Người đọc

Chương 11



Sau ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Phục sinh không phải là Hanna và tôi không hạnh phúc nữa. Chưa bao giờ chúng tôi hạnh phúc hơn những tuần tháng Tư ấy. Cho dù trận cãi cọ đầu tiên ấy hay nói chung việc chúng tôi cãi nhau có đảo lộn đến đâu – chúng tôi tận hưởng tất cả những gì đã khơi mở nghi lễ đọc truyện, tắm, làm tình và nằm bên nhau. Thêm vào đó, lời trách móc rằng tôi giả bộ không quen biết cô đã làm lộ ra chỗ đứng của cô. Khi tôi muốn cùng cô ra trước mắt mọi người, cô hoàn toàn không thể trách cứ gì cả. “Vậy có nghĩa là em không muốn người ta thấy em đi cùng anh sao?” – đó là câu nói mà cô không muốn bị nghe tôi nói. Tuần tiếp sau lễ Phục sinh, chúng tôi muốn đạp xe bốn ngày đi xa, qua Wimpfen, Amorbach và Miltenberg.

Tôi không nhớ đã nói gì với bố mẹ. Đi xe đạp với cậu bạn Matthias? Với một nhóm bạn? Đến thăm một người bạn cũ? Ắt hẳn là mẹ tôi lo lắng, như vẫn hay lo lắng, và bố tôi, như từ xưa đến nay, bảo mẹ không việc gì mà lo lắng cả. Chẳng phải tôi vừa được lên lớp, một việc mà chẳng ai tin tôi làm nổi hay sao?

Hồi bị ốm tôi không tiêu đến tiền riêng. Nhưng nếu muốn trả tiền cho cả Hanna thì sẽ không đủ. Do đó tôi đem bộ tem sưu tầm của mình ra mời bán cho cửa hàng tem bên cạnh nhà thờ. Đó là cửa hàng duy nhất có biển báo mua lại các bộ sưu tập. Người bán hàng xem kĩ các sổ tem của tôi và trả tôi sáu mươi Mark. Tôi chỉ cho ông ta xem báu vật của tôi, một con tem Ai Cập chữ nhật không răng cưa in hình Kim tự tháp có giá bốn trăm Mark trong danh mục. Ông ta nhún vai. Nếu cậu quý bộ sưu tập đến thế thì có lẽ nên giữ lại thì hơn. Mà cậu có được phép bán không nhỉ? Bố mẹ cậu nói sao? Tôi có mặc cả. Nếu con tem Kim tự tháp không quý lắm thì đơn giản tôi sẽ giữ nó lại. Vậy thì ông ta chỉ trả tôi có ba mươi Mark thôi. Nghĩa là con tem quý thật đấy chứ. Rốt cuộc tôi được bảy mươi Mark. Tôi nghĩ là mình bị lõm, nhưng chuyện đó không đáng bận tâm.

Không chỉ mình tôi hồi hộp trước khi khởi hành. Điều làm tôi ngạc nhiên là Hanna mấy ngày trước khi đi cũng chộn rộn. Cô suy đi tính lại phải đem gì theo, mở ra gói vào cái túi đèo hàng và ba lô mà tôi mua cho cô. Lúc tôi định chỉ cho cô quen trên bản đồ tuyến hành trình mà tôi vạch ra thì cô không muốn nghe và nhìn gì cả. “Bây giờ em hồi hộp quá. Anh đã làm thì ổn rồi, cậu bé ạ.”

Ngày thứ Hai Phục sinh chúng tôi lên đường. Mặt trời sáng rực, sáng cả bốn ngày liền. Sáng sớm trời se lạnh, ban ngày ấm lên, không quá ấm để đạp xe nhưng đủ ấm để đi picnic. Những cách rừng như thảm xanh với các chấm, vệt và mặt bằng xanh vàng, xanh chai, xanh lơ và xanh lục.

Những cây ăn quả đầu tiên đã nở hoa ở đồng bằng sông Rhein. Trong rừng Odenwald những bông hoa đầu tiên của cây đầu xuân vừa bung ra.

Chúng tôi hay đạp xe cạnh nhau, chỉ cho nhau xem những gì chúng tôi thấy: thành trì, người câu cá, tàu thủy trên sông, lều trại, một gia đình nối đuôi nhau đi trên bờ sông, chiếc xe Mỹ mui trần to tướng. Lúc nào đi sang hướng khác hay theo đường khác, tôi phải đi trước; cô không muốn quan tâm đến hướng đi hay đường đi. Còn thì lúc cô đi sau tôi, lúc tôi đi sau nếu đường nhiều xe quá. Cô đi một chiếc xe đạp có lưới che nan hoa và chắn xích đĩa, mặc chiếc áo dài xanh, nửa dưới rộng tung bay trong gió. Mất một hồi lâu tôi mới hết lo áo dài quấn vào nan hoa hay đĩa xích làm cô bị ngã. Sau đó tôi thích ngắm cô đi trước.

Tôi thích chờ đến đêm. Tôi đã tưởng tượng ra cảnh chúng tôi làm tình, ngủ thiếp đi, thức dậy, lại làm tình, lại ngủ, rồi lại thức dậy v.v. đêm nào cũng thế. Nhưng chỉ có đêm đầu là tôi tỉnh dậy một lần. Cô nằm xây lưng lại phía tôi, tôi cúi xuống hôn cô, cô nằm ngửa ra, kéo tôi vào lòng rồi ôm tôi trong vòng tay. “Cậu bé, cậu bé của em.” Rồi tôi ngủ thiếp đi trên người cô. Các đêm khác chúng tôi ngủ một mạch, mệt mỏi vì đạp xe, vì nắng và gió. Chúng tôi làm tình vào sáng sớm.

Hanna không chỉ để tôi tự chọn hướng đi và đường đi. Tôi chọn nhà trọ để ngủ qua đêm, ghi tên vào giấy đăng ký, trong thực đơn tôi không chỉ chọn món ăn cho mình mà chọn cho cả cô nữa. “Em thích thế mà, em thích không phải bận tâm chuyện gì.”

Lần chúng tôi cãi nhau duy nhất là ở Amorbach. Tôi dậy sớm, rón rén mặc quần áo và lẩn ra khỏi phòng. Tôi định bưng bữa sáng lên phòng và cũng tìm xem có thấy một cửa hàng hoa nào đã mở để kiếm cho Hanna một bông hồng. Tôi đặt một mảnh giấy lên bàn ngủ. “Chào em! Anh đi lấy quà sáng, về ngay” hay đại loại như vậy. Khi tôi quay về, cô đứng trong phòng, quần áo mặc dở, run lên vì giận dữ và mặt trắng bệch.

“Tại sao anh có thể tự nhiên bỏ đi như vậy?”

Tôi đặt khay đồ ăn sáng và bông hồng xuống, định ôm cô. “Hanna…”

“Đừng chạm vào tôi.” Cô cầm thắt lưng da hẹp bản vẫn thắt quanh áo dài, lùi lại một bước và quất vào mặt tôi. Môi tôi dập ra và tôi thấy vị máu. Tôi không thấy đau. Tôi hoảng sợ kinh khủng. Cô lại vung tay lấy đà.

Nhưng cô không đánh nữa. Cô thả xuôi tay, buông rơi thắt lưng và òa khóc. Tôi chưa thấy cô khóc bao giờ. Khuôn mặt cô biến dạng méo mó. Mắt trợn, mồm há, mí mắt sưng mọng vì những giọt nước mắt đầu tiên, trên má và cổ nổi những đám đỏ. Từ miệng cô thốt ra những âm thanh khò khè trong cổ, giống như những tiếng kêu không ra tiếng khi chúng tôi làm tình. Cô đứng đó, nhìn tôi qua hàng nước mắt.

Đúng ra là tôi định dang tay ra ôm cô, nhưng không làm được. Tôi không biết tại sao. Ở nhà tôi không ai khóc như vậy. Không ai đánh, không đánh bằng tay, bằng roi da lại càng không. Chỉ nói thôi. Song, tôi có gì để nói?

Cô tiến hai bước đến tôi, ập vào ngực tôi, nắm tay đấm tôi, bám chặt lấy tôi. Bây giờ tôi có thể giữ chặt cô. Vai cô giật giật, cô đập trán vào ngực tôi. Rồi cô thở dài thật sâu và rúc vào vòng tay tôi.

“Mình ăn sáng nhé?” Cô rời tôi ra. “Lạy Chúa tôi, trông anh kìa, cậu bé!” Cô lấy khăn ướt lau mồm và cằm tôi. “Áo cũng đầy máu kìa.” Cô cởi áo tôi ra, và chúng tôi làm tình.

“Có chuyện gì vậy? Tại sao em lại giận dữ như vậy?” Chúng tôi nằm cạnh nhau. Mãn nguyện và hài lòng, khiến tôi nghĩ rằng bây giờ sẽ sáng tỏ được mọi việc.

“Chuyện gì vậy, chuyện gì vậy – anh cứ hay hỏi dốt nát vậy. Anh không thể tự nhiên bỏ đi như vậy.”

“Nhưng anh đã để lại cho em mảnh giấy…”

“Mảnh giấy?”

Tôi ngồi dậy. Trên bàn ngủ, nơi tôi đặt mảnh giấy, bây giờ không thấy nó đâu. Tôi đứng lên tìm bên cạnh và dưới bàn, dưới gầm và trên giường. Không thấy. “Anh không hiểu. Anh có viết cho em một mảnh giấy là anh đi lấy đồ ăn sáng và trở lại ngay.”

“Thế à? Em không thấy mảnh giấy nào.”

“Em không tin anh?”

“Em muốn tin anh. Nhưng em không thấy mảnh giấy nào cả.”

Chúng tôi thôi cãi nhau. Có cơn gió lùa, cuốn mảnh giấy đi đâu mất tăm? Phải chăng là sự hiểu lầm, cơn giận dữ của cô, môi tôi bầm giập, khuôn mặt sưng lên của cô, nỗi bất lực của tôi?

Đáng lẽ tôi nên tìm tiếp mảnh giấy, tìm tiếp nguyên nhân cho cơn thịnh nộ của Hanna, cho nỗi bất lực của mình? “Đọc chút gì đi, cậu bé!” Cô áp chặt vào tôi, tôi lấy cuốn Đồ vô dụng của Richendorff(11) và đọc tiếp từ đoạn dừng lần trước. Đồ vô dụng dễ đọc hơn Emilia Galotti và Âm mưu và tình yêu. Hanna lại theo dõi một cách hồi hộp đồng cảm. Cô thích những đoạn thơ xen vào. Cô thích những chuyện hóa trang, lầm lẫn, rối rắm, bám đuổi mà người hùng bị cuốn vào ở Ý. Đồng thời cô khó chịu việc hắn là đồ vô dụng, không làm được trò trống gì. Cô suy tính và hàng tiếng đồng hồ sau khi tôi đã thôi đọc vẫn hỏi tiếp. “Nghề thu thuế – cũng là một nghề hay đấy chứ?”

(11) Joseph von Richendorff (1788-1857): nhà thơ Đức.

Kể về vụ chúng tôi cãi cọ đã quá chi tiết, giờ thì tôi phải kể về chúng tôi đã hạnh phúc ra sao. Trận cãi nhau làm quan hệ của chúng tôi càng thắm thiết hơn lên. Tôi đã thấy cô khóc, một Hanna cũng biết khóc gần gũi với tôi hơn là Hanna luôn mạnh mẽ. Cô bắt đầu hé mở vẻ dịu dàng mà tôi chưa từng biết. Cho đến khi môi tôi lành hẳn, cô luôn ngắm nhìn và âu yếm sờ vào.

Chúng tôi làm tình khác đi. Lâu nay tôi để cho cô hoàn toàn chủ động và chiếm hữu. Sau đó tôi cũng học được cách chiếm hữu cô. Trong chuyến đi và từ sau đó, chúng tôi không chỉ còn biết chiếm hữu nhau.

Ngày ấy tôi có viết một bài thơ. Về thi ca thì nó chẳng có giá trị gì. Hồi đó tôi mê mẩn Rilke(12) và Benn(13), và tôi nhận thấy mình đồng thời muốn bắt chước cả hai. Nhưng tôi cũng lại nhận ra là ngày đó chúng tôi gần nhau đến mức nào. Bài thơ ấy đây:

(12) Rainer Maria Rilke: nhà thơ Đức (1875-1926).

(13) Gottfried Benn: nhà thơ Đức (1886-1956).

Khi mình tự mở ra

Em cho anh và anh cho em

Khi mình chìm đắm

Em vào anh và anh vào em

Khi mình mê muội

Em trong anh và anh trong em

Thì anh là anh

Và em là em


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.