NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương V



Một bóng dáng cao lớn theo đường mòn, bước nhanh nhẹn đến chỗ chúng tôi.

– Bà dì Edith đấy – Sophia rỉ tai tôi.

Bà dì đã đến gần. Bà đội một chiếc mũ phớt dị hình, mặc một chiếc váy cũ và một áo săng-đay cũng không mới lắm. Tôi đứng dậy. Sophia giới thiệu :

– Charles Hayward, thưa bà… Bà dì em, tiểu thư xứ Haviland.

Edith de Haviland chừng bảy mươi tuổi. Tóc hoa râm biếng chải và có nước da rám nắng của những người thích ở ngoài trời.

– Cậu khỏe chứ? – Bà vừa hỏi vừa chằm chằm nhìn tôi một cách tò mò – Tôi đã nghe nói về cậu. Hình như cậu mới ở phương Đông về. Cha cậu có khỏe không?

– Rất khỏe, cháu cám ơn bà.

– Tôi biết bố cậu khi ông còn là một cậu bé. Tôi biết rất rõ mẹ ông. Cậu giống bà nội lắm. Thế nào, cậu đến giúp đỡ chúng tôi hay là ngược lại?

Tôi cảm thấy khó chịu.

– Cháu hy vọng cháu sẽ giúp gia đình ta ít nhiều.

Bà gật đầu chấp nhận.

– Có thể đó không phải là điều xấu! Ngôi nhà chật ních những cảnh sát. Họ lục lọi khắp nơi và trong số họ có nhiều bộ mặt dữ tợn. Tôi không hiểu sao một chàng trai có học thức như cậu lại vào ngành cảnh sát. Hôm nọ tôi nhìn thấy thằng bé Moyra Kinoul đang điều khiển giao thông cách cổng Marbre Arch 1 hai bước chân. Khi trông thấy thế, ta tự hỏi trái đất có còn quay nữa không!

Bà nói với Sophia :

– Vú muốn gặp cháu. Về món cá…

– Xin chờ một chút! – Sophia kêu to – Cháu đến ngay đây.

Cô đi về phía ngôi nhà. Bà già không chồng và tôi đi đằng sau cô.

– Không có Vú trung hậu ấy – Bà bảo – chúng tôi chết mất. Đó chính là lòng trung thành… Vú làm tất cả: Giặt giũ, là ủi, bếp núc, dọn dẹp cửa nhà… Một đầy tớ gái hiếm thấy! Chính bản thân tôi đã tìm chọn chị ấy nhiều năm về trước đấy.

Bà cúi xuống để giật bỏ một dây bìm bìm mắc vào gấu váy bằng một cử chỉ mạnh mẽ.

Khi ngẩng lên bà nói tiếp :

– Cậu Charles Hayward này, tôi rất thích nói để cậu biết rằng chuyện này làm tôi hết sức phiền lòng. Tôi sẽ không hỏi cậu, cảnh sát nghĩ gì về việc ấy, bởi vì tất nhiên cậu không có quyền nói cho tôi biết, nhưng về phần mình, tôi khó mà tin rằng Aristide bị đầu độc. Tôi cũng đau đớn về cái chết của ông ấy. Tôi không bao giờ yêu quý ông ấy cả, không bao giờ, nhưng tôi không thể làm quen được với ý nghĩ là ông ấy không còn nữa. Ông ấy ra đi, ngôi nhà quá… quá trống vắng!

Tôi giữ im lặng không nói. Edith de Haviland dường như sẵn sàng nhắc lại các kỷ niệm của mình.

– Sáng nay tôi nghĩ về điều đó. Tôi đến đây đã nhiều năm. Trên bốn mươi năm… Tôi đã đến đây khi chị tôi mất theo đề nghị của chính Aristide. Bà ấy để lại cho ông những bảy đứa con, đứa nhỏ nhất chưa đầy một tuổi… Tôi sẽ không nhường quyền giáo dục những đứa trẻ ấy cho người xa lạ phải không? Tôi nhất trí với cậu rằng Marcia đã có một cuộc hôn nhân kỳ quặc. Tôi vẫn có cảm giác rằng cô ấy đã bị bỏ bùa bởi lão lùn vừa xấu xí vừa dung tục ấy. Nhưng tôi phải thừa nhận là ông ấy đã để cho tôi tự do hoạt động. Lũ trẻ có đủ thứ cần thiết nào vú nuôi, nào bảo mẫu… và chúng được nuôi dưỡng rất nghiêm chỉnh.

– Thế nên bà vẫn ở lại cả khi họ đã trưởng thành?

– Phải. Thật kỳ lạ, nhưng đúng như thế. Tôi nghĩ tất nhiên là vì khu vườn này quyến rũ tôi… Cuối cùng là vấn đề của Philip. Khi một người đàn ông lấy một nữ diễn viên thì anh ta không thể coi là mình sẽ có một tổ ấm. Tại sao các nữ diễn viên lại có con? Họ đẻ ra chúng và bỏ đi biểu diễn các tiết mục của mình ở Edimburg hoặc ở đầu kia trái đất. Philip đã có một quyết định đúng đắn: anh ta đã trụ lại ở đây cùng với các cuốn sách.

– Ông ấy làm nghề gì?

– Anh ấy viết sách. Tại sao? Tôi tự hỏi như thế! Chẳng ai thèm đọc sách anh ta, các sách hiệu đính các chi tiết lịch sử mà không ai bận tâm. Cậu đã đọc chúng chưa?

Tôi thú thực là chưa đọc.

– Đáng tiếc cho anh ta là – Bà nói tiếp – anh ta có quá nhiều tiền trong khi mọi người phải nai lưng ra kiếm sống.

– Các sách của ông có đem về cho ông nhuận bút lớn không?

– Không phải thế! Anh ta được coi như làm mẫu mực cho thế kỷ nào tôi không biết nữa, nhưng anh ta không cần phải làm ra tiền bằng các cuốn sách của mình. Aristide muốn tránh phải chi trả các quyền thừa kế nên đã cho anh một ngân phiếu mấy trăm ngàn bảng Anh. Một khoản tiền lớn kinh khủng! Anh ta cũng như các con mình, đều độc lập về tài chính. Roger lãnh đạo công ty cung cấp thực phẩm, một ngành kinh doanh về ăn uống. Sophia có những khoản lợi tức rất lớn và tương lai các đứa trẻ được bảo đảm.

– Vậy thì việc ông lão Leonidès chết không có lợi riêng cho ai phải không ạ?

Bà già không chồng dừng lại nhìn tôi bằng con mắt kinh ngạc.

– Cậu nói đùa! Ông ấy chết thì có lợi cho mọi người. Họ còn nhận được rất nhiều tiền! Vả lại để có được mọi thứ mong muốn họ chỉ cần yêu cầu.

– Theo bà, thưa bà De Haviland, theo bà ai đã giết chết ông ấy? Bà có một ý kiến chứ?

Bà đáp không do dự :

– Không có gì cả! Tôi chán chuyện ấy lắm, vì nó làm tôi đau lòng mà nghĩ rằng có một tên phản bội trong nhà, nhưng tôi nghĩ rằng cảnh sát sẽ đặt điều đó lên đầu của Brenda tội nghiệp.

– Bà nói thế như thể bà tin chắc rằng làm như vậy cảnh sát sẽ phạm một sai lầm?

– Thẳng thắn mà nói, tôi không biết gì hết. Tôi vẫn coi cô ấy như một người khá ngờ nghệch, bình dân và rất tầm thường. Không phải vì thế mà tôi nhận xét cô ấy là một kẻ đi đầu độc. Mặc dù thế, khi một cô gái hai mươi bốn tuổi đi lấy một ông lão gần tám mươi, thì người ta có quyền nghĩ rằng cô kết hôn vì tiền. Bình thường, Brenda có thể tự nhủ, khi mình đã trở thành bà Leonidès thì chẳng bao lâu nữa cô sẽ trở thành một góa phụ được hưởng nhiều lợi tức. Nhưng Aristide lại có cuộc sống rất dài, bệnh tiểu đường của ông không trầm trọng thêm và dường như ông nhất định sống đến một trăm tuổi. Có lẽ cô ấy đã chán đợi chờ…

– Tình thế mà…

Bà Edith không cho phép tôi nói nốt.

– Tình thế mà mọi điều đều có thể tốt nhất rồi. Nhưng rốt cuộc cô ấy cũng không thuộc về gia đình này đâu!

– Bà không quan tâm đến các giả thuyết khác?

– Quả là không!

Điều này có chắc chắn lắm không? Tôi không tin. Bà Edith có lẽ biết nhiều hơn bà ấy công nhận và tôi tự hỏi biết đâu chính bà ấy đã đầu độc Aristide Leonidès?

Tại sao không? Lúc nãy bà ấy đã giật cái dây bìm bìm ấy bằng một cử chỉ dứt khoát và cương quyết. Tôi nghĩ tới điều Sophia đã bảo tôi. Tất cả những người thường trú ở nhà “Ba Đầu Hồi” đều có khả năng giết người.

Với điều kiện là có lý lẽ xác đáng và đầy đủ.

Vậy những điều kiện ấy của Edith de Haviland là gì?

Tôi tự đặt câu hỏi cho mình nhưng để trả lời câu hỏi đó, tôi phải biết thêm về bà già không chồng này.

——————————–
1 Marbre Arch, cổng cũ của Hyde Park là một công trình nổi tiếng nhất của Luân Đôn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.