Ngoảnh đầu nhìn lại

6.



Lên lớp mười hai, tôi đổi phòng học, từ nay về sau sẽ không còn ai cùng tôi dùng chung ngăn kéo nữa.

Vì trường chúng tôi một khối lớp có 20 lớp, trường bổ túc một khối lại chỉ có 6 lớp, cho nên mỗi một lần lên lớp, chúng tôi sẽ đổi sang tòa nhà khác, còn trường bổ túc từ lớp mười cho đến lớp mười hai đều ở cùng một tòa nhà.

Khi tôi đến học ở một tòa nhà khác, cô ấy cũng thay đổi phòng học, nhưng vẫn ở nguyên tòa nhà ban đầu.

Đơn giản mà nói, trên không gian tòa độ, chúng tôi không hề trùng nhau tại cùng một điểm nữa.

Năm tháng lớp mười hai không có cô ấy, tựa như trong địa ngục không Địa Tạng Vương Bồ Tát.

Tôi chỉ có thể chịu đựng khổ hình, đau khổ đợi chờ ngày đầu thai chuyển thế, không ai có thể độ hóa tôi. (度化)

Tôi thường lấy những trang giấy photo ấy ra xem, nội dung gần như đều có thể đọc làu làu.

Mặc dù kỳ thi tuyển sinh sẽ không hề hỏi, nhưng tôi còn nhớ kỹ hơn bất cứ môn học nào.

Góc phía trên bên trái bảng đen trong phòng học lớp mười hai, bao giờ cũng dùng phấn viết màu đỏ viết một con số.

Đó là đại biểu cho khoảng cách đến kỳ thi tuyển sinh còn bao nhiêu ngày.

Các bạn học khác khi ngắm nhìn nó, có lẽ sẽ sinh ra tư tưởng cảnh giác; nhưng khi tôi thấy con số màu đỏ kia, thường sẽ nhớ tới cô ấy mà chẳng rõ nguyên do.

Sau đó những con chữ trên trang giấy sẽ hiện lên trên tấm bảng đen, tôi thường bởi vậy mà lơ đễnh trong lớp học.

Có hôm tôi quẫn trí, có lẽ nên nói là xúc động nhất thời, sau khi tan học vẫn còn nán lại khuôn viên trường.

Tôi đi đến dưới tòa nhà hồi học lớp mười một kia, đợi học sinh bổ túc đi lên lớp.

Lúc gần đến 6 giờ, học sinh bổ túc lục tục đi vào các phòng học của tòa nhà ấy.

“Có lẽ tôi có thể gặp cô ấy!”

Trong lòng tôi nghĩ vậy, nhịp đập con tim dần dần tăng tốc.

Nhịp tim chỉ tăng tốc một hồi, đột nhiên bị thắng lại khẩn cấp.

Vì lúc này tôi mới nhớ ra, trước giờ tôi chưa từng gặp qua cô ấy, thậm chí đến cả tên và lớp cũng không biết.

Quan niệm trước đây của tôi không hề sai, nếu sau khi tan học có tay nào đó nhàn nhã thưởng thức hoàng hôn trong khuôn viên trường, thế thì nhất định tay đó đang ngã gục dưới áp lực của việc lên lớp, hoặc là phát điên rồi.

Trên một mức độ nào đó, hẳn là tôi gục ngã, hoặc là đã phát điên rồi.

Buổi học ở lớp luyện thi ngày hôm ấy, tôi cũng quên mất là phải đi.

Học kỳ sau của lớp mười hai, bộ giáo dục bãi bỏ quy định cấm để tóc dài, cuối cùng tóc của tôi không hề giống như con nhím nữa.

Tôi phát hiện ra so với Cổ Long tôi khá hơn một chút, chí ít thì “Quy định cấm để tóc dài” vẫn có thể xuất hiện trở lại trong tiểu thuyết.

Thỉnh thoảng tôi sẽ nghĩ, tóc tôi đã dài hơn một chút rồi, cô ấy còn có thể nhận ra tôi không?

Nhưng ngay sau đó liền dở khóc dở cười, chúng tôi chưa gặp gỡ bao giờ, ở đâu ra cái lý lẽ có nhận ra hay không.

Nếu như chưa từng nhớ, vậy không thể nào quên.

Cho dù đã bước giai đoạn chạy nước rút cuối cùng của một tháng trước kỳ thi tuyển sinh, tôi vẫn còn nhớ tới cô ấy.

Băng nhạc cô ấy cho tôi mượn, tôi không kịp trả cô, đêm đêm khi học bài trước bàn học, tôi vẫn thích nghe băng nhạc của cô.

Có khi trong đầu sẽ tưởng tượng cô ấy ôm đàn ghi-ta tự đàn tự hát “Diamonds and Rust”.

“Nghe hay không?”

Tôi gần như có thể nghe thấy cô ấy hỏi như thế.

Công bố kết quả thi tuyển, tôi thi đậu Đại học Thành Công, không những ở cùng một thành phố với trường cũ, mà còn ở ngay bên cạnh.

Bởi thế tôi thường đi ngang qua trường xưa, có đôi lúc sẽ nhìn từ xa tòa nhà thời học lớp mười một ấy.

Tòa nhà ấy tựa như là ký ức vỏn vẹn của tôi về trường cũ.

Kỳ thứ nhất đại học, lớp học còn có hai bạn học nữ; kỳ thứ hai, các nàng đều đã chuyển khoa.

Từ đó, tuổi xuân của tôi tựa như tiểu thuyết võ hiệp, những kẻ đi tới đi lui bên người, cơ hồ đều là nam sinh.

Lâu ngày, tôi bắt đầu nảy sinh nghi hoặc với nhân loại bất đồng giới tính với mình.

Mỗi lần trông thấy con gái trong khuôn viên trường, trong đầu đều sẽ hiện lên theo trình tự:

“Đây là mỹ nữ ư?”, “Chắc đây là mỹ nữ nhỉ?”, “Đây chắc không phải là mỹ nữ đâu ha?”

Ba loại câu hỏi này có cấp độ.

May mà chúng tôi có thể nghĩ ra vô cùng tận các phương pháp làm quen với con gái, tỷ như kết bạn qua thư hoặc là tổ chức giao lưu kết bạn.

Tôi đã từng kết giao với cả thảy ba bạn qua thư, lần nào cũng không bệnh mà chết, cũng đều chưa từng gặp mặt.

Khi kết giao với bạn qua thư thứ nhất, tôi rất phấn khởi, bởi vì việc này khiến tôi liên tưởng đến cô ấy.

Chỉ tiếc là viết thư và viết trên tờ giấy khác biệt khá lớn, thư từ gần như được xem là một loại văn chương, như thể viết văn.

Không giống như ‘ngựa thần lướt gió tung mấy’, thậm chí là tiện tay viết nguệch ngoạc trên tờ giấy.

天马行空 [tiānmǎxíngkōng] : THIÊN MÃ HÀNH KHÔNG ngựa thần lướt gió tung mây (ví với văn chương, thi ca, thư pháp hào phóng, không câu thúc)

Bạn qua thư thứ nhất là một cô nàng có phần nghiêm túc, trong thư thường nói về các thể loại triết học nhân sinh.

“Nếu muốn dưa hấu ăn ngọt hơn, lại phải cho thêm muối. Nhân sinh chính là như vậy.”

Quá sâu xa, cũng vô cùng hão huyền.

Triết học nhân sinh của tôi đơn giản hơn nhiều, đó chính là: ngày ngày không làm việc, vĩnh viễn có tiền tiêu.

Bạn qua thư thứ hai là một cô nàng hoạt bát quá chừng, thường sẽ viết ở đầu thư:

“Chào anh anh giai củi khô, em là em gái lửa cháy phừng phừng.”

Tôi dẫu sao cũng được coi là loại trung hậu thật thà, ấy vậy mà có đánh chết cũng nói không nên lời:

“Hãy thiêu đốt chúng ta đi!”

Bạn qua thư thứ ba chắc hẳn rất bủn xỉn, lúc nào cũng bôi lên tem thư một lớp hồ dán trong suốt, như thế thì khi đóng dấu bưu điện lên, chỉ có thể đóng lên lớp hồ dán đã khô.

Cắt tem từ phong thư xuống, ngâm trong nước một lúc, có thể kéo lớp hồ dán ở mặt ngoài chiếc tem xuống.

Mấy lần chúng tôi liên lạc qua thư, lần nào cũng dùng chung một chiếc tem.

Nhớ khi tôi và cô ấy liên lạc qua giấy, loại chủ đề “gặp gỡ” này đều sẽ bị khéo léo lảng tránh.

Nhưng bất kể tôi thư từ qua lại với bạn qua thư nào, chúng tôi đều sẽ tự nhiên bàn bạc về chủ đề “Gặp gỡ” này.

Chỉ tiếc là các nàng đều không ở cùng thành phố với tôi, có thể là vì lười nhác hoặc là thiếu chút động lực, cuối cùng cũng không gặp được nhau.

Dần dà, hứng thú viết thư phai nhạt, liền cắt đứt quan hệ.

Thư các nàng viết, tôi không giữ lại, đến mất ra làm sao cũng chẳng rõ.

Từng mấy lần tham gia các hoạt động giao lưu kết bạn thời đại học, lần nào cũng làm quen được với các cô nàng rất ổn, sau khi kết thúc giao lưu kết bạn liền hành động ngay.

Có người nói, người đàn ông số 1 khiến phụ nữ kích động; người đàn ông kém một bậc khiến con tim các nàng rung động; người đàn ông bình thường khiến phụ nữ cảm động.

Nhưng bất kể tôi làm như thế nào, các cô nàng đều không vì thế mà lay động.

Sau khi kết thúc giao lưu kết bạn tôi từng cố lấy dũng khí gọi điện thoại mời một cô nàng đi ăn cơm hoặc xem phim, đằng ấy trả lời: “Rất xin lỗi, mình đã nhận lời người khác rồi.”

Cũng đã từng viết thư cho một cô nàng cũng coi như là chơi thân với tôi trong đám bạn hữu, bên ấy hồi âm:

“Hoàn quân minh châu song lệ thùy, hận bất tương phùng vị giá thì.”

Nói một cách khác, sau khi kết thúc giao lưu kết bạn, câu chuyện liền chấm dứt, đến cái tên cũng không còn nằm lại trong trí nhớ.

Lúc tốt nghiệp đại học, đã là thời kỳ đầu những năm 1990.

Tôi tiếp tục học ở viện nghiên cứu, tuy bài vở khá nặng, nhưng vẫn có hoạt động giao lưu kết bạn với các cô gái.

Có lẽ là tuổi hơi lớn, khá là hiểu biết trong ứng xử với người khác phái; cũng có thể là vận khí tốt lên, trong hoạt động giao lưu kết bạn của viện nghiên cứu, tôi lần lượt quen hai cô nàng.

Các nàng thiếu chút nữa là thành bạn gái tôi.

Nàng thứ nhất ít nói, vẻ ngoài rất dịu dàng, nhưng hình như có hơi đa sầu đa cảm.

Có lần khi chúng tôi đang tản bộ trên phố, nàng dịu dàng ít nói bỗng nhiên dừng bước lại, viền mắt đỏ hoe.

“Em làm sao thế?” Tôi hỏi.

“Anh không cảm thấy màu vầng dương trước mắt, khiến cho người ta thương cảm lắm ư?” Nàng dịu dàng ít nói trả lời.

Một lần khác thì là đang đạp thanh ở ngoại ô, bầu không khí trong lành, gió mát hiu hiu, phong cảnh tươi đẹp.

Nàng dịu dàng ít nói lại bất thình lình đổ lệ.

“Em lại làm sao thế?” Tôi hỏi.

“Là mùa xuân!” Nàng dịu dàng ít nói trả lời, “là mùa xuân khiến em rơi lệ.”

Tôi cảm thấy ở bên một cô nàng như vậy, áp lực quá lớn, vì thế không bao lâu liền cắt đứt.

Nàng thứ hai trông rất xinh xắn, nhưng quả tình là tính cách có chút mơ hồ viển vông.

Nàng xinh gái khóc khi vui sướng, khóc khi tức giận, khóc khi cảm động, khóc khi buồn chán, nhưng khi đau lòng lại không hề khóc.

Thay vào đó, khi đau lòng sẽ cười sằng sặc.

Nhưng điệu cười sằng sặc khi đau lòng của nàng xinh gái thật sự rất quỷ dị, tôi buộc lòng phải nói:

“Anh van em cứ khóc đi.”

“Anh mặc dù là người tốt, nhưng chúng ta không hợp. Xin anh sau này đừng đến tìm tôi nữa.”

Sau khi nàng xinh gái nói xong, lại là một tràng cười như điên.

Tuy tách khỏi nàng xinh gái là chuyện tốt, nhưng nghe con gái chủ động nói thế, vẫn thấy buồn buồn.

Còn nhớ ngày hôm ấy sau khi về nhà, tôi áp sát chiếc cặp đo nhiệt độ cơ thể cô ấy tặng tôi vào trán.

Từ sau khi cô ấy rời đi, những năm gần đây tôi thường có loại động tác gần như vô thức này.

Nhưng trước đây đều sẽ hiện lên mặt cười màu xanh, nhưng lần này lại là mặt mếu màu trái quýt.

Không rõ đây là do cơ thể nhiễm lạnh?

Hay là cảm lạnh trong tim?

Chưa từng được dạy nên ứng xử với người khác phái như thế nào, vì vậy chỉ có thể mò mẫm tiến lên.

Thời kì này có lẽ đã phải chịu một chút tổn thương, có lẽ cũng đã không cẩn thận làm tổn thương người khác.

Mỗi lần sau khi kết thúc một câu chuyện ngắn ngủi cùng một cô gái, tôi đều sẽ nhớ tới cô ấy.

Cũng thường tưởng tượng nếu như là cô ấy, câu chuyện hẳn là có thể có kết quả mỹ mãn.

Sau đó tôi sẽ lấy bốn mươi trang giấy photo ấy ra, tỉ mỉ hồi tưởng từng chút từng chút chuyện trước đây.

40 trang giấy này tuy chỉ là bản sao chụp con chữ, nhưng thực ra cũng là bản sao chụp ký ức.

Cho dù là ba năm sau, năm năm sau, mười năm sau thậm chí là còn lâu hơn nữa, chỉ cần tôi vừa nhìn thấy những con chữ này, là có thể hồi tưởng rõ ràng mỗi một ngày, mỗi một sự kiện, và mỗi một phần cảm động thuở ấy.

Có một số thứ có sinh mệnh, nhưng không có tình cảm; có một số thứ có tình cảm, nhưng không có sinh mệnh.

Trong Đại học giảng viên thích áp bức sinh viên là cái trước, còn 40 trang giấy photo đó lại là cái sau.

Sau khi tốt nghiệp viện nghiên cứu đi làm lính, lúc ấy người tốt nghiệp viện nghiên cứu sẽ làm thiếu úy trung đội trưởng.

Có lẽ vì tôi là một trung đội trưởng ôn hòa, trong trung đội thường có anh em khóc lóc kể lể với tôi chuyện bạn gái thay lòng.

Tôi không có kinh nghiệm bị người yêu vứt bỏ, chỉ có thể cố gắng lĩnh hội và an ủi.

Sau đó tôi sẽ vui mừng vì tôi và cô ấy chưa từng ở bên nhau, đương nhiên cũng không tồn tại vấn đề phản bội.

Cuộc sống trong thời kỳ đi lính rất đơn giản nhưng cũng rất buồn khổ, cứ răm rắp tuân theo chỉ thị, khỏi phải suy nghĩ là có lý hay không có lý.

Tôi cảm thấy hình như tôi đang ngờ nghệch đi, phản ứng cũng đã chậm chạp, vì rất ít khi vận dụng đầu óc.

Chỉ có lúc đêm khuya nằm trên giường lơ đễnh nhớ tới cô ấy, tôi mới có thể dùng tới bộ óc.

Có khi không ngủ được, tôi sẽ lén lút lấy 40 trang giấy kia ra, đọc từng từ từng chữ ở trên.

Có lẽ cũng bởi thế, mà quãng thời gian này tôi mơ thấy cô ấy rất nhiều lần.

Nhưng khuôn mặt cô ấy trong giấc mộng luôn mơ hồ, chỉ có cây đàn ghi-ta cô ấy ôm là rõ nét.

Đôi khi trong giấc mộng còn có thể nghe thấy tiếng đàn ghi-ta hòa với giọng ca của cô ấy.

Hai năm làm lính, khi xuất ngũ đã là thời kỳ giữa những năm 1990.

Lúc này internet đang lặng lẽ phát triển.

Tôi bắt đầu lên mạng, cũng bởi thế mà quen được mấy người bạn online, thường truyền bóng nước cùng các nàng.

Tuy phương thức truyền tin này rất giống với kiểu liên lạc qua giấy với cô ấy thời trung học, nhưng trước đây khi cùng cô ấy liên lạc qua giấy, mười lần qua lại cần đến mười ngày; nhưng mười lần bóng nước đi về trên internet lại không tới 10 phút đồng hồ.

Thứ tình cảm này có lúc giống như từ nước nho trở thành rượu nho, cần phải có thời gian ủ rượu và lên men.

Tiếc là những thứ trên internet mau chóng quá, thiếu thời gian ủ rượu và lên men, bởi thế mà tình cảm góp nhặt được, đến cũng nhanh, mà đi cũng vội vàng.

Vừa mới xuất ngũ đã tìm nhà ở Đài Nam, đi làm cho một công ty cố vấn công trình, công việc coi như không tệ, nhưng thường phải chén chú chén anh xã giao với nhà thầu.

Nơi xã giao thường thường ánh đèn có hơi mờ tối, rượu Tây có hơi đắt, con gái có hơi nhiều.

Còn nhớ lần đầu tiên đi vào nơi xã giao, vừa mới thấy oanh oanh yến yến, tôi còn sợ đến nỗi tông cửa xông ra.

Cho dù rất không hợp với loại xã giao này, nhưng bao giờ cũng thoái thác mà chẳng thoái thác được.

Tôi đành phải gượng ngồi trong góc giả bộ tự bế.

Lần nọ có một cô nàng ngồi kế bên tôi, thao thao bất tuyệt kể cho tôi nghe cảnh đời long đong lận đận của nàng.

Kể đến chỗ đau lòng, khóc lóc như thể thầy u đã mất.

“Tóm lại, long đong nhở!”

Cô nàng đi đến kết luận, lại khóc lóc một trận, thế là thầy u lại mất thêm lần nữa.

Đồng nghiệp len lén bảo tôi, mấy cô nàng ở đây thích giả bộ đáng thương với mấy cha trông có vẻ trung hậu thật thà.

Vì các nàng cho rằng đàn ông càng trung hậu thật thà thì càng dễ cho các nàng mõi hết gia sản.

Đồng nghiệp tôi nói chẳng sai, bởi vì bản mặt tôi trông quá trung hậu thật thà, vả lại ngồi trong một xó cũng trung hậu thật thà nốt, vì thế tôi đã nghe cả thảy bốn cô nàng kể bốn câu chuyện long đong, hơn nữa mỗi câu chuyện long đong gần như đều trớ trêu na ná như nhau.

“Tóm lại, long đong nhở!”

Đến kết luận cũng giống nhau như đúc.

Tôi thấy người trung hậu thật thà như tôi không thích hợp nghe mấy câu chuyện lận đận long đong này nữa, vì thế tích cực chuẩn bị thi công chức.

Sau khi hai năm xuất ngũ, tôi thi đậu cuộc sát hạch tuyển chọn nhân viên công vụ, được phân công đến đơn vị ở Đài Đông.

Tôi rời Đài Nam, lúc này cách thời điểm tốt nghiệp trung học vừa tròn mười năm, cách thời điểm cô ấy rời đi tròn 11 năm.

Cuộc sống của tôi ở Đài Đông đơn giản và quy luật, dẫu sao cũng là nhân viên công vụ tuân theo pháp luật, phụng sự việc công.

Trong đơn vị có rất ít đồng nghiệp nữ, hơn nữa đa số đã kết hôn, tôi đành phải thanh tâm quả dục.

Tôi một mình thuê nhà ở bên ngoài, sau khi tan tầm về nhà thường bám lấy cái ti vi.

Lần nọ trên tivi chiếu bộ phim điện ảnh cũ “Bữa sáng ở Tiffany’s”, khi thấy Audrey Hepburn ngồi bên khung cửa sổ ôm đàn ghi-ta tự đàn tự hát “Moon River”, vậy mà tôi lại nhớ tới cô ấy.

Tôi chưa bao giờ gặp cô ấy, không biết trông cô ấy có giống Audrey Hepburn không, nhưng cũng không mong là cô ấy giống.

Đương nhiên càng không rõ sức mê hoặc khi chơi ghi-ta của cô ấy và Audrey Hepburn có như nhau hay không.

Sở dĩ nhớ tới cô ấy, hẳn là bởi hình ảnh “Ngồi bên khung cửa sổ ôm đàn ghi-ta tự đàn tự hát” .

Tôi không nén nổi phác họa trong đầu, mai này một ngày nào đó khi gặp gỡ cô ấy, sẽ là cảnh tượng nào đây.

Cô ấy có thể chơi đàn ghi-ta trước mặt tôi không?

Nếu như cô ấy có thể, hẳn là sẽ chơi “Diamond sand Rust” nhỉ.

Có một tối tâm tư xáo động, định bụng thuê mấy bộ phim để xua đi đêm trường đằng đẵng một mình thâu canh.

Lúc đi loanh quanh trong cửa hàng cho thuê VCD, thấy trên kệ có đĩa VCD Live Concert của Joan Baez, tôi không chút do dự thuê nó.

Sau khi về nhà ngay lập tức phát trong máy tính, nhanh chóng chuyển tới bài “Diamonds and Rust”.

Tóc Joan Baez đã ngắn đi, hơn nữa tóc đã điểm màu tro, mái tóc không còn vừa dài vừa đen nhánh như thuở trẻ.

Cho dù năm tháng lưu lại trên người Joan Baez những vết tích hằn sâu, âm sắc cũng trở nên khá trầm thấp, nhưng Joan Baez vẫn ôm đàn ghi-ta đứng trên sân khấu tự đàn tự hát như ngày xưa.

Khi tôi nghe đến câu “Thirty years ago I bought you some cufflinks”, tôi vừa mừng vừa sợ, tiện tay cầm lấy một tờ giấy trên bàn, viết lên giấy:

“Ối chà, cậu nói chuẩn thế. Khi Joan Baez hát “Diamonds and Rust”, ngày tháng trong ca từ quả nhiên sẽ đổi thay theo thời gian.”

Nhưng khi tôi muốn đặt tờ giấy vào ngăn kéo, lại nhận ra bàn máy tính của mình không có ngăn kéo.

Trong nháy mắt ấy, tôi mới nhớ ra nơi này không phải là phòng học hồi lớp mười một, mà cô ấy đã sớm đi xa.

Không ngờ rằng đã qua lâu như thế, tôi vẫn còn có thói quen viết giấy.

Tôi không khỏi cảm thấy trào dâng nỗi buồn.

Thuở tôi và cô ấy gặp gỡ, lời ca của Joan Baez là Twenty years ago;

Giờ đây, Joan Baez đã bắt đầu hát Thirty years ago rồi.

Trí nhớ, cho dù có đôi khi tệ hơn rất nhiều so với trong tưởng tượng, nhưng có những lúc lại tốt đến nỗi vượt ra khỏi hình dung của bạn.

Cũng như quy luật người mù bởi vì không nhìn thấy cho nên thính giác nhạy bén hơn người bình thường; và người điếc, bởi vì không nghe được nên thị giác sắc bén hơn hẳn kẻ khác, bởi vì tôi chưa bao giờ gặp cô ấy, cho nên ký ức nằm trên những tờ giấy lại càng sáng rõ.

Quy luật hình thành trong chốc lát, tốc độ mất đi sẽ càng nhanh hơn, lặng lẽ hơn.

Thế kỷ hai mươi mốt đến, địa cầu vẫn chưa hủy diệt, cũng không nhận thấy dấu hiệu sắp xảy ra ngày tận thế.

Thời đại vốn chỉ chầm chậm trôi về phía trước, nhưng sau khi khoa học công nghệ máy tính cùng với internet phát triển, dòng chảy của thời đại lại biến thành dòng nước lũ.

Con người quyến luyến không muốn rời xa chốn cũ, không có cách nào chống lại dòng nước lũ, chỉ có thể bị đẩy đi, chìm chìm nổi nổi.

Băng nhạc bị CD thay thế, CD bị MP3 thay thế;

Băng ghi hình bị VCD thay thế, VCD bị DVD thay thế.

Điện thoại cố định biến thành điện thoại di động, BBS biến thành BLOG.

Công dụng của ngón tay không còn là cầm bút viết chữ nữa, mà là dùng ngón tay nhấn phím.

Kỳ thi tuyển sinh Đại học cũng không còn là cánh cửa hẹp, cửa đã rộng mở rồi.

Thậm chí thuật ngữ “Liên khảo” này, cũng bị “Chỉ khảo” thay thế. [1]

Một ngày nào đó mai này, khi tôi kể cho con nghe về đủ loại áp lực của kỳ thi tuyển sinh, có lẽ nó sẽ cho rằng tôi đang giỡn.

Nếu tôi và cô ấy gặp nhau ở thời đại này, hơn nữa vẫn gặp nhau khi đang học lớp mười một. Như vậy chúng tôi có thể chỉ phải liên lạc qua giấy một lần.

“MSN của cậu là gì? Hoặc IM?” [2]

Sau đó chúng tôi sẽ không chuyền giấy trong ngăn kéo, mà là ngồi trước máy tính dùng MSN trò chuyện.

Tựa như lời ca “The way we were”:

“Nếu chúng ta có cơ hội làm lại một lần nữa, chúng ta còn có thể đơn thuần như trước đây không? Có thể viết lại từng đoạn thời gian ngắn ngủi không?

Có thể chứ?

Làm được ư?”

“Chúng tôi không thể quay về nữa.”

Trương Ái Linh có nói thế này trong “Bán sinh duyên” (Duyên nửa đời).

Tôi và cô ấy cũng không thể quay về những năm tháng ấy, tình tiết ấy, nỗi lòng ấy.

Gần 30 tuổi đến Đài Đông công tác, hiện giờ cũng đã ngoài 30.

Đồng nghiệp trong đơn vị thấy tôi độc thân đã lâu, cuộc sống lại đơn giản, cứ thích trêu gọi tôi là trạch nam. [3]

Làm trạch nam cũng không tồi, chí ít là có tấm lòng lương thiện, bởi vì có câu thành ngữ “Trạch tâm nhân hậu”. [4]

Đám đồng nghiệp cho rằng tôi nhất định rất là nhân hậu, bèn thu xếp giúp tôi mấy hoạt động từa tựa như xem mặt.

Mặc dù tôi hẳn cũng coi như là người tốt, các cô gái mà đồng nghiệp giới thiệu cũng đều rất tốt; nhưng hai người rất tốt ở bên nhau, chưa chắc sẽ sinh ra kết quả tốt đẹp.

Cũng như ăn lẩu rất ngon, kem cũng quá ổn, nhưng vẫn không thể thêm kem vào trong lẩu đó thôi.

Vì thế tôi và những cô gái này, cuối cùng cũng không thể đơm bông kết trái.

Chuyên gia tâm lý học tội phạm thường nói, tội phạm giết người hàng loạt bất kể đã giết bao nhiêu người, bao giờ cũng thích quyến luyến quanh quẩn ở hiện trường án mạng nơi sát hại người đầu tiên.

Tâm lý của tôi hẳn cũng tương tự tội phạm giết người hàng loạt, bởi vì nhiều năm đã qua như vậy, tôi vẫn thường nhớ tới cô ấy, cũng thường nghiền ngẫm những trang giấy đó.

Nhưng bạn có biết không?

Mặt Trăng đang dần dần rời xa Trái Đất với tốc độ gần 4cm/năm.

Một ngày nào đó, Mặt Trăng sẽ hoàn toàn tách rời Trái Đất, không quay quanh Trái Đất nữa.

Cũng giống như bạn cũ, thậm chí là người tình đã lâu không gặp hay không liên lạc, thực ra họ đang từng chút từng chút một, bằng tốc độ thong thả mà chúng ta tuyệt nhiên không thể nhận ra, lặng lẽ rời khỏi cuộc đời chúng ta.

Tôi tin cô ấy cũng sẽ như thế.

Tục ngữ nói: Phá oa tự hữu lạn oa cái.

Ý là cái nồi dù cũ nát thế nào đi chăng nữa, tự nhiên sẽ có cái vung rách nát tương xứng với nó.

Trong một dịp tình cờ, tôi đã tìm được cái vung của mình.

Ngày nọ đám đồng nghiệp rủ nhau đến cảng cá Phú Cương ăn hải sản, cửa tiệm đó trước đây đã từng đi mấy lần, cũng coi như quen biết.

Mở tiệm là một cặp mẹ con, cô con gái còn nhỏ hơn tôi vài tuổi, được đám đồng nghiệp đặt biệt danh là “Phú Cương Chi Hoa”.

Hôm ấy chúng tôi ăn uống tới khuya, các khách hàng khác đều đã về hết, cô con gái bà chủ bèn đến tán gẫu cùng cả bọn.

“Mở quán hải sản, sợ nhất gặp phải loại người nào?” Phú Cương Chi Hoa hỏi.

Đám đồng nghiệp nhao nhao trả lời: người không trả tiền, người kiêng hải sản, người sợ mùi cá, vân vân…

Đẳng cấp của đồng nghiệp tôi chỉ đến đây, khiến cho người ta bùi ngùi.

Lúc này tôi chợt nhớ trước đây cô ấy cũng thường thích hỏi tôi kiều đề này, không kềm nổi buột miệng nói ra:

“Người nhện!”

Tất cả mọi người giật nảy mình, bèn hỏi tôi: “Vì sao là người nhện?”

“Vì người nhện không ăn hải sản.” Tôi trả lời.

“Sao không phải là Batman, Superman, Hulk, X – Men, Naruto…”

Có tay đồng nghiệp rất kích động, lớn tiếng nói: “Tại sao chỉ có người nhện không ăn hải sản?”

“Người nhện còn có thể chiu chíu phun ra rất nhiều tơ nhện, sẽ làm bẩn quán.” Tôi nói, “những sợi tơ nhện này rất khó quét dọn, nếu quét dọn không sạch sẽ, khách hàng sẽ cho là trong quán không hợp vệ sinh, cũng sẽ không đến thăm quán nữa. Vì thế mở quán hải sản, sợ nhất là gặp người nhện.”

Sau khi tôi nói xong, tất cả mọi người há to mồm, nói không nên lời.

Sau đó tay đồng nghiệp kích động ấy của tôi hình như đã ngã gục.

Lúc tính tiền, Phú Cương Chi Hoa bảo muốn chiết khấu cho 20%.

“Đáp án vừa rồi của anh vô lý quá chừng, rất là tức cười.” Phú Cương Chi Hoa chỉ vào tôi, vừa nói vừa cười, “đáp án người nhện này thật sự là… “

Phú Cương Chi Hoa tức thở vì cười, không có cách nào nói cho hết lời.

Giữa những cơn gió lạnh ào ào do truyện cười nhạt nhẽo tôi kể mang lại, Phú Cương Chi Hoa vừa không tê cóng cũng chẳng ngã gục, đám đồng nghiệp cho là tôi và Phú Cương Chi Hoa nhất định rất có duyên, nhân cơ hội muốn vun vén cho chúng tôi.

Sau khi họ nghe ngóng được Phú Cương Chi Hoa vẫn còn độc thân, ấy thế là đi tìm mẹ Phú Cương Chi Hoa bàn bạc.

Mẹ Phú Cương Chi Hoa không yên lòng về chuyện chung thân đại sự của con gái, hơn nữa ấn tượng đối với chúng tôi cũng không tệ lắm, liền ôm chặt thái độ vui vẻ xem việc thành công.

Tần suất chúng tôi đến tiệm hải sản ấy trở nên cao hơn, thời gian nán lại mỗi lần cũng dài hơn.

Mẹ Phú Cương Chi Hoa sẽ chủ động hỏi tôi một số chuyện, tỷ như sẽ hỏi tôi vì sao vẫn chưa lập gia đình?

“Hung Nô vị diệt, hà dĩ gia vi?” Tôi buột miệng.

(Hung Nô chưa diệt, cần nhà làm chi)

Chỉ trách tôi đầy bụng kinh luân, hễ mở miệng ra là nói có sách, mách có chứng, thật sự là hao tổn tâm trí.

May mà hình như mẹ Phú Cương Chi Hoa chưa nghe đến Hoắc Khứ Bệnh bao giờ, có nghe cũng chẳng hiểu tôi đang nói gì, tưởng là tôi nói câu gì vĩ đại lắm, vì thế ấn tượng đối với tôi càng tốt.

Đám đồng nghiệp rất hi vọng tôi và Phú Cương Chi Hoa ở bên nhau, như thế thì sau này khi ăn hải sản có thể được hời chút chút.

“Rèn sắt phải nhân lúc còn nóng, ăn hải sản phải nhân lúc tươi sốt.” Đám đồng nghiệp luôn xúi giục tôi như thế.

Còn có người chủ động bày mưu, đề nghị tôi thuê thuyền đưa Phú Cương Chi Hoa ra biển, sau đó nói:

“Hãy nhìn đi! Biển cả sóng lớn cuộn trào này, chính là biểu tượng cho tình yêu của anh.”

Nhưng người có thể nghĩ ra kiểu đối thoại này đã lập gia đình rồi, hơn nữa còn đầm ấm hạnh phúc, mà tôi lại là người cô độc.

Có thể nói là đời người quả nhiên chẳng có công bằng chính nghĩa.

Tình tiết yêu đương ở tuổi ba mươi mấy, thường sẽ không xuất hiện cao trào liên tục, trắc trở không ngừng; cũng sẽ không có quan hệ tay ba lằng nhằng rắc rối hoặc là không cẩn thận xảy ra tai nạn giao thông rồi mất trí nhớ.

Càng không thể thể xuất hiện tình tiết sau khi bàn đến chuyện cưới xin rồi, mới phát hiện ra đôi bên là anh em cùng cha khác mẹ.

Chỉ cần hợp nhau, tính cách khác biệt không quá nhiều, tu thành chính quả cũng không hề khó.

Phú Cương Chi Hoa tính thật dịu hiền, lòng bao dung rất lớn, có thể đón nhận không ít thiếu sót trong tôi.

Hơn nữa, Phú Cương Chi Hoa vừa không bất thình lình muốn rơi lệ khi mùa xuân đến, vừa không cười ha ha nói: “Em gặp tai nạn giao thông rồi. Ha ha, em gặp tai nạn giao thông rồi. Yeah!”

Bởi thế quan hệ qua lại giữa tôi và Phú Cương Chi Hoa tuy buồn tẻ, nhưng trước sau cứ êm đềm trôi về phía trước.

Nhớ lần đầu tiên tôi mời Phú Cương Chi Hoa đi xem phim, Phú Cương Chi Hoa chỉ bảo:

“Có thể xem suất chiếu nửa đêm không ạ?”

“Đương nhiên có thể.” Tôi nói, “em thích xem suất nửa đêm?”

“Không. Vì hôm nay là thứ Bảy, trong tiệm khá bận. Em sợ mẹ em bận quá không kham nổi.”

Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy Phú Cương Chi Hoa sẽ là người bạn đời tốt nhất.

Sau một năm rưỡi cùng Phú Cương Chi Hoa đi lại, tôi đã có ý định thành gia thất.

Trong tiểu thuyết, có thể sẽ xuất hiện một nam nhân vật chính bí mật mua nhẫn và một bó hoa to, lái chiếc thuyền nhỏ đưa nữ nhân vật chính ra ngoài khơi, sau đó quỳ một gối xuống mà gào thét:

“Hãy nhìn đi! Biển cả sóng lớn cuộn trào này, chính là biểu tượng cho tình yêu của anh. Bởi thế xin em hãy lấy anh đi!”

Thế nhưng sóng lớn cuộn trào mãnh liệt, ngoài có thể dùng để mô tả tình yêu ra, dìm chết người ta cũng rất dễ dàng.

Nữ nhân vật chính nếu đủ bình tĩnh, chắc hẳn sẽ nói: “Đưa chúng ta bình an quay về đất liền trước đã, để sau hãy nói.”

Trong hiện thực cuộc sống, khoảng hai tuần sau khi Tết Ân lịch vừa kết thúc, có một đêm tôi và Phú Cương Chi Hoa sóng vai ngồi bên bờ biển.

Chúng tôi rất yên lặng, bốn phía cũng rất yên lặng, chỉ nghe thấy tiếng sóng biển có quy luật.

Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời sao một cái, hạ quyết tâm, sau đó quay đầu hỏi Phú Cương Chi Hoa:

“Mùa thu năm nay kết hôn được không?”

“Được ạ.” Phú Cương Chi Hoa cười cười.

Cũng chỉ là thế thôi.

Đời người tựa như quá trình đợi tàu vào cảng.

Sau khi dãi dầm sóng gió nơi biển khơi, cuối cùng tàu chạy vào khu vực cảng, men theo đường thủy chầm chậm tiến lên.

Tàu càng chạy càng chậm, biên độ dao động càng lúc càng nhỏ.

Cuối cùng ngừng lại, hạ neo, không phiêu bạt nữa.

Song, giữa sóng gió biển cả, tàu sẽ mong ngóng vào cảng thả neo;

Nhưng một khi vào cảng thả neo xuống rồi, lại bắt đầu nhung nhớ sóng gió ngoài khơi.

Khi neo tàu đã cố định tôi lại nhớ tới cô ấy, liền lấy 40 tờ giấy photo kia ra ôn lại.

Bỗng nhiên tôi muốn nghe “Diamonds and Rust”, đó là một loại mong muốn hết sức khát khao.

Dù băng nhạc của cô ấy vẫn còn, nhưng bên mình từ lâu đã không còn thứ gì có thể phát chúng.

Tôi tìm kiếm trên YouTube, bất ngờ tìm thấy video Live Concert của Joan Baez ở Pra-ha năm nay, cũng chính là năm 2007.

Joan Baez đã sáu mươi sáu tuổi, vẫn đứng trên sân khấu, ôm đàn ghi-ta tự đàn tự hát.

Chất giọng bổng trong trẻo và ngân vang khi còn trẻ đã không còn thấy nữa, cất lời ca lên như có vẻ hụt hơi.

Lúc đang bùi ngùi rằng năm tháng chẳng bỏ qua một ai, tôi nghe thấy:

“Forty years ago I bought you some cufflinks…”

Nội tâm tôi cuồn cuộn tung trào, vô cùng kích động.

Lại mười năm nữa trôi qua, Joan Baez bắt đầu hát Forty years ago.

Tôi muốn gặp cô ấy, cũng muốn để cô ấy gặp tôi.

Đôi nam nữ học sinh trung học 17 tuổi cùng chung một chiếc bàn học, và còn trao đổi giấy trong ngăn kéo năm ấy, câu chuyện thanh xuân đã qua giữa họ không phải là một giấc mộng, mà là sự tồn tại chân thực.

Nhưng tôi nên làm thế nào đây?

Tôi vừa không biết tên cô ấy, vừa không biết bất cứ phương thức liên lạc nào của cô, còn không biết nên bắt đầu tìm kiếm từ đâu nữa.

Tôi rơi vào một loại trạng thái tuyệt vọng, liên tục hơn mấy ngày.

Cho đến một ngày khi làm việc muốn sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm tư liệu, ánh bình minh mới ló dạng.

Trong ô vuông tìm kiếm của Google, chẳng phải nhích xuống một chút là sẽ thấy những thứ đã được tìm kiếm trước đó sao?

Ngày hôm ấy tôi tình cờ thấy trong một chuỗi dài những thứ này nọ phía dưới ô vuông, xuất hiện:

“Ngân hàng Đài Tân + Kho bạc + Sơ đồ + Thời gian đổi gác.”

Rốt cuộc muốn làm gì thế? Định cướp ngân hàng à?

Quả nhiên là cánh rừng lớn, loài chim nào cũng có. Thế mà lại có người lên mạng tìm kiếm thông tin cướp ngân hàng.

Tôi bất chợt phúc chí tâm linh [5], dùng hai câu nói mà trước đây tôi và cô ấy đều nghĩ mãi không ra —— “Nhân giai kiến hoa thâm thiên xích, bất kiến minh đài ải bán tiệt” làm từ khóa, bắt đầu tìm kiếm.

Không ngờ lại tìm được một Blog, miêu tả ở trang chủ Blog chính là:

Nhân giai kiến hoa thâm thiên xích, bất kiến minh đài ải bán tiệt.

Tôi vừa phấn khởi vừa hồi hộp.

Thông tin về chủ Blog rất ít, chỉ biết là nữ, ở San Francisco.

Photo album cũng thêm vào rất nhiều bức ảnh về San Francisco, tiếc là không có hình người.

Trong blog có viết một số bài thảo luận về những bài hát phương Tây xưa, còn có một số ghi lại tâm trạng.

Tôi mất ba giờ để đọc hết tất cả các bài viết, căn bản không thể khẳng định có thực là cô ấy hay không?

Đành phải viết E-mail.

“Mạo muội làm phiền. Hai câu “Nhân giai kiến hoa thâm thiên xích, bất kiến minh đài ải bán tiệt” này, khiến tôi nhớ tới một người bạn tôi quen hồi trung học.

Chẳng rõ bà nghe hai câu nói này từ đâu?

Nếu tiện, xin hãy nói cho tôi biết, điều này rất quan trọng với tôi. Cảm ơn.”

“Hai câu này do tôi mơ thấy, không phải nghe được.

Ông cũng khiến tôi nhớ tới một người bạn tôi quen hồi trung học.

Nếu ông là cậu ấy, xin hãy nhập mật mã qua cửa.”

Mật mã qua cửa?

Tôi vừa không hiểu ra làm sao, vừa lục lại 40 tờ giấy photo kia để tìm manh mối.

Xem vài tờ thì chợt hiểu.

“19, 69, 10, 15, 22, 48.”

“Ôi, đúng là cậu rồi!

Nhiều năm không gặp, cậu có khỏe không?

Thời gian trôi đi nhanh quá, thoáng chớp mắt chúng ta đã không còn thanh xuân niên thiếu nữa.

Bây giờ tớ đang ở San Francisco, đã được bảy năm rồi, lúc rảnh rỗi hoan nghênh cậu đến chơi.

If you’re going to San Francisco

Be sure to wear some flowers in your hair…”

Cô ấy quả nhiên là thích nghe những bài hát phương Tây xưa, thuận tay viết ra là ca từ của “San Francisco”: “Nếu em đến San Francisco, đừng quên cài mấy đóa hoa trên tóc.”

“Tớ ở Đài Đông gần mười năm rồi, công việc rất ổn định.

Nếu cậu tới Đài Đông, không cần cài hoa trên tóc đâu, tớ vẫn có thể mời cậu ăn Thích Già. [6]

Cơ hội tớ đi San Francisco khá là ít, khả năng tớ đi Houston là cao hơn.

NASA muốn tìm người đổ bộ lên Sao Hỏa, tớ lo họ sẽ tìm đến tớ.”

“Cậu vẫn thích kể những câu chuyện cười nhạt nhẽo 0 điểm như thế.

Công việc của tớ ở đây xem như nhàn nhã, cũng không tệ lắm.

Trị an của Mỹ không tốt, công cụ phòng trộm cậu tặng rất hữu dụng.

Không ngờ nhiều năm đã qua đi như vậy, bất chợt có thể nhận được E-mail của cậu, điều này không khỏi làm tớ nhớ tới ca từ của “Diamonds and Rust”.

Này, cậu nhất định vẫn đang lóng lánh như kim cương nhỉ.”

“Tớ đã không còn giống kim cương, chỉ là cơm nguội canh hẩm. Cậu còn chơi ghi-ta nữa không?”

“Mấy năm nay rất ít đàn. Nhưng bây giờ tớ lại có cảm hứng muốn chơi đàn ghi-ta.”

“Đáng tiếc, tai tớ không có phúc, không thể nghe.”

“Ngàn vạn đừng nói thế. Đúng rồi, năm nay vừa khéo tròn 20 năm tốt nghiệp trung học, các bạn lớp tớ muốn tổ chức gặp mặt đồng môn. Kỳ nghỉ hè năm nay có thể tớ sẽ quay về Đài Loan.”

“Vậy thì có thể chúng ta sẽ gặp nhau.”

“Đúng vậy. Có thể đấy.”

Khi liên lạc với cô ấy qua E-mail, tuy tôi xúc động và hưng phấn, nhưng trước sau vẫn tồn tại cảm giác xa lạ.

Mãi đến sau này, chúng tôi coi tương tác qua E-mail như viết trên giấy, tôi mới tìm lại được một chút quen thuộc.

Nhưng quen thuộc thì sao?

Tốt nghiệp trung học đã 20 năm, thế nên cô ấy rời đi đã tròn 21 năm.

Khi gặp cô ấy, cô ấy là một thiếu nữ trẻ trung 17 tuổi, giờ đây cô ấy đã là người phụ nữ trưởng thành 38 tuổi.

Trong 21 năm tinh hoa nhất của đời người, chúng tôi hoàn toàn không xuất hiện cùng nhau.

Tôi có thể nói với cô ấy những gì?

Quá khứ xa xôi? Bây giờ nơi này nơi ấy cách nhau mấy ngàn km? Hay là tương lai của mỗi người?

Tôi và Phú Cương Chi Hoa đã có ước hẹn đến bạc đầu, những tháng ngày sau phải hiểu nhau gần nhau.

Mà cô ấy có lẽ đã kết hôn sinh con từ lâu, có khi con của cô ấy đang ở vào độ tuổi khi tôi và cô ấy gặp nhau.

Cho dù trong lòng tôi, sự tồn tại của cô ấy có ý nghĩa đặc biệt, hơn nữa thời gian càng lâu ý nghĩa càng mới mẻ;

Nhưng trong lòng cô ấy thì sao?

Chuyện liên lạc qua giấy ngày xưa ấy, có phải chỉ là khúc nhạc đệm ngắn ngủi trong cuộc đời cô ấy không?

Hay là đã sớm xa xôi như thể ký ức mơ hồ của kiếp trước?

Tôi còn có thể kể với cô ấy nỗi lòng mình không?

Không thể quay về nữa, thực sự không quay về được nữa rồi.

Hơn nữa, nếu tôi và cô ấy thực sự có cái gọi là “Nỗi lòng”, hẳn là nên dốc bầu tâm sự với người thương của mỗi người.

Hồi ức dù đẹp thế nào chăng nữa, cũng nên cẩn thận cất dấu trong góc tối.

Những người ôm ghì hồi ức quá khứ, sẽ không thể nào bay về phía tương lai.

Tuy tôi và cô ấy đều phấn khởi vì cuộc tương phùng bất ngờ này, nhưng không gian thời gian đã sớm thay đổi.

Giọng điệu của tôi và cô ấy trong E-mail có vẻ khách sáo, còn có một loại cảm giác xa lạ xua cũng chẳng đi.

Cho dù chúng tôi coi E-mail như giấy để viết, cũng vẫn không thể gọi những rung động của tuổi 17 tuổi quay về.

Bởi tôi và cô ấy đã không dùng chung ngăn kéo nữa rồi.

Dần dần, chúng tôi không liên lạc qua E-mail nữa, chỉ giữ lại những điều tốt đẹp khi tương phùng.

Nhưng tôi vẫn muốn gặp cô ấy một lần.

Đến lượt tôi tin tưởng tự đáy lòng, tôi và cô ấy nhất định sẽ gặp gỡ.

Ở góc phía trên bên trái của tờ giấy photo đầu tiên và tấm thiệp Giáng sinh cô ấy tặng tôi đều viết thế này:

“Phật nói, kiếp trước năm trăm lần ngoảnh lại nhìn nhau, mới đổi được một duyên gặp gỡ thoáng qua kiếp này.”

Tôi tin, nhất định kiếp trước tôi và cô ấy đã ngoảnh nhìn lại hơn cả năm trăm lần.

Cho nên, tôi và cô ấy nhất định sẽ gặp gỡ.

Nhất định.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.