Ngược Chiều Vun Vút

1 – Phần 02



Quay lại với phim Ratatouille. Trước khi xem nó, ít khán giả Mỹ biết “Ratatouille” cụ thể là cái gì. Không khán giả nào đã hiểu sẵn ý nghĩa của “Ratatouille” trong câu chuyện phim. Trong lúc xem, họ mới biết “Ratatouille” là món ăn bình dân truyền thống của Pháp, mới hiểu đó là biểu tượng cửa thông điệp lớn nhất trong phim: “Những điều giản dị và có ý nghĩa sẽ đi sâu vào lòng con người hơn những điều sang trọng, hoành tráng”.

Khi họ nhận ra điều này – nhận ra ý nghĩa sâu sắc của tên “Ratatouille” – họ sẽ tự nói “Hóa ra” (chấm chấm chấm) với mình, hoặc với người ngồi bên cạnh. Đó là đỉnh cao của nghệ thuật, còn phim Ratatouille đúng là một tác phẩm nghệ thuật, không chỉ là phim cho trẻ con.

Khán giả Việt Nam sẽ không được thưởng thức cái “hóa ra” đó. Có khi họ sẽ nhận ra một “Chú chuột đầu bếp” giống như tên phim nhưng đó chỉ là “nhận ra” thôi, không có chút gì là “hóa ra” cả (còn nếu xem áp phích trước thì họ nhận ra điều đó rồi). Anh marketing cướp mất cái “hóa ra”, nhất quyết không cho phép công ty chọn tên tiếng Việt sâu sắc dựa trên món ăn biểu tượng trong phim, pha chút chất gặm nhấm vào.

“Chú chuột đâu? Bếp đâu? Trẻ em sẽ không hiếu. Bố mẹ sẽ không dẫn con đi xem!” Và câu đánh giá buồn cười nhất của các anh chị “marketers” Việt Nam hay nói: “Có khi bên Tây thì được nhưng người Việt Nam mình chậm hiểu lắm, em ạ.”

Bỏ qua những khán giả biết tiếng nước ngoài và chỉ xem tên tiếng Việt như là phần mô tả. (Sao phải biết tiếng nước ngoài mới được thưởng chức cái “hóa ra” đó?) Bỏ qua số tiền lớn mà tên dễ hiểu mang lại cho công ty phát hành. (Biết đâu khán giả nhanh hiểu hơn nhiều người nghĩ và tên sắc sảo mang lại số tiền không kém?) Bỏ qua các lời giải thích khác. Đó là những vụ ăn cướp. Cướp món Ratatouille, cướp em Nhung, cướp tháng Mười và để lại cánh đồng lúa.

Nói về cánh đồng, phim Cánh đồng bất tận gần đây bị dịch là “Floating Lives “ (Những cuộc đời trôi nổi) – vậy trong bài viết này có trường hợp thêm từ “cánh đồng” không hợp lý, cũng có những trường hợp bỏ từ “cánh đồng” không hợp lý. “Endless Fields” nghe hay hơn nhiều, vừa sát nghĩa vừa sát bản chất. Còn tên “Floating Lives “, mặc dù rất sát khung cảnh quay hơn nhưng nghe rất “cố”. Trôi trên mồ hôi.

Tôi không biết công ty phát hành phim có hỏi ý kiến của Nguyễn Ngọc Tư về vấn đề này không. Tôi hình dung một anh mặc com lê màu đen đi đến tận Cà Mau, mở laptop, cho chị Tư xem poster tiếng Anh.

“Ồ sao anh lại đặt là Floating Lives?” Chị Tư hỏi.

“Đó là tên tiếng Anh rất hay chị ạ. Nó giúp khán giả nước ngoài biết rõ hơn về nội dung phim, cũng tạo cảm giác chơi vơi như trong truyện chị viết ấy!”

Chị Tư vừa cau mày vừa cười lịch sự.

“Yên tâm.” Anh com lê nhẹ nhàng để tay lên vai chị ấy.

“Tôi có bằng marketing.”

Về quê

Cuối tháng là được nghỉ. Được nghỉ là về quê. Về quê là ra bến xe, nhìn lên lịch chạy, nhìn xuống đồng hồ.

Rồi bi hài kịch mở màn.

Tiết mục đầu tiên là nhân vật chính chạy qua các anh bán vé giả, các chị bán bánh bao thật (đắt), các em bán đồ linh tinh, các cháu bán kẹo cao su – người nào cũng không ngại tiếp xúc nếu tiếp xúc bị hiểu theo nghĩa làm phiền. Hello!”

“You!”

“Hey!”

“HEY!”

Rồi nhân vật chính chạy qua quân cò tóc nhuộm – không tấn công khách thì tấn công nhau, húc nhau như dê, cắn nhau như chó. Ở đâu cũng nghe tiếng sủa, tiếng chửi, tiếng bậy.

Và tiếng $. “Tao muốn tiền của mày” là câu nghe từ mọi phía, mọi bên – tao tao, tiền tiền, mày mày. Nhân vật chính là con gà béo và người xung quanh là những chủ trại dã man, nhổ lông từng chiếc, từng sợi – rồi chém đầu luôn, nhìn con thân còn lại luống cuống chạy vào chạy ra.

Lên xe là bắt đầu tiết mục hai. Bên tay trái là hai lần đi “Liverphun”, đang chuẩn bị đi lần thứ ba nhưng chưa tìm ra túi ni lông nên tạm dừng lại (túi ni lông giống hộ chiếu, không có thì sang Liverphun sẽ rất phức tạp). Phía tay phải là một ống xả 70 cân, khói vào từ miệng ra từ mũi, từ tai, từ mắt, từ nách. Phía trước là một “chú mũ cối” say như điếu đổ, chuệnh choạng từ ghế nọ sang ghế kia bắt chuyện với người lạ. Thấy không có chuyện nào để bắt – gặp chú ai cũng ngồi im – chú chuyển bắt không gian, để tay lên vai, để tay lên chân. Phía sau là các em tuổi học sinh (nhưng không phải học sinh) xem phim sex trên laptop, bình luận như đang xem trận bóng đá.

Cả bốn phía đều có người sử dụng máy điện thoại hỏng micro (chắc hỏng lắm họ mới phải nói to thế), cả xe đều biết tám giờ bác Tuấn sẽ quay lại lấy tiền, chín giờ cô Trịnh làm xong ở bệnh viện, mười giờ anh Mạnh (bị vợ nghi đang ngoại tình) sẽ đón con ở rạp phim.

Rồi người đi Liverphun tìm ra túi ni lông rồi, dùng rồi, vứt ra ngoài cửa sổ rồi lại tặng quà lưu niệm cho người đi ngược chiều.

Thế là đi tiếp, lái xe không dám vượt dưới tốc độ cho phép, đánh võng giữa các phương tiện khác như sinh viên Bách Khoa chơi Playstation 3, tính mạng của hơn 30 người ngồi đằng sau mang giá trị ngang bằng đĩa game. Rồi xe dừng lại để bắt thêm khách, cả 20 ô tô vừa vượt qua đều vượt qua mình để được vượt qua một lần nữa.

Cuối cùng cả 30 ghế nhựa đều sử dụng hết; trên mỗi chiếc là hai con người, dưới mỗi chiếc là một con vịt đang tìm thóc. Để tạo không khí thêm mùi mẫn là những bài hát thị trường hơn cả chợ, “volume” đặt ở mức 11 mặc dù nút vặn chỉ có từ 1 đến 10.

Và máy điều hòa bị hỏng.

Còn tiết mục thứ tư. Đã về quê, đã uống say (đang đau đầu). Đã lên xe về thành phố, sắp về đến nơi. Xe dừng lại ở bến và – vui quá! – có người đến đón. Là người yêu mặc váy mới? Là đại diện của hãng xe khách bắt tay cảm ơn? Không ai ngoài 30 chú xe ôm kêu chíp chíp, thấy mẹ chim đang bay về, trong mỏ có nhiều con giun tươi ơi là tươi. Xuống xe, nhân vật chính phải chạy nhanh ơi là nhanh, không thì các chú lao vào cầm tay, cầm chân (có khi cầm ví và iphone nữa), chuyện mình đang cầm mũ bảo hiểm và móc chìa khóa chưa đủ chứng minh rằng mình không có nhu cầu.

Tiết mục đầu tiên, thứ hai… thứ tư? Tiết mục thứ ba – tiết mục tôi vừa cố tình bỏ qua – chính là thời gian nghỉ ngơi ở quê.

Ở quê vui lắm. Nhân vật chính rất thích ở nông thôn Việt Nam, đặc biệt các làng nhỏ, yên tĩnh. Con người thì tốt bụng. Không ai làm phiền mình, không ai muốn gì ngoài một cuộc nói chuyện vui vẻ kết thúc bằng một chai rượu cạn. Con người rất con người.

Không có chỗ ở? Gia đình nào cũng sẵn sàng khai trương “khách sạn một đêm”, tiện nghi đầy đủ, dứt khoát không lấy tiền. Muốn đi câu mực? Có người dẫn đi ngay, đêm luộc mực ngay trên thuyền, ngủ vùi đến trưa. Nói thì thật lòng, bán thì đúng giá, ứng xử thì có văn hóa. Rất ấm áp.

Một sự ấm áp khó nhét vào va li.

Rất nguy hiểm

Lại một tuần nữa các anh bình luận viên bóng đá khiến tôi muốn chạy lên rừng, tìm cây lá ngón, tạm biệt bóng đá quốc tế.

Tôi biết các anh ấy muốn phục vụ khán giả tốt nhất có thể – với điều kiện đang có. Tôi không muốn trách họ trước đám đông hoặc phàn nàn một cách thái quá. Tôi cũng không phải chuyên gia gì mà chỉ trỏ, điều kiện lên tiếng cũng chỉ là tính cách ông già và sở thích xem bóng đá không đập đầu vào tường, vấn đề là tôi đã phát điên rồi và như một quả bom bị châm ngòi, tôi không thể không nổ.

“Rất nguy hiểm!”. Tôi vô cùng đau đớn với câu nhận xét này. Các anh bình luận viên chỉ cần xem trọng tài búng đồng xu đầu trận là đã kêu “rất nguy hiểm” mấy lần rồi. (Biết đâu bị rơi tiền?) Rất nguy hiểm, rất nguy hiểm; cái gì cũng nguy hiểm hết – thành ra chẳng có gì là nguy hiểm cả.

Rồi là “Rất kỹ thuật.” “Rất đẹp mắt.” Và “Không vào!” Tôi cũng có hai con mắt. Rõ ràng là kỹ thuật. Rõ ràng là đẹp mắt. Rõ ràng là quả bóng đã “không vào” lưới vẫn đang ở trong tay của thủ môn. Tôi thấy rồi. Truyền hình không phải đài tiếng nói. Có hình đang nói rồi; vai trò của các anh bình luận viên là phải nói thêm.

Nhưng việc “nói thêm” đó phải có ý nghĩa.

Đội tuyển Brazil. Các cầu thủ mặc áo vàng. Các chàng trai Samba. Các học trò thầy Dunga. Tôi nghĩ một bình luận viên chuyên nghiệp sẽ gọi các cầu thủ Brazil là “các cầu thủ Brazil hoặc đơn giản “đội Brazil” – từ đầu đến cuối trận, nếu dùng các tên vui thì chỉ trong vài trường hợp phù hợp (khi “các chàng trai Samba” đang nhảy Samba thật).

Trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, ông không bắt đầu xưng “tôi”, rồi chuyển sang “anh”, rồi “mình”, rồi “Sơn”, rồi quay lại xưng “tôi”. Đó là sự phong phú vô nghĩa. Những chỗ cần phong phú thì ông rất phong phú, còn không thì không – thế mới có điểm nhấn.

Tôi thực sự không muốn các cầu thủ Anh luôn thành con sư tử, các cầu thủ Đức luôn thành xe tăng, các cầu thủ Nhật luôn thành Samurai, các cầu thủ Hàn Quốc luôn thành bát kim chi khổng lồ. Tôi cũng không muốn các cầu thủ trưởng thành luôn thành “học trò”, và tôi quá biết các cầu thủ cả hai đội đang mặc áo màu gì.

Có lẽ điều làm tôi điên nhất là các anh bình luận viên ấy hiếm khi nói một câu từ đầu đến cuối không dừng lại mấy lần ở giữa. Giật vấp, vấp giật, giống một clip Youtube bị “buffering” vì internet quá chậm.

“Trọng tài (buffering) đã (buffering) rút ra một chiếc thẻ… Ắc-yên Rô-bần đã có một (buffering) pha bóng (buffering) rất đẹp mắt và…”

“Những cú sút xa của (buffering) các cầu thủ mặc áo (buffering)…”

Nhận ra điều này một lần là nhận ra thêm ngàn lần nữa; một khuyết điểm trên mặt người yêu chưa đủ to để chấp nhận là thế, chưa đủ nhỏ để yêu.

Vấn đề thứ nhất là thiếu sự chuẩn bị. vấn đề thứ hai thiếu chiếc ghế. Tại sân.

Rất tiếc các anh không có mặt tại World Cup như các anh bình luận viên đến từ các nước khác. Họ cũng phải chờ cận cảnh mới biết cầu thủ vừa việt vị là ai. Họ không thể cho tôi biết về những gì đang xảy ra ngoài tầm nhìn cùa màn hình bởi ngoài tầm nhìn của màn hình cũng là ngoài tầm nhìn của họ. Nhưng điều đó không bào chữa cho những câu quá lười.

“Khi đá penalty bên cạnh bản lĩnh phải có may mắn…”

Thật hả? Tôi tưởng bên cạnh bản lĩnh phải có bún bò Huế, tóc vàng hoe và một chiếc bugi lấy từ xe Super Cub sản xuất năm 1982! (Tôi vừa bảo ti vi xong.) Thay vì chuyển những thông tin rõ như ban ngày, tại sao các anh ấy không chuyển những thông tin bổ ích mà khán giả xem truyền hình chưa biết? (Tôi vừa hỏi ti vi xong.) Một vài thống kê thú vị? Một câu chuyện lịch sử? Bất cứ điều gì cũng được, miễn không thuộc loại “bản lĩnh” và “may mắn”.

“Cũng nhiều người nói rằng đội tuyển Anh thiếu sáng tạo, bế tắc và thiếu cảm hứng.”

Ai? Người nào? Cũng nhiều người nói rằng Adolf Hitler vẫn đang sống tại nông thôn Argentina.

“Cũng nhiều người nói rằng đội tuyển Anh thiếu sáng tạo” là câu lười. “Hôm qua Franz Beckenbauer đã nói rằng đội tuyển Anh đang trở lại với thời ‘chạy và sút’” là câu chăm chỉ. Số câu chăm chỉ nên nhiều hơn.

Nhưng thôi. Giờ tôi hết điên rồi, cả bốn bức tường sập mất và ti vi đang nhìn tôi với ánh mắt sợ sệt. Mà biết đâu các anh bình luận viên ấy đang cố gắng nhiều hơn tôi nghĩ. (Đài truyền hình chưa coi việc của họ làm là nghề nghiệp thực sự, chưa trả lương xứng đáng, chưa thành lập đội nghiên cứu chuyên nghiệp.) Con người ai cũng có sai lầm, nhất là con người sắp gõ dấu chấm vào cuối câu này. Điều quan trọng là chúng ta được sống trong hòa bình và được thưởng thức các trận bóng đá hay nhất. Thật thú vị khi… không! No! Stop! Đó là tư duy yếu kém. Rất phản tác dụng! Rất vô hiệu!

Rất nguy hiểm!

ME, Nguyễn

Hồi năm 2003, cuộc sống đã thật đơn giản, làm quen với người tên Thủy, tôi lưu số điện thoại vào cục gạch Nokia, ghi tên “Thuy”.

Sau một thời gian (và mấy cục gạch mới), tôi phát hiện cách lưu tên đó không còn hiệu quả. Nhiều lần tôi thấy “Thuy” đang gọi nhưng không biết đó là “Thuy” nào. Vậy nên tôi bắt đầu thêm đại từ chỉ định: co Thuy, chi Thuy, em Thuy.

Tuy nhiên, sau một thời gian nữa số “em Thuy” phát triển quá mức, khiến tôi phải viết cụ thể hơn nữa: em Minh Thuy, em Mai Thuy, em Pham Thi My Thuy.

Thế rồi là em Thuy cao, em Thuy nhuom toc.

Giờ tôi đang có 2.214 tên lưu trong một chiếc máy điện thoại không còn so sánh với vật liệu xây dựng nữa – bạn bè, bạn của bạn bè, người không biết từ hành tinh nào xuống. Vì thế, mỗi lần lưu “contact” mới tôi viết cụ thể lắm: “Chi Minh Thuy ban cua anh Hai gap o Starbowl hom sinh nhat”.

Do phần mềm linh hoạt nên tôi có thể viết dài dòng, thêm đại từ chỉ định, kể cả viết tiếng Việt có dấu, phân biệt giữa các em Thúy, Thủy, Thùy, và Thụy.

Tuy nhiên giờ còn nhiều hệ thống công nghệ chưa Việt hóa được một cách trọn vẹn như vậy. Đây là hình ảnh quen thuộc với người Việt dùng gmail:

me, Nguyen (2)

me, Nguyen (8)

me, Nguyen (3)

“Me” và “Nguyễn” có vẻ rất thân nhau, suốt ngày viết email cho nhau. Người nước ngoài nhìn vào inbox của tôi sẽ nghĩ tôi có bốn bạn thân nhất là bạn Nguyễn, bạn Đỗ, bạn Trần, và bạn Phạm.

Vấn đề là Gmail hiện họ tên theo cách của Tây: tên hiện trước, họ hiện sau. Gmail tưởng “Nguyễn Thị Hương” là “Hương Thị Nguyễn”, còn lừa hệ chống bằng cách đảo ngược họ và tên khi đăng ký sử dụng dịch vụ cũng không được vì trong mỗi email tên mình cũng sẽ hiện cách đảo ngược như vậy.

Hệ thống đặt vé máy bay cũng cứng đầu không kém. Là hệ thống nhập từ nước ngoài vào nên nó không hỗ trợ tiếng Việt có dấu. Nhiều lần tôi ngồi ở sân bay nghe nhân viên dùng loa nói những câu như:

“Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin mời hành khách có tên Nguyễn Lê Cương hoặc Nguyễn Lê Cường nhanh chóng đến quầy số ba.”

Tên LE CUONG (theo cách hiển thị trên màn hình nhân viên) tương đối dễ xử lý. Tôi rốt thắc mắc muốn biết các nhân viên sân bay sẽ xử tý những tên phức tạp hơn như thế nào. Những PHI PHUONG THUY chẳng hạn:

“Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin mời hành khách trên chuyến bay VN123 có tên Phi Phương Thủy, hay Phi Phương Thúy, hay Phi Phương Thùy, hay Phi Phượng Thủy, hay Phi Phượng Thùy, hay Phí Phương Thủy…”

Nói xong, máy bay đã cất cánh mất.

Thằng nào?

“Thằng nào?” Em phục vụ hỏi.

“Áo xanh kia kìa!” Chị phục vụ đứng bên cạnh bàn tôi trả lời, dùng đầu để chỉ đạo.

Em phục vụ để đĩa cơm rang trên bàn một du khách người Tây mặc áo màu xanh, cười tươi, quay về chỗ bếp.

Cảnh này diễn ra ở một quán ăn nhộn nhịp nằm trên dường Phạm Ngũ Lão, quận nhất, Sài Gòn. Khu Tây ba-lô. Chắc cả quán chỉ có mỗi tôi là ba lô biết tiếng Việt, đặt câu hỏi về cách dùng từ “thằng” của em phục vụ đó.

Tôi công nhận Phạm Ngũ Lão không phải con đường văn minh nhất Việt Nam, cả về người ở lẫn người đến. Tôi cũng công nhận từ “thằng” không phải từ mạnh quá, đặc biệt trong trường hợp tôi vừa kể. Em phục vụ không có ý gì. Nhưng tôi vẫn cầm bút viết bài này như một cách âm thầm trả thù “nó”.

Việc đầu tiên là phải xác định vì sao tôi cảm thấy bực bội – Tôi khá chắc chắn nếu làm ở một quán chỉ có khách người Việt thì em ấy đã không dám hỏi “Thằng nào?” bằng giọng to và tự nhiên như thế. “Anh nào?”, “Bàn nào?” “Ở đâu hả chị?” – có nhiều cách xác định suất cơm rang sẽ vào miệng ai mà không dùng đến ngôn ngữ chợ.

Nhưng riêng điều đó chưa đủ khiến tôi bực bội như bây giờ. Người thiếu ý thức ở đâu cũng có. Chính tôi hay “tạm thời” thiếu ý thức, sáng phàn nàn về người khác, chiều làm giống y họ. Vấn đề phải lớn hơn em ấy.

Mà nghĩ một lát, tôi thấy vấn đề lớn hơn thật. Từ lúc mới học tiếng Việt, tôi chứng kiến nhiều người Việt dùng từ “thằng” với đàn ông Tây trong trường hợp họ sẽ không dùng với đàn ông Việt.

“Thằng ấy sẽ xuất hiện từ cánh gà bên phải,” chị tổ chức sự kiện chốt lại vị trí của một khách mời người Tây (trong lúc tôi im lặng dịch bài phát biểu ở bàn bên cạnh). Những người đàn ông Việt cùng tham gia sự kiện đó đều được chị ấy nhắc bằng “ông”.

“Thế thằng đó em gặp ở đâu?” Anh sinh viên hỏi cô bạn của mình trên đường về sau khi cả hai vừa đi uống cà phê cùng một anh tóc vàng và hai anh người Việt.

“Ở triển lãm du học hôm kia anh ạ.”

“Thế à. Còn hai anh kia?”

Vân vân và thằng thằng, số lượng và chất lượng các ví dụ không quan lượng. Cuối cùng bài này là cảm nghĩ của cá nhân tôi – còn đúng hay không, cá nhân tôi nghĩ có quá nhiều trường hợp trong đó người Việt dùng “thằng” với Tây, mà dùng “anh, chú, bác, ông” với ta.

Thằng ấy. Thằng kia. Nó. Đó là sự phân biệt chủng tộc. Tất nhiên nó không bằng sự phân biệt ác nghiệt mà nhiều người Việt vẫn phải chịu khi lập nghiệp ở nước ngoài. Nó cũng dễ bỏ qua; có nhiều trường hợp trong đó đàn ông Tây ở Việt Nam được đối xử tốt hơn đàn ông Việt ở Việt Nam

Nếu giá phải trả là một số chữ “thằng” ngẫu hứng (mà có hiểu được đâu) thì đó là sự quý mến rất rẻ.

Có lẽ đó chính là lý do vì sao tôi bực bội. Thứ nhất, đó là hành động phân biệt mà tôi chứng kiến quá nhiều lần qua quá nhiều năm – em phục vụ đó là giọt nước làm tràn ly. Thứ hai, đàn ông Tây ở Việt Nam xét cho cùng thì khá sung sướng nên nếu tôi lên tiếng mạnh mẽ sẽ bị gọi là thằng Tây vô ơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.