Ngọn hải đăng nơi cuối trời

Chương X: SAU LÚC TÀU ĐẮM



Ngày hôm sau, vào lúc mặt trời mọc, cơn bão vẫn còn tiếp tục hoành hành với tất cả sự hung dữ của nó. Mặt biển hiện ra trắng xóa cho đến tận chân trời xa tít. Ở đầu mũi đá, sóng biển sủi bọt lên cao tới hơn sáu mét và đám bụi nước, bị gió cuốn lên cao mãi tới thành vách đá. Nước triều xuống và các con sóng gặp nhau ở cửa vịnh Elgor, sự va chạm đó vô cùng khủng khiếp, không một tàu thuyền nào có thể vào ra ở cửa vịnh. Bầu trời vẫn còn u ám đe dọa, có thể thấy là trận bão này sẽ còn kéo dài thêm vài ngày nữa và điều này cũng chẳng lạ gì ở vùng biển Magellan này.

Hiển nhiên chiếc thuyền buồm của bọn cướp cũng không thể nào nhổ neo vào sáng nay. Ta dễ dàng hình dung ra cơn giận dữ của Kongre và bọn cướp trước tình hình thời tiết này. Và sau đây là những gì mà Vasquez biết được khi anh thức dậy sáng hôm sau vào lúc ánh bình minh mới ló dạng, giữa những cơn lốc của cát.

Quang cảnh hiện ra dưới mắt anh: Trên bờ bắc của mũi biển, ở khoảng cách hơn hai trăm bước chân, tức là bên ngoài vịnh, là xác con tàu bị đắm. Đó là một chiếc tàu ba buồm, trọng tải khoảng năm trăm tấn. Bộ cột buồm của nó chỉ còn lại là ba khúc gỗ gãy nham nhở. Căn cứ vào tình trạng đó, ta có thể đưa ra giả thiết: hoặc ông thuyền trưởng cho phép đốn hạ chúng để tàu thăng bằng, hoặc chúng bị gãy lúc tàu mắc cạn. Không có mảnh vỡ tàu nào được tìm thấy trên mặt biển, nhưng dưới sức gió như thế này có thể các mảnh vỡ đó đã trôi giạt ra ngoài vịnh Elgor cả. Nếu như thế thì giờ đây, bọn Kongre chắc cũng đã biết đêm qua có một chiếc tàu lâm nạn trên bãi đá của mũi San Juan.

Vasquez đã phải hết sức thận trọng và anh chỉ tiến ra khi đã chắc chắn không có tên cướp nào còn ở ngoài cửa vịnh. Chỉ mất vài phút là anh đã tới được chỗ xảy ra thảm họa. Nước triều lúc này xuống, anh có thể đi quanh con tàu lâm nạn và trên tấm biển gắn phía lái tàu anh đọc đã hàng chữ Century – Mobile.

Vậy ra đây là một tàu buồm Mỹ mà cảng xuất phát của nó là thủ phủ của bang Alabama ở phía nam, trên vịnh Mexique.

Chiếc Century đã bị mất sạch cả người lẫn của. Không thấy có ai còn sống sót ở quanh chỗ tàu đắm, còn về con tàu thì nó chỉ còn là đống gỗ sắt không hình thù. Vì va vào đá nên vỏ tàu đã vỡ làm hai mảnh. Sóng biển đã cuốn đi hầu hết hàng hóa. Các mảnh vỡ của vỏ tàu, rẽ sườn, trục căng buồm… nằm chỏng chơ, rải rác trên bờ đá cho thấy sức mạnh kinh khủng của gió bão. Những chiếc thùng gỗ, hòm gỗ và các ba lô rải rác trên cát và trên bờ đá.

Khung tàu của chiếc Century lúc này khô ráo, điều này giúp cho Vasquez có thể đi vào trong. Sự tàn phá trong tàu có thể coi như hoàn toàn. Sóng biển đã làm xáo tung tất cả lên. Sóng đã phá tung các tấm gỗ của boong tàu, mang đi cả tháp chỉ huy, làm long cả bánh lái tàu. Sau cùng, tất cả những bộ phận còn lại của tàu đã bị phá nát lúc tàu va chạm vào bờ đá. Không một ai còn sống sót từ sĩ quan cho đến thủy thủ đoàn!

Vasquez cất tiếng gọi rất to nhưng không nghe một tiếng người nào trả lời. Anh đi sâu vào tận trong khoang tàu nhưng vẫn không thấy xác một người nào cả. Hoặc những kẻ đáng thương ấy đã bị sóng biển cuốn đi từ trước, hoặc họ đã chết cả lúc tàu va vào bờ đá.

Vasquez lại đi lên bờ đá sau khi đã rõ chắc chắn là không có tên cướp nào trong bọn Kongre đang đi về phía con tàu lâm nạn; đoạn anh đi ngược lên đỉnh núi San Juan, mặc cho gió bão vẫn còn đang tiếp tục.

“Biết đâu – anh tự nhủ – mình lại không thể tìm thấy ai đó trên chiếc Century vẫn còn sống và như vậy là có thể cứu họ”.

Công cuộc tìm kiếm thật là vô vọng. Trở lại bờ đá, Vasquez đứng nhìn những gì còn sót lại của con tàu nằm rải rác trên cát.

“Biết đâu đấy – anh tự nhủ – mình lại tìm được một thùng lương thực nào giúp mình sống được vài ba tuần lễ!”

Ngay sau đó, anh kiếm được một chiếc thùng gỗ và một phuy tròn mà sóng biển đã ném chúng lên bờ đá. Những gì đựng trong thùng đã được ghi rõ bên ngoài: đây là thùng đựng bánh bích quy, còn chiếc phuy thì đựng thịt bò sấy khô. Chỗ lương thực này có thể nuôi sống anh ít ra là hai tháng.

Vasquez vác ngay thùng bánh về hang cách đó khoảng hai trăm mét, còn chiếc phuy thì phải lăn nó về.

Sau đó anh bèn quay về phía đầu mũi đá và đứng ngắm ra ngoài vịnh. Chắc chắn là Kongre phải biết có tàu đắm ở đảo. Đêm qua, từ trên tháp đèn làm gì mà bọn chúng không biết có con tàu đang lao vào bờ. Khi chiếc Maule còn đang kẹt trong vũng tàu, chắc chắn bọn cướp sẽ phải chạy ra cửa vịnh Elgor, để kiếm chác được chút gì qua vụ đắm tàu này không. Biết đâu lại chẳng có những thứ có giá trị, làm sao chúng lại bỏ qua một cơ hội tốt như vậy?

Khi tới khúc quanh của vách đá, Vasquez mới bất ngờ làm sao trước sự tàn phá khủng khiếp của gió bão.

Đúng lúc đó, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi khi mưa bão tạm ngưng, có một tiếng rên rỉ vọng đến. Đấy là một tiếng kêu đau đớn bằng một giọng yếu ớt gần tắt hơi.

Vasquez lao vội về phía có tiếng nói, về phía hốc đá mà anh đã núp trước khi tìm thấy cái hang. Đi được mới năm mươi bước, anh trông lên một người đàn ông nằm dài duỗi chân một tảng đá. Bàn tay ông ta vẫy vẫy như muốn cầu cứu.

Vasquez lập tức bước đến bên ông ta, người đàn ông khoảng từ ba mươi đến ba lăm tuổi trông có vẻ lực lưỡng. Ông ta mặc quần áo của thủy thủ, nằm nghiêng người về bên phải, mắt nhắm nghiền, hơi thở gấp gáp, thỉnh thoảng người lại co giật nhưng có vẻ như ông ta không bị thương tích gì, vì trên quần áo không có một dấu máu nào.

Người đàn ông này có thể là người sống sót duy nhất của tàu Century, ông ta không hề biết có Vasquez đến gần. Tuy nhiên, khi Vasquez đưa tay lên ngực thì ông ta cố gắng ngồi dậy, nhưng vì còn quá yếu nên lại buông người xuống cát. Sau đó ông ta mở to mắt ra và nói:

– Cứu tôi! Cứu tôi với!

Vasquez quỳ xuống bên người đó, cẩn thận đặt ông ta ngồi dựa vào bờ đá và nói:

– Này anh bạn… anh bạn… có tôi đây, nhìn vào tôi này… tôi sẽ cứu anh…

Đưa tay mình lên, đó là tất cả những gì mà con người bất hạnh kia còn có thể làm. Sau đó ông ta không còn biết gì nữa.

Cần phải chăm sóc đúng cách và không chậm trễ một chút nào nữa với tình trạng mong manh như thế của người đàn ông này.

“Nhờ Trời mà mình còn đến kịp” – Vasquez tự nhủ.

Cần phải lập tức đi khỏi nơi này vì bất cứ lúc nào bọn cướp cũng có thể đến đây, hoặc bằng xuồng, hoặc đi bộ men theo bờ vịnh. Mang ngay anh ta về hang đá vì ở đó sẽ an toàn hơn, đấy là điều mà Vasquez cần làm ngay. Sau khi đi được khoảng một trăm mét, mất khoảng mười lăm phút, anh lách mình vào hang, người đàn ông nằm bất động trên lưng anh. Sau đó anh để ông ta nằm dài trên một cái chăn, đầu gối lên bọc quần áo.

Người đàn ông vẫn chưa tỉnh lại nhưng vẫn thở đều. Tuy nhiên, nếu bề ngoài không có thương tích gì, nhưng bên trong, tay, chân có bị gãy không nếu va phải đá? Đó là điều làm Vasquez lo sợ, vì trong trường hợp ấy, chính anh cũng không biết phải làm gì! Anh bèn dùng tay sờ nắn tay chân nạn nhân và cảm thấy có thể ông ta vô sự.

Vasquez cho một ít nước vào tách, pha thêm vài giọt rượu mạnh còn sót lại trong bình toong và đổ vào miệng nạn nhân; đoạn anh xoa nắn tay và ngực nạn nhân, rồi thay quần áo ướt của ông ta bằng các quần áo tìm được ở trong hang đá của bọn cướp. Như thế là tất cả những gì mà anh có thể làm không thể nào làm hơn được. Cuối cùng thì anh được hài lòng khi thấy nạn nhân đã tỉnh lại. Người này còn tự ngồi dậy được, đoạn nhìn Vasquez, lúc này đang đỡ mình, ông ta nói bằng một giọng nghe đã khá hơn trước:

– Cho tôi uống… cho tôi uống…

Vasquez bèn đưa cho ông ta tách nước có pha rượu mạnh.

– Anh khá hơn rồi chứ? – Vasquez hỏi.

– Tốt!… tốt!… – Nạn nhân trả lời.

Rồi như muốn nhớ lại những chuyện vừa xảy ra, ông ta hỏi:

– Đây là đâu? Còn ông là ai?… Tôi đang ở đâu thế này? – ông ta vừa nói vừa nắm chặt lấy tay người đã cứu mình.

Ông ta nói tiếng Anh – ngôn ngữ mà Vasquez cũng biết.

Anh đáp:

– Anh đang ở nơi an toàn. Tôi tìm thấy anh ở trên bờ đá sau khi chiếc Century bị đắm.

– Century à!… Vâng, tôi nhớ ra rồi…

– Tên anh là gì?

– Davis… John Davis

– Anh là thuyền trưởng của tàu à?

– Không… tôi là thuyền phó… còn những người khác đâu?

– Tất cả đã chết… Vasquez trả lời – Chết hết. Anh là người duy nhất còn sống.

– Tất cả à?

– Phải, tất cả!

John Davis bàng hoàng trước sự thật đó. Anh là người duy nhất sống sót! Và do đâu mà anh lại còn sống! Anh hiểu cả, anh đã chịu ơn cứu mạng của một con người không quen biết đang ân cần cúi xuống bên anh.

– Cám ơn, cám ơn anh… – Anh nói trong khi một giọt lệ lớn đang lăn trên má.

– Anh có đói không? Anh muốn ăn chút gì không? Một cái bánh bích quy với thịt sấy nhé? – Vasquez hỏi.

– Không… không… cho tôi uống nước nữa!

Nước lạnh trộn với rượu mạnh thật tốt cho John Davis, bởi vì anh đã có thể trả lời mọi câu hỏi của Vasquez.

Sau đây là vắn tắt về những gì anh kể:

Tàu Century là tàu ba cột buồm, trọng tải năm trăm tấn, xuất phát từ hải cảng Mobile, rời bờ biển nước Mỹ từ hai mươi ngày trước. Thủy thủ đoàn của tàu bao gồm: thuyền trưởng Harry Stewart, thuyền phó John Davis và mười hai người nữa, trong đó có một thiếu sinh quân và một bếp trưởng. Tàu chở Niken, một số hàng không cước đi Melbourne ở Úc. Hải trình của nó suôn sẻ cho đến tận vĩ độ năm mươi lăm nam ở Đại Tây dương. Rồi một trận bão lớn ập đến từ đêm hôm qua và ngay từ đầu, chiếc Century đã bị gãy cột buồm lái cùng với toàn bộ buồm sau. Một lúc sau, một con sóng khủng khiếp đã tràn qua tàu, cuốn theo tháp chỉ huy cùng hai lính thủy. Ý định của thuyền trưởng Stewart là cố tìm một chỗ để trú ẩn sau hòn đảo Đa Quốc gia trong eo biển Lemaire. Ông ta tự tin vào tình hình của tàu và đã định trước đường đến nơi trú ẩn ngay từ lúc ban ngày. Con đường này có vẻ thuận lợi cho việc vượt qua mũi Horn rồi sau đó ngược lên về phía bờ biển châu Úc.

Nhưng cho đến đêm thì cường độ cơn bão đã tăng gấp đôi. Toàn thể buồm đều bị rách trừ lá buồm mũi và lá buồm nhỏ trên đài, thế là con tàu bị gió cuốn đi.

Vào lúc ấy thuyền trưởng cứ tưởng là còn cách bờ biển đến hơn hai chục hải lý và cho rằng sẽ chẳng có nguy hiểm nào đến với con tàu, chừng nào còn chưa thấy được ánh đèn của ngọn hải đăng. Chiếc Century tiếp tục đi theo hướng gió và Harry Stewart cho rằng một giờ đồng hồ nữa tàu sẽ gặp hải đăng vì ánh đèn hải đăng chiếu xa mười hải lý.

Nhưng ông ta đã không thấy ánh đèn và cho là tàu còn cách bờ đá khá xa, chợt một tiếng đập khủng khiếp vang lên cho biết tàu đã va vào đá. Ba lính thủy, lúc đó đang ở trên cột buồm, đã bị bắn xuống biển cùng với hai cột buồm mũi và buồm giữa. Đồng thời nước biển tràn như thác đổ vào khoang tàu lúc đó đã vỡ toác ra, rồi thuyền trưởng, thuyền phó và những thủy thủ còn lại bị ném qua boong lên bờ đá mà không ai hy vọng sống sót.

Như vậy chiếc Century đã thiệt hại vừa người vừa của.

Duy chỉ có thuyền phó toàn Davis là thoát chết, nhờ sự cứu giúp của Vasquez.

Giờ đây chính Davis cũng chưa rõ con tàu của ông đã va vào bờ đá của bờ biển nào.

Ông bèn hỏi lại Vasquez:

– Chúng ta đang ở đâu thế?

– Ở đảo Đa Quốc gia.

– Đảo Đa Quốc gia! – John Davis bật ngửa trước câu trả lời.

– Đúng thế… đảo Đa Quốc gia – Vasquez nhắc lại – đảo này ở cửa vịnh Elgor!

– Thế còn ngọn hải đăng trên đảo?

– Hải đăng không được thắp sáng!

John Davis với nét mặt vô cùng ngạc nhiên chờ Vasquez giải thích thì bỗng nhiên anh này đột ngột đứng dậy, lắng tai nghe. Anh tưởng mình và nghe thấy những tiếng động đáng ngờ và muốn xác định lại xem băng cướp có ở đâu đó không. Anh lách mình qua khe đá ở cửa hang và phóng tầm nhìn xuống bờ biển kéo dài tới mũi San Juan.

Không một bóng dáng người trong khi sóng gió vẫn tiếp tục gào thét. Sóng biển vẫn liên tục đập vào bờ đá bằng một sức mạnh vô song, mây đen vẫn vờn đuổi nhau đầy đe dọa nơi chân trời, tung tóe bụi nước mù mịt khắp nơi.

Tiếng động mà Vasquez vừa nghe được là do sự vỡ tan tành của chiếc Century. Dưới sức mạnh của gió, đuôi tàu quay ngược lại, gió lùa vào khoang tàu, thổi thốc nó bay lên bờ đá. Con tàu quay lông lốc như một cái thùng rỗng, sau cùng nó va vào vách đá vỡ tan tành. Ở chỗ con tàu mắc cạn, chỉ còn lại xác của nửa con tàu, xung quanh nó là hàng ngàn mảnh vỡ rải rác khắp nơi.

Vasquez bèn quay vào hang, nằm dài ra cát bên cạnh John Davis. Lúc này người thuyền phó của chiếc Century đã lại sức, ông ta đã có thể tự đứng dậy và nhờ vịn vào tay người bạn mới, ông đã có thể đi xuống bờ biển. Nhưng Vasquez đã giữ lại và sau đó John Davis hỏi anh lý do tại sao cây đèn biển lại không hoạt động đêm đó.

Vasquez liền cho ông biết về những điều ghê tởm đã diễn ra bảy tuần trước đây ở vịnh Elgor. Sau khi chiếc tuần dương hạm Santa-fé quay về, trong vòng hai tuần lễ tiếp theo, không có điều gì đã ngăn trở công việc ở hải đăng, lúc đó được trao cho tồ bảo vệ đèn gồm có Vasquez và hai người bạn anh là Felipe và Moriz. Trong thời gian đó đã có nhiều tàu thuyền qua lại đảo và những tàu đó đã trao đổi tín hiệu đều đặn với đảo.

Nhưng đến ngày 26 tháng Chạp, vào khoảng tám giờ có một chiếc thuyền buồm xuất hiện ở cửa vịnh. Từ trên phòng trực lúc ấy là ca của Vasquez, anh đã theo dõi đèn hiệu trên tàu và anh đã chứng kiến cách thức di chuyển của nó. Theo nhận xét của anh thì viên thuyền trưởng này biết rất rành rẽ về bờ biển này vì con tàu đã lướt đi một cách rất tự tin.

Khi đến vũng ở ngay dưới chân của hải đăng thì chiếc thuyền buồm này neo đậu lại. Ngay tức thì hai bạn anh là Felipe và Moriz liền đáp xà lúp từ hải đăng ra tàu, bước lên boong để sẵn sàng giúp đỡ họ, và họ đã bị bọn cướp sát hại một cách hèn hạ. Họ đã ngã xuống khi trong tay không có một phương tiện tự vệ nào cả.

– Họ thật bất hạnh! – John Davis thốt kêu lên.

– Vâng! Họ là những đồng sự bất hạnh của tôi! – Vasquez nhắc lại trong khi nỗi buồn trở lại với anh cùng với những kỷ niệm đau thương ấy.

– Còn anh thì sao, Vasquez? – John Davis hỏi.

– Tôi lúc đó đang ở trên hành lang của tháp đèn, tôi có nghe tiếng kêu của các bạn tôi. Tôi đã hiểu chuyện gì vừa xảy ra… thì ra đó là một con tàu của hải tặc, chiếc thuyền buồm đó… Chúng tôi có ba người trong tổ bảo vệ đèn!… Chúng đã giết hai và tỏ ra không lo ngại gì về người còn lại.

– Anh làm thế nào để có thể thoát khỏi tay chúng? – John Davis hỏi.

– Tôi lập tức chạy xuống cầu thang, lao vào trong phòng ở, nhặt vội chút lương thực và chạy vào rừng trước khi bọn cướp đổ bộ và tôi ẩn mình trong khu vực này từ đó.

– Bọn khốn nạn… bọn khốn nạn! – John Davis nhắc lại – Chúng đã làm chủ hải đăng mà lại không chịu thắp đèn lên nữa chứ. Chính chúng đã gây ra thảm họa cho tàu Century. Chính chúng đã gây ra cái chết của thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn của tàu!

– Phải, đúng là bọn chúng đã bày ra trò này – Vasquez nói – và sau lần nghe được cuộc nói chuyện giữa tên đầu đảng cướp với một đồng bọn, tôi mới hiểu ra ý định của chúng.

Lúc đó John Davis mới hiểu là băng cướp đã ở nhiều năm trên hòn đảo Đa Quốc gia này, chúng tìm cách để lừa tàu nào đi ngang qua đây sẽ ghé vào để đụng phải đá, sau đó tàn sát các nạn nhân, rồi cướp bóc các thứ quý giá đem về cất trong một hang đá, chờ cho đến khi đoạt được một con tàu. Giữa thời gian đó thì có sự kiện xây dựng hải đăng. Thế là băng cướp buộc phải bỏ vịnh Elgor, lùi vào mũi Saint Barthélemy thuộc đầu kia của đảo để ẩn nấp, và không bị ai phát hiện.

Việc xây dựng hải đăng kết thúc, băng cướp quay lại đây đã hơn một tháng rưỡi, nhưng lần này chúng đã chiếm được một chiếc thuyền buồm mắc cạn ở mũi Saint – Barthélemy, toàn thể thủy thủ đoàn của tàu đó đã chết.

– Thế tại sao chúng chưa bỏ đi cùng với số của cải cướp được? – John Davis hỏi.

– Đó là do con tàu cần phải sửa lại mới ra khỏi được và đấy là lý do đã giữ chân chúng lại đảo cho đến hôm nay… Nhưng, tôi đã nghe ngóng là những sửa chữa đã xong, hàng hóa, của cải cũng đã mang lên tàu và chúng có thể sẽ khởi hành ngay sáng nay.

– Chúng đi đâu?

– Đi về những đảo trên Thái Bình dương, nơi mà bọn chúng cho là an toàn để tiếp tục làm cướp biển.

– Và chiếc thuyền buồm ấy sở dĩ chưa nhổ neo là do có cơn bão này?

– Đúng thế – Vasquez đáp – và theo tình hình thời tiết này thì sự chậm trễ ấy có thể còn kéo dài đến cả tuần lễ.

– Và chừng nào chúng còn ở đó thì hải đăng vẫn chưa được thắp lên?

– Đúng thể.

– Và sẽ còn nhiều tàu thuyền khác sẽ phải chịu chung số phận như chiếc Century?

– Quá đúng đi chứ!

– Thế ta không thể từ bờ biển ra hiệu cho các tàu thuyền khi chúng lại gần bờ à?

– Có chứ… có thể đốt lửa trên bờ đá, ở đầu mũi San Juan. Đấy là điều tôi đã thử làm để cảnh báo cho tàu Century. Tôi định nhóm một đống lửa bằng các mảnh ván của xác tàu và cỏ khô. Nhưng gió thổi quá mạnh nên lửa không cháy.

– Này anh Vasquez, điều anh chưa làm được chúng ta sẽ làm – John Davis đề nghị – Gỗ thì ở đây không thiếu, có thể lấy ngay ở xác con tàu đáng thương của tôi… Bởi vì nếu chiếc thuyền buồm chưa ra khơi được, nếu ngọn hải đăng mà còn chưa được các tàu thuyền nhận ra thì sẽ còn xảy ra nhiều thảm họa khác.

– Dù sao chăng nữa – Vasquez nói – bọn chúng cũng không thể kéo dài thời gian ở đảo nhiều hơn. Thế nào chiếc thuyền buồm cũng sẽ khởi hành ngay khi thời tiết cho phép…

– Tại sao? – John Davis hỏi.

– Bởi vì chúng phải biết là tổ gác đèn thay thế thế nào cũng sẽ tới đảo trong nay mai.

– Có tổ thay thế à?

– Có chứ, họ sẽ đến đảo vào đầu tháng ba, mà bây giờ đã là 18 tháng Hai rồi.

– Như vậy là sẽ có một con tàu đến đây?

– Đúng thế, tuần dương hạm Santa-fé sẽ từ Buenos Aires ra đây vào ngày 10 tháng Ba hoặc sớm hơn.

Có lẽ John Davis cũng vừa thoáng có một ý nghĩ như của Vasquez.

– A! – Anh vụt kêu lên – nếu thế thì tình hình sẽ thay đổi. Mong sao thời tiết cứ tiếp tục xấu cho đến lúc đó, và mong sao Trời cứ bắt bọn khốn ấy chôn chân ở đây cho đến lúc chiếc Santa-fé đến buông neo trong vịnh Elgor!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.