NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương XI



Tôi bước vào văn phòng của bố tôi tại Cục canh sát khi Taverner kể xong một việc với giọng đầy thất vọng.

– Thế là chúng ta đã ở đây rồi! – Anh ta nói – Tôi gần như biết rõ những gì họ nghĩ trong lòng và như thế tôi đã nhận được cái gì? Chẳng có gì cả! Những động cơ ư? Chỉ là con số không. Không ai trong số họ bị hạ gục cả và toàn bộ những gì chúng ta có để chống lại người đàn bà và người tình của chị ta chỉ là chàng lặng lẽ ngắm nàng bằng đôi mắt ưu tư mơ mộng khi nàng rót cho chàng một tách cà phê.

– Thôi, thôi, Taverner! – Tôi nói – Nếu anh muốn thì tôi có thể cung cấp cho anh những chuyện thú vị hơn thế!

– Thật à? Vậy thì anh nắm được cái gì nào?

Tôi ngồi xuống, châm một điếu thuốc rồi tôi dốc hết bầu tâm sự :

– Roger Leonidès và vợ có lẽ thứ ba tới sẽ chuồn ra nước ngoài. Roger và bố già đã có một cuộc tranh luận huyên náo đúng ngày hôm ông già ấy chết. Cụ đã khám phá ra điều gì đó không được suôn sẻ và Roger đã tự thú nhận tội lỗi.

Đôi má Taverner đỏ bừng lên :

– Anh lấy tất cả chuyện đó ở chỗ quái quỷ nào thế? Chắc hẳn anh đã phỏng vấn bọn gia nhân…

– Tôi chẳng hỏi họ cái gì cả. Tôi nắm tình hình nhờ vào một thám tử tư.

– Anh đang úm tôi cái trò gì đấy?

– Xin nói thêm rằng, như trong các tiểu thuyết trinh thám hay nhất, chàng thám tử tư này bỏ xa đằng sau mình các mật thám công. Ngoài ra, tôi còn tin rằng chàng ta còn biết nhiều hơn những gì chàng đã thổ lộ cho tôi.

Taverner mở miệng muốn nói rồi ngậm miệng lại chẳng nói năng gì. Có biết bao câu hỏi anh ta muốn đặt ra mà anh chẳng biết bắt đầu bằng câu nào trước. Cuối cùng anh nói :

– Vậy thì Roger hẳn là một kẻ chẳng ra gì?

Tôi cũng thấy thế. Nhưng không vui. Roger có thiện cảm với tôi và ông hơi chán tôi vì tôi đem cảnh sát vào nhà ông. Rõ ràng là Josephine có lẽ đã nói dối tôi mà tôi cũng rất ngờ vực chuyện ấy. Giá mà nó đã nói thật thì tình hình chắc chắn sẽ khác hẳn. Nếu Roger đã biển thủ ngân quỹ của công ty cung ứng thực phẩm và nếu cha ông ta đã khám phá ra sự việc thì người ta có thể tìm thấy ở vụ án mạng một lời giải, Roger thủ tiêu ông già và rời bỏ nước Anh trước khi sự thật được phát giác.

– Trước hết – Bố tôi bảo – phải biết rõ công việc kinh doanh của công ty cung ứng thực phẩm ra sao đã. Nếu đây là một cuộc phá sản thì vấn đề sẽ vô cùng quan trọng!

– Nếu như công ty đang gặp khó khăn – Taverner phát biểu – thì vấn đề đã được giải quyết. Ông già Leonidès cho gọi Roger đến chất vấn. Kẻ kia hết đường chối cãi phải nhận tội. Brenda lúc ấy đang ở rạp chiếu bóng. Roger từ phòng cha ra, đi đến phòng tắm, dốc cạn một lọ insuline rồi lại rót đầy lọ ấy bằng một dung dịch ésérine, thế là ngón đòn hiểm đã xong! Ít ra thì vợ ông ta cũng đã nhận đảm đương công việc này. Bà ta đã kể cho chúng ta rằng, ngày hôm ấy, lúc bà trở về nhà, bà đã đi sang cánh bên kia của ngôi nhà, nói là để tìm ở đó một cái píp chồng bà bỏ quên. Rất có thể là bà ta chỉ đến đó để đánh tráo các lọ trong nhà tắm trước khi Brenda quay về. Đây là một phụ nữ rất bình tĩnh nên tôi thấy rằng bà rất có thể đã làm chuyện ấy!

– Tôi đồng ý – Taverner lại nói – Tôi còn thấy rằng bà ta trong vai trò này lại tốt hơn chồng rất nhiều. Hơn nữa, Roger tất nhiên không thể nghĩ ra ésérine. Thuốc độc chính là một trò đàn bà!

– Những kẻ đầu độc… đã có đấy! – Bố tôi nói – Mà cũng nhiều.

– Đồng ý! Nhưng bọn chúng không bị quy kết như Roger.

– Vậy anh có tin rằng Pritchard có giống với một kẻ đầu độc không?

– Thế thì ta cứ cho là cả hai đều là thủ phạm…

– Và đặc biệt coi chừng phu nhân Macbeth! – Bố tôi bổ sung, còn Taverner thì đi ra cửa.

Thanh tra đã đi khỏi, bố tôi mới quay sang tôi hỏi :

– Sự so sánh vừa rồi, con thấy có được không?

Tôi nhớ tới thân hình kiều diễm của Clemency Leonidès, tôi đáp :

– Không đến nỗi thế! Phu nhân Macbeth là hiện thân của lòng ham hố. Con không tin rằng Clemency Leonidès lại là người hám lợi!

– Nhưng có thể là bà ta muốn cứu chồng với cái giá của một mưu toan tuyệt vọng thì sao?

– Cũng có thể… Và chắc chắn đây là một phụ nữ có khả năng tỏ ra… rất nhẫn tâm!

Tôi nghĩ tới cậu nói của Sophia: “Những con người nhẫn tâm, nhưng họ không phải tất cả đều nhẫn tâm cùng theo một kiểu”. Bố tôi vẫn nhìn chằm chằm vào tôi và hỏi :

– Con nghĩ đến cái gì vậy?

Tôi không muốn nói ra điều ấy cho bố tôi.

Hôm sau, bố tôi lại cho gọi tôi đến văn phòng ông. Tôi thấy bố đang ở đó với một chàng Taverner mặt mày hớn hở. Bố tôi bảo tôi :

– Công ty cung ứng thực phẩm đang ở trong cơn suy thoái.

– Công ty này đang xuống dốc tính từng phút một – Taverner bổ sung.

– Thật vậy! – Tôi nói – Hôm qua tôi đã thấy các tỷ giá hạ xuống rất thấp. Nhưng hôm nay có vẻ chúng lại lên.

Taverner lại nói :

– Chúng ta đã điều tra một cách kín đáo và thận trọng để không gây ra hoang mang cũng như để không đánh động đối tượng của chúng ta, nhưng các tin tức đã được khẳng định là: sự phá sản đã xảy ra đến nơi và khó tránh khỏi. Sự thật là từ nhiều năm nay, công việc kinh doanh được điều hành rất tồi.

– Bởi Roger Leonidès?

– Dĩ nhiên là thế. Chính ông ta là Tổng giám đốc!

– Và ông ta đã biển thủ công quỹ?

– Không, đó không phải là ấn tượng của chúng tôi. Thành thật mà nói, Roger Leonidès có thể là một kẻ sát nhân, nhưng tôi không tin rằng đây là một tên bịp bợm. Nói đúng hơn đó là một kẻ ngu ngốc. Ông ta không có một chút năng lực phán đoán nào. Ông đã lao vào hết sức mình trong khi lẽ ra phải hãm lại và ông đã lại hãm lại trong khi lẽ ra phải tận dụng lực tăng tốc, ông đã trao cho những kẻ không có năng lực quá nhiều quyền lực, đã tin tưởng vào tất cả mọi người và vào bất kỳ ai. Tóm lại, ông vẫn cứ nghiêm chỉnh thực hiện những việc không nên làm!

– Có nhiều người như thế đấy – Bố tôi nói – Vì thế họ không ngu ngốc. Họ không biết nhận xét người khác, chỉ thế thôi! Họ cũng luôn luôn hăng hái tích cực không đúng lúc!

– Ai mà đã như thế – Taverner đưa ra nhận xét – thì đừng có bắt tay vào công việc kinh doanh.

– Tất nhiên là thế. Nhưng ông ta lại là con trai của Aristide Leonidès…

– Lúc ông già trao quyền cho ông ta – Taverner nói tiếp – thì công ty đang phát đạt!

Đó là một cái mỏ vàng. Chỉ cần ngồi vào ghế bành và để cho nó hoạt động.

Bố tôi lắc đầu :

– Chớ cho là như thế, Taverner! Không có ngành kinh doanh nào hoàn toàn tự quản lý được cả! Luôn luôn có những quyết định phải ban ra, có những vấn đề dù lớn hay nhỏ phải giải quyết. Nếu Roger Leonidès thường xuyên sai lầm.

– Phải thừa nhận – Taverner nói – rằng ông ta là một người trung hậu. Ông ta giữ lại những gã vô tích sự vì ông coi họ là những người thân hoặc vì họ đã ở đó từ lâu. Ông cũng phạm sai lầm vì đã chi tiêu những khoản tiền quá đáng để thực hiện những dự án không thể đứng vững được.

– Nhưng không phạm pháp, không có gì đáng trách ư?

– Không có gì cả.

– Vậy thì – Tôi hỏi – Tại sao ông ta lại giết người?

– Trong các trường hợp như vậy – thanh tra nói – dù là một thằng điên hay một tên đại bợm thì kết cục vẫn là một hoặc gần như thế. Chỉ có một điều có thể ngăn cho công ty lương thực khỏi bị chết chìm. Công ty này phải nhận được một khoản tiền thật lớn trước ngày thứ tư tới.

– Tương tự như số tiền mà ông ta được thừa kế?

– Đúng thế.

– Nhưng của thừa kế này lại chưa sẵn sàng trao cho ông sử dụng ngay lúc này.

– Nó sẽ thuộc về ông ấy không bao lâu nữa. Thế thì cũng vậy cả thôi.

Bố tôi tán thành và lại hỏi :

– Có lẽ hết sức đơn giản đối với ông ta là tìm đến ông già Leonidès và yêu cầu ông cụ giúp đỡ phải không?

– Theo ý kiến tôi – Taverner nói – thì đó chính là việc ông ta đã làm và cuộc nói chuyện của họ lúc đó con bé ấy đã nghe được. Ông cụ không chấp thuận, cho rằng những thua lỗ ấy là vừa đủ và cho rằng tốt hơn là đừng cố sức để thu hồi lại nữa. Cụ sợ phải ném tiền qua cửa sổ.

Về mặt này, tôi cho rằng Taverner nhận xét đúng. Aristide Leonidès không muốn cho dàn dựng vở kịch của Magda vì cụ cho là nó không làm ra được một đồng xu. Sự kiện đó có thể coi là cụ có lý. Cụ tỏ ra rất hào phóng đối với những người thân, nhưng cụ không phải hạng người đem phung phá vôn liếng vào một công trình không thể cứu vãn. Công ty thực phẩm chắc chắn phải cần đến vài trăm ngàn bảng. Cụ đã khước từ cung cấp số tiền đó. Như vậy, cụ chỉ để cho Roger một con đường duy nhất để thoát khỏi sạt nghiệp là: giết chết cha mình.

Đó đúng là động cơ mà chúng ta tìm.

Bố tôi xem đồng hồ tay rồi bảo :

– Tôi đã cho mời ông ta đến. Ông sẽ đến đây trong vài phút nữa.

– Roger?

– Phải.

Điều đó làm tôi đôi chút băn khoăn. Tôi nghĩ tới con nhện mời con ruồi đi vào phòng đợi của nó trong chuyện ngụ ngôn. Nhân viên tốc ký đã chuẩn bị đầy đủ bút ghi. Tất cả đều sẵn sàng. Mấy phút sau, Roger run rẩy bước vào phòng.

Ông ta vấp phải cái ghế và một lần nữa sự vụng về của ông đập vào mắt tôi. Tôi không thể trông thấy ông mà không nghĩ tới một con chó hiền lành, to lớn, thân thiện và vụng về. Quả là con người này không có khả năng rót ésérine vào lọ insuline. Nếu thế thì có lẽ ông ta đã đập vỡ chai thủy tinh trong khi thao tác mất.

Ông nói liến thoắng :

– Các ông muốn gặp tôi? Các ông đã tìm thấy điều gì vậy?… Ồ! Tôi xin lỗi, cậu Charles, tôi không nhận ra cậu đấy! Rất thú vị là có cậu ở đây. Nhưng hãy nói cho tôi biết đi, ngài Arthur…

Dứt khoát ông ta có vẻ là một con người trung hậu. Nhưng rất nhiều tên sát nhân là những con người tuyệt vời cho đến ngày họ phạm trọng tội, điều đó làm sửng sốt các bạn họ. Tôi mỉm cười với ông. Thật hèn. Tôi cảm thấy mình là tên Giu-đa. Sau đó tôi đi đến một góc phòng ngồi xuống và lắng tai nghe.

Bố tôi rất lạnh lùng, rất “công vụ” và đã đọc những câu rất nghi thức. Rõ ràng là Roger đã tỏ ra rất ít lo ngại đến các thủ tục cảnh sát và không thấy có gì bất tiện khi phải phát biểu không có mặt của một luật sư. Bố tôi nói tiếp :

– Tôi mời ông đến đây, thưa ông Leonidès, không phải để thông báo với ông về những tin tức, mà để mời ông nói cho tôi biết những điều mà đến lúc này ông vẫn cho là phải giữ kín.

Roger có vẻ bàng hoàng :

– Nhưng mà tôi đã nói tất cả với các ông rồi, nói hết tất cả rồi!

– Tôi không tin là như thế. Ông đã có một cuộc đối thoại với người đã chết vào đúng buổi chiều ngày ông cụ mất phải không?

– Đúng thế. Tôi đã uống trà với cụ. Điều đó tôi cũng đã nói với các ông rồi.

– Quả là ông đã nói với tôi chuyện đó, nhưng ông không nói gì về cuộc nói chuyện ấy cả.

– Chúng tôi đã nói rồi, chỉ thế thôi.

– Nói về cái gì?

– Về những việc vặt trong ngày, trong nhà, về Sophia…

– Nhưng không nói về Công ty thực phẩm!

Rõ ràng cho tới lúc ấy tôi vẫn nghĩ rằng toàn bộ chuyện này chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của Josephine. Niềm hy vọng ấy, tôi phải từ bỏ. Roger mặt tái xanh, đích thị đây là hình ảnh tâm thần hỗn loạn, ông buông mình ngả vào ghế bành và úp mặt vào hai bàn tay miệng lẩm bẩm: “Trời ơi!”. Taverner mỉm cười: “Con mèo rình chuột”.

– Ông Leonidès, ông có công nhận là ông đã thiếu thành thực với chúng tôi không?

– Nhưng làm sao mà ông biết? Tôi nghĩ rằng mọi người không ai biết chuyện ấy và tôi không hiểu làm sao mà có người biết được điều đó.

Bố tôi tuyên bố bằng một giọng khá long trọng rằng cảnh sát thì phải thành thạo nghề nghiệp của mình. Ông nói thêm :

– Ông Leonidès, tôi cho rằng ông đã nhận thấy lúc này ông nên nói cho chúng tôi biết sự thật?

– Tất nhiên. Tôi sẽ nói sự thật đó với ông. Ông muốn biết cái gì nào?

– Có đúng là Công ty thực phẩm đang ở bên bờ phá sản phải không?

– Đúng. Chuyện phá sản thì không thể tránh khỏi được nữa rồi. Giá như cha tôi chưa chết! Tôi cảm thấy xấu hổ quá, nhục nhã quá…

– Tình trạng không còn khả năng chi trả của công ty thực phẩm liệu có thể dẫn đến việc truy tố không?

Roger ngồi thẳng lại :

– Tất nhiên là không. Chúng tôi sẽ vỡ nợ nhưng trong danh dự. Các chủ nợ sẽ nhận được hai mươi đồng silinh cho mỗi đồng bảng nếu tôi đặt trong tình trạng thanh lý tài sản riêng của tôi, đó là điều mà tôi sẽ làm. Không, điều làm tôi hổ thẹn chính vì tôi đã không xứng đáng với niềm tin mà cha tôi đã làm vẻ vang cho tôi. Cụ đã đặt tôi vào cương vị đứng đầu doanh nghiệp tốt đẹp nhất mà cụ ưa thích nhất trong tất cả các doanh nghiệp của cụ. Cụ không hề can thiệp vào các hoạt động của tôi, cụ cũng không bao giờ hỏi tôi về điều tôi làm. Đơn giản là cụ tin tưởng ở tôi… thế mà tôi không xứng đáng với niềm tin đó!

Bố tôi vặn lại thẳng thừng :

– Nếu không sợ bị truy tố thì tại sao ông lại nghĩ tới trốn đi nước ngoài cùng với vợ ông, mà không nói cho ai biết?

– Ông cũng biết cả điều ấy ư?

– Có chứ, thưa ông Leonidès!

Roger lại nói bằng một giọng mà nỗi xúc động đôi lúc làm khản đi :

– Vậy thì ông không hiểu đâu! Tôi không thể đối mặt với cha tôi, cũng không thể nói với cha sự thật. Cụ có thể cho rằng tôi muốn xin cụ tiền, cho rằng tôi mong đợi cụ cứu trợ tôi! Cụ rất yêu quý tôi. Cụ nhất định sẽ đến cứu tôi… và như thế tôi không muốn. Có thể mọi sự lại bắt đầu như trước đây và một lần nữa, tôi lại làm hỏng tất cả! Tôi không đủ khả năng để điều hành một doanh nghiệp quan trọng như thế này! Tôi không phải là con người giống như cha tôi. Tôi luôn luôn hiểu điều đó. Tôi đã làm hết sức mình… Và tôi đã thất bại. Những ngày mà tôi đã trải qua, ông không thể hình dung nổi đâu! Tôi đã làm tất cả để hồi phục lại với hy vọng là ông cụ thân sinh tội nghiệp không bao giờ biết điều gì cả: mọi nỗ lực của tôi vẫn là vô ích… và đến một lúc tôi biết rằng tai họa phá sản từ đó trở đi không thể tránh khỏi. Cùng với vợ tôi là người cũng biết rõ mọi việc như bản thân tôi, chúng tôi đã xem xét tỉ mỉ để cuổi cùng quyết định ra đi trong khi bão táp nổ ra. Tôi để lại cho cha tôi một lá thư trong đó tôi giải trình cho cụ tất cả sự tình, van xin cụ tha thứ cho tôi. Có thể cụ đã đến cứu tôi – bao giờ cụ cũng nhân hậu với tôi như thế – nhưng có lẽ đã quá muộn… và đó cũng đúng là điều tôi muốn như thế! Không xin cụ cái gì cả và nhất là không có thái độ muốn xin xỏ cụ cái gì đó. Tôi có thể sẽ làm lại cuộc đời ở nơi khác, sẽ sống đơn giản, khiêm nhường. Cuộc sống có thể sẽ không dễ dàng và đây là một sự hy sinh trọng đại mà tôi yêu cầu ở Clemency, nhưng cô ấy đã nguyện toàn tâm toàn ý chấp nhận. Đó là một phụ nữ tuyệt vời… cực kỳ tuyệt vời.

– Tôi biết. Nhưng tại sao ông lại thay đổi ý kiến? – Giọng của bố tôi vẫn lạnh như băng.

– Đã thay đổi ý kiến?

– Phải. Tại sao ông cuối cùng đã đi tìm gặp cha ông để yêu cầu cụ tài trợ?

Roger giương to đôi mắt :

– Nhưng tôi có yêu cầu điều gì như thế đâu!

– Thôi nào, ông Leonidès!

– Tôi nói với ông sự thật đấy. Không phải tôi đến tìm gặp cụ, mà chính cụ đã cho gọi tôi đến. Tiếng đồn đã có thể đến tai cụ, có thể ai đó đã báo cáo với cụ, tóm lại cụ đã biết. Cụ cố động viên tôi nói ra… cuối cùng tôi khuất phục. Tôi kể hết cho cụ, thưa với cụ rằng tổn thất tiền của đối với tôi không đau đớn bằng cảm giác không xứng đáng với cụ…

Roger nuốt nước bọt rồi nói tiếp :

– Cụ không trách mắng tôi gì cả, ôi người cha thân yêu! Cụ chỉ nói với tôi những lời tử tế. Tôi trình bày với cụ rằng tôi không mong ước cụ ra tay cứu vớt tôi, rằng tôi muốn thực hiện đến cùng các ý định của mình và tôi sẽ rời khỏi tổ quốc như tôi đã quyết định tiến hành. Cụ không muốn nghe gì cả. Quyết tâm của cụ là: cụ nhất định tổ chức lại công ty thực phẩm.

Bố tôi đáp lại bằng một giọng nói cương quyết :

– Ông đòi hỏi chúng tôi phải tin rằng cha ông có ý định tài trợ cho ông chứ gì?

– Tất nhiên là thế. Hơn thế nữa, cụ đã viết ngay lập tức một lá thư cho các chủ nhà băng của cụ để ra cho họ các chỉ thị về việc đó.

Bố tôi có vẻ không tin. Roger đỏ mặt lên nói :

– Lá thư này, tôi vẫn giữ nó. Tôi định gửi nó cho bưu điện, nhưng tất nhiên trong cảnh hỗn loạn do cái chết của cha tôi, tôi đã quên mất. Có thể trong túi tôi, tôi vẫn giữ lá thư ấy…

Ông rút ví và quả nhiên phát hiện ở đó vật ông tìm, ông đưa cho bố tôi một phong bì đã dán tem và ghi địa chỉ – Tôi đọc được từ xa – Gửi các ông Greatorex và Hanbury.

– Ông hãy tự mình đọc lấy đi – Ông ta nói – Vì ông không tin tôi mà lại. Taverner gần như cùng một lúc với cha tôi tìm hiểu về lá thư, mà nội dung, theo tôi, có lẽ chỉ hơi muộn một chút. Thư bảo các ông Greatorex và Hanbury chuyển một phần tài sản thành tiền và yêu cầu họ hôm sau cử một cộng tác viên của họ đến chỗ ngài Aristide Leonidès để nhận ở ngài các chỉ thị liên quan tới công ty thực phẩm. Roger đã không nói dối. Cha ông chuẩn bị cứu trợ hãng kinh doanh.

– Chúng tôi sẽ giữ lại lá thư này, ông Leonidès – Taverner nói – Tôi sẽ viết giấy biên nhận cho ông.

Roger đứng lên và nói :

– Ông không còn điều gì khác nữa để hỏi tôi chứ? Ông đã tin ở tôi chưa?

Taverner đưa lại cho ông ta giấy biên nhận mà anh vừa viết và nói thêm :

– Có lá thư này trong túi, ông đã từ biệt cha ông. Sau đó ông đã làm gì nữa?

– Tôi vội vã về nhà tôi. Vợ tôi cũng vừa mới về. Tôi cho vợ tôi biết các ý định của cha tôi. Tôi bảo cô ấy rằng ông cụ thật… tuyệt vời! Tôi hết sức xúc động và hầu như tôi không biết phải làm gì.

– Và sau đó bao lâu thì cha ông… bị bệnh?

– Có lẽ nửa giờ hay… một giờ, tôi không nhớ chính xác. Brenda đã đến chỗ chúng tôi, thở hổn hển, mắt ngơ ngác. Bà ấy nói với chúng tôi rằng tình trạng của cha tôi đã rất xấu. Tôi đã chạy đến chỗ cụ cùng với bà ấy… Nhưng tất cả điều này tôi đã nói với các ông rồi!

– Trong khi ông đi gặp cha ông như ông vừa kể, ông có đi vào phòng tắm ăn thông với buồng cụ không?

– Tôi chắc là không… Không, tôi chắc chắn là không. Nhưng ông… ông đã cho rằng chính tôi là người…

Bố tôi không để cho Roger có thì giờ biểu thị phẫn nộ. Bố đã đứng lên sốt sắng đi tới chỗ ông ta và vừa nắm hai tay ông vừa nói :

– Tôi xin cám ơn ông, ông Leonidès. Ông đã cho tôi biết những điều hết sức quan trọng mà ông chỉ có sai lầm là không nói cho chúng tôi biết sớm hơn.

Roger đi ra. Tôi đứng dậy đến liếc xem qua lá thư còn nằm trên bàn cha tôi.

– Có thể đây là một sự giả mạo! – Taverner nói – như thể thú nhận một hy vọng cuối cùng.

Bố tôi công nhận khả năng đó.

– Nhưng tôi lại khó tin vào điều đó – Bố tôi bổ sung – và tôi nghĩ rằng chúng ta phải chấp nhận tình hình như vậy thôi, ông già Leonidès chuẩn bị kéo con trai mình thoát khỏi vũng lầy, một việc đối với cụ dễ dàng hơn là bây giờ việc đó sẽ thuộc về đương sự khi mà cha ông ta đã chết. Người ta bắt đầu hiểu rằng không có bản di chúc thì làm sao có thể xác định được phần thừa kế của Roger sẽ là bao nhiêu. Taverner này! Phải nắm được quyết định của cụ, Roger và vợ không có lý do gì để thủ tiêu ông già. Ngược lại… – Ông ngừng nói, lặp lại hai từ cuối đó, như thể một ý kiến hoàn toàn mới vừa xuất hiện trong đầu ông. Ông nói tiếp thật chậm rãi :

– Giá mà Aristide Leonidès sống thêm một chút nữa, chỉ thêm hai mươi bốn giờ nữa thì Roger chắc hẳn đã được kéo ra khỏi vụ bê bối ấy.

Nhưng cụ không có được hai mươi bốn giờ ấy. Cụ đã chết đúng lúc hay gần như thế.

– Ông cho rằng có ai đó trong nhà này mong muốn cho Roger sụp đổ ư? Ai có thể tìm thấy trong đó lợi ích của mình? Điều này tôi thấy có vẻ ít có khả năng.

– Về bản di chúc, chúng ta đã làm đến đâu rồi? Của cải của ông già sẽ thuộc về ai?

– Việc đó của các luật gia! – Taverner đáp – Không thể khai thác được ở họ một tin tức rõ ràng! Có một bản di chúc trước được lập từ thời cụ cưới bà vợ thứ hai. Cụ để lại cho bà ấy vẫn số tiền như thế, bà Edith De Haviland nhận được ít hơn một chút, và số còn lại được chia đều giữa Philip và Roger. Tôi đã tự hỏi chính vì bản di chúc thứ hai không được ký, thì bản cũ phải có giá trị, nhưng có vẻ không đơn giản như thế. Sự thật duy nhất là một bản di chúc thứ hai đã được thảo sẽ làm cho bản thứ nhất trở thành lỗi thời, hơn nữa vì các nhân chứng đều chứng nhận rằng bản này đã được ký và như thế không còn nghi ngờ gì về các ý định của người đã khuất. Nhưng rốt cuộc, ông già chết không có di chúc, điều đó không làm tôi ngạc nhiên đâu. Trong trường hợp như thế này thì toàn bộ tài sản có lẽ sẽ sang tay người vợ goá, hoặc ít ra cũng là quyển thu hoa lợi.

– Nếu bản di chúc đã biến mất thì Brenda Leonidès hơn bất kỳ ai khác hẳn là có lý do để vui mừng?

– Không còn nghi ngờ gì nữa – Tavener nói – Theo tôi, nếu có một âm mưu lừa đảo, thì bà ta chắc có tham dự vào! Nhưng làm sao mà tôi biết được là bà ta tiến hành thế nào.

Tôi cũng không biết gì hơn Taverner. Tôi thừa nhận chúng tôi ngờ nghệch lạ lùng. Ít ra chúng tôi không nhìn sự vật dưới góc độ thích đáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.