Nghiên cứu phân tâm học

Phần thứ hai – Tâm lý tập thể – phân tích cái tôi – 1. Nhập đề



Mới nhìn thì sự đối lập giữa tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội hay tâm lý tập thể có vẻ như sâu xa, nhưng xét cho kỹ thì tính cách đối lập sẽ bớt đi nhiều. Hẳn là đối tượng của khoa học tâm lý cá nhân là chúng, người ta tìm những phương tiện mà cá nhân dùng, những đường lối mà cá nhân theo để thỏa mãn thị dục và nhu cầu, nhưng trong sự mưu tầm ấy ít khi họ bỏ qua được một yếu tố quan trọng: tương quan giữa cá nhân và đoàn thể. Sở dĩ như vậy là vì tha nhân vẫn đóng vai trò một kiểu mẫu cho cá nhân, vai trò một người bạn hay một kẻ thù; ngay từ lúc khởi thủy, khoa tâm lý cá nhân xuất hiện đồng thời như một khoa tâm lý xã hội về một vài phương diện, hiểu theo nghĩa rộng nhưng rất thích đáng.

Thái độ của cá nhân đối với cha mẹ, anh chị em, người tình, thầy học, thầy thuốc, tóm lại, tất cả những mối liên lạc của cá nhân đã được phân tâm học đem ra nghiên cứu, đều có thể coi là những hiện tượng xã hội. Tính cách xã hội đó làm cho những hiện tượng xã hội. Tính cách xã hội đó làm cho những mối liên lạc ấy đứng đối lập với một vài tiến trình khác mà chúng tôi gọi là ngã ái vì ngã ái có một nét đặc biệt là tự họ tìm sự thỏa mãn nhu cầu và thèm khát chứ không có ảnh hưởng của tha nhân. Bởi vậy cho nên sự đối lập giữa những tác động tâm thần xã hội và những tác động tâm thần ngã ái là một thứ đối lập không vượt qua giới hạn của khoa học tâm lý cá nhân, đó cũng không phải là một lý do để người ta tách rời khoa tâm lý cá nhân khỏi khoa tâm lý xã hội hay tập thể.

Trong thái độ của cá nhân đối với cha mẹ, anh chị em, người yêu, bạn bè, hay thầy thuốc, cá nhân chỉ chịu ảnh hưởng của một người hay một số người rất ít, mỗi người đối với họ có tầm quan trọng bậc nhất. Khi nói đến tâm lý xã hội hay tập thể, thường thường người ta không kể đến những liên lạc ấy, người ta chỉ kể đến ảnh hưởng cùng một lúc của một số lớn tha nhân, số lớn tha nhân đó có thể xa lạ với họ về nhiều phương diện, nhưng họ cũng bị ràng buộc với tha nhân bởi một vài cạnh khía. Chính vì thế mà khoa phân tâm tập thể quan niệm cá nhân là một phần tử của bộ lạc, của dân tộc, của giai cấp xã hội, của định chế, hay là một người trong đám đông, nhận một cơ hội nào đó và vì một mục đích nào đó, họp nhau lại thành một đám, một đoàn, một “công chúng”. Khi đã loại riêng ra những mối liên lạc tự nhiên nói ở trên, chúng tôi đi đến chỗ phải coi những hiện tượng xảy ra trong những điều kiện đặc biệt ấy là những phát hiện của một khuynh hướng đặc biệt – hero instinct, group mind – không thể quy vào một khuynh hướng nào khác và không xuất hiện trong những điều kiện khác. Chúng tôi chủ trương rằng có thể có hai trường hợp sau đây: bản năng ấy không phải là một bản năng tối sơ và không thể phân tích được; bản năng ấy đã được phác họa trong khung cảnh nhỏ hẹp của gia đình.

Khoa tâm lý tập thể tuy mới ra đời nhưng đã bao gồm một số vấn đề nhiều vô kể, người khảo cứu phải đối phó với rất nhiều vấn đề chưa đủ hay chưa được phân hóa. Chỉ có việc xếp loại mọi hình thức hội họp tập thể và việc miêu tả những hiện tượng tâm thần ấy cũng đòi hỏi biết bao công trình quan sát và trình bày và cũng làm phát sinh nhiều luận điệu văn chương. Lãnh vực tâm lý tập thể thật là mênh mông, tôi thiết tưởng chẳng cần nói trước rằng việc làm khiêm tốn của tôi chỉ đề cập đến một vài điểm mà thôi. Dĩ nhiên, đó là những điểm liên hệ đặc biệt đến việc làm của phân tâm học là thăm dò linh hồn loài người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.