NGÔI NHÀ CỔ QUÁI

Chương XV



Buồng anh đã chuẩn bị xong xuôi!

Sophia đã đứng bên cạnh tôi. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy khu vườn ủ ê và xám ngoét, có những cây trụi lá đến một nửa đang đung đưa theo gió. Nàng nói vọng vào tâm tư tôi :

– Một cảnh sắc buồn bã!

Hai chiếc bóng đi qua, cũng xám ngoét và nom tựa như phi vật chất trong ánh sáng tàn lụi ban ngày, cả hai đến từ khu vườn đất đá lổn nhổn ở bên kia hàng rào cây thắng.

Bóng thứ nhất là của Brenda. Bọc trong một chiếc áo măng-tô bằng da sóc, bà ta có cái gì đó như lén lút, một vẻ duyên dáng gần như mỏng manh và như siêu thực. Phải một lúc tôi mới thoáng nhận ra khuôn mặt của người thiếu phụ. Tôi lại thấy ở đó nụ cười nửa miệng mà tôi đã biết.

Bóng thứ hai chỉ xuất hiện ít phút sau là bóng của Laurence Brown, yếu ớt và nhỏ thó. Nó tiêu tan trong bóng hoàng hôn. Không thể diễn đạt khác được. Tôi không có ấn tượng là đã thấy hai người đi dạo chơi, mà là những sinh linh không phải bằng thịt và bằng máu, những bóng ma.

Tôi tự hỏi không biết dưới chân của Brenda và của Laurence thì một cành cây chết khô có gẫy răng rắc hay không, và do một liên tưởng rất tự nhiên, tôi tìm hỏi về Josephine.

– Con bé ấy đi đâu rồi?

– Có lẽ nó ở tầng trên cùng với Eustace trong phòng học.

Thái độ lo lắng, Sophia nói thêm :

– Eustace làm cho em lo lắng.

– Tại sao?

– Nó kỳ cục, đồng bóng. Bệnh tật làm nó thay đổi nhiều quá! Em không biết nó có thể có trong đầu cái gì và đôi khi em có cảm giác là nó ghét tất cả mọi người!

– Có thể là tuổi dậy thì đấy! Sẽ qua thôi!

– Em mong thế. Nhưng dù sao thì em cũng buồn phiền kinh khủng!

– Vì sao thế, em yêu?

– Em không biết. Có thể là vì ba và mẹ không bao giờ lo lắng. Người ta không tin là ba má đã có con!

– Có lẽ thế lại càng hay! Nhiều đứa trẻ được săn sóc quá thường lại đáng phàn nàn hơn những đứa người ta cứ để chúng sống tự nhiên.

– Em chỉ nhận ra điều ấy khi ở Ai Cập trở về nhưng ba má hợp thành một cặp khá lập dị. Ba thì dứt khoát tự khép mình vào một thế giới trống không còn mẹ lại dùng thì giờ để sống trong các vai kịch. Trò khôi hài buổi chiều nay là hoàn toàn do mẹ! Nó chẳng cần thiết chút nào cả, nhưng mẹ cứ muốn diễn một lớp kịch về hội đồng gia đình. Ở đây, anh hiểu không, bà buồn chán muốn chết. Vì thế bà dựng lên các vở kịch!

Một thoáng, tôi tưởng tượng là mẹ của Sophia nhanh nhẹn đầu độc ông bố chồng già của mình chỉ để mà thưởng thức vở bi kịch mà bà muốn thể hiện vai chính. Ý nghĩ đó đùa bỡn với tôi và tất nhiên tôi quên nó ngay. Song nó vẫn để lại cho tôi một ấn tượng nặng nề. Sophia nói tiếp :

– Phải luôn luôn theo dõi mẹ! Không bao giờ biết được bà lại sắp nghĩ ra trò gì đây!

– Vậy hãy quên gia đình em đi, Sophia! – Tôi nói bằng một giọng kiên quyết.

– Được thế chắc em đã mừng, nhưng lúc này hơi khó. Hồi ở Cairo, em đã rất hạnh phúc, chính vì em đã quên nó!

Tôi nhớ lại rằng ở Ai Cập chưa bao giờ Sophia nói với tôi về gia đình mình, vì thế tôi hỏi :

– Chính vì vậy mà em chưa bao giờ nói gì vói anh về bố mẹ em? Em không thích nghĩ đến họ?

– Em tin là thế. Gia đình chúng em vẫn luôn luôn sống bên nhau. Sự thật là gia đình em quá yêu nhau! Gia đình em không phải như những gia đình mà ở đó mọi người chán ghét nhau. Rõ ràng, như thế không thể gọi là kỳ quặc được! Nhưng, yêu nhau như chúng tôi thế này thì không nên. Ở đây không ai có lúc nào được độc lập, được riêng tư, được thoát khỏi những người khác.

Cửa bỗng mở ra.

– Các con ơi, tại sao không thắp điện lên cho sáng? Gần như tối mịt rồi.

Đó là Magda. Bà xoay các nút chuyển mạch và ánh sáng tràn ngập gian phòng. Bà buông mình xuống đi-văng.

– Lớp kịch chúng ta đã diễn khó tin biết bao, phải không nào? Eustace đang giận dữ. Nó đã bảo mẹ rằng toàn bộ việc này là thiếu tế nhị. Nó nói thế đấy! Ôi bọn trẻ con thật khôi hài!

Bà buông một tiếng thở dài và “móc nối” :

– Roger là một người tình. Mẹ thấy bác ấy đáng yêu khi bác bỏ mũ ra bằng một bàn tay điên cuồng, trước khi lao đi như một con lợn lòi! Mẹ đánh giá rất cao Edith vì bà đã biếu cho bác ấy phần tài sản thừa kế của mình. Bà chân thành đấy, các con biết không? Đó không chỉ là một cử chỉ. Kể ra thì cũng ngớ ngấn, bởi vì Philip đã có thể nghĩ rằng mình cũng phải làm như thế! Nhưng vì gia đình, Edith có thể làm bất cứ điều gì. Theo mẹ cảm thấy, có cái gì gây xúc động trong tình cảm của một cô gái già dành cho những đứa con của chị ruột mình. Sẽ có một ngày mẹ phải đóng vai một nhân vật loại này mối được. Một bà dì già độc thân hay chõ mũi vào khắp nơi, cứng đầu nhưng tốt bụng và trái tim tràn trề tình yêu…

Không để cuộc nói chuyện bị lạc đề, tôi bèn can dự vào :

– Sau khi chị bà ấy mất, bà ấy có lẽ đã nhận thức được những ngày sắp tới là hết sức cam go. Cháu được biết là bà ấy rất ghét ông anh rể…

Magda không để cho tôi nói tiếp.

– Cậu nói cái gì thế? Cậu lấy tin ấy ở đâu vậy? Bà ấy là người tình của ông già đấy!

– Mẹ!

– Đừng cố mà nói trái lời mẹ, Sophia! Đương nhiên ở tuổi con, người ta tưởng tình yêu chỉ chuyên dành cho những cặp trẻ đẹp đi sóng đôi mơ mộng dưới ánh trăng!

– Nhưng – Tôi nói – chính bản thân bà ấy đã cho cháu biết rằng bà lúc nào cũng ghét ông nội.

– Có thể điều đó đúng khi bà ấy mới tới đây. Bà đã oán giận chị bà vì đã lấy Aristide. Có thể giữa bà ấy và ông nội vẫn có một số va chạm, điều đó là đúng, nhưng bà ta vẫn cứ là người tình của ông, mẹ tin chắc như vậy. Hãy tin ta, các con, ta biết ta nói gì chứ. Dĩ nhiên, vì bà ắy là em ruột của người vợ quá cố của ông, nên ông không bao giờ kết hôn được với bà ấy… và mẹ cũng tin chắc rằng ông không bao giờ nghĩ tới điều ấy nữa. Vả lại, bà ấy cũng nghĩ thế. Bà ấy làm hỏng lũ con ông, bà ấy cãi nhau với ông, điều ấy cũng đủ để làm cho bà ấy sung sướng. Nhưng bà ấy đã không bằng lòng khi ông nội tái giá. Đúng, không bằng lòng tí nào!

– Cả bố và mẹ cũng đã không vui đấy chứ? – Sophia nói.

– Tất nhiên là không rồi! Bố mẹ thấy điều ấy là bỉ ổi, đương nhiên! Nhưng với Edith điều đó lại còn tệ hơn nữa! Con yêu ơi, giá mà con đã chú ý xem cách mà bà ấy quan hệ với Brenda!

– Thôi nào, mẹ!

Magda hướng về con gái một cái nhìn đầy âu yêm và nhún nhường, rồi không hiểu sao bà lại chuyến sang một đề tài hoàn toàn khác, bà lại nói :

– Mẹ đã quyết định cho Josephine vào ở ký túc xá. Đã đến lúc phải làm như thế.

– Vào ký túc xá? Josephine?

– Phải. Ở Thụy Sĩ. Mẹ sẽ chú tâm vào việc đó ngày mai. Mẹ cho rằng chúng ta phải xa nó sớm nhất. Rất tệ hại đối với con bé ấy bị dính vào vụ tồi tệ này. Bây giờ nó chỉ nghĩ đến việc đó thôi! Nó cần phải có các bạn nhỏ cùng lứa tuổi. Phải cho nó vào sống trong ký túc xá. Mẹ vẫn có ý kiến này từ lâu.

– Đó không phải là ý kiến ông nội!

– Ông cụ muốn tất cả chúng ta phải sống bên cụ. Những người quá già đôi khi trở thành ích kỷ. Một đứa trẻ phải ở cùng với những đứa trẻ khác, vả lại, Thụy Sĩ là một xứ rất trong lành! Các môn thể thao mùa đông, khí trời… thức ăn cũng rất tốt như những thứ ta dùng ở đây.

Tôi đánh liều đưa ra nhận xét rằng một cuộc lưu trú ở Thụy Sĩ có thể đặt ra một số vấn đề hối đoái hơi khó giải quyết. Magda dùng cử chỉ xua tan mọi lời bác bẻ.

– Không đâu, Charles, không đâu! Đã có thỏa thuận giữa các cơ quan giáo dục, người ta có thể lấy một em bé Thụy Sĩ trong việc trao đổi này, có đủ các loại phướng thức… Rudoff Aestir đang ở Lausanne. Ngày mai tôi sẽ phôn cho ông ấy. Ông ấy sẽ lo mọi chuyện và con bé sẽ có thể ra đi vào cuối tuần.

Magda vừa mỉm cười vừa đứng dậy đi ra cửa. Trước khi đi, bà quay người về phía chúng tôi và nói :

– Trước hết phải nghĩ đến bọn trẻ!

Bà nói câu sau cùng rất dễ thương. Bà nói thêm :

– Chúng sẽ vượt mọi người khác! Các con ơi, hãy nghĩ tới những điều em con sẽ tìm thấy ở đó! Các loài hoa! Hoa long đởm xanh hoàn toàn, hoa thủy tiên…

Magda đã ra ngoài. Sophia không còn gì để oán giận nữa.

– Mẹ thật đáng trách! – Nàng thốt lên – Chỉ một ý nghĩ đến với mình là bà lại lồng lên, tung ra hàng trăm bức điện và mọi việc phải hoàn tất ngay ngày hôm sau! Tại sao phải khẩn cấp gửi Josephine đi Thụy Sĩ mà không đế mất một phút?

Tôi lưu ý Sophia rằng ý kiến gửi trẻ con vào ký túc xá không hẳn là xấu và Josephine ở đó có thể là hết sức tốt vì được tiếp xúc với các bé gái cùng tuổi.

Sophia vẫn khăng khăng :

– Ông nội không hề quan tâm đến ý kiến ấy!

– Nhưng Sophia ơi em vẫn tin rằng một quý ông già trên tám mươi tuổi còn có thể phân xử tốt nhất về vấn đề này không?

– Về mặt giáo dục thì ông nội cũng rất thông thạo như bất kỳ ai trong nhà này?

– Cũng thông thạo như bà Edith?

– Em không nói thế, em thừa nhận rằng bà Edith vẫn luôn nói rằng phải gửi Josephine đến lớp học. Con bé thật khó bảo và nó có thói rất xấu là thọc mũi vào khắp nơi… Nhưng đặc biệt, em nghĩ, vì nó thích chơi trò thám tử.

Phải chăng chỉ duy nhất vì ích lợi của Josephine mà bà ấy đã đột ngột quyết định gửi nó đi Thụy Sĩ? Tôi tiếp tục tự hỏi mình điều đó. Con bé đặc biệt nắm vững nhiều tin tức về những sự việc đã xảy ra trước vụ án và chắc chắn không liên quan đến nó. Cuộc sống ký túc xá hoàn toàn không làm tổn hại nó, mà ngược lại. Nhưng có thật cần phải ngay lập tức đưa đứa trẻ đi đên một nước xa xôi như Thụy Sĩ không? Điều này tôi thấy khó tin.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.