Người Cũ Còn Thương

PHIM



Một trong những vấn nạn làm đau đầu mấy cặp yêu nhau, là câu hỏi “Đi đâu, làm gì?”
Sài Gòn nói rộng chẳng rộng, hẹp cũng không hẹp, nhưng nhìn quanh quất lại chẳng có chỗ để đi. Bình thường hai đứa yêu nhau, thể nào cũng trải qua giai đoạn tìm hiểu. Có khi tìm mà không hiểu rồi tự động rút lui, thấy hiểu nhau mới tính tiếp. Bảy giờ, hẹn ăn tối quán nào đó lãng mạn cho hai người. Ngồi đối diện nhau, trai gắp cho gái, gái e ngại không ăn dù bụng đói muốn xỉu. Chẳng lẽ để cho trai thấy mình ăn nhiều, trai sợ rồi sao.
Vừa ăn, hai đứa lại nói với nhau bao nhiêu câu chuyện, đa phần là hỏi, kiểu như “Em thích đi đâu, làm gì?”, “Anh hay nghe loại nhạc gì?”, “Giờ rảnh anh có đọc sách không?” hay “Em thích tư thế nào?” À, ý anh là thích tư thế chụp hình nào để có khi đi du lịch cùng anh chụp cho em.
Ăn uống xong, theo thói thường mới tầm đâu tám giờ, về giờ này sớm quá, lỡ cỡ, biết đâu gái cho rằng mình không hứng thú, không mặn mà buổi hẹn nên cố ý về sớm, thế là phải kiếm một chỗ nào đó để đi. Mà giờ mới ăn xong, no muốn chết, vô cafe uống nước ngồi nhìn nhau để làm gì, nói thêm nhiều chuyện, bậy bạ một hồi gái nó phát hiện ra tính mình xấu thì toi. Kiếm chỗ nào cho hai người ngồi được, hay nằm được mà không phải cafe cái đã.
Trời, chẳng lẽ vô khách sạn. Mới quen nhau ai lại làm thế, dù rằng con đường đó là con đường tình yêu thăng hoa. Nhưng lúc này mà hỏi, gái cho thăng thiên chứ chẳng được thăng hoa. Phải chứng tỏ đây là mối tình trong sáng, không thể dắt vào trong đó… thôi thì đành kiếm chỗ nào trong tối để chui vô.
Mà tối, lành mạnh, không phải nói chuyện nhiều, không phải nhìn mặt nhau (lỡ đi với người không hợp nhãn), tốt nhất chỉ có mua hai cái vé coi phim rồi chui vô rạp, mạnh ai nấy coi. Thân lắm thì lợi dụng nắm tay, ôm ôm một tí, không thân thì coi hết mạnh ai nấy về. Mà coi phim xong, còn được cái thể hiện với gái rằng ta đây kiến thức uyên thâm, chuyện trên phim ảnh có gì không hiểu cứ hỏi anh, anh giải thích cho nghe.
Đó là lý do vì sao hiện tại rạp chiếu phim ngày càng phát triển ở Sài Gòn. Mà coi phim, cũng có hàng ngàn chuyện để nói.
Chọn phim gì để coi cùng nhau là một vấn đề.
Con gái thích coi phim tình cảm, lãng mạn, màu hồng, có trai đẹp, gái đẹp, ban đầu ghét nhau, sau yêu nhau, yêu được lúc rồi giận hờn, chia tay, không thì xuất hiện đứa thứ ba, kiểu như “Em là nắng, anh là gió, nếu có đứa thứ ba, nhất định nó là con chó” rồi thì hết hiểu lầm, quay lại, tha thứ cùng nhau xây dựng tương lai, hạnh phúc gia đình, con đàn cháu đống, viên mãn về sau. Loại phim này Hàn Quốc hay làm và xếp vào loại phim khoa học viễn tưởng.
Con trai thích coi phim hành động, bắn, chém, giết, một anh hùng có cây súng to, bắn ngàn phát không chịu hết đạn. Mấy đứa ác thì bị bắn một phát chết luôn, anh hùng bị bắn tám trăm phát vẫn lê lết được về trạm hồi sức, nghỉ ngơi vài ngày rồi nhào ra bắn tiếp. Đặc biệt, anh hùng nào cũng có một gái đẹp, ngực to đi cùng, thường chia làm hai loại, một là kẻ địch cài cắm vào để làm gián điệp, xong động lòng, yêu cây súng to và tài bắn trăm phát trăm trúng của anh hùng nên cải tà quy chánh, yêu nhau và giúp nhau diệt trùm cuối. Hai là loại vô dụng, bị bắt khoảng gần cuối phim để anh hùng đi cứu, cứu xong về cưới nhau, lại xây dựng hạnh phúc gia đình viên mãn về sau. Loại này người ta xếp vào nhóm phim cổ tích, anh hùng cứu mỹ nhân.
Cũng có nhiều cặp chọn phim theo kiểu không quan tâm mấy đứa trên phim làm gì, chỉ quan tâm hai đứa coi phim có thể làm gì được không. Thường coi phim loại này xong, ra mà hỏi lại, hai người ngẩn tò te chả nhớ phim nói về cái gì. Phim Việt Nam thường được chọn cho mấy cặp này.
Loại phim tốt nhất, luôn có doanh thu cao ngất ngưởng ngoài rạp mà được nhiều cặp đôi chọn đi coi, là phim kinh dị, kiểu hù cho người ta sợ. Thường thì vô rạp, gái chuẩn bị sẵn tâm lý sợ hãi, hết hồn, lúc nào cũng rúc vào cánh tay vững chãi của trai. Lưu ý khi đi coi phim loại này, trai nên dùng khử mùi loại mạnh. Trai thì có tâm lý, loại phim này anh chả sợ đâu, cứ vào đây, anh che chở cho, dù nhiều lúc vô rạp, gái không la mà trai la làng muốn bể cái rạp mỗi khi có cảnh giật mình.
Cũng có nhiều gái tính dạn dày, coi phim kinh dị chỉ thấy như phim hài, có con ma nhảy ra nhảy vô làm trò cười chứ không có gì sợ. Nhưng trong trường hợp đó, gái nhất định không được thể hiện bản chất chai lỳ của mình ra, trai đâu thích dạng gái mạnh mẽ như vậy, bởi cưới về có nguy cơ bị nắm đầu. Lúc đó, gái nên nhớ trên phim diễn một thì bên dưới mình diễn mười, mà phải diễn sâu hơn trên phim mới được. Kiểu như chỉ cần màn hình đen xuống, nhân vật chính đi chầm chậm, là gái đã phải bắt đầu bám lấy cánh tay trai, ngã người vào lòng, thỏ thẻ, “Ghê quá anh ơi… Em sợ.” Khi con ma nhào bản mặt ra, dù cho nó hóa trang không kỹ, còn lộ phấn dày, gái cũng phải la lên, run bần bật, nhắm mắt, thở dốc, hổn hển, để cho trai có cơ hội bật cười, vỗ về an ủi, “Có gì đâu mà sợ em, phim thôi mà.” Nhưng gái nhớ, tiết chế tiếng la, để mắc công người xung quanh họ chửi.
Đặc biệt, phim kinh dị theo phương thức hiện đại cũng có nhiều chỗ khó hiểu, kiểu như con ma chắc chắc không rảnh tới mức đi lòng vòng giết hết người này tới người kia, nó phải bị hại, phải có đời sống cá nhân phức tạp mới được làm ma lang thang, mà phim kiểu đó cách hiểu thường theo nhiều hướng, không thì kết thúc mở để người coi suy đoán. Lúc coi phim xong, trai nên tranh thủ đàm luận thêm với gái để khoe kiến thức bản thân. Yên tâm là lỡ có nói sai thì gái cũng không biết, vì lúc này gái đang mê đắm hồng trần rồi.
Chọn loại phim xong, việc thứ hai là chọn rạp coi phim.
Thường trong khi hẹn hò, trai thường theo quy trình qua nhà đón gái rồi hai người tung tăng đi ăn và coi phim. Thế nên, có hai lựa chọn trai thường chọn đó là chọn rạp phim gần chỗ ăn hoặc gần nhà gái, để tiết kiệm tiền xăng chạy đi chạy lại, đó cũng là một cách hay, nhưng không tinh tế.
Nếu muốn gái thích, trai nên chọn những rạp xa xa, văng vắng, đường vô khúc khuỷu quanh co. Để coi xong, hai người có một khoảng chạy chầm chậm về nhà, bàn luận với nhau về phim mới coi. Chắc chắn gái sẽ càm ràm theo kiểu “Sao anh chọn rạp xa vậy, mắc công anh chạy xe lâu” dù trong lòng gái rất khoái. Đây là lúc để trai nói một câu lãng mạn siêu cấp vô địch để hạ gục gái, “Vì anh muốn ở bên cạnh em, dù thêm một phút, một giây cũng được.”
Chết, chỉ có chết mà thôi!
Rạp phim giờ cũng đa dạng, thượng vàng hạ cám khác nhau, theo phân khúc cũng có thể chia. Có rạp đa phần các em trẻ trẻ đi coi phim, đặc biệt là mấy ngày giảm giá như thứ Hai, thứ Ba thì khu này đặc biệt đông, nên nếu muốn nơi thanh vắng cho hai người, đừng chọn mấy chỗ này. Chỗ xa xa hơn thì có nhiều rạp chọn hình thức làm cho bản thân rạp đặc biệt hơn khi có ghế đôi, ghế cặp, ghế giường nằm, giá mắc hơn nhưng được cái chất lượng cũng cao cấp hơn. Muốn gái mê, trai phải chịu khó đầu tư cho khoản này là điều hiển nhiên.
Chọn xong cái rạp, đến chọn giờ coi phim.
Thường sau khi ăn tối là tầm tám giờ, suất chiếu tám giờ ba mươi hay chín giờ là lý tưởng, nhưng suất thì này đông người bởi đa số cũng hẹn hò lúc bảy giờ, coi phim lúc chín giờ, trai muốn thể hiện sự chu đáo thì nên đặt vé trước, kiểu như “Anh rất quan tâm đến buổi hẹn này và có sự chuẩn bị chu đáo cho mọi thứ, mọi trường hợp, cũng như trong xe luôn có hai loại áo mưa lớn và nhỏ, em cứ yên tâm đi cùng anh.”
Trước khi mua vé coi phim, nên canh chừng trước độ dài của phim. Thường phim trung bình một tiếng rưỡi, có phim dài hơn tầm hai tiếng, mấy bộ đặc biệt thì tầm ba tiếng. Trước phim có quảng cáo mười lăm phút, cũng chú ý cộng dồn vô thời gian coi phim. Phim ngắn theo chuẩn thì không có gì để nói, còn phim dài thì cần ghi chú vài điều. Lỡ mà phim dài hơn hai tiếng, nhớ tranh thủ đi “xả nước cứu thân” trước khi ngồi coi. Chả đời ai lại đang hẹn hò tình tứ mà đứng dậy, te te chạy xuống WC như cơn gió bão.
Trong vài trường hợp, có thể biết trước độ dài phim nhưng vờ như không biết. Chín giờ vô phim, hết phim tầm mười một giờ, chở gái về nhà thì không quá trễ, phụ huynh không than phiền. Nhưng có người chơi chiêu, biết phim ba tiếng nhưng cứ dây dưa, “Hết suất sớm rồi em ơi, coi trễ chút nha.” Gái bẽn lẽn gật đầu. Hết phim ra lúc gần một giờ sáng, gái hoảng hốt, giật mình. “Chết rồi, giờ này nhà em đóng cửa, chẳng biết đi đâu, anh có chỗ nào cho em trú tạm đêm nay không?”
Phần sau tự biết mà điền vào chỗ trống phải làm gì, làm ra sao.
Cứ vậy mà rạp chiếu phim dần trở thành chỗ hò hẹn lý tưởng dành cho những cặp yêu nhau.
Chuyện thiên hạ nói xong, chợt nhớ lại chuyện người cũ. Người cũ cũng có thói quen coi phim rạp.
Những ngày mệt nhoài, hai đứa lười nhác mua cặp vé rồi lẳng lặng vào rạp muộn, ngồi cạnh bên nhau. Trên màn ảnh là những cuộc đời đan xen, dưới này là hai mảnh đời cô đơn, tựa vào nhau một lúc tìm an bình cho trái tim, cho cảm xúc.
Người cũ có thói quen nắm tay khi coi phim rạp, cái nắm tay lặng lẽ, khẽ khàng giữa bóng tối nhập nhờ. Thỉnh thoảng những đoạn phim cao trào, tay bạn cũng siết chặt tay mình, như khẽ nhắc cái con người ngồi cạnh đang cảm xúc nhiều lắm.
Người cũ có thói quen lén lút hôn nhau khi coi phim rạp, cái hôn vội vàng, mang mùi bắp và nước ngọt, cái hôn phớt qua má rất nhanh, nhất là những khi người ta giả vờ quay qua mình nói chuyện, bàn luận gì đó. Cái hôn vội mà thiệt lâu để quên.
Người cũ cũng có thói quen bình luận về phim sau khi xem. Lúc nói về diễn viên, lúc nói về nội dung, có khi đồng tình, có khi tranh luận, rồi cãi nhau, rồi giận hờn, rồi chuộc lỗi bằng cái hôn vội vàng lúc chia tay.
Rồi thì người đã cũ, mà thói quen coi phim vẫn còn.
Có lúc vào rạp coi phim một mình, thấy sao bàn tay dư thừa đến lạ, không biết cất vào đâu cho đỡ lạnh, đỡ hờn, đỡ tủi. Lúc ra khỏi rạp, lại ngẩn ngơ trách cứ, “Cái thứ gì, tập người ta thói quen, xong rồi bỏ đi cho đành đoạn.” Mà trách là trách để rồi tự mình nghe, người ta có còn nghe nữa đâu.
Sài Gòn hôm nay, giữa rạp chiếu phim mà nghe lòng bàn tay chớm lạnh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.