Người Khác

CHƯƠNG 6 – NGƯỜI KHÁC



Tôi luôn tự nhủ: nhất định sẽ có lúc mình phải cho mọi người biết mình không giống như họ đang nghĩ. Nhưng rồi năm tháng cứ vô tình trôi đi. Vì mưu sinh mà tôi cứ chần chừ giữa việc nói bây giờ hay để chầm chậm một chút. Nỗi dằn vặt rằng mình là người khác cứ ngày một đè nặng lên cuộc sống tinh thần của tôi. Trớ trêu thay khi tôi quyết tâm nói rõ sự thật về mình, thì cái hình ảnh người khác ấy đã ăn quá sâu vào đám đông đến nỗi, trái với mục đích, mỗi lần như vậy tôi lại được gán thêm cho những điều càng khác xa mình.
Lần thứ nhất
Hồi đó tôi được bổ sung vào lớp trung cấp kĩ thuật mà suốt ba năm sau, thay vì học, chúng tôi chỉ làm một việc là vào rừng đào trộm sắn. Tôi nhập học muộn nên trở thành đối tượng cho người khác tò mò. Chỉ sau vài buổi tôi đã nhận ra rằng những bạn học của tôi đều là con cháu các vị danh giá, bị trượt đại học. Họ vào đây để chờ cơ hội đi nước ngoài. Hồi đó nước ngoài là Thiên đường trong hình dung của hàng triệu người. Vì thế câu hỏi: “Hắn là ai” ngay lập tức bao bọc lấy tôi. Trước đó, như đã kể, có thể do một sự nhầm lẫn hoặc đơn thuần là do một trò đùa nào đó mà tôi được gán cho những dòng lí lịch bất cứ ai cũng thèm muốn và kính nể: Con một ông lớn, cực kì có tài… Chỉ cần thế thôi cũng đủ cho hàng trăm sự thêu dệt – kết quả của những trí tưởng tượng đầy xôi thịt – bọc chặt lấy tôi. Đa số cầu thân với tôi vì vụ lợi và số này ngày một đông. Chỉ duy nhất một người quý mến tôi vô tư, tức là không định vụ lợi (hoặc giả chính nàng không hiểu vụ lợi là gì?). Nàng rất xinh và như tôi đã nói không định lợi dụng ai. Nàng hồn nhiên từ cách đi đứng, nói cười, đến những cử chỉ đầy nữ tính. Vì thế mà nàng suýt mất của quý mấy lần – ấy là do chính nàng tự nói ra như vậy. Dưới con mắt bọn đàn ông thì nàng khờ khạo và ngon mắt lắm, có lần “chỉ tí ti nữa thôi” – nàng bảo thêm. Và kể: “Anh ta ốm, sốt rét anh ạ, hay là hắn giả ốm cũng nên. Thế là chiều nào em cũng ăn cắp của bố mẹ một lạng thịt nạc – hồi đó thịt nạc quý như vàng – ninh cháo đem sang cho anh ta. Đến ngày thứ tư, khi em mang cháo sang thì thấy anh ta vẫn đang trùm chăn. Em tưởng anh ta ngỏm rồi bèn khẽ vén tấm chăn lên… thế là hắn chồm dậy kéo giật em xuống. May mà em có máu buồn nên khi có cảm giác bị cù vào bẹn thì em không sao chịu được.
Làm trò gì thế? – Em nhìn cặp lồng cháo đổ tung toé, hỏi. Hắn ta thở phì phò. Khi về, vội đi tắm em mới giật mình: chết thật, chỉ tí ti nữa…”
– Thế vì sao em lại tin anh? – Tôi hỏi.
– Chả lẽ anh không đáng tin sao? – Nàng hỏi lại. Tôi lén thở dài. Tôi thấy nàng y như thiên thần, dễ biến mất lắm. Và tôi quyết định thú thật với nàng, rằng bố tôi là ông thợ cày. Chỉ do một sự tình cờ không hiểu nổi mà tôi được gán cho thân phận của người khác. Người khác ấy tôi không biết mặt, hoặc rất có thể hắn cóc có thật trên đời, do ai đó tưởng tượng ra. Hồi đó không thiếu sự trọng vọng nhầm kẻ nào đó mà ngay hắn – kẻ được trọng vọng – cũng không biết căn nguyên từ đâu. Có thể do tướng mạo hắn, cũng có thể do lời thì thầm nào đó bị thất lạc… tóm lại nó giống như trò chơi khăm của số phận để nhạo báng lại những trò nghiêm túc dối trá của con người. Tôi nói như được ghi băng sẵn, cầu xin nàng đừng truy lí do. Nàng im lặng nghe, càng nghe càng xúc động. Nàng ôm chầm lấy tôi, hoàn toàn tin cậy, cảm giác như tôi là người nàng tìm kiếm từ lâu.
– Anh là một người đàn ông tuyệt vời, hơn cả tưởng tượng của em.
Tôi đâm hoang mang. Chẳng rõ nàng dùng từ tuyệt vời để ca ngợi điều gì ở tôi: sự trung thực hay đức tính khiêm nhường? (theo nàng). Dù theo cách cảm nhận nào của nàng thì việc nàng yêu tôi là có thật, một tình yêu đúng nghĩa và nó từng cất cho tôi cảm giác tội lỗi.
Nhưng tình yêu của chúng tôi kết thúc như một đoạn văn trữ tình bị gã biên tập tồi (cũng có thể do gã thất tình mà sinh lòng ghen tức) cắt nhầm. Trong khi tôi chỉ muốn ở đâu cũng tìm được sự yên ổn, chỉ muốn duy nhất một mình nàng bên cạnh, thì nàng cứ lôi tôi đến bất cứ chỗ nào theo nàng là sang trọng. Ở đó nàng nói nhiều về tôi hơn bất cứ ở đâu. ở đó nàng công khai cho mọi người thấy tôi là người cao quý, thích thú trước sự hằn học của đám con nhà hướng vào tôi. Những cử chỉ của nàng có lẽ duyên dáng và đoan trang lắm nếu tôi không bị ám ảnh bởi câu hỏi: Nàng đã thật hiểu về mình chưa? Có lúc tôi cảm thấy mình đang đưa chân vào cái bẫy nào đó. Hình như có kẻ biết rất rõ về tôi, đang bày ra màn hài kịch này để tôi phải nhảy múa vì nhục? Thế là chuyện xảy ra. Một hôm nàng ăn mặc rất sang trọng và đề nghị tôi cùng đi đến chỗ theo nàng “cực kì quan trọng”. Vừa nghe vậy tôi hét lên: “Em thôi ngay cái trò quỷ ấy đi. Kẻ nào bày cho em cái trò ác độc ấy?” Ngay sau đó tôi nhận ra sai lầm không thể sửa chữa của mình. Mặt nàng vốn giống như ngọn lửa bỗng bị thổi tắt phụt. Nó tắt ngấm, tắt ngầm. Có thể tôi không diễn tả đúng điều tôi chứng kiến nhưng nếu bảo rằng nàng bị chết tươi về mặt tinh thần thì hoàn toàn không phải chỉ là một cách nói.
Không gì làm cho ngọn lửa ấy cháy lên được nữa. Tôi để nàng đi, như chấp nhận sự trừng phạt, đem theo cái chết hai lần của tôi.
Lần thứ hai
Khi đó trong vỏ bọc một người khác tôi đã có danh tiếng lắm. Ngoài những thứ mọi người không ngừng gán cho, tự tôi cũng tạo được một vài thứ của riêng mình. Tôi nghiệm ra rằng loè bịp đám đông là dễ nhất. Và tôi được chọn làm biểu trưng – cái vật thường là vô giá trị nhưng vô cùng cần thiết. Nó cần thiết bởi nó có khả năng làm điểm tựa cho mọi sự dối trá, hoang tưởng. ở đâu người ta cũng đem tôi ra như một khuôn mẫu để lấy cớ trình bày những quan điểm của mình về vô số điều chẳng cần cho bất cứ ai. Tôi bị khám phá từ mọi phía. Với báo chí tôi luôn luôn là món ưa thích có thể dọn ra bất cứ lúc nào. Trong số những kẻ săn tin nhiệt tình đến trơ trẽn, tôi có thiện cảm với tay phóng viên tờ báo tỉnh. Anh ta ít vồ vập hơn cả. Anh ta có lẽ không phải là người nhặt bất cứ cái gì vớ được. Cặp mắt anh ta phảng phất chút hoài nghi của người làm gì cũng suy xét hơn là võ đoán. Nhưng tôi có thiện cảm với anh ta bởi cái ấn tượng về một người xứng đáng cho mình thú thật. Tôi đề nghị anh ta đưa vào bài viết của mình một đoạn “tự bạch” của tôi. Dù chỉ một tí ti – tôi tưởng nhớ mối tình đầu bằng cách dùng lại chữ của nàng – cũng còn hơn là không có gì. Dù chỉ một tí ti cũng cho tôi cảm giác mình không hề muốn là người khác. Nào ngờ cái “tí ti” sự thật về tôi ấy trở thành tai hoạ cho anh phóng viên. Không ai ở tòa soạn hình dung nổi mức độ nghiêm trọng của nó. Tôi nghiệm thêm được một điều: đám đông không sinh được ra ai nhưng có khả năng phi thường trong việc làm biến mất hắn ta khỏi cuộc sống. Mọi lời thanh minh đều bị coi là thách thức dư luận. Cuối cùng ông tổng biên tập đành phải cầu viện đến tôi. Nhưng khi xem xong lời khẳng định của tôi về đoạn tự bạch thì mặt ông ta co rúm lại: “Không ổn! Họ mà cắn lưỡi tự tử cho vài người thì đi tong hết. Thôi, đành thế vậy!”.
Ông tổng biên tập cho gọi cậu phóng viên đến, giọng ngậm ngùi bảo: “Thôi, cậu đành hi sinh nhé. Cũng không kém oanh liệt đâu”.
Lần thứ ba
Lần này trước khi vào chuyện, xin cho tôi được dài dòng một chút. Thực ra sống mãi trong vinh quang, danh vọng – dù là giả – người ta cũng dần dần tự thấy mình quan trọng. Mình là một nhân vật tầm cỡ, một yếu nhân – ý nghĩ này cứ thấm dần vào tôi đến nỗi tôi tự nhủ: Mình xứng đáng là vĩ nhân quá đi chứ, sao lại không?
Tôi quyết định tự nay về sau không tự vấn, không truy xét mình nữa.
Chuyện đời có thể đã cứ thế xuôi dòng. Tôi có thể cứ yên trí mà hưởng những gì trời cho mình; cho đến khi từ giã cuộc đời, cũng tức là hoàn tất một huyền thoại về mình. Ngoài Chúa ra – mà chắc gì ngài có thật – chẳng ai đủ sức, đủ thời gian, đủ dũng khí để thay đổi lại ngoại trừ thêm vào những yếu tố huyền thoại mới. Sự đời sẽ như vậy. Tôi biết chắc chắn điều này hơn cả biết về chính tôi.
Nhưng cũng bất ngờ như vở kịch đã chọn tôi làm nhân vật, tôi gặp lại anh chàng phóng viên xấu số năm xưa. Anh ta trôi dạt đến một vùng rừng núi hẻo lánh sau khi mất hết mọi cơ hội sửa chữa sai lầm của mình. Không ai tin anh ta. Mọi người nguyền rủa anh ta. Cuộc vật lộn để sống của anh ta chắc phải nhọc nhằn lắm bởi giờ đây anh ta gần như là một lão già hom hem. Tuy thế chẳng hiểu sao tôi lại nhận ra anh ta ngay khi bước vào chiếc quán xiêu vẹo bày vài lọ kẹo rẻ tiền bán cho trẻ con. Tôi chủ định lờ tịt câu chuyện cũ vì thực ra tôi không được phép nhớ lại. Giữa anh ta và đám đông ắt hẳn tôi phải chọn cái sau. Một không thể so sánh được với hàng triệu, thực tế nó không tồn tại hoặc không có ý nghĩa gì hết. Uống xong chén nước tôi đã toan đứng dậy. Nhưng một ý nghĩ chết tiệt dường như vẫn bám theo tôi suốt ngần ấy năm, nham hiểm hiện ra. Nó xoáy vào tận trung tâm não bộ của tôi câu hỏi vô cùng đơn giản: Liệu có đúng là anh ta không nhận ra tôi? Cũng chính là điều tôi vẫn kinh sợ nhất khi xuất hiện trước đám đông như một người danh giá và anh ta khi đó là kẻ vô hình đang mỉm cười chế nhạo. Tôi lén nhìn vào gương mặt lặng phắc của anh ta. Mọi sóng gió cuộc đời đều như đã ngủ yên hoặc bị dìm xuống tận đáy. Một sự thản nhiên đến mức những kẻ như tôi không chịu nổi. Tôi gần như hét lên:
– Cậu có nhận ra tôi không?
Lão chủ quán nhìn tôi như lão vẫn nhìn bầu trời mỗi buổi chiều, ngạc nhiên và có phần thích thú.
– Cậu nhận ra tôi, đúng không? Cậu đang khinh bỉ, nguyền rủa, chế nhạo tôi, đúng không?
– Thưa ông, bản quán có điều gì sơ suất, bất nhã chăng? Xin lỗi nhưng ông trông kìa…
Lão hướng tôi về phía những quả đồi vừa nổi bật lên trên nền ánh sáng đỏ khi mặt trời khuất sau chân trời. Tôi nhìn theo trong tâm trạng gần như điên loạn.
– Ông bỏ ngoài tai việc đời thật sao?
Lão chủ quán lại tỏ ra ngơ ngác:
– Ông nói sao cơ? Tôi nghiện những chiều trung du ông ạ. Chỉ tiếc mình không phải là hoạ sĩ…
Lão thở dài nhưng là tiếng thở dài của một ẩn sĩ biết cái hữu hạn của đời người. Đến lúc ấy ngay cả tôi cũng chỉ là một hư ảnh đối với lão, thuộc về cái thế giới vô cùng thảm hại.
Đó là lí do khiến khi trở về và bình tâm suy nghĩ tôi lại bị thôi thúc phải một lần dứt khoát sòng phẳng với chính mình, tức là đoạn tuyệt cuộc đời làm một người khác. Lần này tôi chọn cách thức viết hồi kí. Nó cho tôi cơ hội tự thú đầy đủ và chắc chắn nhất. Không ngờ khả năng bộc lộ cảm xúc của tôi lại khá đến thế. Mọi thứ đều như được sắp sẵn từ rất lâu rồi, nay chỉ việc bày lên giấy. Những sự kiện được kể mạch lạc, có logic rất thuyết phục về mặt tâm lí. Cuốn sách hoàn thành rất nhanh mặc dù nó hơn hai trăm trang in. Trước đó một nhà xuất bản lớn đã đánh hơi thấy và lập tức kí hợp đồng, ứng trước cho tôi một khoản tiền mà bất cứ nhà văn nào ở ta cũng thèm muốn. Khi tôi đem nộp bản thảo, đích thân ông giám đốc ra nhận. Ông ta cười hết cỡ miệng như nhà kinh doanh nhìn thấy món béo bở. Tôi xin được nói qua về nhân vật này. Trước hết ông ta là chỗ thân tình với tôi. Chúng tôi không chỉ là bạn làm ăn, là đối tác của nhau mà con có nhiều nét tính cách hợp nhau. Trong cuộc đời ông ta từng là nạn nhân do tin đồn thất thiệt nên rất sợ đám đông. Đấy là chỗ mọi cá nhân đều bị nhào nặn lại kì cho đến khi anh ta hoàn toàn vô giá trị – có lần ông bảo tôi thế. Nhưng trong nhiều năm làm giám đốc một nhà xuất bản, đám đông bình dân đã cho nhà xuất bản của ông sự lớn mạnh về tài chính. Những cuốn sách rởm thượng hạng là thứ được họ nhiệt thành chào đón. Bổn phận của những người như ông là phải cho đám độc giả của ông yên tâm họ thực sự là Thượng Đế.
– Hân hạnh! Hân hạnh! Tôi chỉ mới ngửi đã thấy dễ nuốt rồi. Bình dân chứ?
– Hoàn toàn bình dân.
Ông tiếp tôi trọng thị lắm, công khai hà hít tập bản thảo trước mặt tôi. Chỉ có điều chưa đầy ba ngày sau, vẫn là ông giám đốc nhưng lần này ông ta đi tìm tôi. Ông trách tôi ngay từ câu đầu tiên:
– Sao ông nỡ đùa ác với những người yêu quý ông như vậy. Làm sao họ chịu đựng nổi mà không quy mọi tội lỗi cho tôi.
– Tôi nói sự thật về tôi, liên quan gì đến họ?
– Sao lại không liên quan? – Ông lườm tôi. – Quá liên quan ấy chứ. Cỡ như ông đâu có thể chỉ thoả mãn ý mình. Thôi, hợp đồng coi như xí xoá, tôi gửi lại ông bản thảo.
Lần đầu tiên tôi bị từ chối nên nổi xung:
– Ông không đùa hoặc giễu cợt tôi đấy chứ?
– Không dám! Không dám! Ông phải là người hiểu tôi mới phải chứ.
– Ông có in không?
Ông giám đốc cố cười:
– Tôi nói rồi mà! Ông cứ vô tư về số tiền ứng trước đi.
– Tôi không cần tiền. Tôi muốn được tự tay cởi chiếc ách mà các ông cũng tham gia khoác vào cho tôi. Ông có hiểu không?
– Tôi chẳng hiểu ông nói gì cả. – Tay giám đốc làm bộ cau có. – Tôi chỉ muốn ông thương tôi, đừng để tôi bị ném đá.
Tôi dịu giọng:
– Thôi được, mong ông bỏ quá cho sự nóng nảy của tôi. Bây giờ tay nói chuyện nghiêm túc nhé. Sự thật về tôi không như mọi người nghĩ, mà như những gì tôi viết trong cuốn hồi kí. Nhiều năm tháng rồi tôi luôn khốn khổ về chuyện này. Nhiều người khốn khổ theo tôi. Nay tôi muốn được sống thanh thản. Đúng ra ông phải giúp tôi chứ!
Ông giám đốc ra vẻ trầm ngâm:
– Nếu quả đúng như vậy thì cũng muộn rồi ông ạ. Ông thật là người có lương tâm nhưng thôi, để cái lương tâm ấy sau này đi gặp Phật, còn bây giờ ông chỉ còn cách duy nhất là đeo cái mặt nạ son phấn ấy và cố quên đi nó là mặt giả. Mà theo tôi hình như nó cũng có khó chịu lắm đâu!
Có lẽ ông giám đốc nói thật nhưng với tôi nó cay độc hơn cả việc cứ rủa thẳng vào mặt. Hắn tìm ra cái từ mới chính xác làm sao. Đúng là chiếc mặt nạ son phấn mà tôi cứ phải đeo một cách nghiêm trang. Nhưng kẻ biết rõ sự thật đến như vậy là một kẻ đáng chết. Có lẽ do mắt tôi lồi ra mà cái bản mặt ông giám đốc bỗng nhiên bèn bẹt như mặt kẻ bị treo cổ. Nó kích thích một sự rửa nhục bằng bạo lực. Và tôi đã tặng cái bản mặt ấy trọn một sêri những trái đấm trút theo cả lòng căm thù. Máu tứa qua miệng, qua mũi lão càng kích thích tôi.
– Chết đi này! Chết đi này! Ông muốn nói thật cũng không được. Chết… chết… chết đi…
Miệng tôi rít lên the thé, chắc phải ghê rợn lắm. Tay giám đốc nằm co quắp, rúm rõ, bất thành nhân dạng. Không hiểu sao nó khiến tôi tức cười. Tôi ôm bụng cười lăn cười lộn. “Được, đã thế tao sẽ tự tử. Tao sẽ tự tử ngay bây giờ. Mặc mẹ chúng mày”.
Tôi trút ra một cách hả hê. Bất ngờ và dường như là không thể tin được, tay giám đốc bật dậy như một cái lò xo, ôm ghì lấy chân tôi.
– Đừng xỏ lá thế, tôi van ông!
– Cái gì? – Tôi hắt ông ta ra. – Bố mày thích chết chả lẽ cũng không được?
– Không được! – Giọng ông giám đốc đổi sang lạnh lùng. – Tưởng dễ thế à! Phải tiếp tục sống như vậy và đừng bao giờ giở những trò ngu ngốc ấy nữa. Sao không một sống một chết giãy ra ngay từ đầu. Nói thật nhé, ông làm cóc gì còn tí quyền nào…
Lần này thì ông ta gục hẳn.
Hôm sau khi vừa thăm ông giám đốc ở bệnh viện ra, tôi thấy mọi người đang chúi đầu vào một tờ báo. Tôi thấy hình tôi in cỡ to. Tôi vừa muốn khóc, vừa muốn cười. Quả là hết cách. Thằng chó, sao hắn nói đúng thế.
 
° ° °
 
Ngày mai, không, ngay từ giờ tôi sẽ lại phải nghiêm trang trong vai diễn mình là người khác, như một nghiệt án.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.