Ngược Chiều Vun Vút

2 – Phần 02



Hãy thử tưởng tượng ra: Năm 2021, một sinh viên trường Bách Khoa phát hiện cách làm phim 7Đ. Cậu ấy vừa thông minh vừa khôn – không cho biết cách làm mà bắt các hãng phim lớn muốn “chơi 7Đ” thì phải sang Việt Nam thôi. Nước này nhanh chóng trở thành trung tâm thế giới phim ảnh, Hollywood nhường chỗ cho Vollywood. Diên viên Tây bay sang hàng loạt.

Việt Nam thành thơm và các diễn viên Tây nhất quyết sẽ thơm lây – bằng cách sửa tên. Đây là bài phỏng vấn diễn viên Tom Lạc Đà (tên trước kia là Tom Cruise) do một tờ tạp chí của Mỹ thực hiện vào năm 2021, ngay tại Club Vollywood, Sài Gòn.

01/04/2021

Tom Lạc Đà: Tôi là hiện tượng vô định nghĩa!

Hello Lạc Đà. Thanks very much for meeting me today!

Yeah sure man, Lạc Đà loves the people!

(Dịch từ tiếng Anh) Tom Cruise và Tom Lạc Đà, bây giờ anh thích tên nào hơn? Cảm giác của anh khi được gọi bằng “Lạc Đà” như thế nào?

Tôi thích tên mới hơn. Nhờ cái tên ấy, Lạc Đà thêm nhiều bạn bè, trở nên tự tin hơn nhiều. Lạc Đà luôn cười tươi với các fan trẻ. Lạc Đà gọi họ là các chú Lạc Đà Con.

Dạo này khá nhiều diễn viên Vollywood chọn tên nửa Việt nửa Ta, Có Brad Cà Rốt, Gwyn Hải Phòng; Justin Mẹ Chồng – kể cả diễn viên lớn tuổi là Clint Bim Bim. Với một bộ phận xã hội Mỹ, những tên ấy khó nhớ, khó phát âm, có thể nói là không rõ nghĩa lắm. Anh giải thích điều này thế nào?

Đúng là nhiều người Mỹ thắc mắc về cách phát âm tên mới của tôi, không biết phải nói Lackda hay Luckza hay Like’ duck. Tiếng Anh không có dấu, cũng không có chữ “đ”, nên khi đổi Lạc Đà từ phát âm tiếng Việt sang phát âm tiếng Anh thì… mỗi người một kiểu (cười). Lúc đầu tôi cảm thấy đau đầu, muốn quay lại với tên cũ. Nhưng giờ tôi hiểu chính phát âm không rõ đó tạo cảm giác bí ẩn với các fan hâm mộ. Có phải Lackda? Có phải Lickdad? Từ những cuộc trò chuyện vỉa hè đó, hình ảnh của mình sẽ sáng lên. Nhiều người sẽ coi mình là hiện tượng vô định nghĩa.

Còn những người phản đối thì sao? Họ có lý không?

Vừa rồi bạn nhắc một “bộ phận xã hội Mỹ”. Chắc ý bạn là những người lớn tuổi không biết tiếng Việt phải không? Điều đó không tránh được. Người lớn tuổi không dễ tiếp cận với cái mới. Lạc Đà tôn trọng quan điểm của họ, nhưng thế giới ngày càng nhỏ đi và xu hướng “pha trộn” văn hóa cũng hợp lý mà thôi. Hơn nữa, trường hợp của chú Bim Bim cho thấy rằng người lớn tuổi vẫn có thể tiếp cận với cái mới, không nên so sánh chung.

Nhiều người nói rằng anh không còn là “diễn viên trẻ tuổi” nữa, còn Clint Bim Bim bị lẩm cẩm, mất tự chủ.

Lạc Đà xin khẳng định rằng tuổi tác và ngôn ngữ đều là khái niệm tương đối (gầm).

Dạ, chân thành xin lỗi anh Lạc Đà. À, tôi nghe nói anh Lạc Đà có dự án phim mới! Kể với độc giả teen đi nào!

Vầng, Lạc Đà vừa nhận đóng vai chính trong bộ phim 7Đ mới do các hãng phim tư nhân của Việt Nam kết hợp với nhau sản xuất. Phim có tên “Để mai đại chiến giữa hai cánh đồng ruồi”, là phần hai của phim “Khi Bạch Tuyết quay đầu với ngũ hổ tướng rực rỡ” chiếu thành công năm ngoái. Phim hứa hẹn rất nhiều điều thú vị, mong rằng các chú Lạc Đà Con sẽ mua vé ủng hộ!

Cảm ơn Lạc Đà về buổi tám chuyện thú vị này nhé!

Hội phụ nữ ế chồng

Có lần tôi thấy áp phích in hình bốn bộ xương ngồi ở bàn. Mỗi bộ xương được trang trí bằng một món đồ: chiếc mũ màu hồng, túi trang điểm, đôi giầy cao gót, khăn quàng có hàng hiệu. Suy ra bốn bộ xương ấy từng thuộc bốn người phụ nữ. Ở dưới ghi dòng chữ: “Chờ người đàn ông hoàn hảo”.

Chờ, chờ nữa, chờ mãi.

Ở Hà Nội, tôi bắt đầu thấy nhiều người phụ nữ khoảng 30 tuổi chưa lấy chồng, chưa có ý định lấy chồng, hoặc đã có ý định nhưng chưa có ứng cử viên phù hợp.

“Lấy chồng sớm làm gì” là câu cửa miệng của họ. Lấy chồng bình thường làm gì? Cứ phát triển sự nghiệp đi đã – nếu có hoàng tử xứng đáng nào đến gõ cửa thì mở, không thì chờ tiếp.

Vấn đề là phụ nữ Việt Nam giỏi quá, ít hoàng tử xứng đáng. Hôm trước tôi ngồi đọc tạp chí tiếng Anh thấy có bài phỏng vấn một cô Hà Nội 24 tuổi về những sự thay đổi trong văn hóa thành thị. Bạn ấy có nhiều sự nhận xét thú vị, trong đó:

“People are becoming more beautiful, especially women. I think in some ways girls are developing faster than boys. I see so many beautiful, strong, smart [women] becomin independent, and yet still keeping their cultural values “

“Người ta càng ngày càng đẹp hơn, đặc biệt là phụ nữ. Tôi thấy các bạn nữ trưởng thành nhanh hơn các ban nam. Tôi thấy nhiều phụ nữ xinh đẹp, mạnh mẽ, thông minh, tự lập, mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa.”

Đúng rồi, tôi tự nói với mình. Tôi thấy một khoảng cách lớn đang mở rộng ở giữa các bạn nam và nữ trẻ. Hầu như mọi lĩnh vực, các bạn nữ cũng đang “chạy” nhanh hơn các bạn nam: ngoại ngữ, tài chính, tiếp thị, xuất bản, quản lý, giải trí… Đó chỉ là cảm giác, nhưng là cảm giác mạnh.

Riêng ngoại ngữ, tôi được mời tham gia nhiều lớp học tiếng Anh tại các trường đại học lớn. Cứ chín sinh viên nữ mới có một sinh viên nam, lớp nào cũng thế, trường nào cũng vậy (đủ mì chính cánh mời công ty Ajinomoto tài trợ).

Các cuộc thi khiêu vũ và ca hát do khán giả bình chọn gần đây hầu như là sân chơi dành riêng cho phái “yếu”. Phương Vy, Đoan Trang, Thủy Tiên, Thu Minh, Uyên Linh, Văn Mai Hương… Họ không tình cờ là người nữ. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, họ phải là người nữ.

Nhiều lĩnh vực khác nữa, nữ có mặt đông hơn, chiến đấu mạnh hơn. Kể cả những hành động nhỏ như cách đứng lên và giới thiệu về bản thân trong các cuộc họp quốc tế thì nữ trẻ tỏ ra tự tin hơn nam trẻ.

Thậm chí nhiều tổ chức nước ngoài đang cố tình tuyển nhân viên nữ (mặc dù không nói ra), dành các vị trí quan trọng nhất cho các chị em Việt Nam.

“Ở Việt Nam nhân viên nữ tốt hơn hẳn,” một anh bạn Tây là sếp của một tổ chức phi chính phủ từng tâm sự với tôi. “Trình độ cao hơn, thái độ tốt hơn, góc nhìn cởi mở hơn, và khác với nhiều nước ở châu Á thì khả năng mở rộng quan hệ không kém gì đàn ông.”

Tóm lại: nữ trẻ đang chạy nhanh hơn nam trẻ. Sự thật: người chạy nhanh khó yêu người chạy chậm. Kết quả: nhiều bạn nữ trẻ sắp không còn trẻ nhưng vẫn chưa có gì.

Trong cuộc đua này có một số người đại thắng. Họ là những người đàn ông chạy nhanh. Nhìn chung, các bạn nam đang chạy chậm hơn các bạn nữ. Nhưng quy tắc nào đều có ngoại lệ. Nhìn kỹ tôi thấy một số đại diện của phái mạnh đang chạy nhanh ơi là nhanh.

Tôi xin kể chuyện về chị Phương và anh Minh. Chị Phương 30 tuổi, xinh đẹp, chưa chồng. Chị ấy có công ty nhỏ, nói tiếng Anh như ma (ma Tây), mạnh mẽ, giỏi giang. Nhiều anh chàng xin hát tặng chị ấy bài tình ca. Chị Phương từ chối hết, đôi khi nghe nửa bài mới yêu cầu phải dừng lại. Ca sĩ chưa đủ trình. Chị Phương không muốn lấy người kém hơn mình – chịu làm sao được khi cả đời còn lại phải “dạ dạ” và “vâng vâng” một người không có khả năng làm phụ nữ hiện đại nổi da gà.

Rồi xuất hiện anh Minh. Anh Minh có khả năng làm chị Phương nổi da gà và nhiều thứ hơn nữa. Anh Minh có công ty lớn, nói tiếng Anh như ma (bố ma Tây), lịch lãm đẹp trai, biết mình, biết người. Anh ấy là người chị Phương chờ đợi hơn mười năm qua. Anh ấy cũng rất Việt Nam, cùng văn hóa mến yêu của chị Phương. Chỉ có anh Minh có thể làm chị Phương hài lòng. Vì chị Phương phải hài lòng mới cưới, suy ra chỉ có anh Minh mới có thể làm bố me chị Phương hài lòng nữa.

Chị Phương và anh Minh đi cà phê nhiều lần, thấy có duyên với nhau.

Nhưng mất cân đối quá! Với anh Minh, chị Phương chỉ là một trong nhiều sự lựa chọn – dù xinh đẹp, dù giỏi giang nhưng vẫn chỉ là một trong những. Bài toán đơn giản. Cứ 10 chị Phương chỉ có 4 anh Minh. Nhưng cứ 10 chị Phương lại có 30 em Giang, Hiền và Chi – là các em 25 tuổi, xinh xắn, nhanh nhẹn, rất muốn có một người đàn ông thành đạt như anh Minh để cùng bước vào tương lai sáng. Tính ra, cứ 10 người phụ nữ xinh đang theo anh Minh thì chỉ có 1 anh Minh.

Chênh lệch quá. Các “chị Phương” đang rất khó khăn vì tiêu chuẩn. Họ có tầm nhìn rộng nên không thể lấy một người có tầm nhìn hẹp. Chỉ có anh Minh mới đạt. Suy ra chỉ có anh Minh mới sướng.

Mà thực tế anh Minh không sướng đâu. Vì lắm mối nên tối nào anh Minh cũng nằm không (theo cách nằm không của đàn ông thỉnh thoảng nằm có). Thời gian trôi qua, các em Giang, Hiền và Chi cướp ngôi chị Phương, hoặc chị tự nhường ngôi sang Tây. Thời gian trôi tiếp, anh Minh bắt đầu để ý đến các em Lý, Thủy và Hảo, là các em gái của Giang, Hiền và Chi. Cuối cùng rồi không ai tìm được hạnh phúc cả.

Nhưng đau tim nhất vẫn là các bạn nam chạy chậm, không được tiền, không được tình, không được điều thú vị nào hết. Thật đáng thương. Thật đáng lo. Phân tích nốt, tôi chợt nghĩ các họa sĩ Việt Nam nên vẽ thêm một poster khác: bốn bộ xương thuộc bốn người đàn ông ngồi ở bàn bia hơi, ở dưới ghi dòng chữ “Chờ người phụ nữ bình thường”.

Không bấm

Theo lời hướng dẫn của Microsoft, trước khi rút ổ USB ra, người sử dụng nên bấm “Safely Remove Hardware” (Rút phần cứng một cách an toàn), dùng nút ảo ở góc dưới bên phải màn hình. Làm như vậy mới đảm bảo không có lỗi fìle.

Tôi thuộc loại người không bấm. Đã “rút không” hàng nghìn lần, chưa lần nào bị mất file hay treo máy, nên tôi rất yên tâm. Kể cả máy có bị treo vài lần – đó là cái giá tôi sẵn sàng trả để không bị các nút nhỏ làm phiền.

Tiếng Việt có từ “cái tôi”. Cái tôi của Joe ngày càng lớn. Cái tôi của Hiền luôn đặt trên hết. Tôi xin cung cấp thêm một từ liên quan là “cái thôi”. Nếu “cái tôi” của một người là nhận thức của cá nhân về bản thân mình, thì “cái thôi” là khả năng mặc kệ chi tiết không quan trọng với bản thân mình.

Phải thừa nhận “cái thôi” của tôi rất lớn. Phòng ngủ của tôi bẩn? Thôi, kệ (vẫn ngủ được). Áo sơ mi nhăn? Thôi, kệ (vẫn mặc được). Người yêu đi với người khác? Thôi của tôi có hạn, nhưng xét cho cùng nó tương đối.

Một cách rất hiệu quả để đo “cái thôi” của một người là xem họ có bấm “Safely Remove Hardware” trước khi rút ổ USB hay không. Qua hành động tầm thường này, mình có thể biết nhiều về môi trường sinh sống của họ: cách ăn, cách ngủ, cách cười và cách hôn.

Tôi hay nói với bạn bè tôi sẽ thành lập CLB Un-Safe Remove Hardware, rút phần cứng nguy hiểm nhất có thể (CLB Rút liều). Mỗi tuần những người “không bấm” như tôi có thể gặp gỡ nhau một lần, chia sẽ những khó khăn do những người có bấm gây ra. Còn nếu có thành viên nào bị phát hiện bấm nút đó, nhiều lần hay ít, say rượu hay tỉnh, người ấy sẽ bị đuổi khỏi CLB và phải sống nốt cuộc đời trong nỗi nhục của một người bấm chui.

Không phải chúng tôi coi những người “có bấm” là những người thấp kém. Trái lại, thế giới rất cần sự cẩn thận của họ. Lấy vợ “có bấm”, ông chồng đỡ mệt mỏi gọi điện kiểm tra. Và chắc CLB dự định của tôi cũng phải thuê một người “có bấm” làm kế toán trưởng – cho chắc.

Luật pháp và tình yêu

Những năm đầu tiên sống tại Việt Nam, tôi rất thất bại trong tình yêu. Thấy tình yêu phức tạp quá, tôi chuyển tập trung vào kinh doanh, Nhưng công ty hoạt động mới có một năm thì tôi nhận ra một điều kỳ lạ. Tại Việt Nam, kinh doanh và tình yêu có nhiều điểm phức tạp giống nhau.

Trong kinh doanh, muốn thực hiện dự án thường sẽ rất khó xác định quyền quyết định nằm ở đâu, thuộc về ai. Có thể là bộ abc, có thể là bộ xyz, rồi đến với các sở, cục, phòng – chưa kể những người làm việc tại các nơi đó.

Chuyện thú vị là ở Việt Nam, tình yêu cũng rất giống thế. Muốn yêu một em xinh đẹp thường sẽ rất khó biết nên lấy lòng ai – có thể ông bố, có thể bà ngoại, có thể thằng em trai đáng ghét. Trong đa số trường hợp, muốn chắc chắn chỉ có mỗi cách là phải lấy lòng tất.

Sự giống nhau không dừng lại ở đó. Ở Việt Nam, cả Luật kinh doanh lẫn Luật tình yêu đều mơ hồ như nhau.

“Doanh nghiệp nên được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển” là câu tiêu biểu trong văn bản luật kinh doanh các loại. Nhưng điều kiện gì? Tạo bằng cách nào? Mọi thứ đều biến mất trong sương mờ câu chữ.

Luật tình yêu cũng mơ hồ không kém. “Hai người có quyền tìm hiểu nhau,” luật sẽ nói. Nhưng tìm cái gì? Hiểu thế nào?

“Không sao,” người Việt hay nói. “Ở đây luật chỉ là mở đầu. Cứ đợi nghị định ra, mọi thứ sẽ rõ hơn.”

Tuy nhiên, khi nghị định đã ra thì mọi thứ chỉ rõ hơn mà chưa rõ hẳn. “Công ty loại n được phép thực hiện dự án loại X. Thế nhưng dự án loại X gồm những yếu tố gì và công ty loại n phải chứng minh khả năng bằng cách nào? Cứ một chi tiết làm rõ là xuất hiện thêm hai chi tiết mơ hồ hơn trước.

Nghị định tình yêu sẽ có những điều khoản như: (a) Hai người không được phép đi chơi về muộn (nhưng không nói mấy giờ cô phải có mặt ở nhà), (b) Anh được phép dẫn cô đi du lịch (nhưng không nói du lịch kiểu gì), (c) Cô được phép giới thiệu anh với gia đình (nhưng không nói vào dịp nào). Muốn biết rõ hơn nữa thì phải chờ… thông tư hướng dẫn. Tức phải kiên nhẫn thêm một thời gian. Nhưng đã sốt ruột rồi, đã kiên nhẫn lâu rồi, muốn làm một số việc cụ thể quá. Ví dụ, cầm tay. Nghị định không nói về việc này. Nghị định chỉ nói: “Hai người có quyền thể hiện tình cảm dành cho nhau qua những hành động phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”. Vậy nên các anh chàng muốn cầm tay cô bạn gái của mình sẽ có hai sự lựa chọn: (1) Đợi thông tư hướng dẫn ra để biết chắc chắn hành động dự định của mình có được phép thực hiện hay không, hoặc (2) Cứ làm đi và hy vọng thông tư hướng dẫn lúc ra không có gì quá trái chiều với những gì mình vừa thực hiện xong.

Mà kiên nhẫn đợi đến khi cầm cả luật, cả nghị định, cả thông tư hướng dẫn trong tay nhiều khi không khác gì ôm bom ba càng. Ở Việt Nam, trong kinh doanh lẫn tình yêu, tôi thấy các anh “cứ làm đi” thường rất thành công, trong khi các anh dần dần bước về phía trước chết sớm mà thôi.

Điểm giống thứ ba là cách tư vấn. Muốn thực hiện dự án phải gặp luật sư, muốn phát triển tình cảm phải gặp thầy bói. Hai việc đó có giống nhau không? Quá giống nhau ở điểm: hỏi một trăm người sẽ có một trăm câu trả lời khác nhau, còn trả lời xong người nào cũng đòi tiền hết.

Thêm vào đó, người nào cũng có cơ sở đặc biệt của riêng mình, không phải tự nhiên mà nói đâu. Đó sẽ là cơ sở oai oách, gồm cả tài liệu, cả giải thưởng, cả nhiều năm kinh nghiệm chưa bao giờ tư vấn sai. Dựa trên cơ sở đó, luật sư A sẽ bảo dự án có thể được thực hiện, luật sư B bảo không. Thầy bói A bảo hai người sẽ hạnh phúc lắm, thầy bói B bảo không. Nghe lời ai? Tin ai?

Theo kinh nghiệm của tôi, nên đặt niềm tin vào ông luật sư, bà thầy bói thân nhất với người có thể giúp mình nhiều nhất. Có thể là ông luật sư học cấp ba cùng bác trưởng phòng duyệt dự án. Có thể là bà thầy bói lâu năm tư vấn cho bà nội người yêu. Nói tóm lại, nên chọn “người tư vấn” có quan hệ rất tốt với “người có quyền quyết định”.

Nhưng như thế lại là quay trở về với vấn đề đầu tiên!

Nguyên âm

Bảng chữ cái tiếng Anh gồm năm nguyên âm chính: a, e, i, o, u. Lấy cảm hứng từ đó, một nhà thơ người Canada tên Christian Bok xuất bản quyển thơ gồm năm chương, mỗi chương viết tặng một nguyên âm. Đây là đoạn thơ lấy từ chương “i”:

“Hiking in British districts, I picnic in Virgin firths, grin- ning in mirth with misfit whims, smiling if I find birch twigs, smirking if I find mint sprigs. Midspring brings with it singing birds, six kinds, (finch, siskin, ibis, tit, pipit, swift), whistling shrill chirps, trilling chirr chirr in high pitch…”

Trong chương đó, tất cả các từ trong tất cả các bài chi có mỗi nguyên âm “i” – rồi chương “a” là “a”, chương “e” là “e”. Đọc xong vài trang, tôi tự hỏi mình: Tiếng Việt có cho phép làm như vậy không? Tôi từng đọc bài thơ tiếng Việt mỗi dòng chỉ có một thanh điệu (Mình là người chồng đàng hoàng… Mình đà phiền lòng vì mùa màng tồi tàn…)

Nhưng tôi chưa đọc bài thơ tiếng Việt nào cả bài chỉ có một nguyên âm.

Bảng chữ cái tiếng Việt gồm 11 nguyên âm chính. Điều đó không có nghĩa là hệ thống nguyên âm tiếng Việt phong phú hơn hệ thống tiếng Anh. Tiếng Anh có từ 11 đến 20 nguyên âm nói (tùy giọng địa phương) nhưng bảng chữ cái chỉ có 1 nguyên âm viết. Đó là vì mỗi nguyên âm viết sẽ có mấy cách phát âm, chữ “i” trong “bird” phát âm khác với chữ “i” trong “fìnd”. Nói tóm lại, các Christian Bok của Việt Nam sẽ vất vả hơn một chút; số chương thì nhiều hơn, mỗi chương số từ có thể cho vào được thì ít hơn. Thấy tò mò muốn thử tôi ngồi viết 11 bài thơ ngắn, mỗi bài tặng một nguyên âm.

A

Bác Nga bạn ta đã lang thang sang nhà An-đan (anh chàng Hà Lan) mang trà đá và… Chà! Bác Nga đang tán anh ta dã man, mạnh dạn! Quá đáng, quá đáng!

Ă

Hằng thắc mắc chẳng nắm bắt mặt trăng.

Mặt trăng lăn, mặt trăng tăn, mặt trăng vắng, mặt trăng lặng. Hằng ngắm đăm đăm, căng thẳng.

Chắc hẳn rằng mặt trăng đắc thắng Hằng.

Nhân dân cần ấn phẩm hấp dẫn; bất chấp ấn phẩm bẩn, ấn phẩm đần.

E

Em Len xem nhẹ mẹ.

Mẹ Len lèm bèm, mẹ Len e hèm.

Em Len ném dép, ném kem, ném chén chè đen.

Mẹ em Len nem nép.

Ê

Lê mê mệt pê-đê.

Thế nên Lê ế.

I

Chị Kim xinh xinh đi tìm sim chín chín chín chín.

Khi tìm sim, chị Kim bị bí rì rì.

Sim xịn; ví Kim chỉ “tìn” lì xì.

Hic, hic!

O

Top có bong bong to to.

Ton lon ton, bong bong Top lòng thong, ọc ọc, ọc ọc.

Ơ

Lớp Thơm nhờ tớ đơm cơm.

Tớ lờ ngờ, đờ đờ.

Thơm sợ lớp chờ.

Thơm rơm rớm, tớ gờm.

(Cơm nhơn nhớt, rơn rớt.)

Ô

Cô không chồng giống hổ không mông.

U

Chú Thu mù.

Chú Thu chùi súng lục.

(Súng lục phủ bùn.)

Đúng lúc chú Thu chùi vui, cụ Du (cũng mù) cù chú Thu

Cù cù, cù cù.

Chú Thu run run.

Súng lục bum bum!

Cu Du “hu hu”.

Ư

Cưng!

Cưng ứng xử cực bựa, cưng!

Cưng cứ lừng khừng, bứt rứt, lử thử lừ thừ, cưng!

Cưng, đừng bực.

… Cưng?

Đo độ ế

Tôi có một bạn nữ 27 tuổi. Hôm nay bạn ấy bảo tôi ế. “Em ế hơn anh chứ,” tôi đáp lại. “Em ít hơn anh 5 tuổi nhưng em là nữ còn anh là nam. Hai tiêu chuẩn khác nhau. Anh dễ tìm vợ hơn em tìm chồng.”

Sau mấy phút cãi vã, hai người thở dài, bắt tay, chấp nhận bị ế bằng nhau.

Về nhà tôi suy nghĩ. Có lẽ vấn đề này có thể phân tích một cách khoa học hơn. Đã xác định một người nam 32 tuổi và một người nữ 27 tuổi bị ế như nhau, thì chỉ cần tạo thêm hai điểm so sánh – một điểm trước và một điểm sau là có thể vẽ đường xu hướng chuẩn.

Điểm trước thì dễ. Theo luật pháp của Việt Nam, phải 18 mới kết hôn; cứ cho rằng cuộc đua với chữ “ế” bắt đầu tại đó. Lúc 18 tuổi, mức độ ế của người nam và người nữ ngang bằng nhau (mức độ thấp nhất có thể). Nữ tìm chồng, nam tìm vợ – hai việc đó đều thực hiện như nhau, dễ như nhau.

Tiếp theo, phải xác định một điểm so sánh sau, càng xa điểm trước càng tốt. Là người yêu sự khách quan nên tôi gọi điện một số người bạn, hỏi: “Trong câu ‘Một người đàn ông 60 tuổi tìm vợ sẽ vất vả bằng một người phụ nữ n tuổi tìm chồng’ thì “n” là số bao nhiêu?”.

Tôi dẫn các bạn ấy bỏ qua các yếu tố bên ngoài và đưa ra một câu trả lời dựa trên mỗi hai yếu tố là tuổi tác và giới tính.

Câu trả lời trung bình là 38 tuổi.

Có nghĩa là nếu giàu như nhau, vui tính như nhau, thông minh như nhau, đẹp như nhau, khả năng tán tỉnh như nhau, điều kiện gia đình như nhau… thì thời gian (ngày) và sự nỗ lực (kilô calo) mà một người đàn ông 60 tuổi phải bỏ ra để tìm bạn đời sẽ giống của một người phụ nữ 38 tuổi.

Nói cách khác, giờ phút này, ở đất nước Việt Nam, một người đàn ông 60 tuổi chưa vợ thì ế bằng một người phụ nữ 38 tuổi chưa chồng. Độ ế giống nhau.

Như vậy là có hai đường xu hướng rất khác nhau. Độ ế của nam phát triển gần như theo đường tuyến tính, cứ tăng đều đều. Còn độ ế của nữ phát triển theo đường xu hướng khủng khiếp nhất là đường số mũ. (Mẹo học thuộc: đàn ông ế có vấn đề với tuyến giáp, phụ nữ ế rất thích đội mũ.) Độ chênh lệch hiện rõ ở tỷ lệ ế nam nữ tính theo điểm so sánh:


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.