Nghệ Thuật Bài Trí Của Người Nhật

SỰ GẮN KẾT VỚI QUÁ KHỨ HAY SỰ LO LẮNG VỀ TƯƠNG LAI



Hãy từ bỏ bất cứ thứ gì không mang lại niềm vui.” Nếu cố gắng thực hành phương pháp này dù chỉ một chút thôi, thì bạn sẽ nhận ra rằng xác định được thứ mang lại cho bạn niềm vui không hề khó. Thời điểm bạn chạm vào nó, bạn sẽ biết ngay câu trả lời. Việc quyết định bỏ đi thứ gì sẽ khó khăn hơn nhiều. Chúng ta đã khám phá ra tất cả những lí do để không từ bỏ, chẳng hạn “Cả năm nay tôi đã không dùng đến chiếc bình này, nhưng ai biết được chứ, có thể lúc nào đó tôi lại cần đến nó…” hoặc “Đó là chiếc vòng cổ mà bạn trai tặng cho tôi, khi ấy tôi đã thực sự thích nó…” Nhưng khi chúng ta thực sự tìm hiểu sâu về những lí do khiến chúng ta không thể từ bỏ thứ gì đó, thì chỉ có hai lí do: sự gắn kết với quá khứ hoặc nỗi lo sợ về tương lai.
Trong quá trình lựa chọn, nếu bạn xét thấy thứ gì đó không mang lại niềm vui nhưng bạn lại không thể tự mình vứt nó đi, hãy dừng lại một chốc và tự hỏi: “Có phải tôi đang gặp vấn đề với việc từ bỏ thứ này là do gắn kết với quá khứ hay vì lo sợ cho tương lai?” Hãy tự hỏi như vậy với mỗi vật mà bạn thấy khó từ bỏ. Khi làm thế, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy một mô thức trong sự sở hữu của bạn với mọi thứ. Mô thức này có thể chia thành ba loại: gắn kết với quá khứ, mong muốn có được ổn định trong tương lai hoặc kết hợp của cả hai loại trên. Hiểu được mô thức sở hữu của bạn là điều có ý nghĩa quan trọng vì nó thể hiện những giá trị đang dẫn dắt cuộc sống của bạn. Câu hỏi về thứ mà bạn muốn sở hữu thực sự chính là câu hỏi về việc bạn muốn sống như thế nào. Sự gắn kết với quá khứ và những nỗi lo sợ liên quan tới tương lai chi phối không chỉ cách mà bạn lựa chọn vật sở hữu mà còn thể hiện những tiêu chí mà bạn dựa vào để đưa ra những lựa chọn trong mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả những mối quan hệ với người khác và công việc của bạn.
Ví dụ, khi một người phụ nữ rất lo lắng về tương lai lựa chọn người đàn ông cho mình, cô ấy ít có khả năng lựa chọn mà chỉ thuần túy dựa trên việc cô ấy thích và muốn được ở bên anh ta. Cô ấy có thể lựa chọn ai đó đơn giản chỉ vì mối quan hệ này dường như có lợi cho cô hoặc vì cô ấy sợ rằng nếu không chọn anh ta, cô ấy có thể chẳng tìm được người đàn ông nào khác. Trước những lựa chọn về nghề nghiệp, kiểu người tương tự sẽ có nhiều khả năng lựa chọn công việc ở một công ty lớn bởi vì nó mang lại cho ấy nhiều lựa chọn hơn trong tương lai hoặc công việc đó sẽ đảm bảo có được những phẩm chất chuyên môn chắc chắn hơn là bởi vì cô ấy thực sự thích và muốn làm công việc đó. Mặt khác, một người có sự gắn bó mạnh mẽ với quá khứ sẽ gặp khó khăn trong việc tiến triển một mối quan hệ mới vì cô ấy không thể quên được người bạn trai đã chia tay từ hai năm trước. Cô ấy cũng thấy khó có thể thử những phương pháp mới thậm chí cho dù phương pháp hiện tại không còn hữu hiệu nữa.
Khi mô thức suy nghĩ này hay mô thức suy nghĩ khác khiến việc từ bỏ thứ gì đó trở nên khó khăn, chúng ta sẽ không thể nhận ra được điều mà chúng ta cần ngay lúc này là gì. Chúng ta không dám chắc rằng nó có khiến cho chúng ta thỏa mãn hay không hoặc không chắc chắn về điều mà chúng ta đang tìm kiếm. Kết quả là, chúng ta gia tăng số lượng những vật sở hữu không cần thiết, khiến bản thân đắm chìm cả thể chất lẫn tinh thần vào những thứ vô dụng. Cách tốt nhất để tìm ra thứ mà chúng ta thực sự cần đó là từ bỏ những thứ mà chúng ta không cần. Việc tìm kiếm ở những nơi xa xôi hoặc những cuộc mua sắm tưng bừng không còn cần thiết nữa. Tất cả những gì bạn phải làm là loại bỏ những thứ bạn không cần bằng cách đối mặt với từng vật mà bạn sở hữu.
Quá trình đối mặt và lựa chọn giữ hay bỏ những vật mà chúng ta sở hữu có thể diễn ra khá khổ sở. Nó buộc chúng ta phải đương đầu với những điều chưa hoàn hảo cũng như những nhược điểm và cả những lựa chọn ngốc nghếch của chúng ta trong quá khứ. Nhiều lần phải đối diện với quá khứ trong quá trình quá trình dọn dẹp, tôi đã cảm thấy rất hổ thẹn. Bộ sưu tập tẩy có mùi thơm của tôi từ thời tiểu học; những món đồ liên quan đến phim hoạt hình mà tôi sưu tầm khi học phổ thông, những trang phục tôi đã mua thời trung học khi tôi cố thể hiện mình đã trưởng thành nhưng không phù hợp với tôi một chút nào, những chiếc túi xách tôi đã mua dẫu cho không cần đến chúng mà chỉ bởi tôi thích vẻ ngoài của chúng ở trong cửa hiệu. Những thứ chúng ta sở hữu là có thực. Chúng tồn tại ở đây và lúc này như là kết quả của những lựa chọn trong quá khứ của không ai khác ngoài chúng ta. Chúng ta sẽ sai lầm nếu phớt lờ chúng hoặc loại bỏ chúng một cách cẩu thả như thể để phủ nhận những lựa chọn trước đây của chính mình. Do đó tôi phản đối việc tích trữ hàng đống lẫn việc vứt bỏ vật dụng mà không cân nhắc kĩ càng. Chỉ khi đối mặt với từng vật dụng mà chúng ta sở hữu và trải nghiệm những cảm xúc mà chúng gợi ra, chúng ta mới có thể đánh giá chính xác mối quan hệ của chúng ta với chúng.
Chúng ta có thể áp dụng ba phương pháp đối với những vật sở hữu của mình. Đó là hãy đối mặt với chúng ngay bây giờ hoặc tránh né chúng cho đến ngày chúng ta qua đời. Lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc vào chúng ta. Nhưng cá nhân tôi tin rằng cách tốt nhất là đối mặt với chúng ngay bây giờ. Nếu chúng ta thành thật thừa nhận sự gắn kết với quá khứ và những nỗi lo sợ cho tương lai mỗi khi nhìn vào những thứ mà mình sở hữu thì chúng ta sẽ có thể nhận ra điều gì thực sự quan trọng đối với chúng ta. Đến lượt mình, quá trình này sẽ giúp chúng ta xác định được những giá trị của bản thân và giảm bớt những hoài nghi và bối rối khi phải đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống. Nếu chúng ta có thể tự tin ra quyết định và hào hứng hành động không một chút hoài nghi thì chúng ta có thể đạt được nhiều thành quả hơn. Nói cách khác, chúng ta càng sớm đối mặt với những vật sở hữu của mình bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nếu bạn quyết định dọn dẹp nhà cửa thì hãy làm ngay từ bây giờ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.