Người Giàu Nhất Thế Gian

CHƯƠNG 9. Giải quyết và chiến thắng mọi xung đột



Lấy lòng một anh chị em bị xúc phạm khó hơn chiếm một thành trì kiên cố. Sự tranh chấp ấy giống như một lâu đài then cài cổng đóng. − CHÂM NGÔN 18:19 −

Xung đột và vận đen là một phần tất yếu của cuộc sống

Dù bạn không thích thì xung đột và vận đen cũng vẫn là một phần tất yếu của cuộc sống, giống như việc bạn hít thở và ăn uống vậy. Nhưng theo Solomon, xung đột và vận đen phục vụ những mục đích quan trọng trong cuộc sống của chúng ta mà các phương tiện khác không thể thay thế được. Nếu bạn biết cách giải quyết đúng đắn, hai nhân tố này sẽ đem lại kết quả tích cực và củng cố mối quan hệ của bạn ở nơi làm việc và trong gia đình. Nếu không, bạn sẽ gánh chịu hậu quả tiêu cực, hạnh phúc và thành công của bạn bị ảnh hưởng. Cố gắng khắc phục xung đột hoặc vận đen mà không có chiến lược của Solomon chẳng khác nào cố gắng đạp xe từ Florida đến Maine vào giữa mùa bão. Bạn có thể vẫn giải quyết được nhưng sẽ chịu rất nhiều áp lực và nguy hiểm. Và khả năng thất bại sẽ lớn hơn rất nhiều so với thành công.

Ai thắng, ai bại trong xung đột và vận đen?

Khi Henry Ford tranh luận với Giám đốc Công ty Detroit về định hướng phát triển công ty (sản xuất ôtô giá cao cho thị trường cao cấp hay ôtô giá rẻ bán hàng loạt ra thị trường), ông đã bị thua. Cuối cùng, ông bị sa thải. Công ty Detroit nhanh chóng thất bại và các nhà đầu tư bị thua lỗ. Trong khi đó, Henry Ford tiếp tục kinh doanh bằng cách mở Công ty Henry Ford và trở thành một trong những người giàu nhất hành tinh. Những nhà đầu tư vào công ty nhận được khoản lợi nhuận trên vốn đầu tư lên tới hơn 3.000 đô la cho một đô la bỏ ra. Vậy ai mới thật sự là người thắng cuộc trong cuộc xung đột tại Công ty Detroit? Về danh nghĩa, Henry Ford thua cuộc và dường như vị giám đốc cùng các nhà đầu tư chiến thắng. Nhưng thực tế lại hoàn toàn trái ngược.

Công ty sản xuất phim hoạt hình đầu tiên của Walt Disney bị rút ruột và gần như hủy hoại hoàn toàn vì một nhà phân phối vô đạo đức, kẻ đã ăn cắp nhân vật hoạt hình nổi tiếng nhất − chú thỏ may mắn Oswald − và thuê một trong những họa sỹ phim hoạt hình của Disney. Disney suy sụp. Kẻ phân phối nghĩ rằng mình đã thắng lớn. Nhưng sau này công ty của anh ta đã bị phá sản, còn Walt Disney sáng tạo ra một vương quốc giải trí.

Thực tế, theo thời gian, người thắng cuộc thật sự trong một cuộc xung đột không nhất thiết phải là người thắng cuộc ngay từ đầu. Tương tự như vậy, vận đen không chỉ mang lại thách thức mà cả cơ hội. Tôi suy sụp sau mỗi lần bị sa thải trong cả chín công việc tôi làm sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng nếu tôi không mất chín công việc đó thì tôi đã không có được thành công ngoài sức tưởng tượng với công việc thứ mười. Tất cả chúng ta đều gặp chung một vấn đề, đó là không nhìn trước được tương lai. Hậu quả là dù chúng ta có đưa ra quyết định về tình huống không may và xung đột trước, trong và ngay sau khi những việc đó diễn ra, thì nó vẫn có thể sai lầm. Solomon đã dạy chúng ta rằng, khi thấy được mục đích thật sự của xung đột và vận đen, chúng ta có thể nắm bắt cơ hội và cuối cùng sẽ trở thành người chiến thắng cả trong những tình huống tồi tệ nhất.

Có hai loại xung đột và vận đen. Loại thứ nhất do chúng ta tạo ra hoặc góp phần làm nảy sinh. Loại thứ hai do người khác (hoặc hoàn cảnh) tạo ra và nằm ngoài tầm ảnh hưởng hoặc kiểm soát của chúng ta. Hãy cùng xem xét loại xung đột và vận đen thứ hai.

Khi tôi đang học lớp một, cha tôi trở về nhà sau một chuyến đi thăm người chị của ông ở khu mỏ tại Arizona. Lần nào trở về nhà sau một chuyến đi, cha tôi cũng mang cho chị em tôi một bất ngờ nho nhỏ. Lần này, ông lấy một chiếc túi nhỏ từ vali của mình, đổ một nắm đá xấu xí lên bàn ăn. Tôi vô cùng thất vọng. Trông chúng chẳng khác gì những viên đá ở sân sau nhà tôi. Rồi cha chỉ cho tôi xem mỗi viên đá chứa gì: “Viên đá này có vàng, viên này có bạc, và viên này có đồng bên trong.” Tôi hỏi ông tại sao chúng không sáng và tôi không thấy vàng, bạc hay đồng ở bên trong chúng. Cha tôi trả lời: “Chúng chưa được nung qua lửa.” Ông giải thích rằng người ta phải nung những viên đá ở nhiệt độ rất lớn vì chỉ lửa mới có thể tách những kim loại đẹp đẽ từ những viên đá bao phủ xung quanh chúng.

Theo Solomon, những xung đột và vận đen xảy đến với chúng ta cũng như vậy. Chúng cũng nhằm làm tan chảy vỏ bọc bên ngoài của các tảng đá bao quanh tâm hồn và trái tim chúng ta; làm nảy sinh, tinh luyện và phát lộ tính cách ẩn giấu bên trong. Những tính cách đặc biệt chỉ có thể thể hiện thông qua phương thức này. Giống như quá trình luyện vàng hay bạc, thử thách này khiến chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn cả về cảm xúc, tâm lý và tinh thần. Những viên đá chứa vụn vàng chỉ đáng giá vài đô la một tấn. Nhưng vàng tinh luyện trị giá tới hàng trăm đô la một ounce.

Tương tự, xung đột và vận đen là quá trình nấu chảy để tạo ra hoặc tinh luyện tính cách thật sự của chúng ta và tất cả những phẩm chất mạnh mẽ trong tính cách đó: sự kiên nhẫn, lòng trắc ẩn, lòng tốt, dũng cảm, thủy chung, bền bỉ, trung thành, chính trực và tình yêu thương. Thay vì tức giận, nhụt chí hay phẫn uất vì xung đột hay vận đen, chúng ta nên nắm lấy những lợi ích và cơ hội chúng đem lại. Bởi vì không có “lửa” của xung đột và vận đen thì sẽ không có quá trình tinh luyện cho trái tim và tính cách.

Vì vậy, mỗi khi gặp vận đen, chúng ta được quyền lựa chọn: hoặc chấp nhận và trở nên nhụt chí, tức giận; hoặc kiên nhẫn và tìm kiếm lợi ích lâu dài từ vận đen này. Lựa chọn thứ nhất sẽ khiến chúng ta cảm thấy cay đắng và mất mát, còn lựa chọn thứ hai sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ và thoải mái hơn.

Tuy nhiên, hầu như mọi xung đột và vận đen đều do hành động của chúng ta mang lại. Trong suốt 20 năm cuối đời, cha tôi phải phẫu thuật tim ba lần. Ông mất ở tuổi 79 sau bảy tháng chiến đấu với bệnh phổi. Những lần phẫu thuật tim và bệnh ung thư của ông khiến cả ông và tôi đều vô cùng mệt mỏi và đau đớn. Nhưng căn bệnh đó lại là hậu quả của thói quen hút thuốc của cha tôi trong một thời gian dài.

Tôi bị sa thải khi làm công việc thứ ba do thiếu trung thành với ông chủ. Và trong hầu hết các vụ cãi vã với người khác, tôi thường là người mở màn hoặc thêm dầu vào lửa.

Xung đột mài sắc lưỡi dao cùn

Trong Châm ngôn 27:17, Solomon đã nói: “Một người rèn luyện nhân cách y người lân cận giống như sắt bén mài sắt.” Một lưỡi dao cùn không thể cắt được thứ gì. Cần phải dùng dao sắc. Mãi đến gần đây, người ta mới phát hiện ra cách mài dao sử dụng đá mài. Phương pháp này làm cọ xát và phát lửa khiến lưỡi dao sắc bén hơn. Solomon chỉ cho chúng ta cách mài giũa tính cách tương tự như vậy − thông qua tương tác gần gũi, thậm chí va chạm mạnh với những người xung quanh. Trong kinh doanh, tranh luận là cách phổ biến để tìm ra một hướng đi bất ngờ, mang tính đột phá. Gary Smalley đã nói rằng, xung đột sẽ khiến việc trao đổi thông tin và tình cảm trong hôn nhân hay các mối quan hệ khác trở nên sâu sắc hơn. Những người tìm cách chạy trốn xung đột và các trở ngại bằng mọi giá sẽ vô tình làm tổn thương các mối quan hệ của họ nhiều hơn. Một cuộc hôn nhân không cãi vã và không gặp trở ngại sẽ không bao giờ đạt được sự gắn bó sâu sắc. Chúng ta không nên coi xung đột là kẻ thù nguy hiểm mà là một công cụ cần thiết để đạt được những thành tựu tuyệt vời.

Định nghĩa lại quan niệm chiến thắng

Chúng ta giành phần thắng trong một cuộc tranh luận nhằm khiến người khác nghe theo ý của mình và làm theo những điều mình muốn. Nếu theo quan niệm này thì Giám đốc Công ty Detroit đã thắng khi áp đảo Henry Ford. Nhưng thực tế thì cả hai bên đều thiệt hại. Chiến thắng thật sự trong bất kỳ tình huống nào có nghĩa là đạt được kết quả tốt nhất có thể. Đó là điều cả hai bên đều mong muốn. Nhưng cũng có những quyết định có thể sai lầm do sự thiên vị, tham vọng chiến thắng hoặc không nhìn thấy lợi ích chung. Họ tranh luận mà không hiểu biết đầy đủ các thông tin hoặc chỉ đứng trên lập trường quan điểm cá nhân. Nói cách khác, khi Ford thuyết phục các nhà đầu tư ở Công ty Ford Motor ủng hộ tầm nhìn của ông về thị trường

  • tô giá rẻ để sản xuất hàng loạt thì ông đã chiến thắng, những nhà đầu tư cũng chiến thắng, và hàng triệu người trên toàn thế giới cũng chiến thắng. Sau này, ông đã thuyết phục mọi người rằng Ford Motor nên tiếp tục sản xuất loại xe chỉ có duy nhất một màu (đen), trong khi những nhà sản xuất khác tung ra sản phẩm với màu sắc đa dạng. Dù ông thắng trong cuộc tranh luận nhưng ông và những người khác đều thiệt hại. Công ty đứng bên bờ vực phá sản.

Sử dụng những chiến lược thông tin của Solomon trong Chương 5 và những chỉ dẫn của ông về cách giải quyết xung đột mà tôi sẽ đề cập dưới đây, chúng ta sẽ thật sự chiến thắng trong bất cứ vụ tranh luận nào. Các bên tham gia cũng giúp đỡ nhau nhiều hơn để nhìn nhận vấn đề rõ ràng hơn và đạt được kết quả tốt nhất có thể. Chiến thắng không còn là vấn đề “tôi giành được quyền” hay thuyết phục ai làm theo điều bạn muốn. Chiến thắng đem lại kết quả tối ưu cho tất cả mọi người.

Xung đột có thể đem lại lợi ích hay bất lợi phụ thuộc vào hành vi của chúng ta

Bất cứ khi nào tranh cãi với ai, dù do chúng ta khởi xướng hay chỉ là sự phản ứng lại, thì chúng ta thường tự vệ, bảo vệ quan điểm của bản thân và tấn công hoặc phản bác quan điểm của người khác. Trong hầu hết các trường hợp, đó là mục tiêu duy nhất của chúng ta. Chúng ta cũng không có nguyên tắc nào mà thường nói bất cứ điều gì xuất hiện trong đầu. Chúng ta thường làm tổn thương người khác và cũng bị tổn thương không kém. Hậu quả là mối quan hệ của chúng ta bị phá hoại tạm thời hoặc vĩnh viễn. Solomon nói rằng đây là sự ngu ngốc. Dù chúng ta bị cuốn vào cuộc cãi vã vì bất kỳ lý do gì thì cũng cần kiểm soát ngôn từ. Thay vì tấn công hoặc phản ứng lại, hãy cố gắng đạt được kết quả tốt nhất cho cả hai bên. Trong mục “Từ kiến thức đến sự khôn ngoan” ở cuối chương, Gary Smalley liệt kê danh sách những điều nên và không nên làm khi tranh cãi và giải quyết xung đột.

Nguyên nhân gây ra những xung đột phá hoại

Solomon nói với chúng ta rằng có năm nguyên nhân gây ra xung đột bất lợi hoặc mang tính phá hoại. Mỗi khi xem xét việc lôi kéo ai đó tham gia vào một vụ xung đột, chúng ta nên tự hỏi liệu có nguyên nhân nào dưới đây dẫn đến xung đột không:

  1. Sự kiêu ngạo. Châm ngôn 13:10 khẳng định: “Kiêu ngạo chỉ sinh điều cãi cọ. Khôn ngoan thuộc về người chịu nghe lời cố vấn.” Trong Chương 14, chúng ta sẽ cùng khám phá rằng tính kiêu ngạo chính là kẻ chủ mưu gây ra những rắc rối nhiều hơn bất cứ nguyên nhân nào khác. Solomon nói rằng đây chính là nguyên nhân đầu tiên gây xung đột. Vì vậy, trước khi tham gia vào bất cứ cuộc cãi vã nào, bạn hãy tự hỏi động cơ đầu tiên có phải là để duy trì hay xây dựng bản lĩnh của mình, hay chỉ để bảo vệ khi cái tôi bị tấn công. Solomon khuyên chúng ta thế nào? Hãy tìm kiếm lời khuyên từ người ngoài trước khi tham gia vào một vụ cãi vã. Theo ông, người tư vấn thường giúp bạn kiềm chế một cuộc xung đột do lòng kiêu hãnh. Tôi từng chứng kiến những cặp vợ chồng đánh nhau không vì lý do gì, và họ cũng đối xử với con cái như vậy. Solomon khuyên chúng ta không nên làm thế. Hãy tranh luận và cãi vã vì những vấn đề thật sự xứng đáng và khi xung đột là cách duy nhất để giải quyết hoặc chấm dứt cuộc tranh cãi. Bạn chỉ nên xung đột với người khác vì những lý do và nguyên nhân hợp lý chứ không phải vì tính kiêu ngạo nhỏ nhen.
  1. Sự nóng giận. Châm ngôn 15:18 nói rằng: “Kẻ nóng tính gây sự xung đột, nhưng người chậm nóng giận làm nguôi cuộc cãi vã.” Thông thường, người ta không cãi nhau vì đó là sự cần thiết mà do một bên nóng giận. Và rất nhiều lần nguyên nhân gây tức giận không liên quan gì đến cuộc cãi vã. Nếu bạn đang giận dữ, hãy kịp thời kiểm soát vấn đề trước khi những mối quan hệ quan trọng trong cuộc sống của bạn bị phá hỏng. Nếu cơn giận của người khác không thể được giải tỏa, bạn hãy tránh va chạm với họ (điều này đồng nghĩa với việc bạn phải hạn chế tiếp xúc với họ). Trong Chương 11, chúng ta sẽ cùng xem xét chỉ dẫn của Solomon để đối phó với sự tức giận.
  2. Lời nói sỗ sàng. Châm ngôn 15:1 dạy rằng: “Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận còn lời nói sỗ sàng gây ra tức giận.” Tất cả nguyên nhân châm ngòi cho một cuộc xung đột chỉ đơn thuần là một lời nói khó nghe hoặc gây tổn thương người khác. Solomon khuyên chúng ta nên kiểm soát ngôn từ và sử dụng lời nói dịu dàng để giảm căng thẳng hơn là những lời nói sỗ sàng góp phần “đổ thêm dầu vào lửa”.
  1. Phản ứng bốc đồng. Trong Châm ngôn 25:8, Solomon nói rằng: “Điều gì mắt con thấy, đừng vội đi đến tranh tụng ngay. E rằng, khi kẻ láng giềng con làm con xấu hổ, rốt cuộc con sẽ làm gì.” Hầu hết các cuộc cãi vã đều bắt đầu do bốc đồng. Người ta thường thiếu suy nghĩ trước khi gây xung đột. Solomon cảnh báo rằng một trận cãi nhau hay xung đột bắt đầu do bốc đồng dễ gây tổn thương thay vì có ích cho bạn. Chỉ dẫn của Solomon là gì? Đừng gây xung đột. Hãy ngừng lại và suy nghĩ về hướng hành động khác.
  2. Can thiệp vào xung đột của người khác. Châm ngôn 26:17 viết rằng: “Người nào đi qua đường mà xen vào chuyện cãi cọ không liên hệ đến mình, giống như nắm tai con chó.” Giúp đỡ người khác khi họ đang xung đột là một việc làm rất tự nhiên. Nhưng một điều cũng tự nhiên không kém là, nếu bạn làm như vậy thì bạn sẽ là người “bị cắn”. Đứng về phía một người để chống lại người kia khi bạn không hiểu rõ vấn đề thật sự là một tai họa. Một trong những người bạn thân thiết nhất của tôi đã bị tổn thương nặng nề vì người con trai lớn của anh. Khi biết tin này, tôi rất nóng giận và muốn cho con trai anh một trận. Nhưng một người bạn khác của chúng tôi đã khôn ngoan khuyên tôi nên đứng ngoài nếu bạn tôi hoặc con trai anh không đề nghị tôi tham gia. Vì vậy, tôi đã không can dự. Vài tháng sau, người con nhận ra lỗi của mình và xin cha tha thứ. Giờ đây, quan hệ cha con họ càng bền chặt hơn bao giờ hết. Nếu tôi xen vào cuộc xung đột của hai cha con, có thể tôi đã làm tổn hại mối quan hệ với một hoặc cả hai người. Sự tổn hại đó có thể còn kéo dài rất lâu sau khi xung đột hai cha con được giải quyết. Cho nên, ngay cả khi người ta đề nghị bạn can dự vào một cuộc xung đột của người khác thì bạn cũng cần cân nhắc. Hãy từ chối và để hai bên hiểu rằng đó thật sự không phải là việc của bạn. Đó mới là hành động đúng đắn.

Cách thức để chiến thắng trong các cuộc xung đột và vượt qua vận đen

Chúng ta đã biết ý nghĩa thật sự của chiến thắng (nghĩa là đạt được kết quả tối ưu), giờ chúng ta đã sẵn sàng xem xét lời khuyên của Solomon về cách giành thắng lợi trong các cuộc xung đột và vượt qua những tình huống không may.

Solomon đưa ra tám điều giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về việc tham gia tranh cãi và đạt được kết quả tốt nhất.

  1. Hiểu được những hậu quả của cuộc xung đột. Trong Châm ngôn 18:19, Solomon cho chúng ta biết rằng lấy lòng người bị xúc phạm khó hơn chiếm một thành trì kiên cố. Ông muốn chúng ta nhận ra hậu quả của việc tham gia vào các cuộc xung đột hay cãi vã. Nó có thể tồi tệ hơn những gì chúng ta sẵn sàng đón nhận. Khó có thể giành lại được tình bạn, niềm tin. Sự bất hòa có thể tạo ra những rào cản không thể khắc phục. Điều này không có nghĩa là chúng ta nên tránh những rào cản hợp lý mà nên cân nhắc cẩn thận hậu quả có thể xảy ra khi đưa ra quyết định.
  2. Luôn nhớ mục tiêu của bạn là “đạt được kết quả tốt nhất cho tất cả các bên tham gia”. Mục đích thật sự của các cuộc xung đột là để tình hình trở nên tốt đẹp hơn chứ không phải tồi tệ đi. Mục tiêu của chúng ta là giành được kết quả tối ưu không chỉ cho bản thân mà còn cho tất cả các bên tham gia.
  3. Xin tư vấn trước khi tham gia một cuộc xung đột. Trong Châm ngôn 20:18, Solomon nói với chúng ta rằng “kế hoạch thành tựu nhờ cố vấn”. Hiểu mục tiêu là giành được kết quả tối ưu nhất, ông khuyên chúng ta nên tìm kiếm lời khuyên khách quan từ những người ngoài cuộc trước khi quyết định. Đó là cách tốt nhất để đạt được mục đích.
  4. Không trả lời một kẻ điên theo cách của anh ta. Rất nhiều cuộc cãi vã và xung đột còn chưa chín muồi và vô cùng ngớ ngẩn. Solomon khuyên chúng ta đừng cư xử như những kẻ ngốc. Nếu ai gọi đích danh hay công kích tính cách chúng ta, đừng phản ứng bằng cách tương tự. Ông nói rằng: “Đừng trả lời một kẻ điên dựa vào sự điên rồ của anh ta, nếu không bạn cũng không khác gì anh ta cả” mà “Hãy trả lời một kẻ điên đúng với những gì sự điên rồ của anh ta xứng đáng được nhận.” Hãy tấn công và công kích quan điểm của anh ta thay vì tấn công con người anh ta. Nếu anh ta không thể tiếp thu những điều bạn nói, hãy bỏ đi, để anh ta gánh chịu hậu quả của sự điên rồ.
  1. Đừng tiết lộ thông tin bí mật. Khi chúng ta tham dự vào một cuộc cãi vã hay xung đột, chúng ta thường trích dẫn những ý kiến, cảm xúc và câu nói của người khác để củng cố quan điểm của mình. Đây là phản ứng rất tự nhiên. Solomon đã cảnh báo chúng ta trong Châm ngôn 25:9-10 rằng: “Hãy thuyết phục người láng giềng con, nhưng đừng tiết lộ bí mật của người khác. E rằng người nghe điều đó sẽ trách con, và danh tiếng con sẽ không lấy lại được.” Vi phạm bí mật riêng tư của người khác do cãi vã sẽ gây tổn hại lâu dài đến uy tín và mối quan hệ của bạn, và cuối cùng, bạn sẽ phải hối tiếc vì điều này.
  1. Đừng bao giờ kéo dài một cuộc cãi vã. Khi cãi nhau, ai cũng muốn mình là người kết thúc câu chuyện và đưa ra quan điểm cuối cùng. Solomon khuyên chúng ta kiềm chế phản ứng tự nhiên này. Trong Châm ngôn 15:1, ông nói rằng: “Lời đáp dịu dàng làm nguôi cơn giận, còn lời nói sỗ sàng gây ra tức giận.” Bằng cách nói những lời dịu dàng, tử tế và góp ý mang tính xây dựng, chúng ta có thể nhanh chóng giảm căng thẳng và xung đột. Châm ngôn 26:20 nói: “Lửa tắt vì thiếu củi, nơi nào không có nói hành, chuyện cãi cọ cũng ngưng.” Bạn càng đổ thêm dầu vào vụ cãi vã, xung đột càng trở nên nghiêm trọng và càng có khả năng gây tổn thương. Vì vậy, hãy dừng việc ngồi lê đôi mách và đừng thêm dầu vào lửa.
  1. Tặng một món quà bất ngờ. Trong Châm ngôn 21:14, Solomon nói: “Quà biếu kín đáo sẽ làm nguôi cơn giận; của hối lộ bỏ vào lòng sẽ làm nguôi cơn giận.” Từ khi đọc được châm ngôn trên, tôi đã sử dụng biện pháp này hàng chục lần và lần nào cũng mang lại hiệu quả. Một lần, đối tác cũ của tôi đã làm một việc khiến tôi buồn phiền đến mức sẵn sàng chấm dứt tình bạn với người đó. Tôi nghĩ: “Đây là giọt nước làm tràn ly. Mình không còn muốn quan hệ với anh ta nữa.” Ngày hôm sau khi đến cơ quan, tôi bất ngờ nhận được một món quà có thắt nơ đỏ rất lớn. Trong đó có một tấm thiệp nhỏ với lời lẽ giản dị: “Mình rất rất xin lỗi. Hãy tha lỗi cho mình.” Mọi giận dữ trong tôi chợt tan biến và chúng tôi lại là những người bạn thân. Tất cả chỉ nhờ một món quà cùng với một lời xin lỗi. Món quà đó có thể chỉ đơn giản là một mẩu giấy nhỏ ghi lời xin lỗi hay quan điểm của bạn về vấn đề gây xung đột mà thôi.
  1. Nhanh chóng tha thứ. Solomon nói với chúng ta rằng: “Lòng căm thù gây ra xung đột, và tình yêu xóa bỏ mọi hận thù.” Mỗi khi ai đó làm chúng ta đau lòng, chúng ta lại có một cơ hội tuyệt vời để đáp lại bằng sự tha thứ, lòng tốt và tình yêu. Không phẩm chất nào tốt đẹp hay đáng ca ngợi hơn đức tính khoan dung. Nhưng chúng ta chỉ có thể tha thứ nếu bị xúc phạm một cách bất công. Đó là lý do tại sao chúng ta nên thật lòng biết ơn, thậm chí với cả những người làm chúng ta đau lòng nhất. Càng đau khổ, chúng ta càng có cơ hội để tha thứ. Càng biết tha thứ, chúng ta sẽ càng ngay thẳng và hào phóng hơn.

Đối phó với vận đen

Solomon cung cấp cho chúng ta nhiều hiểu biết sáng suốt để sử dụng khi gặp vận đen, dù mức độ khó khăn đến thế nào.

Nhận thức rằng vận đen cũng là một phần giá trị của cuộc sống. Chỉ có vận đen mới tạo điều kiện cho chúng ta phát triển tính cách một cách tự nhiên và mạnh mẽ. Theo Châm ngôn 17:3, lò đúc để luyện bạc, lò luyện kim để luyện vàng, nhưng Chúa thử nghiệm tấm lòng con người. Không ai thích trải qua vận đen, nhưng nếu chưa từng gặp vận đen, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội phát huy sức mạnh của tính cách và tiềm năng.

Cho đến khi cha tôi qua đời, tôi mới biết cảm giác đau đớn thật sự khi mất người sinh thành ra mình. Tôi chưa bao giờ đau lòng đến thế. Tôi nhớ ông nhiều hơn nghìn lần tôi tưởng. Lần đầu tiên tôi hiểu cảm giác của những người mất cha hoặc mẹ. Trước đây, tôi chỉ biết vỗ vai và nói một vài lời hời hợt để an ủi họ. Giờ đây, tôi thật sự cảm thông với những gì họ trải qua, và tôi có thể giúp họ nhiều hơn.

Thừa nhận trách nhiệm của bạn trong tình huống không may. Nhiều khi vận đen là kết quả trực tiếp hoặc gián tiếp từ những hành động của chúng ta. Chúng ta lựa chọn sai, quyết định sai, hoặc đơn giản là không làm việc đáng ra phải làm. Khi đưa ra những quyết định đầu tư sai lầm, tôi phải thừa nhận trách nhiệm vì mình đã tham lam và ngớ ngẩn. Một số người đã lừa tôi về các cơ hội tôi có, nhưng thực tế chính tôi mới là người đưa ra quyết định. Tôi đã trải nghiệm những hậu quả mà Solomon đã cảnh báo với người đọc. Bất cứ khi nào bạn góp phần gây ra vận đen, bạn phải thừa nhận trách nhiệm của mình. Đừng chỉ đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh.

Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta cũng phải trải qua những chuyện xui xẻo không phải do mình gây nên. Trong các tình huống như vậy, điều quan trọng là chúng ta không được tự đổ lỗi cho bản thân hay cho những người không liên quan. Khi bạn tôi mất con gái vì bệnh bạch cầu, anh đã tâm sự với tôi rằng Chúa trừng phạt anh vì những tội lỗi anh gây ra trong quá khứ. Nói cách khác, anh đang tự trách mình. Solomon tin rằng đôi khi chúng ta không biết tại sao vận đen lại xảy đến. Dù thế nào, cố gắng giải thích cho sự không may đó không chỉ là một việc làm vô ích mà còn rất ngớ ngẩn.

Xem xét kỹ vận đen để rút ra bài học kinh nghiệm. Người hàng xóm của tôi mất cô con gái 15 tuổi trong thảm họa sóng thần tại Thái Lan ngày 26/12/2004. Anh đã nhận thức rõ ràng về tính hữu hạn của sự sống. Kết quả là, anh đã quyết định phải sống trọn vẹn từng ngày trong suốt quãng đời còn lại. Nhờ có tình yêu thương và lòng tốt của những người cũng bị mất người thân như anh, anh đã tích cực giúp đỡ những người tuyệt vọng khác. Khi cơn bão Katrina tàn phá vịnh Mexico, anh đã liên tục tổ chức các chiến dịch giúp đỡ cộng đồng rất hiệu quả.

Thấu hiểu tâm sự của người khác. Chúng ta thường xuyên bị vận đen làm mù quáng. Vậy bạn phải làm gì? Đây chính là tình huống Solomon khuyên chúng ta nên tìm kiếm lời khuyên từ người khác. Hãy gặp người khác và xin ý kiến của họ. Vấn đề rắc rối gì đã xảy ra? Tại sao tôi lại không nhận ra những rắc rối ấy? Tôi có mù quáng không? có nhẫn tâm không? có ngờ nghệch không? Đôi khi những người khác có thể thấy điều mà chúng ta không thấy vì chúng ta ở trong cuộc nên không thể khách quan được.

Cách tốt nhất để vượt qua vận đen

Bất cứ khi nào gặp vận đen, phản ứng tự nhiên của chúng ta là sợ hãi, thu mình lại, đầu hàng hoặc rút lui. Theo Solomon, cách hiệu quả hơn là chúng ta hãy đối mặt với nó. Trong Châm ngôn 28:1, ông nói rằng: “Kẻ ác bỏ chạy dù không ai đuổi, còn người công chính tự tin như con sư tử.” Nói cách khác, khi vận đen tới, họ sẽ không có thời gian để sợ hãi. Nếu bạn ngất xỉu vào ngày vận đen tới thì sức mạnh của bạn quá nhỏ bé. Người nào đứng vững thay vì nhụt chí thì tính cách sẽ mạnh mẽ hơn. Bạn cần có sự bền bỉ nếu bạn muốn giành được thành công phi thường. Nhưng sự kiên trì chỉ có thể phát triển sau những lần bạn gặp chuyện không may. Solomon nói rằng “một người đàn ông đích thực vấp ngã bảy lần và vẫn đứng lên”. Mỗi lần đứng dậy sau khi vấp ngã, chúng ta được luyện tập tính kiên trì − một phẩm chất và sức mạnh nâng đỡ chúng ta trong suốt cuộc đời.

Lợi ích của vận đen

Tóm lại, vận đen đem lại hai lợi ích. Thứ nhất, bạn phát triển được tính kiên nhẫn, sức mạnh, lòng dũng cảm, lòng tốt, tình yêu, tính khiêm tốn và thủy chung. Thứ hai, bạn sẽ có giá trị hơn trong mắt người khác khi họ trải qua chuyện xui xẻo. Những người được trang bị tốt nhất để giúp đỡ người khác khi họ gặp chuyện không may chính là người đã trải qua sự không may đó.

Từ kiến thức đến sự khôn ngoan

NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA GARY SMALLEY VỀ SỰ THAM GIA: NHỮNG ĐIỀU NÊN VÀ KHÔNG NÊN LÀM ĐỐI VỚI NHỮNG XUNG ĐỘT PHÁ HỎNG MỐI QUAN HỆ NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM KHI XẢY RA XUNG ĐỘT

Đừng chôn chặt trong lòng những rắc rối và nỗi đau xảy ra đối với bạn. Đừng nghĩ rằng câu trả lời cho tất cả các cuộc xung đột là lẩn tránh, hoặc chôn chặt nó bằng cách chối bỏ. Nếu như vậy, nỗi đau đó sẽ bùng phát như một căn bệnh không thể chữa khỏi, thậm chí còn trầm trọng hơn.

Đừng để xung đột gay gắt trở thành sự công kích tính cách của người đối thoại với bạn. Hãy tập trung vào vấn đề. Đừng đi chệch vấn đề bằng cách tập trung vào những điểm yếu hay tính cách của người đối thoại với bạn.

Đừng dùng những lời nhận xét, xúc phạm, hay chửi thề. Đừng châm ngòi xung đột hoặc làm cho nó dữ dội hơn. Khi bạn dùng những lời nói trên trong cuộc tranh luận, nó sẽ thay đổi hoàn toàn trọng tâm của cuộc tranh luận, khiến người đối thoại với bạn phải tự bảo vệ bản thân, hoặc đưa ra những lời biện hộ và không thể chú ý đến thực chất của vấn đề. Nó cũng sẽ khiến họ làm ngơ, bịt tai trước những lời bạn nói.

Đừng gây xung đột bằng thái độ khinh thường hay cho rằng mình là người biết tất cả. Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy đối mặt với sự xung đột bằng tinh thần của người ham học hỏi − một người cũng có những điểm yếu và có thể mắc sai lầm. Điều này rất khó thực hiện nhưng bạn phải tôn trọng người đối thoại với bạn nếu muốn họ cũng tôn trọng mình.

Đừng để cho xung đột này gây ra những xung đột khác. Cho dù bạn có muốn tranh cãi về các vấn đề khác nữa thì hãy tập trung vào vấn đề gây ra xung đột.

Đừng bao giờ sử dụng tối hậu thư hay đe dọa. Khi đó, bạn sẽ đẩy người đối thoại với bạn đến đường cùng khiến họ có thể có phản ứng rất nguy hiểm. Những phản ứng này cũng có thể đi chệch khỏi trọng tâm của vấn đề và tập trung vào sự đe dọa hay tối hậu thư.

Đừng dùng những cử chỉ bất kính hay cách giao tiếp không văn minh. Không được đảo mắt, lắc lư đầu, vỗ trán, hay bất kỳ kiểu phản ứng thô lỗ và không văn minh khác.

Đừng ngắt lời. Hãy để người đối thoại với bạn nói hết những gì họ muốn nói hay đang suy nghĩ. Chỉ tập trung vào những gì họ đang nói. Gật đầu để thể hiện rằng bạn đang tập trung lắng nghe họ. Cho họ thấy rằng bạn kiên nhẫn. Hãy kiềm chế lời nói. Điều đó chứng tỏ rằng bạn đánh giá cao người khác. Và vì bạn chăm chú lắng nghe mối bận tâm của họ nên họ sẽ tiếp thu, lắng nghe những mối bận tâm và suy nghĩ của bạn.

Đừng lên giọng. Hãy nhớ rằng những lời nói ngọt ngào sẽ làm tan cơn giận còn những lời nói khó nghe sẽ khiến cơn giận trở nên gay gắt hơn. Hãy cho họ thấy sự tôn trọng trong giọng nói của bạn.

Không bao giờ bỏ đi, rút lui, hay dập điện thoại khi cuộc xung đột chưa kết thúc. Hãy nhớ rằng, cách tốt nhất để người khác thật sự lắng nghe những gì bạn đang nói là thể hiện sự tôn trọng trong suốt cuộc nói chuyện. Rút lui, bỏ đi hay dập máy điện thoại thể hiện rằng bạn không hề tôn trọng họ. Việc này chỉ thích hợp khi người đối thoại bắt đầu có thái độ lăng mạ bạn.

GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT

Hãy dành thời gian để lấy lại khả năng kiểm soát cảm xúc của bạn. Hãy chờ cho đến khi bạn đủ bình tĩnh trước khi bước vào một cuộc tranh luận gay gắt.

Hãy chuẩn bị cho cuộc tranh luận trước khi bạn tham gia. Thay vì thái độ hùng hổ và công kích người khác, bạn hãy dành thời gian xác định rõ mục tiêu cụ thể của mình trong cuộc tranh luận. Bạn chỉ muốn giải quyết vấn đề hiện tại phải không? Bạn muốn chấm dứt thái độ hiện tại của mình hay thay thế nó bằng cách xử sự có tính xây dựng hơn? Bạn muốn sửa chữa, khuyến khích, hay trừng phạt? Bạn nên hướng cuộc tranh luận đến việc thực hiện một mục tiêu cụ thể, chứ không phải đổ thêm dầu vào lửa trong một tình huống vốn đã rất tồi tệ. Hãy vạch ra mục tiêu nếu bạn có đủ thời gian. Hãy xác định xem mình nên bắt đầu cuộc tranh luận thế nào để tránh gây ra sự phản đối dù là nhỏ nhất.

Nếu bạn chỉ có ý định phê bình người đối thoại với bạn, hãy dùng phương pháp bánh sandwich. Hãy để một lát bánh chỉ trích giữa hai lát bánh tán dương. Nghĩa là bắt đầu bằng cách nêu lên các cống hiến tích cực của người đó, sau đó hãy phê bình và kết thúc bằng những nhận xét tích cực.

Hãy sử dụng nhiều lời nhận xét tích cực và khích lệ khi giải quyết vấn đề. Mục tiêu của bạn không phải là công kích người khác, mà là cố gắng xác định và giải quyết vấn đề với thái độ xây dựng. Đưa thêm lời khích lệ và tán dương vào cuộc tranh luận sẽ khiến mọi người nghĩ rằng mục tiêu của bạn là giúp đỡ họ chứ không phải là làm tổn thương họ. Vì thế, họ sẽ dễ dàng lắng nghe, thấu hiểu và phản ứng tích cực hơn.

Hãy sẵn sàng đề nghị hay chấp nhận một giải pháp về thời gian để giải quyết vấn đề. Nói cách khác, đừng hy vọng giải quyết vấn đề ngay lập tức. Hãy sẵn sàng cùng người khác giải quyết vấn đề. Cần phải nhận ra rằng thời gian thường là yếu tố quan trọng nhất cho sự thay đổi lâu dài.

Hãy xin lời khuyên để biết cách giải quyết vấn đề. Điều này không chỉ thể hiện thái độ khiêm tốn mà còn thể hiện thiện chí của bạn trong việc nhận trách nhiệm về những hành động làm phức tạp thêm vấn đề. Mặt khác, nó cũng thể hiện bạn muốn cùng những người khác giải quyết vấn đề như một nhóm thống nhất hơn là hai phe đối lập nhau.

Nếu người đối thoại tấn công bạn, đừng trả đũa ngay lập tức. Thay vào đó, khi bị tấn công, bạn hãy đề nghị họ giải thích rõ vấn đề cho bạn. Hãy hỏi họ: “Tôi còn làm việc gì khác khiến anh/chị phiền lòng?” Hãy khẳng định với họ rằng, bạn cũng có những điểm yếu cần phải khắc phục. Điều này sẽ chứng tỏ rằng mong muốn thật sự của bạn là đạt được kết quả tốt nhất.

Nếu có thể, hãy khẳng định lại với đối phương về mong muốn củng cố và xây dựng mối quan hệ bền vững. Hãy cho họ thấy rằng lời cam kết của bạn với họ và với mối quan hệ hợp tác giữa hai bên là lý do khiến bạn quyết tâm giải quyết xung đột hay vấn đề.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.