Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

SÁCH GIỮ LẠI



Những cuốn sách được ưa thích nhất
Bây giờ bất kì lúc nào tôi cũng giữ cho mình chừng 30 cuốn sách, nhưng trước đây tôi từng thấy vô cùng khó vứt bỏ sách đi bởi vì tôi yêu chúng. Lần đầu tiên tôi phân loại thư viện của mình bằng phương pháp đánh giá xem chúng có mang lại niềm vui cho mình hay không, tôi đã bỏ đi được khoảng 100 cuốn khỏi giá sách. Mặc dù đây không phải là con số quá lớn so với mức trung bình nhưng tôi cảm thấy vẫn có thể giảm bớt thêm nữa. Một ngày kia, tôi quyết định xem xét kĩ hơn những cuốn sách mà mình đang có. Tôi bắt đầu với những cuốn sách mà tôi coi là không thể bỏ đi. Trong trường hợp của tôi, đầu tiên trong danh sách này là cuốn Alice ở xứ sở diệu kì, đây là cuốn sách tôi đọc lại nhiều lần kể từ thời tiểu học. Những cuốn sách tương tự, nằm trong danh sách những cuốn sách yêu thích nhất của mỗi cá nhân, có thể xác định được khá đơn giản. Tiếp theo, tôi xem những cuốn sách mang lại cảm giác thoải mái nhưng không thuộc danh sách được yêu thích nhất. Khi thời gian trôi qua, danh sách các cuốn thuộc nhóm này sẽ thay đổi, nhưng đây là những cuốn sách mà tôi chắc chắn muốn giữ lại ngay bây giờ. Vào thời điểm đó, một trong những cuốn thuộc nhóm này là Nghệ thuật từ bỏ – cuốn sách đầu tiên đã mở mắt cho tôi về việc dọn dẹp, mặc dù lâu nay tôi không còn giữ nó nữa. Những cuốn sách mang đến sự thoải mái nhất định cũng đáng để giữ lại.
Quyết định khó khăn nhất là đối với những cuốn sách đem lại cho bạn sự thoải mái vừa phải – chúng có những từ ngữ và câu văn làm rung động trái tim bạn, và bạn có thể muốn đọc lại lần nữa. Đó là những cuốn sách khó bỏ đi nhất. Mặc dù không cảm thấy áp lực khi phải từ bỏ chúng, tôi không thể không nhận thấy thực tế là chúng chỉ mang lại cho tôi cảm giác thoải mái vừa phải. Tôi bắt đầu tìm kiếm một phương thức để bỏ chúng đi mà không tiếc nuối và cuối cùng cũng tìm được điều mà tôi gọi là “phương pháp giảm trừ số lượng”. Thừa nhận rằng mình thực sự chỉ muốn giữ những thông tin hoặc từ ngữ cụ thể mà cuốn sách chứa đựng, tôi quyết định là nếu chỉ giữ lại những gì cần thiết thì tôi có thể vứt bỏ phần còn lại đi.
Ý tưởng của tôi là sao chép những câu mà mình thích vào trong một cuốn sổ. Qua thời gian, tôi cho là như vậy, cuốn sổ này sẽ trở thành tuyển tập những lời hay ý đẹp ưa thích của cá nhân tôi. Thật vui khi đọc nó vào một lúc nào đó trong tương lai và lần theo con đường mà những sở thích cá nhân đã từng dẫn dắt mình. Vô cùng phấn khích, tôi lôi ra một cuốn sổ mà mình thích và bắt đầu thực hiện kế hoạch. Tôi bắt đầu gạch chân những chỗ tôi muốn sao chép. Sau đó tôi viết tên sách vào sổ và bắt đầu chép lại. Tuy nhiên, ngay khi bắt đầu, tôi nhận ra quá trình này ngốn quá nhiều công sức. Và nếu như có lúc nào đó tôi sẽ đọc những lời lẽ này trong tương lai, vậy thì chữ viết của tôi cần phải rõ ràng, sắc nét. Ước lượng sơ bộ, để sao chép 10 trích dẫn trong một cuốn sách thôi cũng sẽ mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ. Chỉ nghĩ về việc sao chép trích dẫn trong 40 cuốn sách thôi đã đủ khiến tôi hoa mày chóng mặt rồi.
Kế hoạch tiếp theo của tôi là sử dụng máy in. Tôi sẽ sao chụp những mục mà tôi muốn giữ, cắt chúng ra và dán vào sổ. Tôi nghĩ là cách làm này sẽ nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều. Nhưng khi thử bắt tay vào làm, tôi thấy nó còn mất nhiều công sức hơn. Cuối cùng tôi quyết định xé lấy những trang yêu thích ra khỏi sách. Việc dán những trang này vào sổ cũng là một việc khó nhọc, vì vậy thay vào đó tôi giản tiện quá trình bằng cách nhét chúng vào một chiếc kẹp hồ sơ. Việc làm này chỉ mất 5 phút cho mỗi cuốn sách và tôi đã xoay xở để bỏ đi 40 cuốn đồng thời giữ được những nội dung mà tôi thích. Khi đó tôi cực kì hài lòng với thành quả của mình. Hai năm sau ngày triển khai “phương pháp giảm trừ số lượng”, tôi đột ngột nhận ra một điều. Tôi chưa từng đọc lại một lần kể từ khi tạo ra chiếc kẹp hồ sơ đó. Tất cả những nỗ lực lúc trước chỉ là để làm dịu đi lương tâm của tôi mà thôi.
Gần đây, tôi nhận thấy việc sở hữu ít cuốn sách thực sự giúp tôi tiếp thu tốt hơn những gì mình đọc. Tôi nhận ra những thông tin thiết yếu dễ dàng hơn. Nhiều khách hàng của tôi, đặc biệt là những người đã bỏ đi một số lượng sách và tài liệu đáng kể, cũng nhận thấy điều này. Đối với sách, đúng lúc nghĩa là tất cả. Giây phút lần đầu tiên bạn gặp một cuốn sách đặc biệt cũng chính là thời điểm phù hợp để đọc nó. Để tránh bỏ lỡ giây phút này, tôi khuyên bạn nên giữ số lượng sách ít thôi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.