Ngầm

Lời cuối(1)



Khi làm quyển sách này tôi đã dự mấy phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ đánh hơi độc ở Tokyo. Tôi muốn nhìn tận mắt, nghe tận tai những người này, cốt để hiểu được họ là thế nào. Tôi cũng muốn biết bây giờ họ đang nghĩ gì. Cái tôi tìm thấy ở đó là một cảnh tượng buồn, u ám, vô vọng. Tòa như một gian phòng không cửa ra. Chắc ban đầu cũng có một lối ra nhưng nay thì nó đã thành một gian phòng ác mộng không nẻo thoát.

Phần lớn bị cáo đã đánh mất hoàn toàn sự tín nhiệm Shoko Asahara 2 với tư cách là sư phụ của họ. Giáo chủ mà họ tôn thờ té ra là một gã tiên tri giả mạo không hơn không kém, và nay họ hiểu mình đã bị các dục vọng rồ loạn của hắn điều khiển như thế nào. Các thực tế rằng vì làm theo lệnh của hắn mà họ đi đến chỗ gây tội ác chống lại loài người đã buộc họ phải tự vấn lương tâm để rồi hối tiếc sâu sắc về hành động của mình. Nay phần lớn họ nói đến cựu Giáo chủ đơn giản là Asahara, vứt đi mọi danh hiệu tôn vinh. Thỉnh thoảng còn thoáng mang hơi hướm lăng mạ. Tôi không thể tin rằng ngay từ ban đầu những người này đã chủ động dính vào một hành vi vô nghĩa, kinh hoàng như thế. Nhưng mặt khác, tại một thời điểm nào đó trong đời, họ đã lìa bỏ thế giới để tìm lấy ở Aum Shinrikyo một thế giới không tưởng về mặt tâm linh, một việc mà họ không hề ăn năn hay hối tiếc.
Điều này thể hiện khá rõ khi họ được tòa yêu cầu làm rõ các chi tiết của học thuyết Aum, lúc ấy họ rất hay nói đại khái như, “Vâng, người bình thường thì thấy cái này khó hiểu nhưng…” Họ vẫn tin mình ở một cấp độ tâm linh cao hơn “người bình thường” và có cảm giác tựa như họ được đặc cách lựa chọn. Tuy họ không nói ra nhiều lắm, tôi vẫn nhận ra trong lời lẽ của họ một thông điệp cùng chung luận điệu: “Chúng tôi cực kỳ ân hận về những tội ác chúng tôi đã gây ra. Chúng tôi đã phạm sai lầm. Nhưng người cần chê trách là Shoko Asahara, kẻ đã lừa chúng tôi thừa hành lệnh của ông ta. Giá như ông ta không quá sa đà, chúng tôi có thể theo đuổi yên ổn và đúng đắn các mục tiêu tôn giáo của chúng tôi mà chẳng phiền đến ai.” Nói cách khác: “Kết quả thật tồi tệ và chúng tôi lấy làm tiếc cho chuyện đó. Tuy nhiên, các mục tiêu cơ bản của Aum Shinrikyo không gợn tì vết, và chúng tôi tuyệt nhiên không cảm thấy có nhu cầu phải lập tức cự tuyệt chúng.”
Tôi tìm thấy niềm tin không lung lay vào “tính đúng đắn của các mục tiêu” này không chỉ ở những người theo Aum tôi phỏng vấn, mà còn ở cả những người đã bỏ Aum và bây giờ công khai phê phán tổ chức này. Tôi hỏi tất cả họ cùng một câu như nhau, đó là: anh/chị có thấy hối hận khi gia nhập Aum không? Hầu như đều trả lời: “Không, không hối tiếc. Tôi không nghĩ những năm tháng ấy là uổng phí.” Tại sao lại thế? Câu trả lời đơn giản thôi – vì ở trong Aum họ tìm thấy mục đích trong sáng mà trong xã hội bình thường họ không tìm thấy. Dù cuối cùng nó có trở thành một cái gì ghê tởm đi nữa thì ký ức đầm ấm, ngời ngời về sự bình yên họ tìm thấy lúc ban đầu vẫn cứ còn lại trong lòng họ và không thứ gì khác có thể dễ dàng thay thế.
Ở cái nghĩa này, con đường của Aum vẫn mở ra với họ. Tôi không nói có khả năng các thành viên cũ lại quay về giáo phái. Nếu họ đã nhận ra rằng nó là một hệ thống rất nhiều tì vết và nguy hiểm, đã tán thành rằng những năm tháng trải qua trong Aum chất đầy những mâu thuẫn và sai sót. Nhưng đồng thời tôi vẫn có cảm tưởng là trong họ vẫn ít nhiều còn hằn sâu một lý tưởng về Aum – một nhãn quan không tưởng, một ký ức về ánh sáng. Nếu một ngày nào đó có điều gì chứa đựng thứ ánh sáng tương tự vụt qua trước mắt họ (không nhất thiết phải là một tôn giáo) thì cái hiện đang ở trong họ ấy sẽ lại bị cuốn đi theo. Ở nghĩa này thì lúc đó, điều nguy hiểm nhất cho xã hội chúng ta sẽ không phải là bản thân Aum Shinrikyo mà là các thực thể khác “giống như Aum.”
Sau vụ hơi độc Tokyo, sự chú ý của xã hội đặc biệt hướng vào Aum Shinrikyo. Câu hỏi lại được day đi day lại: “Sao những người ưu tú, học cao biết rộng như thế lại có thể đi tin vào một thứ tôn giáo mới toanh, khôi hài, nguy hiểm như vậy?” Dĩ nhiên đúng là ban lãnh đạo Aum gồm toàn những người ưu tú với thành tích hàn lâm nổi bật, cho nên không mấy ngạc nhiên khi ai cũng choáng khi phát hiện ra điều này. Nhiều người nói rằng việc những người có điều kiện tiến thân như thế mà lại dễ dàng chối bỏ vị trí xã hội đầy hứa hẹn dành cho mình để chạy vào một tôn giáo mới là dấu hiệu thực sự cho thấy hệ thống giáo dục của Nhật đang có một khiếm khuyết chết người.
Nhưng khi phỏng vấn các thành viên và cựu thành viên của Aum, tôi cảm thấy hết sức mạnh mẽ rằng không phải họ đi theo hướng đó cho dù họ là một bộ phận của những người ưu tú, mà chính bởi vì họ ưu tú nên họ mới đi vào hướng đó.
Có lẽ cái thực thể gọi là Aum Shinrikyo phảng phất giống với Mãn Châu trước Thế chiến II. Nhật Bản đã dựng lên nhà nước bù nhìn của Mãn Châu năm 1932, và những người xuất sắc nhất, tốt đẹp nhất – những nhà kỹ trị, kỹ thuật viên và học giả hàng đầu – cũng đã làm tương tự là từ bỏ cuộc sống đầy hứa hẹn của mình ở Nhật mà đi sang lục địa, nơi họ nhìn thấy đầy khả năng… Phần lớn họ đều trẻ, cực kỳ có tài, được học hành đến nơi đến chốn, đầu óc họ đầy những viễn cảnh mới tạo ra, chứa chan hoài bão. Chừng nào còn ở trong nước Nhật, với cấu trúc trói buộc của nó, chừng ấy họ còn tin rằng không có đầu ra hiệu quả nào cho toàn bộ năng lượng của mình. Chính vì thế họ đã tìm ra mảnh đất nhiều tính thử nghiệm, dễ chịu hơn này, dù như vậy có nghĩa là họ đã nhảy ra khỏi lối đi thông thường. Xét riêng ở nghĩa này, họ có động cơ trong sáng và là những người lý tưởng chủ nghĩa, mang đầy trong đầu một cảm thức về tính mục đích. Theo họ, họ đang cất chân theo “con đường đúng”.
Vấn đề là còn thiếu một cái gì rất cốt yếu. Nay chúng ta có thể nhìn lại để thấy rằng điều còn khuyết đó chính là nhận thức mang tính lịch sử có chiều sâu và đúng đắn, hoặc ở một nấc cụ thể hơn, là sự đồng nhất giữa ngôn ngữ và hành động. Các khẩu hiệu rất kêu, được đánh bóng như “Năm Chủng tộc Sống trong hài hòa” và “Toàn thể Thế giới Chung Một Mái nhà” bắt đầu khoác lên chính chúng sự tồn tại độc lập, trong khi ở hậu cảnh, sự trống rỗng không tránh khỏi về đạo đức đẻ ra từ đó đã bị lấp vùi trong các thực tế đẫm máu của thời đại. Các nhà kỹ trị đầy tham vọng kia cuối cùng cũng đã bị cơn lốc xoáy khủng khiếp của lịch sử nuốt chửng.
Do toàn bộ vụ Aum Shinrikyo diễn ra rất mới đây cho nên hãy còn quá sớm để khẳng định chính xác điều gì còn thiếu trong trường hợp này. Nhưng theo nghĩa rộng, vẫn có thể đem áp dụng vào cho Aum cái điều mà tôi đã nói về tình thế “giống Mãn Châu” này: thiếu một thế giới quan lớn rộng, và sự cách biệt giữa lời nói với việc làm vốn là hệ quả của điều này.
Tôi chắc rằng mỗi thành viên trong giới tinh hoa Khoa học và Công nghệ đều có lý do riêng của mình để chối từ thế giới và gia nhập Aum. Nhưng tất cả họ đều có một ước vọng chung là được đem bản lĩnh kỹ thuật và kiến thức đã thu nhận được vào phục vụ một mục đích có ý nghĩa hơn. Họ đã không thể không nghi ngờ nghiêm trọng cái cỗ máy nghiền vô nhân đạo, thực dụng của chủ nghĩa tư bản và hệ thống xã hội mà ở đó thực chất cũng như cố gắng của họ – ngay cả đến lý do tồn tại của chính họ – cũng bị nghiền nát ra vô ích.
Ikuo Hayashi, kẻ thả sarin ở trên xe điện ngầm của tuyến Chiyoda, dẫn đến cái chết của hai nhân viên xe điện ngầm, rõ ràng là một người thuộc típ này. Hắn từng nổi tiếng là một nhà phẫu thuật xuất sắc, tận tụy với người bệnh. Có lẽ nhiều khả năng chính vì hắn là một bác sĩ quá tốt như thế nên hắn mới bắt đầu không tin ở cái hệ thống y tế gặp toàn mâu thuẫn với khuyết điểm như hiện nay. Kết quả là hắn bị kéo đến một thế giới tâm linh tích cực với nhãn quan về một thế giới không tưởng hoàn hảo, tuyệt đẹp mà Aum cung cấp.
Trong cuốn sách của mình, Aum và tôi, hắn viết những dòng dưới đây về hình ảnh hắn từng có khi ở Aum:
Trong bài thuyết pháp của mình, Asahara nói đến Kế hoạch Shambhala, liên quan đến việc xây dựng một Làng Hoa Sen. Ở đấy sẽ có một Bệnh viện Thái Không, một trường Shinri cung cấp nền giáo dục thấu triệt […] Chăm sóc y tế sẽ được gọi là Y tế Thái Không, dựa trên nhãn quan của Asahara về một chiều kích khác và ký ức về các kiếp trước mà ông ta nhìn thấy trong khi thiền. Y học Thái Không sẽ khám nghiệm nghiệp căn và mức năng lượng của bệnh nhân cũng như xem xét đến cái chết và đầu thai […] Tôi từng mơ về một địa điểm tự nhiên, xanh tươi với những tòa cao ốc điểm xuyết cho phong cảnh ấy, nơi chăm sóc y tế và giáo dục đích thực được tiến hành. Những gì tôi hình dung thấy và Làng Hoa Sen là một và giống hệt như nhau.
Bởi thế, Hayashi đã mơ ước được cống hiến bản thân cho một thế giới lý tưởng không tưởng, mơ trải qua tu hành gian nan không lấm bụi trần, đem ra thực hành một kiểu chăm sóc y tế mà hắn có thể bỏ hết tâm huyết vào đó và làm cho nhiều bệnh nhân được dễ chịu nhất trong sức hắn. Những động cơ này thực sự trong sáng, và cái hình dung ấy hiện lên ở đây có vẻ đẹp cùng nét huy hoàng riêng của nó. Tuy nhiên, lui lại một bước thì lại thấy quá rõ rằng những nhận xét thơ ngây này bị cắt rời hoàn toàn với thực tế. Trong mắt chúng ta, việc này cũng giống như một bức tranh phong cảnh thiếu mất mọi cảm nhận xa gần. Nhưng giả sử ai đó trong chúng ta là bạn của Hayashi và vào thời điểm hắn đang suy xét việc xuất gia theo Aum chúng ta lại cố đưa cho hắn vài bằng chứng thuyết phục rằng các ý tưởng của hắn đã thoát ly thực tế thì sẽ rất khó.
Những gì chúng ta nên nói với bác sĩ Hayashi thực ra chỉ rất đơn giản như sau: “Hiện thực là do mơ hồ và mâu thuẫn tạo nên, nếu ông loại trừ hai yếu tố này đi thì cái ông có sẽ chẳng còn là hiện thực nữa. Đi theo ngôn ngữ và một logic có vẻ nhất quán, ông có thể nghĩ rằng mình có khả năng loại trừ được khía cạnh này của hiện thực, nhưng nó vẫn sẽ luôn phục ở đó, sẵn sàng phục thù.”
Nhưng tôi ngờ rằng lập luận này sẽ không thuyết phục được bác sĩ Hayashi. Dùng thuật ngữ chuyên môn và một kiểu logic tĩnh, hắn sẽ phản bác dữ dội, phác họa ra con đường hắn định đi trước mắt mới đúng đắn, đẹp đẽ làm sao. Cho nên ở một lúc nhất định nào đó chúng ta không thể làm được gì hơn, ngoại trừ im lặng.
Sự thật đáng buồn là cái ngôn ngữ và logic xa rời thực tế kia lại có sức mạnh lớn hơn nhiều so với ngôn ngữ và logic của thực tế – cùng với tất cả khối vật chất xung quanh đang đè sụp xuống như một tảng đá xuống bất cứ hành động nào của chúng ta. Cuối cùng, không thể hiểu được ngôn ngữ nhau, chúng ta tách khỏi nhau, đi theo các hướng riêng biệt.
Đọc các ghi nhận của Ikuo Hayashi, chúng ta thường buộc phải dừng lại mà nghĩ rồi tự hỏi những câu đơn giản như: “Tại sao hắn lại cứ phải kết thúc ở đó?” Đồng thời chúng ta thấy mình tràn ngập cảm giác bất lực khi nhận ra mình đã chẳng thể làm được gì để ngăn hắn lại. Bạn thấy buồn lạ lùng. Điều làm cho bạn cảm thấy trống rỗng nhất trong mọi thứ chính là việc biết rằng chính những người phê phán mạnh mẽ nhất cái “xã hội duy lợi” của chúng ta lại là những người đã sử dụng “logic vị lợi” làm vũ khí và kết cục là tàn sát hàng loạt con người.
Nhưng đồng thời liệu có ai sẽ nghĩ, “Tôi là một người nhỏ nhoi không quan trọng, và nếu tôi kết thúc đời mình như một kẻ làng nhàng trong hệ thống xã hội, sống mòn cho tới chết, thôi – thế cũng được” cơ chứ? Dù ít dù nhiều, tất cả chúng ta đều muốn trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta lại sống trên quả đất này, tại sao chúng ta lại chết và biến đi. Chúng ta không nên phê phán một ý định chân thành nhằm tìm được câu trả lời ấy. Nhưng đây chính là chỗ có thể tạo nên một kiểu sai lầm chết người. Các tầng thực tại bắt đầu bị bóp méo. Bạn chợt nhận ra vùng đất hứa đã hóa thành một cái gì khác với cái bạn đang tìm kiếm. Như Mark Strand đã viết trong thơ của ông: “Núi không còn là núi, mặt trời chẳng phải mặt trời.”
Để cho không còn xuất hiện thêm một Ikuo Hayashi thứ hai, thứ ba nào nữa, điều cốt tử với xã hội chúng ta là dừng lại và xem xét, trong mọi ngóc ngách của nó, các vấn đề đã được vụ đánh hơi độc Tokyo làm cho nổi lên bề mặt một cách đầy bi kịch đến thế. Phần lớn người ta đã bỏ câu chuyện này lại sau lưng. “Thế là xong đứt,” họ nói. “Vụ này lớn nhưng tất cả thủ phạm đã bị bắt, mọi sự đã gói lại và chẳng còn liên quan gì tới chúng ta nữa.” Nhưng chúng ta cần nhận thức rằng phần lớn những người gia nhập các giáo phái đều không phải là người dị thường, họ không có điểm gì thiệt thòi, họ không lệch lạc. Họ là những người sống cuộc đời thường thường bậc trung (và nhìn từ ngoài có khi còn hơn cả bậc trung nữa), những người đang sống gần quanh tôi. Và cả quanh bạn.
Có thể họ đã nghĩ về mọi chuyện hơi quá nghiêm túc một chút. Có lẽ trong nội tâm họ có nỗi đau nào đó họ cứ mang theo. Họ không giỏi bày tỏ cảm xúc của mình cho người khác và có phần nào đó bất an. Họ không thể tìm ra cách thích hợp để tự diễn đạt bản thân, và cứ đắn đo qua lại giữa cảm giác kiêu hãnh và cảm giác mình thiếu năng lực. Tôi rất có thể là như thế. Và cả bạn nữa.
——————————–
1 Bài viết này dựa trên một bài phê bình sách đăng trên tạp chí Hon no hanashi số tháng 10 năm 1998 về cuốn Aum và tôi của Ikuo Hayashi. [TG] 2 Lúc sắp in sách này, Shoko Asahara vẫn đang bị xét xử. Tháng Giêng năm 2000, Aum cho ra một tuyên bố hủy tư cách Giáo chủ của hắn, đổi tên Aum thành Aleph và thề tiến hành các cải cách, gồm một lời hứa tuân theo pháp luật. [ND]


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.