Ngày Mai

PHẦN III: NHỮNG VẺ BỀ NGOÀI – CHƯƠNG 10: BÀN TAY ĐƯA NÔI



Bàn tay đưa nôi là bàn tay thống trị thế giới.
– William WALLACE
 
o O o
 
Boston
Ngày 22 tháng Mười hai 2010
11 giờ sáng
Thèm muốn.
Oán giận.
Ganh ghét.
Món cocktail cảm xúc mà Emma nếm trải khi lặng lẽ chứng kiến hạnh phúc của gia đình Shapiro mang vị đắng cay.
Sáng Chủ nhật này, Matthew, vợ anh và cô nhóc Emily đang dạo bước trên những lối đi tuyết phủ của Công viên Thành phố. Khu công viên rộng rãi của Boston đang bị bao phủ dưới một lớp tuyết mỏng như rắc phấn rơi từ lúc ngày vừa rạng. Trận tuyết đầu tiên của mùa đông đã khiến cảnh vật trắng xóa và đem lại cho thành phố bầu không khí hội hè.
– Lại đây bố bế nào con yêu! – Matthew vừa hét vừa nhấc bổng con gái lên để chỉ cho cô nhóc một con thiên nga lớn màu trắng bạc đang đuổi theo một đàn vịt trên mặt nước hồ phẳng lặng.
Cách đó vài mét, ngồi trên một băng ghế, Emma quan sát cảnh tượng mà không tìm cách giấu giếm sự có mặt của mình. Cô không thể bị phát hiện bởi lẽ anh chàng “Matthew của năm 2010” chẳng hề biết mặt cũng như biết đến sự tồn tại của cô. Cô gái thấy dường như tình huống éo le này vừa bất khả thi vừa kích động. Nhờ chợp mắt được một chút mà cô cảm thấy bình tâm hơn chút ít. Cô đã ngủ suốt đêm trên chuyến xe buýt Greyhound chạy tuyến Atlantic City – Boston. Hôm qua, sau khi cô trúng giải độc đắc, ban quản lý sòng bạc đã bắt cô điền một số giấy tờ. Một thủ tục cần thiết để tài khoản ngân hàng của cô nhận được số tiền cô đã thắng bạc. Qua ô cửa kính khách sạn New Blenheim, cô nhìn thấy những bông tuyết đầu tiên trên bầu trời Atlantic City. Vì không hề muốn lái xe hàng giờ liền dưới làn tuyết rơi, cô đã giao lại chìa khóa chiếc xe thuê cho người gác cổng khách sạn nơi cô bắt một chiếc taxi tới ga đường bộ, mua một vé xe buýt tới Boston. Chiếc xe còn trống quá nửa rời Atlantic lúc 23 giờ 15. Tài xế cho xe chạy với tốc độ ổn định suốt cả đêm. Cô gái đã mở hé mắt khi xe tạm dừng tại Hartford và chỉ tỉnh hẳn khi chiếc Greyhound vượt qua cửa ô thủ phủ bang Massachusetts vào lúc 8 giờ sáng.
Emma xuống xe tại Bốn Mùa, khách sạn lớn trông ra công viên. Từ giờ trở đi, đó là điều cô có thể tự cho phép mình làm, với nhiều triệu đô trong tài khoản. Cô đã gọi tới nhà hàng Thống Soái để báo mình bị ốm và sẽ nghỉ làm cả tuần. Rồi cô đi tắm, mua vài thứ quần áo ấm tại cửa hàng thuộc khách sạn sau đó ra bên ngoài để dạo bước trên những con phố quanh co của khu Beacon Hill. Trong đầu cô không có kế hoạch cụ thể nào. Chỉ toàn những câu hỏi. Cô có nên bắt chuyện với Matthew không? Để nói gì với anh? Và làm điều đó như thế nào để không bị coi là một con điên?
Trước khi ra quyết định, cô muốn quan sát người đàn ông đó. Cô biết địa chỉ nhà anh: một căn nhà mặt tiền ốp sành đỏ nằm ở ngã tư quảng trường Louisburg giao phố Willow. Trên đường tới đó, cô bị hớp hồn trước vẻ đẹp quyến rũ có một không hai của Beacon Hill. Khi dạo bước trên những vỉa hè lát đá xiên xẹo, cô hình dung mình hóa thân vào một nhân vật nữ của Henry James. Cả khu phố dường như ngưng đọng trong thế kỉ 19. Mặt trên các hàng quán đều ốp gỗ sơn, những ngọn đèn đường chạy bằng khí đốt lan tỏa thứ ánh sáng của một thời đại khác, trong khi những đường phố nhỏ hẹp chạy ngoằn ngoèo về phía những khu vườn bí mật lấp ló vài tán cành sau những cánh cổng sắt rèn.
Cô dễ dàng tìm thấy ngôi nhà của gia đình Shapiro, trang trí bằng những tràng hoa cùng những vành lá thông điểm thêm vài quả thông và thắt dây ruy băng. Như đứng ngoài thời gian, cô đã đợi gần một tiếng đồng hồ, với cảm giác duy nhất là mình đang sống dưới một quả cầu tuyết của thời thơ ấu: một quả cầu thủy tinh khổng lồ mà người ta lắc trong đêm để một làn tuyết lấp lánh rơi xuống những nếp nhà xây bằng gạch đỏ. Một mái vòm vô hình, bảo vệ cô khỏi những cuộc tấn công và cơn điên loạn của thế giới…
Khoảng 10 giờ, cánh cửa bật mở và lần đầu tiên cô nhìn thấy anh bằng xương bằng thịt. ANH, Matthew. Đầu đội chiếc mũ len, tay bế con, anh thận trọng bước xuống những bậc thềm trơn nhẫy. Xuống đến bậc thềm cuối cùng, anh vừa đặt Emily ngồi vào xe đẩy vừa lầm rầm hát cho cô bé nghe đoạn điệp khúc của một bài đồng dao vui nhộn. Emma thấy anh còn quyến rũ hơn những gì cô đã từng hình dung. Cô nhận ra ở anh nét đứng đắn, thẳng thắn và vững vàng mà cô đã nhận thấy qua những bức mail anh gửi. Và cách anh chăm chút cho con gái càng khiến anh thêm phần hấp dẫn.
Rồi cô nhận ra người ấy, CHỊ VỢ. Người phụ nữ kia là Kate Shapiro. Một phụ nữ tóc vàng, vóc người cao ráo mảnh mai, không chỉ xinh đẹp mà đơn giản là… hoàn hảo. Một vẻ đẹp cổ điển, hoàn toàn quý tộc, tỏa rạng vầng hào quang của vẻ dịu dàng ở người mẹ và đầy huyền hoặc: đôi mắt to trong vắt, hai gò má cao, một gương mặt với nước da sáng và đôi môi đầy đặn, búi tóc hệt như nhân vật nữ trong phim của Hitchcook…
Sau khi đã ngấm đòn – Kate là mẫu phụ nữ nếu đứng bên cạnh cô cảm thấy mình thật thảm hại – Emma đã bám theo gia đình nhỏ ấy đến tận Công viên Thành phố, khu công viên như một gạch nối giữa Beacon Hill và Back Bay.
– Nhìn này, con yêu! – Kate gọi con gái, chỉ cho cô bé thấy một chú sóc đuôi xù đang di chuyển đằng sau một thân cây.
Cô bé leo ra khỏi xe đẩy để đuổi theo chú sóc nhưng chỉ sau hai bước chạy, cô bé ngã sõng soài, sấp mặt xuống tuyết. Thấy phật ý nhiều hơn là thấy đau, tuy vậy cô bé vẫn bật khóc nức nở.
– Thôi nào con yêu, lại đây với bố.
Matthew để cô bé ngồi lại vào xe đẩy rồi bộ ba tiếp tục dạo chơi, băng qua phố Charles để tới Boston Common, nơi một sân trượt băng được dựng lên trong những tháng mùa đông này. Để an ủi Emily, Kate mua một túi hạt dẻ nóng ở chỗ người bán hàng rong. Họ cùng nhấm nháp hạt dẻ trong lúc quan sát các tay trượt băng thực hiện thành thục những hình vẽ táo bạo hoặc ngã phịch trên mặt băng. Trường hợp thứ hai khiến Emily đặc biệt thích thú.
– Nhìn những người khác ngã thì lúc nào cũng vui hơn phải không cưng? – Người bố chọc cô bé.
Rồi họ chầm chậm di chuyển vào giữa bãi cỏ rộng thênh thang nơi tập trung phần lớn những người đi dạo. Matthew công kênh con gái trên vai mình. Đôi mắt sáng long lanh, cô bé ngắm nghía cây thông Giáng sinh khổng lồ được trang trí tầng tầng lớp lớp mà hằng năm, thành phố Halifax vẫn gửi tặng cho người dân Boston thể theo một truyền thống lâu đời.
Cách đó vài bước, Emma nhìn Emily không rời mắt. Đôi mắt cô cũng lấp lánh hệt như cô bé con. Nhưng ngọn lửa cháy trong đó nhuốm màu cay đắng.
Cô chưa từng biết đến niềm hạnh phúc gia đình này, vẻ thanh thản toát ra từ họ, tình yêu đang tự do luân chuyển từ người này sang người khác. Tại sao? Cô kém cạnh những người khác ở điểm nào mà không có được niềm đại hạnh đó?
 
o O o
 
Boston
22 tháng Mười hai 2011
Giữa đêm
Mặc quần pyjama và áo phông của đội Red Sox, Matthew bật hàng đèn chiếu viền quanh chiếc gương trong phòng tắm.
Không thể nhắm mắt. Cổ họng anh khô khốc, trống ngực nện liên hồi và một cơn đau nửa đầu tồi tệ. Anh tìm hai viên thuốc giảm đau trong tủ thuốc rồi nuốt chửng cùng một ngụm nước. Anh xuống cầu thang vào bếp. Suốt ba tiếng qua anh trở mình liên tục trong giường, một ý nghĩ cứ bám riết lấy anh. Một lẽ hiển nhiên dần dà thuyết phục anh. Một ý nghĩ điên rồ, quá hay ho nên khó mà là thật, khiến anh chóng mặt: anh nên thử cố gắng bằng mọi cách thuyết phục Emma ngăn chặn vụ tai nạn xảy ra cho Kate. Khi nghĩ đến khả năng đó, một từ cứ trở đi trở lại trong tâm trí anh. Anastasis: người Hy Lạp dùng thuật ngữ này để gọi tên hiện tượng người chết sống lại. Như trong một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Liệu có thực sự tồn tại cơ hội quay trở lại quá khứ để thay đổi dòng đời của mình không nhỉ? Đó là một hi vọng mong manh, nhưng cũng là một cơ may mà anh nên tận dụng triệt để.
Anh nghĩ tới giấc mơ điên rồ mà nhân loại đều mong đạt được: ngược dòng thời gian, để sửa chữa những lầm lỗi của bản thân và những bất công của cuộc đời. Anh nghĩ tới huyền thoại về chàng Orphée và tự thấy mình trong lốt của nghệ nhân chơi đàn lia tìm đường xuống tận Âm phủ để van xin Diêm vương trả lại cho mình người vợ quá cố. Kate là nàng Eurydice của anh, nhưng để đưa cô trở về với cuộc sống, anh cần sự giúp đỡ của Emma Lovenstein đến tuyệt vọng.
Trong bóng tối lờ mờ, anh bật dây đèn vách chạy dưới kệ bằng gỗ sơn mài trong phòng bếp. Anh nhấc màn hình laptop lên, ngồi xuống một chiếc ghế đẩu rồi viết cho Emma một bức mail nơi anh đã trút hết nỗi lòng và gửi gắm toàn bộ niềm tin tưởng.
 
o O o
 
Boston
Ngày 22 tháng Mười hai 2010
Gia đình Shapiro đã rời bãi cỏ thuộc Boston Common để di chuyển về phía Đông. Emma thận trọng bám theo, giữ khoảng cách hợp lý, cố gắng xác định vị trí của mình và làm quen với thành phố. Boston lập tức khiến cô thích thú: lịch sự hơn, văn minh hơn, đỡ thô ráp và nhộn nhạo hơn New York. Ở mỗi ngã ba ngã tư đường, giữa kiến trúc cổ điển và lối xây dựng hiện đại, dường như quá khứ và hiện tại hợp nhất trong một bản hòa âm êm tai.
Chẳng bao lâu sau, hương cà phê rang đã phảng phất trong không khí khi North End – khu phố Ý – xích lại gần. Trên phố Hanover, những khung cửa kính của các tiệm bánh ngọt và các tiệm bán đồ ăn chế biến sẵn khiến khách hàng quen ứa nước miệng: pho phát mozzarella di buffala, actisô kiểu La Mã, bánh Gênes giòn tan, bánh struffoli ngọt ngào mật ong, bánh cuộn cannoli ngồn ngộn kem tươi…
Matthew cùng vợ tay trong tay bước vào một nhà hàng ốp kính toàn bộ, hẳn là nơi họ thường xuyên lui tới. The Factory là một nhà hàng thời thượng với bầu không khí vừa gia đình, vừa sành điệu, khách quen của nhà hàng bao gồm những sinh viên sành ăn và những ông bố bà mẹ trẻ trung vốn là thị dân địa phương. Không kịp phản ứng, Emma theo chân họ bước vào nhà hàng rồi gọi một bàn.
– Chị đi một mình thôi ư? – Nữ nhân viên phục vụ bàn hỏi cô bằng giọng trách móc.
Emma gật đầu xác nhận. Lúc này vẫn còn sớm. Nhà hàng bắt đầu đông dần nhưng rõ ràng vẫn còn chỗ.
– Chị cũng chưa đặt chỗ phải không ạ?
Lời trách móc thứ hai.
Lần này cô không trả lời, im lặng chịu đựng thái độ kiêu căng của cô gái kia, vốn có các nét thanh tú, mái tóc dài cứng đờ và mặc chiếc quần soóc siêu ngắn khoe cặp nhân tuổi đôi mươi.
– Chị làm ơn đợi một lát. Tôi sẽ xem liệu chúng tôi còn bàn nào không?
Emma nhìn cô gái quay đi, băng qua phòng như thể đang diễn trên sàn cat-walk. Để đỡ bối rối, cô tiến về phía quầy bar – một khối phi brô xi măng với những chiếc ghế kim loại vây quanh – rồi gọi một ly cocktail caipiroska.
Mặt trời đã lên cao. Một luồng sáng rực rỡ tràn ngập căn phòng. Được bố trí thành nhiều tầng, nơi này nhắc Emma nhớ đến bầu không khí của một vài quán bar New York, với một lối bài trí kiểu công nghiệp chuyên dùng các sắc xám và gỗ mộc. Trên mặt quầy, một tảng giăm bông Parma tuyệt ngon được bày như một tác phẩm nghệ thuật gần một máy xắt lát thủ công, trong khi ở cuối phòng vang lên tiếng lửa cháy tí tách trong một lò nướng pizza cỡ lớn.
– Chị vui lòng đi theo tôi nhé, – cô nàng phục vụ bàn đề nghị khi quay lại tìm cô.
Anh chàng phục vụ quầy bar nháy mắt ra hiệu cho Emma rằng lát nữa anh ta sẽ mang ly cocktail cho cô ra tận bàn. May thay, cô được xếp chỗ trên một băng ghế dài cách chỗ Matthew cùng vợ anh ta ngồi chưa tới chục mét. Yên trí vì đã tìm được một vị trí quan sát lý tưởng, cô uống một hơi cạn ly cocktail rồi gọi một ly khác kèm một suất cá tráp rưới nước xốt cải cay cùng một chiếc pizzetta kèm actisô và cải lông.
Cô nheo mắt để quan sát nhà Shapiro kĩ hơn. Họ tạo nên một gia đình hạnh phúc. Những câu chuyện đùa nổ như ngô rang, tâm trạng ai nấy đều vui vẻ. Matthew làm hề cho con gái vui và Kate bật cười sảng khoái. Rõ ràng là cặp đôi này được gắn kết với nhau bởi một thứ tình cảm đậm sâu và bền chặt. Kiểu vợ chồng khiến người ta không khỏi thốt lên “họ thật xứng đôi”. Emma quan sát tiếp cô nhóc Emily.
E-MI-LY. Ba âm tiết vang lên trong cô đầy lạ thường. Trước giờ cô vẫn tự nhủ rằng đó chính là cái tên cô sẽ đặt cho con gái mình nếu sau này làm mẹ. Sự trùng hợp này khơi lên một nỗi lo sợ và một nỗi đau chưa lành sẹo.
Cô chưa từng nói với ai, kể cả với bác sĩ điều trị tâm lý, nhưng trong vòng hai năm quan hệ gián đoạn với François, cô đã bí mật cố gắng để mình đậu thai. Cô đã nói dối người tình, khiến gã tin rằng cô dùng thuốc tránh thai. Nhưng ngược lại, cô tính hết sức chính xác các giai đoạn trong chu kỳ của mình và mỗi lần có thể, cô lại quan hệ tình dục vào thời điểm thuận lợi. Ban đầu, cô tự nhủ nếu mình sinh một đứa con cho François, gã sẽ quyết tâm bỏ vợ. Rồi cô hiểu ra rằng chuyện đó không hề có chút tác động nào tới bản tính thiếu quyết đoán của người tình, nhưng khát khao sinh con đã kịp bám rễ trong cô.
Rủi thay, đứa trẻ hằng được mong đợi ấy chưa bao giờ xuất hiện.
Cô đã không lo lắng quá mức. Nói cho cùng thì cô mới có ba mươi ba tuổi. Nhưng một hôm, khi lật qua một tờ tạp chí Newsweek trong lúc chờ khám bác sĩ tâm lý, cô đọc được một bài viết nhắc tới hiện tượng “mãn kinh sớm”. Cô bị xáo trộn trước lời chứng của những phụ nữ cho thấy khả năng sinh sản của họ đã bắt đầu suy giảm ngay khi bước vào lứa tuổi ba mươi. Thoạt tiên, cô không có lý do đặc biệt để cảm thấy có liên quan: cô chưa bao giờ gặp rắc rối với chu kỳ của mình và kinh nguyệt của cô đều đặn. Nhưng một nỗi lo âm thầm đã giày vò cô sau khi đọc bài báo đó. Để quên đi những lo lắng này, rốt cuộc cô đã mua một bộ thử nghiệm “đồng hồ sinh học” bán tại hiệu thuốc. Quy trình hết sức nghiêm ngặt. Nó yêu cầu thực hiện lấy máu vào ngày thứ hai của kỳ kinh. Sau đó mẫu được gửi tới phòng thí nghiệm để phân tích ba típ hoóc môn cho phép đo lượng noãn bào và so sánh chúng với số lượng được trông đợi thông thường ở một phụ nữ cùng lứa tuổi.
Một tuần sau thì Emma nhận được kết quả và phát hiện ra rằng trữ lượng noãn bào ở cô tương đương trữ lượng noãn bào ở một phụ nữ hơn bốn mươi tuổi! Điều phát hiện này khiến cô chán chường. Lẽ ra cô nên làm lại thử nghiệm đó, hoặc đi khám phụ khoa; nhưng cô lại muốn chối bỏ thông tin ấy hơn, và lúc này thì nó trở lại trong cô với sức mạnh hủy diệt của một chiếc boomerang.
Emma nghe thấy nỗi sợ và nỗi giận dữ thình thịch trong lồng ngực. Toàn bộ cơ thể cô run lên. Để gạt ký ức này sang một bên, cô nhìn như đóng đinh vào chiếc bàn nơi gia đình Shapiro đang quầy quần.
Nhưng cơn giận dữ không thuyên giảm. Cô lại cảm thấy cuộc đời đối với mình thật bất công, cô bị quấy nhiễu bởi những câu hỏi không lời đáp. Tại sao một số người lại có được những cuộc hạnh ngộ thật đúng lúc đúng chỗ? Tại sao một số người được hưởng tình yêu và có được một gia đình như hậu phương vững chắc? Chuyện đó liên quan đến tài cán, đến cơ may, đến sự tình cờ, đến số phận? Cô đã làm sai điều gì trong cuộc đời mình mà phải cô độc thế này, dễ tổn thương thế này, và tuyệt đối tự ti thế này?
Cô ra hiệu cho người phục vụ dọn bàn dọn ghế rồi lấy chiếc laptop ra khỏi túi xách. Boston là một thành phố có kết nối mạng cực tốt và nhà hàng này đặt một trạm wifi cho khách hàng truy cập thoải mái. Cô mở hộp thư ra kiểm tra, và đúng như cô trông đợi, cô đã nhận được một mail mới từ Matthew.
Từ: Matthew Shapiro
Tới: Emma Lovenstein
Chủ đề: Sustine et abstine
“Hãy chịu đựng và nín nhịn.”
Cô có biết câu châm ngôn của những người theo chủ nghĩa khắc kỉ này không hả Emma?
Nó khuyên nhủ người ta chấp nhận tiền định và số phận. Đối với những triết gia này, mong muốn thay đổi trật tự của vạn vật đã được “Thượng đế” áp đặt thật chẳng ích lợi gì.
Tại sao thế? Bởi lẽ chúng ta không thể nào chi phối tới bệnh tật, thời gian trôi qua hoặc cái chết của người mình yêu thương. Chúng ta hoàn toàn bất lực trước những nỗi đau đớn này. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng theo cách càng nhún nhường bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Đó chính là điều tôi đã cố gắng thực hiện từ một năm trở lại đây: chấp nhận cái chết của Kate, vợ tôi, tình yêu của đời tôi. Chấp nhận điều không thể chấp nhận nổi, chịu tang, tiếp tục sống vì con gái tôi, Emily.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ khi tôi mua chiếc máy tính xách tay của cô. Không gì hơn cô, tôi cũng chẳng tài nào hiểu nổi sự lệch lạc về thời gian này. Tất nhiên có những hiện tượng không thể nào lý giải nổi một cách logic và khoa học, và đó chính là điều cả hai chúng ta đang trải nghiệm. Chúng ta đã “vấp ngã trong thời gian”, như Einstein hẳn sẽ nói.
Hôm nay, với sự giúp đỡ của cô, có lẽ tôi có khả năng được hưởng một ân huệ mà không con người nào cầu xin được ở trời cao: nhìn thấy người mình hằng yêu thương sống lại.
Tôi xin cô hãy giúp tôi, Emma.
Cô đang nắm giữ mạng sống của vợ tôi trong tay. Tôi đã kể cho cô nghe hoàn cảnh cô ấy qua đời rồi đấy: ngày 24 tháng Mười hai, quá 21 giờ một chút, khi Kate vừa kết thúc ca trực, một chiếc xe tải giao bột đã đâm sầm vào xe của vợ tôi đúng lúc cô ấy lái xe rời bãi đỗ của bệnh viện. Cô có quyền năng xóa bỏ vụ tai nạn đó, Emma ạ.
Hãy làm bất cứ điều gì để ngăn cô ấy lấy xe: chọc thủng cả bốn lốp của chiếc Mazda cô ấy thường lái, giật đứt dây cáp tiếp nhiên liệu dưới nắp máy. Hoặc hãy tự tìm ra cách nào đó để ngày hôm đó cô ấy không đi làm. Bất cứ điều gì để tránh khoảnh khắc chết chóc ấy!
Cô có thể trả lại cho tôi người vợ, nhưng trên hết, cô có thể trả lại cho đứa con gái bé bỏng của tôi người mẹ của nó. Cô có thể giúp gia đình tôi đoàn tụ. Tôi biết cô là người rộng lượng. Tôi không nghi ngờ chuyện cô sẽ giúp tôi và tôi sẽ không bao giờ quên ơn cô.
Cô có thể yêu cầu tôi BẤT CỨ ĐIỀU GÌ, Emma ạ. Nếu cô muốn có thêm tiền, tôi có thể cho cô kết quả xổ số, thông tin về thị trường chứng khoán hay tỷ số của những trận bóng rổ sắp diễn ra. Cứ yêu cầu tôi bất cứ khoản tiền nào và tôi sẽ giúp cô có được nó…
Hôn cô,
Matt.
Nội dung bức mail khiến cô nổi xung lên. Không thể kiềm chế cơn bột phát của mình, cô hồi âm anh bằng vài dòng dồn nén toàn bộ cơn giận dữ và cảm giác bị tước đoạt trong cô.
Từ: Emma Lovenstein
Tới: Matthew Shapiro
Chủ đề: Re: Sustine et abstine
Thứ tôi muốn không phải là tiền, anh chàng đáng thương ạ!
Tôi muốn tình yêu! Tôi muốn một gia đình!
Tôi muốn những thứ không thể mua bằng tiền kia!
Vừa nhấn nút gửi thư thì cô đã nhận thấy Matthew cùng vợ con đã rời khỏi nhà hàng. Cô đóng laptop lại rồi gọi tính tiền. Vì không mang theo tiền mặt nên cô định quẹt thẻ, nhưng phải kiên nhẫn chờ một lúc cô mới nhận lại được tấm thẻ nhựa hình chữ nhật.
 
o O o
 
Cô vội vã bước ra North Square và lại tìm thấy gia đình Shapiro đang rong chơi trên phố Hanover. Cô bám theo họ tới tận một bãi cỏ dài xanh mướt có trồng thêm nhiều cây to, những đài phun nước, những tia nước và những cột đèn đường. Sau mười lăm năm biến thành đại công trường, Boston đã lập nên kỳ tích hạ ngầm những tuyến xa lộ khổng lồ xưa kia vốn làm biến dạng bộ mặt thành phố. Lúc này, tám tuyến đường ngầm dưới mặt đất đang chạy vô hình trong lòng thành phố. Chúng đã nhường lại bề mặt trống, mang lại khoảng không gian mới cho một loạt liên tiếp những đảo cây xanh dành cho người đi bộ.
Emma tiếp tục theo dõi tới tận ngã tư phố Cambridge giao phố Temple. Đến lối dạo bộ, Matthew và Kate trao nhau một nụ hôn phớt trước khi chia tay để tách ra hai hướng. Bị bất ngờ, Emma do dự vài giây. Cô hiểu rằng Matthew cùng con gái sẽ về nhà họ ở Beacon Hill nên muốn đi theo Kate hơn. Người phụ nữ trẻ đi ngang qua trước những đường sổ thẳng của nhà thờ Old West rồi tiến lại gần một khu phố hiện đại hơn nơi những ánh phản chiếu lạnh lẽo của thủy tinh và thép đã thế chỗ vẻ duyên dáng nuột nà của những phiến gạch đỏ. Emma ngước nhìn một tấm biển sáng đèn: cô đang đứng trước lối vào chính của MGH, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, một trong những bệnh viện quy mô nhất và cổ kính nhất nước Mỹ.
Đó là một khu vực rất rộng nơi các tòa nhà cao tầng chất chồng lên nhau mà vẻ ngoài của chúng không hề có sự hài hòa hay hợp lý. Có thể đoán rằng qua năm tháng bệnh viện đã phát triển theo hình mẫu của một thành phố phát triển nhanh cả về kinh tế lẫn dân số. Từ khối xây cũ ban đầu lồng ghép một cụm những khối xây mới lúc nào cũng rộng rãi hơn, vươn cao hơn. Mặt khác, khu tổ hợp y tế này vẫn đang trong quá trình xây cất hoàn thiện: một khối bê tông khổng lồ nhô lên khỏi mặt đất giữa những cần cẩu, những xe ben, những máy xúc và những lán công trường.
Kate dễ dàng hòa vào cảnh trí không mấy thân thiện này để lại chỗ một khối thủy tinh màu lam ngọc khổng lồ: tòa nhà nơi có Trung tâm Tim mạch. Nữ bác sĩ phẫu thuật nhanh nhẹn bước lên những bậc thềm dẫn tới cánh cửa tự động rồi khuất vào bên trong tòa nhà. Emma liền đoán Kate có ca trực trong khoa Tim mạch của MGH.
Cô ngập ngừng. Không thể theo chân Kate vào bên trong bệnh viện. Cô sẽ nhanh chóng bị phát hiện và đuổi ra. Vả chăng, làm vậy phỏng có ích gì? Emma đang định từ bỏ ý định thì nỗi tò mò lại trỗi dậy mạnh mẽ. Giày vò. Nhất là cô lại đang cảm thấy chất adrenaline chảy trong huyết quản, gây ra một nỗi phấn khích giải phóng cô khỏi nỗi ức chế và khiến cô gan dạ hơn.
Cô ngoảnh mặt chờ một ý tưởng. Thời tiết ngày Chủ nhật thật đẹp, bãi đỗ xe chật cứng những chiếc xe tải giao hàng đậu hàng đôi. Những cánh cửa mở toang, chúng dỡ hàng hóa xuống trong không khí vô cùng hỗn loạn: lương thực thực phẩm, thuốc men, các sản phẩm gia dụng, quần áo vải vóc chuyển từ tiệm giặt là về…
Cô lại gần chiếc xe đậu cuối hàng rồi thò nhanh đầu vào bên trong. Chuyến hàng bao gồm những giỏ lớn đựng ga trải giường, áo bệnh nhân và áo blu của bác sĩ. Cô đưa mắt tìm tài xế. Rõ ràng anh ta là một trong số những người đang tranh thủ nghỉ xả hơi gần dãy máy bán đồ uống tự động. Mải trò chuyện, họ không hề để ý gì đến cô. Tim đập thình thịch, cô với tay để lấy một bộ đồng phục. Được cắt may cho một người đàn ông, chiếc áo blu rộng gấp đôi, nhưng Emma không lấy thế làm phiền, cô xắn tay áo lên rồi bước vào khoa Tim mạch.
 
o O o
 
Thắp nhiều đèn và sáng sủa, sảnh vào đối lập với không khí náo động bên ngoài. Khắp nơi là các vật liệu thiên nhiên – tre, phong lan, cây trồng nhiệt đới, các thác nước róc rách chảy dọc bức tường, đá đen – phối hợp với nhau để tạo ra một bầu không khí dịu lòng.
Emma lại trông thấy Kate giữa một hành lang, đang nói chuyện cùng một đồng nghiệp nữ, nhưng cuộc trao đổi giữa họ không kéo dài và nữ bác sĩ phẫu thuật đã leo những cầu thang khác, trình thẻ ra vào với nhân viên an ninh đang gác trước lối vào dãy phòng dành cho nhân viên bệnh viện.
Không có được chiếc thẻ ra vào quý giá đó, Emma đành với lấy một tập sách mỏng bày trên giá. Giống như trong khóa học diễn kịch từng tham gia thời niên thiếu, cô thử sắm vai một nhân vật đáng tin cậy bằng cách ngụy trang. Với chiếc ba lô trên vai, chiếc áo blu và dáng vẻ dứt khoát, cô trông không khác nhiều các sinh viên y nội trú và các bác sĩ thường qua lại nơi này. Cô cụp mắt xuống và tập trung vào tập sách mỏng như thể đang nghiên cứu bệnh án trước một ca phẫu thuật. Nhân viên an ninh thậm chí còn không nhìn cô, cho phép cô đi theo Kate tới tận căng tin dành cho nhân viên bệnh viện. Nữ bác sĩ phẫu thuật gặp hai sinh viên nội trú trong đó: một cô gái lai xinh đẹp với gương mặt thanh tú và một anh chàng đẹp trai có thân hình vạm vỡ hợp với chiếc áo cầu thủ khoác trên vai hơn là với chiếc ống nghe đeo trên cổ.
Emma ngồi vào bàn bên cạnh để tranh thủ nghe hóng cuộc trò chuyện. Không một nụ cười, Kate chào hai sinh viên mà rõ ràng cô đang phụ trách theo dõi và đánh giá, từ chối cốc cà phê họ mời rồi bằng một giọng đanh thép, cô bắt đầu tuôn ra một tràng trách móc, chỉ ra những nhược điểm của họ không chút xót thương. Những tính từ chỉ phẩm chất cô dùng hết sức nặng nề: “bất tài”, “lười chảy thây”, “nghiệp dư”, “không đủ trình độ”, “biếng nhác”, “vô dụng”, “nguy hiểm cho bệnh nhân”… Mặt câng câng, hai sinh viên nội trú bày tỏ vài điều không đồng tình, nhưng lời phân bua của họ không đủ sức nặng nếu so với sự bạo liệt trong đòn tấn công của Kate. Vả chăng, cô đã nhanh chóng đứng dậy để chấm dứt cuộc trò chuyện mà không quên thốt ra một lời đe dọa thực sự.
– Nếu không triệt để thay đổi tinh thần làm việc, nếu không ý thức được rằng cần phải thực sự bắt đầu làm việc, thì cô cậu có thể vĩnh biệt giấc mơ chuyên ngành phẫu thuật rồi đấy. Nói gì thì nói, tôi sẽ phản đối việc cấp bằng tốt nghiệp cho cô cậu mà không thấy lương tâm áy náy chút nào đâu.
Cô nhìn chăm chú vào mắt họ để xác minh xem tên lửa đã trúng đích chưa rồi quay gót tiến về phía thang máy.
Lần này, Emma từ bỏ ý định đi theo Kate mà ngồi nguyên bên bàn, căng tai lắng nghe hai sinh viên nội trú tha hồ bộc lộ sự cay nghiệt:
– Con mụ đàng điếm này xinh thì có xinh, nhưng mà tởm thật!
– Nhã nhặn quá rồi đấy, Tim. Đáng lẽ cậu phải nói với chị ta từ lúc chị ta còn ngồi ở đây cơ…
– Chó má thật, Melissa ạ, chúng ta làm việc quần quật tám mươi giờ mỗi tuần, vậy mà mụ ta còn coi chúng ta là lường biếng chứ!
– Đúng là chị ta đòi hỏi cao. Với người khác cũng như với chính mình. Dù sao đó cũng là trưởng khoa duy nhất chấp nhận gánh vác ca trực…
– Đó không phải là lý do để nói năng với chúng ta như với lũ chó! Mụ ta tự coi mình là ai chứ, khốn nạn!
– Chính là cái chị ta đang là thôi: dĩ nhiên là bác sĩ phẫu thuật xuất sắc nhất bệnh viện này. Cậu có biết chị ta đã từng đạt điểm số 3,200 tại kỳ MCAT 1 chứ? Đó là điểm số cao nhất từ khi bài test này được áp dụng và cho tới nay vẫn chưa ai vượt được số điểm đó đâu.
– Cậu thực sự thấy mụ ta đặc biệt đến thế ư?
– Chị ta xuất sắc mà, chắc chắn là vậy, – Melissa miễn cưỡng thừa nhận. – Tớ thắc mắc làm cách nào chị ta có thời gian làm được tất cả những việc ấy: chị ta làm việc quần quật ở đây, tại Trung tâm Tim mạch này, chị ta lãnh đạo khoa phẫu thuật nhi do chính mình sáng lập tại Jamaica Plain, chị ta đi giảng, chị ta viết bài cho các tạp chí y khoa danh tiếng nhất, chị ta luôn đi đầu trong việc đổi mới các kĩ thuật mổ xẻ…
– Vậy là cậu ngưỡng mộ mụ ta?
– Dĩ nhiên. Mà thêm nữa, đó là một phụ nữ…
– Tớ không thấy chuyện đó thay đổi được gì.
– Chuyện đó thay đổi tất cả. Cậu chưa bao giờ nghe nhắc đến “ngày nhân đôi” à? Chị ta phải chăm sóc gia đình, chăm chồng, chăm con gái, coi sóc nhà cửa…
Tim vươn mình trên ghế. Một cái ngáp dài khiến quai hàm cậu ta như rời ra.
– Đối với tớ, người phụ nữ này chính là robot cảnh sát Robocop.
Melissa nhìn đồng hồ đeo tay rồi uống nốt ngụm cà phê.
– Chúng ta không ở ngang tầm của chị ta và có lẽ không bao giờ được như thế, – cô nàng sáng suốt thừa nhận trong lúc đứng dậy. – Nhưng tớ chê trách chị ta cũng chính ở điểm này: không chịu hiểu rằng tất cả mọi người đều đâu có được năng lực như chị ta.
Hai sinh viên nội trú buột một tiếng thở dài ủ rũ. Họ lê bước tiến về phía thang máy, không chút hào hứng với viễn cảnh phải quay trở lại làm việc.
Còn lại một mình, Emma ngờ vực liếc ra sau. Cô đã biết được khá đủ.
Tốt hơn hết là không nên nấn ná ở đây quá lâu kẻo bị phát hiện mất thôi.
Cô vớ lấy chiếc ba lô, tuy nhiên, ngay ở phút cuối cùng, cô lại không cưỡng nổi sự cám dỗ là kiểm tra hộp thư điện tử.
Cô đã nhận được một thư mới từ Matthew…
Chú thích
1 Viết tắt của Medical College Admission Test: một bài kiểm tra đầu vào tiêu chuẩn mà các sinh viên buộc phải trải qua nếu muốn nhập học tại các trường Y thuộc Bắc Mỹ (Chú thích của tác giả)

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.