Ngoảnh đầu nhìn lại

7.



Kỳ nghỉ hè năm nay, tôi đến trường Thành Đại (Trường Đại học Quốc gia Thành Công) tham dự một hội nghị nghiên cứu và thảo luận học thuật, hai ngày một đêm.

Sau khi ngày hội nghị đầu tiên kết thúc, tùy hứng dạo bước trong khuôn viên trường Thành Đại.

Đi tới đi lui, chợt nhớ cô ấy từng nói nghỉ hè có thể sẽ quay về Đài Loan tổ chức gặp mặt đồng môn, nếu vậy có lẽ cô ấy sẽ quay về thăm trường trung học xưa một chút nhỉ?

Ý nghĩ này vừa nảy ra, tôi lập tức xoay người rời khỏi khuôn viên trường Thành Đại, đi ra ngoài cổng trường Thành Đại.

Chỉ mất năm phút đi đường, là đã đến cổng trường trung học xưa.

Sau khi tốt nghiệp trung học, cho dù là khi học đại học và khi học ở viện nghiên cứu vẫn thường xuyên đi qua cổng trường xưa, nhưng chưa bao giờ đi vào.

Đến nay, cuối cùng 20 năm sau khi tốt nghiệp, lại đi vào trường cũ.

Hôm nay là thứ Bảy, trường không có lớp học, trong sân trường không có ai qua lại, thật yên tĩnh.

Nhớ thuở trước đi học, chính sách một tuần nghỉ hai ngày còn chưa thực hiện, thứ Bảy vẫn phải đi học.

Tuy được nghỉ nhiều hơn là chuyện tốt, nhưng những năm gần đây tôi thường cảm thấy may mắn vì khi ấy không được nghỉ thứ Bảy, vì nếu thế thì quãng thời gian cùng cô ấy liên lạc qua giấy ấy, một tuần có thể có sáu lần cả đi lẫn về, mà không phải là năm lần.

Rất nhiều tòa nhà đã bị dỡ bỏ, những tòa nhà mới được xây lên trên nền cũ, khuôn viên trường nơi đã từng ngồi đây ba năm thoạt nhìn thật xa lạ.

Điều quen thuộc duy nhất, là tòa nhà hồi học lớp mười một kia.

Tòa nhà ấy vẫn có ba tầng, tuy mặt tường ngoài đã quét màu mới, nhưng vẫn chưa xây dựng lại.

Chen chúc giữa những tòa nhà mới xây đủ loại kiểu dáng, tòa nhà này lộ ra vẻ cũ kỹ và nổi bật.

Tôi chậm rãi đi về phía nó, khi khoảng cách ước chừng còn lại 30 bước chân, nghe thấy một trận cười đùa ầm ĩ.

Dưới sự thôi thúc của lòng hiếu kỳ, tôi đến gần hướng truyền tới thanh âm.

Âm thanh truyền ra từ một gian phòng học nào đó ở tầng một, tôi dừng bước trên hành lang phía ngoài phòng học.

Trong phòng học có khoảng 30 người, nam nữ đều có.

Tuy phần đông trông chừng như ba, bốn mươi tuổi, nhưng xem ra người tầm năm mươi tuổi cũng có.

Có lẽ những người này trước đây là học sinh tốt nghiệp trường bổ túc thì phải.

Tiếng cười đùa trong phòng học bỗng dưng ngưng bặt, vài giây sau truyền đến tiếng đàn ghi-ta.

Trên bục giảng có một người con gái ôm đàn ghi-ta ngồi trên ghế tự đàn tự hát.

Bài hát cất lên là “Donna Donna”, bài hát của JoanBaez, cũng là bài hát phương Tây đầu tiên cô ấy có thể đàn được.

Tôi hơi hoảng hốt, len lén quan sát người con gái chơi ghi-ta này.

Người con gái này mặc áo sơmi cotton trắng, quần Jeans màu xanh đậm, kiểu tóc đơn giản mà gọn gàng, là kiểu tóc ngắn cắt ốp sát đầu.

Tuy ngắm chừng đã hơn 30 tuổi, nhưng trên gương mặt thanh tú lộ ra ba phần ngây thơ.

Tôi không rõ người con gái này chơi ghi-ta hay đến thế nào, nhưng giọng ca rất êm tai, trong trẻo và rõ ràng.

Tuy hát bài hát tiếng Anh, nhưng nhả chữ và phát ẩm đều rất tự nhiên, không mang theo những âm điệu khó hiểu.

Tôi nghe xong một hồi, có chút mê mẩn, cứ đứng ngây người ở hành lang.

Bất chợt, tim tôi đập rộn lên, bởi vì tôi liên tưởng người con gái này với cô ấy.

Có thể là cô ấy không?

Lẽ nào lớp các cô tổ chức gặp mặt đồng môn vừa khéo vào ngày hôm nay, chọn đúng gian phòng học này?

Có thể không?

Tim tôi đập càng lúc càng nhanh, trái tim sắp theo miệng vọt ra.

Nhưng chẳng bao lâu một thùng nước lạnh liền dội thẳng từ trên đầu xuống.

Thứ nhất, những người dùng thời gian nghỉ hè để tổ chức gặp mặt đồng môn rất nhiều; Thứ hai, gian phòng học này ở tầng một, mà phòng học hồi tôi học lớp mười một lại ở tầng hai.

Bởi vậy tôi thấy thật khó mà hình dung nổi là cô ấy sẽ xuất hiện trong gian phòng học này.

 “Donna Donna” đã hát xong, trong phòng học tiếng vỗ tay vang như sấm dậy còn kèm theo cả những tiếng “Nữa đi”.

Người con gái vốn định đứng lên xuống sân khấu, nhưng không chịu nổi tiếng hô hào năm lần bảy lượt ở phía dưới, đành phải ngồi xuống lại.

Trong khoảnh khắc ngồi xuống, người con gái hơi quay đầu qua, vừa vặn đối diện với ánh mắt tôi.

Người con gái mỉm cười, nụ cười ấy như nói rằng: “Hoan nghênh.”

Cũng như hỏi rằng: “Nghe hay chứ?”

Tôi có chút ngượng ngùng, với lại cứ đứng mãi trên hành lang hình như cũng không lịch sự cho lắm.

Tôi hướng về phía người con gái gật đầu, liền xoay người rời đi.

Đi được vài bước, phía sau lại truyền đến giai điệu đàn ghi-ta hòa cùng tiếng ca người con gái.

Lần này là “Jack a roe”, lại là bài hát của Joan Baez.     

Tôi không nén nổi ngừng bước chân.

Rõ ràng người con gái này thích những bài hát của Joan Baez, cũng giống như cô ấy.

Nhưng nếu người con gái này thật sự là cô ấy, tại sao không đàn “Diamonds and Rust”?

Nghĩ thông suốt điểm ấy, tôi liền thấy thất vọng.

Cất tiếng thở dài trong lòng, sau đó chầm chậm bước về phía trước, tiếng ca “Jack a roe” phía sau càng lúc càng mờ nhạt.

This couple they got married

So well they did agree

This couple they got married

So why not you and me

Oh, so why not you and me…

Đôi tình nhân ấy đã lên vợ lên chồng, hơn nữa cũng khá là hạnh phúc mỹ mãn.

Đôi tình nhân ấy đã lên vợ lên chồng, cớ sao anh và em không thể?

Cớ sao anh và em không thể?

Cô ấy nói chẳng sai, giai điệu và ca từ của “Jack a roe”, đều một toát ra sự bi thương không thể hóa giải.

Trước đây khi nghe “Jack a roe” chẳng hề thấy muộn phiền, nhưng lúc này nghe thấy, lại có cảm giác đau đớn trong tim.

“Cớ sao anh và em không thể?”

Đúng thế, vì sao tôi và cô ấy không thể bên nhau?

Tôi không muốn sa vào loại cảm xúc sầu thương ấy, bèn sải bước đi đến cửa cầu thang, sau đó nhanh chóng leo cầu thang lên tầng hai.

Tôi bước vào phòng học hồi lớp mười một, nhìn xem bốn phía, dường như có chút thay đổi, mà cũng như không thay đổi.

Nhiều năm đã qua như thế, ấn tượng sâu đậm nhất đối với gian phòng học này, chính là vị trí nơi tôi ngồi.

Bàn học dù đã thay mới, nhưng vẫn là loại bàn học phía dưới có không gian có thể dùng làm ngăn kéo.

Tôi ngồi ở chỗ ngồi ngày trước, cúi đầu thoáng nhìn, ngăn kéo trống rỗng.

Tay phải vô thức luồn vào ngăn kéo, trước kia đây là động tác đầu tiên sau khi tiến phòng học, ngồi xuống.

Trong ngăn quả nhiên không có bất cứ thứ gì, chỉ có một lớp bụi mờ mờ.

Tôi lấy từ trong bóp da ra một tờ giấy nhỏ, viết lên giấy: “Tớ có thể gặp cậu không?”

Sau đó nhẹ nhàng đặt vào ngăn kéo.

Mặc dù có chút vô vị, nhưng những năm gần đây, tôi luôn muốn làm thế này.

Sau khi tựu trường, đàn em khi vào học nhìn thấy tờ giấy này, chắc sẽ hoảng hốt lắm nhỉ.

Liệu cậu ta có giống tôi, nghi ngờ là ma quỷ không?

Tôi ngồi thẳng dậy, khẽ tựa vào lưng ghế, nhìn bảng đen.

Hai mươi mốt năm trôi qua, bảng đen ấy vẫn màu xanh, nhưng cứ mãi gọi là bảng đen.

“Xin chào.”

Tôi nghe thấy tiếng quay đầu lại, người con gái vừa dùng đàn ghi-ta tự đàn tự hát “Donna Donna”, đang đứng ở cửa phòng học, đàn ghi-ta của cô ấy đeo bên vai trái.

Tôi có chút sửng sốt, nhưng vẫn hướng về cô ấy gật đầu, xem như chào hỏi.

“Đây là trường cũ của tôi.” Cô ấy nói.

“Tôi biết.” Tôi nói.

“Anh không thấy kỳ lạ sao?” Cô ấy nói, “một nữ sinh tốt nghiệp từ trường nam sinh?”

“Đây cũng là trường cũ của tôi.” Tôi nói, “bởi thế tôi biết buổi tối ở đây có trường bổ túc, mà trường bổ túc có nhận học sinh nữ.”

“Thì ra chúng ta là bạn cùng trường.” Cô ấy cười cười.

“Các cô đang tổ chức gặp mặt đồng môn à?” Tôi hỏi.                

“Vâng.” Cô ấy nói.                         

“Buổi họp mặt kết thúc rồi?”

“Chưa đâu.” Cô ấy nói, “tôi chỉ chuồn lên đây một lát, muốn chơi một ca khúc trong gian phòng học này.”

“Chơi một ca khúc?”

“Vâng.” Cô ấy gật đầu.

Cô ấy chậm rãi đi vào phòng học, quan sát chung quanh một lượt, phản ứng giống như tôi khi vừa mới bước vào phòng học.

“Gian phòng học vừa rồi ấy, là phòng học hồi lớp mười hai của tôi.” Cô ấy nói, “bởi vì học sinh bổ túc chúng tôi trước giờ chưa từng ngắm khuôn viên trường lúc xế chiều, bèn chọn tổ chức họp mặt đồng môn ở phòng học.”

“Bầu không khí của buổi gặp mặt rất sôi nổi, tình cảm bạn bè ở lớp các cô nhất định rất tốt.”

“Vâng. Nhưng nếu để cho tôi chọn, tôi sẽ chọn gian phòng học này để tổ chức gặp mặt đồng môn.”

“Vì sao?”

“Gian phòng học này, là phòng học của tôi hồi lớp mười một.” Cô ấy vừa thở thẩn bước, vừa nói:

“Tình cảm của tôi đối với gian phòng học này rất sâu đậm.”

“Hồi lớp mười một tôi cũng học ở gian phòng này.”  Tôi nói.

“Ơ?” Cô ấy ngây ra một lúc, sau đó cười nói: “Thật trùng hợp.”

Cô ấy dừng lại ở khoảng cách cách tôi ba bước chân.

“Tôi có thể ngồi trên chiếc ghế bây giờ anh đang ngồi không?” Cô ấy hỏi.

“Ờ?” Tôi có chút giật mình, đứng lên bước hai bước khỏi chỗ ngồi, “mời ngồi.”

Cô ấy tháo cây đàn ghi-ta từ trên vai trái xuống, tiện tay đặt trên bàn học bên cạnh, sau đó đến gần chỗ ngồi của tôi.

“Cảm ơn.” Sau khi ngồi xuống cô ấy nói, “Hồi lớp mười một tôi đi học ngồi ngay ở vị trí này.”

Tôi vốn muốn nói là: Tôi cũng thế.

Nhưng không hiểu sao, lại có chút hồi hộp, nói không nên lời.

“Cô chơi ghi-ta rất được.” Sau khi ổn định lại tâm trạng, tôi nói.

“Cảm ơn.” Cô ấy nói, “Chơi ghi-ta là thói quen của tôi hồi học trung học, cũng là hứng thú.”

“Thói quen hồi trung học của tôi là đọc sách, hứng thú cũng là đọc sách”

“Giọng điệu trò chuyện của anh, rất giống một người bạn tôi quen hồi lớp mười một.” Cô ấy mỉm cười, “tôi muốn trong chính gian phòng học này, ngồi ở vị trí này, chơi một ca khúc vì người bạn ấy.”

Tay phải cô ấy nhẹ nhàng vuốt ve mặt bàn, chậm rãi, như trút được gánh nặng, thở ra một hơi.

Hơi ngẩng đầu nhìn bảng đen, ngửa đầu nhìn trần nhà, lại quay đầu nhìn bốn bức tường.

Sau đó cúi đầu thoáng nhìn qua ngăn kéo.

Đột nhiên cô ấy như thể bị khiếp sợ, bật dậy như cây cung, miệng phát ra một tiếng kêu “A” kinh hãi.

Sau vài giây ngừng lại, cô ấy vươn tay lấy tờ giấy tôi vừa mới viết trong ngăn kéo ra.

Cô ấy nhìn tờ giấy một cái, lập tức ngẩng đầu chăm chú nhìn tôi.

“Đó là do tôi viết.” Tôi nói, “hồi học lớp mười một, sáng hôm nao cũng có thể tìm thấy trong ngăn kéo tờ giấy một người viết cho tôi, mà tôi cũng sẽ viết trên tờ giấy ấy mấy chữ, rồi đặt lại vào ngăn kéo.”

“Chắc là do học sinh trường bổ túc ngồi cùng chỗ với anh viết.” Cô ấy nói.

“Cô đoán đúng rồi.” Tôi nói, “nhưng mới đầu tôi còn tưởng là ma quỷ dọa tôi đấy?”

“Ấy là vì anh ngốc.” Cô ấy cười cười, “là chính anh coi học sinh trường bổ túc như là ma quỷ.”

“Chỉ trách tôi không thu dọn ngăn kéo gọn gàng sạch sẽ.” Tôi cũng cười cười, “đáng bị dọa.”

Cô ấy đầy hàm ý nhìn tôi một cái, nói:

“Anh biết không? Khi tôi học lớp mười một, chạng vạng mỗi ngày vội vội vàng vàng vào phòng học, việc đầu tiên tôi làm chính là ngồi tại chỗ viết giấy, sau khi viết xong đặt vào ngăn kéo.”

“Tôi…” Tôi đột nhiên nói lắp, không thể tiếp lời, một lát sau, mới gắng gượng nói ra:

“Bây giờ tôi đã biết.”

“Ngay tại gian phòng học này, tôi đã quen một tên nam sinh trung học đơn điệu buồn tẻ, không có tinh thần tập thể.”

“Thật trùng hợp.” Tôi nói, “tôi cũng đã quen một nữ sinh bổ túc thuần khiết thoát tục, tấm lòng thiện lương ngay tại gian phòng học này.”

 “Có thể mượn anh cây bút không?” Cô ấy hỏi.

Tôi đưa bút cho cô ấy, cô ấy vươn tay đón lấy.

Cô ấy viết mấy chữ trên tờ giấy nhỏ kia, lại đưa tờ giấy cho tôi.

Trên tờ giấy, ở phía dưới “Tớ có thể gặp cậu không?”, có một hàng chữ thẳng tăm tắp:

“Tớ cũng muốn gặp cậu.”

Chúng tôi chăm chú nhìn nhau, đôi bên đều không rời mắt đi, như thể đang ngóng trông tuổi xuân đã qua.

Tuy chỉ có mười mấy giây đồng hồ, nhưng dài đằng đẵng như 21 năm đã trôi đi mất ấy.

Khi ánh mắt trở nên hơi mơ hồ, tôi phá vỡ sự im lặng đầu tiên, nói:

“Gian phòng học này dường như không thay đổi.”

“Phòng học không có gì thay đổi, nhưng cảnh sắc ngoài cửa sổ đã thay đổi rất nhiều.” Cô ấy thoáng nhìn ngoài cửa sổ. Không gian thời gian trong ngăn kéo có lẽ đã ngừng lại vào năm đó, nhưng thế giới bên ngoài cửa sổ lại không ngừng tiến bước và đổi thay.

 “Phật nói, năm trăm lần ở kiếp trước ngoảnh lại nhìn nhau, mới đổi được một duyên gặp gỡ thoáng qua ở kiếp này.” Tôi nói.

“Phải là: Phật nói, kiếp trước năm trăm lần ngoảnh lại nhìn nhau, mới đổi được một duyên gặp gỡ thoáng qua kiếp này.”

Cô ấy cười cười, “cậu thừa hai từ rồi.”

“Xấu hổ quá.” Tôi cũng cười cười, “đây là thói quen xấu được dưỡng thành từ sau lần viết bài văn một vạn chữ nào đó hồi lớp mười một.”

“Xem ra lần viết văn ấy, ảnh hưởng đối với cậu rất lớn.”

“Đúng vậy.” Tôi gật đầu, “bây giờ tớ viết bài sẽ thêm ‘rằng, thì, là, mà’ lung tung khắp nơi.”

“Cậu dirty quá rồi.” Cô ấy nở nụ cười, gương mặt hơi có vẻ ngây thơ trông càng trẻ trung hơn.

“Nhưng nếu không có lần viết văn ấy, tớ sẽ không thể quen cô nữ sinh bổ túc thuần khiết thoát tục, tấm lòng thiện lương kia.”

“Nếu không quen cô nữ sinh kia, e là bây giờ cậu vẫn là tên nam sinh trung học đơn điệu buồn tẻ, không có tinh thần tập thể.”

“Chắc là thế nhỉ.”               

“Vậy cậu cho rằng, đời trước chúng ta tổng cộng đã ngoảnh lại bao nhiêu lần?”

“Không rõ con số cụ thể, nhưng chắc chắn là đã vượt quá năm trăm lần.”

Chúng tôi nhìn nhau cười, có thể gặp gỡ thoáng qua là đã không uổng công kiếp trước ngoảnh đầu nhìn lại.

“Muốn nghe “Diamonds and Rust” không?” Cô ấy nói.

“Thế này thì phải ngoảnh nhìn lại một nghìn lần trở nên đấy.” Tôi nói, “thảo nào đời này tớ cứ thấy cổ mỏi nhừ suốt, nhất định là kiếp trước ngoảnh đầu nhìn lại nhiều lần lắm.”

“Vậy sau khi nghe xong, cậu sẽ giàn dụa nước mắt nước mũi ư?”

“Chắc chắn.” Tôi cười cười, “cũng như nghe phải truyện cười nhạt nhẽo của ai đó.”

Cô ấy đứng lên, đi đến bên chiếc bàn vừa đặt đàn ghi-ta, lôi đàn ghi-ta từ trong vỏ bọc ra .

Tôi chợt phát hiện ra trên vỏ bọc đàn ghi-ta của cô ấy có treo hai hạt màu đỏ, nhìn kỹ, là đậu tương tư.

Theo tầm mắt tôi, cô ấy cũng nhìn thấy hai hạt màu đỏ kia, liền cười nói:

“Cậu thật khéo nhặt. Cũng đã qua hai mươi mốt năm, hai hạt đậu này vẫn đỏ như thế.”

Ký ức tôi trong nháy mắt quay trở về cổng trường ngày dông bão của hai mươi mốt năm trước.

Bên tai dường như vang lên tiếng cuồng phong rít gào giận dữ khi ấy, cả người cũng có ảo giác ướt đẫm.

Đến khi tôi lấy lại tinh thần, cô ấy đã so dây, ôm đàn ghi-ta trước người, thuận thế ngồi trên bàn học.

“Rất nhiều năm rồi không chơi bài này.” Cô ấy nói, “nếu đàn sai cũng đừng cười tớ.”

“Cậu đã quên là tớ vốn không rành về nhạc cụ rồi à? Cậu có đàn sai tớ cũng không biết.” Tôi cười cười, “cậu chỉ cần chú ý dây đàn ghi-ta, có thể sẽ đứt đấy.”

“Ừ, vì cậu là anh hùng.” Cô ấy cười rất hồ hởi, “cho nên tớ sẽ cẩn thận.”

Sau đó cô ấy thu lại tiếng cười, cúi đầu, thử gảy mấy hợp âm.

“Tớ chuẩn bị xong rồi.” Cô ấy ngẩng đầu hỏi, “cậu chuẩn bị xong chưa?”

“Ừ.” Sau khi hít sâu một hơi, tôi gật đầu.

Nhưng khi ngón tay cô ấy vạch ra một đường cong đầu tiên trên dây đàn ghi-ta, tôi chợt rất xúc động.

Hai mươi mốt năm rồi, cho dù thời gian giống như trong ca từ của “River of no return”, vĩnh viễn không quay trở lại, nhưng tôi vẫn còn nhớ rõ câu chuyện về “Diamonds and Rust” cô ấy kể cho tôi trên giấy.

Khúc dạo ghi-ta của “Diamonds and Rust” dài khoảng 30 giây, đã chậm 21 năm 30 giây.

Khúc dạo còn đang dìu dặt, cô ấy còn chưa cất lời ca, tôi đã cảm thấy khóe mắt ươn ướt.

“Well, I’ll be damned… Here comes your ghost again…”

Cô ấy mới hát câu đầu tiên, nước mắt tôi đã không an phận mà ầng ậc trong hốc mắt, thiếu chút nữa thôi là tràn mi.

Khi cô ấy hát nét mặt thật bình thản, nhìn không ra bất cứ dao động nào, cho tới khi hát đến câu kia:

“Forty years ago I bought you some cufflinks…”

Trên mặt cô ấy mới hé ra nụ cười.

Còn tôi trước sau vẫn mượn cách hít thở sâu để giữ yên sóng cả ở trong lòng.

“Yes, I love you dearly

And if you’re offering me diamonds and rust

I’ve already paid. . .”

Giai điệu ghi-ta dần dần ngừng lại, sau đó hoàn toàn yên lặng.

Trong mắt cô ấy lấp lánh ánh lệ, nhưng trên mặt tràn đầy thỏa mãn.

Tôi cũng cảm thấy thỏa mãn, hơn nữa là nước trong hốc mắt đã sớm đầy tràn.

“Sắp vào lớp rồi.” Cô ấy nhìn hướng ánh mặt trời chiếu tới, khe khẽ nói.

“Đã tan học được một lúc rồi.” Tôi cũng thoáng nhìn qua hướng mặt trời chiếu tới.

Mà ánh mặt trời lúc hoàng hôn, đang nghiêng nghiêng rắc vào ngăn kéo, trong ngăn kéo tỏa ra một luồng ánh vàng óng ả mà ấm áp.

~ The End ~

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.