Người đọc

Chương 13



Tháng Bảy. Các thành viên tòa án bay sang Israel hai tuần. Lấy cung ở đó mất vài hôm là xong, nhưng các thẩm phán và công tố viên kết hợp công việc tòa án với du lịch, đến Jerusalem và Tel Aviv, Negev và Hồng Hải. Xét về nguyên tắc công vụ, nghỉ ngơi và chi phí thì chắc chắn cũng ổn. Tuy nhiên tôi thấy chuyện đó kỳ cục.

Tôi dự định hai tuần ấy hoàn toàn dành cho học hành. Nhưng nó không diễn ra như tôi tưởng tượng và dự kiến. Tôi không thể tập trung theo dõi bài học, giáo sư và sách vở. Chốc chốc đầu óc tôi lại phiêu lãng tận đâu đâu và chìm vào những hình ảnh.

Tôi nhìn thấy Hanna bên nhà thờ bốc lửa, với khuôn mặt rắn đanh, quân phục đen và roi quất ngựa. Cô lấy roi vẽ những hình ảnh ngoằn ngoèo trên tuyết và đập vào thân ủng. Tôi nhìn thấy Hanna bảo người khác đọc truyện cho mình nghe. Cô chăm chú lắng nghe, không hỏi, không nhận xét. Khi giờ đọc kết thúc, cô báo với cô gái đọc truyện là ngày mai bị chuyển đi Auschwitz. Cô gái đọc truyện, một tạo vật nhom nhem tóc đen cạo lởm chởm và cặp mắt cận thị òa khóc. Hanna đập tay lên tường, hai phụ nữ bước vào, cũng là tù nhân trong bộ đồ kẻ sọc, và lôi cô gái đọc truyện ra ngoài. Tôi nhìn thấy Hanna đi dọc con đường trong trại giam, bước vào lán gỗ và giám sát công tác xây dựng. Cô làm mọi việc với khuôn mặt rắn đanh, ánh mắt giá lạnh và mồm mím chặt muôn thuở, còn tù nhân rúm người, còng lưng làm việc, ép sát vào tường, lún vào tường, muốn biến mất trong tường. Đôi khi có nhiều tù nhân xuất hiện hoặc chạy đôn chạy đáo, xếp hàng hay hành quân, Hanna đứng trong đám ấy và quát tháo ra lệnh, khuôn mặt quát tháo biến dạng kinh tởm, quất roi ngựa thúc giục. Tôi nhìn thấy tháp chuông đổ ập lên khung mái và những tia lửa bắn tung tóe lên, nghe thấy âm thanh tuyệt vọng của những người đàn bà. Tôi nhìn thấy nhà thờ cháy rụi trong buổi sớm hôm sau.

Cạnh những hình ảnh đó tôi thấy những hình ảnh khác. Hanna đi tất trong bếp, Hanna giữ ấm khăn bông trước bồn tắm, Hanna váy tung bay trên xe đạp, Hanna trong phòng làm việc của bố tôi, Hanna nhảy múa trước gương, Hanna ở trong bể bơi nhìn về phía tôi, Hanna lắng nghe tôi, nói với tôi, cười với tôi, yêu tôi. Thật kinh khủng khi những hình ảnh ấy bị xáo trộn lẫn nhau. Hanna yêu tôi với ánh mắt giá lạnh và mồm mím chặt, Hanna yên lặng nghe tôi đọc truyện và xong rồi thì đập tay lên tường, Hanna nói chuyện với tôi trong khi khuôn mặt biến dạng kinh tởm. Khủng khiếp nhất là những giấc mơ mà trong đó Hanna rắn đanh, hống hách, tàn bạo kích động nhục cảm của tôi, và chúng khiến tôi bừng tỉnh trong khát khao, tủi hổ và căm giận. Và trong nỗi lo sợ: đó là tôi thật sao?

Tôi biết rằng những hình ảnh trong tưởng tượng chỉ là những hình rập khuôn thảm hại, không phù hợp với một Hanna như tôi từng biết và đang biết. Tuy thế, chúng chứa một sức mạnh đủ nghiền nát những hình ảnh hồi ức về Hanna và hòa trộn với những hình ảnh của trại tập trung mà tôi có trong đầu.

Bây giờ, khi nghĩ về thời kỳ ấy tôi thấy nổi bật một điều là thật ra có quá ít cách nhìn, quá ít hình ảnh thể hiện cuộc sống và cái chết ở các trại tập trung. Chúng ta biết Auschwitz qua cánh cửa với hàng chữ bên trong, những phản gỗ nhiều tầng, đống tóc và kính và va li, chúng ta biết Birkensen qua ngôi nhà có tháp cao ở cổng vào, dãy nhà ngang, đường ray tàu hỏa xuyên qua, chúng ta biết Bergen-Belsen(17) qua núi xác người mà quân đồng minh phát hiện và chụp ảnh hôm giải phóng trại. Chúng ta đọc một vài lời thuật lại đã được công bố ngay sau chiến tranh và mãi đến thập kỷ tám mươi mới được tái bản, giữa hai thời điểm ấy chúng không nằm trong chương trình của các nhà xuất bản. Ngày nay có nhiều sách và phim đến nỗi thế giới trại tập trung là một phần của thế giới tập thể tưởng tượng làm hoàn thiện thế giới tập thể hiện hữu. Trong thế giới ấy có đủ chỗ cho trí tưởng tượng, và từ khi có bộ phim nhiều tập Holocaust, phim truyện Sự lựa chọn của Sophie và đặc biệt là Danh sánh Schindler, trí tưởng tượng trở nên sống động trong thế giới ấy, không những chỉ được lĩnh hội mà còn bổ sung và thêu dệt thêm. Hồi ấy trí tưởng tượng hầu như không sinh động, nó cho rằng sự sinh động ấy không phù hợp với nỗi kinh hoàng mà thế giới trại tập trung gây ra. Nó nhìn đi nhìn lại mấy bức tranh từ ảnh chụp của quân đồng minh và hồi ức của tù nhân cho đến khi chúng đông cứng thành rập khuôn.

(17) Bergen-Belsen: trại tập trung ở tỉnh Hannover (Đức).


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.