Ngoảnh đầu nhìn lại

5.



Cơn bão đầu tiên của năm nay ập đến, vừa khéo vào Chủ nhật.
Trong lòng tôi còn đang lo lắng chuyện đổi phòng học, tiếng sấm rền ầm vang ngoài cửa sổ khiến tôi giật cả mình.
Ngoài cửa sổ mưa sa gió giật, mây đen dầy đặc, trong đầu tôi bất chợt xẹt qua một tia chớp:
Cây tương tư ở cổng trường!

Gần cổng trường có gốc tương tư, thỉnh thoảng sẽ có hạt đậu tương tư trong truyền thuyết rơi xuống.
Rất nhiều học trò trước khi bước vào trường đều sẽ cúi đầu, không phải vì khiêm nhường trước tri thức, mà là để tìm kiếm xem có hạt đậu tương tư nào rơi xuống không.
Chỉ tiếc rằng cổng trường bao giờ cũng tập nập kẻ đến người đi, ngoài đám học trò ra vào ra, còn có người dân sống gần đó nữa.
Nếu trên mặt đất có hạt đậu tương tư, đã sớm bị người ta nhặt hết.
Tôi chưa bao giờ nghe nói có bạn học nào nhặt được hạt đậu tương tư trong truyền thuyết này.

Nhưng bây giờ thì khác, ngày bão tố lại gặp ngày chủ nhật, sẽ chẳng có ai chạy tới nhặt hạt đậu tương tư.
Với lại bên ngoài cuồng phong bão táp, chắc hẳn sẽ làm rụng mấy hạt đậu tương tư ấy nhỉ?
Tôi lập tức cầm lấy ô, lao ra cửa, lảo đà lảo đảo trong mưa gió đi đến dưới gốc tương tư ở cổng trường.
Tuy là khoảng hai giờ chiều, nhưng bốn phía tăm tối, hoàn toàn không nhìn rõ.
Ban nãy nóng lòng quá, phải mang theo đèn pin mới đúng.

Tôi mò mẫm trên mặt đất, dưới gốc cây cả một vùng bừa bộn, nào những hoa tàn những lá rách còn có cả cành cây.
Hơn nửa tiếng trôi qua, cây ô đã bung ra như hoa nở từ lâu, toàn thân tôi đều ướt đẫm.
Cuối cùng tìm được một trái đậu hơi nứt vỏ ở trong đống lá rụng, tách ra nhìn một cái, thấy có hai hạt đậu.
Một hạt đỏ khắp mình, một hạt khác còn hơi xanh.
Tôi đắc ý vô cùng, không nén nổi ngửa mặt lên trời cười một tràng, nước mưa rơi vào cổ họng cũng mặc, dù gì xung quanh cũng chẳng có ai.

Tôi gói hai hạt đậu tương tư ấy thật cẩn thận, sáng thứ Hai mang tới trường.
Khi đi đến trường tôi rất vui vẻ, vừa đi vừa cười ha hả, khi chờ đèn đỏ cũng thế.
Tuy là thứ này không có gì đặc biệt, nhưng thấy bảo con gái đều thích mê những thứ linh tinh lang tang kiểu này.
“Này, tặng cậu một món đồ, hôm qua tớ nhặt dưới cây tương tư ở cổng trường.”

“Là hạt đậu tương tư à, cảm ơn cậu. Nói cho cậu biết nhé, tớ có một chiếc vòng tay đậu tương tư, mua ở Khẩn Đinh. Hạt đậu hình tim chắc mẩy, sắc màu đỏ tươi, hơn nữa lồng bên trong hạt đậu còn có đường cong hình tim, có thể nói là tim đôi trong ngoài, ý hợp tâm đầu. Mọi người đều nói đậu tương tư có đặc tính cứng rắn, màu sắc đỏ tươi, qua bao lâu cũng không gỡ bỏ, là biểu tượng của tình yêu vĩnh hằng đấy.”

Xem giọng văn của cô ấy, hẳn là hưng phấn lắm, nhưng tôi không thấy hưng phấn chút nào.
Cô ấy đã có vòng tay đậu tương tư sáng lóng lánh rồi, vậy mà tôi còn tặng cô ấy một hạt đậu tương tư màu đỏ sậm, hạt kia còn chưa chín hẳn.
Khờ quá, rõ là khờ. Tôi hung hăng đập đầu mình.
“Vòng tay đậu tương tư của cậu nhất định rất đẹp.”

“Dù đẹp thế nào đi chăng nữa, cũng thua kém hai hạt đậu tương tư cậu tặng tớ.”
“Cậu không cần an ủi tớ.”
“An ủi? Sao lại nói thế?”
“Không có gì đâu. Chủ đề này đến đây thôi nhé.”

“Này, tớ đang nhớ tới một bài thơ.
‘Tiếu vấn lan hoa hà xử sinh,
Lan hoa sinh xử lộ nan hành.
Tranh hướng mấn tế sáp hoa đóa,
Nê thủ tặng lai biệt hữu tình’.”

“Tớ tư chất đần độn, không hiểu.”

“Người bình thường sẽ mua hoa lan xinh đẹp ở cửa hàng hoa, và trìu mến cài hoa lên tóc mai người con gái. Nhưng người có hơi ngốc nghếch sẽ tự mình đi đường núi khúc khuỷu để hái hoa lan, vì thế hai tay dính đầy nước bùn. Vì e tay mình lấm bẩn, nên không dám cài hoa lên tóc mai cô gái, chỉ có thể dùng đôi tay dính đầy bùn dâng tặng hoa lan. Trong ngày giông bão cậu còn đặc biệt đến trường nhặt hai hạt đậu này tặng tớ, tuy rằng hạt đậu không đẹp, nhưng điều đáng quý không phải là hạt đậu, là “tay lấm bùn” của cậu. Tớ cảm động lắm, thật đấy. Mà này, cậu không bị ướt sũng người đấy chứ?”

Khi đọc những chữ này, chắc là tôi đỏ mặt.
Đành phải giả đò như không có chuyện gì xảy ra, viết:
“Chẳng qua là ngày bão tớ rảnh rỗi không có việc gì làm, vừa khéo đi đến cổng trường nhìn thấy trên mặt đất có hai hạt đậu tương tư thôi mà. Người cũng chẳng ướt lắm đâu, cậu chớ để trong lòng.”

“Tớ sẽ cất giữ hai hạt đậu tương tư này thật cẩn thận. Đúng rồi, hạt đậu sinh ra từ cây tương tư không gọi là đậu tương tư, đậu tương tư là hạt đậu sinh ra từ cây khổng tước. Cho nên đậu tương tư còn được gọi là hạt khổng tước.”
“Hạt đậu sinh ra từ cây khổng tước gọi là đậu tương tư, thế hạt đậu sinh ra từ cây tương tư gọi là gì?”
“Ngốc thế, đương nhiên gọi là đậu khổng tước rồi. Cái này gọi là dịch tử nhi khiếu (giáo).” [1]
“Thì ra là thế.”
“Tớ nói bừa mà cậu cũng tin. Tớ chẳng biết hạt đậu sinh ra từ cây tương tư gọi là gì.”

Hạt đậu sinh ra từ cây tương tư gọi là gì cũng không quan trọng, quan trọng là tôi đã nhặt hai hạt đậu tương tư tặng cô ấy.
Hơn nữa cô ấy thích.
Tôi cũng không biết vì sao lại xúc động chạy tới nhặt đậu tương tư trong ngày bão; cũng không biết thì ra cái cây ở cổng trường kia không gọi là cây tương tư, mà là cây khổng tước.
Tôi chỉ biết là cô ấy thực sự rất vui, còn tôi cũng vì sự vui vẻ của cô ấy mà vui vẻ theo.
Niềm vui này, so với một trăm điểm bài thi môn toán còn vui hơn.

Tôi tin rằng cô ấy nhất định sẽ gìn giữ hai hạt đậu tương tư ấy thật cẩn thận, bởi vì cô ấy nói cô ấy sẽ làm.
Cô ấy cũng nói hạt đậu tương tư là biểu tượng của tình yêu vĩnh hằng, nhưng tôi và cô ấy đều chỉ là những cô cậu học trò 17 tuổi, “Vĩnh hằng” cách chúng tôi quá xa; “Tình yêu” đối với chúng tôi mà nói, lại quá lạ lùng.
Tôi không khỏi cảm thấy hiếu kỳ, giữa tôi và cô ấy là tình bạn? Hay là tình yêu? Hơn nữa, có thể vĩnh hằng không?

“Ngày mai bắt đầu thi cuối kỳ rồi. Cậu đoán xem tối hôm qua tớ đàn cho cậu bài hát nào?
Là một bài dân ca Ireland, “Danny Boy”.
Oh Danny boy, the pipes, the pipes are calling
From glen to glen, and down the mountain side
The summer’s gone, and all the flowers are dying
‘Tis you, ’tis you must go, and I must bide…”

Ôi Danny con ơi, tiếng sáo đang gọi con kìa.
Băng qua những khe núi, rồi ngân đến bên kia đồi.
Mùa hạ đã đi xa, và những bông hoa cũng đã úa tàn.
Con nhất định phải đi, mà ta chỉ có thể chờ đợi.

Cô ấy thi cuối kỳ sớm hơn tôi một ngày, điều này khiến tôi thấy sửng sốt, nhưng khiến tôi kinh ngạc hơn là, cô ấy từng nói sẽ không đàn cho tôi những bài hát bi thương, mà tôi nghe “Danny boy”, cảm thấy như một nhạc khúc u buồn.
Giai điệu của “Danny boy” trầm bổng, đẹp đẽ nhưng thê lương, nếu như lắng nghe giữa đêm khuya tĩnh lặng, rất dễ bị ca từ rung động, đến nỗi có thể trào dâng nước mắt.
Lẽ nào cảm nhận của tôi và cô ấy đối với bài hát này không giống nhau?

Tuy buồn bực, tuy mơ hồ cảm thấy bất an, nhưng thi cuối kỳ đối với học trò mà nói quá quan trọng.
Thế nên tất cả tâm tư của tôi vẫn đặt trên kỳ thi cuối kỳ, tôi cho rằng chắc hẳn cô ấy cũng thế.
Tôi bèn viết xuống tờ giấy:
“Ngày mai tớ mới bắt đầu thi cuối kỳ, chậm hơn cậu một ngày. Bọn mình cùng cố gắng nhé.”

Nhưng con hãy trở về khi mùa hạ về trên thảo nguyên,
Hay là khi thung lũng lặng thinh chìm trong tuyết trắng.
Cho dù dưới ánh nắng, hay trong bóng râm, ta cũng sẽ ở chốn này đợi con.
Ôi Danny con ơi, ta yêu con biết bao.
“Kỳ thi cuối kỳ kết thúc, là cậu đã lên lớp mười hai rồi. Cũng như cậu từng nói, cậu sắp bước vào tầng thấp nhất của địa ngục. Nhưng tớ vẫn muốn nhắc nhở cậu, đừng để những quyển sách giáo khoa và sách tham khảo chiếm lĩnh trái tim cậu, ở trong tim hãy giữ lại chút không gian cho riêng mình.”

Chỉ cần tưởng tượng đến việc sắp lên lớp mười hai, cả người liền cảm thấy huyết mạch sôi sục.
Một khi lên lớp mười hai, tôi nghĩ chắc chắn tôi sẽ bị trạng thái căng thẳng tinh thần vây hãm khắp nơi nơi.
Nhưng trước mắt phải qua cửa kỳ thi cuối kỳ này trước, tạm thời không rảnh nghĩ đến việc khác.
Sau khi suy nghĩ, tôi viết: “Ừ. Tớ sẽ cố gắng. Nếu mỗi khi tớ mở miệng đều nói về kỳ thi tuyển sinh, vậy mong cậu hãy khuyên nhủ tớ.”

Nếu con trở về, khi những bông hoa héo úa cả rồi.
Còn ta đã chết đi, có thể chết rất an bình.
Con sẽ đến đây, tìm được nơi ta an giấc ngàn thu.
Và qùy xuống nói với ta lời chào tạm biệt.

“Dù nói thế này có thể cậu sẽ không vui, nhưng tớ vẫn muốn nói. Trong lòng tớ, cậu lóng lánh tựa như kim cương, mà học sinh bổ túc như tớ đây lại chỉ giống như rỉ sắt. Vì vậy cậu phải gắng lên, tương lai nhất định sẽ đề tên bảng vàng.”

Cô ấy đã dùng “Diamonds and Rust” của Joan Baez làm ví dụ.
Đã từng nghe câu chuyện về hoàn cảnh ra đời của bài hát này, tôi không khỏi cảm thấy xấu hổ tim đập dồn.
Trong những năm tháng ngây ngô của 17 năm qua, tôi chưa bao giờ có cảm giác tim đập dồn, tuy tăng tốc nhưng trái tim lại rất mềm mại như bây giờ.
“Không nên xem thường bản thân, đừng so sánh bản thân với rỉ sắt nữa. Cậu biết không? Thực ra trong lòng tớ, cậu cũng giống như kim cương, hơn nữa số cara của cậu còn nhiều hơn cả tớ.”

Ta sẽ lắng nghe, cho dù con chỉ bước chân rất nhẹ nhàng phía trên ta.
Nếu con không quên thì thầm nói với ta rằng con yêu ta,
Hết thảy những giấc mộng của ta sẽ càng ngọt ngào ấm áp hơn.
Và như thế ta sẽ an giấc trong yên bình, cho đến khi con đến bên ta.

“Có thể là một ngày nào đó trong tương lai, cậu bất chợt có ý nghĩ muốn xem xem hồi trung học cậu đã từng viết những gì. Thế nên tớ đã đem những tờ giấy chúng ta viết trong khoảng thời gian này, photo cho cậu một bản.”

Ngày cuối cùng của kỳ thi cuối kỳ, tờ giấy trong ngăn kéo viết như vậy.
Phía dưới tờ giấy còn đặt một tập giấy, ước chừng 40 tờ.
Tôi cầm lấy tập giấy kia, thứ đầu tiên đập vào tầm mắt, là chỗ trống góc trái phía trên tờ thứ nhất.
Cô ấy viết:

“Phật nói, kiếp trước năm trăm lần ngoảnh lại nhìn nhau, mới đổi được một duyên gặp gỡ thoáng qua kiếp này.
Tớ tin rằng, kiếp trước chúng ta nhất định đã ngoái nhìn lại hơn cả năm trăm lần.
Bởi thế tớ không cần nói với cậu câu giã từ, cũng không cần ước hẹn với cậu.
Mai này, một ngày nào đó, chúng ta nhất định sẽ gặp lại.”

Có lẽ cô ấy đã quên rồi, chúng tôi chưa từng gặp gỡ, hoàn toàn không cần chữ “Lại”.
Hơn nữa chúng tôi đều không biết tên đối phương, cho dù mai này hữu duyên gặp mặt thậm chí là nảy nở tình yêu, nhưng chỉ cần chúng tôi cùng không nhắc đến chuyện liên lạc qua những tờ giấy kia, ai biết được ai là ai?

Công thức toán học thuộc làu làu như cháo chảy trong đầu tôi, đột nhiên trở nên mơ hồ.
Tôi không xem qua thời gian, ngay lập tức rút từ trong cặp sách ra một tờ giấy trắng, ra sức viết trên giấy:
“Tớ có thể gặp cậu không ?”
Thể chữ lớn gấp ba lần thể chữ thông thường.

Tiếng chuông vang lên, cuộc thi sắp bắt đầu rồi, nhưng tôi vẫn ngồi yên.
Bạn học ngồi bên lắc lắc vai tôi, nhắc tôi phải cầm cặp sách ra hành lang phía ngoài.
Tôi đứng lên, phát hiện ra chân hơi bủn rủn, lại suy sụp ngồi xuống.
Tại thời điểm này, tôi cảm thấy kì thi cuối kỳ không quan trọng một chút nào, cũng chẳng có ý nghĩa.

Thi xong về nhà, đáng lý ra là có thể nghỉ xả hơi một chút, vì ngày mai là được nghỉ học.
Nhưng tôi không thể nào nghỉ xả hơi được, hô hấp càng lúc càng dồn dập.
Cả đêm tôi phát “Danny Boy” làm nhạc nền, cứ như thể bị ma ám.
Tôi tỉ mỉ xem từng tờ từng tờ trong 40 tờ giấy photo những cuộc truyện trò của tôi và cô, xao động trong lòng chưa từng bình lặng.
Nhìn đến phần tô đen, đó là ngụy trang của câu “Nhỡ ra bọn mình không gặp nhau…” , tôi bắt đầu hối hận.
Làm gì có “nhỡ ra” chứ, chỉ cần không nắm bắt, tất cả mọi thứ sẽ rời đi.

Cho dù đã vào kỳ nghỉ, cho dù biết rằng cơ hội rất mong manh, sáng sớm hôm sau tôi vẫn chạy vào phòng học.
Trong phòng học không có một bóng người, tôi đi đến chỗ ngồi, chậm rãi ngồi xuống, cúi đầu nhìn một cái, tờ giấy trong ngăn kéo, chỉ có câu “Tớ có thể gặp cậu không?”, không có nét bút của cô ấy.
Tôi lấy bút ra, không ngừng viết trên giấy: “Tớ có thể gặp cậu không ?”
Một lần rồi lại một lần, viết lên bất kỳ chỗ trống nào trên tờ giấy.

Cho đến khi tờ giấy kín đặc gần như không nhìn thấy khoảng trống, tôi ngừng bút, lẳng lặng nhìn.
Tôi chợt có cảm giác cả thế giới đang bồng bềnh, đang chao đảo.
Sau đó tự đáy lòng trào dâng một nỗi buồn nồng đậm, cuồn cuộn không dứt, gần như nhấn chìm tôi.
Tôi nghĩ, có khi tôi đã khóc.

~*~

* Chú thích:
[1] Chơi chữ:
Câu gốc là易子而教 (Dịch tử nhi giáo): Đổi con cho nhau mà dạy. Vì mình dạy con mình thường không nghiêm bằng người khác.
Ở đây nữ chính chơi chữ, chữ Khiếu (叫: jiao – kêu, gọi) đồng âm với chữ Giáo (教: jiao – dạy dỗ). ↑


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.