mới. Như các lời khai cho thấy, ở mọi cấp xã hội – trong Cơ quan Quản lý Tàu điện ngầm, sở chữa cháy, cảnh sát, các cơ sở y tế khác nhau – tất cả mọi người đều đã hành động theo phán đoán sai lầm và đều ít nhiều rối loạn.
Tuy nhiên, tôi không có ý chỉ tay bảo ban hay lên lớp bất cứ ai về các sai lầm cá nhân. Vào thời điểm đã muộn này, tôi không nói, “Chuyện đó không thể tránh được,” cũng không gợi ý rằng mỗi một sai lầm đều cần phải được sửa chữa hết. Đúng hơn, điều tôi hy vọng sẽ thấm sâu vào lòng mọi người là sự thừa nhận rằng hệ thống quản lý khủng hoảng của Nhật là thiếu ổn định và cực kỳ không đầy đủ. Các sai lầm về phán đoán tại hiện trường là kết quả của các lỗ hổng đang tồn tại trong hệ thống.
Còn nguy hiểm hơn nếu không hay biết gì rằng điều thật sự đã xảy ra lại chính là kết quả của những yếu kém kia, bởi lẽ thông tin này được coi là mật. Các thiết chế của Nhật vẫn là các nhóm điều hành tầng này lớp kia chồng xếp lên nhau, cực kỳ nhạy cảm với bất cứ sự “mất mặt” công khai nào, không muốn phô bày thất bại ra với “người ngoài”. Những nỗ lực điều tra chuyện đã xảy ra đều bị hạn chế nghiêm ngặt bằng mọi lý do mờ mịt vốn quen được chấp nhận: “Cái này đã được tòa xét xử…” hay “Đấy là việc của chính phủ…”
Rồi lại có những người được phỏng vấn mà dè dặt đến kỳ cục: “Bản thân tôi muốn cộng tác nhưng những người ở trên gác họ không hăng hái lắm…” Rất giống như là cảm thấy nếu tiết lộ quá nhiều thì một ai đó sẽ phải hứng lấy trách nhiệm vậy. Điển hình ở Nhật, lệnh im lặng không bao giờ là một lệnh trực tiếp, đúng hơn đó là một kiểu khẽ bấm nút từ trên: “Dù sao thì chuyện cũng đã xong và đã được giải quyết. Tốt nhất là không bắt buộc thì không nên nói nhiều…”
Trong khi chuẩn bị viết tiểu thuyết mới đây của tôi, Biên niên ký chim vặn dây cót, tôi đã nghiên cứu sâu vào vụ gọi là Sự kiện Nomonhan năm 1939, một vụ tập kích ác liệt của quân đội Nhật vào Mông Cổ. Càng đào vào các ghi chép tôi càng kinh ngạc về tính liều lĩnh, sự mất trí hoàn toàn của hệ thống chỉ huy của Quân đội Thiên hoàng Nhật. Trong suốt tiến trình lịch sử, làm sao tấn thảm kịch vô nghĩa này đã lại được cố tình lờ đi một cách vô đạo đức đến vậy? Nghiên cứu vụ hơi độc Tokyo, tôi lại kinh ngạc bởi cái cách bưng bít, lảng tránh trách nhiệm của xã hội Nhật, thật tình nó không khác chút nào hết với các cách Quân đội Thiên hoàng Nhật đã làm hồi xưa.
Về bản chất, người lính bộ Nhật với khẩu súng trong tay là người gặp rủi ro nhiều nhất, chịu đựng nhiều nhất, đối diện với những nỗi kinh hoàng tồi tệ nhất và cuối cùng được bù đắp ít nhất, trong khi các sĩ quan và tình báo đằng sau chiến tuyến lại không phải gánh một chút trách nhiệm nào. Họ nấp sau những tấm mặt nạ, từ chối thừa nhận thất bại, sơn phủ lên những thất bại của mình bằng những thuật ngữ đao to búa lớn và các cách tu từ. Vì nếu sự đê tiện rành rành như thế ở mặt trận mà phơi bày ra thì họ, những người chỉ huy, sẽ bị cách chức và trừng phạt. Thường thì, điều này có nghĩa là hara-kiri [mổ bụng tự sát]. Thế là sự thật về câu chuyện liền được coi là “bí mật quân sự” trên danh nghĩa, niêm phong kín không cho dân chúng nhìn vào.
Theo cách đó, vô vàn binh lính đã bị hy sinh cho một chiến lược điên rồ trong một trận quyết tử cay đắng trên chiến tuyến (tệ hại hơn bất cứ ai trông đợi). Ngay cả sau đó đã hơn năm chục năm, tôi vẫn còn sốc khi biết rằng người Nhật đã lao vào một trận đánh rành rành là ngu xuẩn như thế. Nhưng tại nước Nhật hiện nay đây, chúng ta đang lặp lại câu chuyện tương tự đó. Cơn ác mộng lại tiếp tục.
Cuối cùng, các lý do cho thất bại của chúng ta ở Nomonhan không bao giờ được Bộ chỉ huy tối cao Quân đội phân tích thích đáng (ngoài vài nghiên cứu khá vội vã), nên ta tuyệt đối chẳng học được gì. Không có bài học nào được truyền lại, và với sự thay thế một vài nhân vật ở Đội quân Quan Đông, mọi thông tin về cuộc chiến ở cái mặt trận xa xôi ấy đã được gói kín bưng một cách hiệu quả. Hai năm sau, Nhật bước vào Thế chiến II, và sự điên rồ và thảm kịch y như từng xảy ra ở Nomonhan lại được lặp lại trên một quy mô khổng lồ.
7 Dưới ngầm
Một động cơ cá nhân khác nữa cho mối quan tâm của tôi đến vụ đánh hơi độc Tokyo là nó diễn ra ngầm dưới đất. Những thế giới ngầm dưới đất – giếng, hào chui, hang, hốc, sông và suối ngầm, ngõ ngách tăm tối, tàu điện ngầm – luôn mê hoặc tôi và là các mô típ quan trọng trong tiểu thuyết của tôi. Hình ảnh ấy, chỉ là một ý tưởng về một lối đi bí mật, cũng đủ lập tức khiến đầu tôi ngập tràn các câu chuyện…
Bối cảnh dưới ngầm đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong tiểu thuyết của tôi: Xứ Thần tiên Vô tình và Nơi tận cùng thế giới và Biên niên ký chim vặn dây cót. Các nhân vật đi vào Thế giới Bên dưới tìm kiếm điều gì đó và ở dưới đó các cuộc phiêu lưu khác nhau đã mở ra. Dĩ nhiên họ đi xuống dưới ngầm theo cả hai nghĩa thể chất lẫn tinh thần. Trong Xứ Thần tiên Vô tình, một chủng người hư cấu tên là INKling sống ở bên dưới chúng ta đã từ thời nào không ai nhớ nổi. Những tạo vật khủng khiếp, không có mắt và sống bằng thịt thối rữa. Họ đã đào ngầm một mạng đường hầm rộng lớn nối các “ổ” của họ ở bên dưới Tokyo. Nhưng người thường thậm chí còn chưa từng nghi là họ có hiện diện. Nhân vật chính vì một lý do nào đó đã xuống cái quang cảnh bí ẩn dưới ngầm đó, gặp những dấu vết ghê rợn cho thấy tình trạng người INKling sống nhung nhúc ở dưới đó, tìm được đường đi qua những khoảng tối thẫm dưới lòng đất rồi trở lên bình an vô sự ở ga Aoyama Itchome trên tuyến Ginza.
Sau khi viết tiểu thuyết này, đã có lần đi trên tàu điện ngầm Tokyo, tôi huyền hoặc nghĩ mình đã thấy người INKling “ở ngoài kia” trong bóng tối. Tôi tưởng tượng họ đang lăn một tảng đá vào đường xe chạy, cắt đứt nguồn điện, phá vỡ cửa sổ, tràn lên chiếm các toa, xé tơi chúng ta ra bằng những chiếc răng sắc như dao cạo.
Một tưởng tượng trẻ con, đúng thế. Nhưng dù thích hay không thì khi tin vụ đánh hơi độc ở Tokyo đến với tôi, tôi phải thú nhận là đám INKling kia đã hiện ra trong đầu mình: những bộ mặt tối tăm lửng lơ chờ sẵn ở ngay bên ngoài cửa sổ toa. Nếu tôi thả lỏng kiềm chế, mặc cho mình tiến đến một chứng hoang tưởng rất riêng tư, tôi có thể đã tưởng tượng ra mối dây liên hệ nhân quả giữa các tạo vật ma quái mà tôi sáng tạo ra với đám chân tay bí ẩn đang rình rập vồ mồi là những hành khách đi tàu điện ngầm kia. Mối liên hệ ấy, dù tưởng tượng hay thật, đã cho tôi thêm một lý do khá là cá nhân nữa để viết quyển sách này.
Tôi không có ý dựng những người theo giáo phái Aum thành những quái vật bước thẳng ra từ các trang sách của H.P.Lovecraft 5 . Chuyện tôi cho người INKling xuất hiện trong Xứ Thần tiên Vô tình chắc chắn là nói lên được nhiều hơn những mối sợ nguyên sơ nằm ẩn ở trong tôi. Dù có nguồn gốc từ đầu óc tôi hay từ sự vô thức tập thể, chúng là một hiện diện mang tính biểu tượng hay nếu không thì cũng tiêu biểu cho mối nguy hiểm thuần túy và giản đơn. Không bao giờ bị tách ra khỏi bóng tôi, luôn luôn ở ngay bên ngoài tầm nhìn của chúng ta. Nhưng có những lúc mà ngay cả chúng ta, những đứa con của ánh nắng, cũng có thể tìm thấy sự dễ chịu trong vòng tay an ủi dịu dàng của bóng tối. Chúng ta cần màn đêm che chở. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta cũng sẽ không mạo hiểm đi xa hơn, mở toang cái cửa khóa kín dẫn xuống những góc tối sâu thẳm nhất. Vì sau cánh cửa đó sẽ trải ra câu chuyện tăm tối không thể xuyên qua của thế giới INKling.
Vậy nên, trong bối cảnh cách kể chuyện của chính tôi đây, năm “đặc vụ” Aum, những kẻ chọc thủng các bọc sarin bằng đầu dù mài nhọn, chính là đã phóng tay thả tung đi đàn INKling ở bên dưới các con phố Tokyo. Chỉ cần nghĩ thế thôi là lòng tôi đã tràn ngập kinh sợ, cho dù ý nghĩa đó có quá đơn giản đi nữa. Nhưng tôi cần phải nói to điều này lên: lẽ ra chúng không được phép làm cái việc mà chúng đã làm. Bất kể vì lý do gì.
——————————–
1 Theodore John Kaczynski (sinh 22/05/1942), còn có biệt danh “The Unabomber” (Kẻ Đánh Bom) từng là một nhà toán học và phê bình xã hội, tốt nghiệp Đại học Havard, lấy bằng Tiến sĩ Toán ở đại học Michigan, làm giáo sư trợ giảng tại đại học California ở tuổi 25 trước khi trở thành thủ phạm của 16 vụ đánh bom thư ở Mỹ từ năm 1978 đến 1995. [BT] 2 Tài liệu này có tên Industrial Society and Its Future (Xã hội Công nghiệp và Tương lai của nó), được biết đến rộng rãi hơn với cái tên Tuyên ngôn Kẻ Đánh Bom do một người tên là “FC” gửi đến cho hai tờ The New York Time và The Washington Post vào tháng 4/1995; FBI nhận diện “FC” chính là Kẻ Đánh Bom, có dính líu tới ba vụ giết người và mười sáu vụ đánh bom khác. Tác giả dọa gửi bom đến một nơi không nêu rõ “với ý định giết người” trừ phi một trong hai tờ báo đăng bản thảo đó lên. Chưởng lý và giám đốc FBI đề nghị cho đăng và đến tháng 9/1995, nó xuất hiện ở một phụ bản đặc biệt trên cả hai tờ báo. Việc này đã dẫn David Kaczynski rút ra điểm tương đồng giữa Kẻ Đánh Bom và Theodore Kaczynski, người anh lập dị của ông. Theodore bị bắt hồi tháng 4/1995 rồi bị kết án tù chung thân năm 1998. [ND] 3 Viết tắt của “Extraterrestrial”: Người ngoài Hành tinh. E.T.: The Extra-terrestrial đồng thời là một bộ phim khoa học giả tưởng sản xuất năm 1982 do Steven Spielberg đạo diễn. [BT] 4 Tiếng Nhật: Sekai no awari to Hādoboirudo Wāndarando là tiểu thuyết xuất bản năm 1985 của Murakami. [BT] 5 Howard Phillips Lovecraft (1890-1937): nhà văn Mỹ chuyên viết tiểu thuyết khoa học, kinh dị và kỳ ảo. Ý tưởng chính chủ yếu trong các tác phẩm của ông là đầu óc con người không thể hiểu nổi cuộc sống và vũ trụ về cơ bản là xa lạ. [BT]


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.