Người Giàu Nhất Thế Gian

CHƯƠNG 12. Giải trừ “những cái bẫy” trên đường đến thành công



Người đơn sơ tin cậy mọi lời nói, nhưng người khôn khéo xem xét bước đường mình. − CHÂM NGÔN 14:15 −

 

Solomon tiết lộ rằng cả trong cuộc sống cá nhân cũng như trong sự nghiệp của bạn đều có một cái bẫy có thể cản trở bạn đạt được thành công. Cái bẫy đó là sự ngây thơ. Nó có thể phục kích bất cứ ai, bất kể người đó thông minh đến đâu, được giáo dục thế nào, thành công về tài chính hay có đời sống cá nhân hạnh phúc.

Philo T.Farnsworth là một thiên tài. Khi còn đi học, sự hiểu biết về vật lý, toán học và điện tử của ông đã vượt xa cả giáo viên của mình. 19 tuổi, ông bắt đầu dồn công sức và thời gian để phát minh chiếc vô tuyến đầu tiên của thế giới. Rất nhiều nhà khoa học, kỹ sư và nhà sản xuất hàng đầu thế giới cho rằng thiết bị đó hoàn toàn không khả thi. Tuy nhiên, khi 24 tuổi, Farnsworth đã được cấp hai bằng phát minh sáng chế cho hai sản phẩm máy quay vô tuyến và máy thu hình đầu tiên.

Edward H. Armstrong, một nhà phát minh khác, đã tìm ra phương pháp khuyếch đại âm thanh, sau này trở thành cơ sở của sự truyền dẫn âm thanh được sử dụng trên radio, ti vi và điện thoại di động.

Tuy nhiên, dù họ có tư chất thiên tài và đã có những đóng góp vô giá cho hệ thống truyền thông, nhưng không ai trong số họ đạt được lợi ích bền vững từ phát minh của mình. Armstrong đã tự tử khi gần như bị phá sản. Farnsworth không nhận được một đồng nào từ hàng triệu đô la tiền phát minh sáng chế mà công ty điện tử thu lợi nhiều nhất từ phát minh của ông đã hứa hẹn.

Tại sao điều này lại xảy ra? Solomon trả lời câu hỏi này bằng Châm ngôn 14:15: “Người đơn sơ tin cậy mọi lời nói, nhưng người khôn khéo xem xét bước đường mình.” Họ đã quá ngây thơ trên thương trường. Farnsworth không đề phòng gì khi vị CEO của RCA cử Vladimir Zworykin, một nhà khoa học của công ty, đến tìm hiểu phát minh của ông. Farnsworth không chỉ tiếp đón mà còn hướng dẫn ông ta cách tạo ra một trong những thiết bị chính của phát minh. Vladimir Zworykin đã đánh cắp kỹ thuật của ông và đã được vinh danh nhiều năm sau đó với vai trò người đã phát minh ra chiếc vô tuyến. Armstrong cũng đã bị phản bội bởi David Sarnoff và RCA, một CEO và một công ty mà ông đã rất tin tưởng. Sau nhiều năm kiện tụng và gần như bị phá sản, ông đã nhảy lầu tự tử.

Cái giá của sự ngây thơ

Năm 1993, bạn tôi đã giới thiệu tôi với một tỷ phú, nhà tài trợ cho một công ty sở hữu kỹ thuật tân tiến được cấp bằng sáng chế. Tôi đã hứa sẽ đầu tư 2,5 triệu đô la vào công ty của ông. Năm 1998, một người bạn nói với tôi rằng ông ta sẽ đưa công ty ra niêm yết trong thời gian ngắn. Nghe vậy, tôi đã đầu tư 3 triệu đô la vào công ty đó. Năm 2000, người anh em họ của tôi giới thiệu tôi với một cao thủ chơi chứng khoán, người đã biến 5.000 đô la thành 14 triệu đô la chỉ trong bốn năm. Vì vậy, tôi đã đầu tư 2 triệu đô la cùng với anh ta. Ba khoản đầu tư (trị giá tổng cộng 7,5 triệu đô la) sau đó chỉ tạo ra cho tôi 200 nghìn đô la. Bạn thấy đấy, tôi đã mất 97% số tiền của mình.

Điều gì sai sót ở đây? Tôi đã tin tưởng vào trực giác của mình và vào vẻ bề ngoài của tất cả mọi người. Tôi đã vi phạm ba lời khuyên lớn nhất của Solomon và phải chấp nhận một kết cục bi thảm là phá sản. Nếu như làm theo một lời khuyên, tôi có thể đã giàu có hơn hiện tại hàng triệu đô la. Nếu làm theo cả ba lời khuyên, ngày nay số tiền 7,5 triệu đô la của tôi có thể đã lên đến gần 20 triệu đô la.

Sự ngây thơ và chỉ số IQ

Sự ngây thơ không mấy liên quan đến trí thông minh mà liên quan nhiều hơn đến cách chúng ta xử lý những tình huống cá nhân nói riêng và cuộc sống nói chung. Một người ngây thơ có xu hướng đơn giản hóa tình huống quá mức nên không nhận ra các nhân tố quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả. Như chúng ta vừa thấy, những thiên tài có thể cũng ngây thơ như người có trí tuệ ở mức trung bình. Solomon mô tả con người ngây thơ khi anh ta/cô ta không “nhìn rõ một vấn đề” trước khi lựa chọn phương pháp hành động. Hầu hết mọi người không thực hiện sự cần mẫn đúng mức vì một hay nhiều lý do. Bạn có nhận ra lý do nào trong số đó không?

Xem nhẹ vấn đề. Tất cả chúng ta đều có xu hướng tự nhiên là hướng về sự đơn giản. Chúng ta muốn hình dung ra mọi điều ngay tức khắc mà không cần phải đọc sách hướng dẫn hay làm bài tập ở nhà. Chúng ta muốn tin vào mọi người và chấp nhận những gì được nghe. Đáng buồn thay, đó chính là điều ngốc nghếch. Trong Châm ngôn 1:22, Solomon khiển trách: “Hỡi những kẻ dại dột, các ngươi yêu mến sự dại dột cho đến bao giờ? Những kẻ nhạo báng vui thích trong việc nhạo báng và những kẻ ngu dại ghét sự hiểu biết cho đến khi nào?” Đưa ra những quyết định quan trọng không phải là việc đơn giản. Luôn có các nhân tố quan trọng mà chúng ta cần tìm kiếm và xem xét.

Sự suy đoán. Trong Châm ngôn 27:1, Solomon cảnh báo rằng: “Chớ khoe khoang về ngày mai, vì con không biết ngày mai có điều gì sẽ xảy ra.” Solomon đang nói về thái độ và những quan điểm suy đoán. Chúng ta suy đoán rằng những điều kiện và cơ hội đang ở trước mặt mình ngày hôm nay sẽ vẫn như vậy trong tương lai. Chúng ta hành động dựa trên sự bốc đồng của mình và cho rằng sẽ còn có ngày mai để sửa lỗi lầm đã gây ra hôm nay. Chúng ta không nhìn thấu vấn đề trước khi ra quyết định vì nghĩ rằng có thể nhìn lại nó sau này. Tuy nhiên, sự thật là chúng ta không sống trong một thế giới “tĩnh”. Mọi thứ thay đổi từng giây, nên nếu cho rằng mình sẽ có những cơ hội, điều kiện để sống trong ngày mai như hôm nay thì chúng ta quả là ngây thơ và ngu ngốc.

Lòng tin đặt sai chỗ. Chúng ta thường đặt nhiều lòng tin vào người mà mình không hiểu rõ. Thông thường, con người ít có khả năng, ít kinh nghiệm, ít thông minh và ít trung thực hơn vẻ bề ngoài của họ. Họ luôn khoe ra những điểm tốt nhất của mình và chúng ta luôn đánh giá họ chỉ trong vài giây hay vài phút. Mỗi quyết định đầu tư sai lầm của chúng ta đều dựa trên việc xem xét vẻ ngoài của con người, tin rằng những gì họ nói là đúng. Nhiều người quá lạc quan và không đủ trình độ để đưa ra những dự báo. Trong mỗi trường hợp tôi đã gặp, tôi đều tin rằng những người khuyên tôi đều trung thực và tài năng trong những đề xuất của họ. Nếu như tôi làm theo chỉ dẫn của Solomon và nhìn thấu vấn đề, đào sâu xem xét những thành công trong quá khứ và những gì họ đang thực hiện ở hiện tại, chắc tôi đã không đặt niềm tin vào họ.

Vẻ bề ngoài tầm thường. Cách chúng ta phản ứng với một người hay một tình huống thường dựa hoàn toàn vào vẻ bề ngoài. Thoạt nhìn ban đầu, một người có thể rất lôi cuốn, cá tính, hay một cơ hội kinh doanh có thể trở nên tốt đẹp hơn mức bình thường. Nhưng vẻ ngoài hầu như không bao giờ đủ để có thể làm cơ sở đưa ra các quyết định quan trọng. Một trong những quyết định đầu tư của tôi đã bị ảnh hưởng bởi một mẫu sản phẩm mới được trao hàng loạt bằng sáng chế. Nó có vẻ là một sự đột phá về công nghệ tại thời điểm đó. Nhưng tôi đã không nhận ra là để biến hình mẫu từ phòng thí nghiệm trở thành sản phẩm được sản xuất đại trà sẽ mất nhiều thời gian và chi phí hơn dự tính. Năm 1998, công ty đã phát hành ra cổ phiếu đại chúng với giá 21 đô la/cổ phiếu. Ngày nay, giá mỗi cổ phiếu chỉ còn 17 cent. Giá phải trả cho vẻ bề ngoài quả là quá đắt!

Sự lười biếng. Xu hướng tự nhiên của con người là làm sao đạt được những gì mình muốn càng nhanh chóng, đơn giản và nhẹ nhàng càng tốt. Quá trình ra quyết định cũng như vậy. Để nhìn rõ mọi vấn đề, bạn cần nhiều nỗ lực và sáng tạo hơn là chỉ chấp nhận một câu nói hay một người qua vẻ bề ngoài. Để chiến thắng bản tính tự nhiên của mình, chúng ta phải có sự cần mẫn để đưa ra quyết định mỗi khi xem xét một cam kết quan trọng nào.

Sự thúc giục, vội vã. Khi bị đốc thúc về thời gian, chúng ta sẽ vội vã đưa ra quyết định và không có đủ thời gian nhìn nhận toàn diện vấn đề. Trong mỗi quyết định đầu tư sai lầm của mình, tôi đã được nghe rất nhiều người nói rằng, hoặc là tôi phải hành động ngay tức khắc hoặc là sẽ bỏ lỡ cơ hội nghìn vàng đang có ở trong tay. Trong Châm ngôn 21:5, Solomon cảnh báo: “Kế hoạch của người cần mẫn chắc chắn sẽ đưa đến dư dật, nhưng mọi kẻ hấp tấp sẽ đưa đến thiếu thốn.” Vội vã là một trong những biểu hiện thường gặp nhất của sự ngây thơ. Đã có bao nhiêu cuộc hôn nhân có kết cục không tốt đẹp vì một bên thúc ép bên kia làm đám cưới nhanh hơn họ mong đợi? Khi có người thúc ép bạn, bạn nên giương cao một lá cờ đỏ. Hãy hãm phanh. Đừng để bị thúc ép rồi vội vã đưa ra một quyết định quan trọng nào đó. Hãy kiên trì dành thời gian đào sâu, tìm kiếm lời khuyên và thực hiện sự cần mẫn cần thiết để có những quyết định sáng suốt.

Tầm nhìn hạn hẹp. Tầm nhìn của chúng ta thường bị hạn chế nên không dễ đưa ra quyết định đúng đắn nhất dựa trên hiểu biết và kinh nghiệm của bản thân. Solomon cảnh báo trong Châm ngôn 15:22 rằng: “Kế hoạch không thành vì thiếu sự hướng dẫn, nhưng nhờ nhiều người cố vấn nó sẽ thành công.” Đưa ra quyết định quan trọng mà không có sự hỗ trợ của những cố vấn bên ngoài không chỉ ngây thơ mà còn ngu ngốc. Bằng cách xem xét quan điểm của chuyên gia và lời góp ý của người khác, chắc chắn chúng ta sẽ mở mang được tầm nhìn và có trình độ hơn để đưa ra một quyết định.

Sự trung thực. Thật không may là một người càng trung thực thì anh ta càng có khả năng trở nên ngây thơ hơn. Tại sao lại như vậy? Người trung thực không bao giờ nghĩ về việc nói dối, trộm cắp hay lừa đảo người khác để lấy đi khoản tiền tiết kiệm cả đời của họ. Những suy nghĩ như vậy quá xa lạ đối với họ nên họ không thể tưởng tượng rằng ai đó có thể làm như vậy với mình. Pat Boone và tôi đã từng là bạn bè của nhau gần 30 năm. Chúng tôi thường đùa xem ai trong chúng tôi ngây thơ hơn. Không ai trong chúng tôi nghĩ có thể sẽ cướp khoản tiền tiết kiệm mà người khác khó khăn lắm mới có thể kiếm được. Vì vậy chúng tôi cũng không thể tưởng tượng có ai đó làm như vậy với mình. Tuy nhiên, điều này đã xảy ra rất nhiều lần với cả hai chúng tôi.

Một ví dụ khác, bố vợ tôi là một trong những người đàn ông thật thà nhất mà tôi từng biết. Là nhân viên bán hàng thành công của hãng IBM, ông đã được các chủ công ty máy tính nhỏ chào mời về làm việc. Họ nói rằng sẽ trả cho ông khoản hoa hồng cao hơn những gì ông nhận được từ IBM. Ông không có lý do nào nghi ngờ lời hứa này bởi bản thân ông không bao giờ hứa điều gì mà không giữ lời. Những người này lại rất hay đến nhà thờ của ông. Vì vậy, ông từ bỏ sự nghiệp 20 năm của mình tại IBM mà không hề suy xét kỹ lưỡng vấn đề. Ông cống hiến rất nhiều cho những người chủ mới nhưng họ không bao giờ trả cho ông mức hoa hồng như đã hứa. Bố vợ tôi đã bị sốc. Làm sao họ có thể giả dối trắng trợn như vậy? Sự trung thực đã khiến cho ông quá tin tưởng vào những người ông không hiểu rõ và không thấy được sự cần thiết phải kiểm tra gốc gác của họ.

Sự tham lam. Đôi khi chúng ta quá tin rằng bất cứ lời khuyên nào của người khác cũng có thể giúp chúng ta kiếm lời. Mỗi khi đầu tư, tôi đều muốn tin ý kiến của những người lạc quan và bỏ qua tất cả lời cảnh báo từ những người hoài nghi. Trong khi đó, các lời cảnh báo đó đều là những cơ hội nhân số tiền của tôi lên gấp nhiều lần. Sự tập trung của tôi đã bị che mờ bởi lòng tham − một yếu tố khiến tôi không thể nhìn rõ vấn đề.

Sự ngạo mạn. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự ngây thơ chính là tính ngạo mạn. Người ngạo mạn thường nghĩ họ khôn ngoan hơn bất cứ ai. Họ không cảm thấy cần phải có lời khuyên từ người khác hay phải thực hiện sự cần mẫn cần thiết. Solomon nói rằng: “Sự tự kiêu theo sau đó là sự phá hủy, và tính ngạo mạn sẽ dự báo sự trượt dốc.” Sớm hay muộn, những người ngạo mạn sẽ bị mờ mắt bởi cá tính đó của mình.

Những ưu tiên sai lầm. Có những người không xem xét kỹ vấn đề trước khi đưa ra quyết định quan trọng vì họ nghĩ sự cần mẫn thật sự không quan trọng. Họ thà dành thời gian đó xem vô tuyến, lướt web, chơi gôn, hay làm hàng trăm việc khác mang lại kết quả ít hơn. Vì họ không nhận ra cái giá tiềm ẩn của sự ngây thơ nên không bao giờ bỏ qua một thứ gì.

Phương án

Phương án xóa bỏ sự ngây thơ của Solomon là một trong những phương thuốc đơn giản nhất trong tác phẩm của ông. Ông đặt chúng ta trước thách thức “nhìn mọi vấn đề rõ ràng” trước khi đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào. Trong Chương 2, chúng ta đã xem xét việc “nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn”, tức là mang tất cả những nhân tố của sự cần mẫn vào quá trình ra quyết định của bạn. Sự cần mẫn giống như một chiếc đèn bão khổng lồ − hãy bật nó lên và bóng tối của sự ngây thơ sẽ biến mất.

Một số người sợ rằng họ sẽ xúc phạm người khác khi thực hiện sự cần mẫn. Họ sợ ai đó sẽ hỏi “Bạn không tin tôi à?” Nếu câu hỏi này cũng dành cho bạn, bạn nên trả lời rằng: Tôi chưa có lý do gì để không tin bạn cả, tôi tin vào mọi điều tôi biết về bạn. Nhưng tôi không bao giờ muốn mắc một sai lầm nào nên tôi luôn tuân theo một nguyên tắc đơn giản là nhìn nhận mọi vấn đề trước khi đưa ra những quyết định quan trọng. Bất kể người đó là ai.” Nếu người đó thật sự đáng tin cậy, họ sẽ tôn trọng sự thấu đáo của bạn và hoanh nghênh bất cứ nỗ lực cần mẫn thật sự nào của bạn.

Đừng ngây thơ khi đưa ra những lựa chọn sai lầm

Trong Châm ngôn 22:3, Solomon cảnh báo rằng: “Người khôn ngoan thấy tai họa và tránh khỏi, nhưng người ngu dại cứ đi lên và lâm nạn.” Đa phần mọi người hiếm khi rơi vào tình trạng thấy tai họa mà không tránh. Solomon nói với chúng ta rằng, người khôn luôn tìm cách tránh tai họa còn người ngây thơ vẫn tiếp tục tiến lên và lâm nạn. Trường hợp các giám đốc điều hành tại các tập đoàn Enron, Worldcom, Tuyco, Anderson và Health South là ví dụ. Họ đã thấy trước được tai họa và mỗi người trong số họ đã có sự lựa chọn. Nếu khôn ngoan, họ có thể tìm kiếm một công việc khác. Thật không may, hầu hết họ đều lựa chọn trái ngược lại. Kết quả là họ mất việc và danh tiếng. Một kết cục tệ hại cho những người đã từng được coi là thành công nhất và giỏi nhất trong thế giới doanh nhân.

Bao nhiêu người đã cảm thấy sự bất ổn trong những mối quan hệ mới khi họ bị yêu cầu làm những điều trái với lương tâm? Họ cảm thấy lương tâm hơi cắn rứt, và sau đó đứng trước sự lựa chọn nên quay lại hay sẽ tiếp tục đi. Tôi đã được một cố vấn về hôn nhân cho biết, hầu hết các nạn nhân của bạo lực gia đình đã thấy trước một hoặc nhiều biểu hiện lạm dụng về thể chất của người bạn đời của họ trước khi tiến tới hôn nhân nhưng vẫn ngây thơ giữ mối quan hệ với hy vọng thay đổi. 20 nghìn người đã thiệt mạng mỗi năm từ những vụ tai nạn do các lái xe say rượu − những người biết rõ tác hại của rượu nhưng vẫn uống − gây ra.

Có một con đường dường như là đúng đắn…

Solomon cảnh báo rằng chúng ta có thể chọn đi trên những con đường có vẻ đúng đắn nhưng cuối cùng hóa ra chúng ta lại sai lầm. Nguyên nhân vì sao? Chúng ta không mang sự cần mẫn vào trong quá trình ra quyết định. Trong Châm ngôn 14:12, ông nói: “Có một con đường dường như chính đáng cho loài người, nhưng cuối cùng là con đường sự chết.” Nếu nhìn nhận vấn đề một cách cần mẫn chắc chắn điều đó sẽ không xảy ra.

Trong Châm ngôn 14:18, Solomon nói: “Kẻ ngu dại thừa hưởng sự ngu xuẩn, nhưng người khôn ngoan được đội mão trí thức.” Nói cách khác, chỉ những ai xem xét vấn đề đúng đắn trước khi đưa ra quyết định quan trọng thì mới được mọi người coi là khôn ngoan.

Làm thế nào để có những quyết định khôn ngoan?

Đừng từ chối sự ngây thơ. Hãy chọn cách nhìn vấn đề một cách thực tế. Hãy chấp nhận xu hướng tự nhiên trong việc ra quyết định của bạn. Đó là luôn chọn con đường lười biếng và ngây thơ. Hãy nhìn vấn đề một cách chủ động và đúng bản chất trước khi bạn đưa ra quyết định quan trọng.

Tìm kiếm lời khuyên ở bên ngoài. Solomon khuyên chúng ta nên tìm kiếm lời khuyên từ bên ngoài: “Một dân tộc sẽ sụp đổ vì thiếu chiến lược nhưng nhờ nhiều cố vấn nó sẽ chiến thắng.” (Châm ngôn 11:14); “Kế hoạch không thành vì thiếu sự hướng dẫn, nhưng nhờ nhiều người cố vấn nó sẽ thành công.” (Châm ngôn 15:22) Ông còn nói “kế hoạch thành tựu nhờ cố vấn”. Hãy làm theo những lời khuyên rõ ràng và không thể chối cãi của ông.

Nếu như không có lời khuyên của các đối tác, tôi đã không bao giờ thành công trong kinh doanh. Nếu không có Tiến sỹ Gary Smalley, tôi đã không thể tận hưởng cuộc hôn nhân tuyệt vời như hiện nay. Và nếu không có lời góp ý của Solomon, tôi đã không thể đạt được thành công và hạnh phúc dài lâu.

Hãy chọn bạn và hợp tác khôn ngoan. Trong Châm ngôn 13:20, Solomon viết: “Người nào đi với người khôn ngoan sẽ khôn ngoan, nhưng làm bạn với kẻ ngu dại sẽ bị thiệt mạng.” Người bạn chọn để liên kết hay cộng tác có thể giúp bạn nhưng cũng có thể sẽ làm bạn phá sản. Bạn có thể kết bạn với bất cứ ai. Nhưng bạn nên xem xét cẩn thận về người mà bạn định gắn bó hay cộng tác. Hãy xem xét sự khôn ngoan và lòng trung thực của họ. Hãy nhạy cảm với bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ thiếu trung thực. Hãy nhìn vào những ưu tiên của họ và cách họ sắp xếp cuộc sống. Họ đối xử với cha mẹ, vợ chồng, anh chị em và con cái họ như thế nào? Họ xem trọng cái gì nhất? Đừng để bạn trở thành đồng hành của những kẻ ngốc.

Trở nên khôn ngoan là lựa chọn của bạn

Trở nên khôn ngoan là lựa chọn phải có mỗi khi bạn quyết định một việc gì quan trọng. Cho dù đó là quyết định kinh doanh, tài chính hay cá nhân, trước tiên bạn phải “nhìn rõ vấn đề”. Nếu bạn lựa chọn như vậy và áp dụng các bước chúng ta đã bàn đến, bạn sẽ có những quyết định khôn ngoan mang lại cho bạn những phần thưởng không ngờ tới. Nếu không làm thế, xu hướng tự nhiên sẽ chỉ bạn đi theo con đường của sự ngây thơ − con đường dẫn đến sự thất vọng hoặc thất bại.

Từ kiến thức đến sự khôn ngoan

  1. Hãy nêu ra hai hoặc nhiều quyết định mà bạn cho là sai lầm lớn (về cá nhân, công việc hay tài chính). Ví dụ, một vụ mua bán giá trị lớn, một quyết định đầu tư tồi, chọn sai công việc, bỏ công việc phù hợp, thất bại trong hôn nhân hay trong sự hợp tác.
  2. Nhân tố nào trong những nhân tố sau khiến bạn đưa ra những quyết định đó?
  • Xem nhẹ vấn đề;
  • Sự phỏng đoán;
  • Đặt sai lòng tin;
  • Sự lười biếng;
  • Vẻ ngoài tầm thường;
  • Sự vội vã;
  • Tầm nhìn hạn hẹp;
  • Tính trung thực;
  • Sự tham lam;
  • Tính ngạo mạn;
  • Những ưu tiên sai.
  1. Bạn đã có thể làm gì khác trong quá trình ra quyết định khiến bạn “nhìn nhận vấn đề rõ ràng” và đưa ra một quyết định tốt hơn?
  2. Einstein cho rằng những kẻ điên lặp lại sai lầm nhiều lần và hy vọng kết quả sẽ khác đi. Bạn có thể làm gì khác với các quyết định trong tương lai để chắc chắn chúng sẽ khôn ngoan chứ không phải ngốc nghếch?
  3. Liệt kê những quyết định quan trọng bạn đang phải đối mặt hoặc hy vọng nó sẽ đến trong tương lai.
  4. Đối với mỗi quyết định đó, hãy viết ngắn gọn những gì bạn sẽ làm trong quá trình ra quyết định để chắc chắn sẽ có được quyết định tốt nhất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.