Người Mẹ Tốt Hơn Là Người Thầy Tốt

CHƯƠNG 20: GẶP MỘT “CẬU BÉ HƯ”



Kêu con, thì phải giúp con tạo dựng một cục diện hài hòa, đừng gây rắc rối cho con.
Sau khi Viên Viên nhảy cóc lên lớp bốn, việc học tập không có gì khó khăn, chẳng mấy đã quen thân được với các bạn trong lớp mới, có thêm mấy người bạn thân. Xét về tổng thể, mọi việc đều tốt. Chỉ có một chuyện khiến cô bé cảm thấy rầu rĩ, là thường xuyên bị một bạn trai trong lớp bắt nạt.
Cậu bạn này là người được gọi là “học sinh cá biệt”, ở đây tôi gọi cậu bé ấy là Tôn Tiểu Lực. Tôn Tiểu Lực ngồi bàn sau Viên Viên. Nghe nói trước đây cậu cũng bắt nạt các bạn nữ khác trong lớp, kể từ khi Viên Viên chuyển đến, liền chuyển hướng sang bắt nạt Viên Viên.
Trong giờ học Tôn Tiểu Lực thường xuyên kéo bím tóc của Viên Viên. Giờ giải lao, ném sách vở của cô bé lên một chiếc bàn khá xa của các bạn khác, thấy cô vội chạy một vòng tìm sách vở, lúc gần đến nơi, cậu ta lại chạy trước cướp mất, đặt lên một chiếc bàn khác. Thường xuyên là chuẩn bị vào học rồi, Viên Viên vẫn phải chạy như cờ lông công trong lớp để đòi sách. Có lúc giờ giải lao, Viên Viên đang chơi cùng các bạn khác, bất thình lình bị cậu ta đẩy một cái, suýt thì ngã nhào.
Viên Viên thường xuyên về nhà kêu ca với tôi, xem ra cậu bạn này khiến cô bé hơi bực mình. Bạn cùng lớp với Viên Viên nhìn thấy liền mách tội với tôi, cô ơi, bạn Tôn Tiểu Lực lớp chúng cháu hay bắt nạt Viên Viên lắm, cô đi mách cô giáo đi.
Tôi không đi gặp cô giáo, một là cảm thấy con trai vốn nghịch ngợm, không phải là chuyện gì to tát lắm, chỉ bảo Viên Viên mặc kệ bạn ấy. Hai là cảm thấy Viên Viên đã nói chuyện này với cô giáo, tôi đi nói thêm nữa, cô giáo phê bình cậu ta thêm trận nữa cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì. Tôi mong Viên Viên tự giải quyết được những chuyện như thế này, theo cảm nhận của tôi, cậu bạn này chỉ khiến Viên Viên hơi bực, về đến nhà kể với mẹ một hồi cũng không còn chuyện gì nữa, không gây tổn thương về mặt tâm lý cho con gái, chính vì thế tôi cũng không sốt sắng xuất đầu lộ diện.
Cách bắt nạt hồi lớp bốn còn không nghiêm trọng lắm, lên đến lớp năm lại có phần quá đà. Ngoài những trò xấu ngày trước, lại còn xuất hiện hành vi “quấy rối”. Có một lần Tôn Tiểu Lực gọi điện thoại đến nhà tôi, đúng lúc Viên Viên nhấc máy, cậu ta liền hét lớn một câu “Anh yêu em” trong điện thoại. Viên Viên sợ quá vội cúp máy, hậm hực ra nói với tôi, sao Tôn Tiểu Lực lại biết số điện thoại nhà mình nhỉ? Mình phải thay số điện thoại ngay thôi mẹ ạ!
Tôi bắt đầu nghiêm túc nghĩ về cậu bé Tôn Tiểu Lực này, cảm thấy cậu bé mới mười tuổi này có lẽ thực sự có một số vấn đề, một chốc một lát chưa nghĩ ra được cách phải làm như thế nào. Nhưng sau đó xảy ra một chuyện khiến tôi phải nhanh chóng hành động.
Hôm đó Viên Viên đi học về, cô bé tỏ ra rất không vui, vừa về đến nhà liền thay quần áo, gội đầu. Tôi hỏi tại sao, cô bé ậm ờ một hồi rồi mới nói với tôi một cách miễn cưỡng rằng, chiều nay chơi với các bạn ở ngoài lớp, Tôn Tiểu Lực liền đứng sau ôm chặt cô, lại còn hôn lên tóc. Đúng lúc cô giáo nhìn thấy, phê bình cậu ta một trận, và bắt đứng phạt. Xem ra chuyện này thực sự khiến Viên Viên không vui, cô bé cố gắng nhịn mới không khóc, hỏi tôi có đến gặp thầy hiệu trưởng đuổi học Tôn Tiểu Lực được hay không.
Bố Viên Viên đã không ưa cậu bé này từ lâu, lúc này mới nổi cáu nói phải đi gặp bố mẹ của cậu bé hư hỏng này, để bố mẹ đánh cho một trận. Theo trực giác của tôi, đi tìm phụ huynh của cậu bé cũng không ăn thua, bố mẹ đánh cậu ta một trận, có khi sau này cậu ta lại giở trò khác. Tôi cũng không kỳ vọng cô giáo có cách nào để giải quyết, tôi muốn tìm ra một biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề.
Tôi bảo Viên Viên, ngày mai sau khi tan học, mẹ sẽ đợi con ở cổng trường để nói chuyện với Tôn Tiểu Lực.
Ngày hôm sau tôi mua một cuốn truyện thiếu nhi Pipilu của nhà văn Trịnh Uyên Khiết, đây là cuốn sách thiếu nhi mà cả tôi và Viên Viên đều thích đọc. Đây một mặt được coi như là một món quà “hối lộ”, mặt khác là tôi muốn cậu bé đọc một chút sách. Đọc sách có tác dụng thúc đẩy phẩm chất đạo đức tốt phát triển, nhà giáo dục người Liên Xô cũ Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky nói: “Tôi tin tưởng rằng, sự tự giáo dục của thiếu niên được bắt đầu từ một cuốn sách hay”.
Tôi đến cổng trường Viên Viên đợi cô bé. Viên Viên ra rất sớm, cùng tôi đợi Tôn Tiểu Lực đi ra. Một lát sau, Viên Viên chỉ cho tôi một cậu bé ăn mặc bệ rạc, có phần lếch thếch và gọi cậu lại.
Tôi nói với cậu bé rằng tôi là mẹ của Viên Viên, muốn nói chuyện với cậu. Có thể cậu bé tưởng tôi đến để tính sổ với cậu, ánh mắt có phần sợ hãi, nhưng lập tức lại lộ vẻ thách thức, bất cần.
“Đừng sợ, cô chỉ muốn nói chuyện bình thường với cháu thôi, chúng ta nói chuyện có được không?”. Tôi ngồi xổm xuống. Nét mặt Tôn Tiểu Lực có phần kinh ngạc, nhưng thái độ đã dịu đi được một chút. Lúc này có mấy người bạn của Viên Viên kéo đến, tôi không muốn để chúng vây quanh, liền kéo Tôn Tiểu Lực đi ra phía xa, nhưng mấy em đó vẫn đi theo. Đành phải mặc kệ chúng.
Tôi nhẹ nhàng hỏi Tôn Tiểu Lực: “Cháu bảo Viên Viên là một bạn gái tốt hay bạn gái xấu?”.
Tôn Tiểu Lực trả lời: “Bạn tốt ạ”. Có phần ngượng ngùng.
Tôi hỏi: “Tốt ở điểm nào, cháu thử nói xem”.
Cậu buột miệng: “Học giỏi ạ”. Nghĩ một lát lại nói: “Không nghịch ngợm”. Rồi im lặng.
Tôi hỏi: “Còn gì nữa không?”.
Cậu ta lại nghĩ một lát, nói: “Không chửi người khác, không bắt nạt người khác”.
Tôi lại hỏi tiếp: “Thế khuyết điểm của bạn ấy là gì?”.
Tôn Tiểu Lực có vẻ ngài ngại, lí nhí nói: “Không có khuyết điểm”.
Tôi nói: “Viên Viên là bạn gái tốt, nếu như có người bắt nạt bạn ấy, thì cháu bảo như thế có đúng không?”.
Cậu ta lắc đầu.
“Thế cháu có bắt nạt bạn ấy không?”.
Tôn Tiểu Lực lại ngần ngừ một lát, lắc đầu.
Tôi mỉm cười vỗ vào tay cậu: “Đúng là một cậu bé ngoan”.
Lúc này mấy cậu bé bên cạnh tỏ ra không đồng ý, thi nhau nói, cô đừng tin bạn ấy, bạn ấy thường xuyên bắt nạt Viên Viên, bạn ấy đã hứa với cô giáo rất nhiều lần rồi, hứa xong lại tái phạm. Tôn Tiểu Lực tỏ ra không đồng ý và hơi xấu hổ.
Tôi liền nói với mấy cậu bé đó: “Trước đây Tôn Tiểu Lực đúng là như vậy, nhưng từ sau sẽ không thế nữa”. Tôi hỏi Tôn Tiểu Lực bằng giọng rất tin tưởng: “Cháu nói có đúng thế không?”. Ánh mắt Tôn Tiểu Lực liền sáng lên, rồi cậu gật gật đầu.
Trong giây phút này tôi cũng nhìn thấy được vẻ tốt bụng của cậu bé, và có cảm nhận rằng cậu bé như thế này, chắc chắn có liên quan tới phương pháp giáo dục của bố mẹ cậu, liền muốn tìm bố mẹ cậu để nói chuyện, mong có thể giải quyết triệt để vấn đề của Tôn Tiểu Lực. Thế là tôi liền hỏi: “Bố mẹ cháu công tác ở đâu, cô có thể tìm họ để nói chuyện được không? Cháu yên tâm, cô cam đoan là không mách tội đâu”. Lập tức cậu bé này liền tỏ ra rất khó xử, tinh thần vô cùng hẫng hụt.
Lúc này một em đứng bên cạnh liền nói nhỏ với tôi, cô ơi cô đừng hỏi nữa. Tôi lập tức hiểu ra có thể gia đình của Tôn Tiểu Lực có vấn đề gì đó, vội kìm lời lại, tỏ ý xin lỗi cậu, à, cô xin lỗi, không nói chuyện này nữa nhé. Tôi lấy ra cuốn Pipilu rồi nói, cuốn sách này rất hay, Viên Viên rất thích cuốn sách này, cháu có muốn đọc không?
Tôn Tiểu Lực liền gật đầu. Nhìn cuốn sách một lát, mắt lại cụp xuống.
Tôi đặt sách vào tay cậu nói, cuốn sách này cô tặng cháu, cháu mang về nhà mà đọc nhé. Ngoài ra, ở nhà Viên Viên còn rất nhiều sách hay, nếu cháu muốn đọc, có thể bảo bạn ấy mang đến cho mượn, cháu đọc hết một cuốn rồi trả lại cho bạn, sau đó lại mượn cuốn khác. Thế có được không?
Hai tay Tôn Tiểu Lực nắm chặt cuốn Pipilu, ánh mắt lấp lánh. Rồi lại gật gật đầu.
Số em học sinh vây quanh mỗi lúc một đông, tôi sợ Tôn Tiểu Lực có áp lực về tâm lý, liền nói, hôm nay chúng ta nói chuyện đến đây đã nhé? Tôn Tiểu Lực vẫn gật đầu. Dáng vẻ tỏ ra rất ngoan ngoãn, chắc chắn cậu không nghĩ rằng tôi lại giải quyết vấn đề như thế này với cậu. Tôi dẫn Viên Viên về nhà, cậu bé vừa nãy không cho tôi hỏi cơ quan của bố mẹ Tôn Tiểu Lực ghé sát tới, nói với tôi bằng giọng bí hiểm, bố của Tôn Tiểu Lực đang ở trong tù. Tôi hơi sửng sốt, sau đó nói với cậu bé đó, bố bạn ấy ở trong tù, chắc chắn trong lòng bạn ấy rất buồn, không muốn để người khác biết. Chuyện này chúng ta biết thế là được, sau này đừng nói với người khác nữa có được không? Cậu bé liền hiểu ý gật gật đầu.
Từ đó trở đi, quả nhiên Tôn Tiểu Lực không còn bắt nạt Viên Viên nữa. Một thời gian sau, tôi lại bảo Viên Viên mang cho cậu ta một cuốn truyện thiếu nhi của Trịnh Uyên Khiết. Tôi hỏi Viên Viên, Tôn Tiểu Lực có đọc hai cuốn truyện này không, cô bé nói không biết, cũng không muốn đi hỏi bạn ấy. Có lẽ là cô bé vẫn cố gắng tránh Tôn Tiểu Lực, không muốn gây chuyện với cậu bạn. Nhưng nghe Viên Viên nói hiện giờ Tôn Tiểu Lực không dám bắt nạt các bạn gái nữa, nhưng vẫn liên tục bị cô giáo phê bình vì các lý do khác. Có một lần Viên Viên vào phòng của cô giáo để nộp vở bài tập, cô giáo cho gọi mẹ của Tôn Tiểu Lực đến, mẹ cậu xem ra rất tức giận, bất ngờ đứng dậy đá con trai mấy cái.
Lúc kể chuyện này, giọng Viên Viên tỏ ra rất sợ hãi, cảnh tượng đó đối với cô thực sự là không thể tưởng tượng.
Tôi nói với Viên Viên rằng, mẹ bạn ấy làm như thế là không đúng, thực sự làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của con. Những gia đình như thế, con cái biết làm thế nào. Cái sai của bạn ấy thực ra không phải là cái sai của bạn ấy, mà là cái sai của bố mẹ bạn ấy. Chính vì thế con không nên kỳ thị bạn ấy, nếu thấy các bạn khác nói những lời kỳ thị, sỉ nhục Tôn Tiểu Lực, con cũng phải ngăn lại. Đừng coi bạn ấy là đứa trẻ hư, bạn ấy chỉ là một học sinh bình thường, hiện giờ mọi người đối xử với bạn ấy như các bạn khác, lớn lên bạn ấy mới có thể làm một người bình thường.
Sau đó tôi nghe được một câu nói trong một chương trình truyền hình về động vật, đó là những chú voi con bị tổn thương trong tâm hồn sẽ phát dục sớm, và dễ tấn công người. Điều đó có lẽ có thể giải thích tại sao đứa trẻ này lại xuất hiện những đặc điểm đó.
Tôi thấy thương cậu bé Tôn Tiểu Lực này, rất muốn giúp cậu, muốn tìm mẹ cậu nói chuyện, để thay đổi một chút phương pháp giáo dục. Nhưng mẹ cậu là người như vậy, tôi thấy hơi sợ chị ấy, không dám chắc là có thể nói chuyện được với chị ấy. Hơn nữa hồi đó công việc của tôi cũng rất bận, thường xuyên phải làm thêm giờ. Sau đó không thấy Viên Viên nhắc đến Tôn Tiểu Lực nữa, tôi cũng không nghĩ đến vấn đề này nữa. Hiện giờ nghĩ lại thấy hơi hối hận, có lẽ lúc đó tôi nên tìm mẹ cậu để nói chuyện thì tốt hơn. Hy vọng cậu bé này hiện giờ sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Sau khi học hết lớp năm, Viên Viên cùng chúng tôi rời Diêm Đài, sau đó cũng không có tin gì về cậu bé này nữa. Mong rằng cậu trưởng thành thuận lợi.
Năm 2006 tôi đọc được một chuyện thông qua một tờ báo, bố mẹ của một em gái theo học tại một trường tiểu học nọ ở Bắc Kinh, vì con gái họ có mối xung đột nhỏ với một cậu bạn trong trường, về nhà khóc kể với bố mẹ, ngày hôm sau hai vợ chồng liền đến trường tìm cậu bé này để tính sổ. Hai vợ chồng trực tiếp tìm đến chỗ cậu bé, đánh cho cậu một trận nhừ tử, khiến cậu bé thiệt mạng. Sự kiện bi thảm này khiến cả hai gia đình tan vỡ. Hai vợ chồng này, không những chôn vùi tương lai của mình, cũng khiến cô con gái mà họ hết lòng yêu thương chỉ có thể trưởng thành trong sự cô độc, không có bố mẹ làm bạn.
Lùi một bước nói, kể cả cậu bé này không chết, cách làm này của phụ huynh vẫn thật đáng trách. Đứng từ xa nói, hành vi này của họ làm sao có thể dạy con cách đối nhân xử thế? Đứng ở phạm vi gần mà nói, đến trường như thế thật mất mặt, sau này con gái họ làm sao có thể ngẩng đầu lên nhìn mọi người trong trường? Họ vừa cướp đi niềm vui của con gái trong cuộc sống trường học, vừa dạy con làm một người thích trả thù, cướp đi hạnh phúc tương lai của con gái họ.
Mỗi đứa trẻ đều có thể gặp “người bạn xấu” trong trường học, nếu phụ huynh cần phải lộ diện, mục đích có lẽ là giúp con giải quyết vấn đề, hóa giải mâu thuẫn, chứ không phải đi trả thù. Tùy theo từng đối tượng khác nhau có thể có cách xử lý khác nhau, có một giới hạn, đó là về mặt sinh lý và tâm lý đều không được làm tổn thương “kẻ địch” đó, mà phải tôn trọng đứa trẻ đó như tôn trọng con em mình. Đồng thời phải xem xét đến những biện pháp mà mình áp dụng có ảnh hưởng gì đến hành vi nhân cách của con em mình, ảnh hưởng gì đến các mối quan hệ xã giao sau này của chúng. Yêu con, thì phải giúp con tạo dựng một cục diện hài hòa, đừng gây rắc rối cho con.
Lưu ý đặc biệt
“Cái sai của bạn ấy thực ra không phải là cái sai của bạn ấy, mà là cái sai của bố mẹ bạn ấy. Chính vì thế con không nên kỳ thị bạn ấy, đừng coi bạn ấy là đứa trẻ hư, bạn ấy chỉ là một học sinh bình thường, hiện giờ mọi người đối xử với bạn ấy như các bạn khác, lớn lên bạn ấy mới có thể làm một người bình thường”.
Đọc sách có tác dụng thúc đẩy phẩm chất đạo đức tốt phát triển, nhà giáo dục người Liên Xô cũ Vasyl Olexandrovych Sukhomlynsky nói: “Tôi tin tưởng rằng, sự tự giáo dục của thiếu niên được bắt đầu từ một cuốn sách hay”.
Mỗi đứa trẻ đều có thể gặp “người bạn xấu” trong trường học, nếu phụ huynh cần phải lộ diện, mục đích có lẽ là giúp con giải quyết vấn đề, hóa giải mâu thuẫn, chứ không phải đi trả thù.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.