Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 15: HỌC “NGỮ VĂN” KHÔNG PHẢI LÀ HỌC “SÁCH GIÁO KHOA NGỮ VĂN”



Nếu không quan tâm đến việc đọc sách, chỉ ôm sách giáo khoa ngữ văn thì sau khi bước vào giai đoạn trung học, học sinh càng tỏ ra lực bất tòng tâm, cuối cùng, trong kỳ thi đại học quan trọng nhất, e rằng cũng khó có thể đạt được thành tích cao.
Mấy năm trước có một cô bé tên là Lý Lộ Kha một thời gian được mọi người chú ý. Cô bé hai lần học nhảy cóc, mười lăm tuổi đã thi đỗ vào trường Đại học Thanh Hoa, hai mươi tuổi học tiến sĩ khoa kiến trúc trường Đại học Thanh Hoa. Khi mọi người đều nhìn cô bé như nhìn thiên tài, bố cô bé lại nói rằng, con gái mình không có trí tuệ phi thường, sự khác biệt giữa cô bé và bạn bè là: Khi những đứa trẻ khác đang ra sức bỏ thời gian và công sức ra học thuộc một số sách không có gì quan trọng, cùng lắm chỉ có thể lật ra xem (chủ yếu chỉ sách ngữ văn) thì tôi đã khuyên con đi đọc những tác phẩm kinh điển như Luận ngữ, Mạnh Tử, Cổ văn quan chỉ…
Bố của Lý Lộ Kha kiên trì yêu cầu con gái đọc rất nhiều sách ngoài giờ học, cho rằng thời niên thiếu quý giá nhất nên tập trung vào việc đọc các tác phẩm kinh điển. Ông tỏ ra không hài lòng với chương trình giáo dục ngữ văn trong nhà trường hiện nay, cho rằng “Lải nhải những câu chữ không cần thiết, lãng phí quá nhiều thời gian chỉ hủy hoại cuộc đời của một con người”. Do suy nghĩ này của ông xung đột với chương trình giáo dục trong nhà trường, ông đã cho con gái nghỉ học ba lần để cô bé có thể đọc sách một cách tự do, không có gì cản trở. Lượng sách đọc khổng lồ đã đem lại cho Lý Lộ Kha một bước nhảy vọt về trí tuệ và trong học tập, khiến cô bé trưởng thành một cách rất nhẹ nhàng. Cách làm của bố Lý Lộ Kha có thể gọi là làm trái với xu thế chung, tạo nên sự đối nghịch với việc rất nhiều giáo viên và phụ huynh coi sách ngữ văn là thánh kinh học ngữ văn. Ở đây không thể không thán phục dũng khí và sự hiểu biết của ông.
Tôi đã từng đọc một cuốn sách có tên là Chúng ta nên học ngữ văn như thế nào, trong đó có hơn bảy mươi nhà khoa học, học giả văn hóa, nhà văn đương đại viết về kinh nghiệm học ngữ văn của mình ngày xưa, dựa vào năm sinh hoặc năm đi học của các tác giả, từ thập kỷ 1920, 1930 đến thập kỷ 1960, 1970, cuốn sách được chia thành bốn phần. Qua cuốn sách này tôi đã phát hiện ra một hiện tượng thú vị.
Tất cả những học giả nổi tiếng trước thập kỷ 1950 đều dành những tình cảm đẹp để nhớ lại những năm tháng học ngữ văn của mình ngày xưa. Nội dung học môn ngữ văn của họ, về cơ bản đều là những tác phẩm kinh điển được lưu truyền từ hàng trăm hàng nghìn năm nay của văn hóa Trung Hoa; gần như họ đều được gặp một hoặc một số giáo viên ngữ văn có vốn kiến thức sâu rộng, ngôn ngữ của họ được hoàn thiện, tâm hồn họ được nuôi dưỡng nhờ những năm tháng học ngữ văn đầu đời. Họ đều khẳng định rằng việc học ngữ văn trong những năm tháng đầu đời đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp và cách học làm người trong suốt cuộc đời của họ. Ví dụ, có người hỏi Viện sĩ Viện khoa học xã hội Trung Quốc Dương Thúc Tử rằng, tại sao ông lại có thể trở thành viện sĩ, có nhân tố cá nhân gì không. Viện sĩ Dương Thúc Tử đã trả lời rằng: “Một trong những nhân tố quan trọng nhất là văn hóa nhân văn, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa, ngữ văn Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng, trực tiếp hoặc gián tiếp”(1). Trái ngược với đó là một số học giả được tiếp nhận quá trình giáo dục môn ngữ văn cấp một, cấp hai, cấp ba thập kỷ 1970, 1980, họ luôn phê phán phương pháp giáo dục ngữ văn mà mình đã trải qua, cho rằng chất lượng biên soạn của sách không cao, phương pháp dạy học cũ kỹ, thiếu sự gợi mở về mặt tư tưởng. Và sở dĩ sau này họ “thành tài” là do may mắn được đọc một số cuốn sách ngoài sách giáo khoa, chính những cuốn sách này đã giúp họ(1).
Nhà văn đương đại nổi tiếng Tất Phi Vũ là người sinh ra trong thập kỷ 1960, thời gian ông học cấp một, cấp hai, cấp ba rơi vào khoảng thập kỷ 1970, 1980. Trong bài viết Giáo dục ngữ văn mà tôi được học ông nói rằng, “Nếu để tôi chấm điểm cho hoạt động giáo dục ngữ văn mà thế hệ chúng tôi đã được học, tôi sẽ không cho “điểm 0”, vì nó không được “điểm 0”, mà là điểm âm. Sở dĩ tôi nói như vậy, không hề có ý gì là cố tình gây sự chú ý. Sau khi được tiếp nhận giáo dục ngữ văn cấp một, cấp hai, cấp ba chúng tôi buộc phải bỏ ra rất nhiều công sức để giáo dục mình một lần nữa, khai sáng cho mình một lần nữa”(2).
___________________
(1) Vương Lệ biên soạn, Chúng ta nên học ngữ văn như thế nào, NXB Nhà văn, tháng 10-2002, tr.1.
(1) Vương Lệ biên soạn, Chúng ta nên học ngữ văn như thế nào, NXB Nhà văn, tháng 10-2002, tr.361-388.
(2) Vương Lệ biên soạn, Chúng ta nên học ngữ văn như thế nào, NXB Nhà văn, tháng 10-2002, tr.377.
Đối tượng mà ông phê phán là giáo dục ngữ văn hồi đó. Nhưng thời gian đã trôi qua, bao nhiêu năm rồi, giáo dục ngữ văn của Trung Quốc vẫn giữ nguyên nếp cũ. Trạng thái tồi tệ này đến bây giờ vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc.
Xét về vấn đề sắp xếp, trình bày, hiện nay môn ngữ văn cấp một vẫn áp dụng khuôn khổ logic là học phiên âm, chữ mới trước, sau đó sẽ học từ vựng, câu.
Phiên âm có cần phải đặt lên đầu tiên trong việc học ngữ văn hay không? Chữ mới có cần phải học một cách biệt lập hay không?
Ở đây có một sự suy lý logic tưởng chừng là hợp lý: Muốn đọc được bài phải nhận biết mặt chữ trước, muốn nhận biết mặt chữ thì phải học phiên âm trước – trên thực tế, logic nhìn từ bề ngoài có vẻ rất hợp lý này không phù hợp với trình tự nhận thức của trẻ em, làm ngược với thói quen học ngôn ngữ chữ viết của nhân loại. Làm đảo lộn trật tự của việc học ngôn ngữ.
Bản thân ngôn ngữ chữ viết chính là một loại công cụ, phiên âm càng chỉ là “công cụ của công cụ” – nó tương đương với cục nhựa thông mà diễn viên chơi đàn nhị hồ thỉnh thoảng sử dụng đến, nhựa thông dùng để làm mượt cung vĩ, nhưng không cần thiết phải để mỗi đứa trẻ khi mới học đàn nhị trước hết phải bỏ ra rất nhiều công sức để đi học kiến thức về nhựa thông – nhưng cái “công cụ của công cụ” này hiện giờ lại biến thành bản thân công cụ và bản thân mục đích, đến nỗi có người lại đưa ra ý kiến rằng, về sau chữ viết của Trung Quốc cần dùng “phiên âm” để thay thế toàn bộ “chữ Hán”. Cách nghĩ hoang đường này không những được ngang nhiên đưa ra mà còn gây tranh luận, thật không thể tưởng tượng nổi!
Đồng thời chúng ta còn quên rằng việc học của trẻ em cần có những đặc điểm như hình tượng, thú vị, cảm nhận tổng quát, vừa vào học là kéo chúng vào với những chữ cái, chữ mới khô khan và trừu tượng, vì thế mà trẻ phải bỏ ra rất nhiều công sức, nhưng lại không tìm được niềm vui trong học tập, chúng đã bỏ ra rất nhiều thời gian nhưng chỉ học được rất ít kiến thức.
Có một lần tôi nghe thấy học giả Vương Đông Hoa của trường Đại học Giao thông Hoa Đông đã nói một câu như thế này, tôi cảm thấy rất hay. Ông nói: Vấn đề lớn nhất của giáo dục ngữ văn của chúng ta là gì, là dùng phương pháp dạy chữ phiên âm của phương Tây để dạy chữ tượng hình của Trung Quốc. Trước đây, một năm dạy trẻ hơn hai nghìn chữ, hiện giờ đã vứt bỏ cách dạy nhận biết mặt chữ tiêu biểu của Trung Quốc trong hai nghìn năm qua, đến năm lớp ba học sinh vẫn chưa đọc hiểu được.
Đối với vấn đề lựa chọn văn bản cho sách ngữ văn, có rất nhiều tác phẩm tầm thường, không ít tác phẩm có tính tư tưởng, tính thú vị không cao nhưng lại được đưa vào sách. Hơn bảy mươi năm trước học giả Đào Hành Tri đã từng phê phán rằng: “Sách giáo khoa của Trung Quốc, không những không đưa vào những chữ hay nhất, mà còn dùng những đoạn văn đơn lẻ làm trọng tâm, mỗi bài dạy mấy chữ, truyền đạt một số kiến thức vụn vặt. Khi chúng ta đọc những cuốn tiểu thuyết như Thủy hử, Hồng lâu mộng, Những cuộc phiêu lưu của Robinson, đọc chương thứ nhất lại muốn đọc chương thứ hai, thậm chí đọc từ sáng đến tối, đọc từ đêm đến sáng, phải đọc hết một lèo mới cảm thấy đã. Sách giáo khoa lấy những đoạn văn đơn lẻ làm trọng tâm không có trình độ này”. Ông ví loại sách giáo khoa này là “loại rau” và “gạo trắng hảo hạng”, không có vitamin, “ăn vào khiến người ta mắc bệnh tê phù(1), đi lại khó khăn”(2).
Học giả Đào Hành Tri còn nói: “Có người nói, văn nhân Trung Quốc là con mọt sách. Nhưng ngay cả sức mạnh bồi dưỡng con mọt sách, sách giáo khoa cũng không có. Tại sao con mọt sách lại gặm sách, bởi vì trong sách có nhiều cái ngon, khiến nó ăn rồi lại muốn ăn tiếp. Gặm sách giáo khoa như là gặm nến, ăn lần đầu không muốn ăn lần thứ hai nữa”(3). Hiện tượng mà học giả Đào Hành Tri phê phán từ mấy chục năm về trước vẫn không được cải thiện mà còn mỗi ngày một nặng thêm.
________________
(1) Bệnh tê phù (Beriberi) là một bệnh thiếu dinh dưỡng (đặc biệt là thiếu vitamin B1)gây nên các thể bệnh: Phù kèm theo suy tim, viêm dây thần kinh. Bệnh hay gặp ở những nước dùng gạo làm lương thực chính (ND).
(2) Đào Hành Tri, Tuyển tập những bài viết về giáo dục Đào Hành Tri, NXB Giáo dục Tứ Xuyên, tháng 5-2005, tr.282.
(3) Đào Hành Tri, Tuyển tập những bài viết về giáo dục Đào Hành Tri, NXB Giáo dục Tứ Xuyên, tháng 5-2005, tr.282.
Nhà văn đương đại nổi tiếng Tôn Uất đã từng làm giáo viên cấp hai một thời gian, ông đã thực sự thất vọng về giáo dục ngữ văn của Trung Quốc thập kỷ 1970. Nhưng khi con gái ông đến tuổi đi học, một lần ông giở sách của con gái ra xem và vô cùng sửng sốt, những bài văn mà ông đã từng dạy và khiến ông cảm thấy thất vọng vẫn xuất hiện rất nhiều trong sách giáo khoa của con gái(1).
Học giả nổi tiếng, giáo sư khoa Trung văn trường Đại học Bắc Kinh Tiền Lý Quần đánh giá rằng, việc biên soạn sách giáo khoa ngữ văn của Trung Quốc cơ bản là dừng lại ở trình độ thập kỷ sáu mươi thế kỷ XX. Đây thực sự là lời đánh giá rất sắc bén.
Xét trên vấn đề dạy học, phương pháp dạy học trên lớp ở các trường phổ thông của Trung Quốc vẫn áp dụng theo lối giáo điều, máy móc như chữ mới, giải thích từ ngữ, phân tích ý nghĩa, cảm nhận tư tưởng và học thuộc rất nhiều đoạn văn hiện đại.
Những chữ nào là chữ mới, những từ nào là từ mới, đều là do sách quy định, học sinh buộc phải đi đọc, đi viết và đi nhớ những “chữ mới” và cách “giải thích từ” hết lần này đến lần khác, kể cả học sinh đã quen thuộc với những chữ này và từ này từ lâu.
Cuốn sách Tham khảo dạy học môn ngữ văn phát cho giáo viên đồng bộ với sách ngữ văn đã quy định nên phân tích từng bài như thế nào từ trước. Nhà giáo dục đương đại nổi tiếng, nhà giáo nhân dân, tiến sĩ Lý Trấn Tây đã phê phán rằng, giờ học ngữ văn hiện nay đã trở thành trường sở của chuyên chế tư tưởng, “Học Khổng Ất Kỷ chỉ có thể lý giải là lời phê phán đối với chế độ khoa cử phong kiến; học Ánh trăng hồ sen chỉ có thể hiểu đây là lời kháng nghị của Chu Tự Thanh đối với cuộc tàn sát lớn… Tâm hồn của học sinh bị xiềng xích tinh thần trói chặt, lấy đâu ra chút không gian sáng tạo nào?”(2).
_________________
(1) Vương Lệ biên soạn, Chúng ta nên học ngữ văn như thế nào, NXB Nhà văn, tháng 10-2002, tr.362.
(2) Tiền Lý Quần, Bàn về giáo dục ngữ văn, NXB Đại học sư phạm Quảng Tây, năm 2003, tr.77.
Tôi biết một số học sinh vì muốn trả lời đúng câu hỏi của giáo viên trên lớp nên đã tìm cách để có được cuốn sách tham khảo, như thế trong giờ ngữ văn trên lớp có thể trả lời “chính xác” rất nhiều câu hỏi.
Trong sách ngữ văn thường xuyên có yêu cầu học thuộc đoạn văn hiện đại. Do văn hiện đại là những thứ khẩu ngữ hóa, về câu chữ mang tính mở, không chặt chẽ như câu từ trong văn học cổ điển. Và những đoạn học sinh phải học thuộc phần lớn là những đoạn rất bình thường, không thể đạt được ngưỡng “thêm một chữ thì nhiều, bớt một chữ thì ít”, nhưng khi kiểm tra học sinh lại yêu cầu một chữ, một dấu câu cũng không được sai. Ví dụ “đánh anh ta một cái rất mạnh” không được học thuộc thành “đánh mạnh anh ta một cái” – chỉ là thay đổi vị trí cũng không được. Mỗi dấu câu đều phải nhớ thật kỹ… Mục đích của việc học thuộc chỉ là để “đúng”, chứ không phải là để cảm nhận, không phải là để khắc ghi những cái kinh điển vào trí óc và tư tưởng, chỉ là để không bị mất điểm trong bài kiểm tra. Ở đây phương pháp và mục đích đã bị đảo lộn hoàn toàn.
Xét về tố chất của người giáo viên dạy môn ngữ văn, phương pháp dạy học cứng nhắc và đơn nhất từ nhiều năm qua đã khiến cho tố chất của đội ngũ giáo viên ngữ văn tụt lùi. Tôi đã từng đích thân được nghe một vị hiệu trưởng khi bàn về vấn đề sắp xếp công việc cho một giáo viên đã nói rằng “Không dạy được cái khác, lại còn không dạy được ngữ văn ư?”.
Khi Viên Viên học cấp một, cô giáo thường xuyên nhấn mạnh, “Học ngữ văn thì phải học thuộc bài khoá, tất cả những học sinh học thuộc bài khoá, điểm thi sẽ cao”. Sau khi lên cấp hai, gặp cô giáo ngữ văn còn bất ngờ hơn. Cô giáo đó rất “tận tâm với nghề nghiệp”, thường giao cho học sinh rất nhiều bài tập về nhà, trong đó có rất nhiều bài tập vô bổ. Ví dụ coi thành ngữ “uể oải chán chường” là “chữ mới”, bắt học sinh phải tra từ điển ghi ra phiên âm của từng chữ một – đối với học sinh đã lên lớp bảy, bốn chữ này có chữ nào còn là chữ mới nữa? Một ví dụ khác là giải thích thế nào là “ho”, thế nào là “sức”, thế nào là “kiêu ngạo”, và những từ này phần lớn là không tìm được cách giải thích trong từ điển Hán ngữ, học sinh đành phải dùng các chữ phức tạp hơn để “giải thích” những từ mới này, những bài tập như thế thực sự khiến người ta phải tức đến nổ đom đóm mắt.
Tôi còn nhớ có một lần Viên Viên tỏ ra rất bực bội khi phải làm kiểu bài tập như thế, nói xem ra “ăn cơm”, “uống nước” cũng phải giải thích, và thế là chúng tôi đã đưa ra một trò chơi, cùng giải thích từ “ăn cơm” như sau: “Là quá trình dùng các dụng cụ chuyên biệt như thìa, đũa để đưa thức ăn vào miệng, dùng răng để nghiền nát, qua cổ họng rồi vào dạ dày”, sau khi giải thích, phát hiện ra càng có nhiều từ phải giải thích, ví dụ “thìa”, “thức ăn”, “dạ dày” – thực sự là “biển học vô bờ”! Chúng tôi cười đến vỡ bụng.
Xét về lượng đọc, lấy sách giáo khoa của học sinh lớp bốn, lớp năm ở Bắc Kinh làm ví dụ, một cuốn sách giáo khoa có khoảng 20.000-30.000 chữ, và lượng đọc thông thường của một học sinh lớp bốn đáng lẽ mỗi học kỳ phải đạt 800.000 đến một triệu chữ – không phải 20.000 chữ trong sách giáo khoa là những “tinh hoa được chắt lọc”, có thể đọ được với 200.000 chữ hoặc hai triệu chữ trong các cuốn sách bình thường, nó đúng là 20.000 chữ, không nhiều hơn cũng không ít hơn – Điều này cũng có nghĩa rằng, xét về lượng chữ mà học sinh cần phải đọc, lượng đọc mà sách cung cấp cho học sinh thiếu rất nhiều!
Vài năm gần đây giới giáo dục ngữ văn bắt đầu nhấn mạnh việc đọc sách ngoài giờ học của học sinh, đồng thời liệt kê ra rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Trung Quốc và nước ngoài. Nhưng hầu hết các trường và giáo viên đều coi trọng thành tích thi cử trước mắt, không coi trọng vấn đề đọc sách ngoài giờ học, về cơ bản học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba học ngữ văn đều bó hẹp trong sách giáo khoa ngữ văn. Đặc biệt là cấp một, hoạt động dạy học gần như đều xoay quanh sách giáo khoa, cái gọi là “đọc sách ngoài giờ học” chỉ là một làn gió thoảng bên tai.
Hai năm trước, trong xã hội nổi lên cuộc tranh luận về chương trình giáo dục ngữ văn cho học sinh cấp một, cấp hai, cấp ba, rất nhiều người tỏ ra không hài lòng với chương trình giáo dục ngữ văn trong nhà trường hiện nay, thậm chí có nhiều lời phê bình gay gắt. Gần như mọi người đã đạt được nhận thức chung rằng, môn ngữ văn của học sinh cấp một và cấp hai, cấp ba khó có thể đảm nhận được trọng trách “học ngữ văn”. Nhưng tranh luận xong, tình hình vẫn không có gì thay đổi, có một chút điều chỉnh, nhưng chỉ là thay nước không thay thuốc, gần như vẫn giữ nguyên hiện trạng.
Đây là một thực tế khiến người ta cảm thấy đau lòng, đất nước cổ đại với nền văn minh mấy nghìn năm, sáng tạo ra kho tàng văn hóa ngôn ngữ mà thế giới khó có thể sánh kịp. Bước vào xã hội hiện đại, khoa học giáo dục của Trung Quốc đã tiến bộ, nhưng lại càng ngày càng không biết cách học tiếng mẹ đẻ của mình.
Chương trình giáo dục ngữ văn của Trung Quốc càng ngày càng theo lối tư duy công nghiệp hóa. Chương trình dạy học và sát hạch ký hiệu hóa, kỹ thuật hóa, tiêu chuẩn hóa đã làm mất đi sức hấp dẫn thiên biến vạn hóa vốn có của bộ môn ngữ văn và tính phong phú của nó. Việc học tiếng mẹ đẻ vốn là một chuyện rất nhẹ nhàng vui vẻ, hiện giờ lại bị dị hóa, biến thành một công việc khô khan và biến dạng. Giờ học ngữ văn càng ngày càng biến thành một hoạt động gần như giày vò học sinh, thảo nào học sinh ngày càng không thích học môn ngữ văn.
Học ngữ văn rốt cục là phải học cái gì, học như thế nào mới có thể học giỏi môn ngữ văn?
Cải cách chương trình dạy học môn ngữ văn là một đề tài lớn, cần phải nghiên cứu sâu, bất kỳ cá thể nào đều không thể đưa ra câu trả lời chính xác và uy tín. Nhưng chúng ta cũng có một số kinh nghiệm hiệu quả, có thể vận dụng vào đời sống học tập hiện nay, đạt được hiệu quả rõ rệt.
Từ kinh nghiệm của rất nhiều người và qua các tài liệu có thể tổng kết, có rất nhiều yếu tố để có thể học tốt môn ngữ văn, nhưng phương thức quan trọng nhất, căn bản nhất là đọc sách, trong quá trình học ngữ văn, không có vốn kiến thức được tích lũy từ việc đọc sách là không thể được.
Nhà giáo dục người Liên Xô Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky đã từng thử áp dụng nhiều phương pháp để thúc đẩy hoạt động lao động trí óc của học sinh, ông đã rút ra kết luận rằng: Phương pháp hiệu quả nhất chính là mở rộng phạm vi đọc của trẻ(1).
_________________
(1) Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky, Lời kiến nghị với các nhà giáo, Đỗ Điện Khôn dịch, NXB Khoa học giáo dục, tái bản lần thứ nhất tháng 6-1984, tr.391.
Người có vốn đọc nghèo, chắc chắn là người có vốn ngôn ngữ nghèo, đồng thời cũng là người có lối tư duy nghèo. Nếu chúng ta muốn con học giỏi môn văn, nhưng lại coi nhẹ việc đọc sách ngoài giờ học của con, điều này giống như việc đưa cho con một chiếc thìa để bắt con uống sữa bằng thìa thay vì uống bằng cốc, hoặc thả một người vào bồn tắm để học bơi.
Hiện giờ rất nhiều trường cấp một, cấp hai, cấp ba dạy “môn đọc hiểu”, nhưng các môn này về cơ bản không phải là học sinh cầm một cuốn sách trong tay và đọc, mà là giáo viên giảng “phương pháp đọc”, học sinh “trả lời câu hỏi”. Điều này giống như việc khi một người muốn uống nước, người ngồi bên cạnh liền thao thao bất tuyệt giảng cho anh ta một đống kiến thức liên quan đến uống nước, đồng thời bắt anh ta trả lời một số vấn đề về uống nước; còn chiếc cốc đựng đầy nước lại không chịu đưa cho anh ta.
Hàng năm chính phủ Trung Quốc đều cấp nguồn kinh phí lớn để xây dựng thư viện cho các trường cấp một, cấp hai, cấp ba, nhưng thư viện của rất nhiều trường chỉ là một hộp giấy bám đầy bụi bặm đặt trên nóc trường – chỉ là có tồn tại cái đó, nhưng thực tế lại không có gì liên quan đến hoạt động dạy học của nhà trường. Học sinh luôn ở trong tình trạng “nghèo vốn đọc”, chủ đề thảo luận trong các cuộc họp của giáo viên dạy ngữ văn trong trường thường xuyên là “Làm thế nào để giảng tốt môn đọc hiểu”.
Nếu trong chương trình giáo dục của nhà trường không tạo được đủ điều kiện đọc sách cho học sinh, việc đọc sách ngoài giờ học nhất thiết phải được bù đắp ở gia đình.
Trong quá trình tiếp xúc với nhiều phụ huynh, tôi gặp không ít người có nhận thức không đầy đủ về mối quan hệ giữa việc đọc sách và học môn ngữ văn, có bậc phụ huynh thậm chí còn ngăn cản không cho con đọc sách ngoài giờ học. Họ rất quan tâm đến thành tích học tập của con, nghe có người nói đọc sách ngoài giờ học rất tốt cho việc học, liền để cho con đọc mấy ngày, nhưng đến khi con có hứng thú với việc đọc sách, bắt đầu tỏ ra say mê, thì phụ huynh lại lo ngại ảnh hưởng đến việc học hành, rồi vội kéo con về với bài vở. Những bậc phụ huynh này luôn cho rằng đọc sách ngoài giờ học không phải là học, học sách giáo khoa mới là học.
Trong trường tiểu học đúng là có hiện tượng này, một số em không bao giờ chịu đọc sách ngoài giờ học, điểm thi thường rất cao, và một số học sinh thường đọc sách ngoài giờ học thì không có thế mạnh gì nhiều trong thi cử.
Đó là do đề thi môn ngữ văn của tiểu học thông thường đều xoay quanh sách giáo khoa, trước khi thi ôn đi ôn lại nhiều lần, đúng là sẽ giúp học sinh đạt được thành tích tốt trong bài thi. Trên thực tế, thành tích của không ít em chỉ là một hiện tượng giả. Không phải các em quay bài, mà là những bài thi như thế không thể kiểm tra được “trình độ ngữ văn” đích thực của học sinh, nó chỉ kiểm tra được “trình độ học sách giáo khoa” của các em mà thôi.
Thông thường hiện tượng giả về điểm thi môn ngữ văn chỉ có thể duy trì ở giai đoạn tiểu học, sau khi bước vào giai đoạn trung học, đặc biệt là cấp ba, mối liên hệ giữa đề thi môn ngữ văn và sách giáo khoa càng ngày càng yếu, mối tương quan giữa thành tích và lượng sách đọc sẽ hiện ra.
Đề thi đại học môn ngữ văn, ngoài một số bài thơ, bài văn cổ, hầu hết nội dung không có liên quan với sách giáo khoa, về cơ bản đề thi này kiểm tra trình độ ngữ văn đích thực của học sinh – tôi không nói cách ra đề của kỳ thi đại học là hợp lý nhất, ở đây tôi không có ý định đánh giá vấn đề này, mà chỉ muốn nói rằng, nếu không quan tâm đến việc đọc sách, chỉ ôm sách giáo khoa ngữ văn thì sau khi bước vào giai đoạn trung học, học sinh càng tỏ ra lực bất tòng tâm, cuối cùng, tại kỳ thi đại học quan trọng nhất, e rằng cũng khó có thể đạt được thành tích cao. Và một học sinh có trình độ ngữ văn tốt có thể ung dung đối phó với đề thi dưới bất kỳ hình thức và ở bất kỳ trình độ nào, chắc chắn thành tích của học sinh này cũng không tồi.
Nhà giáo nhân dân nổi tiếng Nguỵ Thư Sinh khi dạy môn ngữ văn cấp ba, mặc dù trên vai phải chịu sức ép của việc thi cử, lên lớp của học sinh, nhưng ông luôn dạy hết các bài trong sách giáo khoa trong tháng đầu tiên, thời gian còn lại là tổ chức các hoạt động đọc sách và nhiều chương trình có liên quan. Ông cũng là một người rất khinh thường sách giáo khoa, nhưng lại có thể dạy cho một “lớp yếu” ở một trường bình thường đạt được thành tích vượt cả “lớp thực nghiệm” của trường điểm. Ông đã nắm bắt được vấn đề then chốt của việc học ngữ văn, việc đạt được thành tích cao cũng là lẽ đương nhiên.
Hầu hết các bậc phụ huynh và giáo viên không thể làm được như bố của cô bé Lý Lộ Kha hoặc nhà giáo nhân dân Nguỵ Thư Sinh, có đủ dũng khí và đủ khả năng để con trẻ gạt sách giáo khoa ngữ văn sang một bên để học, nhưng ít nhất chúng ta cũng không nên coi sách giáo khoa là trên hết. Trước hết phải nhận thức được rằng, học ngữ văn không phải là học sách giáo khoa ngữ văn, sau đó mới có thể mạnh dạn đưa việc đọc sách ngoài giờ học vào chương trình học của trẻ.
Lưu ý đặc biệt
Có rất nhiều yếu tố để có thể học tốt môn ngữ văn, nhưng phương pháp quan trọng nhất, căn bản nhất là đọc sách, trong quá trình học ngữ văn, không có vốn kiến thức được tích lũy từ việc đọc sách là không thể được.
Nếu trong chương trình giáo dục của nhà trường không tạo được đủ điều kiện đọc sách cho học sinh, việc đọc sách ngoài giờ học nhất thiết phải được bù đắp ở gia đình.
Trước khi thi ôn đi ôn lại nhiều lần, đúng là sẽ giúp học sinh đạt được thành tích tốt trong bài thi. Trên thực tế, thành tích của không ít em chỉ là một hiện tượng giả. Không phải các em quay bài, mà là những bài thi như thế không thể kiểm tra được “trình độ ngữ văn” đích thực của học sinh, nó chỉ kiểm tra được “trình độ học sách giáo khoa” của các em mà thôi. Thông thường hiện tượng giả về điểm thi môn ngữ văn chỉ có thể duy trì ở giai đoạn tiểu học, sau khi bước vào giai đoạn trung học, đặc biệt là cấp ba, mối liên hệ giữa đề thi môn ngữ văn và sách giáo khoa càng ngày càng yếu, mối tương quan giữa thành tích và lượng sách đọc sẽ hiện ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.